KHÓA BỒI DƯỠNG VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC CHO CÁC ĐẠI CHỦNG VIỆN VIỆT NAM
TỔ CHỨC TẠI TRUNG TÂM LINH HOẠT TRUYỀN GIÁO QUỐC TẾ, RÔMA

Từ 28-6 đến 16-7-2006


Các Bề trên ĐCV Việt Nam thăm Bộ Truyền Giáo, Bộ Giáo Sĩ và Vatican
1. Khóa Bồi Dưỡng Đào Tạo Linh Mục VN:
Lần đầu tiên, một số linh mục giám đốc, linh hướng và giảng viên của 6 Đại Chủng Viện tại Việt Nam được Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam cho phép tham dự Khóa Bồi Dưỡng Về Đào Tạo Linh Mục tại Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo Quốc Tế (Centre International d’Animation Missionnaire - CIAM), Rôma, từ ngày 28-6 đến 16-7-2006. Khóa Bồi Dưỡng này do Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, tổ chức và được Đức Ong Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Đốc CIAM hỗ trợ.

2. Hiện nay Việt Nam có 6 Đại Chủng Viện :
Hà Nội, Vinh Thanh, Huế, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Vào đầu năm 2005, Chính Phủ cho phép lập thêm Cơ Sở 2 của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Tp. Hồ Chí Minh tại Xuân Lộc.

3. Nội dung của Khóa Bồi Dưỡng gồm 2 phần :
a) Các bài thuyết trình và thảo luận xoay quanh 8 đề tài :
  • 1. Chủng viện: mục đích và hành trình huấn luyện các chủng sinh
  • 2. Chủng viện, cộng đồng huấn luyện: các thành phần, nhiệm vụ và mối tương quan
  • 3. Linh đạo linh mục giáo phận
  • 4. Linh hướng và phân định ơn gọi
  • 5. Mô hình đào tạo con người toàn diện
  • 6. Những đức tính nhân bản và thiêng liêng của nhà huấn luyện
  • 7. Trưởng thành tình cảm
  • 8. Hành trình huấn luyện sống hạnh phúc ơn gọi linh mục
b) Ngoài ra các tham dự viên còn góp ý soạn “ NHỮNG CHỈ DẪN VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC” cho Giáo Hội Việt Nam :
  • Phần I. Tổ chức việc đào tạo linh mục (Ratio Institutionis Sacerdotalis)
  • Phần II. Tổ chức việc tu học (Ratio Studiorum)
4. Bản phác thảo “ NHỮNG CHỈ DẪN VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC”
Bản phác thảo 1 của “ NHỮNG CHỈ DẪN VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC” đã được trình bày trong Hội Nghị Các Đại Chủng Viện Việt Nam, tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh, vào tháng 8 năm 2005. Sau đó dựa trên những góp ý từ các Đại Chủng Viện, bản phác thảo 2 đã thành hình. Năm nay, tại Rôma, Đức Cha Chủ Tịch cùng với các cha đã làm việc và góp ý trên bản phác thảo 2 này. Nhờ có thời gian thảo luận, cùng với những đào sâu từ các bài thuyết trình của các giáo sư chuyên môn tại Rôma, việc soạn thảo đã có những bước tiến khả quan. Công việc tuy còn dài nhưng hy vọng bản văn sẽ hoàn thành sớm để trình lên Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Sau đó, bản văn “ NHỮNG CHỈ DẪN VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC” này sẽ được đệ trình lên Tòa Thánh để được phê chuẩn trước khi đưa vào thực hành.

