Câu 71: Nay nếu Chúa Giêsu có quyền lực như thế, tại sao Người không đơn giản ở lại trên mặt đất để tiếp tục giúp đỡ chúng ta?

Đầu sách Công vụ cũng đặt câu hỏi tương tự khi các tông đồ hỏi: “Lạy Chúa, nay có phải là lúc Chúa sẽ tái lập vương quốc cho Israel không?” (Cv 1:6). Tin Mừng Luca và sách Công vụ là nguồn thực hành phụng vụ của chúng ta đã rõ ràng dị biệt hóa thập giá, phục sinh, lên trời, và sai Chúa Thánh Thần xuống. Tin Mừng Gioan, ngược lại, thấy mọi sự diễn ra trên thập giá. Việc đóng đinh Chúa Giêsu là sự hiển dương Người và là khoảnh khắc khi Người trao lại cho Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thấy các bàn tay và cạnh sườn Người trong trình thuật phục sinh (Ga 20:19-23), rõ ràng Người hướng họ tới thập giá để hiểu đúng đắn cả việc phục sinh lẫn ơn phúc Chúa Thánh Thần, như chứng tá dưới chân thập giá đã nhấn mạnh (19:35). Trọng điểm là thập giá-phục sinh-lên trời-hiện xuống tạo thành một biến cố đơn nhất theo viễn tượng thần học. “Biến cố” đó là biến cố khải huyền. Nó là hành vi cuối cùng và có tính quyết định của Thiên Chúa bao trùm và hoàn tất toàn bộ lịch sử con người. Trong tư cách ấy, nó mặc khải ngày tận cùng của lịch sử. Cho dù lịch sử như chúng ta biết vẫn tiếp tục cho đến nay, bằng cách dự ứng, Thiên Chúa đã mạc khải nơi Chúa Kitô ý định thần linh dành cho toàn thể.

Theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa có thể nói với chúng ta về ý định thần linh không nhiều hơn điều này: chính vào lúc chết, tình yêu thần linh sẽ ôm lấy chúng ta. Cái ôm tình yêu biến đổi này bao gồm toàn bộ sáng thế. Chúa Giêsu quả là “trưởng tử của trọn bộ sáng thế”. Quyền năng mà hiện nay Chúa Giêsu có là quyền năng của Thần Khí Người. Do đó, chỉ có một câu trả lời khả hữu cho câu hỏi của các môn đệ: “nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).Chúa Giêsu sống lại sống với Thiên Chúa trong một hiện hữu biến đổi và hiển dương. Trong tư cách ấy, Người không thể trở về đời này như chúng ta biết nó. Nhưng Người tiếp tục hiện diện trong quyền năng Thánh Thần của Người. Điều là như thế rất thích hợp với hình ảnh Thiên Chúa như Đấng đối thoại (xem câu hỏi 59). Qua các mầu nhiệm vượt qua, Chúa Giêsu nên năng lực để chúng ta đáp trả và lãnh trách nhiệm cho tới khi Người trở lại. Chúng ta được mời gọi tạo ra với Người việc thể hiện trọn vẹn và sau cùng nước Thiên Chúa.

Câu 72: Về các lần hiện ra với các môn đệ thì sao? Há chúng không cho thấy Chúa Giêsu trở lại đời này ít nhất cũng trong giây lát hay sao?

Ở đây, điều hữu ích là phân biệt truyền thống trước đây và các phát triển sau này. Thánh Phaolô cung cấp các kiểu nói trước nhất, điều mà ngài nói ngài đã nhận được (có thể ở Đamát vào khoảng thời gian ngài trở lại khoảng 3 năm sau cái chết của Chúa Giêsu) ở 1Cr 15:3-8. Bốn yếu tố chủ yếu là những tuyên bố đơn giản cho hay Chúa Giêsu chết, Người được chôn cất, Người đã trỗi dậy và Người đã hiện ra với Cephas. “Được chôn cất” củng cố “đã chết” theo nghĩa cái chết của Người là có thực. Cùng cách đó, “hiện ra” củng cố “trỗi dậy”. Mật thiết với tuyên bố Chúa Giêsu trỗi dậy là sự kiện Người hiện ra với Simong Phêrô. Đây là tuyên bố căn bản của Giáo Hội sơ khai, một điều cũng được phát biểu ở Luca 24:34 như sau: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simong.” Liệu Phêrô có phải là người đầu tiên theo nghĩa thời gian hay không, cuối cùng, ngài vẫn được dành cho vị trí tối thượng có tính biểu tượng như là “đá tảng” hay nền tảng của đức tin Kitô giáo. Theo nguyên tắc, chỉ một mạc khải này là cần thiết. Nhưng Thánh Phaolô liệt kê các người khác: nhóm mười hai, hơn năm trăm người, Giacôbê, mọi tông đồ, và sau cùng, chính ngài. Nhưng ngài nhấn mạnh trải nghiệm này, trong yếu tính, y như nhau, vì chỉ có một Tin Mừng bởi chỉ có một mạc khải.

