Dù chưa thấu đáo lắm về ý nghĩa thực sự của tính đồng nghị (synodality), bất chấp nó đã xuất hiện ít nhất 3, 4 năm qua, người Công Giáo cũng đã nắm được muôn một ý nghĩa thực tế của nó: cùng đi với nhau không những ở cái lúc thi hành quyết định mà còn cả ở cái lúc đưa ra quyết định nữa, dù Đức Hồng Y Grech gần đây có nhấn mạnh: Giáo Hội đồng nghị là Giáo Hội thiêng liêng hơn hay để Chúa Thánh Thần hành động nhiều hơn. Nhưng còn người Chính thống giáo, người mà theo Đức Phanxicô quả quyết là những người duy trì tốt nhất truyền thống thượng hội đồng, họ hiểu thế nào về tính đồng nghị, nhất là tính này liên hệ với một tính khác vốn được người Công Giáo từ trước đến nay hết sức nhấn mạnh: tính tối thượng quyền (primacy)?

May mắn thay, ngày 15 tháng 6 vừa qua, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Liên hiệp Quốc tế Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống giáo đã công bố tuyên bố chung tựa là “Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai và ngày nay”. Năm 2016, cũng Ủy ban này đã công bố văn kiện “Tính Đồng nghị và Tính Tối thượng quyền trong Thiên Niên kỷ thứ nhất”.

Đọc hai văn kiện trên, chúng ta sẽ thấy người Chính thống giáo hiểu tính đồng nghị trong tương quan giữa vị đứng đầu và những vị khác trong phẩm trật: việc gì chung cho các giáo hội đều được đem ra bàn luận tại thượng hội đồng và vị đứng đầu không quyết định điều gì mà không được các vị khác đồng ý. Quyết định của các vị trong các thượng hội đồng này có tính ràng buộc. Khi ban hành các thư có giá trị như thông điệp (encyclical) của Giám Mục Rôma, họ đều có cụm từ “Thư thượng phụ và thượng hội đồng”

Tóm lại tính đồng nghị thực sự chỉ là tính thượng hội đồng vì nội dung của nó là nội dung của thượng hội đồng. Trong khi người Công Giáo chúng ta hiểu chữ tính đồng nghị khác với thượng hội đồng, vì hiện nay diễn trình đồng nghị bao gồm mọi người đã chịu phép rửa. Nhưng điều quan trọng là dù bao gồm mọi người đã chịu phép rửa, thượng hội đồng của tòa Rôma chỉ là một cơ quan có tính tư vấn. Các ý kiến tại thượng hội đồng này không có tính ràng buộc mà chỉ là những chất liệu giúp Giám Mục Rôma (Đức Giáo Hoàng) đưa ra các chính sách của ngài. Chính sách này có thể vượt quá các ý kiến của thượng hội đồng.

Chưa hết, sự dị biệt sẽ còn rõ nét hơn nhiều nữa lúc nói đến tính tối thượng quyền của Giám Mục Rôma (Đức Giáo Hoàng). Cho đến nay, dường như chưa có tiến triển nào về phương diện này. Và trong thông cáo chung ký tại Alexandria ngày 7 tháng 6, hai bên quả quyết rằng: “‘sự liên thuộc của tính đồng nghị và tính tối thượng quyền là nguyên tắc nền tảng trong đời sống Giáo Hội’ và nguyên tắc này ‘nên được viện dẫn để thoả mãn các nhu cầu và đòi hỏi của Giáo Hội thời đại ta’”

Chúng tôi lần lượt chuyển dịch hai văn kiện này sang tiếng Việt.



I. Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ nhất: Hướng đến một cái hiểu chung để phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội
Chieti, ngày 21 tháng 09 năm 2016

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông [koinonia] với chúng tôi,mà chúng tôi thì hiệp thông [koinonia] với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. (1 Ga 1:3-4)

1. Sự hiệp thông Giáo Hội phát sinh trực tiếp từ việc Nhập Thể của Ngôi Lời vĩnh cửu, theo ý muốn (eudokia) của Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô, khi đến trần gian, đã thành lập Giáo hội như thân thể của Người (x. 1Cr 12,12-27). Sự hiệp nhất hiện hữu giữa các Ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản ảnh trong sự hiệp thông (koinonia) giữa các phần tử của Giáo hội với nhau. Vì vậy, như Thánh Maximô Hiển tu đã khẳng định, Giáo hội là một 'eikon' [biểu tượng] của Chúa Ba Ngôi. (1) Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện với Chúa Cha: 'Xin bảo vệ chúng nhân danh Cha mà Cha đã ban cho con, để chúng nên một như chúng ta là một' (Ga 17:11). Sự hiệp nhất Ba Ngôi này được thể hiện trong Bí tích Thánh Thể, trong đó Giáo hội cầu nguyện với Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.

2. Từ thời xa xưa, Giáo hội duy nhất hiện hữu như nhiều Giáo hội địa phương. Sự hiệp thông (koinonia) của Chúa Thánh Thần (x. 2Cr 13:13) đã được cảm nghiệm cả trong mỗi giáo hội địa phương lẫn trong các mối tương quan giữa chúng như một sự hợp nhất trong sự đa dạng. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. Ga 16:13), Giáo hội đã phát triển các khuôn mẫu trật tự và nhiều thực hành khác nhau phù hợp với bản chất của mình là “một dân được mang tới sự hợp nhất từ sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.(2)

3. Tính đồng nghị [solidarity] là phẩm chất căn bản của toàn thể Giáo hội. Như Thánh Gioan Kim khẩu đã nói: '"Giáo hội" có nghĩa là cả tập hợp [systema] lẫn thượng hội đồng [synodos]'. (3) Thuật ngữ này bắt nguồn từ chữ 'công đồng' (synodos trong tiếng Hy Lạp, concilium trong tiếng Latinh), chủ yếu biểu thị một cuộc tập hợp của các giám mục, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để thảo luận và hành động chung trong việc chăm sóc Giáo hội. Nói chung, nó đề cập đến sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.

4. Thuật ngữ primacy [tối thượng quyền] đề cập đến việc trở thành người đứng đầu (primus, protos). Trong Giáo Hội, quyền tối thượng thuộc về Đầu của Giáo Hội – Chúa Giêsu Kitô, ‘Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu [protevon]’ (Cl. 1:18). Truyền thống Kitô giáo nói rõ rằng, trong đời sống đồng nghị của Giáo hội ở các bình diện khác nhau, giám mục được thừa nhận là ‘người đứng đầu’. Chúa Giêsu Kitô liên kết việc “đứng đầu” này với việc phục vụ (diakonia): “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35).

5. Vào thiên niên kỷ thứ hai, sự hiệp thông giữa Đông và Tây đã bị phá vỡ. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để khôi phục sự hiệp thông giữa người Công Giáo và Chính thống giáo, nhưng chúng đã không thành công. Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống, trong công việc không ngừng nhằm khắc phục những bất đồng thần học, đã xem xét mối quan hệ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong đời sống của Giáo hội. Những cách hiểu khác nhau về những thực tại này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự chia rẽ giữa Chính thống giáo và Công Giáo. Do đó, điều cần thiết là tìm cách thiết lập một sự hiểu biết chung về những thực tại liên quan lẫn nhau, bổ sung và không thể tách rời này.

6. Để đạt được sự hiểu biết chung này về tính tối thượng quyền và tính đồng nghị, cần phải suy tư về lịch sử. Thiên Chúa tỏ mình ra trong lịch sử. Điều đặc biệt quan trọng là cùng nhau đảm nhận việc đọc thần học về lịch sử phụng vụ, linh đạo, các định chế và giáo luật của Giáo hội, vốn luôn có chiều kích thần học.

