2. Từ Cải Cách đến Thế Kỷ 18

2.1 Hai bước phát triển mới quan trọng đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong các thế kỷ 16-18: Cuộc Cải cách Thệ phản, và những cuộc hợp nhất được thành lập giữa Rôma và các Giáo hội đông phương khác nhau. Sự trỗi dậy của phong trào Thệ phản đã dẫn đến những liên hệ với phương Đông và thậm chí niềm hy vọng về sự hợp nhất, ít nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc gặp gỡ của họ, mặc dù điều đó càng chia rẽ phương Tây. Tính đồng nghị vẫn được thực hiện ở phương Đông trong thời kỳ khó khăn này, và các quyết định của một số công đồng được tổ chức vào thời điểm đó cho thấy đâu là vấn đề thần học ngăn cách Công Giáo Rôma, Chính thống giáo và Thệ phản. Hiện tượng kết hợp được Chính thống giáo coi là một vết thương và một mối đe dọa, vì đã gây ra sự chia rẽ thêm ở phương Đông, và như một hình thức cải đạo.



2.2 Sự phản đối của những người Cải cách đã được Công đồng Trent (1545-1563) tiếp nhận, nhưng công đồng không đưa ra định nghĩa về tính tối thượng quyền. Một đồng thuận về ý nghĩa của tính tối thượng quyền và các quyền của giáo chủ không thể đạt được; khuynh hướng chống đối của các giám mục tỏ ra quá mạnh mẽ, nhất là ở Pháp. Trong khi ở một số nơi của Giáo hội Latinh, việc bầu chọn giám mục bởi các hội kinh sĩ của nhà thờ chính tòa tiếp tục được thực hành, người ta quy định rằng các thượng hội đồng giáo tỉnh phải được thành lập và phải gửi danh sách ba tên đến Rôma, để giáo hoàng có thể chọn và bổ nhiệm các giám mục (phiên XXIV; Decretum de Reformatione [sắc lệnh về Cải cách], can.1). Sau Công Đồng Trent, giáo hoàng đã đi đầu trong các cuộc cải cách theo tinh thần của công đồng này và Giáo Hội Công Giáo Rôma ngày càng trở nên tập trung vào tín lý, phụng vụ và hoạt động truyền giáo. Ngôi vị giáo hoàng là tập chú quan trọng trong cuộc tranh cãi với phong trào Thệ phản về đức tin đích thực, và về lâu dài, thẩm quyền giáo hoàng đã được củng cố trong thời kỳ hậu công đồng Trent. Ngôi vị giáo hoàng và cam kết với nó đã trở thành một dấu hiệu của bản sắc tuyên tín của Công Giáo Rôma chống lại phong trào Thệ phản. Những nỗ lực của cả các dòng tu cũ và mới (thí dụ: Dòng Tên) đối với cuộc cải cách của công đồng Trent và trong cuộc phản cải cách trong giáo dục nhân bản và sứ mệnh đã làm tăng thêm thẩm quyền của giáo hoàng.

2.3 Các thượng hội đồng cấp tỉnh, nhằm thực hiện các cải cách theo tinh thần Trent, đã diễn ra ở Ý (thí dụ: Milan, 1566), ở Đế quốc Đức (thí dụ: Salzburg, 1569), ở Pháp (từ 1581) và ở Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva (Piotrków, 1589). Dưới áp lực chính trị, các giám mục Công Giáo Rôma của nhiều vương quốc đã tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn đối với quyền tối thượng của giáo hoàng. Những khuynh hướng duy giám mục [episcopalist] này (thí dụ: chủ nghĩa Gallican ở Pháp, chủ nghĩa Febroniô ở Đức) tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa duy công đồng. Cách mạng Pháp cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của Chế độ Cũ và sự hủy diệt của Giáo hội nhà nước, điều này cuối cùng đã củng cố mối quan hệ giữa Giáo hội ở Pháp và Rôma, vì sau sự sụp đổ của trật tự cũ, chỉ có ngôi vị giáo hoàng mới có thẩm quyền tổ chức lại Giáo hội (xem Hòa ước với Pháp năm 1801 và Đại hội Vienna năm 1814-1815).

