
Edgar Beltrán của tạp chí The Pillar, ngày 23 tháng 3 năm 2025, tường trình rằng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm một nhà thần học người Bỉ tự nhận mình là "trung thành có phê phán" với Giáo hội vào thứ Sáu để phục vụ trong một cơ quan của Vatican chịu trách nhiệm giám sát các trường đại học giáo hội.
Việc bổ nhiệm này có thể gây tranh cãi, vì nhà thần học Bénedicte Lemmelijn là trưởng khoa thần học tại một trường đại học đã kêu gọi phong chức cho phụ nữ vào năm ngoái và "suy nghĩ lại" về thần học đạo đức của Giáo hội liên quan đến tình dục.
Vatican thông báo ngày 21 tháng 3 rằng Lemmelijn, trưởng khoa thần học và nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Công Giáo Leuven đã được bổ nhiệm làm thành viên của Cơ quan đánh giá và thúc đẩy chất lượng tại các trường đại học và khoa giáo hội của Hội đồng khoa học [AVEPRO] của Tòa thánh.
Cơ quan — AVEPRO — được Giáo Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI thành lập vào năm 2007, nhằm đảm bảo rằng các trường đại học và các khoa giáo hội duy trì các tiêu chuẩn phẩm chất được công nhận trên toàn thế giới về giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ.
KU Leuven, trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất của Bỉ, đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi trong chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới đất nước này vào tháng 9 năm 2024, với bản thân Lemmelijn cũng là tâm điểm của cuộc tranh cãi.
Lemmelijn là giáo sư và nhà nghiên cứu Cựu Ước tại KU Leuven từ năm 2003, và được bổ nhiệm vào Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng vào năm 2021. Bà trở thành khoa trưởng khoa thần học vào năm 2022.
Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Bỉ vào tháng 9 năm 2024, KU Leuven đã bị chỉ trích rộng rãi vì cách tiếp cận được coi là đối đầu trực tiếp với vị giáo hoàng ở đất nước này.
Trên thực tế, xung đột giữa vị giáo hoàng và các học giả đại học Công Giáo trong nước đã làm lu mờ nhiều yếu tố khác trong chuyến thăm Bỉ của vị giáo hoàng.
Trước chuyến thăm của vị giáo hoàng, Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo của KU Leuven, dưới sự lãnh đạo của Lemmelijn, đã xuất bản một bài báo nhấn mạnh cách tiếp cận thần học của trường là "nhiều hơn một người nói tiếng từ bụng [ventriloquist] của Giáo hội".
Khoa khẳng định rằng các nhà thần học "không chỉ lặp lại quan điểm của các nhà chức trách tôn giáo mà còn đưa chúng vào quá trình điều tra kỹ lưỡng và phân tích phê phán".
Và trong một sự kiện học thuật tại KU Leuven vào ngày 27 tháng 9, hiệu trưởng trường đại học, Luc Sels, đã thách thức giáo lý Công Giáo trong một bài phát biểu trực tiếp gửi đến Đức Giáo Hoàng.
Sels chỉ trích lập trường của Giáo hội về việc phong chức cho phụ nữ và các vấn đề LGBT, nói rằng: "Tại sao chúng ta lại dung thứ cho khoảng cách đáng kể này giữa nam và nữ trong một Giáo hội thường do phụ nữ gánh vác? Giáo hội sẽ không phải là một cộng đồng ấm áp hơn nếu có một vị trí nổi bật dành cho phụ nữ, kể cả trong chức linh mục sao?"
"Giáo hội sẽ không đạt được thẩm quyền đạo đức ở góc thế giới của chúng ta nếu có cách tiếp cận ít gượng ép hơn đối với chủ đề về sự đa dạng giới tính và nếu thể hiện sự cởi mở hơn đối với cộng đồng LGBTQIA+ và hỗ trợ tất cả những người đang đấu tranh với bản dạng giới tính, giống như trường đại học đã làm?" ông nói thêm.
Sau các bài phát biểu, Lemmelijn đã tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách — "Giám mục Rome và các nhà thần học Leuven" — trong đó có một chương về "suy nghĩ lại về các chuẩn mực của Giáo hội về tình dục".
Lemmelijn nói với giới truyền thông sau sự kiện rằng trường đại học muốn "trở thành người bạn phê phán của Giáo hội, người không nói với bạn những gì bạn thích nghe, nhưng nói sự thật, ngay cả khi điều đó đôi khi khó khăn".
