VIỆT NAM MỘT GIÁO DÂN DẤN THÂN MANG TIN MỪNG CHO NGƯỜI THIỂU SỐ TRONG 25 NĂM QUA

PHƯỚC LONG, Việt Nam (UCAN) -- Đến với vùng đất đỏ bazan ở miền Đông Nam Bộ các linh mục và tu sĩ đều biết một nông dân đã có vợ và bốn con là người có nhiều năm đem Tin Mừng cho các nhóm người thiểu số.

Từ năm 1980 đến nay, anh Giuse Trần Sơn Lâm (không phải tên thật) đã viếng thăm khoảng 200 buôn sóc người thiểu số và rửa tội cho rất nhiều người M’Nông, S’Tiêng và Tày sống ở hai huyện Phước Long và Bù Đăng của tỉnh Bình Phước. Tỉnh này giáp bên giới Campuchia, và được chính phủ kiểm soát an ninh chặt chẽ. Đây cũng là vùng chiến tranh diễn ra ác liệt trong cuộc chiến Việt Nam.

Hai huyện này do giáo phận Ban Mê Thuột coi sóc có 8.500 người Công giáo dân tộc. Tỉnh này có chừng 35.000 người thiểu số.

Anh Lâm, 54 tuổi, nói say sưa về công việc truyền giáo của mình như là “một ơn gọi và hồng ân Chúa ban, trách nhiệm và là niềm đam mê của tôi”, khi anh trò chuyện với UCA News hồi tháng 9 tại nhà anh ở Phước Long. Huyện này cách Hà Nội 1.510 kilômét về phía nam, hay cách thành phố Hồ Chí Minh 200 kilômét về phía bắc.

Khi cuộc chiến Việt Nam sắp kết thúc, anh đang đi lính cho chế độ cũ Sài Gòn. Trong một trận đánh anh bị bộ đội bắt, “Tôi cầu xin Thiên Chúa cứu mạng tôi, và hứa sẽ làm cho danh Ngài rạng rỡ giữa các anh em dân tộc thiểu số trên quê hương mình”. Sau đó, anh được thả ra.

Trong những năm 1980, anh Lâm kể, vùng này chưa có linh mục đến coi sóc ngoại trừ vài tu sĩ dòng Tên và dòng Đức Bà Truyền Giáo. Anh và một người bạn thân đã vượt hơn 50 cây số đường rừng để đến giao du với người dân tộc M’Nông ở các buôn sóc thuộc huyện Bù Đăng, ngủ qua đêm giữa rừng, bị muỗi mòng thui đốt.

Có khi họ ngủ lại trong nhà sàn của người dân tộc, ở ngay trên những con trâu, bò, heo, gà được nuôi ở phía dưới sàn nhà, gây mùi hôi thối. Anh nói: “Chúng tôi ăn những gì họ ăn và uống những gì họ uống. Thỉnh thoảng chúng tôi bị tiêu chảy, ói mửa và bị bệnh sốt rét suốt mấy tháng liền”.

Lần đầu tiên anh rửa tội cho 24 gia đình người M’Nông trong một làng vào năm 1995. Người bạn của anh đứng ra làm bố đỡ đầu. Sau đó anh lập danh sách và đem trình cho đức giám mục giáo phận Ban Mê Thuột.

Anh Lâm cũng thăm viếng và chăm sóc những người S’Tiêng bị bệnh phong. Họ rất đau đớn vì không biết cách chăm sóc vết thương. Họ không đi đến các trung tâm y tế để chữa bệnh vì sợ xa gia đình. Người thiểu số có truyền thống sống chung với nhau qua nhiều thế hệ trong một mái nhà và vài chục mái nhà như thế tạo thành một buôn hay sóc.

Khi trở về nhà, vợ con anh khóc lóc và lo sợ anh lây bệnh phong cho họ. Anh quyết định sống cách ly gia đình trong một căn chòi trên rẫy. Chỉ sau khi anh đến bệnh viện khám và thấy mình không mắc bệnh phong trong một thời gian, anh mới trở về nhà.

Năm 2000, anh Lâm bắt đầu truyền giáo cho người dân tộc Tày mới di cư từ các tỉnh miền Bắc vào trong những năm trước đó. Ban đầu, trong vai người lái bò, anh tìm cách làm quen với một thanh niên người Tày qua những cuộc nhậu. Sau đó anh học phương ngữ của thanh niên này và anh bắt đầu đến làm quen với người Tày trong các buôn.

Anh bắt đầu tham gia vào các lễ hội và trở nên thân thiện với các bô lão trong làng, các bô lão cùng uống rượu với anh và đôi khi mời anh ngồi vào chỗ của họ. Khi đó anh bắt đầu nói chuyện về Chúa, chỉ cho họ biết: “Tất cả mọi đứa chúng ta đều có chung một Thằng Cha, Thằng đó Nó ở trên trời, nhưng Nó tốt bụng và yêu thương mọi đứa chúng ta”. Anh dạy cho họ kinh Lạy Cha và hát những bài thánh ca.

