III.Cái chết của Chúa Giêsu: từ lịch sử qua thần học
Câu hỏi 56: Có khá nhiều tranh cãi quanh cuốn phim “The Last Temptation of Christ” [cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô]. Cha nghĩ sao về nó? Chúa Giêsu có bị cám dỗ lần cuối cùng không?
Martin Scorsese làm cuốn phim vì ông có ấn tượng sâu xa đối với cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nikos Kazantzakiz, một tác giả Hy Lạp, viết năm 1955. Scorsese rất trung thành với cuốn sách, một cuốn sách, giống như mọi trước tác của Kazantzakiz, xoay quanh bận tâm chính của người Hy Lạp về cuộc phấn đấu giữa xác thịt và tinh thần. Trong trường hợp này, chủ đề chính là cơn cám dỗ của nhân tính Chúa Giêsu chống lại thiên tính của Người nghĩa là Chúa Giêsu được mô tả khi ở trên thập giá bị cám dỗ từ bỏ tư cách Mêxia của Người, bước xuống khỏi thập giá để sống một cuộc sống con người thông thường như một người đàn ông có gia đình và con cái. Cơn cám dỗ này được trình bầy như một mộng tưởng trong tâm trí Chúa Giêsu khi Người chịu cực hình trên thập giá. Cuối cùng, Người đã vượt qua cơn cám dỗ và chiến thắng trong tư cách Đấng Mêxia.
Một số nhận xét có thể đưa ra. Thứ nhất, nhiều người coi cuốn phim phạm thượng vì họ cho rằng đây là một âm mưu mô tả Chúa Giêsu mà chúng ta biết nhờ các Tin Mừng. Dường như đây không hề là ý định của cả cuốn sách lẫn cuốn phim. Một số người có thể bị xúc phạm cho rằng hình ảnh Chúa Giêsu đã bị lạm dụng, nhưng thực ra nó chỉ mô tả một kinh nghiệm nhân bản phổ quát rất có thể là một khả thể trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúng ta từng nói rằng các cơn cám dỗ của Người là các kinh nghiệm thực sự đối với Người (Xem câu hỏi 38). Điều một cuốn phim như cuốn phim này làm là giúp chúng ta mở rộng óc tưởng tượng của chúng ta để thấy Chúa Giêsu trong một viễn ảnh nhân bản nhiều hơn mà thôi. Mặc dù cuốn phim không phải là bức chân dung chiểu tự dù là của một trong các Tin Mừng, nó quả có cung ứng một chân dung đầy tưởng tượng và cảm động thuộc loại phấn đấu mà cả Chúa Giêsu cũng phải đối đầu.
Thứ hai, có nhiều cuốn phim về Chúa Giêsu còn tệ hơn thế nhiều vì đã mô tả Người như một người yếu đuối ướt át, tóc nâu, mắt xanh! Ngược lại, tôi hết lòng đề nghị cuốn phim của Pier Paolo Pasolini “Tin Mừng theo Thánh Mátthêu”. Nó là một điển hình tốt đẹp của óc tưởng tượng đầy chất nghệ thuật được định hướng và kiểm soát bởi các nguồn đệ nhất đẳng.
Sau cùng, nó làm Chúa Giêsu xem ra có vẻ hơi tâm thần phân liệt khi mô tả các cơn cám dỗ của Người như một cuộc đấu tranh của nhân tính Người chống lại thiên tính của Người. Nó có xu hướng mô tả nhân tính chống lại thiên tính một cách đầy cạnh tranh. Dù tôi không ủng hộ bất cứ cách tiếp cận nào khiến thể thần linh và thể nhân bản dường như cạnh tranh với nhau, truyền thống Kinh Thánh hình như có nói tới phía ngược lại của một cơn cám dỗ của thiên tính chống lại nhân tính, thí dụ, trong câu truyện về Nôê. Thiên Chúa hối hận đã tạo ra con người vì sự dữ của họ và quyết định tiêu diệt họ (St 6:5-8; xem 6:11-13.17; 7:23). Nhưng tình yêu trung thành của Thiên Chúa cuối cùng đã chiến thắng (St 9:8-17; so sánh Tv 79:5 với Tv 86:15; 103:8; 145:8).
