TRUNG CỘNG RÚT GIÀN KHOAN-VIỆT NAM TRÚNG MÁNH ?

Bão Thần Sấm (Rammasun) ập vào Biển Đông ngày 15/07 (2014) với sức gió từ 135 đến 150 cây số một giờ hoặc mạnh hơn theo thời gian đã buộc Trung Cộng phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng tranh chấp với Việt Nam ở Biển Đông, nhưng không bảo đảm Trung Cộng sẽ không trở lại với nhiều gìan khoan khác khi bão đi qua.

Tân Hoa xã (Xinhua) của Trung Cộng loan báo lúc rạng sáng ngày 15/7 (giờ địa phương) rằng:”Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc cho biết, hoạt động tác nghiệp khoan thăm dò Dự án phía nam đảoTrung Kiến (Việt Nam gọi là Tri Tôn)ngày 15/7 đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ theo kế hoạch, đồng thời phát hiện hiển thị dầu khí. Theo quy trình thăm dò và khai thác dầu khí biển sâu, bước tiếp theo sẽ triển khai đánh giá tổng hợp tầng dầu khí đối với tư liệu địa chất và dữ liệu phân tích thu được trong hoạt động tác nghiệp khoan thăm dò lần này, đồng thời nghiên cứu xây dựng phương án công tác giai đoạn tới trên cơ sở này.”

Bản tin viết thêm : “Ngày 2/5 năm nay, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc khởi động tác nghiệp khoan thăm dò hai giếng thuộc Dự án phía nam đảo Trung Kiến, ngày 27/5 hoàn thành tác nghiệp khoan thăm dò giếng số 1 phía nam đảo Trung Kiến, ngày 28/5 bắt đầu thực hiện tác nghiệp khoan thăm dò giếng số 2 và hoàn thành vào ngày 15/7.”

Qua ngày 16/7 (2014), người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hồng Lỗi cho biết: “Giàn khoan Hải Dương 981 theo kế hoạch chuyển về dự án Lăng Thuỷ ở đảo Hải Nam tiếp tục tác nghiệp, chuyển giàn khoan là sắp xếp kế hoạch tác nghiệp trên biển của doanh nghiệp hữu quan, không liên quan với bất cứ nhân tố bên ngoài nào.”

Hồng Lỗi nói như thế để phủ nhận những bàn tán trong dư luận cho rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình và Hội nghị 2 ngày tại Bắc Kinh về Chiến lược và quan hệ Kinh tế giữa hai nước Mỹ-Trung đã ảnh hưởng đến quyết định rút gìan khoan của Bắc Kinh.

Tân Hoa Xã nhấn mạnh: “Ông Hồng Lỗi cho biết, điều cần nhấn mạnh là, tác nghiệp kể trên hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền Trung Quốc. Bước tới doanh nghiệp hữu quan sẽ nghiên cứu ấn định phương án làm việc cụ thể giai đoạn tới trên cơ sở nghiêm chỉnh phân tích và đánh giá tư liệu địa chất đã giành được trong tác nghiệp lần này.”

Thêm một lần nữa, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa ( CRI,China Radio International) còn tái khẳng định chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông: “Trả lời phỏng vấn phóng viên về hoàn thành tác nghiệp Dự án phía nam đảo Trung Kiến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, quần đảo Tây Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc tác nghiệp tại vùng biển gần Tây Sa (Hòang Sa) không hề có tranh chấp hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối Việt Nam quấy nhiễu một cách vô lý hoạt động tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời đã áp dụng biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho hoạt động tác nghiệp.”

Thái độ của Hồng Lỗi không có gì mới mà chỉ lập lại lập trường đã bị Việt Nam bác bỏ nhiều lần đối với chủ quyền mà V iệt Nam nói “không chứng minh được” của Trung Cộng ở quần đảo Hòang Sa.

