NÉT ĐẸP HIỆP HÀNH CỦA THÁNH TỬ ĐẠO
Cách đây nhiều năm, tôi đến vùng U Minh và được Cha Tăng đưa đi dọc con đường đất, có khu nhà lá hai bên đường. Sau đó, lòng tôi cứ "tương tư” vùng đất ấy mà chẳng thể nào nhớ ra mà trở lại thăm. Nay, được một cha xứ mời đi vùng U Minh Thượng, chúng tôi hăm hở lạ thường.
Quãng đường từ Tân Hiệp đến nhà thờ Rọc Lá là 60 km. Đường rộng, cảnh hai bên đường đẹp như bức tranh đồng quê làm chúng tôi nao lòng. Chiếc xe bảy chỗ đưa cha, mấy ông bà trùm khu và chúng tôi bon bon trên đường. Chúng tôi có phần hăm hở khi biết trong lễ mừng bổn mạng, nhà thờ Rọc Lá có phát quà cho gia đình nghèo nhưng trên quãng đường đi, cha xứ Quý Phụng gọi điện thoại cho biết quà đã trao cho giáo dân từ chiều hôm qua. Chúng tôi có một chút tiếc nuối. Quà của cộng đoàn Kênh 1B hôm nay là một tạ gạo, mấy trăm quyển tập và nhu yếu phẩm tặng cộng đoàn giáo xứ Quý Phụng. Thì ra ở vùng này, qua tay các cha xứ, các cộng đoàn dân Chúa tặng quà cho nhau để giúp giáo dân lại là “chuyện thường ngày ở làng quê”, một nét đẹp bỗng dưng làm chúng tôi rất thích.
Ở vùng quê ngày nay, giáo dân khi đến nhà thờ dự lễ mừng thì ăn mặc đẹp, vẻ hân hoan, phong thái nhẹ nhàng mà không ồn ào, nhốn nháo. Khi quí Cha đến trước đài kính hai thánh tử đạo, màu áo đỏ rực như toát lên vẻ trang trọng, ẩn chứa nét hào hùng lẫn bi thương của máu, máu đã đổ vì đạo, vì một niềm tin tuyệt đối.
Từ đài kính vào đến nhà thờ chỉ là đoạn đường ngắn thôi, thế mà đoàn rước thật trang nghiêm, cung kính đến cảm động. Lúc xếp hàng để được hôn xương hai thánh, tôi bay bổng ý nghĩ: thân xác, xương cốt chỉ là tro bụi, thế nhưng nhờ đức tin can trường mà phần thân xác ấy bỗng là báu vật cho các tín hữu cung kính. Đến khi bài giảng của linh mục trẻ, vóc dáng cao to, vang lên giữa cộng đoàn thì tôi hiểu, sự hiệp hành làm cho “thiên cung” và “trần thế” có một điểm chung muôn đời là niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh.
Nối kết giữa quá khứ và hiện tại, cha khách đã nói về sự hiệp hành của thánh Emanuel Lê Văn Phụng: “Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã làm cho Tin Mừng được tiếp tục loan báo bằng cách cộng tác với vị mục tử của mình là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý, một sự cộng tác tốt nhất. Trước tiên, thánh nhân đã sống hiệp hành trong chính gia đình mình, một gia đình có chín người con và hai người con nuôi, bằng cách nuôi dạy những người con của mình trở thành những giáo hữu gương mẫu và cũng là những công dân tốt. Tiếp theo, thánh nhân đồng hành với các linh mục; thời đó, người theo đạo gặp nhiều khó khăn, thế mà nhà ông câu Phụng thường có những linh mục đến trú ngụ, hiện diện và sống cùng. Việc chứa chấp các đạo trưởng là một trọng tội, sẽ phải chết vì chống lại lệnh vua, nhưng với lòng tin và sự quảng đại, ông bất tuân lệnh ấy và cứ để các linh mục đem lại niềm tin cho nhiều người.
Sự hiệp hành giữa một người là giáo dân và một người là linh mục, để rồi ông câu Phụng phải trả giá bằng chính mạng sống mình để đức tin được loan báo. Thánh Emanuel Phụng còn hiệp hành với những người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo. Ông sẵn sàng chia sẻ những gì mình có như chia gạo, cho nước, chia công việc làm, thậm chí cứu chữa cả những bệnh nhân. Đó là một sự hiệp hành với Giáo Hội cách tích cực qua việc liên đới và bác ái. Ông đã diễn tả niềm tin ngay trong lúc đau khổ....
Hai vị thánh Quý - Phụng đã dùng cái chết của mình để làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Mỗi gia đình hôm nay, dùng chính hoàn cảnh đang sống để làm chứng cho niềm tin của mình. Qua sự hiệp hành, mỗi người diễn tả cách rõ nét hình ảnh về một Giáo Hội Hiệp Hành, một Giáo Hội được Chúa Kitô đồng hành và hướng dẫn, trên con đường về quê trời, nơi hai thánh tử đạo Phêrô Quý và Emmanuel Phụng, đang chờ đón mỗi người chúng ta.”
Trong thánh lễ, Ban Hành Giáo nhiệm kỳ mới được trao Ủy Nhiệm Thư. Thú thật, theo kinh nghiệm tuổi đời của chúng tôi, cộng tác với quý cha trong việc điều hành giáo xứ là một ơn gọi rõ ràng, phải thực sự chân thành, không vị lợi và đầy yêu mến. Một ông trùm từng nói với tôi: “Làm việc cho cộng đoàn giáo xứ là “một niềm vui nhà thờ” cô ạ!” Thế nên khi nhìn cha trao Ủy Nhiệm Thư, tôi thầm cầu nguyện cho những vị ấy biết phục vụ trong khiêm nhường thì tốt lành biết bao!
Đường trở về vùng Tân Hiệp nắng đã đứng giữa đỉnh đầu. Tôi xúc động khi cha chánh xứ Kênh 1B vẫn nhường chỗ tốt trên xe cho tôi, cha ngồi cuối xe. Vài câu chuyện trên xe làm chúng tôi vui. Có một ông trùm “nhà có điều kiện” đã dâng cúng vào nhà thờ một tỷ đồng, cha xứ (đang cùng đi với chúng tôi) bèn làm một cái hội trường thật to, làm nơi sinh hoạt cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, các sinh hoạt chung cho các đoàn thể... Thế là cộng đoàn giáo dân vui hẳn lên, đặc biệt là thanh thiếu niên. Chúng tôi thầm nghĩ, ai mà được Chúa đặt vào một vị trí “ảnh hưởng đến nhiều người” mà không làm cho họ vui lên là “có lỗi” rõ ràng.
Xe về đến tận sân nhà thờ. Vừa xuống xe, cha cho chúng tôi một con cua sống mà anh chị chủ nhà quen với cha, nơi đoàn chúng tôi dừng chân uống cà phê, đã tặng. Cha còn nói thêm: “Dì Loan muốn lấy xe hơi đi đâu thì cứ vào con mà lấy chìa khóa!”. Tôi xúc động, xách “toòng teng” con cua đi về phía bên kia sông, lòng thầm nghĩ: Chúng tôi chỉ có thể hiệp hành qua những chuyến đi như thế này mà thôi.