Andrea Tornielli gần đây đã phỏng vấn Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxemburg. Đức Hồng Y nhân dịp này đã giải thích những thay đổi trong phiên họp toàn thể sắp tới, nhấn mạnh việc Giáo hội được kêu gọi truyền giáo với tất cả sự đa dạng của mình, trong khi luôn đặt Chúa Kitô ở trung tâm.
Andrea Tornielli (AT): Phiên họp thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2023 sẽ bao gồm một số lượng đáng kể các thành viên bỏ phiếu không phải là giám mục: linh mục, nam nữ tu sĩ, nam nữ giáo dân, với 50% là phụ nữ và đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của giới trẻ. Ý nghĩa của quyết định này là gì?
Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich (CH): Thực ra không phải là mới, vì trong quá khứ đã có những thành viên có quyền bỏ phiếu nhưng không phải là giám mục. Không có các cử tri nữ, nhưng có những thành viên không phải là giám mục. Do đó, có thể nói rằng nhóm nhỏ đó bây giờ trở nên lớn hơn.
Thượng hội đồng vẫn là một Thượng hội đồng của các giám mục, bởi vì giám mục luôn là mục tử của Giáo hội mình; người ta không thể thấy chức năng tách rời khỏi người dân của ngài, khỏi người dân của ngài. Tôi là tổng giám mục Luxemburg, khi tôi ở Rôma tôi nhớ Giáo hội của tôi: tôi nghĩ đến những người tôi nhìn thấy ở hàng thứ nhất, hàng thứ hai, hàng thứ ba trong nhà thờ chính tòa, tôi nghĩ đến những người tôi gặp hàng ngày...và tôi nhớ họ. Một phần nhỏ những người này sẽ có mặt tại Thượng hội đồng để ở với các mục tử của họ. Họ sẽ có một sứ mệnh đặc biệt, họ đã có kinh nghiệm tuyệt vời về tính đồng nghị trong các giáo phận, sau đó ở bình diện các hội đồng giám mục và cuối cùng ở bình diện châu lục. Không phải tất cả các giám mục tham gia đều có kinh nghiệm này. Do đó, nhiệm vụ của những thành viên mới này là trở thành nhân chứng cho những gì họ đã trải qua để truyền đạt nó.
AT: Mặc dù vậy, Thượng hội đồng vẫn là ‘của các giám mục’?
CH: Vâng, nó vẫn như vậy bởi vì các giám mục chiếm đa số! Việc biện phân tùy thuộc vào các giám mục, đã được thực hiện ở các bình diện khác nhau và cuối cùng vào Đức Thánh Cha. Bây giờ là giai đoạn của các giám mục, nhưng có một vấn đề là sự biện phân và vấn đề này đã được dân Chúa đề nghị. Có thể nói, các thành viên mới của Thượng Hội đồng đại diện cho thành phần dân Chúa ‘không thuộc hàng giám mục’.
AT: Có thể nói đó là một thượng hội đồng giám mục được đồng hành bởi sự đại diện của dân Chúa không?
CH: Nhưng giám mục cũng thuộc dân Chúa! Ít nhất tôi muốn thuộc về họ... nếu không tôi sẽ cảm thấy tồi tệ! Chúng ta cần hiểu những thành viên mới này nhiều hơn trong tư cách nhân chứng và ký ức của tiến trình thượng hội đồng cho đến nay.
Chủ đề của Thượng hội đồng
AT: ‘Thượng Hội Đồng về Tính Đồng nghị’ là một tiêu đề khá kỹ thuật, nghe có vẻ xa vời với cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, đối với những người đã sống kinh nghiệm này, nó hoàn toàn ngược lại. Đức Hồng Y có thể cho chúng con biết chủ đề của thượng hội đồng này là gì không?
CH: [Nó là] điều này: làm thế nào chúng ta cùng nhau có thể trở thành một Giáo hội truyền giáo, hôm nay và ngày mai. Làm thế nào chúng ta có thể là một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo.
Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh điều này: đây không phải là một phân tích hay suy niệm, không! Chúng ta ở đó để sống Giáo hội như Thiên Chúa mong muốn cho thời đại của chúng ta, để loan báo Tin Mừng cho thế giới, cho những người đương thời của chúng ta. Và điều này quả đẹp đẽ.