Tuy vậy, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đón nhận tin rút gìan khoan của Trung Cộng với thái độ “có tính tóan” vừa để làm yên lòng dân trong nước, nhưng đồng thời cũng “muốn tỏ thiện chí hòa bình, hữu hảo” không tránh được với láng giếng Trung Cộng.

Theo tin chính thức, tại phiên họp của Chính phủ sáng 16/07 (2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã: “Khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời “ yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.”

Người phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nói thêm: “Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.”

Ông Dũng còn được Bản tin của Chính phủ trích dẫn đã nói với Trung Cộng rằng : “Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế.”

Và người phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nói thêm: “Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.”

Sự thể cả Thủ tướng lẫn Phát ngôn nhân Bộ Ngọai giao cùng lên tiếng song song về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chứng tỏ phiá nước nhỏ Việt Nam muốn nói chuyện giải quyết tranh chấp lãnh thổ với anh hàng xóm khổng lồ Trung Cộng để ngăn chận Bắc Kinh không gây khó khăn thêm cho Việt Nam bằng cách tiếp tục đặt các giàn khoan tìm kiếm dầu trên vùng biển mà Việt Nam nhận là của mình.

Tuy nhiên, qua lời nói của Phát ngôn viên Trung Cộng Hồng Lỗi trong hai ngày 15 và 16/07 (2014) thì không có dấu hiệu gì cho thấy đề nghị của Việt Nam có thể được Trung Cộng cứu xèt.

CẦN CẢNH GIÁC CAO ĐỘ

Vì vậy mà một số Tướng lãnh của Việt Nam đã mau chóng cảnh giác phải đề phòng chiến thuật “lùi một tiến hai, ba bước” của Trung Cộng.

Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nói:” Đây không phải là cuộc đấu tranh cuối cùng. Bởi thế chúng ta phải hết sức cảnh giác và theo dõi sát sao, đặc biệt đối với chiến sỹ và ngư dân đang ngày đêm bám biển.”

“Lý giải cho điều này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm dẫn chứng năm 2012, Trung Quốc cũng nhân cơn bão Gutchol để rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough của Philippines và sau đó quay lại, mở rộng phạm vi chiếm cứ.” (PetroTimes, 16/07/2014)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X biểu: “Trung Quốc xưa nay rất mưu mô. Đừng thấy họ di chuyển giàn khoan mà vội vui mừng, đừng ảo tưởng rằng Trung Quốc thôi thực hiện mưu đồ chiếm biển Đông”.

Ông nói : “ Đây chỉ là việc làm nhằm xoa dịu dư luận trước sự đấu tranh của Việt Nam và dư luận thế giới phản đối việc xâm phạm vùng biển của nước ta…việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam hay đi đâu nữa thì ý đồ xuyên suốt của Trung Quốc là làm chủ, bá quyền ở khu vực biển Hoàng Sa rồi Trường Sa và eo biển Malacca, thực hiện trọn vẹn mưu đồ của cái gọi là đường 9 đoạn, nay là 10 đoạn.” (Theo báo Một Thế Giới, 16/07/2014)

Trong khi đó, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nói với phóng viên VTC News rằng : “ Giàn khoan Hải Dương 981 có thể chịu được bão mạnh cấp 14, cấp 15 và động đất mạnh tới 8 độ richter. Bởi vậy, việc Trung Quốc rút giàn khoan này hoàn toàn không phải là để tránh cơn bão Rammasun. Trung Quốc cũng không rút giàn khoan do tác động bởi Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ.” (đòi Trung Cộng rút gìan khoan)

Trả lời câu hỏi: “Nghĩa là việc đưa giàn khoan ra khỏi khu vực hạ đặt trái phép đã nằm trong lộ trình rồi, thưa ông?

Tướng Lê Văn Cương đáp : “Đúng thế. Không phải vì sức ép của Việt Nam và thế giới mà Trung Quốc rút giàn khoan về nước. Việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ là họ thay đổi chiến thuật, thay đổi một phương thức hành động khác để đạt được mục đích của họ.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm biển Đông. Mọi hành động, bước trước, bước sau đều được họ tính toán và lên kế hoạch từ trước.

