Các phiên họp khoáng đại cấp lục địa để bàn về Tài liệu làm việc cấp lục địa cho giai đoạn ba của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng nghị đã và đang bắt đầu từ đầu tháng hai này.
Theo tin Vatican News, Phiên họp loại này của lục địa châu Âu đã bắt đầu tại Thủ đô Prague của Cộng hòa Czech từ ngày 5 tới ngày 12 tháng 2, năm 2023, với hai trăm đại biểu tham dự.
Phiên họp dành cho châu Đại dương cũng đã khai mạc tại Suva, Fiji ngày 5 tháng 2; phiên họp dành cho Trung Đông sẽ khai mạc vào ngày 12 tháng 2 tại Beirut, Lebanon; Phiên họp của Bắc Mỹ sẽ diễn ra tại Orlando, USA, ngày 13 tháng 2; Phiên họp dành cho châu Á sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 23 tháng 2; Phiên họp dành co châu Phi sẽ diễn ra tại Addis Ababa ngày 1 tháng 3; và phiên họp dành cho châu Mỹ Latinh sẽ diễn ra tại Bogota, Colombia ngày 17 tháng 3.
Phiên họp của châu Âu được chia thành hai phần. Phần đầu, 200 đại biểu (156 của các Hội Đồng Giám Mục châu Âu, 44 do Liên hiệp các Hội Đồng Giám Mục châu Âu đích thân mời) sẽ họp để phác thảo các thách đố và khả thể của Thượng Hội Đồng. Phần hai, 39 chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục sẽ họp để lượng định các kết quả thảo luận và soạn thảo bản tổng hợp gửi về Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Một tuần trước ngày khai mạc phiên họp toàn thể cấp lục địa của châu Âu, Luke Coppen của tờ The Pillar từng quan tâm đặt câu hỏi: Khi các giám mục châu Âu nhóm họp cho thượng hội đồng về tính đồng nghị, cuộc họp sẽ không chỉ là một cuộc đối đầu?
Ông cho rằng phần lớn nó mang dáng dấp của một cuộc hòa đàm trong Giáo Hội. Một bên là các “tướng tá” hàng đầu của Giáo Hội Đức, được ngồi bên cạnh bởi những người Bỉ, Thụy sĩ và Áo. Bên kia là các Giám Mục Ba Lan, được sự ủng hộ của người Hung Gia Lợi, Bosnia và Scandinavia.
Ở giữa sẽ là những người tổ chức biến cố đầy lo lắng, nói những lời vô vị về sự cần thiết phải vượt qua sự phân cực khi tính nóng nảy gia tăng và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc, trước khi một bên cuối cùng nhường bước, để bên kia tuyên bố chiến thắng.
Nhưng đó có thực sự là cách cuộc họp sẽ diễn ra không?
Sự chia rẽ của châu Âu
Không khó để chỉ ra rằng có những khác biệt sâu sắc trong Giáo hội Châu Âu. Chỉ cần so sánh các phái đoàn Đức và Ba Lan trong cuộc họp ngày 5-9 tháng Hai.
Giáo hội Đức đang cử chủ tịch hội đồng giám mục là Đức cha Georg Bätzing, và tổng thư ký Beate Gilles, cùng với Irme Stetter-Karp và Thomas Söding, lần lượt là chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban trung ương quyền lực của người Công Giáo Đức (ZdK).
Bätzing, Stetter-Karp, và Söding là ba trong số bốn thành viên của ủy ban giám sát “Con đường Đồng nghị” của Đức, một sáng kiến gây tranh cãi kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân được chọn để thảo luận về những thay đổi sâu rộng đối với cấu trúc và giáo huấn của Giáo hội.
Họ sẽ tới ngay sau cuộc đụng độ gần đây nhất với Vatican, một thẩm quyền gần đây đã yêu cầu họ từ bỏ kế hoạch thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực gồm giáo dân và giám mục để giám sát Giáo hội địa phương.
Trong khi đó, Giáo hội Ba Lan cử một phái đoàn do Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki dẫn đầu. Tháng Hai năm ngoái, chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan đã ban hành một lá thư bày tỏ những nghi ngờ nghiêm trọng về Con đường Đồng nghị.
“Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, chúng ta không nên khuất phục trước những áp lực của thế giới hoặc những khuôn mẫu của nền văn hóa thống trị vì điều này có thể dẫn đến sự suy đồi về đạo đức và tinh thần,” ngài nói như thế với các đồng nhiệm Đức. “Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã lỗi thời, và những đòi hỏi tiêu chuẩn như bãi bỏ luật độc thân, chức linh mục cho phụ nữ, rước lễ cho những người ly dị, và chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính.”
Bätzing đã trả lời bằng một bức thư của riêng mình, có thể tóm tắt như sau: "Bạn không hiểu nó, phải không?"