Giáo hội luôn luôn có tính đồng nghị. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Thượng hội đồng và Giáo hội đồng nghĩa với nhau... Con đường chúng ta đang đi, sự tham gia của toàn thể dân Chúa, cho thấy rằng Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta theo cách để đưa vào thực hành những gì Công đồng Vatican II, và đặc biệt Hiến chế Lumen gentium đã khẳng định.
AT: Vì vậy, trọng tâm của Phiên họp Toàn thể tiếp theo là cách trở thành Giáo hội, chứ không phải các chủ đề cá biệt?
CH: Vâng, và tôi tin rằng đây cũng là một phản ứng đối với căn bệnh của thời đại chúng ta. Bởi vì những gì đặc trưng cho thời hậu hiện đại hoặc kỹ thuật số của chúng ta, như chúng ta có thể gọi nó, là chủ nghĩa cá nhân đang trở nên rõ rệt hơn mỗi ngày. Và chúng ta thấy rằng với chủ nghĩa cá nhân này, nhân loại không thể tồn tại: chúng ta cần các yếu tố cộng đồng để tồn tại.
Sau đó, có hiện tượng phân cực ngày càng tăng, trong xã hội và trên các phương tiện truyền thông, ngay cả trong những cơ quan truyền thông lấy cảm hứng từ Công Giáo.
dân Chúa cùng nhau bước đi là một phản ứng đối với những khuynh hướng này. Hãy cẩn thận ở đây: không phải chúng ta đã 'phát minh ra' tính đồng nghị để đáp ứng những khuynh hướng này, nhưng đúng hơn, chính Chúa Thánh Thần, trong giai đoạn này, đã khơi dậy mong muốn về tính đồng nghị đã được các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên trải nghiệm. Và đó là một cách để đối phó với những thách thức mà chúng ta phải đối diện, bởi vì nếu không thì nhân loại sẽ gặp nguy hiểm.
Một cuộc đàm luận thiêng liêng
AT: Đức Giáo Hoàng thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe trong thời đại mà mọi người đều nói và mọi người đều tham gia vào các cuộc luận chiến, nhưng ít người lắng nghe...
CH: Là một giám mục, tôi thấy khi tôi lắng nghe, đôi khi tôi thay đổi tâm ý, và điều đó tốt cho tôi. Giáo phận của tôi không lớn: đất nước của tôi có 660,000 dân, nhưng giám mục có một đoàn tùy tùng gồm những người ít nhiều đã học cùng những điều như nhau, đôi khi ở cùng một nơi, với cùng các giáo sư. Họ nghĩ theo cùng một cách. Có bằng chứng cho thấy đó không phải là điều hiển nhiên đối với mọi thành phần dân Chúa. Theo nghĩa đó, thật tốt khi có sự cởi mở này, biết cách lắng nghe.
Và thật tốt khi mọi người đến và lắng nghe các giám mục, bởi vì các giám mục không chỉ có vai trò lắng nghe mà còn có vai trò đưa ra câu trả lời và là mục tử của dân chúng.
Chúng ta không có chủ nghĩa nghị viện đồng nghị, nơi đa số quyết định và mọi người tuân theo. Thượng hội đồng không phải là một quốc hội. Chúng ta muốn biện phân thánh ý Thiên Chúa, phải để Chúa Thánh Thần dẫn dắt.
AT: Diễn trình này diễn ra như thế nào?
CH: Đó là một diễn trình thiêng liêng; và đó là lý do tại sao chúng ta có cuộc đàm luận thiêng liêng này, hay đúng hơn là cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần: đó là một cách lắng nghe và bước vào cuộc đối thoại, không phải với thái độ chống đối, để đi đến một kết luận chung. Rõ ràng là luôn có nhu cầu hoán cải trong diễn trình này: đôi khi chính giám mục phải hoán cải, đôi khi chính giáo dân cũng phải hoán cải.
AT: Điều xảy ra là ngay cả trong Giáo hội, người ta cũng phải đối đầu với một não trạng chính trị, người ta muốn ‘đếm’ để đạt được một số kết quả nhất định. Điều gì thực sự tạo nên sự khác biệt?