7. Lịch sử Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ nhất mang tính chất quyết định. Mặc dù có một số rạn nứt tạm thời, các Kitô hữu từ Đông và Tây đã sống hiệp thông trong thời gian đó, và trong bối cảnh đó, các cơ cấu thiết yếu của Giáo hội đã được thiết lập. Mối quan hệ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng quyền có nhiều hình thức khác nhau, có thể đưa ra hướng dẫn quan trọng cho Chính thống giáo và Công Giáo trong nỗ lực khôi phục sự hiệp thông trọn vẹn ngày nay.

Giáo hội địa phương

8. Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền mà Chúa Kitô là đầu, hiện diện trong cộng đoàn tham dự [synaxis] thánh thể của một giáo hội địa phương dưới quyền giám mục của giáo hội đó. Ngài là người chủ trì ('proestos'). Trong cộng đoàn tham dự phụng vụ, giám mục làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trở nên hữu hình. Trong Giáo hội địa phương (tức một giáo phận), nhiều tín hữu và giáo sĩ dưới quyền của một giám mục được hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô, và hiệp thông với Người trong mọi khía cạnh của đời sống Giáo hội, đặc biệt nhất là trong việc cử hành Thánh thể. Như Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã dạy: 'Giám mục ở đâu thì giáo dân ở đó, cũng như ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Giáo Hội Công Giáo [katholike ekklesia]'. (4) Mỗi giáo hội địa phương cử hành trong hiệp thông với mọi giáo hội địa phương khác, tuyên xưng đức tin chân thực và cử hành cùng một Thánh Thể. Khi một linh mục chủ sự Thánh Thể, giám mục địa phương luôn được tưởng nhớ như một dấu hiệu của sự hiệp nhất của giáo hội địa phương. Trong Bí tích Thánh Thể, proestos [người chủ trì] và cộng đoàn phụ thuộc lẫn nhau: cộng đoàn không thể cử hành Thánh Thể nếu không có proestos, và đến lượt proestos, phải cử hành cùng với cộng đồng.

9. Mối liên hệ qua lại giữa proestos hay giám mục và cộng đoàn là một yếu tố cấu thành đời sống của giáo hội địa phương. Cùng với hàng giáo sĩ, những người cộng tác với thừa tác vụ của mình, giám mục địa phương hoạt động giữa các tín hữu, là đoàn chiên của Chúa Kitô, như người bảo đảm và tôi tớ của sự hiệp nhất. Với tư cách là người kế vị các Tông Đồ, ngài thi hành sứ vụ phục vụ và yêu thương, chăn dắt cộng đoàn của mình và dẫn dắt cộng đoàn, với tư cách là thủ lãnh, đến sự hiệp nhất ngày càng sâu xa hơn với Chúa Kitô trong sự thật, duy trì đức tin tông truyền qua việc rao giảng Tin Mừng và việc cử hành các bí tích.

10. Vì giám mục là người đứng đầu giáo hội địa phương của mình, nên ngài đại diện cho giáo hội của mình trước các giáo hội địa phương khác và trong sự hiệp thông của tất cả các giáo hội. Tương tự như vậy, ngài làm cho sự hiệp thông đó hiện diện trong Giáo Hội của chính mình. Đây là một nguyên tắc căn bản của tính đồng nghị.

Sự hiệp thông khu vực của các Giáo Hội

11. Có nhiều bằng chứng cho thấy các giám mục trong Giáo hội sơ khai ý thức được trách nhiệm chung đối với Giáo hội nói chung. Như Thánh Cyprianô đã nói: 'Chỉ có một hàng giám mục nhưng nó được trải rộng giữa một đoàn hài hòa gồm tất cả các giám mục'. (5) Mối dây hiệp nhất này được thể hiện trong sự đòi hỏi rằng ít nhất ba giám mục phải tham gia vào lễ tấn phong (cheirotonia) của một Giám Mục mới;(6) điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong nhiều cuộc họp của các giám mục trong các công đồng hoặc thượng hội đồng để thảo luận về các vấn đề chung về tín lý (dogma, didaskalia) và thực hành, và trong việc trao đổi thư từ thường xuyên và các chuyến thăm viếng lẫn nhau.

