Tài liệu sau cùng của Phiên họp lục địa Châu Âu về tính đồng nghị được gọi là “Hồ sơ kết thúc” (concluding dossier) bằng hai thứ tiếng Anh và Ý, gồm 5 tài liệu: các nhận xét cuối cùng, Tài liệu cuối cùng, nhận định kết thúc của các Giám Mục, danh sách các tham dự viên và chương trình làm việc. Các nhận xét cuối cùng được dùng như bản tóm tắt dành cho các viên chức điều hành. Ở đây, xin dựa vào tài liệu cuối cùng và nhận định kết thúc của các Giám Mục để trình bầy những điểm chính của Tài liệu Cuối cùng.



Trong phần dẫn nhập, tài liệu cho rằng đây là lần đầu tiên ở Âu Châu, dân Chúa - Giám Mục, linh mục, phó tế, người thánh hiến nam nữ, giáo dân nam nữ - tụ họp để lắng nghe nhau và đối thoại trong bầu khí cầu nguyện và lắng nghe Lời Thiên Chúa; có cơ hội biết các thực tại khác với các thực tại trong đó họ sống. Cùng nhau khám phá ra sự gắn bó chung vào Chúa Kitô. “Đôi khi cảm nghiệm các căng thẳng và không chắc chắn, nhưng hiểu rằng tin tưởng vào Chúa Kitô, chúng ta có thể cùng bước đi với nhau”.

Qua diễn trình lắng nghe nhau này, “chúng tôi hiểu ra rằng chúng tôi có thể hợp nhất trong đa dạng: Đa dạng, trong lịch sử, văn hóa, truyền thống, bối cảnh xã hội-tôn giáo, vốn là sự giầu có lớn lao. Chúng tôi cảm nghiệm được vẻ đẹp của đối thoại đủ 360 độ, không những Đông Tây, mà còn Bắc Nam nữa...”

Sau đó, tài liệu vẽ lại các giai đoạn của diễn trình đồng nghị từ ngày công bố Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn châu lục cho tới ngày Tài liệu sau cùng này hoàn thành.

“Tài liệu này cung cấp sự đóng góp của các Giáo Hội tại Âu Châu vào cuộc đối thoại của Giáo Hội thế giới và để soạn thảo Tài liệu Làm việc của Phiên họp Thượng Hội Đồng vào tháng 10 năm 2023. Do đó, nó cho thấy các trực giác và đồng hợp cũng như các bất đồng và căng thẳng không thể tránh khỏi, trước khi nhận diện các ưu tiên cần được đệ trình cho sự biện phân của Phiên họp Thượng Hội Đồng tháng Mười, 2023. Thành thử, Tài liệu không nhằm cung ứng giải đáp hay giải thích thần học. Đúng hơn để các Giáo Hội địa phương duy trì các căng thẳng này, cho tới khi được giai đoạn sau của Thượng Hội Đồng biện phân.

Tài liệu cho hay sau khi lược qua một số yếu tố căn bản của bối cảnh Âu Châu, tài liệu sẽ trình bầy 7 trực giác hỗ trợ nẻo đường hướng tới một Giáo Hội đồng nghị ở Âu Châu, đồng thời 7 căng thẳng được các Giáo Hội địa phương cảm nhận như là các thách thức nhằm tiếp tục đường đi của họ. Và kết thúc với việc nói lên điều các Giáo Hội tại Âu Châu coi là các ưu tiên dành cho Phiên họp Thượng Hội Đồng sắp tới.

A.Bối cảnh

Tài liệu cho thấy Phiên họp lục địa Âu Châu diễn ra giữa cơn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, chiến tranh Ukraine, và nạn lạm dụng tình dục. Không quên các căng thẳng quá khứ từng tạo thành các khối chống đối nhau sau Thế chiến II: giữa Đông và Tây; còn giữa Nam và Bắc là những nước có truyền thống Công Giáo đa số và những nước, truyền thống này là thiểu số.

Bối cảnh tôn giáo tại Âu Châu ngày nay được nổi bật hơn cả qua hiện tượng thế tục hóa. Dù thế, tài liệu tỏ vẻ lạc quan, vì “chúng ta vẫn có nhiều điều để hiến tặng thế giới và cũng có nhiều điều để tiếp nhận từ nó. Cởi mở với thế giới có thể giúp chúng ta hiểu Tin Mừng tốt hơn”. Tài liệu đi xa đến nỗi cho rằng cần phải đối thoại với nền văn hóa và tư tưởng đương thời về những vấn đề như trí khôn nhân tạo, khoa người máy hay các vấn đề bản sắc phái tính.