2.4 Hệ thống pháp lý Millet đã giao tất cả những người Chính thống giáo sống trong Đế quốc Ottoman, bất kể những cân nhắc về sắc tộc, cho Rum-Millet (Quốc gia Rôma: tên đặt cho cộng đồng Kitô hữu trong đế quốc Ottoman), phụ thuộc vào Tòa thượng phụ đại kết Constantinốp trong các vấn đề giáo hội và dân sự. Điều này nhấn mạnh vị trí trung tâm của nó trong Giáo hội Chính thống, vốn đã được biết đến từ trật tự giáo luật, và nâng cao tầm quan trọng của nó so với các tòa thượng phụ cổ xưa khác. Bất chấp hoàn cảnh mới này, tinh thần đồng nghị vẫn được bảo tồn. Các công đồng do thượng phụ đại kết triệu tập để giải quyết các vấn đề theo cách đồng nghị, chẳng hạn như Công đồng Constantinốp (1593), để xác nhận tước hiệu thượng phụ đã được cấp trước đó cho Giám Mục đô thị Moscow; Công đồng Iasi (1642), để xét xử lời tuyên xưng đức tin của Giám Mục đô thị Kyiv, Peter Mohyla; và hai Công đồng lớn Constantinốp (1638, 1642). Các công đồng khác đã được triệu tập ở Constantinốp (1672, 1691), và bởi Thượng phụ Dositheus ở Giêrusalem (1672), đã lên án việc Tuyên xưng Đức tin được quy cho Thượng phụ đại kết, Cyril Loukaris.

2.5 Bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, các tác phẩm luận chiến đã xuất hiện bởi cả các tác giả phương Đông lẫn phương Tây, đặc biệt là về chủ đề tối thượng quyền của Giáo hoàng. Sau đó, câu hỏi về tính tối thượng quyền của giáo hoàng đã được giải quyết một cách luận chiến hoặc biện hộ trong các quyết định của công đồng Đông phương, các lời tuyên xưng đức tin và các bài bình luận giáo luật.

2.6 Nhiều cuộc hợp nhất khác nhau giữa các Giáo hội Đông phương và Rôma đã được thiết lập giữa thế kỷ 16 và 18. Động cơ cho các cuộc hợp nhất này luôn luôn bị tranh cãi. Không thể không xem xét mong muốn chân chính đối với sự hợp nhất của Giáo hội. Các yếu tố tôn giáo và chính trị thường xuyên đan kết với nhau. Các cuộc hợp nhất thường xuất hiện như những nỗ lực tránh các tình huống không may ở địa phương. Một số người Ruthênô [Giáo Hội Ruthênô, hay Công Giáo gốc Slav thuộc lễ điển Đông phương, nhất là ở Bạch Nga, Slôvakia và Ukraine), vào thời Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, đã gia nhập Rôma tại Thượng hội đồng Brest (1596). Các cuộc hợp nhất khác đã xảy ra ở Croatia (1611), Uzhorod (1646), Transylvania (1700-1701) và Serbia (1777). Chính thống giáo nói tiếng Albani đã chạy trốn vào cuối thế kỷ 15 đến miền nam nước Ý sau cuộc chinh phục của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đã hiệp thông với Rôma. Năm 1724, vào thời điểm trống tòa thượng phụ Antiôkia, cộng đồng ở Đamát đã bầu ra một thượng phụ thân Công Giáo, ngài lấy tên là Cyrilô VI và được giáo hoàng công nhận vào năm 1729, do đó thành lập Giáo Hội Công Giáo Melkite. Các cuộc hợp nhất cũng được thực hiện với các Giáo hội khác.

2.7 Vào đầu thế kỷ 18, Nga hoàng Peter I (1689-1725) đã đưa ra những cải cách ở Nga nói chung và trong Giáo hội. Tòa thượng phụ bị bãi bỏ (cho đến năm 1917), và một Thánh Thượng hội đồng dưới sự lãnh đạo của một viên chức nhà nước, Oberprokuror, điều hành Giáo hội. Trong việc tái cơ cấu nền hành chánh của Giáo hội, Peter đã theo các mô hình Thệ phản. Các cấu trúc đồng nghị chiếm ưu thế, nhưng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà nước.

3. Các khai triển trong thế kỷ 19

3.1 Sau cuộc Cách mạng Pháp và các cuộc chiến tranh của Napoléon, tình hình của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Châu Âu rất bấp bênh. Các chế độ chính trị mới, ngay cả các chế độ quân chủ được khôi phục, là các quốc gia thế tục tuyên bố duy trì quyền kiểm soát đối với Giáo hội, giống như các chế độ trước đây đã làm. Một thí dụ là công ước của Pháp năm 1801. Sau đó, để tránh sự can thiệp của nhà nước vào các công việc của giáo hội, giáo hoàng đã thông qua học thuyết về Giáo hội như một 'xã hội hoàn hảo', nghĩa là Giáo hội là một xã hội độc lập, tự trị và có chủ quyền trong lĩnh vực thẩm quyền của riêng mình, giống như nhà nước có chủ quyền trong các vấn đề trần thế. Giáo Hội đòi có một hệ thống pháp luật riêng, nghĩa là không bắt nguồn từ hoặc ban tặng bởi nhà nước.

