THÁCH ĐỐ CỦA GIA ĐÌNH SALESIAN

Phỏng Vấn Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salesian Don Bosco (SDB)



Tin Roma, ngày 8 tháng 5 năm 2006, ( zenith.org) - Làm thế nào để đáp ứng lại những kiểu nghèo khó tân thời--về mặt cảm xúc, văn hóa và tôn giáo—đó chính là một trong những nét đặc trưng của Gia đình Salesian, Vị thứ chín kế nhiệm Cha Thánh Gioan Bosco đã giải thích như thế. Trong bài phỏng vấn này, Linh Mục (LM) gốc Mễ Tây Cơ, Pascual Chávez Villanueva, Bề trên Tổng Quyền dòng SDB, trình bầy cách sống của người Salesian trong việc thể hiện ơn đoàn sủng mà đấng sáng lập đã để lại.

HỎI (H): Thông thường người ta không nói đến tu hội Salesian, mà nói đến “Gia đình Salesian.” Vậy gia đình này do ai tạo thành, và đâu là mối liên hệ bên trong gia đình ấy?

LM CHÁVEZ: Don Bosco không chỉ là vị sáng lập một hội dòng nam, mội tu hội nữ, và một hiệp hội giáo dân, thực ra, ngài là vị sáng lập một trào lưu linh đạo tông đồ có tầm cỡ mà ta gọi là Gia Đình Salesian. Chính vì thế mà ngoài ba nhóm nguyên thủy này, tức Dòng Salesian, Nữ Tử Đức Mẹ Phù Hộ, và Cộng Tác Viên Salesian, như là hoa quả của ơn đoàn sủng Salesian phong phú, còn có thêm nhiều nhóm khác nữa, mỗi nhóm diễn đạt và làm triển nở một khía cạnh khác biệt của cùng một ơn đoàn sủng ấy. Giống như là một loài cây, Gia Đình Salesian có tất cả 24 nhánh được chính thức công nhận, và còn có nhiều hơn nữa, tuy không phải một cách chính thức, cành nào cũng đang nẩy sinh và trưởng thành để rồi dần dần sẽ được thừa nhận hoàn toàn hoặc được coi là thành phần của Gia Đình Don Bosco. Trong gia đình này, với tư cách là người kế vị Don Bosco, Bề trên Tổng Quyền chính là người cha và trung tâm hiệp nhất, đến độ, dù vẫn tôn trọng sự tự lập của mỗi cành cây, điểm tham chiếu mang tính đoàn sủng vẫn luôn luôn là Bề trên Tổng Quyền. Điều này được tỏ hiện trong hiến pháp, luật lệ và quy chế như những dự phóng khác nhau của đời sống Salesian.

H.: Khi nói đến “Ơn đoàn sủng Salesian trong Hội Thánh,” điều đó có nghĩa là gì, và nó quy chiếu chính xác vào điều gì?

LM CHAVÉZ: Khi chuẩn thuận hiến pháp dòng và phong thánh Đấng sáng lập, Hội Thánh công nhận rằng kinh nghiệm tông đồ và linh đạo của Don Bosco chính là một ân tặng mà Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh. Điều đó có nghĩa là ơn đoàn sủng Salesian chính là lối sống đặc thù của các tu sĩ Salesian, là hoa quả việc thánh hiến cho Chúa qua lời tuyên khấn, được diễn đạt qua sứ mệnh tông đồ giới trẻ, nhất là các em nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi, cũng như các em nào lâm vào nguy cơ về mặt tâm lý-xã hội, được chu tất trong các cộng đoàn qua việc áp dụng khoa sư phạm và linh đạo, tức là Hệ Thống Dự Phòng.

Như là ân tặng của Chúa Thánh Thần, phẩm chất của “ơn đoàn sủng” nhằm vào việc phục vụ Hội Thánh, phục vụ sức sống và sứ mệnh của Hội Thánh. Đoàn sủng này có thể được thể hiện qua lối sống của các tu sĩ và giáo dân, linh mục và giáo dân, người trưởng thành và giới thanh thiếu niên, nhưng lúc nào nó cũng mang sắc thái nguồn cảm hứng của Don Bosco, với những xác tín và nỗi đam mê “xin cho tôi các linh hồn” (da mihi animas), vốn là chương trình làm việc của ngài, gói trọn trong niềm sùng mến đối với Mẹ Maria Phù Hộ các Giáo Hữu.

H.: Với tư cách Bề trên Tổng Quyền dòng Salesian, thiết tưởng cha đã mang sẵn một viễn kiến toàn cầu về thế giới hôm nay, nhất là về thực trạng giới trẻ. Vậy đâu là những nhu cầu khẩn thiết cha đã khám phá thấy trong thế giới, nhất là trong cái gọi là ‘hành tinh trẻ’?

LM CHAVÉZ: Hẳn thế, dòng SDB đang hiện diện trong hơn 130 quốc gia trên khắp thế giới, do đó Bề trên Tổng Quyền được một đặc ân là có được một viễn kiến bao quát toàn cầu về thế giới nói chung, và về hành tinh trẻ nói riêng.