B.Bẩy trực giác

Các thảo luận và trao đổi đã dẫn tới việc nhận diện 7 điểm tham chiếu, hay 7 trực giác, cho con đường xây dựng một Giáo Hội đồng nghị ở Âu Châu:

1.Hành trình với Chúa Kitô

Lối sống của Chúa Kitô, việc hiện hữu trút bỏ mình của Người để phục vụ nhân loại là đường đi của mọi Kitô hữu và cộng đồng Kitô giáo. Nhiều đóng góp cho hay: đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là tiêu chuẩn đầu hết và cuối cùng của hành trình đồng nghị. Nhiều ý kiến khác cho rằng cần phải nhấn mạnh tới hình ảnh Giáo Hội là cộng đồng của mọi tín hữu của Chúa Giêsu.

Giáo Hội phải là nơi gặp gỡ bản thân và cộng đoàn với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.

2. Tái khám phá phẩm giá phép rửa chung

Nhờ phép rửa, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô và vì thế, mọi người đều được kêu gọi nên thánh và chia sẻ trách nhiệm xây dựng Giáo Hội, nhiệm thể Người. Nhiều người thấy diễn trình đồng nghị là dịp tốt để tái khám phá phẩm giá chung của phép rửa và trách nhiệm chung phát sinh từ đó phải xây dựng Giáo Hội và tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội.

Ý niệm trên càng có chiều kích cụ thể và cấp bách hơn khi nó dẫn ta tới chỗ suy nghĩ về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội. Vai trò này đươc nhấn mạnh không phải vì thiếu nam giới cho bằng là việc thực thi có trách nhiệm nền thần học về chức linh mục chung của mọi tín hữu.

3. Tính đồng nghị phục vụ và thăng tiến sứ mệnh

Tính đồng nghị có chiều kích sai đi như thành phần cấu tạo ra nó, nói cách khác, đồng nghị và sứ mệnh liên thuộc nhau và là trách vụ vĩnh viễn của Giáo Hội. Tài liệu nhấn mạnh: nếu ta nghiêm chỉnh xem xét nguyên tắc đồng nghị, thì không thể hiểu sứ mệnh như một diễn trình một chiều, mà đúng hơn như việc đồng hành trong tinh thần đối thoại, tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Đồng nghị là một diễn trình học hỏi trong đó, không những chúng ta dạy mà còn học hỏi nữa.

Làm một Giáo Hội truyền giáo có nghĩa cùng một lúc phải lắng nghe trong tư cách môn đệ của Chúa Kitô, để thấy các vết thương hiện sinh của người ta, nhân tính và sáng thế, và hành động để chữa lành chúng.

Hiện có rất nhiều thương tích tại Âu Châu: chiến tranh tại Ukraine, các khủng hoảng hiện sinh của người ta, sự phá hoại môi trường, đại dịch, lạm dụng, loại trừ, sỉ nhục...

4. Lớn lên như một Giáo Hội đối thoại

Tài liệu làm nổi bật nhu cầu đối thoại tại Giáo Hội Âu Châu vì nơi đây vốn có nhiều quốc tịch và nhóm sắc tộc khác nhau sống với nhau, điều này ảnh hưởng tới các mối liên hệ bên trong và giữa các Giáo Hội địa phương và các quan tâm đại kết, liên tôn, xã hội cũng như các tương tác với những người bên lề và bị thương tích.

Nhu cầu đối thoại càng khẩn thiết trong môi trường người Công Giáo là thiểu số, sống bên cạnh những Kitô hữu khác chiếm đa số. Ngay trong cùng một cộng đồng Công Giáo, người Âu Châu cũng phải đối diện với tính đa phức văn hóa. Thái độ thích đáng là coi sự đa phức này như một nguồn lực. Như nhóm nói tiếng Ý từng phát biểu: “các thực tại này kêu gọi chúng ta biến đổi cõi lòng... tham dự hành trình gặp gỡ”.