12. Ngay trong bốn thế kỷ đầu tiên, đã xuất hiện nhiều nhóm giáo phận khác nhau trong các khu vực đặc thù. Protos, người đứng đầu trong số các giám mục của khu vực, là giám mục của tòa đứng đầu, tức toà đô thị [metropolis] và chức vụ của ngài trong tư cách là Giám Mục đô thị [metropolitan] luôn gắn liền với tòa của ngài. Các công đồng đại kết [chung] quy những đặc quyền nhất định (presbeia, pronomia, dikaia) cho vị Giám Mục đô thị, luôn nằm trong khuôn khổ của tính đồng nghị. Do đó, Công đồng Đại kết Đầu tiên (Nixêa, 325), trong khi yêu cầu tất cả các giám mục của một giáo tỉnh phải đích thân tham gia hoặc đồng ý bằng văn bản đối với một cuộc bầu cử và tấn phong giám mục - một hành vi đồng nghị tuyệt hảo - đã quy cho vị Giám Mục đô thị việc xác nhận (kyros) việc bầu chọn một giám mục mới.(7) Công đồng Đại kết lần thứ tư (Canxêđoan, 451) một lần nữa gợi lên các quyền (dikaia) của Giám Mục đô thị – nhấn mạnh rằng chức vụ này có tính giáo hội, không phải chính trị (8) – cũng như Công đồng Đại kết lần thứ bảy (Nixêa II, 787), cũng làm như vậy.(9)

13. Điều Giáo luật Tông đồ 34 đưa ra một mô tả giáo luật về mối tương quan qua lại giữa protos và các giám mục khác của mỗi khu vực: 'Các giám mục của dân một tỉnh hoặc khu vực [ethnos] phải công nhận người đứng đầu [protos] giữa họ, và coi ngài là người đứng đầu [kephale] của họ, và không làm bất cứ điều gì quan trọng mà không có sự đồng ý [gnome] của ngài; mỗi giám mục chỉ có thể làm những gì liên quan đến giáo phận của mình [paroikia] và các lãnh thổ phụ thuộc của nó. Nhưng người đứng đầu [protos] không thể làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của mọi người. Vì bằng cách này, sự hòa hợp [homonoia] sẽ thắng thế, và Thiên Chúa sẽ được ngợi khen nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần’. (10)

14. Định chế tòa đô thị [metropolitanate] là một hình thức hiệp thông khu vực giữa các giáo hội địa phương. Sau đó, các hình thức khác đã phát triển, cụ thể là các tòa thượng phụ [patriarchate] bao gồm một số tòa đô thị. Cả vị Giám Mục đô thị và thượng phụ đều là giám mục giáo phận với toàn quyền giám mục trong giáo phận của họ. Tuy nhiên, trong các vấn đề liên quan đến các tòa đô thị hoặc các tòa thượng phụ tương ứng của họ, họ phải hành động phù hợp với các giám mục đồng nghiệp của họ. Cách hành động này là gốc rễ của các định chế đồng nghị theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ này, chẳng hạn như thượng hội đồng giám mục khu vực. Các thượng hội đồng này được triệu tập và chủ trì bởi Giám Mục đô thị hoặc thượng phụ. Ngài và tất cả các giám mục đã hành động một cách bổ sung cho nhau và chịu trách nhiệm trước thượng hội đồng.