Thánh Phaolô là tông đồ duy nhất cho chúng ta trình thuật đầu tay về một trải nghiệm như thế (Gl 1:6-24). Ngài không mô tả trải nghiệm chủ quan bằng các hạn từ thể lý, như Luca mô tả cuộc trở lại của Phaolô (ở ba đoạn khác nhau: Cv 9:1-222; 22:3-16; 26:4-18). Có lẽ nó bao gồm một hình thức nhìn và nghe nào đó, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh đến tính sinh hoạt thần linh. Chính Thiên Chúa Đấng “vui lòng mạc khải Con của Người cho tôi” (Gl 1:16). Ngài nhấn mạnh rằng Tin Mừng được ngài công bố không đến với ngài qua bất cứ trung gian con người nào mà chỉ “qua mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (1:11-12). Chính mạc khải này đem lại cho ngài sứ mệnh của ngài “để tôi công bố Người cho Dân Ngoại” (1:16). Qua suốt sự nghiệp ngài, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng ngài cũng là một tông đồ vì ngài đã được thấy Chúa Giêsu (1Cr 9:1). Một mạc khải duy nhất và độc đáo đã sản xuất ra một Tin Mừng duy nhất vốn y như nhau đối với mọi tông đồ (Gl 1:6-9; 2:1-10; 1Cr 15:1-2.11). Như thế, “các lần hiện ra”, ở một bình diện sớm sủa nhất và nền tảng nhất, có nghĩa một tỏ lộ có tính mạc khải từ Thiên Chúa về sự hiện diện và ý nghĩa của Chúa Giêsu. Vì chính sự phục sinh là một biến cố cánh chung biểu thị tận cùng của lịch sử. Sẽ không thể có một mạc khải khác có tính sau cùng và quyết định theo nghĩa này. Sáng kiến mạc khải của Thiên Chúa kêu gọi một đáp trả đức tin bao gồm việc được sai đi thi hành sứ mệnh để công bố điều này. Đây là nền tảng tông truyền của Giáo Hội.



Câu hỏi 73: Há Chúa Giêsu đã không ăn uống với các môn đệ sau khi Người sống lại hay sao?

Điều đó đem chúng ta trở về với những khai triển sau này đối với truyền thống, và nhất là đối với các trình thuật hiện ra. Các trước tác của Thánh Phaolô cho chúng ta tuyên bố căn bản của Giáo Hội tiên khởi này: Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với mọi tông đồ từ Phêrô tới chính Phaolô. Dù Thánh Phaolô biết Chúa Giêsu được chôn cất, nhưng ngài không bao giờ nhắc đến ngôi mộ trống. Điều này xuất hiện trước nhất trong Mc 16:1-8 (các câu 9-20 sau này được thêm vào Tin Mừng này). Nhưng trong Máccô, không có vụ Chúa Giêsu hiện ra nào. Một “thanh niên” (một nhân vật mạc khải giống như thiên thần) công bố với các phụ nữ lời công bố căn bản: “Người đã trỗi dậy” (câu 6). Ngôi mộ trống nay chứng tò là dịp cho việc phát triển các câu truyện về các lần hiện ra của Chúa Giêsu. Mátthêu 28:1-20 mô tả một điều có tính chuyển tiếp. Ngài giữ lại và quả thực khai triển cuộc gặp gỡ có tính mạc khải với thiên thần nhưng rồi đặt nó song hành với một lần hiện ra tương tự của chính Chúa Giêsu (các câu 9-10). Dù thế, tập chú hàng đầu của Mátthêu là tập chú vào lời dạy của Chúa nay đã được hiển dương cho các môn đệ Người mọi thời cho đến tận thế (các câu 16-20). Chính với Luca 24:1-53, chúng ta đến gần nhất với việc tưởng tượng Chúa Giêsu phục sinh như một thân xác phục sinh. Người ăn với các môn đệ và cho phép họ rờ đến Người để chứng tỏ rằng Người không phải là bóng ma nhưng thực sự có “thịt có xương”. Thế nhưng, cũng trong Luca, quan tâm hàng đầu cũng là thông truyền lời công bố căn bản (các câu 5-7.19-20.26.34.46) vốn được liên kết chặt chẽ với việc ứng ngiệm sách thánh (các câu 25-27.32.44-46). Việc chứng minh một cách cực thể lý (các câu 36-43) có thể là cách Luca làm ứng nghiệm lời tiên đoán của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly rằng Người sẽ không ăn không uống “cho đến khi nó được ứng nghiệm trong nước Thiên Chúa” (22:15-18). Cuối cùng, Gioan trình bầy một loại thách thức cho những ai nhấn mạnh tới việc chứng minh thể lý mới chịu (Tôma hồ nghi). “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20:29).