Tài liệu cũng cho hay, hiện nay, tại Âu Châu, người Công Giáo có nhiều sáng kiến đối thoại với Do thái giáo cũng như Hồi giáo (Thổ nhĩ kỳ, Bosnia, Herzegovina, Albania), cũng như với Chính thống giáo (các Giáo Hội Đông và Đông Nam Âu Châu), với các Giáo Hội Thệ phản (các Giáo Hội Tây và Bắc Âu). Họ cũng cảm nhận nhu cầu phải đối thoại với xã hội thế tục, vì nay, các xã hội thuần nhất Kitô giáo không còn nữa, buộc ta phải “thay đổi não trạng và thực sự hoán cải về phần mình”. Tuy nhiên, dù đối thoại với thế giới thế tục để biết và hiểu các đau khổ và thương tích của người ta và của sáng thế để hành động cho thích đáng, Giáo Hội không nên trở thành thế tục.

5. Đối diện với các vết thương còn rỉ máu, thắng vượt các thiên kiến, hòa giải ký ức

Tài liệu nhận định rằng Giáo Hội đã gây ra nhiều thương tích và cùng một lúc chịu nhiều thương tích sâu thẳm. Nhiều đóng góp ca ngợi những người đàn ông và đàn bà có can đảm xuất hiện nói lên việc lạm dụng tình dục, định chế, xúc cảm, tâm lý, thể lý và tâm linh bởi các chi thể của Giáo Hội.

Nhiều người chủ trương phải duy trì mối liên kết giữa cuộc cải cách đồng nghị và các quan tâm tới nạn nhân của lạm dụng và những người bị đẩy qua bên lề trong Giáo Hội.

Tài liệu cho hay: về khía cạnh này, “trong Phiên họp, không những các khác biệt trong ý kiến xuất hiện, mà cả các tố cáo lẫn nhau nữa. Tuy nhiên, đối với các Giáo Hội Âu Châu, nẻo đường gặp gỡ và tin tưởng lẫn nhau vẫn mở rộng... Phiên họp tại Prague không kết thúc cuộc hành trình mà chỉ là một bước bắt đầu: tất cả chúng ta cần có thời gian để hiểu điều người khác muốn nói, điều mà đối với nhiều người thật khó chấp nhận và là điều cần được suy nghĩ, nghiên cứu, biện phân thêm, và lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng muốn dẫn chúng ta tới một tương lai chung”.

Tường trình Lục Xâm Bảo nhắc đến “hố phân cách lớn giữa những người muốn cải cách hay biến đổi và những người sợ thay đổi đến mức bác bỏ nó. Mong sao hố phân cách này làm chúng ta tò mò muốn khám phá ra luận điểm của nhau, mong sao chúng làm chúng ta ý tứ tôn trọng nhau để cùng nhau xây dựng tương lai các cộng đồng của chúng ta, thay vì chống đối nhau, nhìn trong sự đa phức một sự phong phú”.

Tường trình Croatia cũng như của nhiều đại biểu khác nhấn mạnh việc thanh tẩy ký ức lịch sử để “hòa giải các cộng đồng của chúng ta và trở nên đáng tin cậy đối với các xã ội thế tục hóa”. Cũng cần “đối chất các chủ trương khó của chúng ta về thần học và mục vụ để đáp ứng tốt hơn các thách đố đương thời”. Cần “một Giáo Hội học trút bỏ mình [kenotic ecclesiology] để đừng sợ cái chết của một số hình thức của Giáo Hội”.

6. Lưu ý đến các gia đình, phụ nữ và giới trẻ

Cần hỗ trợ các gia đình, vì họ có trách nhiệm truyền tải, củng cố, cử hành và sống đức tin, đồng thời là nơi đào tạo quan trọng và là tác nhân truyền giảng Tin Mừng.

Tài liệu nói tới chiều kích đại kết và liên tôn của gia đình: cả năm hệ phái tôn giáo (Hồi giáo, Bektashi, chính thống, Thệ phản và Công Giáo) đều cùng đề cao gia đình.

Tài liệu nói tới việc dành không gian rộng lớn bàn về việc tham dự của phụ nữ và vai trò của họ trong Giáo Hội: hầu hết các đại biểu đều đề cập đến những vấn đề này và bằng những hạn từ tương tự như nhau.

Cũng cần lưu ý tới giới trẻ, họ là hiện tại chứ không phải chỉ là tương lai của Giáo Hội. Giới trẻ đang tìm việc thuộc về, tính chân thực và tính độc lập.

