II. Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai và ngày nay


Alexandria, ngày 7 tháng 6 năm 2023

Dẫn nhập

0.1 Là kết quả của việc nghiên cứu cẩn thận về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ nhất, tài liệu Chieti đã tuyên bố: ‘Từ thời xa xưa nhất, Giáo hội duy nhất đã hiện hữu như nhiều giáo hội địa phương. Sự hiệp thông (koinonia) của Chúa Thánh Thần (x. 2Cr 13:13) đã được cảm nghiệm cả trong mỗi giáo hội địa phương lẫn trong các mối tương quan giữa chúng như một sự thống nhất trong đa dạng. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. Ga 16:13), Giáo hội đã phát triển các khuôn mẫu trật tự và nhiều thực hành khác nhau phù hợp với bản chất của mình là “một dân được hợp nhất từ sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ' (Chieti, 2; trích dẫn Thánh Cyprianô, De orat. dom. 23; PL 4, 536).

0.2 Dây hiệp nhất được hiển hiện trong ‘các cuộc tụ họp nhiều giám mục trong các công đồng hoặc thượng hội đồng để thảo luận các vấn đề chung về tín lý (dogma, didaskalia) và thực hành’ (Chieti, 11). Ở bình diện hoàn vũ, sự hiệp thông được cổ vũ nhờ sự hợp tác giữa năm tòa thượng phụ, được sắp xếp theo một taxis [thứ tự] (x. Chieti, 15). Bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng, sự hiệp nhất của đức tin và tình yêu vẫn được duy trì nhờ thực hành tính đồng nghị và tính tối thượng quyền (x. Chieti, 20).

0.3 Văn kiện này xem xét lịch sử rắc rối của thiên niên kỷ thứ hai trong bốn giai đoạn. Nó cố gắng đưa ra một cách hiểu chung về lịch sử đó càng nhiều càng tốt, và nó mang lại cho người Chính thống giáo và Công Giáo Rôma cơ hội được hoan nghinh nhằm giải thích cho nhau về nhiều điểm khác nhau trên đường đi, để tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau vốn là điều kiện tiên quyết chủ yếu để hòa giải vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Văn kiện kết luận bằng cách rút ra các bài học từ lịch sử đã được khảo sát.



1. Từ 1054 đến Công đồng Florence (1438-1439)

1.1 Vào đầu thiên niên kỷ thứ hai, những khó khăn và bất đồng giữa Đông và Tây càng trầm trọng hơn do các yếu tố văn hóa và chính trị. Hành động rút phép thông công năm 1054 càng làm trầm trọng thêm sự ghẻ lạnh giữa Đông và Tây. Các Giáo hội phương Đông và phương Tây đã nỗ lực thiết lập lại sự hợp nhất của họ. Tuy nhiên, do hậu quả của các cuộc thập tự chinh, và đặc biệt là cuộc chinh phục Constantinốp trong cuộc thập tự chinh thứ tư (1204), sự rạn nứt của năm 1054 đã trở nên sâu xa hơn một cách đáng buồn.

1.2 Điều gọi là Cải cách Gregorianô, được đặt theo tên của Đức Giáo Hoàng Grêgoriô VII (1073-1085), đã thành công trong việc chấm dứt việc các thế lực thế tục bổ nhiệm các giám mục và tu viện trưởng một cách có hệ thống. Các cuộc bầu cử theo giáo luật đã được thiết lập lại, để các hội kinh sĩ của nhà thờ chính tòa bầu các giám mục giáo phận của họ và các tu viện sẽ bầu vị tu viện trưởng của họ. Đồng thời, cuộc cải cách nhằm chống lại những lạm dụng luân lý trong Giáo hội và trong xã hội ở phương Tây. Quá trình cải cách này do giáo hoàng lãnh đạo thông qua các công đồng địa phương truyền thống Rôma. Trong khi đó, quyền lực của giáo hoàng ngày càng mở rộng ra phạm vi trần thế, khi Đức Grêgoriô thậm chí còn thành công trong việc phế truất Hoàng đế Henry IV. Trách nhiệm của Tòa Rôma trong việc bảo vệ Giáo hội phương Tây khỏi sự can thiệp từ bên ngoài và sự lạm dụng từ bên trong ngày càng gia tăng thêm.