5. Thăm Viếng:
Trong dịp này, các cha thuộc các Đại Chủng Viện Việt Nam cũng đến thăm các Bộ Giáo Dục Công Giáo, Bộ Truyền Giáo và Bộ Giáo Sĩ. Những bài huấn từ và những trao đổi sau đó của Đức Hồng Y Ivan Dias, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo, của Đức Tổng Giám Mục Michael Miller, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Dục Công Giáo, của Đức Tổng Giám Mục Ternyak Csaba, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Sĩ cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của việc đào tạo linh mục trong thế giới hôm nay, và cho thấy việc đào tạo linh mục tại Việt Nam luôn được Tòa Thánh quan tâm và hỗ trợ. Ngoài ra cũng cho thấy cuộc gặp gỡ tại các Bộ, cũng như Khóa Bồi Dưỡng về Đào Tạo Linh Mục được tổ chức tại Rôma là một dấu chỉ sống động của mối hiệp thông trong Giáo Hội.

6. Hành Hương:
Ngoài những giờ thuyết trình, những giờ thảo luận, những cuộc gặp gỡ với các Bộ, còn có những cuộc hành hương và thăm viếng các di tích thánh cũng như những chứng tích của Đức Tin Kitô Giáo. Những cuộc hành hương và thăm viếng đã đưa các tham dự viên đi vào những cảm nhận thâm sâu về Đức Tin trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Cuộc hành hương đến nơi diễn ra phép lạ Thánh Thể tại Lancianô đã để lại những ấn tượng sâu đậm về Bí Tích Thánh Thể, trung tâm của đời sống linh mục và kitô hữu. Cuộc hành hương, thăm viếng hang toại đạo còn đậm chứng tích đức tin của những tín hữu tiên khởi, cũng như thăm viếng những di tích tử đạo, chứng tá anh hùng của các tông đồ (nơi Thánh Phaolô tử đạo tại Tre Fontane, di tích của thánh Tôma tông đồ, dâng lễ bên mộ Thánh Phêrô…) đã làm sống lại Đức Tin Tông Truyền mà các kitô hữu đã lãnh nhận từ những chứng tá anh hùng của các tông đồ năm xưa. Thêm vào đó, thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Tông Đồ dân ngoại, khích lệ tinh thần truyền giáo của ơn gọi linh mục. Đặc biệt, sự hiện diện thật gần gũi của Đức Thánh Cha, đại diện Chúa Kitô, qua thánh lễ vào ngày kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, buổi triều yết chung vào thứ tư và giờ đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chủ Nhật giữa quảng trường thánh Phêrô với hàng chục ngàn tín hữu, đến từ các nơi trên thế giới, nói lên một cách sống động sự hiệp nhất trong đức tin, không biệt màu da, tiếng nói. Cuộc hành hương kính viếng Thang Thánh và Đền Thờ Thánh Giá làm tăng xác tín về con đường thập giá yêu thương cứu độ của Chúa Kitô mà mỗi linh mục phải noi theo.

6. Chung Sống Huynh Đệ:
Cuối cùng, thời gian cùng chung sống, cùng hiệp thông trong những giờ cầu nguyện, giờ dâng thánh lễ, những chia sẻ thân tình, những câu chuyện vui giữa anh em linh mục, đã tạo nên được mối giây yêu thương, cảm thông, giữa những người đang cùng một lo lắng và thao thức muốn đào tạo những linh mục tương lai, theo tâm tình của Chúa Giêsu như Giáo Hội mong muốn, để phục vụ thế giới, đặc biệt quê hương, đồng bào Việt Nam.
Chính tại Rôma, thủ đô của Giáo Hội, các nhà đào tạo các linh mục tại các Đại Chủng Viện Việt Nam, đang sống sâu đậm niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Mục Tử trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội và trong tình huynh đệ chân tình của anh em linh mục. Họ không còn cảm thấy đơn độc trong trách nhiệm nặng nề đang phải đảm nhận, họ cảm nhận được sự hỗ trợ của Ơn Chúa, qua Giáo Hội toàn cầu và qua những người bạn gần gũi đang cùng làm việc cho cánh đồng lúa dồi dào của Giáo Hội Việt Nam.

Trưởng Ban Thư Ký Khóa Bồi Dưỡng