7. Xây dựng phương pháp đồng nghị vào các cơ cấu và diễn trình của Giáo Hội

Phương pháp đồng nghị kêu gọi chúng ta tích cực lắng nghe, sâu sắc đối thoại và biện phân cộng đoàn. Kinh nghiệm của Phiên họp Prague cho thấy nó “phát khởi một động lực tính sâu sắc nơi những người tham dự; cho phép họ được lắng nghe và yêu cầu họ học cách lắng nghe bằng cách để lại phía sau mọi thiên kiến của họ, chấp nhận những cách phát biểu khác, những cách đôi lúc gây mếch lòng. Đặc biệt, nó kích thích việc lắng nghe Lời Chúa có tính bản vị và cộng đoàn, cầu nguyện cộng đoàn và hoán cải”.

Nhấn mạnh được đặt lên khía cạnh thâm hậu hóa, đào tạo và định chế hóa tính đồng nghị. Cần một nền thần học về tính đồng nghị, đào tạo tính đồng nghị cho cả giáo sĩ lẫn giáo dân, theo phương thức learning-by-doing [học bằng cách làm].

Tài liệu nhấn mạnh tới việc tính đồng nghị phải đi vào cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn như một phương thức đúng đắn cho mỗi cuộc hội họp trong Giáo Hội và việc thực thi các kế hoạch mục vụ địa phương đến mức lên khuôn một phong thái mới trong việc là một Giáo Hội.

C. Bẩy Vấn nạn và Căng thẳng

Nhiều căng thẳng đã được nhận diện, nhưng nhiều đại biểu nhận định chúng là các dịp may để trở thành lộ trình tiến tới đồng nghị, vốn đòi hỏi phải mở rộng không gian để thử nghiệm. Hình ảnh chiếc lều hữu ích ở chỗ thiếu căng thẳng, nó sẽ sụp đỗ mà nhiều căng thẳng quá nó cũng hư hại. Căng thẳng có thể dẫn tới phân cực nhưng nếu căn lều là nơi mọi người cảm thấy họ có thể nói và được lắng nghe, thì căng thẳng sẽ được thắng vượt.

Theo đường hướng đó, một số thích nói tới tính bổ túc hay khả năng duy trì quân bình cho các đối cực. Đó là cách 7 căng thẳng đã được nhấn mạnh tại Phiên họp Prague:

1.Sự thật và lòng thương xót

Tài liệu cho rằng bàn đến căng thẳng sự thật và lòng thương xót, Phiên họp Prague đã dựa hẳn vào Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu Lục của văn phòng Tổng Thư Ký (số 30): “giấc mơ là về một Giáo Hội biết sống trọn vẹn hơn nghịch lý Kitô học này: mạnh dạn công bố giáo huấn chân chính của mình đồng thời cung ứng một chứng tá biết triệt để bao gồm và chấp nhận mọi người”. Nhiều người khác thích nói đến sự căng thẳng giữa chăm sóc mục vụ và tín lý, cần được bàn luận qua đối thoại thâm hậu bao gồm toàn bộ Dân Thiên Chúa.

Đại biểu Tiệp khắc cho rằng nói với người bị hắt hủi việc họ được chào đón không đủ mà phải cùng họ khám phá ra chỗ đứng của họ trong Giáo Hội. Nhưng cũng có quan ngại về việc điều này có thể dẫn tới việc nghi vấn và đòi thay đổi tín lý.

Đại biểu Slovenia cũng thế, cho rằng người trẻ đòi chúng ta phải gần gũi với những người ở bên lề, nhưng họ cũng muốn Giáo Hội phải nói rõ: không phải điều gì cũng chấp nhận được.

Thành thử chào đón mọi người như dấu chỉ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa và việc công bố sự thật của Tin Mừng đều là các đòi hỏi bắt nguồn từ chính sứ mệnh của Giáo Hội.

Căng thẳng này không thể được giải quyết một lần vĩnh viễn, mà cần được sống một cách có trách nhiệm, khước từ cơn cám dỗ ý thức hệ coi chúng chống đối nhau, trái lại nên coi chúng bổ túc cho nhau theo nghĩa của Thánh vịnh 85:11 “tín nghĩa ân tình nay hội ngộ”.

Tài liệu nhấn mạnh việc đào tạo trong phạm vi này: một nền đào tạo biết duy trì trong căng thẳng thẩm quyền của Thánh kinh, Thánh truyền, huấn quyền và kinh nghiệm bản thân. Nhất là việc hoán cải bản thân và cộng đoàn.