CH: Một chủ nghĩa nghị viện giáo hội nào đó thuộc về tính đồng nghị của những người anh em Tin Lành của chúng ta nhiều hơn. Chúng ta phải thực hành tính đồng nghị của Công Giáo, điều này khác. Chúng ta có các thừa tác vụ thụ phong, tính hợp đoàn của các giám mục, trách nhiệm đối với Giáo hội, quyền tối thượng của Thánh Phêrô. Tất cả những điều này sẽ không bị xóa bỏ với tính đồng nghị.
Đúng hơn, tính đồng nghị là chân trời trong đó tính hợp đoàn của các giám mục và quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng được thực thi, để cùng nhau tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.
Vì vậy, không có vấn đề gì khi nói: ‘Đây là vấn đề này, có hai chủ trương này, ai có đa số sẽ thắng và nó sẽ được thực hiện như thế này’. Bởi vì điều đó phá hủy Giáo hội. Chúng ta không muốn điều đó. Chúng ta phải cùng nhau bước đi như một cộng đồng Giáo hội.
Cùng bước đi với nhau
AT: Cụ thể ‘cùng bước đi với nhau’ nghĩa là gì?
CH: Khi chúng ta bước đi, Chúa Kitô là trung tâm. Có người ở bên phải, có người ở bên trái, có người tiến xa hơn, có người đi chậm hơn và ở lại phía sau: chúng ta đi cùng nhau là chuyện bình thường. Chúng ta phải biết rằng một số căng thẳng nhất định trong Giáo hội là bình thường: điều đó có nghĩa là Giáo hội gần gũi với mọi người, bởi vì không phải mọi người đều suy nghĩ giống nhau về mọi châu lục, về mọi vấn đề. Vì vậy, điều quan trọng là phải lắng nghe với nhiều sự tôn trọng, kể cả đối với các nền văn hóa khác nhau, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, để cùng nhau quyết định con đường phía trước.
Vì có một số người 'đặt' tôi ở bên trái, nên chúng ta hãy nói rằng tôi đang đi ở bên trái. Nếu tôi lấy Chúa Kitô làm trung tâm và nhìn Người từ bên trái, tôi không thấy Người một mình, tôi thấy Chúa Kitô với những người đi ở bên phải. Tôi không thể nhìn thấy Chúa Kitô mà không nhìn thấy họ: điều đó có nghĩa là những người đi bên phải cũng là một phần của cộng đồng của tôi. Nó có nghĩa là chúng ta phải đi bộ cùng nhau. Tôi hy vọng trải nghiệm tương tự cũng xảy ra với những người đang đi ở bên phải, những người đi trước, những người đi sau...
Nếu Chúa Kitô thực sự là trung tâm – và Chúa Thánh Thần là khí cụ và bảo đảm rằng Chúa, Đấng đã chết và sống lại, là trung tâm – thì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo.
AT: Tuy nhiên, đôi khi có vẻ như chúng ta đang bận rộn hoặc bận tâm đến điều gì đó khác, với các cấu trúc và chiến lược…
CH: Giáo hội không thể lúc nào cũng bận rộn nói về cơ cấu, tổ chức của mình. Ông có thấy lạ không khi có một câu lạc bộ túc cầu mà ông chỉ nói về luật mà không bao giờ chơi một trận đấu? Sẽ không có nhiều người tham gia câu lạc bộ đó và ủng hộ đội! Đối với Giáo hội cũng vậy: đức tin của chúng ta được sống bằng cách phục vụ, trong Giáo hội và ngoài Giáo hội. Đó là sống để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ mọi người.
Sự mới lạ của giai đoạn châu lục
AT: Đâu là kinh nghiệm và cũng là nét mới lạ của giai đoạn lục địa của Thượng Hội Đồng?
CH: Nó rất đẹp, chúng ta đã thấy những gì các hội đồng giám mục khác nhau đề xuất ở bình diện các lục địa khác nhau.
Chúng ta cũng thấy sự khác biệt: thí dụ, trong hầu hết các giai đoạn lục địa, mọi người đều yêu thích hình ảnh chiếc lều. Tuy nhiên, ở Châu Phi, họ đã không như vậy, vì lều dành cho họ là lều của những người tị nạn, đó là lều của đau khổ, nghèo đói và họ thích hình ảnh gia đình của Thiên Chúa hơn. Họ giải thích rằng lều không thể mở rộng, nó bị rách, trong khi gia đình có thể mở rộng.