Tại một lễ hội, anh uống nhiều rượu nên say bí tỉ và người ta đưa anh về nhà, anh nằm mê man suốt mấy ngày liền. Người thân nghĩ anh bị người dân tộc sát hại nên mời linh mục đến xức dầu cho anh.

Nhìn lại những gì đã trải qua, anh Lâm kết luận: “Đem tiền, đem gạo đến cho người dân tộc thì dễ, nhưng để truyền giáo cho họ thì trước tiên chúng ta phải chiếm được lòng tin và sự kính trọng của họ bằng cách đối xử với họ như những người bạn và đôi khi liều lĩnh nữa”.

Dựa vào những điều mà anh biết về lối sống của họ, anh Lâm ưu tiên giúp các cộng đồng người dân tộc thay đổi những hủ tục liên quan đến tự tử, cưới hỏi và ma chay.

Anh giải thích rằng theo truyền thống nếu hai người bạn đi chơi hoặc uống rượu chung với nhau mà một người trong họ tự vẫn vì chuyện buồn riêng nào đó, thì người kia cũng phải tự tử theo. Nếu không thì người đó sẽ bị dân làng coi như là ma quỷ và không thể ở lại trong làng. Nhưng thường thì người dân tộc không thể sống xa gia đình và buôn sóc nên khi bị buộc phải rời khỏi làng và gia đình thì gần giống như cái chết, anh Lâm nhận xét.

Anh nói thêm, trước đây vì tuân theo truyền thống này đã có bảy vụ tự tử liên tiếp xảy ra. Anh khuyên giải và nói với họ rằng: “Chỉ có Chúa, Đấng cho chúng ta sự sống mới có quyền làm cho chúng ta chết. Chúng ta không tự cho mình sự sống thì cũng không có quyền tự làm cho mình chết”.

Hành động như lời khuyên của mình, hễ nghe tin buôn sóc nào có người tự tử thì anh Lâm cố gắng có mặt kịp thời để can thiệp với dân làng nhằm ngăn cản những cái chết vô nghĩa tiếp theo.

Về việc hôn nhân, theo tục lệ gia đình cô dâu thường đòi lễ vật quá lớn khiến cho nhiều cậu thanh niên nhà nghèo không có tiền cưới vợ và phải đi ở làm việc cho nhà vợ cho đến khi trừ hết nợ mới đem vợ về nhà được. Một số người khác lâm cảnh túng quẩn sau khi đã bán tất cả đất đai và tài sản để cưới vợ.

Anh Lâm nói tiếp, người thiểu số vừa thương mến lại vừa sợ người chết. Khi chôn xác người chết, theo tục lệ người ta thường đặt một ống cây lồ ô từ miệng người chết lên trên mặt đất. Trong tuần lễ đầu sau khi chôn, mỗi ngày người ta đem đổ cơm nước vào trong ống như là cách chăm sóc người chết. Điều này gây hôi thối và là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật cho người sống.

Anh Lâm nói anh cảm thấy đau lòng và xót xa khi thấy họ sống trong nghèo khổ và bị bó buộc bởi những tập tục lạc hậu của họ. “Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến tôi tha thiết với công việc truyền giáo của mình hơn”.

Một linh mục phó xứ trong vùng cho UCA News biết, anh Lâm hiện đứng đầu một nhóm giáo lý viên người Kinh do các linh mục trong huyện Phước Long thành lập để làm việc với các giáo lý viên người dân tộc trong việc dạy giáo lý và truyền giáo cho người dân tộc. Theo vị linh mục “chính quyền địa phương không cho phép các linh mục đến các làng người thiểu số”. Ngài nói huyện này có 15.000 người dân tộc, trong đó có 4.500 người Công giáo.

Anh Lâm cho biết bốn đứa con của anh được các linh mục và tu sĩ tài trợ kinh phí học tập vì anh không thể nào nuôi chúng ăn học đến nơi đến chốn bằng thu nhập của mình. Nhờ vậy mà “tôi luôn an tâm làm việc mặc dầu phải gánh vác nhiều công việc và đối đầu với nhiều thử thách trong việc truyền giáo”.

Một trong những đứa con của anh đã tốt nghiệp đại học, hai đứa đang học đại học và đứa út đang học phổ thông. Anh tin tưởng: “Nếu chúng ta lo việc của Chúa, thì Ngài sẽ lo việc của chúng ta”.

Anh cho biết còn nhiều buôn làng người dân tộc ở những vùng xa xôi hẻo lánh trong tỉnh Bình Phước mà người Kinh chưa đặt chân tới được. Anh mong muốn tiếp tục mang tình yêu của Chúa đến cho người dân tộc ở những nơi ấy.