Ed. Condon, trên tạp chí The Pillar ngày 26 tháng 10 năm 2023, chỉ trích “Thư gửi dân Chúa” của Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Đồng nghị, cho rằng: việc công bố lá thư này là một điều kỳ lạ, xét về cấu trúc của định chế.
Thực vậy, quyết định của phiên họp thượng hội đồng nhân danh riêng mình phát biểu trước toàn thể Giáo hội là điều đáng chú ý đối với một cơ quan hiện hữu như một trợ cụ tư vấn cho Đức Giáo Hoàng và các kết luận của họ phải tuân theo sự phân định và thẩm quyền của ngài.
Những người tham dự ở Rome có thấy tính hợp pháp của mình phụ thuộc vào Đức Phanxicô không? Hay cơ quan này hiện đang tự thiết lập tiếng nói riêng của mình, tách biệt khỏi Đức Giáo Hoàng và theo đuổi nghị trình của riêng mình?
Nếu là trường hợp thứ hai, liệu nó có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong giáo hội mà tiến trình đồng nghị nhằm hàn gắn hay không?
Đức Cha Franz-Josef Overbeck
Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Giáo phận Essen đã sử dụng cuộc họp báo của Thượng Hội Đồng hôm thứ Bảy để ca ngợi Con đường Đồng nghị của Đức, đã kết thúc gần đây bất chấp những lời chỉ trích nhất quán từ Vatican và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Vị giám mục đề xuất tiến trình của Đức như một mô hình cho Giáo hội, mặc dù Rome và Đức Giáo Hoàng đã nói rằng nó không thực sự có tính đồng nghị, mà là một định chế duy ưu tú và tự bổ nhiệm nhằm mục đích thay thế hệ thống phẩm trật của Giáo hội.
Mặc dù vậy, Overbeck nói, tiến trình của Đức đặc biệt phù hợp với tình hình “hậu thế tục” của Giáo hội ở Đức, nhưng cũng là khuôn mẫu để Thượng hội đồng phá vỡ “thói quen và truyền thống” và khám phá “các giải pháp khác” để sống theo “kinh nghiệm thiêng liêng của giáo hội.”
Vị giám mục cũng đồng ý với việc thành lập một hội đồng đồng nghị thường trực – một kế hoạch mà Vatican đã nhiều lần phản đối. Theo Overbeck, trọng tâm của thượng hội đồng nên (như ở Đức) là cải cách định chế “làm cho lời rao giảng Kitô giáo trở nên đáng tin cậy”.
Là một tuyên bố về mục đích, nó không có gì mới lạ; con đường đồng nghị của Đức đã thực hiện trường hợp tương tự trong nhiều năm.
Điều bất thường là Overbeck và các đại biểu thượng hội đồng khác đã đưa ra những lập luận này ở Rome khi thượng hội đồng thảo luận về các chủ đề “tham gia, quản trị và thẩm quyền”, nhưng dường như không chú ý nhiều đến suy nghĩ của chính Đức Phanxicô về chủ đề này.
Vào năm 2019, khi Con đường Đồng nghị của Đức đang ở giai đoạn đầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một lá thư cho toàn thể Giáo hội nước đó, trong đó ngài cảnh cáo rằng “điều chúng ta cần không chỉ là một sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức hoặc chức năng”.
“Một trong những cám dỗ đầu tiên và lớn nhất trong Giáo hội [là] tin rằng các giải pháp cho các vấn đề hiện tại và tương lai sẽ chỉ đến từ những cải cách thuần túy về cơ cấu hoặc bàn giấy”, Đức Phanxicô viết cho người Công Giáo Đức, gọi đó là “một loại chủ nghĩa Pelagiô mới, điều này khiến chúng ta đặt niềm tin vào cơ cấu hành chính, vào các tổ chức hoàn hảo.”
Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh cáo rằng mong muốn tái tạo lại hiến chế phẩm trật và các cơ cấu tổ chức của Giáo hội để ủng hộ điều mà Overbeck hôm thứ Bảy gọi là “các giải pháp khác” để sống “kinh nghiệm thiêng liêng của Giáo hội” đã che mờ và làm phức tạp tính năng động truyền giáo của Giáo hội.