2. Truyền thống và Aggiornamento [cập nhật]

Theo đại biểu Tô Cách Lan, căng thẳng man mác nhất ở Châu Âu có lẽ là sự phân chia mỗi ngày một rõ hơn giữa Giáo Hội và nền văn hóa thế tục. Để lấp đầy hố phân cách này, ngôn ngữ của Giáo Hội phải dễ tiếp cận đối với mọi người, nhưng không làm loãng sứ điệp của Tin Mừng.

Các nước Bắc Âu lưu ý đặc biệt đến lãnh vực phụng vụ trong đó, điều quan trọng là sử dụng một ngôn ngữ trung thành với truyền thống trong khi có nghĩa với người thời nay.

Không thiếu lo ngại cho rằng chấp nhận thay đổi sẽ nguy hại tới tính toàn vẹn của giáo huấn Giáo Hội. Đại biểu Lỗ Ma Ni chẳng hạn mong muốn các thành viên của Giáo Hội mạnh dạn và không khoan nhượng lên tiếng nói về các vấn đề đức tin và luân lý. Nhiều người sợ rằng các cải cách không thích đáng sẽ làm loãng dần sứ điệp của Tin Mừng. Nên cần phải có khả năng nói rõ năng động tính giữa hai hai đối cực truyền thống và cập nhật: phải lưu ý tới nền thần học của truyền thống sống động đồng thời biện phân và phán đoán chính xác các thách thức mới của xã hội.

3. Phụng vụ như điểm tập chú để nhận định các căng thẳng trong Giáo Hội

Tài liệu cho rằng một cách có ý nghĩa và thách thức đối với việc biện phân ở Châu Âu là việc phụng vụ thường được nhắc đến như có liên hệ tới những căng thẳng phức tạp hay với các khó khăn mục vụ, cụ thể là căng thẳng liên quan tới hình thức xưa của phụng vụ Rôma [Sách lễ 1962]. Thế nhưng, niềm vui của phụng vụ nói chung và của Thánh Thể nói riêng lại ít được phát biểu.

Có lời kêu gọi một ngôn ngữ phụng vụ đổi mới cho thấy cả mầu nhiệm đức tin lẫn mối liên hệ giữa phụng vụ và đời sống.

4. Hiểu rõ Sứ Mệnh

Có sự căng thẳng trong cách hiểu về sứ mệnh: một số Giáo Hội địa phương coi trách vụ của một Giáo Hội được sai đi là củng cố việc dạy giáo lý và lớn lên trong thực hành tôn giáo; các Giáo Hội địa phương khác hiểu sứ mệnh là lên đường vào thế giới làm cho tình yêu Thiên Chúa hiển hiện đối với mọi người, nhất là những người bị gạt qua một bên và Giáo Hội gây thương tích; lại có những Giáo Hội địa phương cho hay Giáo Hội phải là mái ấm cho mọi người, nhất là người trẻ.

5. Mọi người đồng trách nhiệm, với các đặc sủng và thừa tác vụ đa dạng

Tài liệu cho rằng tính đồng nghị đòi hỏi việc thừa nhận các năng khiếu và đặc sủng của mỗi tín hữu, phẩm giá bình đẳng của mỗi người, tìm cách phát biểu đồng bộ các ơn gọi khác nhau bên trong Giáo Hội. Thẩm quyền mục tử và cảm thức đức tin của mỗi tín hữu phải được thừa nhận như nhau, bất luận là giáo sĩ hay giáo dân.

Phẩm giá phép rửa chung là nền tảng của đồng trách nhiệm, cụ thể qua việc thi hành các thừa tác vụ chuyên biệt và quyền lãnh đạo. Tường trình Hung Gia Lợi nhấn mạnh: “việc tham gia của giáo dân là cơ hội bổ túc, chứ không thay thế, sứ mệnh của những người thụ phong”.

Nói chung Phiên họp Prague tái khẳng định việc thừa tác vụ linh mục là hồng ân của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và bằng nhiều cách bầy tỏ quan tâm sâu xa đối với các linh mục. Nó nói lên ước nguyện có được hình ảnh tích cực về các linh mục và quan tâm của tín hữu đối với phúc lợi và sự cô đơn của các linh mục. Mặt khác, ít có suy tư về chức phó tế thụ phong, ngoại trừ khi nói đến nữ phó tế.