Cảm thức về sự đối đầu sắp xảy ra giữa các phe phái trong Giáo hội đã được nâng cao bởi một bức thư gần đây của Vatican gửi cho các giám mục trên thế giới, lá thư này đã cố gắng trấn an các nhà lãnh đạo Giáo hội rằng họ không chỉ là những người tham gia một phần nhỏ không quan trọng trong tiến trình thượng hội đồng và rằng “chủ đề duy nhất” được đưa ra để thảo luận là tính đồng nghị (và do đó, mặc nhiên, không phải là tình trạng độc thân linh mục, linh mục nữ và chúc lành cho các cặp đồng tính.)
Các nhà lãnh đạo Đức rao bán ‘con đường đồng nghị’
Cũng Ký giả Luke Coppen của tờ The Pillar, ngày 6 tháng 2, 2023, tường trình rằng, Giám Mục Georg Bätzing và Irme Stetter-Karp đã lên tiếng trong ngày đầy đủ đầu tiên của Phiên Khoáng Đại châu Âu.
Họ kêu gọi những người tham gia phiên họp xem xét việc tiếp nhận các mục tiêu của “Con đường đồng nghị” gây tranh cãi của đất nước họ.
Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức (ZdK), nói với các đại biểu tại cuộc họp ở Prague vào ngày 6 tháng 2 rằng Giáo hội cần thay đổi cơ cấu để đáp ứng với việc lạm dụng có hệ thống.
Phát biểu trong ngày đầu tiên của cuộc họp, họ nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Đức muốn theo đuổi những cải cách trong tình hiệp nhất với người Công Giáo ở các nước châu Âu khác, hơn là đi theo “con đường đặc biệt” (Sonderweg) mà các nhà phê bình cho rằng có thể dẫn đến ly giáo.
Giám mục Bätzing cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu Con đường Đồng nghị vào năm 2019 vì một cuộc điều tra khoa học về lạm dụng trong Giáo hội của chúng tôi cho chúng tôi thấy: Có tội lỗi cá nhân nghiêm trọng; quá nhiều giáo sĩ đã lạm dụng quyền lực của họ và những người chịu trách nhiệm, nhất là các giám mục, đã che đậy những hành vi sai trái. Nhưng cũng có những nguyên nhân mang tính hệ thống của việc lạm quyền. Chúng ta không thể bác bỏ chúng. Chúng tôi quyết tâm rút ra những hậu quả: thiêng liêng và cấu trúc.”
“Hoàn cảnh trong đó chúng ta sống ở châu Âu rất khác. Chúng ta cần những câu trả lời có tính thuyết phục về cách chúng ta có thể tái khám phá và loan báo Tin Mừng trong những tình huống này. Nhưng chúng ta không được chọn những con đường đặc biệt. Chúng ta cùng nhau bước đi trên con đường mà Thánh Thần Thiên Chúa vốn hướng dẫn Giáo hội của chúng ta: ở nhiều nơi, với nhiều người, dưới nhiều hình thức. Đó là một kairos [thời điểm thuận lợi] của Giáo hội để khám phá và định hình tính đồng nghị của nó.”
Bätzing sau đó vạch ra sáu ưu tiên, để trả lời một câu hỏi trong Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (DCS), bản văn làm việc cho giai đoạn hiện tại của tiến trình đồng nghị hoàn cầu, “trực giác nào cộng hưởng mạnh mẽ nhất với kinh nghiệm sống và thực tế” của Giáo hội địa phương.
Vị giám mục người Đức cho biết: “Chúng tôi nghe nói rằng phụ nữ mong muốn được tham gia và tham gia nhiều hơn - và đây là mối quan tâm của toàn thể Giáo hội. Chúng tôi nghe nói rằng các tín hữu muốn có tiếng nói khi công việc của họ được cân nhắc và quyết định. Chúng tôi nghe nói rằng các hình thức mới đang được tìm kiếm để định hình chức vụ linh mục.”
“Chúng tôi nghe nói rằng việc củng cố phong trào đại kết là mối quan tâm chân thành của toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi nghe nói rằng Giáo hội nên cởi mở với những người có lối sống không phù hợp với các quy tắc của Sách Giáo lý, bao gồm cả những người đồng tính luyến ái.”
Ngài nói thêm: “Chúng tôi nghe và hiểu những lo ngại này. Tôi đích thân chia sẻ chúng. Tôi coi nhiệm vụ của mình trong tư cách chủ tịch hội đồng giám mục Đức là đưa chúng vào tiến trình hoàn cầu nhằm đổi mới Giáo hội”.
Trong bài phát biểu của mình, Irme Stetter-Karp lưu ý rằng một “cuộc chiến giết người” đang hoành hành ở châu Âu.
Bà ta nói “Ở Prague, chúng ta cần một dấu hiệu của tình liên đới với các nạn nhân của chiến tranh, một dấu hiệu của hy vọng hòa bình. Chúng ta cần nó không chỉ ở dạng tuyên bố. Chúng ta cần nó theo cách chúng ta là Giáo hội”.
“Chúng ta cần có những cách để chân thành thú nhận tội lỗi của mình và củng cố sự hợp nhất của chúng ta. Chúng ta cần những cách để đạt được bình đẳng phái tính. Chúng ta cần những cách để chào đón mọi người. Mục tiêu của chúng ta là vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và củng cố trách nhiệm chung của chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta không cần sự độc dạng. Chúng ta cần sự hợp nhất trong đa dạng. Chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm câu trả lời tốt nhất.”