Mọi nguồn của chúng ta nhất trí đối với sự kiện nền tảng của Kitô giáo này: Thiên Chúa đã thực sự và quả thực nâng Chúa Giêsu dậy từ cõi chết. Đây là sự kiện không thể thiếu, trên đó toàn bộ đức tin Kitô giáo đặt căn bản. Bất chấp việc người ta có quyết định tin rằng Chúa Giêsu theo nghĩa đen có hiện ra với các môn đệ như Mátthêu, Luca Gioan thuật lại hay không, người ta không thể duy trì tính liên tục với truyền thống tông đồ mà lại bác bỏ sự kiện phục sinh. Trình thuật của Luca về hai môn đệ trên đường đi Emmau (24:13-35) là một trình thuật tuyệt vời mang lại cho chúng ta hình dạng hết sức cụ thể cho hình ảnh của chúng ta về Chúa Giêsu phục sinh. Nhân vật phục sinh và mầu nhiệm này là ai? Người cùng là một Chúa Giêsu mà chúng ta đã biết trước khi Người chịu chết: Chúa Giêsu, Đấng cùng bước đi với chúng ta trên đường, giải thích sách thánh cho chúng ta, bước vào nhà chúng ta và bẻ bánh với chúng ta. Người vẫn là cùng một Chúa Giêsu nhưng nay được biến đổi bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Chúng ta tiếp tục nhận ra Người khi bẻ bánh.

Câu hỏi 74: Nếu ngôi mộ trống thậm chí không được nhắc đến cho tới tận cùng Tin Mừng Máccô, thì nó quan trọng ra sao? Nó có chứng minh rằng Chúa Giêsu đã sống lại không?

Trong và bởi chính nó, ngôi mộ trống chẳng chứng minh được gì. Nó là một sự kiện mơ hồ cần được giải thích. Các môn đệ có lầm lẫn đi vào một ngôi mộ khác không vì Người vốn được chôn cất bởi các địch thủ của Người (điều này xem ra là nghĩa tự nhiên của câu Cv 13:29)? Các môn đệ có đánh cắp xác của Người không (một lời tố cáo đã được nhắc đến ở Mt 28:11-15)? Chúa Giêsu có sống lại từ cõi chết không (như các Kitô hữu chủ trương)? Tất cả những điều này đều là các giải thích khả hữu. Giống các trình thuật hiện ra, ngôi mộ trống không chứng minh việc phục sinh. Đúng hơn, chính đức tin phục sinh đã giải thích ý nghĩa của ngôi mộ trống. Có lẽ chính vì lý do này mà nó hoặc được giả thiết và làm ngơ hoặc không được biết đến trong các trước tác của Thánh Phaolô. Nhưng, vì tính ưu tiên của biểu lộ mạc khải và đáp trả đức tin tương ứng, ngôi mộ trống cũng trình thuật về nó quả hữu ích trong việc làm cho hình ảnh của chúng ta về Chúa Giêsu phục sinh cụ thể hơn. Trong trường hợp này, nó củng cố đặc tính “thể lý” hay “thể xác” của phục sinh.

Ngay cho dù ngôi mộ trống không được nhắc đến cho tới cuối Tin Mừng Máccô khoảng năm 69 CN, xem ra không có lý do vững chắc nào để hoài nghi cốt lõi lịch sử của truyền thống. Tuyên bố đơn giản tìm thấy nơi Tin Mừng Gioan 20:1: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”. Maria Mađalêna là người được mọi truyền thống nhắc đến. Trong tình trạng hoảng loạn (Ga 20:2.11-15), bà ra thăm mộ, có lẽ để dành cho Người một việc chôn cất xứng đáng, và thấy nó trống rỗng. Dựa vào giả thiết ngôi mộ được biết đến, liệu Giáo Hội tiên khởi có công bố việc Chúa Giêsu phục sinh không, trong bối cảnh nó được giải thích trong những ngày ấy, nếu xác Người còn ở trong mồ? Điều đáng lưu ý là ngôi mộ trống chưa bao giờ bị nghi vấn vào thời đó, chỉ các cách giải thích nó bị nghi vấn mà thôi (Mt 28:15).