Hình ảnh Thánh Gioan Tẩy giả, người sống lòng khiêm nhượng
Một người tín hữu ( NTH) có thói quen đạo đức đến thánh đường viếng thăm cầu nguyện không chỉ nơi bàn thờ nhà Chầu Mình Thánh Chúa hay bàn tòa kính Đức Mẹ Maria, nhưng còn tìm đến bàn tòa kính Thánh Gioan tiền hô. Trong cầu nguyện NTH bày tỏ tâm tình mình với vị Thánh qua cuộc nói chuyện tâm linh.
1. NTH: Con xin chào Thánh nhân. Con là người tín hữu hôm trước đã có lần đến đây và tò mò nói chuyện với Thánh nhân. Về nhà suy nghĩ nhớ lại những gì Thánh nhân đã nói với con. Con rất đỗi vui mừng. Con cám ơn Thánh nhân. Hôm nay con lại đến muốn nói chuyện cùng Thánh nhân nữa. Vậy Thánh nhân có cho phép con không?
Thánh Gioan: Ta chào Bạn. Sao lại không? Ta vui mừng được nói chuyện với Bạn. Có Bạn đến nói chuyện, ta không cảm thấy lẻ loi một mình đứng trên đế đài này với hoa nến héo tàn ngày này qua ngày khác, năm tháng này qua năm tháng khác... Như vậy còn gì vui hơn nữa.
Có một điều ta muốn nói với Bạn. Đúng hơn ta khen Bạn. Bạn không xin xỏ gì với ta như những người khác hay than thở kêu xin. Lẽ dĩ nhiên ta cũng lắng nghe họ than thở kêu xin, và sẵn sàng cầu bầu xin Thiên Chúa ban ân phúc lành cho họ. Nhưng ta vẫn thích người như Bạn có tâm tâm hồn tìm hiểu đức tin không chỉ cho trái tim tâm hồn mà còn cho cả trí óc hiểu biết nữa. Bạn là người có nếp sống quân bình. Tin kính nhưng cũng có nhu cầu hiểu biết của lý trí về điều mình tin. Xin Bạn cứ tự nhiên.
2. NTH: Thưa Thánh nhân. Không dám đâu, xin cám ơn Thánh nhân. Con chỉ là người tò mò thôi đấy mà.
Hôm trước Thánh nhân đã cắt nghĩa cho con về nhiệm vụ tiền hô của Thánh nhân. Nhưng cũng qua đó Thánh nhân nói đến công việc làm phép Rửa cho dân chúng bên bờ sông Jordan. Có phải vì thế mà người ta cũng còn gọi Thánh nhân với danh xưng Tẩy gỉa nữa không?
Thánh Gioan: Bạn đúng là người tò mò. Nhưng sự tò mò của Bạn là điều tốt giúp tâm trí rộng mở hiểu biết thêm. Ta không biết có đúng như thế không. Nhưng ta nghĩ, người ta đặt thêm danh hiệu như thế, có thể họ căn cứ theo sự kiện ta đã làm phép rửa cho dân chúng và cho cả Chúa Giêsu nữa, mà đặt thêm danh hiệu tẩy giả này cho ta. Và biết đâu cũng để phân biệt với những vị Gioan khác. Nhưng điều đó không quan trọng.
Quan trọng ở chỗ, phép rửa ta làm là dấu hiệu nói lên lòng ăn năn thống hối từ bỏ con đường sự dữ tội lỗi trở về con đường ngay chính tốt lành, dọn con đường tâm hồn đón tiếp Đấng là ánh sáng cứu độ đến trong trần gian, của người lãnh nhận phép rửa.
3. NTH: Thưa Thánh nhân ngoài hai danh hiệu Tiền hô và Tẩy gỉa, còn có thêm danh hiệu nào đặt cho Thánh nhân nữa không?
Thánh Gioan: Bạn đúng là người tò mò chính hiệu. Không có danh hiệu nào nữa đặt thêm cho ta đâu. Như vậy đủ rồi, và đã nói lên hết nhiệm vụ chính yếu của ta nữa.
Có điều khi người ta nghe tin ta rao giảng phép rửa ăn ăn thống hối, người ta đến hỏi ta: Ông là ai?. Ta không chút do dự nói ngay: Các ngươi an tâm và đừng lẫn lộn: Ta rao giảng, nhưng ta không phải là Đấng Kito cứu thế, cũng chẳng phải là vị Ngôn sứ nào đâu.
