1. Thỏa thuận Vatican - Trung Quốc một lần nữa bị Bắc Kinh đưa ra làm trò cười cho thiên hạ

Ông Thẩm Bân (Shen Bin, 沈斌) đã trở thành tân giám mục của Thượng Hải, AsiaNews và các trang tin tức khác ở Trung Quốc đưa tin ngày 4 tháng Tư. Ông là người đứng đầu Hội đồng Giám mục Trung Quốc, cơ quan không được Tòa thánh công nhận. Việc bổ nhiệm ông đến Thượng Hải bởi cơ quan này đã diễn ra mà Tòa Thánh không hề hay biết, điều đó có nghĩa là một lần nữa thỏa thuận được thiết lập giữa Trung Quốc và Tòa thánh vào năm 2018 đã bị bọn cầm quyền Trung Quốc đưa ra làm trò cười.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trước ngày 4 Tháng Tư, Ông Thẩm Bân là giám mục trái phép của Hải Môn, một giáo phận ở phía bắc Thượng Hải thuộc tỉnh Giang Tô. Mặc dù trước đó, vào năm 2010, có tin cho rằng ông ta được tấn phong Giám Mục với sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Asia-News xác nhận ông ta đã được bổ nhiệm và tấn phong Giám Mục bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, không hề có sự chấp thuận của Rôma. “Các nguồn tin nói với AsiaNews rằng việc bổ nhiệm vào năm 2010 và mới đây là 'đơn phương', không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng,” cơ quan của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại khẳng định.

Đây sẽ là vi phạm thứ hai chỉ trong hơn bốn tháng đối với thỏa thuận bổ nhiệm giám mục được thiết lập giữa Rôma và Bắc Kinh. Được ký vào năm 2018 và sau đó được gia hạn vào tháng 10 năm 2020 và 2022, thỏa thuận này quy định rằng việc lựa chọn các giám mục mới của Trung Quốc phải được Tòa thánh và bọn cầm quyền Trung Quốc xác nhận.

Vào ngày 26 tháng 11, Tòa thánh cho biết họ đã “biết được một cách đầy ngạc nhiên và lấy làm tiếc” về việc bổ nhiệm đơn phương Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照).

Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu được Đức Thánh Cha Phanxicô bí mật bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Dư Giang (Yujiang, 余江), thuộc tỉnh Giang Tây, vào năm 2014, bốn năm trước khi Vatican ký thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Là một giám mục “hầm trú”, Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu đã bị bắt và giam giữ bởi chính quyền Trung Quốc trong sáu tháng. Cuối cùng ngài được thả, nhưng chức vụ của ngài bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 11, ngài đã tham gia các tổ chức Công Giáo Trung Quốc được nhà nước công nhận trong một buổi lễ đánh dấu việc ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Giang Tây, một giáo phận ma được chính quyền Trung Quốc dựng nên nhưng không được Rôma công nhận.

Theo AsiaNews, khoảng 200 người đã tham dự buổi lễ, được tổ chức tại Nam Xương và được chủ trì bởi giám mục địa phương, Gioan Baotixita Lý Tô Quang (Li Suguang, 李稣光). Ông Quang là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc, là tổ chức không được Tòa Thánh công nhận.

Trong tuyên bố của mình, thể hiện sự bất đồng một cách bất thường với Bắc Kinh, Rome nói thêm: “Tòa thánh hy vọng rằng những tình tiết như vậy sẽ không lặp lại.

Một giáo phận đã có vấn đề

Việc bổ nhiệm Giám mục Thẩm Bân tại Thượng Hải diễn ra gần 10 năm sau khi Đức Cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦) được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm làm Giám Mục Thượng Hải. Ngay trong Thánh lễ tấn phong vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, Đức Cha Mã Đại Thanh nói rằng ngài muốn rời bỏ vị trí của mình trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước của Trung Quốc, là cơ quan của chế độ Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát Giáo Hội địa phương. Đức Cha Mã Đại Thanh ngay lập tức bị quản thúc tại gia.