3.2 Thông điệp của Giáo hoàng Piô IX, In Suprema Petri Apostoli Sede [Trong Tòa Tối cao của Tông đồ Phêrô] (1848), nhấn mạnh rằng ‘thẩm quyền tối cao của các Giám mục Rôma’ luôn được công nhận ở Đông phương và kêu gọi Chính thống giáo trở lại hiệp thông với Tòa Phêrô. Các thượng phụ Chính thống giáo của Constantinốp, Alexandria, Antiôkia và Giêrusalem đã phản ứng và ban hành thông điệp thượng phụ và đồng nghị năm 1848, trong đó, cùng với các vấn đề khác, họ lập luận chống lại quyền tối cao của giáo hoàng.

3.3 Năm 1868, Giáo hoàng Piô IX ban hành một lá thư mời tất cả các giám mục Chính thống giáo tham dự Công đồng Vatican I, một lời mời đã bị từ chối. Đức Thượng phụ Đại kết Grêgôriô VI nói với phái đoàn giáo hoàng đến trao bức thư rằng sự tham dự của các giám mục Chính thống giáo tại Công đồng ‘có nghĩa là làm mới lại các tranh chấp thần học cũ vốn sẽ làm nổi bật sự bất đồng và khơi lại những vết thương cũ’. Đối với Thượng phụ Grêgôriô, nguồn bất đồng chính là bản chất thẩm quyền của giáo hoàng.

3.4 Vào thế kỷ 19, Giáo hội Chính thống phải đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, và thậm chí với ý định tích hợp chủ nghĩa này vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội. Đại Công đồng được tổ chức tại Constantinốp năm 1872 đã lên án chủ nghĩa Giáo Hội và quốc gia là một [ethnophyletism], nhân dịp xảy ra cuộc ly giáo ở Bảo Gia Lợi. Khi Đế chế Ottoman tan rã, các phong trào giải phóng dân tộc đã dẫn đến sự hình thành các quốc gia dân tộc ở Balkan. Để bày tỏ và thúc đẩy sự hiệp nhất Thánh Thể của Giáo hội trong hoàn cảnh mới này, Tòa Thượng phụ Đại kết đã cấp văn kiện tự chủ cho các Giáo hội Hy Lạp (1850), Serbia (1879) và Lỗ Ma Ni (1885), theo truyền thống giáo luật, và những Giáo Hội này đã được đưa vào tranh bộ đôi (triptych).

3.5 Công đồng Vatican I được tổ chức vào năm 1869-1870 và đưa ra hai văn kiện: Pastor Aeternus [Mục tử Đời đời] (1870) về Giáo hội, xác định tính tối thượng và tính không thể sai lầm của Giáo hoàng, và Dei Filius [Con Thiên Chúa] (1870) về đức tin Công Giáo. Nhiều căng thẳng đã nảy sinh giữa Công Giáo Rôma và Chính thống giáo liên quan đến giáo huấn của công đồng về ngôi vị giáo hoàng. Cần lưu ý hai điểm: thứ nhất, Vatican I đã gọi Pastor Aeternus là hiến chế tín lý 'đầu tiên' của mình về Giáo hội của Chúa Kitô, bởi vì hiến chế này được dự định sẽ được theo sau bởi một hiến chế khác, Tametsi Deus [mặc dù Thiên Chúa], xử lý đầy đủ hơn với các giám mục và với Giáo hội nói chung. Tuy nhiên, công đồng đã bị hoãn lại vì chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ và bản thảo của văn kiện thứ hai đó không bao giờ được thảo luận. Do đó, công đồng đã để giáo hội học của mình ở thế mất cân bằng; giáo huấn tín điều của nó về ngôi vị giáo hoàng không được bổ sung bằng giáo huấn về hàng giám mục cũng như không được bối cảnh hóa bằng giáo huấn rộng hơn về Giáo hội. Thứ hai, giáo huấn của Pastor Aeternus bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hoàn cảnh của Giáo hội ở Tây Âu thế kỷ 18 và 19, nơi đã có sự trỗi dậy của thuyết duy công đồng dưới hình thức Chủ nghĩa Gallican và Chủ nghĩa Febroniô (xem ở trên, 2.3), một thuyết đã cổ vũ quyền tự chủ của các Giáo hội quốc gia, và xu hướng kèm theo của các quốc gia là đặt Giáo hội dưới quyền của họ. Giáo huấn của công đồng về tối thượng quyền và quyền tài phán phổ quát của giáo hoàng là một phản ứng đối với mối đe dọa được tri nhận đến sự hợp nhất và độc lập của Giáo hội.