Họ vặn hỏi mãi, ta nói ngay “ Ta là tiếng hô trong sa mạc hãy dọn đường cho thẳng để Thiên Chúa đến. Họ vẫn chưa chịu bằng lòng với câu trả lời của ta. Họ vặn hỏi thêm: Thế tại sao Ông làm phép rửa?
Ta cũng không ngần ngại nói ngay: Các Ông nên biết cho điều này. Ta rao giảng làm phép rửa trong nước. Nhưng có Đấng quyền thế hơn ta. Người đang ở giữa các ông mà các ông không nhận ra Người. Còn ta, ta đâu có xứng đáng hầu hạ cởi quai dép cho Người.
4. NTH: Như thế Thánh nhân còn có thêm danh hiệu là tiếng hô trong sa mạc nữa. Tiếng hô của Thánh nhân là lời loan báo, tiếng kêu gọi con người trở về với con đường đời sống ngay chính. Nhưng tiếng hô đó của ngài còn loan báo gì khác hơn nữa không?
Thánh Gioan: Phải, tiếng hô là lời rao giảng loan báo của ta không chỉ dừng lại nơi đó. Nhưng quy tới một đích điểm, đúng hơn tới một con người. Con người đó là Thiên Chúa xuống trần gian làm người giữa xã hội con người.
5. NTH: Vị Thiên Chúa làm người đó là ai vậy?
Thánh Gioan: Vị Thiên Chúa làm người đó chính là Con Thiên Chúa tên là Giêsu Kitô.
Vị đó là Ánh sáng của Tiên Chúa từ trời cao xuống hiện thân làm người. Ánh sáng của Ngài không là ánh sáng đèn điện chiếu tỏa tia sáng cực mạnh nóng bỏng làm chói mắt. Không, không phải như thế. Ánh sáng chiếu tỏa từ nơi Ngài là ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa, ánh sáng tình yêu mến của Trời cao, ánh sáng niềm hy vọng cho con người, ánh sáng ơn tha thứ làm hòa giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người.
6. NTH: Làm sao Thánh nhân có thể qủa quyết thuyết phục người nghe như thế được?
Thánh Gioan: Nhiệm vụ của ta là rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng đến trong trần gian.
Mốc điểm thời tiết là hình ảnh tốt, giúp cắt nghĩa hiểu về ánh sáng của Chúa Giêsu. Bạn biết không, theo dòng tộc gia đình, ta là anh em họ hàng với Chúa Giêsu sinh ra làm người. Ta sinh ra đời trước Chúa Giêsu vào ngày 24.06. Còn Chúa Giesu sinh ra vào ngày 25.12. Đây là theo cách tính của niên lịch phụng vụ Kitô giáo.
Theo luật tuần hoàn trong vũ trụ thiên nhiên, vào cuối tháng Sáu thời tiết bắt đầu vào mùa Hè, mặt trời chiếu sáng ngày dài hơn ban đêm. Và cũng từ thời cao điểm đó, mỗi ngày thời tiết xuay chuyển mặt trời ngày ngắn lại, ban đêm tối trời dần dài hơn thêm ra. Và cao điểm ngày ngắn ít ánh sáng mặt trời chiếu, ban đêm dài nhất trong năm là những ngày cuối tháng Mười Hai.
Giáo Hội mừng ngày ta sinh ra vào ngày 24.06. ngày cao điểm trời sáng, Và sau ngày đó từ từ ngày ngắn lại, đêm tối dài thêm ra.
Lễ mừng Chúa Giêsu sinh ra làm người vào đêm tối trời nhất trong năm ngày 25.12. Và từ sau ngày này ánh sáng ban ngay từ từ dài thêm ra, đêm tối trời ngắn lại.
Chúa Giêsu sinh ra làm người vào thời gian đêm tối trời. Sự sinh ra của Ngài vào thời điểm đó nói lên: Ngài đem ánh sáng từ trời cao soi chiếu vào đêm tối trần gian. Đêm tối trần gian trong không gian thời gian thời tiết hình thể địa lý, và đêm tối trong tâm hồn con người vì sự dữ tội lỗi che khuất làm ra cho tối tăm.
Ngài đến trần gian mang ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Sau này khi ra rao giảng, chính Ngài đã nói Ngài là ánh sáng cho trần gian.
Rồi cũng vào ngày 25.12. thời thượng cổ xa xưa dân tộc Roma dành kính thờ Thần Mặt Trời. Và từ khi đạo Kitô được hoàng đế Roma Vua Constantino năm 313 công nhận cho tự do sống đức tin công khai, Giáo Hội Công Giáo đã rửa tội ngày 25.tháng 12. hằng năm thành ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng Mặt Trời công chính đã xuống trần gian.