Câu hỏi 57: Còn về việc bị bỏ rơi trên thập giá thì sao? Lúc đó, Chúa Giêsu có bị cám dỗ chống lại Thiên Chúa không?
Lời duy nhất của Chúa Giêsu trên thập giá trong Máccô và Mátthêu là: “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa con, sao Chúa bỏ rơi con?” (Mc 15:34; Mt 27:46). Chúa Giêsu trưng dẫn câu đầu tiên của Thánh vịnh 22, lời cầu nguyện của một người đang đối diện với bệnh tật sắp chết. Thật khó mà biết liệu Chúa Giêsu có thực sự nói câu đó hay không, mặc dù nhiều người thắc mắc tại sao Máccô lại sáng chế ra chúng. Chắc chắn xu hướng của truyền thống muốn sử dụng những lời nói khác trên thập giá khá hiển nhiên trong Luca và Gioan, những vị đã bỏ những lời này. Tuy nhiên, bất kể tiếng kêu bị bỏ rơi có tính lịch sử bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể cân nhắc ý nghĩa thần học của nó cho Máccô và cho chúng ta.
Theo Máccô, Chúa Giêsu chết trong lúc bị từ bỏ và bỏ rơi không phải bởi các lãnh tụ của dân, bởi gia đình và bằng hữu của Người ở Nadarét, bởi các môn đệ của Người và đám đông từng háo hức theo chân Người, đến nỗi Người phải đối diện với cái chết hoàn toàn và tuyệt đối một mình, mà còn bởi chính Thiên Chúa, Đấng mà Người hằng tín thác và là Đấng có vương quốc được Người đến thế gian để công bố. Máccô mở màn cho thấy đời sống nhân bản của Chúa Giêsu với tập chú đơn điệu vào việc bị bỏ rơi. Tại điểm này, dù chúng ta không nên suy đoán tình trạng thực sự trong tâm trí Chúa Giêsu lúc qua đời, chúng ta vẫn có thể hỏi: chúng ta có thể dành cho việc bị bỏ rơi ý nghĩa thần học nào và nó có liên quan gì tới “cơn cám dỗ cuối cùng” hay không?
Khi suy nghĩ về ý nghĩa của cả đời sống Chúa Giêsu chứ không nhất thiết một khoảnh khắc đặc thù nào, Thánh Phaolô nói rằng khi Thiên Chúa sai chính Con mình “đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta...” (Rm 8:3 so sánh với Pl 2:6-8), và, còn ngạc nhiên hơn nữa, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5:21). Tôi coi điều này có nghĩa trọn cuộc đời Chúa Giêsu và nhất là lúc Người qua đời là một đồng nhất hóa luôn lớn và sâu hơn với chúng ta trong thân phận con người tội lỗi “để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”. Chúa Giêsu trải nghiệm trọn vẹn tác động của tội lỗi con người. “Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta” (Is 53:6). Người xuống tới tận cùng sâu thẳm cuả tội lệ con người nơi mà Chúa Cha, Đấng mà việc can dự vào việc sáng thế vốn tốt lành một cách nội tại và tuyệt đối, không thể xuống theo. Theo nghĩa này, ta có thể nói Chúa Cha, không do một lựa chọn tùy ý mà do một cần thiết bời chính tội lỗi con người gây nên, buộc phải bỏ rơi Người, phải để Người trở nên tội lỗi vì tự do của con người và sự biến đổi của con người (vốn là “sự chính trực của Thiên Chúa” được Thánh Phaolô nói tới trong 2Cr 5:21).