3.6 Mặc dù Pastor Aeternus dạy rằng giáo hoàng có thẩm quyền tài phán giám mục thông thường và trực tiếp đối với toàn thể Giáo hội nói chung, tuy nhiên, nó nhấn mạnh rằng quyền lực của mỗi giám mục được giáo hoàng 'khẳng định, xác nhận và chứng thực', đồng thời khẳng định rằng 'mối dây hiệp nhất’ của Giáo hội là mối dây ‘hiệp thông và tuyên xưng cùng một đức tin' (DS 3060-3061). Hơn nữa, tuyên bố sau đó của các giám mục Đức vào năm 1875, được Đức Giáo Hoàng Piô IX long trọng phê chuẩn, đã nhấn mạnh rằng ngôi vị giáo hoàng và hàng giám mục đều thuộc ‘định chế thần linh’ (DS 3115), chống lại một số cách giải thích về giáo huấn của công đồng.

3.7 Liên quan đến tính không thể sai lầm, công đồng đã định nghĩa không phải tính không thể sai lầm của cá nhân giáo hoàng, mà là khả năng của ngài trong những điều kiện nhất định để tuyên bố đức tin một cách không thể sai lầm của Giáo hội (DS 3074), và khi nói rằng các định tín ex cathedra [từ ngai tòa] như vậy là 'tự chúng, không thể sửa đổi được', không phải vì sự thuận ý của Giáo hội [ex sese, non autem ex consensu ecclesiae]', nó không tách giáo hoàng ra khỏi sự hiệp thông và đức tin của Giáo hội nhưng tuyên bố rằng những định nghĩa như vậy không cần sự phê chuẩn thêm nữa. Đó là một phản ứng chuyên biệt đối với mục thứ 4 của phái Gallicanô năm 1682, là mục tuyên bố rằng phán quyết của giáo hoàng 'không phải là không thể sửa đổi, ít nhất là chờ sự thuận ý của Giáo hội'.

3.8 Công đồng Vatican I đã củng cố xu hướng phổ biến trong giáo hội học phương Tây sau Công Đồng Lateranô IV, một Công Đồng cho rằng Giáo hội phổ quát có ưu tiên hơn các Giáo hội địa phương và sở hữu cấu trúc riêng của mình trên các Giáo hội địa phương. Giáo hoàng không chỉ đơn giản là giám mục của Giáo hội địa phương Rôma, mà còn là mục tử của toàn thể Giáo hội. Giáo hoàng có thẩm quyền đối với toàn thể Giáo hội, trong khi các giám mục có thẩm quyền đối với đoàn chiên đặc thù của họ.

3.9 Giáo huấn của Công đồng Vatican I về tối thượng quyền, về quyền tài phán và tính không thể sai lầm của Giáo hoàng đã bị một số người Công Giáo Rôma bác bỏ, những người sau đó đã thành lập Giáo Hội Công Giáo Cổ. Việc giảng dạy cũng gây ra một số phản ứng từ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, mặc dù cuối cùng họ đã chấp nhận nó.

3.10 Giáo huấn của Công đồng Vatican I về quyền tài phán tối cao của giáo hoàng đối với toàn thể Giáo hội và tính không thể sai lầm của giáo hoàng đã bị Giáo hội Chính thống coi là không thể chấp nhận được. Đối với Chính thống giáo, một giáo hội học như vậy là một sự khác biệt nghiêm trọng so với truyền thống giáo luật của các Giáo phụ và các công đồng đại kết, bởi vì nó che khuất tính Công Giáo của mỗi Giáo hội địa phương. Sau Công đồng Vatican I, các lập luận được Chính thống giáo triển khai bao gồm, trong số những lập luận khác: rằng người đứng đầu toàn thể Giáo hội không phải là một con người tội lỗi, phàm trần, mà là Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người vô tội và bất tử; bản thân Thánh Phêrô không phải là một vị quân chủ cũng không phải là người quyền năng, nhưng là người thứ nhất trong số các tông đồ; quyền tài phán của mỗi thượng phụ được xác định về mặt địa lý bởi các điều luật thánh thiêng và không ai có quyền tài phán đối với toàn bộ Giáo hội. Về vấn đề chuyên biệt của tính không thể sai lầm, Giáo hội Chính thống cũng cho rằng tính không thể sai lầm thuộc về toàn thể Giáo hội, như được các công đồng phát biểu và được toàn thể dân Chúa tiếp nhận. Phải thừa nhận rằng những lập luận này thường được viện dẫn theo cách luận chiến chứ không phải theo cách phê bình lịch sử.