Lúc đó tôi nhận ra rằng chúng ta không thể trình bày chỉ một hình ảnh, mà là một số hình ảnh nói lên các nền văn hóa tôn giáo khác nhau của các dân tộc chúng ta. Và tôi chắc chắn rằng những ai yêu thích hình ảnh chiếc lều có thể học được điều gì đó từ hình ảnh gia đình của Thiên Chúa, và ngược lại. Điều quan trọng là phải tham dự các hội nghị châu lục, tôi đã làm như vậy không để phát biểu, không phải để gây ảnh hưởng, mà để lắng nghe, để nhận ra sự đa dạng được trải nghiệm. Chúng ta sẽ phải làm điều này tại Thượng Hội đồng Giám mục.
AT: Điều gì nổi bật từ tám tài liệu cuối cùng, tài liệu của các châu lục cũng như tài liệu của thượng hội đồng kỹ thuật số? Các chủ đề cá nhân hay cách đồng nghị làm Giáo hội?
CH: ‘Thượng hội đồng kỹ thuật số’ là một trải nghiệm tuyệt vời... Từ tất cả các tài liệu, điều nổi bật là trải nghiệm đã có, là niềm vui của người ta. Ở châu Âu, ở châu Á, họ yêu cầu có thể lặp lại các phiên họp. Tôi đã lo lắng về châu Âu, bởi vì chúng tôi biết có những khác biệt lớn. Nhưng ở đây cũng vậy, mọi người muốn tiến lên, và chúng ta phải tiến lên với sự khác biệt của mình và cùng nhau bước đi. Chúng ta phải xem xét điều gì là quan trọng đối với sự hiệp thông, đối với sự tham gia, đối với sứ mệnh và trình bày điều đó trước Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng Mười.
AT: Đức Hồng Y đã làm việc như thế nào để nêu bật những đóng góp của các châu lục khác nhau?
CH: Theo nhóm, một cách đồng nghị. Nó không phải là hoạt động của một người duy nhất. Có một số nhóm làm việc về các chủ đề khác nhau: tính ưu việt, thừa tác vụ thụ phong, thừa tác vụ rửa tội, tính hợp đoàn của các giám mục. Chúng tôi tự hỏi các phiên họp châu lục nói gì về điều này và tập hợp nó lại với nhau, xem Huấn quyền của Giáo hội, các Giáo hoàng, Công đồng Vatican II, nói gì, để bao gồm tất cả những gì đã xuất hiện trong con đường chung.
Mong đợi những gì
AT: Chúng ta nên mong đợi điều gì từ Tài liệu làm việc?
CH: Nó sẽ là một bản văn ngắn. Nó sẽ giúp chúng ta trong việc chia sẻ, tham gia, để các thành viên của Thượng Hội đồng có thể bày tỏ chính họ. Thật vậy, tôi hy vọng rằng các thành viên cũng sẽ được tự do nói: hãy vứt nó đi, hãy làm một điều khác, bởi vì chúng ta còn Thượng Hội đồng hai năm trước mắt và không có gì phải vội vàng. Chúng ta không được đi đến một thỏa hiệp nhân tạo. Chúng ta có thời gian để thực sự hiểu được sự kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho Giáo hội của Người trong thế giới ngày nay.
AT: Cụ thể thì điều gì sẽ xảy ra từ nay đến tháng 9?
CH: Bản văn sẽ được gửi và trình bày cho những người tham gia. Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải làm, bởi vì có rất nhiều yếu tố mới cần xem xét từng điểm một. Và các quyết định của chúng tôi – của tường trình viên viên, tổng thư ký, thư ký đặc biệt –không chắc gì được tuân theo, bởi vì mọi thứ sẽ được đệ trình lên Hội đồng Thượng Hội đồng và lên Đức Giáo Hoàng.
Không có tính đồng nghị nếu không có các giám mục, hay chống lại các giám mục, và không có tính đồng nghị nếu không có Phêrô hoặc chống lại Phêrô. Mọi thứ đều được trình lên Đức Thánh Cha để xin phép, để được chúc lành, nếu không thì chúng ta không thể tiếp tục. Chúng ta là người Công Giáo và chúng ta muốn tiếp tục là người Công Giáo!
Thu hút những người ở bên lề
AT: Đức Hồng Y đã tham gia vào các phiên họp ở các châu lục khác nhau. Đức Hồng Y cũng đã từng gặp những phản ứng ‘hâm hấp’ hoặc bất cứ sự kháng cự nào chưa?