Một số góp ý nói đến việc phong chức cho các người đàn ông có gia đình, phong chức phó tế cho phụ nữ. Nhưng có nhiều căng thẳng trong những vấn đề này. Nói rộng hơn, vấn đề vị trí của phụ nữ trong việc thi hành thẩm quyền được nhiều phái đoàn nêu lên. Đối với một số nhóm, điều này là một điều kiện cho một Giáo Hội sinh nhiều thành quả hơn tại Châu Âu.

Nói chung, việc tham gia của giáo dân, đặc biệt của phụ nữ, ở mọi bình diện của Giáo Hội được cảm nhận như một ưu tiên. Cổ vũ việc đồng trách nhiệm thực chất và hữu hiệu của dân Chúa, thắng vượt chủ nghĩa giáo sĩ trị, được coi là điểm hội tụ lớn lao.

Cần có việc đào tạo liên tục về phương diện này để tái khám phá ý nghĩa ơn gọi và trách vụ trong Giáo Hội, trong luận lý học đồng trách nhiệm chứ không phải thay thế.

6. Thi hành thẩm quyền trong một Giáo Hội đồng nghị

Trong việc thi hành thẩm quyền, điều cần ghi nhớ là mọi thẩm quyền trong Giáo Hội đều phát xuất từ Chúa Kitô. Giáo hội, trong yếu tính, vừa có tính đồng nghị vừa có tính phẩm trật.

Do đó, cần vượt thắng các cứng ngắc: các phương cách quá từ trên đưa xuống trong cách hiểu việc thi hành thẩm quyền, các hình thức giáo sĩ trị, quên rằng khi một điều liên quan đến mọi người, thì cần được thảo luận với mọi người.

Tài liệu nhấn mạnh: tính đa dạng các đặc sủng mà không có trật tự phẩm trật sẽ trở thành hỗn loạn [anrachy], cũng như phẩm trật quá cứng ngắc mà không có các đặc sủng sống động sẽ trở thành độc tài.

Điều trên “đòi can đảm và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần duyệt lại và linh hứng bất cứ thay đổi cần thiết nào về tín lý, cơ cấu, giáo luật, và mục vụ, mà không tiêu hủy hiệp thông hay quên khuấy con người và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô”. Trong việc này, vai trò của các Giám Mục là chủ yếu.

Về mặt mục vụ, cần triển khai việc cai quản có tính huynh đệ và tham gia, dành chỗ cho lắng nghe và biện phân, quan niệm thẩm quyền như một hành vi yêu thương và phục vụ.

7. Hợp nhất trong Đa dạng: giữa địa phương và hoàn vũ

Tài liệu cho rằng tại Prague, các Giáo Hội Châu Âu có đặc ân cảm nhận được sự hợp nhất trong đa dạng: hai lá phổi Công Giáo Đông phương và Công Giáo Tây phương, mỗi Giáo Hội có cách suy nghĩ riêng, cách nói riêng, cả cách quản trị riêng nữa. Hành trình đồng nghị cung cấp cơ hội thể hiện và đánh giá cao tính đa dạng này, dù không dễ dàng.

Các Giáo Hội Đông phương vốn duy trì được các định chế nhằm phát biểu tính đồng nghị. Tuy nhiên, họ cũng được mời gọi canh tân các định chế hiện hành và phục hồi các định chế đã mất hay không còn được sử dụng.

Tính hợp nhất trong đa dạng cũng xuất hiện trong vấn đề tản quyền trong Giáo Hội. Có nhu cầu rõ ràng và minh bạch về việc ai có thể quyết định những vấn đề nào cần được xử lý ở địa phương, ở vùng hay hoàn vũ.

