Những hiểu biết chính xác về Đức Giêsu (1)

Nhân thân Đức Giêsu

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Nhập Thể, nghĩa là Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Đó là niềm xác tín của Kinh Tin Kính Kitô giáo. Nhưng đã là người thật, thì Đức Giêsu cũng phải chịu những điều kiện của phạm trù thời gian và không gian như bao phàm nhân khác. Vì thế, Đức Giêsu cũng có cha có mẹ, đã được sinh, mang một tên gọi riêng, có một tổ quốc, có một quê hương, v.v…!

Thánh danh „Jesus“ – „Giêsu“ Tên „Jesus“ được la-tinh hóa từ tiếng Hy-lạp cổ Ἰησοῦς. Đó cũng là hình thức viết tắt từ „Jeschua“ (hay Jeschu) trong tiếng Arménien, được phiên dịch từ tiếng Do-thái „Jehoschua“, tên gọi của người Do-thái thuộc nam giới. Còn từ „Jehoschua“ được ghép lại bởi hai từ khác là „Jeho“ – tên Thiên Chúa JHWH – và động từ „jascha“ trong tiếng Do-thái và có nghĩa là giúp đỡ hay cứu vớt.(1)

Như vậy, tên „Jesus“ trong tiếng La-tinh hay được phiên âm ra thành „Giêsu“ trong tiếng Việt có nghĩa „Thiên Chúa là sự cứu rỗi“ hay „Thiên Chúa trợ giúp“ (x. Mt 1,21; Cv 4,12). Trong truyền thống Do-thái cổ, hình thức tên gọi như thế là một điều bình thường, chứ không cần phải bổ túc thêm bằng cách đặt thêm một tên gọi khác bằng tiếng Hy-lạp hay La-tinh hay đặt thêm một tên mới khác.(2)

Một vài chỗ khác trong Phúc Âm thay vì xưng tên „Giêsu“ người ta gọi Người là „Con ông Giuse“ (x. Lc 3,23; 4,22) hay „Con bà Maria“ (Mc 6,3; Mt 13,55), hay gọi Người là „người thành Na-da-rét“ để nói lên nơi Người xuất thân. (x. Mc 1,9; Mt 2,23). Phúc Âm ghi rõ:

Ông (Giuse) đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.“(Mt 2,23).

Ngày sinh nhật và cuộc tử nạn của Đức Giêsu

Các Kitô hữu tiên khởi không hề đặt ra vấn đề về ngày tháng và năm sinh của Đức Giêsu. Việc hai thánh sử Mát-thêu (2,1tt) và Luca (1,5) trình thuật Đức Giêsu được sinh ra dưới thời Hê-rô-đê đại đế còn trị vì là một điều khả tín. Vì thế, Đức Giêsu rất có thể được sinh ra vào giữa các năm thứ 7 và 4 trước Công Nguyên (TCN).(3)

Những nỗ lực tìm cách xác định ngày tháng năm sinh của Đức Giêsu một cách chính xác dựa theo những trình thuật trong Phúc Âm hay theo khoa thiên văn học, thì nếu xét về mặt khoa học không phải là một bảo đảm chắc chắn.(4) Vì thế, việc tính năm sinh của Đức Giêsu theo niên lịch Kitô giáo, tức lấy năm sinh của Đức Giêsu làm năm thứ nhất của niên lịch như hiện nay là một sự nhầm lẫn.

Ví dụ: Phúc Âm thánh Luca (2,2) ghi „đây là cuộc kiểm tra dân số, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Syria.“ Nhưng theo các nguồn sử liệu của Rôma, cuộc kiểm tra dân số chỉ được thực hiện vào năm thứ 6 hay thứ 7 sau Công Nguyên (SCN), còn một cuộc kiểm tra dân số sớm hơn là một điều không thể chứng minh được.(5) Vì thế, đa số cho rằng đoạn văn trình thuật của thánh sử Luca ở trên (2,2) là một sự ghi nhận niên biểu sai lầm, vì chỉ muốn khẳng định Bét-lê-hem là nơi Chúa sinh ra.(6)

Các bản Phúc Âm thường chỉ trình thuật từ năm thứ nhất cho tới ba năm cuối cùng của Đức Giêsu. Theo Phúc Âm thánh Luca (3,1), ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện „vào năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô.“ Theo sự dẫn chứng chính xác duy nhất về niên biểu trong Tân Ước, Đức Giêsu khởi đầu cuộc sống công khai của Người sớm nhất vào năm thứ 28, ngay sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị cầm tù (x Mc 1,14). Và người ta cho rằng Đức Giêsu vào lúc bấy giờ vào khoảng 30 tuổi (Lc 3,23)(7)