Giáo hội ở bình diện hoàn vũ

15. Giữa thế kỷ thứ tư và thứ bảy, thứ tự (taxis) của năm tòa thượng phụ đã được công nhận, dựa trên và được phê chuẩn bởi các công đồng đại kết, với tòa Rôma chiếm vị trí hàng đầu, thi hành tối thượng quyền danh dự (presbeia tes times), theo sau là các tòa Constantinốp, Alexandria, Antiôkia và Giêrusalem, theo thứ tự chuyên biệt đó, theo truyền thống giáo luật.(11)

16. Ở Tây phương, tối thượng quyền của tòa Rôma đã được hiểu, nhất là từ thế kỷ thứ tư trở đi, trong tham chiếu với vai trò của Phêrô giữa các Tông đồ. Tối thượng quyền của giám mục Rôma trong số các giám mục dần dần được giải thích như một đặc quyền của ngài vì ngài là người kế vị thánh Phêrô, vị đứng đầu các tông đồ. (12) Cách hiểu này không được chấp nhận ở phương Đông, vốn có cách giải thích khác về Kinh thánh và các Giáo phụ về điểm này. Cuộc đối thoại của chúng ta có thể trở lại vấn đề này trong tương lai.

17. Khi một vị thượng phụ mới được bầu chọn vào một trong năm tòa trong taxis [thứ tự], thông lệ là, ngài sẽ gửi một lá thư cho tất cả các thượng phụ khác, thông báo về việc bầu mình và kèm theo lời tuyên xưng đức tin. Những ‘thư hiệp thông’ như vậy diễn tả sâu sắc mối dây hiệp thông theo giáo luật giữa các thượng phụ. Bằng cách đưa tên của vị thượng phụ mới, theo đúng thứ tự, vào các tranh bộ đôi [diptychs] của nhà thờ của ngài, được đọc trong Phụng vụ, các thượng phụ khác thừa nhận cuộc bầu cử ngài. Thứ tự các tòa thượng phụ có biểu thức cao nhất trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Bất cứ khi nào có hai hoặc nhiều thượng phụ tụ họp để cử hành Bí tích Thánh Thể, các vị sẽ đứng theo taxis. Việc thực hành này biểu lộ đặc tính thánh thể trong việc hiệp thông của họ.

18. Từ Công đồng chung đầu tiên (Nixêa, 325) trở đi, các vấn đề chính liên quan đến đức tin và trật tự giáo luật trong Giáo hội đã được thảo luận và giải quyết bởi các công đồng chung. Mặc dù giám mục của Rôma không đích thân có mặt tại bất cứ công đồng nào trong số đó, nhưng trong mỗi trường hợp, ngài được đại diện bởi những người hợp pháp của mình hoặc ngài đồng ý với các kết luận của công đồng sau sự kiện. Sự hiểu biết của Giáo hội về các tiêu chuẩn để tiếp nhận một công đồng như là công đồng chung đã phát triển trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất. Thí dụ, do hoàn cảnh lịch sử thúc đẩy, Công đồng chung lần thứ bảy (Nixêa II, 787) đã đưa ra một mô tả chi tiết về các tiêu chuẩn như được hiểu lúc đó: sự đồng ý (symphonia) của những người đứng đầu các Giáo Hội, sự hợp tác (synergeia) của giám mục Rôma, và sự đồng ý (symphonia) của các thượng phụ khác khác. Một công đồng chung phải có số hiệu riêng của mình theo thứ tự các công đồng chung, và giáo huấn của công đồng này phải phù hợp với giáo huấn của các công đồng trước đó. (13) Sự đón nhận của toàn thể Giáo hội luôn luôn là tiêu chuẩn tối hậu cho tính đại kết của một công đồng.