Bà kêu gọi người Công Giáo thừa nhận sự lạm dụng có hệ thống: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ: Tính đồng nghị phải bắt đầu 'từ bên dưới', luôn luôn mới mẻ; chỉ khi đó mới có ‘tính đồng nghị từ trên cao’. Các giám mục chịu trách nhiệm lãnh đạo: không đơn độc, nhưng cùng nhau, hiệp nhất với toàn thể dân Chúa”.
Vatican đã nhiều lần can thiệp vào Con đường Đồng nghị của Đức, một sáng kiến kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân được chọn để thảo luận về bốn chủ đề — quyền lực, chức linh mục, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục — sau một cuộc khủng hoảng lạm dụng tàn khốc.
Trong lần can thiệp mới nhất vào tháng trước, các Hồng Y cao cấp của Vatican đã nói với những người tổ chức Con đường Đồng nghị rằng họ không có thẩm quyền thành lập một cơ quan thường trực gồm giáo dân và giám mục để giám sát Giáo hội ở Đức.
Con đường Đồng nghị cũng đã bị chỉ trích bởi các giám mục ở các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Ba Lan và các nước Bắc Âu, một số người cũng đang tham dự cuộc họp ở Prague.
Tổng thư ký Thượng Hội Đồng lên tiếng
Phiên họp hôm thứ Hai bắt đầu với Thánh lễ do Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10, cử hành.
Sau đó, đại hội đã nghe các bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Jan Graubner của Prague, Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE), và Đức Hồng Y Mario Grech, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng.
Đức Hồng Y Grech bảo vệ tiến trình thượng hội đồng chống lại những cáo buộc rằng nó làm suy yếu các giám mục, chủ đề của một bức thư gần đây từ những người tổ chức thượng hội đồng.
Ngài nói: “Tôi hiểu rằng có những cách giải thích về tính đồng nghị nhằm đặt dân Chúa chống lại phẩm trật, cảm thức đức tin chống lại Huấn Quyền; cùng một cách như thế, có những cách giải thích về tính hợp đoàn chống lại quyền tối hậu. Đây là những tầm nhìn đã chi phối mạnh mẽ thời kỳ đầu hậu công đồng, khi phạm trù dân Chúa được sử dụng theo nghĩa ý thức hệ, như một biểu ngữ của một Giáo hội ‘từ bên dưới’”.
“Đó không phải là cách Thượng hội đồng đang diễn ra. Ngược lại, quyết định buộc việc tham vấn với dân Chúa trong các Giáo hội địa phương đáp ứng mong muốn không những cổ vũ dân Chúa như là chủ thể của tiến trình đồng nghị, mà còn bảo vệ chức năng thích hợp của các giám mục. Có một điều chắc chắn: không thể có một Giáo hội đồng nghị trong cấu trúc mà lại không phải là một Giáo hội có tính phẩm trật trong cấu trúc”.
Mauricio López Oropeza, điều hợp viên của lực lượng đặc nhiệm của Ban thư ký Thượng hội đồng cho giai đoạn châu lục, đã nói về phương pháp của phiên họp và nhà triết học người Séc Đức Ông Tomáš Halík đưa ra một “dẫn nhập tâm linh”.
Tiếp theo là 13 bài phát biểu của các phái đoàn quốc gia, theo thứ tự bảng chữ cái, bắt đầu là Albania.
Phái đoàn Áo nhấn mạnh đến tính đa dạng
Phát biểu tiếp theo là phái đoàn Áo, do chủ tịch hội đồng giám mục là Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner dẫn đầu, người đã nhấn mạnh rằng Giáo hội, trong căn bản, vừa có tính đồng nghị vừa có tính phẩm trật, và không nên có người thắng kẻ thua trong quá trình đưa ra quyết định.
“Bản lập trường” của phái đoàn Áo ghi nhận những căng thẳng trong Giáo hội.
Bản trên nói rằng, “Có sự khác biệt rõ ràng giữa các lục địa và khu vực, đặc biệt là giữa các Giáo Hội địa phương ở Tây và Đông Âu. Mong muốn về một Giáo hội ‘hòa nhập’ căng thẳng với mong muốn không thay đổi các cấu trúc và tín lý của Giáo hội. Căng thẳng là điều hiển nhiên giữa giáo sĩ và giáo dân.”
“Việc giải thích ‘các dấu hiệu của thời đại’ là không đồng nhất: Một số bày tỏ lo ngại về việc thích nghi với ‘Zeitgeist’ [não trạng thời đại] và phát hiện ra một ‘sự quay vòng của Giáo hội xung quanh chính nó’, trong khi đối với những người khác, ‘aggiornamento’ [cập nhật] đang diễn ra quá chậm”.
Sau bữa trưa, những người tham gia chia thành 14 nhóm thảo luận gồm 12 đại biểu theo “ngôn ngữ, quốc gia và tình trạng hôn nhân,” trước khi trở lại hội trường chính để chia sẻ suy nghĩ của họ.
Kỳ sau: Đức Tổng Giám Mục Prague: phải dựa vào Kinh thánh và cảm thức đức tin