Nhưng theo suy nghĩ của Overbeck, như ngài đã phát biểu vào hôm thứ Bảy, việc Đức Giáo Hoàng tập trung vào việc truyền giáo là không thể thực hiện được, và có thể là ngây thơ hoặc thiếu hiểu biết.
Nếu có “những mâu thuẫn không thể giải quyết và không thể hòa giải” giữa “thần học, Huấn quyền, hay truyền thống và các dấu chỉ của thời đại”, thì Giáo hội “sẽ không thuyết phục được bất cứ ai và không thể đưa ra hướng dẫn cho người Công Giáo”, vị giám mục nói như thế.
Đó là một dòng lý luận được lặp lại bởi những người tham gia thượng hội đồng khác.
Một trong những nhóm thảo luận nhỏ của thượng hội đồng trong một bản báo cáo hồi đầu tháng này đã lên tiếng hỏi: “Để một Giáo hội đồng nghị sống theo khát vọng trở thành một Giáo hội nơi tất cả mọi người đều được chào đón,... liệu điều này có thể đạt được hay không khi chúng ta đang hoạt động như một giáo hội [sic] và trong các giới hạn của giáo huấn hiện tại của Giáo hội, hay sự thay đổi là điều cần thiết?”
Trong khi Đức Phanxicô nói rõ rằng ngài muốn nghe cuộc thảo luận về cách Giáo hội có thể trở nên “đồng nghị” hơn trong mọi khía cạnh của đời sống, chứ không phải việc thay đổi tín lý.
Thực vậy, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng tính đồng nghị nên tập trung vào việc xem xét ngược lại và là một cách để Giáo hội “tự vấn mình về lòng trung thành của mình với kho tàng đức tin”; tóm lại, để kiểm tra xem Giáo hội có sống theo tín lý của mình hay không, một tín lý vốn phát xuất từ mặc khải của chính Thiên Chúa, và không hỏi liệu mặc khải của Thiên Chúa có bị tụt hậu so với thời đại hay không.
Gần đây hơn, Đức Phanxicô đã đề cập đến chính những mối quan ngại mà Đức Giám Mục Overbeck dường như đã trình bày ngắn gọn vào Thứ Bảy – rằng trong thời đại “hậu thế tục”, giáo huấn của Giáo hội quá lạc hậu so với thế giới để có thể được chấp nhận.
“Nhiều lần tín lý Công Giáo đích thực gây ra tai tiếng – tai tiếng xiết bao là ý tưởng cho rằng Thiên Chúa đã trở thành xác thịt, rằng Thiên Chúa đã trở thành người phàm, rằng Đức Mẹ đã gìn giữ trinh tiết của ngài. Điều này thật tai tiếng,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét như thế trong một cuộc họp báo trên chuyến bay vào tháng trước, khi đặt “việc tai tiếng” về tín lý chân chính bên cạnh việc thanh lọc giáo huấn để làm cho nó dễ được chấp nhận hơn, là được thúc đẩy bởi ý thức hệ.
Thượng Hội Đồng không phải là một quốc hội, nó do Đức Giáo Hoàng triệu tập
Tất nhiên, các thành viên phiên họp được tự do đặt vấn đề với quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tiến trình này. Và chính Đức Giáo Hoàng đã nói rõ rằng ngài muốn các cuộc thảo luận trong các cuộc họp diễn ra tự do, với những tiếng nói thiểu số và thậm chí bất đồng đều có cơ hội được lắng nghe.
Những người tổ chức và những người tham gia thượng hội đồng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, một cuộc thảo luận tự do và thẳng thắn không phải là điều đáng sợ, vì bản thân cơ quan thượng hội đồng có nhiệm vụ trình bày cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô những suy nghĩ, ý tưởng và khuyến nghị để ngài xem xét.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ rằng “thượng hội đồng không phải là quốc hội”, nhiều lần nó gần như trở thành một lời nói rập khuôn (cliche), nhưng quan điểm của ngài về việc đạt được sự đồng thuận đa số, tạo ra các thỏa hiệp chính trị và hình thành các giải pháp cho các vấn đề gây tranh cãi thẩy đều là điều không thể chấp nhận được đối với phiên họp, là điều quan trọng.