1.3 Do đó, một giáo hội học có tính pháp lý hơn đã được khai triển. 'Các Sắc lệnh giả' [False Decretals] (thế kỷ thứ 9) Và Hiến tặng giả của Constantinô [false Donation of Constantine] (có lẽ thế kỷ thứ 8), được cho là chân thực một cách nhầm lẫn, đã nhấn mạnh đến nhân vật trung tâm là giáo hoàng trong Giáo hội Latinh. Các dòng khất sĩ mới vào thế kỷ 13, chẳng hạn như Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh, được miễn trừ, khỏi tuân phục thẩm quyền giám mục, đã cổ vũ ý niệm về ngôi vị giáo hoàng như được giao phó việc chăm sóc mục vụ cho toàn thể Giáo hội.

1.4 Sau Cuộc tranh cãi về tấn phong [investiture] vào cuối thế kỷ 11 và đầu thế kỷ 12, Giáo hội tham gia vào một cuộc đấu tranh lớn khác với các thế lực trần tục để định hướng thế giới Kitô giáo phương Tây. Đức Innôcentê III (1198-1216) đã củng cố quan điểm coi giáo hoàng là người đứng đầu điều hành toàn bộ cơ quan giáo hội. Như người kế vị thánh Phêrô, giáo hoàng có đầy đủ quyền lực (plenitudo potestatis) và quan tâm đến tất cả các giáo hội (sollicitudo omnium ecclesiarum). Các giám mục cá nhân được kêu gọi chia sẻ mối quan tâm của ngài (in partem sollicitudinis), bằng cách chăm sóc giáo phận của họ.

1.5 Vào thời điểm đó, bất chấp sự phát triển tín lý về Tính tối thượng quyền Rôma, tính đồng nghị vẫn còn rõ ràng. Các Giáo hoàng tiếp tục cai quản Giáo hội Latinh với Thượng hội đồng Rôma, tập hợp các giám mục của giáo tỉnh Rôma và những người có mặt tại Rôma. Thượng hội đồng thường họp hai lần một năm. Các vấn đề đã được giải quyết và thảo luận tự do bởi tất cả những người tham gia. Giáo hoàng với tư cách là người đứng đầu đã đưa ra quyết định cuối cùng. Không có bằng chứng nào cho thấy giáo hoàng bị ràng buộc bởi một cuộc bỏ phiếu, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy giáo hoàng đã đưa ra bất cứ quyết định cuối cùng nào trái với lời khuyên của thượng hội đồng của ngài.

1.6 Trong thế kỷ 12, vai trò của thượng hội đồng Rôma dần dần được thay thế bằng mật nghị [consistory], tức cuộc họp của các Hồng Y. Các Hồng Y là thành viên của giáo sĩ Rôma, bảy người trong số họ là giám mục của các giáo phận ngoại ô của tỉnh Rôma. Giáo hoàng thường xuyên hỏi ý kiến mật nghị. Với các sắc lệnh năm 1059 và 1179, Hồng Y đoàn giành được độc quyền bầu chọn giáo hoàng. Việc các Hồng Y là giám mục vùng ngoại ô hoặc được ban cho tước hiệu linh mục hoặc phó tế của Rôma nhấn mạnh thực tế này là Giáo hội Rôma chứ không phải bất cứ cơ quan nào khác có quyền bầu chọn giám mục của mình.

1.7 Ở phương Tây, có các công đồng cấp tỉnh, nhưng các giáo hoàng cũng triệu tập các công đồng chung, như bốn Công đồng Lateranô (1123, 1139, 1179, 1215) tiếp tục cải cách Giáo hội ở phương Tây. Hiến chế 5 của Công đồng Lateranô lần thứ tư (1215) tuyên bố rằng 'Giáo hội Rôma... qua sự sắp đặt của Chúa có tối thượng quyền đối với tất cả các giáo hội khác vì Giáo hội Rôma là mẹ và thầy dạy [mater et magistra] của tất cả các tín hữu của Chúa Kitô'. Cũng chính công đồng này đã kêu gọi người Hy Lạp ‘tuân thủ như những đứa con ngoan ngoãn đối với Giáo hội Rôma thánh thiện, mẹ của họ, để có thể chỉ có một đàn chiên và một mục tử’ (Const. 4). Lời kêu gọi này không được chấp nhận.