3.11 Tông thư Orientalium Dignitas [phẩm giá các Giáo Hội Đông phương] (1894) của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã công nhận các quyền riêng biệt của tất cả các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và cho thấy một cách tiếp cận tôn trọng các truyền thống Đông phương. Bức thông điệp Praeclara Gratulationis [Các chứng từ tuyệt vời của niềm hân hoan công cộng] (1895) của ngài đã mời tất cả những người Chính thống giáo hợp nhất với Giáo hội Rôma với điều kiện họ phải công nhận quyền tài phán tối cao của Giáo hoàng. Thượng phụ đại kết Anthimus VII và thượng hội đồng tập hợp xung quanh ngài đã viết một lá thư nhân danh các thượng phụ và thượng hội đồng vào năm 1895 để bày tỏ quan điểm cực kỳ phủ nhận chủ nghĩa duy hợp nhất [uniatism] như một phương pháp cải đạo các Kitô hữu Chính thống. Họ cũng bác bỏ lời mời của Giáo hoàng Lêô.

4. Thế kỷ 20 và 21: Trở về nguồn và xích lại gần nhau

4.1 Trong thế kỷ 20, các phong trào Kinh Thánh, giáo phụ và phụng vụ dẫn đến việc người ta chú ý nhiều hơn đến giáo huấn Kinh Thánh và các Giáo Phụ, cũng như phụng vụ. Các mối quan hệ giữa Công Giáo và Chính thống giáo Rôma đã được hưởng lợi từ sự trở về nguồn (resourcement) chung này.

4.2 Khái niệm sobornost được khai triển ở Nga vào thế kỷ 19 bởi một nhóm các nhà tư tưởng Chính thống giáo được gọi là những người yêu nòi giống Slav như một phản ứng đối với Thánh Thượng hội đồng do nhà nước kiểm soát được Nga hoàng Peter I thành lập năm 1721 (xem 2.7, ở trên). Thuật ngữ này bắt nguồn từ chữ sobor, trong ngôn ngữ Slav dùng trong Giáo hội có nghĩa là một 'cuộc tụ họp' hoặc 'hội nghị' hoặc 'thượng hội đồng' của giáo hội. Trong biểu tượng của đức tin, hạn từ tiếng Hy Lạp katholikèn được dịch qua ngôn ngữ Slav dùng trong Giáo Hội là sobornuyu. Những người yêu nòi giống Slav coi sobornost như một phẩm chất nội tại của toàn thể Giáo hội: tính Công Giáo của nó và sự tham gia của mọi người đã được rửa tội vào đời sống của Giáo hội. Ý niệm sobornost thể hiện rõ ràng trong các diễn trình chuẩn bị, cấu thành, và ra quyết định của Công đồng Moscow (1917-1918), liên quan đến tất cả các thành phần của Giáo hội. Mặc dù bị chỉ trích, đặc biệt là vì quá chịu ảnh hưởng của một lý tưởng duy tập thể và không thừa nhận thích đáng phẩm trật của Giáo hội, sobornost đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với giáo hội học, cả Chính thống giáo lẫn Công Giáo Rôma, vì cách hiểu của nó về Giáo hội như hiệp thông (xem Ravenna, 5).

4.3 Vào thế kỷ 19 ở phương Tây, trường phái Tübingen đã cổ vũ khái niệm Giáo hội như hiệp thông (communio) thông qua việc lấy lại truyền thống giáo phụ. Ý tưởng này diễn tả niềm xác tín rằng đời sống của Giáo hội phát xuất từ trên cao, và Giáo hội là biểu tượng của Chúa Ba Ngôi (ecclesia de Trinitate), nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là cơ sở cho việc đổi mới suy tư giáo hội học, nhất là trong thế kỷ 20. Theo cách hiểu như vậy về Giáo hội, có cả sự hợp nhất lẫn sự đa dạng, như trong Chúa Ba Ngôi, và điều này áp dụng cho Giáo hội theo nhiều cách khác nhau. Toàn thể Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, trong đó mỗi chi thể đều được Chúa Thánh Thần ban ơn hưởng ích lợi của nhiệm thể và tất cả được liên kết với nhau bằng mối dây yêu thương (x. 1Cr 12-13). Sự hiệp thông của các thánh (sancti) xảy ra nhờ sự hiệp thông trong các ơn phúc thánh (sancta) (x. 1Cr 10:16-17). Ngoài ra, Giáo hội duy nhất mang hình thức hiệp thông của các Giáo hội địa phương, trong đó mỗi Giáo hội đều hiện diện một Giáo hội phổ quát duy nhất, đến nỗi có sự cư ngụ hỗ tương giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ và giữa chính các Giáo hội địa phương với nhau.