Chính trong trải nghiệm trên, người ta có thể nói một cách có nghĩa đến “cơn cám dỗ sau cùng” hay, có lẽ tốt hơn, đến cơn cám dỗ xuyên suốt đời sống Người nhưng đạt đến cao điểm của nó trong cái chết của Người. Đó không phải là cơn cám dỗ chống Thiên Chúa, Đấng dã sai Người đi, Đấng Thiên Chúa mà Người vốn biết như Ông Bố đầy yêu thương và chăm sóc. Tiếng kêu trên thập giá vẫn mãi là tiếng kêu tín thác. Theo tôi, đúng hơn, đó là cơn cám dỗ của những kẻ Người được sai đến với. Thực thế, Chúa Giêsu phải mãi trung thành với chúng ta. Bị choáng ngộp vì khả năng làm điều xấu của chúng ta, bị đè nặng bởi cường độ thù nghịch của chúng ta đối với Người, Người đã tự ý quyết định thương yêu ta và mãi trung thành với ta, bất chấp tội lệ của ta. Ta biết điều này, không phải vì chúng ta có thể đi vào trạng thái tâm trí Người ở bất cứ khoảnh khắc đặc thù nào, nhưng vì Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Ở đây, trong tình yêu tự do và trung thành của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, trong khi chúng ta còn là các kẻ thù của Người, điều có nghĩa là gọi Người là Đấng Cứu Vớt của chúng ta (so sánh Rm 5:6-11). Trên thập giá, chúng ta thấy giới răn của Người được thực hiện: “Hãy yêu thương các kẻ thù của anh em!”.
Câu hỏi 58: Cha có thể nói thêm về việc cha hiểu thế nào là tội?
Ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng là sự tốt lành của sáng thế nói chung. Một câu nói rất tuyệt của Thánh Irênê: “Vinh quang Thiên Chúa là con người nhân bản được làm cho sống động trọn vẹn” (hơi diễn giải một chút) đã rất nắm bắt được ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa không cạnh tranh với chúng ta nhưng luôn tìm cách đem chúng ta tới sự viên mãn việc chúng ta là ai trong tư cách những hữu thể nhân bản. Chúng ta phạm tội mỗi khi, bằng cách này hay cách khác, chúng ta tìm cách tiêu diệt hay lật đổ ý định sáng tạo này của Thiên Chúa. Chúng ta không tực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng tiêu diệt sáng thế tốt lành của Thiên Chúa. Biểu tượng của cây biết tốt xấu, như câu truyện của St 2-3 thuật lại, hẳn liên quan tới mối tương quan của chúng ta như những hữu thể nhân bản với Thiên Chúa, với thiên nhiên, và với nhau. Ước muốn được giống như Thiên Chúa là ước muốn thay thế Thiên Chúa bằng chính mình, để chúng ta có thể tự xác định tốt xấu không cần Thiên Chúa. Việc này làm chúng ta trở thành điều chúng ta không bao giờ là cả.
Tội không phải chỉ là vấn đề về mối tương quan bản thân của tôi với Thiên Chúa. Tội tạo nên một tình huống nhân bản theo đó chúng ta sinh vào một thế giới trong đó chính bản sắc ta như những nhân vị lên khuôn bên trong cuộc đấu tranh liên tục giữa lực lượng sự ác (tội) và sức mạnh sự thiện (ân sủng). Trọn bộ lịch sử Israel phản ảnh cuộc đấu tranh. Đối với các Kitô hữu, lịch sử này lên tới cao điểm ở khoảnh khắc quyết định của thập giá. Không hẳn sự bất tuân của Ađam và Evà cho bằng việc bác bỏ và sát hại Con yêu dấu của Thiên Chúa đã một cách biểu tượng nhắc ta nhớ đến tội lỗi của con người, đến vực thẳm khủng khiếp của khả năng làm điều ác của con người. Ý nghĩa và tác động đầy đủ của “nguyên tội” đã được tỏ lộ trong thập giá của Chúa Giêsu. Đây là nơi việc bỏ rơi của Thiên Chúa có thể có nghĩa. Không phải Thiên Chúa có ý muốn tích cực bỏ rơi chúng ta. Đúng hơn, do tội lỗi chúng ta, chúng ta đã bỏ rơi Thiên Chúa và Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta để được tự do, tôn trọng phẩm giá và tính toàn vẹn của tự do con người chúng ta ngay cả khi nó có thể tạo nên vực thẳm không cầu nối giữa Thiên Chúa và kẻ có tội (Lc 16:26). Thực vậy, nếu sách thánh Do Thái và Kitô giáo nói cho ta biết điều gì, thì điều đó là Thiên Chúa không áp đặt ý muốn của Người lên các tạo vật ngoan cố nhưng liên tục mời gọi một đáp ứng tự do và đầy yêu thương. Như thế, bi kịch cứu rỗi, hay việc giải phóng đích thực con người được thực hiện trong tự do nhân bản, cả tự do nhân bản của Chúa Giêsu lẫn của chúng ta.