1.8 Thời kỳ thống trị giáo hoàng này trùng hợp với các cuộc thập tự chinh, ban đầu được thúc đẩy bởi lời kêu gọi của hoàng đế Byzantine trong cuộc xung đột của ông với triều đại Seljuk Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã phát triển thành sự đối kháng bạo lực giữa người Latinh và người Hy Lạp. Kết quả của cuộc thập tự chinh đầu tiên (1095-1099), một thượng phụ Latinh và phẩm trật Latinh đã được thành lập ở Antiôkia (1098) và ở Giêrusalem (1099), thay thế hoặc song hành với các thượng phụ Hy Lạp. Cuộc thập tự chinh thứ ba (1189-1192) đã thiết lập một phẩm trật Latinh ở Síp (1191), và trái với các điều giáo luật, đã bãi bỏ tư cách tự chủ [autocephaly] của Giáo Hội Síp. Các giám mục Hy Lạp, bị giảm số lượng từ 15 xuống chỉ còn 4, buộc phải vâng lời Giáo hội Rôma và tuyên thệ trước các giám mục Latinh tương ứng.

1.9 Cuộc thập tự chinh thứ tư (1204) dẫn đến việc Constantinốp bị cướp bóc và thiết lập các phẩm trật Latinh song song trong các tòa cổ xưa còn sót lại của Giáo hội Hy Lạp. Mặc dù không khuyến khích người Venice chinh phục Constantinốp, Giáo hoàng Innôcentê III sau đó đã bổ nhiệm một thượng phụ Latinh ở Constantinốp cũng như ở Alexandria. Các quyết định của Công đồng Lateranô thứ tư (1215) được áp đặt đặc biệt đối với các Giáo Hội ở Giêrusalem và Síp. Nguyên tắc theo đó người 'Hy Lạp' có thể giữ các nghi lễ phụng vụ của họ nhưng phải chấp nhận giám mục Rôma làm đầu và tưởng nhớ ngài, đã được thực hành đặc biệt ở Síp (xem các thượng hội đồng Latinh ở Limassol, 1220, và ở Famagusta, 1222, và Bulla Cypria của Đức Giáo Hoàng Alexanđrô IV, 1260). Trong nhiều trường hợp, các giáo sĩ Hy Lạp, từ nay được coi là thuộc Giáo hội Latinh, buộc phải tham gia các nghi lễ phụng vụ Latinh. Bầu không khí trở nên tồi tệ hơn với thái độ luận chiến của các nhà thần học tố cáo các tập quán phương đông là 'lỗi của người Hy Lạp', hoặc thậm chí là 'lỗi của người Hy Lạp ly giáo'.

1.10 Bất chấp những thử thách này, vẫn có những người ở Đông phương vun trồng những mối quan hệ tốt đẹp trong giáo hội và hoạt động để khôi phục sự hợp nhất. Các thượng phụ vĩ đại với sự hiểu biết sâu sắc về thần học, chẳng hạn như Thánh Philotheos Kokkinos (c.1300-1379), một đệ tử của Thánh Gregoriô Palamas, đã xem xét khả năng triệu tập một công đồng đại kết để đưa ra giải pháp cho các chia rẽ.

1.11 Trong thiên niên kỷ thứ hai ở phương Đông, định chế công đồng hoạt động theo các nguyên tắc giáo luật của Luật Tông truyền số 34, trong đó Thượng phụ Constantinốp với tư cách là protos [người đứng đầu] và các giám mục hiện diện ở Constantinốp tham gia các phiên họp của Thượng hội đồng Endemousa. Thông qua Thượng hội đồng Endemousa, Giáo hội đã phát biểu một hình thức đồng nghị vĩnh viễn, trong đó các thượng phụ của phương Đông, hiện diện tại Constantinốp, hoặc các đại diện của họ, và các giám mục khác đã được Thượng phụ Constantinốp triệu tập để đưa ra các quyết định đồng nghị.