4.4 Một trong những kết quả quan trọng nhất của việc trở về nguồn trong thế kỷ 20 là 'giáo hội học thánh thể', một giáo hội học coi Giáo hội địa phương quy tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành Thánh Thể như một biểu hiện của toàn thể Giáo hội (x. Ignatius, Smyrn. 8), và như là điểm khởi đầu và tập chú chính của suy tư giáo hội học. Công đồng Vatican II (1962-1965) đã dạy rằng một cuộc tụ họp như vậy là 'biểu hiện chính của Giáo hội' (Sacrosanctum Concilium, 41), và hy tế Thánh Thể là 'nguồn gốc và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu' (Lumen Gentium, 11; x. Sacrosanctum Concilium, 10). Nó nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của Giáo hội địa phương khi nói rằng 'một giám mục có ấn tín của bí tích Truyền chức, là "người quản lý ân sủng của chức linh mục tối cao", đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, mà ngài dâng hoặc làm cho được dâng hiến, và nhờ đó Giáo hội liên tục sống và phát triển' (Lumen Gentium, 26). Đại Thánh Công đồng của Giáo hội Chính thống ở Crete (2016) tuyên bố rằng 'truyền thống của các Tông đồ và Giáo phụ' luôn nhấn mạnh 'mối quan hệ bất khả phân ly giữa toàn bộ mầu nhiệm của Nhiệm cục thần linh trong Chúa Kitô và mầu nhiệm của Giáo hội, và cả giữa mầu nhiệm Giáo Hội và mầu nhiệm Thánh Thể, tức mầu nhiệm được liên tục củng cố trong đời sống bí tích của Giáo Hội nhờ tác động của Chúa Thánh Thần' (Thông điệp I, 2). Tương tự như vậy, nó tuyên bố rằng ‘mỗi Giáo hội địa phương khi dâng Thánh Thể là sự hiện diện và biểu hiện tại địa phương của Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền’ (Thông điệp, 1). Hai công đồng lớn này cần được xem xét chặt chẽ.

4.5 Vào đầu thế kỷ 20, Giáo hội Chính thống phải đối diện với nhiều thách thức — chẳng hạn, liên quan đến mối quan hệ với các Kitô hữu khác, chủ nghĩa cải đạo, thế tục hóa và chủ nghĩa Giáo Hội và quốc gia là một (ethnophyletism) — từng khiến Tòa Thượng phụ Đại kết phải tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo hội Chính thống tự trị. Vào năm 1902, Thượng phụ Đại kết Joachim III đã gửi một thông điệp thượng phụ và đồng nghị tới các Giáo hội Chính thống tự trị để hỏi ý kiến của họ về nhiều chủ đề khác nhau, nhằm tìm cách thúc đẩy sự hợp nhất toàn chính thống. Các Giáo Hội đã hưởng ứng một cách tích cực. Năm 1920, Thánh Công đồng của Tòa Thượng phụ Đại kết đã ban hành một thông điệp có tựa đề 'Gửi các Giáo hội của Chúa Kitô ở mọi nơi', kêu gọi sự liên lạc và cộng tác chặt chẽ hơn giữa các Kitô hữu. Tòa Thượng phụ Đại kết cũng đã triệu tập một hội nghị toàn chính thống ở Constantinốp vào năm 1923, và sau đó đã tổ chức một cuộc họp toàn chính thống tại tu viện Vatopedi trên Núi Athos (1930); cuộc họp này đã liệt kê các chủ đề sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Đại Thánh Công đồng. Những nỗ lực này đã bị gián đoạn chủ yếu bởi Chiến tranh thế giới thứ hai.

4.6 Thượng phụ Đại kết Athenagoras đã triệu tập các hội nghị toàn chính thống (Rhodes 1961, 1963 và 1964; Chambésy, Geneva 1968) để thiết lập chương trình nghị sự của Đại Thánh Công đồng. Một loạt các hội nghị tiền công đồng đã được tổ chức tại Chambésy để chuẩn bị các tài liệu liên quan. Trong bối cảnh này, bốn Cộng đồng phụng tự [Synaxes] của các giáo chủ các Giáo hội Chính thống tự trị (Constantinốp 2008 và 2014, Chambésy 2016, và Crete 2016) đã dẫn đến việc triệu tập Đại Thánh Công đồng bởi Thượng phụ Đại kết Bartholomew với sự đồng ý nhất trí của các giáo chủ của Các Giáo hội Chính thống ở Crete từ ngày 19 đến ngày 27 tháng 6 năm 2016. Việc triệu tập Đại Thánh Công đồng cho thấy rằng 'Giáo hội Chính thống phát biểu sự hợp nhất và tính Công Giáo của mình “trong Công đồng”. Tính Công đồng [tức tính đồng nghị] thấm nhiễm tổ chức của Giáo Hội, cách thức đưa ra các quyết định và ấn định đường đi của Giáo Hội’ (Thông điệp, 1).