D. Các Viễn ảnh và Ưu tiên

Tài liệu nhận định rằng xuyên suốt Phiên họp, cảm nghiệm thiêng liêng đã dẫn Giáo Hội Châu Âu tới cái hiểu, lần đầu tiên tại, rằng có thể gặp nhau, lắng nghe và đối thoại với nhau khởi đi từ các khác biệt và vượt thắng nhiều trở ngại, tường ngăn và rào cản mà lịch sử từng đặt trên đường đi của họ. Họ cần yêu tính đa dạng bên trong Giáo Hội của họ và nâng đỡ nhau trong việc qúy mến nhau, được củng cố bởi đức tin vào Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Đó là lý do tại sao họ muốn tiếp tục hành trình theo phong cách đồng nghị: thay vì một phương pháp luận, họ coi đó là một lối sống của Giáo hội họ, của sự biện phân cộng đồng và biện phân các dấu chỉ thời đại. Cụ thể, họ muốn Phiên họp lục địa châu Âu này không phải là một trải nghiệm biệt lập, mà trở thành một sự kiện thường xuyên, dựa trên việc áp dụng chung phương pháp đồng nghị xuyên suốt mọi cấu trúc và thủ tục của họ ở mọi bình diện. Làm như vậy sẽ cho phép họ giải quyết các vấn đề trên đó các nỗ lực của họ cần trưởng thành và tăng cường: đồng hành với những người bị thương, vai trò chủ đạo của người trẻ và phụ nữ, sự cởi mở để học hỏi từ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Phong cách đồng nghị cũng giúp họ có thể giải quyết những căng thẳng từ viễn tượng truyền giáo, mà không bị tê liệt vì sợ hãi, nhưng rút tỉa năng lực từ chúng để tiếp tục đi trên con đường. Đặc biệt, hai căng thẳng xuất hiện trong công việc của họ. Căng thẳng đầu tiên khuyến khích sự thống nhất trong đa dạng, thoát khỏi sự cám dỗ của sự độc dạng. Căng thẳng thứ hai liên kết sự sẵn sàng chào đón người khác (như bằng chứng về tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha dành cho con cái của Người) với sự can đảm công bố toàn bộ chân lý của Tin Mừng. Chính Thiên Chúa đã hứa ‘Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ’ (Tv 85:11).

Xin trích dẫn nguyên văn các phát biểu còn lại của Tài liệu:

“Chúng tôi biết rằng tất cả những điều này là có thể bởi vì chúng tôi đã trải nghiệm chúng trong Phiên họp này, nhưng thậm chí còn hơn thế nữa bởi vì đời sống của các Giáo hội mà chúng tôi xuất thân đã làm chứng cho điều đó. Đặc biệt, ở đây chúng tôi đang nghĩ đến đối thoại đại kết và liên tôn, tiếng nói của đối thoại này vang vọng mạnh mẽ trong công việc của chúng tôi. Nhưng trên hết, chúng tôi tin rằng điều đó có thể thực hiện được vì có liên quan đến ân sủng: thực vậy, việc xây dựng một Giáo hội ngày càng đồng nghị là một cách thể hiện cụ thể sự bình đẳng về phẩm giá của tất cả các thành viên của Giáo hội, được thành lập trong bí tích rửa tội, khiến chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, cùng chịu trách nhiệm về sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng độc đáo mà Chúa đã ủy thác cho Giáo hội của Người.

“Chúng tôi tin tưởng rằng việc tiếp tục Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2024 có thể hỗ trợ và đồng hành với chúng tôi, đặc biệt bằng cách giải quyết một số ưu tiên cụ thể tại Thượng Hội đồng Giám mục tháng 10 năm 2023:

* đào sâu việc thực hành, nền thần học và thông diễn học về tính đồng nghị. Chúng ta cần khám phá lại một điều cổ xưa và thuộc về bản chất của Giáo hội, trong khi luôn luôn mới mẻ. Đây là một nhiệm vụ dành cho chúng tôi. Chúng tôi đang thực hiện những bước đầu tiên dọc theo con đường mở ra khi chúng tôi bước lên trên đó;

* đề cập đến ý nghĩa của một Giáo hội phục vụ mọi người, như một chân trời trong đó đặt suy tư về các đặc sủng và thừa tác vụ (thụ phong và không thụ phong) và các mối quan hệ giữa chúng;

* khám phá các hình thức để thực thi quyền lực theo kiểu đồng nghị, cụ thể là phục vụ việc đồng hành với cộng đồng và duy trì sự hợp nhất;

* minh xác các tiêu chuẩn biện phân cho diễn trình Thượng Hội Đồng và ở bình diện nào, từ địa phương đến hoàn vũ, các quyết định được đưa ra.

* đưa ra các quyết định cụ thể và can đảm về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và về sự tham gia nhiều hơn của họ ở mọi bình diện, kể cả trong quá trình ra quyết định và thực hiện;

* xem xét các căng thẳng xung quanh phụng vụ, để, từ quan điểm đồng nghị, coi Bí tích Thánh Thể như nguồn gốc của sự hiệp thông;

* quan tâm đến việc đào tạo toàn thể dân Chúa về tính đồng nghị, đặc biệt chú ý đến việc biện phân các dấu chỉ thời đại, nhằm thực hiện sứ mạng chung;

* đổi mới cảm thức sống động về sứ mệnh, vượt qua sự rạn nứt giữa đức tin và văn hóa để một lần nữa mang Tin Mừng đến với lòng người, tìm ra một ngôn ngữ có thể nói lên truyền thống và việc đổi mới, nhưng trên hết là ngôn ngữ có thể đồng hành với mọi người thay vì nói về họ hoặc nói với họ. Chúa Thánh Thần yêu cầu chúng ta lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và trái đất ở châu Âu của chúng ta. Đặc biệt là tiếng kêu tuyệt vọng của các nạn nhân chiến tranh đòi một nền hòa bình công bằng.