Sau giai đoạn này, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động còn nguy hiểm hơn để chiếm vùng biển nước ta. Cụ thể, Trung Quốc sẽ quay trở lại vùng biển này, nhưng có thể không phải với giàn khoan Hải Dương 981 mà với các giàn khoan nhỏ khác và hàng trăm tàu đánh cá.

Trung Quốc rút giàn khoan này ra khỏi vùng biển nước ta thực chất chỉ là việc kết thúc bước chạy rốt đa (chạy thử), kết thúc một khúc nhạc dạo đầu. Sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc mới thực sự thực hiện ý đồ chiếm vùng biển nước ta.”

- Có liên quan gì đến hoạt động xây dựng trên một số đảo ở quần đảo Trường Sa của ta mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng?

Cũng trong cuộc phỏng vấn của TVC News, Tướng Cương còn tiết lộ: “ Hiện Trung Quốc sắp hoàn thiện việc xây dựng đảo Gạc Ma và đã lên kế hoạch xây dựng thêm đảo Chữ Thập.

Theo kế hoạch của Trung Quốc, họ sẽ thực hiện việc bơm cát và xây dựng đảo Chữ Thập trong vòng 2 năm sắp tới. Sau khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ đưa tới đây vài chục thanh niên nam nữ như một xóm chài, có nhà trẻ, có trạm y tế, có sân bay bến cảng.”

Hỏi:- Rồi tiếp đó họ sẽ làm gì nữa, thưa Thiếu tướng?

Đáp: “Căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương có cả tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến. Một hạm đội của Mỹ luôn thường trực tại đây. Theo kế hoạch của Trung Quốc thì họ sẽ xây dựng đảo Chữ Thập lớn gấp 4 lần căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương.

Sau khi hoàn thành đảo Chữ Thập, cùng với đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Nếu điều này xảy ra, vùng biển Đông sẽ bị Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn.

Việt Nam và các nước trong khu vực đang đứng trước một cuộc đấu tranh nhiều thử thách, nguy hiểm hơn với ý đồ thôn tính biển Đông của Trung Quốc.

Cho nên, có thể khẳng định, việc Trung Quốc đang dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về vùng biển của họ không phải là dấu hiệu đáng mừng. Một cuộc đấu tranh thử thách hơn, nguy hiểm hơn đang đợi chúng ta ở phía trước. Quan hệ Việt – Trung sẽ còn phức tạp hơn trong thời gian tới.”

Ngoài ra Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng đã phản ứng về việc Trung Cộng rút gìan khoan 981: “Tôi nghĩ đây là kết quả của quá trình đấu tranh của ngư dân, của toàn dân tộc Việt Nam cùng với tác động của dư luận và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đây là điều đáng mừng, tuy nhiên chúng ta vẫn phải cảnh giác và tiếp tục đối phó với các hành động mới của Trung Quốc, vì chúng ta biết âm mưu của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông. Chúng ta phải kiên quyết thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” (báo Dân Trí, 16/07/2014)

NHẬN HÃO-ĂN MỪNG ẢO

Tuy vậy đó đây trong hàng ngũ các viên chức CSVN, vẫn có những tiếng nói lạc quan tếu, vội vàng và chủ quan coi chuyện rút giàn khoan của Trung Cộng là một thắng lợi đáng mừng nên đã đóan ẩu để nhận vơ.

Chẳng hạn như Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng: “ Việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trước dự kiến cho thấy sự sai lầm về chiến lược của họ. Điều thế giới dễ nhận ra nhất đó là sự thất bại của Trung Quốc với mưu đồ trở thành Đế quốc biển. (Báo Petro Times (Năng Lượng Mới), 15/07/2014)

Ông Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam trả lời Petro Times trước khi có tin giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển nên đã nói : “Nếu Trung Quốc rút giàn khoan trước thời gian mà họ đã ngang ngược tuyên bố là 15/8 thì đó không phải là vì cơn bão. Bởi lẽ giàn khoan này đã được thiết kế để chịu đựng “siêu bão”. Cho nên cơn bão chỉ là cái cớ để họ nói với thiên hạ.

Đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.”

Nhận định của Tướng Lê Mã Lương hòan toàn ngược với khẳng định của Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương đã dẫn chứng ở trên nói rằng : “ Không phải vì sức ép của Việt Nam và thế giới mà Trung Quốc rút giàn khoan về nước.”

Tiếp theo là quan điểm của ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)

Ông Hà Lê nói với nhiều báo trong nước ngày 16/07 (2014):” Thời gian gần đây, phía Trung Quốc khá bị động. Họ vừa phải đối phó với những phương án đấu tranh của ta trên thực địa khu vực đặt trái phép giàn khoan, vừa lo chống lại với sự phản đối trong dư luận thế giới. Sự bị động của Trung Quốc thể hiện ở chỗ, họ treo băng rôn tiếng Việt kêu gọi hòa bình, hữu nghị; họ thay đổi phương thức cản phá lực lượng chấp pháp của Việt Nam.”

Băng rôn mà ông Hà Lê nói đến xẩy ra vào ngày 10/07 (2014) được treo bên hông tầu 2506 của Trung Cộng có dòng chữ : TQ - VN hữu nghị chung sống hòa bình với nhau.

Nhưng cũng chính chiếc tầu này đã săn đuổi gay gắt các tầu Cảnh sát biển của Việt Nam nên nói là “bị động” thì có chủ quan không ?

Ông Hà Lê còn đánh giá: “Trung Quốc chẳng qua chỉ đang mượn cớ để rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Cơn bão Rammansun (cơn bão lớn đang đổ bộ vào Philippines) như vô tình trở thành cơ hội để Trung Quốc rút giàn khoan về.”

TRUNG CỘNG ĐƯỢC GÌ ?

Dù có lạc quan hay bi quan thì Việt Nam cũng đã bị Trung Cộng kiềm chế không cho lợi dụng vụ gìan khoan để tiến lên trước mặt Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp ở Biển Đông.

Vậy “chiến lược biển” tiếp theo của Trung Cộng sau vụ gìan khoan Hải Dương 981 là gì ? Thời gian sẽ chứng minh câu nói “bằng mọi cách phải bảo vệ chủ quyền biển là quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc” của lãnh tụ Tập Cận Bình, nhưng rõ ràng trong vụ rút gìan khoan 981 Trung Cộng đã chủ động “xì hơi bóng căng” để hóa giải những chỉ trích làm căng thẳng tình trạng lưu thông hàng hải trên Biển Đông.

Thứ hai, quan trọng hơn, là Bắc Kinh đã “phá vỡ được kế họach đe kiện Trung Cộng” ra tòa án Quốc tế của Việt Nam, đồng thời ngăn chận toan tính liên minh giữa Việt Nam với các cường quốc, tiêu biểu là Mỹ và Nhật, để chống lại Trung Cộng.

Như vậy, cuối cùng Việt Nam lại phải quay về vị trí của một nước nhỏ và tiếp tục cô đơn trong cuộc tranh chấp trường kỳ về chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông với Trung Cộng.

Cũng nhân vụ gìan khoan hải Dương 981 rút lui thì ở Việt Nam đã có hiện tượng “ăn mừng tự sướng” của “một bộ phận truyền thông”, theo lời cảnh giác của mạng báo “Nguyễn Tấn Dũng”.

Tuy chưa bao giờ được coi là “tiếng nói chính thức của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng” nhưng Báo điện tử này vẫn thường xuyên thông tin về các hoạt động của ông Dũng và quyết định của Chính phủ. Ông Dũng cũng chưa bao giờ cho lệnh triệt phá báo mạng này.