1.12 Sau khi khôi phục đế chế Byzantine ở Constantinốp năm 1261, việc xây dựng lại các mối quan hệ lẫn nhau đã trở thành khả hữu. Trên thực tế, Công đồng thứ hai của Lyon (1274) đã công bố một hành động kết hợp bao gồm việc tuyên xưng đức tin do Đức Giáo Hoàng Clêmentê IV (1267) yêu cầu trước đó và được Hoàng đế Michael VIII Palaiologos ký (vào tháng 2 năm 1274), chấp nhận các chủ trương của người Latinh về cuộc nhiệm xuất [procession] của Chúa Thánh Thần, tối thượng quyền của giáo hoàng và các điểm gây tranh cãi khác (thí dụ: luyện ngục, bánh không men). Người ta khẳng định rằng Giáo hội Rôma có 'summum plenumque principatum [quyền tối thượng cao nhất và đầy đủ]' đối với toàn thể Giáo hội và người kế vị của Phêrô đã nhận được 'plenam potestatem [đầy đủ quyền lực]' để cai quản nó, các giám mục khác được triệu tập để chia sẻ mối quan tâm của ngài. Việc tuyên xưng này đã bị Giáo hội Constantinốp bác bỏ vào năm 1285.

1.13 Trong thế kỷ 14, cuộc tranh cãi về Người tĩnh tọa [Hesychast], do Barlaam, một đan sĩ ở Calabria, kích động, đã nảy sinh ở phương Đông. Các tu sĩ của Núi Athos đã ủy quyền cho Thánh Grêgoriô Palamas trả lời các thử thách của Barlaam. Trong thế kỷ 14, bốn công đồng ở Constantinốp (1341, 1347, 1351 và 1368) đã bảo vệ sự khác biệt giữa yếu tính và năng lực bất tạo của Thiên Chúa, được khai triển bởi Thánh Grêgoriô Palamas trên cơ sở của các Giáo phụ như Thánh Basilêo thành Xêdaria và Thánh Maximô Hiển tu. Những biến cố này cho thấy việc tiếp tục thực hành tính đồng nghị ở Đông phương.

1.14 Thế kỷ 14 và 15 chứng kiến một sự thay đổi triệt để trong lĩnh vực chính trị, kết liễu sự thống trị thế tục của giáo hoàng. Nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Bonifaxiô VIII (1294-1303) nhằm tái khẳng định quyền tối cao của giáo hoàng trong trật tự thế gian trong sắc lệnh Unam Sanctam [duy nhất thánh thiện](1302) đã bị nhà vua nước Pháp phản đối dữ dội, vì vậy đã chấm dứt tham vọng thống trị thế giới về mặt chính trị của giáo hoàng. Tình tiết này được nối tiếp sau đó vài năm bởi sự lưu đày của giáo hoàng tại thành phố Avignon của Pháp, nơi các giáo hoàng đã sống bảy mươi năm dưới sự kiểm soát của chế độ quân chủ Pháp.

1.15 Sự hỗn loạn do bầu chọn hai rồi ba giáo hoàng đã gây ra một chấn thương sâu xa trong Giáo hội phương Tây. Để giải quyết cuộc khủng hoảng, một công đồng chung đã được triệu tập ở Constance (1414-1418). Công đồng này, không chỉ có sự tham dự của các giám mục và tu viện trưởng mà còn có đại diện của các cơ quan chính trị, đã khai triển trong sắc lệnh của mình, Haec sancta (1415), luận đề cho rằng thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội thuộc về một công đồng chung, được hiểu là một phiên họp của các giám mục và các quyền lực thế tục, trái ngược với thẩm quyền của giáo hoàng. Luận đề này được gọi là ‘thuyết công đồng’ [conciliarism]. Thuyết công đồng này đã lật đổ vai trò giáo luật của giáo chủ [primate] trong thượng hội đồng và gây nguy hiểm cho quyền tự do của Giáo hội. Nó nhấn mạnh ý tưởng mới cho rằng một công đồng nên 'đại diện' cho mọi khối của xã hội Kitô giáo, và một công đồng như vậy, họp mười năm một lần, với việc giáo hoàng thi hành các quyết định của nó, sẽ cai quản Giáo hội. Do đó, việc thực hành tính đồng nghị của giáo hội đã bị thách thức bởi khái niệm thế tục về tính đại diện tập thể, một khái niệm được rút ra từ luật Rôma thế tục trao tư cách pháp nhân cho các cơ quan tập thể.

1.16 Việc suy yếu thẩm quyền giáo hoàng đã tạo cơ hội cho các quốc gia tăng cường kiểm soát đối với Giáo hội ở phương Tây. Tòa Rôma buộc phải ký kết các tông ước [concordat] công nhận quyền của các thế lực chính trị được tham gia vào việc bổ nhiệm giám mục. Một thỏa thuận như vậy được minh họa trong Chế tài Thực dụng Bourges [Pragmatic Sanction of Bourges] (1438), tán thành chủ nghĩa hòa giải và chuẩn bị nền tảng cho Chủ nghĩa Gallican (xem bên dưới, 2.3). Công đồng Lateranô thứ năm (1512-1517) đã lên án thuyết công đồng và bị giáo huấn của Công đồng Vatican I (1869-1870) loại trừ dứt khoát.