19. Qua nhiều thế kỷ, một số khiếu nại đã được gửi đến giám mục Rôma, kể cả từ Đông phương, về các vấn đề kỷ luật, chẳng hạn như phế truất một giám mục. Một nỗ lực đã được thực hiện tại Thượng hội đồng Sardica (343) để thiết lập các quy tắc cho thủ tục như vậy. (14) Sardica đã được tiếp nhận tại Công đồng ở Trullo (692). (15) Các điều giáo luật của Sardica xác định rằng một giám mục đã bị kết án có thể kháng cáo lên giám mục Rôma, và giám mục này, nếu ngài cho là thích hợp, có thể ra lệnh xét xử lại, do các giám mục ở tỉnh lân cận với giám mục của mình tiến hành. Các khiếu nại liên quan đến các vấn đề kỷ luật cũng đã được gửi đến tòa Constantinốp,(16) và các tòa khác. Những lời kêu gọi các toà lớn như vậy luôn được xử lý theo cách đồng nghị. Những lời kêu gọi gửi đến giám mục Rôma từ phương Đông bày tỏ sự hiệp thông của Giáo hội, nhưng giám mục Rôma không thực thi thẩm quyền giáo luật đối với các giáo hội ở phương Đông.

Kết luận

20. Trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, Giáo hội ở Đông và Tây đã hợp nhất trong việc bảo tồn đức tin tông truyền, duy trì sự kế tục tông đồ của các giám mục, phát triển các cơ cấu đồng nghị liên kết bất khả phân với tối thượng quyền, và trong việc hiểu biết thẩm quyền như một việc phục vụ (diakonia) của tình yêu. Mặc dù sự hợp nhất giữa Đông và Tây đôi khi gặp khó khăn, nhưng các giám mục của Đông và Tây đều ý thức thuộc về một Giáo hội.

21. Di sản chung về các nguyên tắc thần học, các quy định của giáo luật và các thực hành phụng vụ từ thiên niên kỷ thứ nhất tạo nên một điểm quy chiếu cần thiết và một nguồn linh hứng mạnh mẽ cho cả người Công Giáo lẫn Chính thống giáo khi họ tìm cách hàn gắn vết thương của sự chia rẽ vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Trên cơ sở di sản chung này, cả hai bên phải xem xét làm thế nào mà tính tối thượng quyền, tính đồng nghị và mối liên hệ qua lại giữa chúng có thể được quan niệm và thực hiện ngày nay và trong tương lai.

Ghi chú

1) Thánh Maximô Hiển tu, Mystagogia (PG 91, 663D).

2) Thánh Cyprianô, De Orat. Dom., 23 (PL 4, 536).

3) Thánh Gioan Kim Khẩu, Explicatio in Ps 149 (PG 55, 493).

4) Thánh Inhaxiô, Thư gửi tín hữu Smyrnaea, 8.

5) Thánh Cyprianô, Ep.55, 24, 2; cũng nên xem, ‘episcopatus unus est cuius a singulis in solidum pars tenetur’[hàng giám mục là hàng mỗi thành phần của nó được mỗi thành phần coi như toàn thể] (De unitate, 5).

6) Công Đồng Chung Thứ Nhất (Nixêa, 325), khoản 4: ‘Tốt hơn là một giám mục được thành lập bởi tất cả các giám mục của một giáo tỉnh; nhưng nếu điều này có vẻ khó khăn vì một nhu cầu cấp thiết hoặc vì khoảng cách phải di chuyển, thì ít nhất ba giám mục nên họp lại với nhau; và, với sự đồng ý bằng văn bản của các giám mục vắng mặt, sau đó họ có thể tiến hành việc thánh hiến. Việc xác nhận [kyros] những gì diễn ra thuộc về giám mục đô thị của mỗi tỉnh.’ Cũng nên xem Điều Luật Tông truyền, 1: ‘Một giám mục phải được tấn phong bởi hai hoặc ba giám mục’.

7) Công Đồng Đại Kết Thứ Nhất (Nixêa, 325), điều 4; cũng nên xem điều 6: 'Nếu bất cứ ai trở thành giám mục mà không có sự đồng ý của vị Giám Mục đô thị, đại công đồng truyền rằng một người như vậy thậm chí không phải là một giám mục.’

8) Công đồng Đại kết lần thứ tư (Canxêđoan, 451), điều 12: ‘Đối với các thành phố đã được thư của hoàng đế tôn vinh danh hiệu đô thị, hãy chỉ để các thành phố này và các giám mục cai quản chúng được hưởng danh hiệu đó; nghĩa là, hãy để các quyền thích hợp của đô thị [kata aletheian] đích thực được bảo vệ.’