Câu 59: Nhưng tại sao Thiên Chúa lại làm điều đó cho Con vô tội của Người? Tại sao Chúa Cha lại muốn Chúa Giêsu chết trẻ như thế và một cách khủng khiếp và nhục mạ như thế?
Vấn đề quan phòng của Thiên Chúa trở nên sắc nét khi chúng ta nhìn vào thập giá của Chúa Giêsu. Tôi vốn thấy hữu ích một hình ảnh mượn của vị dìu dắt tôi trước đây, Cha John H. Wright, Dòng Tên, tức hình ảnh “Thiên Chúa Đấng đối thoại”. Nó bao gồm ba bước. Thứ nhất, là sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Alfa và Ômêga. Mọi sự phát xuất từ Thiên Chúa và trở về cùng Thiên Chúa. Đó là điều ta muốn nói khi gọi Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Thứ hai, là đáp trả của con người với sáng kiến của Thiên Chúa, có thể là tích cực (một đáp trả ân sủng) hay tiêu cực (một đáp trả tội lỗi). Thứ ba, là đáp trả của Thiên Chúa với đáp trả của con người. Điều này có nghĩa Thiên Chúa đã tạo ra một thế giới trong đó, Thiên Chúa tự do quyết định tôn trọng phẩm giá và sự toàn vẹn tự do nhân bản của chúng ta ngay cả khi nó dẫn tới hành động phá hoại. Tóm lại, Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới trong đó Thiên Chúa trong tư cách Đấng Tạo dựng thực sự lệ thuộc đáp trả nhân bản tự do của chúng ta đối với sáng kiến thần linh để có thể lên khuôn cho thế giới trong đó chúng ta sống. Điều chúng ta làm quả có tạo nên một khác biệt đối với Thiên Chúa. Chúng ta có thể hoặc xây dựng trái đất và do đó thể hiện ý định của Thiên Chúa qua việc từ từ biến đổi hoặc chúng ta có thể phá hủy trái đất và do đó thể hiện ý định của Thiên Chúa qua việc phá hủy có tính tai biến. Trọng điểm ở đây là: các giải pháp là những điều có thật nhưng cả trong hai trường hợp, cuối cùng ý định của Thiên Chúa đều được thể hiện. Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa được thể hiện ở đây và lúc này qua chúng ta. Hình dáng tương lai của Nước Thiên Chúa tùy thuộc ở việc liệu chúng ta có quyết định làm người đồng sáng tạo tương lai đó hay không với Thiên Chúa.
Thập giá là nơi chúng ta thấy khuôn mẫu quan phòng này được thể hiện trọn vẹn hơn cả. Theo quan điểm của tôi, Chúa Cha không sai Con của Người xuống thế gian để chết trên thập giá. Chỉ có một Thiên Chúa quái vật mới làm trò này. Thiên Chúa sai Con của Người đến công bố chiều sâu thẳm của tình Người yêu thương và việc thể hiện tình yêu này trong một vương quốc ân sủng biến đổi. Đáp trả nhân bản đối với sáng kiến thần linh có hai mặt. Về phía Chúa Giêsu là mãi trung thành (vâng lời) với sứ mệnh nhận được thậm chí cho đến chết. Về phía các thù địch của Người, là bác bỏ sáng kiến thần linh và đóng đinh Con yêu dấu của Thiên Chúa. Như thế, không phải Thiên Chúa đã tạo ra thập giá mà là các hữu thể nhân bản. Theo cách này, thập giá trước nhất là biểu tượng của tính tội lệ của con người và chỉ như thế nó mới có thể được coi như việc cung ứng liên tục tình yêu thần linh. Đáp trả thần linh đối với lòng trung thành của Chúa Giêsu và với thảm kịch con người bác bỏ là làm Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Cái ôm của Chúa Cha đối với Con yêu dấu của Người trong quyền năng Chúa Thánh Thần vào lúc Người bác bỏ và bỏ rơi có nghĩa: Thiên Chúa vẫn trung thành trong tình yêu bất chấp tính tội lệ nhân bản của chúng ta. Nhưng nó cũng có nghĩa là từ ngày đó, chúng ta sống điều đó dưới dấu thập giá, dấu thảm kịch nhân bản.