4.7 Trong số các vấn đề giáo hội học khác, Công đồng Vatican II đã bàn đến câu hỏi về cách hiểu chức giám mục và chức này có liên quan như thế nào với thừa tác vụ của giáo hoàng, vốn còn bỏ ngỏ ở Công đồng Vatican I. Công đồng Vatican II đã tích hợp và hoàn thiện giáo huấn của Công đồng Vatican I, tức giáo huấn dạy rằng giáo hoàng có quyền tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội và trong một số trường hợp nào đó, ngài có thể tuyên bố đức tin của Giáo hội một cách không thể sai lầm bằng cách nói rằng giám mục đoàn ('hợp đoàn giám mục') hợp nhất với người đứng đầu là giáo hoàng, cũng thi hành cả hai đặc quyền này (Lumen Gentium, 22, 25, lần lượt). Do đó, một sự cân bằng lớn hơn đã được thiết lập giữa các giám mục và giáo hoàng. Công đồng tái khẳng định trách nhiệm của các giám mục không chỉ đối với các Giáo hội địa phương của họ mà còn đối với toàn thể Giáo hội (Lumen Gentium, 23), và công đồng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của một công đồng đại kết, khi các giám mục hành động cùng với giáo hoàng như 'thầy dạy' và ‘thẩm phán’ về đức tin và luân lý cho Giáo hội hoàn vũ' (Lumen Gentium, 25). Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục như 'Hội Đồng Giám Mục thường trực của Giáo Hội hoàn vũ', đại diện cho 'toàn thể hàng giám mục Công Giáo', sẽ hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong khả năng cố vấn và tham vấn (Tông Thư, Apostolica Sollicitudo ).

4.8 Vào tháng Giêng năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras đã gặp nhau trên Núi Ôliu ở Giêrusalem. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1965, ngày áp chót của Công đồng Vatican II, các ngài đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau năm 1054 trong một buổi lễ đồng thời tại Vatican và Phanar. Trong các cuộc trao đổi của các ngài vào thập niên 1960, Thượng phụ Athenagoras và Giáo hoàng Phaolô VI bắt đầu sử dụng thuật ngữ “các Giáo hội chị em” đối với Giáo hội Rôma và Giáo hội Constantinốp. Công đồng Vatican II công nhận rằng các Giáo hội Đông phương 'sở hữu các bí tích đích thực, nhất là nhờ quyền kế tục tông đồ, chức linh mục và Bí tích Thánh Thể' (Unitatis Redintegratio, 15), và thúc giục đối thoại với các Giáo hội này, chú ý đến các mối quan hệ hiện có giữa họ và tòa Rôma 'trước khi phân cách' (Unitatis Redintegratio, 14).

4.9 Vào năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã nói: ‘Nếu những người muốn đứng đầu được kêu gọi trở thành người phục vụ mọi người, thì tính tối thượng quyền của tình yêu sẽ được phát triển từ lòng can đảm của đức ái này. Tôi cầu xin Chúa khơi dậy, trước hết nơi bản thân tôi, và nơi các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, những hành động cụ thể để làm chứng cho sự chắc chắn bên trong này’ (Orientale Lumen, 19). Ngài cũng bày tỏ sự sẵn sàng 'tìm cách thực hiện quyền tối thượng, trong khi không từ bỏ những gì thiết yếu đối với sứ mệnh của mình, nhưng vẫn cởi mở đối với một tình huống mới', và ngài đề xuất một cuộc thảo luận, đặc biệt là giữa các giám mục và các nhà thần học Công Giáo Rôma và Chính thống giáo, về việc thực thi quyền tối thượng 'để chúng ta có thể tìm kiếm, tất nhiên cùng nhau, những hình thức trong đó thừa tác vụ này có thể hoàn thành việc phục vụ tình yêu được tất cả những người có liên quan công nhận' (Ut Unum Sint, 95). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thường xuyên lặp lại lời mời này, và cả hai thường viện dẫn lời mô tả của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia về Giáo hội Rôma là ‘chủ tọa trong tình yêu [agape]’ (Ad Romanos, Proemium).

4.10 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là ‘một yếu tố cấu thành Giáo hội’. Mong muốn của ngài về ‘một Giáo hội hoàn toàn đồng nghị’ (Diễn văn Kỷ niệm 50 năm Thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015) khuyến khích mạnh mẽ việc tìm kiếm một tính đồng nghị hữu hiệu hơn trong Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ngài đã nói rằng, ‘trong cuộc đối thoại với các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, những người Công Giáo chúng ta có cơ hội học hỏi thêm về ý nghĩa của tính hợp đoàn giám mục và kinh nghiệm của họ về tính đồng nghị’ (Thông điệp Evangelii Gaudium, 2013, 246).