Đức Giám Mục Daniel Flores, tham dự Thượng Hội đồng từ Hoa Kỳ, đã trình bầy điểm này vào tuần trước. Ngài nói, “Tôi chỉ nghe những cuộc đàm luận trung thực, chân thành, chung thủy và bác ái 'sub tutela Petri' - dưới sự chăm sóc của Phêrô". Ngài nói thêm, vì cuộc đối thoại thượng hội đồng nằm dưới thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng nên nó “không phải là một mối đe dọa đối với đức tin”.
Các giám mục tham gia khác cũng đưa ra quan điểm tương tự. Đức Tổng Giám Mục Dabula Anthony Mpako của Pretoria phát biểu trong cùng một cuộc họp báo với Đức Giám Mục Flores: “Đây là tính đồng nghị, ở trung tâm là tòa Phêrô. Cuối cùng, phẩm trật đi đôi với tính đồng nghị”.
Bản tổng kết này thậm chí có thể được diễn đạt chính xác hơn bằng cách nói rằng phẩm trật tạo nên tính đồng nghị, vì phiên họp đồng nghị tự nó không có địa vị pháp lý.
Với tư cách là một cơ quan tư vấn thuần túy do Đức Giáo Hoàng triệu tập, Thượng hội đồng chỉ hiện hữu theo những điều khoản do Đức Giáo Hoàng xác định và chỉ thể hiện trong mối quan hệ với ngài. Như vậy, câu hỏi liệu quan điểm này hay quan điểm khác của thượng hội đồng có thể chỉ huy đa số hay không nên được tranh luận, vì chỉ có Đức Phanxicô mới có thể nói chuyện với toàn thể Giáo hội dưới ánh sáng của các cuộc thảo luận của thượng hội đồng, hoặc cấp cho chúng bất cứ loại thẩm quyền hoặc tính xác thực nào.
Ít nhất đó là lý thuyết.
Nhiều người ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình hơn của Thượng Hội đồng đã thích nghi lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng về việc cởi mở đối với Chúa Thánh Thần để lập luận rằng các cuộc nghị bàn của cơ quan này là một loại biểu thức có thẩm quyền nào đó của cảm thức đức tin hoặc của chính Chúa Thánh Thần. Điều đó đã làm dấy lên mối lo ngại của nhiều người theo dõi Giáo hội, bao gồm cả các Hồng Y nổi tiếng, những người đã lên tiếng lo lắng rằng Thượng Hội đồng đang tự thiết lập mình như một kiểu nghị viện mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói là không thể, và tuyên bố có một loại thẩm quyền thiêng liêng của riêng mình.
Những lời phê phán đó sẽ được nhiều người coi là chính đáng, xét vì cơ quan thượng hội đồng đã quyết định soạn thảo một “Thư gửi dân Chúa” như một phần của phiên họp hiện tại. Quyết định đó đã được ban thư ký thường trực của Thượng Hội đồng công bố vào tuần trước, với một số chi tiết được đưa ra về bức thư.
Đối với nhiều người, sự kiện đơn giản của việc phiên họp đã tự mình thừa nhận một loại bản sắc độc lập, tách biệt với Đức Giáo Hoàng, và quyết định mình có thể nói chuyện với “dân Chúa” nhân danh chính mình, là điều gây sững sờ.
Thượng Hội Đồng muốn độc lập với Đức Giáo Hoàng
Trong khuôn khổ giáo hội học và giáo luật của Giáo hội, phiên họp thượng hội đồng hiện tại là một cuộc họp của thượng hội đồng giám mục, mặc dù được tăng cường bằng cách bao gồm các giáo dân tham gia bỏ phiếu. Theo giáo luật, Thượng Hội đồng Giám mục hoàn toàn phụ thuộc vào Đức Giáo Hoàng về phạm vi và các chủ đề mà Thượng hội đồng giải quyết. Mặc dù có thể và nên thảo luận các vấn đề do Đức Giáo Hoàng nêu ra và “bày tỏ mong muốn” với ngài, nhưng Thượng hội đồng không thể “giải quyết chúng hoặc ban hành các sắc lệnh về chúng”.