CH: Tôi đã nhận thấy hai cơn cám dỗ. Đầu tiên là đồng hóa mọi thứ vào các khuôn mẫu cũ. Đó là cơn cám dỗ mà tôi gọi một cách thuận tiện là 'cánh hữu', nói rằng: chúng ta muốn làm những gì chúng ta vẫn luôn làm, chúng ta không thực sự muốn lo lắng về điều mới lạ.
Nhưng cũng có cơn cám dỗ ‘cánh tả’, theo đó mọi vấn đề được coi là quan trọng trong Giáo hội phải được thảo luận tại Thượng hội đồng. Nhưng điều này là không thể. Thượng hội đồng có một danh hiệu và danh hiệu này là một nhiệm vụ đối với chúng ta: tính đồng nghị, hiệp thông, tham gia, sứ mệnh. Thượng Hội đồng sẽ tập trung vào vấn đề này, chứ không phải tất cả các chủ đề khác. Tôi không tranh cãi về tầm quan trọng của các chủ đề khác mà chúng tôi sẽ trình bày với Đức Thánh Cha, để ngài có thể suy tư về chúng theo cách ngài chọn. Nhưng Thượng hội đồng sẽ bàn về tính đồng nghị.
AT: Làm thế nào Thượng hội đồng có thể nói chuyện với một người sẽ không trực tiếp tham gia và không có cơ hội tham gia vào giai đoạn chuẩn bị trong các giáo phận?
CH: Trước hết, tôi xin họ cầu nguyện, vì muốn làm theo ý Thiên Chúa thì phải cầu nguyện nhiều. Chúng ta phải có sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội.
Và sau đó tôi sẽ yêu cầu họ cố gắng sống Thượng hội đồng trong trái tim của chính họ, trong cộng đồng của họ – nơi làm việc hay trong giáo hội – bởi vì như thế lời cầu nguyện của họ sẽ không còn trừu tượng nữa.
Tôi mơ ước được tham gia nhiều vào việc cầu nguyện cho Thượng hội đồng. Đức Hồng Y Mario Grech đã nói một điều mà tôi thấy rất hay: chúng ta hãy cố gắng sống theo phong cách của Chúa Giêsu. Khi bạn nhìn thấy Giáo hội, bạn phải nhận ra Chúa Giêsu. Điều này rất quan trọng, nếu không thì làm sao chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng nếu người ta không nhận ra Chúa Giêsu trong chúng ta?
Và để làm được điều đó, chúng ta cần hoán cải. Tính đồng nghị không thể thực hiện được nếu không có sự hoán cải, và sự hoán cải này là bắt buộc đối với mọi người, cánh hữu, cánh tả và thậm chí cả trung tâm.
Ghi chú của chủ bút: Mặc dù có thêm các thành viên bỏ phiếu là giáo dân, Thượng Hội đồng Giám mục sẽ vẫn là một Thượng hội đồng giám mục “bởi vì các giám mục chiếm đa số,” Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich lý luận như thế.
Đức Hồng Y Hollerich – người với tư cách là tổng tường trình viên sẽ là nhân vật chủ chốt trong cuộc họp tháng 10 của Thượng Hội đồng – đã nhắc nhở Vatican News rằng “đã có những thành viên có quyền bỏ phiếu nhưng không phải là giám mục”. (Một số ít linh mục, đại diện cho các dòng tu, đã tham gia vào các cuộc họp trước đó.) Cuộc họp năm 2023 sẽ chứng kiến một lượng lớn hơn nhiều số lượng cử tri giáo dân, lần đầu tiên bao gồm cả phụ nữ.
Mặc dù nhấn mạnh rằng các giám mục sẽ vẫn là đa số cử tri, nhưng Đức Hồng Y Hollerich cảnh cáo: “Chúng ta không có chế độ nghị viện đồng nghị, nơi đa số quyết định và mọi người tuân theo”. Thay vào đó, ngài nói, Thượng Hội đồng dựa vào linh hứng của Chúa Thánh Thần, và tôn trọng “tính hợp đoàn của các giám mục, trách nhiệm đối với Giáo hội, quyền tối thượng của Thánh Phêrô”.
Đức Hồng Y kết luận “tính đồng nghị là chân trời trong đó tính tập thể của các giám mục và quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng được thực thi, để cùng nhau tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.”