Câu 60: Há sách thánh không nói Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu chết trên thập giá đó sao?
Có nhiều đoạn trong sách thánh dường như muốn nói những điều này: Thiên Chúa “sai” hay “cho” Con duy nhất của Người; nhấn mạnh tới sự nhất thiết của Thiên Chúa, nghĩa là Con Người phải chịu đau khổ và chết, trong các lời tiên đóan về khổ nạn (xem câu hỏi 54); lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Diệsimani xin cho ý Chúa Cha được thực hiện. Chắc chắn, ý niệm cho rằng Thiên Chúa sai Chúa Giêsu để chết trên thập giá và nhờ thế cứu chúng ta khỏi tội lỗi vốn là lời giải thích chung. Tuy nhiên, vì lợi ích của việc giải thích đang tiếp diễn, hai điều nên được nói đến:
Thứ nhất, các tác giả Tân Ước trước tác theo viễn ảnh sự kiện đã xẩy ra. Các ngài đã biết Chúa Giêsu chết trên thập giá và các ngài tìm cách giải thích sự kiện đó như việc ứng nghiệm các sách thánh Cựu Ước và như thế như một phần trong kế hoạch toàn bộ của Thiên Chúa. “‘Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?’ Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24:26-27; so sánh với các câu 44-49). Luca không bao giờ cho thấy một cách chính xác sách thánh nào được tham chiếu trong chương này, nhưng trọng điểm là: cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu ứng nghiệm ý nghĩa của sách thánh nói chung. Giáo Hội tiên khởi không sử dụng các bản văn Cựu Ước chuyên biệt để bênh vực chủ trương cho rằng Chúa Giêsu không phải chỉ là Đấng Mêxia nhưng là Đấng Mêxia chịu đóng đinh. Điều này quả thực là vấn đề hộ giáo quan yếu. Làm thế nào một người bị Thiên Chúa nguyền rủa phải treo trên cây gỗ mà giờ đây lại là phúc lành của Thiên Chúa (Gl 3:13-14)? Hai bản văn trước đây được dùng là Thánh vịnh 118:22, nói về việc con người bác bỏ và được Thiên Chúa chứng thực, và Isaia 53, bài ca người tôi tớ đau khổ. Ý niệm về kế hoạch Thiên Chúa cuối cùng đã được khai triển chi tiết bằng những ngôn từ tổng thể và vũ trụ. Thiên Chúa “cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Eph 1:9-10).
Điểm thứ hai là hệ luận của điểm thứ nhất. Các tác giả Kinh thánh của cả Cựu lẫn Tân Ước đều không đưa ra một phân biệt rõ rệt nào giữa điều Thiên Chúa muốn và điều Người cho phép. Mọi sự đều được gán cho Thiên Chúa như nguyên nhân duy nhất, nghĩa là Đấng tạo dựng nên tất cả. Hình ảnh “Thiên Chúa đối thoại” là một giải thích mãi về sau, thừa nhận rằng tính nguyên nhân của Thiên Chúa được trung gian qua tính nguyên nhân con người nghĩa là Thiên Chúa thi hành ý muốn của Người qua chúng ta. Điều này bao gồm một rủi ro cả cho Thiên Chúa vì nó nhấn mạnh nhiều tới tự do nhân bản làm điều kiện cho thành công hay thất bại của ý định Thiên Chúa. Do đó, như đã nhắc trên đây, Chúa Giêsu đã thất bại trong sứ mệnh lịch sử của Người, và thất bại ấy đã được lật ngược bởi sự đáp ứng thần linh là việc sống lại.