Nên ngày lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh ngày 25.12. nói lên ý nghĩa căn bản của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng, đi vào soi chiếu ánh sáng trong đêm tối trần gian. Ánh sáng ơn cứu độ của Chúa xóa tan bóng tối, đem lại sự an bình cho con người.
7. NTH: Thưa Thánh nhân, Kinh Thánh đề cập đến Thánh nhân với ánh sáng như thế nào?
Thánh Gioan : Ta rao giảng kêu gọi con người dọn con đường tâm hồn cho Chúa đến. Nhưng Vị Thánh tên là Gioan, người Tông đồ trực tiếp của Chúa Giêsu, và sau này đã phụng dưỡng nuôi Đức Mẹ Maria sau khi Chúa Giêsu về trời, đã viết Phúc âm Chúa Giêsu. Trong đó Ông nói đến ta ngay trong phần đầu của sách Phúc âm: „Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng.“ Ga 1,6-8.
8. NTH: Thưa Thánh nhân, Thánh nhân có biết mình sinh ra vào thời nào không?
Thánh Gioan: Thời của ta lúc sinh ra không có giấy khai sinh như bây giờ. Nên ta không biết mình sinh ra thời nào.
Sau này trong đời sống, theo khoa học người ta làm ra lịch năm tháng ngày giờ cho phân biệt rõ ràng như đang dùng ngày hôm nay. Theo cách tính niên lịch, người ta lấy năm Chúa Giêsu giáng sinh là năm thứ nhất sau Chúa giáng sinh, khoa học gọi là năm thứ nhất sau Công nguyên. Như thế biến cố Chúa Giêsu sinh ra làm người là mốc điểm giữa hai thời đại trước và sau Công nguyên. Ta sinh ra đời trước Chúa Giêsu nửa năm. Vậy ta chào đời vào nửa năm cuối cùng thời trước Chúa Giêsu. Nên người ta còn nói ta là vị Ngôn sứ cuối cùng thời cựu ước, thời trước công nguyên, chuyển tiếp sang thời Tân ước với Chúa Giêsu Kitô, thời sau công nguyên.
Người ta không biết rõ năm nào Chúa Giêsu sinh ra. Có thuyết cho rằng, vì sau này mới làm lịch, nên tính sai năm Chúa sinh ra đời, và có lẽ Chúa Giêsu sinh ra vài năm trước đó rồi, năm 07. trước Công nguyên! ( Joseph Ratzinger, Benedikt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder Freibug i. Breisgau 2012, tr. 106 -110)
Thánh sử Luca viết trong Phúc âm Chúa Giêsu có nói đến thời điểm lịch sử chính trị và tôn giáo lúc ta đi ra rao giảng làm phép rửa ăn năn thống hối dọn đường cho Chúa:
„ Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời quan Pontius Pilatus làm tổng trấn miền Judea, Herode làm tiểu vương miền Galileo, người em là Philiphe làm tiểu vương miền Iture và Khana va Caipha làm Thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là Ông Gioan trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Jordan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.“ (Lc 3, 1-3).
9. NTH: Con xin chào tạm biệt và cám ơn Thánh nhân qua nói chuyện đã chỉ dẫn cho con hiểu rõ về vai trò của Thánh nhân trong công việc xây đắp gìn giữ đức tin vào Chúa. Qua đó con dần hiểu rõ ra hơn, tại sao Hội Thánh hằng năm vào mùa Vọng lấy hình ảnh cùng đời sống của Thánh nhân ra làm trung tâm cho giáo lý chuẩn bị tâm hồn mừng lễ ánh sáng Chúa Giesu Kitô giáng sinh làm người…
Thánh nhân cùng với Đức Mẹ Maria là hai nhân vật chính yếu trong mùa Vọng. Cả hai trông mong chờ đợi Chúa đến, và giúp mọi người hướng tâm hồn trông chờ Chúa đến. Và chúng con nhìn học được nơi Thánh nhân cung cách nếp sống lòng khiêm nhượng: nhận mình chỉ là công cụ Thiên Chúa dùng để mở đường giới thiệu cho Thiên Chúa đến.
Thánh Gioan: Ta cũng cám ơn Bạn đã đến thăm viếng ta và trò truyện với ta. Điều này thật đáng qúi lắm.
Ta cầu chúc Bạn khoẻ mạnh, lòng tràn đầy niềm vui cùng sự hăng say nhiệt thành nếp sống tinh thần cho trái tim cùng trí khôn suy biết nữa. Chúc bằng an thành công. Gioan, người bạn của các Bạn!