Bà mô tả cam kết của trường đại học đối với Giáo hội là "trung thành một cách phê phán"
"Tôi nghĩ rằng một vấn đề mà Giáo hội ngày nay đang phải đối diện là có xu hướng cố gắng tìm ra những chân lý phổ quát... đó là một vấn đề vì chúng ta có rất nhiều quốc gia khác nhau với rất nhiều nền văn hóa khác nhau", Lemmelijn nói thêm.
"Và vì vậy, miễn là chúng ta cố gắng có một chân lý phổ quát, không thể chạm tới cho tất cả mọi người, thì điều đó là khó khăn", bà kết luận.
Sau chuyến thăm, Lemmelijn nói với Vatican News rằng khoa thần học của trường đại học đã treo lá cờ cầu vồng trong chuyến thăm của vị giáo hoàng như một dấu hiệu đoàn kết với những người Bỉ thấy giáo lý Công Giáo hoặc cách diễn đạt của giáo lý này gây tổn thương.
"Nhưng đó không phải là dấu hiệu phản đối", bà nói, "mà là sự bao hàm và ủng hộ những người cảm thấy bị tổn thương do một số tuyên bố quá mạnh mẽ hoặc quá loại trừ".
Mặc dù KU Leuven là một trường đại học Công Giáo, nhưng trường đã đổi tên từ Katholieke Universiteit Leuven thành KU Leuven vào năm 2011, dường như để hạ thấp bản sắc Công Giáo của mình.
Và trong khi Tổng giám mục Mechelen-Brussels giữ chức đại chưởng ấn của trường đại học, ban lãnh đạo của trường đã xa lánh Giáo hội trong những năm gần đây.
Khi trường đại học đổi tên từ Katholieke Universiteit Leuven thành KU Leuven, hiệu trưởng lúc đó là Mark Waer đã nói một cách mơ hồ với các phóng viên rằng họ có thể: " hiểu chữ 'K' theo ý muốn của bạn. Nó có thể là viết tắt của 'kwaliteit' [phẩm chất]."
Trường đại học đã cho phép sinh viên và giảng viên của mình sử dụng University of Leuven hoặc Universiteit Leuven làm tên hợp lệ cho trường đại học.
Khi Đức Phanxicô đến thăm Bỉ vào tháng 9, đối tác nói tiếng Pháp của KU Leuven, UC Louvain, đã gây ra tranh cãi tương tự.
Trong bài phát biểu ngày 28 tháng 9 tại UC Louvain, vị giáo hoàng đã nói rằng "những gì đặc trưng cho phụ nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay hệ tư tưởng, cũng giống như bản thân phẩm giá không được đảm bảo bởi luật lệ viết trên giấy, mà bởi luật lệ nguyên bản được viết trên trái tim chúng ta."
Trong một thông cáo báo chí được đưa ra chỉ vài phút sau bài phát biểu của vị giáo hoàng, UC Louvain đã chỉ trích những phát biểu của Đức Phanxicô về phụ nữ là "bảo thủ" và "quyết đoán và giản lược".
“UC Louvain là một trường đại học toàn diện và cam kết đấu tranh chống lại bạo lực phân biệt giới tính và tình dục”, bản thông cáo cho biết.
“Nó khẳng định lại mong muốn của mình là mọi người đều được phát triển trong trường và trong xã hội, bất kể nguồn gốc, giới tính hay khuynh hướng tình dục của họ. Nó kêu gọi Giáo hội đi theo con đường tương tự, không có bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào”.
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi bản thông cáo báo chí là “được chuẩn bị trước” và “không có đạo đức” vì được công bố “vào thời điểm tôi phát biểu”.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng nếu quan điểm của ngài có vẻ “bảo thủ” tại trường đại học, thì đó là vì “có một tâm trí trì độn không muốn nghe về điều này”.
Cùng lúc Đức Phanxicô bổ nhiệm Lemmelijn vào ủy ban Vatican, Đức Giáo Hoàng cũng bổ nhiệm Cha Juan Chapa Prado, giáo sư Khoa Thần học của Đại học Navarra, Cha Léonard Santedi Kinkupu, hiệu trưởng Đại học Công Giáo Congo, và Giáo sư Emilio Marin, phó hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế của Đại học Công Giáo Croatia tại Zagreb.
Navarra được biết đến rộng rãi là một khoa thần học bảo thủ về mặt thần học, cho thấy Vatican có thể đã có ý định cân bằng giữa các học giả đại học Công Giáo.