Theo tôi, các nhu cầu khẩn thiết của thế giới chúng ta có thể được tổng hợp vào bốn từ ngữ mà Đức Cố GH Phaolô II đề cập đến khi ngỏ lời với đoàn ngoại giao toà thánh, đó là: hoà bình, cơm bánh, đời sống và tự do. Đây là những quyền lợi căn bản của con người và mọi quốc gia mà không một chính phủ nào có thể phủ nhận.

Hoà bình không chỉ là vắng chiến tranh và xung khắc, mà là sự kiến tạo những điều kiện xã hội có khả năng duy trì được sức phát triển hài hoà của các quốc gia. Cần xác tín rằng chiến tranh chỉ gây ra hủy diệt và chết chóc, làm trì trệ nền kinh tế các quốc gia, cũng như làm chậm lại trào lưu thiết lập nền dân chủ. Chiến tranh chỉ làm lợi cho giới con buôn võ khí.

Cơm bánh chính là quyền của mỗi người phải có được nguồn dinh dưỡng cần thiết để có thể bảo đảm nhịp tăng triển và phát huy các tiềm năng, điều này sẽ bị thương tổn khi nạn đói khát xẩy ra, khiến các khả năng không phát triển được, và rốt cuộc dẫn đến diệt vong. Thật không thể nào chấp nhận được, khi mà thế giới có thừa khả năng sản xuất cơm bánh nuôi sống loài người, thế mà hàng năm vẫn có cả hằng triệu người chết đói và chết khát.

Đời sống đây có nghĩa là việc bảo vệ mạng sống con người từ thuở đầu thai cho đến khi nhắm mắt, nhưng cũng có nghĩa là phẩm chất của đời sống thì lệ thuộc vào các nhu cầu căn bản, và nhất là tùy thuộc vào ý nghĩa cuộc đời. Không ai không thấy rằng ngày nay mạng sống con người đang bị đe doạ từ thuở đầu thai cho đến giây phút cuối đời, và ý nghĩa cuộc đời thì mịt mù như đêm tối.

Tự do, một trong những chiều kích thiết yếu của con người, là điều bảo đảm cho việc con người, nam cũng như nữ, có khả năng tự quyết, và sống lịch sử cá nhân cũng như xã hội của mình một cách đầy trách nhiệm. Nói đến tự do là nói đến tất cả mọi biểu hiện của nó: xã hội, tâm lý, và tôn giáo.

Còn về ‘hành tinh trẻ’ thì phải nói ngay rằng: chỉ có những người trẻ cụ thể mới thực sự hiện hữu, trong thực tại những điều kiện và hoàn cảnh xã hội, chính trị và văn hóa của họ. Vì thế, thực là khó, nếu không nói muốn nói là không thể, nói lên các nhu cầu khẩn thiết của họ. Với một số người trẻ, điều thiết yếu là sống còn; với một số khác, đó là gia đình, hay giáo dục, hay công việc làm ăn, hoặc ý nghĩa cuộc đời. Tuy nhiên, với Don Bosco, tôi xin nói rằng: tất cả mọi người trẻ đều có một nhu cầu lớn lao là được hạnh phúc; điều họ mong mỏi—đôi khi không biết phải làm sao—là có ai đó cùng bước đồng hành với họ trên nẻo đời, và dậy cho họ cái công thức để sống hạnh phúc mãi mãi, bây giờ và muôn đời.

H.: Như thế, dòng SDB và Gia Đình Salesian đang góp phần như thế nào để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết này?

LM CHAVÉZ: Tu hội—và toàn thể Gia Đình Salesian—đang chu toàn sứ mệnh của mình trong ba lãnh vực hoạt động lớn là: thăng tiến nhân bản, giáo dục, và phúc âm hoá. Qua sự hiện diện bằng nhiều sắc thái, chúng tôi cố gắng chăm chú, và trong mức độ khả năng cho phép, nỗ lực đáp ứng các nhu cầu của nhân loại.

Thăng tiến nhân bản được biểu lộ qua tất cả các công cuộc và hoạt động từ bệnh viện, lưu xá, lữ quán cho đến các trại phục hồi cho giới nghiện ngập, chăm sóc giới trẻ đường phố và nạn nhân của trào lư u du lịch tình dục.

Giáo dục chiếm hết phần lớn nhân lực của chúng tôi qua hàng ngàn học đường, trung tâm đào tạo và hướng nghiệp, các trường nông lâm súc, đại học, khánh lễ viện và trung tâm trẻ.

Phúc âm hoá và giáo lý luôn luôn là chủ đích và lý lẽ cho sinh hoạt mục vụ của chúng tôi, do đó, chúng tôi không chỉ có mặt tại các giáo xứ, đền thánh, nhà thờ, phòng tuyên úy, trung tâm linh đạo và trụ sở truyền giáo, mà còn hiện diện trong các sinh hoạt và công trình thăng tiến và giáo dục khác nữa.