1.17 Công đồng Ferrara-Florence (1438-1439) nhóm họp trong khi phiên họp tại Basel của phe duy công đồng (1431-1449), bị Giáo hoàng Eugeniô IV (1431-1447) bác bỏ, vẫn đang diễn ra. Cả hai bên phương Tây đều mời hoàng đế và thượng phụ của Constantinốp, nhưng theo Ngũ trị chế (pentarchy), hoàng đế và thượng phụ quyết định không đến Basel mà đến Ferrara và sau đó đến Florence, nơi giáo hoàng có mặt. Cũng đúng là, dưới áp lực của Ottoman và cần sự hỗ trợ quân sự của phương Tây, hoàng đế và thượng phụ đã nhận ra rằng giáo hoàng ở vị thế có thể tạo ra sự giúp đỡ của phương Tây có lợi cho Constantinốp. Công đồng đã đề cập các điểm bất đồng nảy sinh giữa hai Giáo hội, chủ yếu là: Filioque [và bởi Chúa Con], việc sử dụng bánh không men cho Bí tích Thánh Thể, luyện ngục, phúc kiến [beatific Vision] sau khi chết và tối thượng quyền của Giáo hoàng. Sắc chỉ hợp nhất, Laetentur coeli [các tầng trời hân hoan] (1439), với phần dẫn nhập đầy tính Kinh thánh, đã ca ngợi Chúa Kitô là đầu và là nền tảng của Giáo hội hợp nhất.

1.18 Mục tiêu chính của những tuyên bố mạnh mẽ của Florence về tối thượng quyền giáo hoàng là bác bỏ luận điểm của thuyết duy công đồng của Basel. Công đồng tiến hành với ba lời khẳng định: “Thánh tông tòa [Rôma] và giám mục Rôma có tối thượng quyền trên toàn thế giới”; ‘cũng chính vị giám mục Rôma này là người kế vị thánh Phêrô, … là thủ lãnh của toàn thể Giáo hội, là cha và là thầy của tất cả các Kitô hữu’; ‘Chúa Giêsu Kitô của chúng ta ban cho ngài, qua con người của Thánh Phêrô, quyền bính trọn vẹn [plenam potestatem] để nuôi dưỡng, cai trị và cai quản [pascendi, regendi ac gubernandi] toàn thể Giáo hội’. Những lời khẳng định này đã được người Hy Lạp chấp nhận với ba điều kiện, được bao gồm trong sắc lệnh: a) bổ sung câu, 'như cũng có trong các pháp lệnh của các công đồng đại kết và trong các điều giáo luật thánh thiêng'; b) đề cập đến các tòa thượng phụ khác của ngũ trị chế; và c) duy trì các đặc quyền và quyền lợi của các thượng phụ (Denzinger-Schönmetzer, Enchiridion symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum [Tuyển tập Các Kinh Tin Kính, các định tín và tuyên bố về các vấn đề Đức tin và Văn hóa], DS, 1307-1308).

1.19 Liên quan đến tất cả các vấn đề tranh cãi, công đồng tuyên bố rằng những khác biệt trong cách trình bày tín lý hoặc thực hành giáo luật không ảnh hưởng đến sự hợp nhất của đức tin. Việc hợp nhất được người Hy Lạp ký kết dưới áp lực của hoàn cảnh, và sau đó không được Giáo Hội Hy Lạp chấp nhận. Nó đã chính thức bị Công đồng Constantinốp bác bỏ vào năm 1484, với sự tham gia của bốn thượng phụ phương đông: 'qua văn kiện [tomos] đồng nghị này, chúng tôi bác bỏ công đồng được triệu tập ở Florence, cùng với định nghĩa của nó [sắc chỉ hợp nhất] và các đề xuất chứa đựng trong đó, và chúng tôi tuyên bố bằng văn kiện này rằng công đồng Florence là vô hiệu' (Melloni-Paschalidis, Conciliorum Oecumenicorum Generaliumque Decreta [Các sắc lệnh của các công đồng đại kết và tổng quát], IV/1, 227).

Còn 1 kỳ