Bốn năm sau, Đức Cha Mã Đại Thanh đã đảo ngược quyết định của mình. Tuy nhiên, bọn cầm quyền Trung Quốc cho rằng đã quá trễ, không chấp nhận. Năm 2017, lần đầu tiên giáo phận Thượng Hải có thể phong chức cho bốn linh mục Công Giáo kể từ năm 2012. Nhưng vào thời điểm đó, lễ tấn phong được chủ trì bởi giám mục trái phép của giáo phận lân cận Hải Môn, là Ông Thẩm Bân.

Thành phố Thượng Hải là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với gần 25 triệu dân. Tại đây có một trung tâm hành hương lớn nhất của Công Giáo là đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn.


Source:Aleteia

2. Làm thế nào để có được ơn toàn xá trong Tuần Thánh 2023

Trước hết, Ơn Toàn Xá là gì?

Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong Tuần Thánh cho chính mình hoặc cho một người đã qua đời nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong những công việc sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định. Cứ mỗi lần thực hiện một trong những công việc này thì được một Ơn Toàn Xá.

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh

a. Sau khi Mình Thánh Chúa được kiệu sang một bàn thờ phụ sau Thánh Lễ Tiệc Ly, Ơn Toàn Xá được ban cho những ai đọc hay hát bài thánh ca Thánh Thể “Tantum Ergo”.

1. Nào ta hãy sấp mình thờ lạy,

Trước bí tích cực trọng này.

Nghi lễ cũ nhường nghi lễ mới

Thông ban tràn đầy ân sủng.

Đức tin sẽ dạy ta biết Đức Kitô

hiện diện,

Khi giác quan con người không

cảm thấy gì.

2. Dâng về Chúa Cha trường tồn,

Cùng Chúa Con, Đấng giải thoát,

Cùng Chúa Thánh Thần, Đấng

phát sinh từ Thiên Chúa

Ơn cứu độ, danh dự, phép lành,

Sức mạnh và quyền năng vô tận

Là của Ba Ngôi muôn đời.

Amen.

b. Ơn Toàn Xá cũng được ban cho những ai chầu Mình Thánh Chúa trong nửa giờ.

Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

a. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tôn kính Thánh Giá trong Phụng Vụ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa.

b. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai sốt mến đi Đàng Thánh Giá.

Trong Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh

a. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham dự việc lần chuỗi Mân Côi từ hai người trở lên.

b. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham dự việc cử hành Canh thức Phục sinh vào ban đêm và lặp lại các lời hứa khi rửa tội, là một phần của phụng vụ trong Thánh lễ đó.

Trong Chúa Nhật Phục Sinh

Ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu tham dự buổi đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới (Urbi et Oebi) bằng cách hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô hay theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.


Source:Catholic News Agency

3. Hết đại dịch, phong trào đóng đinh vào thập giá lại nở rộ ở Phi Luật Tân

Giáo quyền ra sức khuyên lơn; giáo dân hăm hở chuẩn bị; bộ du lịch ra sức quảng cáo; các hãng máy bay giảm vé để khuyến mãi cho các chuyến bay đến San Fernando, Bulacan, Cebu và Angeles City; trong khi bộ y tế khuyến khích chích ngừa phong đòn gánh. Đó là các phản ứng chính thức mà tờ Inquirer của Phi Luật Tân ghi nhận được xung quanh phong trào đóng đinh vào thập giá trong Tuần Thánh tại Phi Luật Tân.

Đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân là một hoạt động thể hiện “lòng đạo đức bình dân” (trong ngoặc kép) được tổ chức vào mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, và được nhiều người xem là một nét đặc thù của Tuần Thánh tại Phi Luật Tân. Những người sùng đạo hay hối nhân, tiếng địa phương gọi là “magdarame” sẵn sàng bị đóng đinh để diễn lại sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Cũng với một tâm tình tương tự nhiều người khác vác thánh giá bằng gỗ trên các chặng đường dài, có người bò lết trên mặt đường gồ ghề, bụi bặm và đánh roi vào thân thể mình. Các hối nhân coi những hành vi này là sự hành xác để cầu xin sự tha thứ cho các tội lỗi, hay để thực hiện một “lời thề”, tiếng Tagalog gọi là “panatà”, hoặc để bày tỏ lòng biết ơn đối với những ân huệ đã nhận được.