“Yêu mến Giáo hội và sự đa dạng phong phú của Giáo hội không phải là một hình thức duy tình cảm chỉ vì chính nó. Giáo hội xinh đẹp vì Chúa muốn Giáo hội được như vậy, xét theo nhiệm vụ mà Người đã trao phó cho Giáo hội: loan báo Tin Mừng và mời gọi mọi người nam nữ bước vào động lực hiệp thông, tham gia và sứ mệnh vốn tạo thành lý do hiện hữu của Giáo Hội, được sinh động bởi sinh lực muôn thuở của Chúa Thánh Thần. Do đó, yêu mến Giáo hội của chúng ta ở Châu Âu có nghĩa là đổi mới cam kết của chúng ta để thực hiện sứ mệnh này, cả trên lục địa của chúng ta, trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng nhiều khác biệt được chúng ta nhận thức rõ.

“Chúng ta hãy phó thác việc tiếp tục cuộc hành trình đồng nghị của chúng ta cho Các Thánh Bổn Mạng và Các Thánh Tử Đạo của Châu Âu!

Adsumus Sancte Spiritus![Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con có mặt]”

E. Lời Kết Luận của các Giám Mục

Chúng tôi tạ ơn Chúa vì kinh nghiệm về tính đồng nghị đã chứng kiến tất cả chúng tôi - giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân - lần đầu tiên sát cánh bên nhau trên bình diện châu lục. Chúng tôi vui mừng vì trong những ngày này ở Prague, chúng tôi nhận thấy những giây phút cầu nguyện chung sống với nhau và hơn nữa là công việc của Phiên họp đã là một cảm nghiệm thiêng liêng sâu xa và thực sự đồng nghị. Lắng nghe lẫn nhau, đối thoại hữu hiệu và câu chuyện về việc các cộng đồng giáo hội của chúng tôi sống qua giai đoạn đầu tiên của tiến trình đồng nghị và chuẩn bị cho cuộc họp châu lục này là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn cho thấy chúng tôi thuộc về Chúa Kitô một cách độc đáo.

Các báo cáo quốc gia, việc làm nhóm và nhiều góp ý mà chúng tôi được nghe đã hội tụ thành tài liệu cuối cùng được trình bày trước Phiên họp. Nó sẽ là sự đóng góp của các Giáo hội ở Châu Âu vào việc soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng. Chúng tôi cảm ơn những người đã chia sẻ kinh nghiệm của họ một cách thẳng thắn và tôn trọng những nhạy cảm khác nhau. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Ban biên tập đã bỏ công sức soạn thảo tài liệu này.

Là kết quả của kinh nghiệm đồng nghị này, chúng tôi, các giám mục cam kết tiếp tục sống và thúc đẩy tiến trình đồng nghị trong các cơ cấu và đời sống của giáo phận chúng tôi. Kinh nghiệm chăm sóc toàn thể Giáo hội ở Châu Âu này đã khích lệ chúng tôi trong cam kết trung thành thực hiện sứ mệnh phổ quát của mình. Chúng tôi đang tham gia hỗ trợ các chỉ dẫn của người kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha của chúng ta, để trở thành một Giáo hội đồng nghị được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong Chúa Kitô.

Chúng tôi muốn cùng nhau bước đi, với tư cách là dân thánh của Thiên Chúa, cả giáo dân lẫn mục tử, những người hành hương dọc theo các nẻo đường của Châu Âu để loan báo niềm vui của Tin Mừng phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúng tôi muốn làm điều đó cùng với các anh chị em của chúng tôi từ các giáo phái Kitô giáo khác.

Chúng tôi sẽ làm việc không mệt mỏi để mở rộng không gian của căn lều chúng tôi để các cộng đồng giáo hội của chúng tôi trở thành những nơi mà mọi người đều cảm thấy được chào đón.

Prague, ngày 11 tháng 2 năm 2023