Trong tiết mục “Chủ quyền Biển Đông”, báo này viết vào ngày 16/07 (2014): “Rút giàn khoan không phải vì sợ VN, cũng không phải vì sự lên tiếng của Mỹ mà là theo kế hoạch được tính toán bài bản, lúc này TQ phải rút và lý do thời tiết chỉ là cái cớ, mượn thời cơ – điều này có đáng để một số người dân VN ăn mừng?

Ăn mừng sự kiện rút giàn khoan mà nguyên nhân rút không phải vì sợ VN, mà việc rút giàn khoan của Trung Quốc là có sự tính toán kỹ càng cho lợi ích của Trung Quốc, đồng thời không có cam kết nào đảm bảo rằng TQ sẽ không quay lại chiếm Biển Đông của VN, thì việc ăn mừng lúc này không khác nào thể hiện sự khờ dại, tự tưởng thưởng của một bộ phận truyền thông VN!”

Bài báo hỏi : “Nếu như ngày mai, ngày mốt TQ lại quay lại vùng biển của chúng ta, chúng ta sẽ làm thế nào đuổi TQ ra khỏi lãnh thổ của mình đây? Liệu trước khi ăn mừng, có ai đặt ra câu hỏi này hay không?

Ngôi nhà xây trên cát thì chắc chắn chỉ cần một cơn gió, trận mưa rào đi qua thì công trình cát sẽ trôi sạch. Điều đó cho thấy, nếu như nền tảng không bền vững, nhìn nhận vấn đề không sâu, không tường tận thì chẳng có việc gì được giải quyết triệt để.

Tương tự như vậy, việc ăn mừng giàn khoan rút vì bão thì thật là chưa hiểu thấu bản chất vấn đề!”

Báo mạng “Nguyễn Tấn Dũng” viết tiếp : “TQ tự rút về vì nhiều lý do chiến lược, không chỉ để tránh cơn bão sắp đi qua mà TQ đang có trong tay tài liệu, số liệu về khu vực có thể khai thác dầu khí, đặc biệt là động thái này diễn ra sau cuộc đối thoại Mỹ -Trung, hẳn những thứ đó là nguyên nhân TQ rút giàn khoan và là điều có lợi cho TQ lúc này, vậy mà một số người dân VN đi ăn mừng? Ăn mừng theo kiểu cầu nguyện bão lớn xuất hiện đã hiển linh thì có thể giải quyết được vấn đề nan giải hiện nay hay không?

Cần giải quyết vấn đề từ cái gốc chứ không phải từ cái bóng của nó và cốt yếu là phải làm thế nào để bảo vệ vững chắc lãnh thổ của VN và buộc TQ từ bỏ vĩnh viễn tham vọng bành trướng, gom Biển Đông thành ao nhà mới là quan trọng.

Việc làm trong lúc này thiết nghĩ không phải là ăn mừng trên sức mạnh tưởng tượng mà hãy dồn sức tìm xem bằng cách nào không để giàn khoan TQ tiến vào vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển của chúng ta nữa!”

Nhưng ai đã ăn mừng và có một “bộ phận Lãnh đạo” nào đã “tát nước theo mưa” để “ăn mừng” không mà mạng báo này đã cảnh giác: “Chúng ta phải suy nghĩ đến các biện pháp bảo vệ vững chắc đất nước mình, bằng tài năng thật sự, bằng những biện pháp cứng rắn chứ không phải theo kiểu “cầu may”, dựa vào thời tiết như giàn khoan vừa rút?!

Như vậy phải chăng chủ trương đối phó với Trung Cộng ở Biển Đông của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay, nhất là trong thời gian 75 ngày có mặt của gìan khoan 981,hãy còn “mềm xèo”, “nói nhiều làm ít” và chỉ biết “cầu âu” cho nên may mà phen này đã “trúng mánh” nhờ có vụ Trung Cộng rút giàn khoan tránh bão ?

Phạm Trần

(07/014)