9) Công đồng Đại kết lần thứ bảy (Nixêa II, 787), điều 11 trao cho các đô thị quyền bổ nhiệm thủ quỹ của các giáo phận phụ thuộc của họ nếu các giám mục không dự liệu điều này.

10) Xem Công đồng Antiôkia (327), điều 9: ‘Các giám mục ở mọi tỉnh [eparchia] phải phục tùng giám mục chủ tọa ở đô thị’.

11) X. Công đồng đại kết đầu tiên (Nixêa, 325), điều 6: 'Các phong tục cổ xưa của Ai Cập, Libya và Pentapolis sẽ được duy trì, theo đó giám mục của Alexandria có thẩm quyền đối với tất cả những nơi này, vì một phong tục tương tự hiện hữu liên quan đến giám mục Rôma. Tương tự như vậy ở Antiôkia và các tỉnh khác, các đặc quyền [presbeia] của các Giáo Hội phải được bảo tồn’; Công đồng Đại kết lần thứ hai (Constantinốp, 381), điều 3: Hãy để giám mục của Constantinốp … có tối thượng quyền danh dự [presbeia tes times] sau giám mục Rôma, bởi vì đó là Tân Rôma’; Công đồng Đại kết lần thứ tư (Canxêđoan, 451), điều 28: ‘Các Nghị phụ đã ban các đặc quyền [presbeia] một cách đúng đắn cho tòa Rôma cổ hơn vì đó là một thành phố đế quốc; và được thúc đẩy bởi cùng một mục đích, một trăm năm mươi giám mục nhiệt tình nhất đã ban cấp các đặc quyền ngang hàng cho tòa thánh thiện nhất của toà Tân Rôma, phán đoán một cách hợp lý rằng thành phố được quyền lực đế quốc và viện nguyên lão tôn vinh và được hưởng các đặc quyền ngang bằng với Rôma cũ của đế quốc, cũng nên được nâng lên ngang tầm với tòa ấy trong các công việc giáo hội và chiếm vị trí thứ hai sau tòa ấy' (điều luật này chưa bao giờ được phương Tây tiếp nhận); Công đồng ở Trullo (692), điều 36: 'Làm mới các điều khoản của một trăm năm mươi Nghị phụ tập hợp tại thành phố được Chúa bảo vệ và thuộc đế quốc, và những điều khoản của sáu trăm ba mươi vị đã hội họp tại Canxêđoan, chúng tôi truyền rằng tòa Constantinốp sẽ có các đặc quyền [presbeia] bình đẳng với toà Rôma Cổ, và sẽ được coi trọng trong các vấn đề giáo hội vì thành phố đó đang và sẽ đứng thứ hai sau nó. Sẽ được xếp hạng sau Constantinốp là tòa Alexandria, rồi đến Antiôkia, và sau đó là tòa Giêrusalem’.

12) Xem Gregory, In Isaiam 14, 53; Đức Lêô, Sermo 96, 2-3.

13) X. Công Đồng Chung Lần Thứ Bảy (Nixêa II, 787): J. D. MANSI, Sacrorum conciliorum nova et amplissima collectio[tuyển tập mới và đầy đủ nhất các thánh công đồng] XIII, 208D-209C.

14) Xem Thượng hội đồng Sardica (343), điều 3 và 5.

15) X. Công đồng ở Trullo, điều khoản 2. Tương tự như vậy, Hội đồng Photian năm 861 đã chấp nhận điều khoản của Sardica là công nhận giám mục Rôma có quyền chấm dứt trong các vụ án đã được xét xử ở Constantinốp.

16) X. Công Đồng Chung Lần Thứ Tư (Canxêđoan, 451), điều 9 và 17.

Kỳ sau: Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai và ngày nay