Những “phong tục” này bị Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân ngăn cản quyết liệt. Hàng giáo sĩ Phi Luật Tân coi những điều này là là những biểu hiện cuồng tín, mê tín và tự làm hại bản thân mình trái với những giáo huấn lành mạnh về thân xác. Mỗi lần Mùa Chay đến, trong các thư mục vụ, giáo quyền tại Phi Luật Tân lại phải lưu ý và năn nỉ anh chị em giáo dân tránh những biểu hiện của “lòng đạo đức bình dân” đã bị bóp méo thái quá.

Trong khi đó, Bộ Y tế thường khẳng định rằng những người tham gia các “nghi thức” này nên tiêm ngừa phong đòn gánh và các vết thương phải được khử trùng.

Trong các ngày thứ Sáu trong suốt Mùa Chay, từng đoàn người rủ nhau đánh tội công khai trên đường phố. Các hối nhân trùm đầu mình bằng bao bố chỉ khoét hai lỗ nhỏ để thấy đường đi, rồi dùng roi tre đánh túi bụi vào chính mình để đánh tội và thể hiện tâm tình sám hối. Việc trùm đầu bằng bao bố là để tránh bị cho rằng họ phô trương lòng đạo đức của mình. Các roi tre được chẻ ra ở đầu roi và có khi còn được buộc thêm những mảnh thiếc từ những lon coca cola. Nhiều người tự đánh mình đến độ máu me ra lênh láng. Có người phải vào nhà thương.

Hình thức kinh hoàng nhất khiến hàng giáo phẩm Phi Luật Tân lo lắng là việc đóng đinh vào thập giá. Đóng đinh thật sự vào tay, chứ không phải là đóng kịch, và treo trên thập giá trong nhiều giờ.

Việc đóng đinh vào thập giá xảy ra ở hầu hết các giáo phận nhưng tình hình là nghiêm trọng nhất tại 4 thành phố là San Fernando, Bulacan, Cebu và Angeles City.

Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từ mờ sớm đã có hàng đoàn người đi trên các con đường làng để đánh tội, liên tục cho đến tối.

Sau đó, hàng trăm người, có cả những phụ nữ, nhờ những người khác đóng đinh họ vào thập giá. Một số người ăn mặc như quân lính Rôma lấy dây thừng cột tay hay thậm chí đóng đinh những người khác vào thập giá và dựng lên trong nhiều giờ dưới trời nắng gắt. Việc đóng đinh diễn ra đúng theo nghĩa đen của từ này. Tay họ bị đóng những mũi đinh lớn và nhọn vào thập giá cách thực sự. Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo tử vong nào nhưng đa số phải vào nhà thương vì mất nhiều máu.

Phong trào đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân đã bắt đầu từ năm 1946 và mặc dù giáo quyền lên tiếng nhiều lần, những lời khuyên bảo xem ra không có mấy tác dụng. Con số người chịu đóng đinh mỗi năm có xu hướng tăng lên.

Chính quyền không bao giờ ngăn cản. Trái lại, họ còn xúi thêm. Đúng thế, năm 2011, chính quyền thành phố Cebu phát hành khoảng 10,000 tờ quảng cáo miêu tả thành phố là một trung tâm “du lịch tôn giáo” với đầy những hình ảnh về các cuộc đóng đinh.

Nhiều nhân vật chịu đóng đinh được ghi vào Guiness

Nhiều người tham gia vào phong trào đóng đinh vào thập giá tại Cebu nổi tiếng đến mức tên tuổi của họ được ghi vào Guiness thế giới.