Kết luận

5.1 Các vấn đề chính làm phức tạp sự hiểu biết đích thực về tính đồng nghị và Tính tối thượng quyền trong Giáo hội. Giáo hội không được hiểu một cách đúng đắn như một kim tự tháp, với một giáo chủ cai quản từ trên xuống, nhưng cũng không được hiểu một cách đúng đắn như một liên đoàn các Giáo hội tự cung tự cấp. Nghiên cứu lịch sử của chúng ta về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai đã cho thấy sự bất cập của cả hai quan điểm này. Tương tự như vậy, rõ ràng là đối với người Công Giáo Rôma, tính đồng nghị không chỉ đơn thuần là tư vấn, và đối với Chính thống giáo, tính tối thượng quyền không chỉ đơn thuần là danh dự. Năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Thượng phụ Đại kết Dimitrios đã nói: 'Cuộc đối thoại về đức ái... đã mở ra con đường để hiểu rõ hơn về các quan điểm thần học tương ứng của chúng ta và từ đó dẫn đến những cách tiếp cận mới đối với công việc thần học, và một thái độ mới đối với quá khứ chung của Giáo Hội chúng ta. Việc thanh lọc ký ức tập thể của các Giáo hội chúng ta là kết quả quan trọng của cuộc đối thoại bác ái và là điều kiện không thể thiếu cho sự tiến bộ trong tương lai’ (Tuyên bố chung, 30 tháng 11 năm 1979). Người Công Giáo Rôma và Chính thống giáo cần tiếp tục đi theo con đường đó để nắm lấy một sự hiểu biết đích thực về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền dưới ánh sáng 'các nguyên tắc thần học, các điều khoản giáo luật và các thực hành phụng vụ’ (Chieti, 21) của Giáo hội không chia rẽ của thiên niên kỷ thứ nhất.

5.2 Công đồng Vatican II đã mở ra những viễn cảnh mới bằng cách giải thích một cách nền tảng mầu nhiệm Giáo hội như mầu nhiệm hiệp thông. Ngày nay, có một nỗ lực ngày càng tăng nhằm cổ vũ tính đồng nghị ở tất cả các bình diện trong Giáo Hội Công Giáo Rôma. Cũng có sự sẵn lòng phân biệt điều có thể gọi là thừa tác vụ thượng phụ của giáo hoàng trong Giáo hội Tây phương hoặc Latinh với việc ngài phục vụ như giáo chủ liên quan đến sự hiệp thông của tất cả các Giáo hội, mang lại những cơ hội mới cho tương lai. Trong Giáo Hội Chính thống, tính đồng nghị và tính tối thượng quyền được thực hành ở bình diện toàn chính thống, theo truyền thống giáo luật, bằng cách tổ chức các đại thánh công đồng.

5.3 Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền cần phải được xem như ‘những thực tại liên hệ với nhau, bổ sung và không thể tách rời’ (Chieti, 5) theo quan điểm thần học (Chieti, 4, 17). Các cuộc thảo luận lịch sử thuần túy là không đủ. Giáo hội cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và giáo hội học thánh thể về sự hiệp thông là chìa khóa để phát biểu một nền thần học vững chắc về tính đồng nghị và tính tối thượng quyền.

5.4 Sự liên thuộc qua lại của tính đồng nghị và tính tối thượng là một nguyên tắc căn bản trong đời sống của Giáo hội. Nó liên quan một cách nội tại đến việc phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội ở các bình diện địa phương, khu vực và hoàn vũ. Tuy nhiên, các nguyên tắc phải được áp dụng trong bối cảnh lịch sử chuyên biệt và thiên niên kỷ đầu tiên đưa ra hướng dẫn có giá trị cho việc áp dụng nguyên tắc vừa được đề cập (Chieti, 21). Điều cần thiết trong những hoàn cảnh mới là một ứng dụng mới và đúng đắn của cùng một nguyên tắc quản trị.

5.5 Chúa chúng ta đã cầu xin cho các môn đệ của Người ‘xin cho tất cả nên một’ (Ga 17:21). Nguyên tắc đồng nghị-tối thượng quyền trong việc phục vụ sự hiệp nhất nên được viện dẫn để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của Giáo hội trong thời đại chúng ta. Chính thống giáo và Công Giáo Rôma cam kết tìm cách vượt qua sự xa lánh và chia rẽ đã xảy ra trong thiên niên kỷ thứ hai.

5.6 Sau khi cùng nhau suy nghĩ về lịch sử của thiên niên kỷ thứ hai, chúng ta thừa nhận rằng việc đọc chung các nguồn có thể truyền cảm hứng cho việc thực hành tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong tương lai. Tuân theo mệnh lệnh của Chúa chúng ta là yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (Ga 13:34), bổn phận Kitô hữu của chúng ta là phấn đấu cho sự hiệp nhất trong đức tin và đời sống.