Quyết định của Thượng Hội đồng ngỏ lời với toàn thể Giáo hội theo thẩm quyền riêng của mình có thể sẽ gây ấn tượng với nhiều nhà quan sát, đặc biệt là các nhà giáo luật, vì một cơ quan tư vấn hoạt động ngoài người đứng đầu là Giáo hoàng - một cơ quan quan trọng và có thẩm quyền hơn nhiều, như hợp đoàn Giám mục hoặc một công đồng chung, bị nghiêm cấm không được mưu toan.
Trong phạm vi mà bước này đã thực hiện dựa vào thẩm quyền riêng của chính Thượng Hội đồng, mà theo văn phòng thư ký thì dường như là như vậy, một “Thư gửi dân Chúa” như vậy sẽ và có lẽ sẽ gióng lên hồi chuông cảnh cáo cho thấy phiên họp đang đòi cho mình một bản sắc và tính hợp pháp độc lập với Đức Giáo Hoàng.
Mặc dù đây có thể không phải là một quyết định được đưa ra với mục đích thách thức quyền lực của Đức Phanxicô, hoặc nhằm đối đầu với những kết luận cuối cùng của chính Đức Giáo Hoàng, nhưng đó là một tiền lệ dường như mở đường cho việc thực hiện chính xác điều đó.
Ngay cả khi cho rằng tất cả mọi người trong phiên họp đều có ý định tốt nhất, sự cao ngạo của việc cơ quan đó bắt đầu công bố các bức thư tới các tín hữu nhân danh chính mình có khả năng, ít nhất, cũng khuếch đại các chủ trương cho rằng nó hiện hữu ngoài mối liên hệ với Đức Phanxicô, có thể tự mình lên tiếng và các kết luận của nó phải có sức nặng đặc biệt của riêng chúng.
Cần có các quyết nghị về các vấn đề gây tranh cãi
Hướng tới kết luận của Thượng Hội đồng vào năm tới, sẽ cần phải có một số quyết nghị nào đó cho các cuộc tranh luận hiện tại của cơ quan này về việc phong chức cho phụ nữ, các vấn đề về LGBT và các vấn đề gây tranh cãi khác.
Biết rằng các tài liệu của thượng hội đồng nay có thể sẽ được đọc như một loại kết luận có thẩm quyền, thay vì các khuyến nghị mang tính suy đoán, các thành viên của thượng hội đồng có thể sẽ thách thức cách dùng lời cho mỗi đoạn thậm chí còn gay gắt hơn trước - với sự nhấn mạnh ngày càng cao về chính loại đa số kiểu nghị viện mà Đức Phanxicô vốn chỉ trích.
Và điều gì sẽ xảy ra nếu bản văn cuối cùng của phiên họp đề xuất những ý tưởng hoặc những thay đổi đối với Giáo hội mà Đức Giáo Hoàng từ chối chấp nhận?
Trong các thượng hội đồng trước đây, người ta hiểu rằng một khuyến nghị từ phiên họp chỉ có giá trị hợp pháp nếu và khi Đức Giáo Hoàng biến nó thành của riêng ngài.
Nay, với việc cơ quan ban hành các lá thư cho tất cả các tín hữu Kitô giáo nhân danh chính mình, ít nhất một số người sẽ coi các kết luận của cơ quan này mang thẩm quyền riêng của họ. Và có vẻ như - nếu không phải là không thể tránh khỏi - Đức Phanxicô sẽ bị một số người buộc tội phớt lờ “Chúa Thánh Thần” nếu ngài không chấp nhận đầy đủ các khuyến nghị của thượng hội đồng.
Dù vô tình hay cố ý, thượng hội đồng giờ đây dường như đang phát triển thành một cực quyền lực đối thủ với Giám mục Rôma, người mà nó phải hiện hữu dưới thẩm quyền và sự chăm sóc của ngài.