Theo Kinh Thánh Tân Ước, dưới áp lực của các Thượng Tế và tầng lớp lãnh đạo Do-thái vào lúc bấy giờ, Pontiô Phi-la-tô, tổng trấn xứ Giu-đê-a từ năm 26 đến năm 36, đã ra lệnh xử tử Đức Giêsu vào ngày thứ sáu, một ngày trước ngày Sabbat trong thời gian mừng Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Đối với các Thánh Sử của Phúc Âm Nhất Lãm, biến cố xảy ra vào chính Ngày Lễ, sau buổi chiều trước Lễ Vượt Qua, tức vào ngày 15 tháng Nisan trong niên lịch Do-thái; còn theo Phúc Âm thánh Gioan, ngược lại biến cố xảy ra vào buổi chiều trước Lễ Vượt Qua, tức vào ngày 14 tháng Nisan. Vậy, nếu tính theo niên lịch và thiên văn học thì ngày 15 tháng Nisan thuộc các năm 31 và 34 SCN, còn ngày 14 tháng Nisan là một ngày thứ sáu thuộc các năm 30 và 33. Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng xét về mặt lịch sử, niên biểu trong Phúc Âm thánh Gioan là khả tín.(8) Đa số cho rằng có lẽ năm 30 là năm Chúa chịu chết, vì thánh Phaolô thành Tarsus trở lại đạo vào giữa các năm 32 và 35 SCN.(9) Và cũng theo đó, Đức Giêsu vào trạc tuổi giữa 30 và 40.

Nơi sinh của Đức Giêsu

Dưới cái nhìn khoa học, thì những trình thuật về biến cố giáng sinh của Đức Giêsu trong Tân Ước (Mt 1-2; Lc 1-2) mang tính chất truyền kỳ, có nhiều điểm khác biệt nhau và chứa đựng nhiều đặc tính thuộc thần bí học, những điều mà người ta không tìm thấy trong Phúc Âm thánh Mác-cô.(10)

Trong những trình thuật ấy, các tác giả còn đề cập tới gia phả tổ tiên của Đức Giêsu (Mt 1; Lc 3), Thiên Thần loan báo biến cố giáng sinh (Lc 1,26), sự thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, sự đồng trinh của Đức Mẹ khi sinh con (Mt 1,18; Lc 1,35), sự kính viếng của các đạo sĩ phương đông (Mt 2,1) và ngôi sao lạ đã dẫn đường cho các ngài đến nơi con trẻ được sinh ra (Mt 2,2), việc Hê-rô-đê tàn sát các hài nhi (Mt 2,13; x. Xh 1,22) và cuối cùng là biến cố Thánh Gia Thất trốn sang Ai-cập. (Mt 2,16tt.)

Lưu truyền cho rằng Đức Giêsu giáng sinh tại Bê-lem (Mt 2,1tt; Lc 2,4), vì dựa theo lời tiên báo được ngôn sứ Mi-kha (5,1) ghi lại, thì Đức Giêsu „Con vua Đa-vít“ phải được sinh ra tại chính quê hương của vua Đa-vít là Bê-lem (1Sm 20,6.).(11) Đó là niềm xác tín của các Kitô hữu tiên khởi và qua đó họ khẳng định rằng Đức Giêsu quả thật là Đấng Mê-si-a, là Đấng Cứu Thế.(Rm 1,3)(12)

Còn các nhà sử học thường cho rằng Đức Giêsu được sinh hạ tại thành Na-da-rét và địa danh này cũng được coi là sinh quán của cha Người và cũng là trú quán của cả gia đình Người (x. Mc 6,1tt; Mt 13,54; Lc 2,39), đồng thời chính ở đây Người đã lớn lên và trưởng thành. (Lk 4,16.22) (13)

Theo khám phá mới nhất của khoa khảo cổ học về các nhà cửa và các đồ gia dụng, địa danh Na-da-rét với dân số tối đa khoảng chừng 400 người vào thời Đức Giêsu là một điều minh nhiên.(14)

Gia đình Đức Giêsu

Theo trình thuật của Phúc Âm thánh Mác-cô (6,3), Đức Giêsu là “Con đầu lòng của bà Maria.” Thánh Giuse không hề được đề cập tới trong bản Phúc Âm Mác-cô. Trong khi đó, bản gia phả của Người (Mt 1,16; Lc 3,23) đã nhấn mạnh đến dòng dõi phụ hệ nguyên thủy của Người và cho rằng Người là “Con ông Giuse.” Chính Mẹ Người và những cư dân xứ Ga-li-lê-a cũng gọi Người tương tự như thế. (Lc 2,48; Ga 6,42.). Phúc Âm thánh Luca (Lc 2,21) cũng trình thuật Đức Giêsu chiếu theo luật Tora được cắt bì vào ngày thức tám và theo truyền thống Do-thái Người cũng sẽ được đặt tên theo tên gọi của cha Người, tức „Jeschua ben Josef“, như Phúc Âm Luca (4,22) đã chứng thực. Nhưng sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Gióc-đan, các Thánh Sử của Phúc Âm Nhất Lãm không còn nói đến ông Giuse nữa.

Hiện tượng im lặng này đã gây ra nhiều suy diễn khác nhau. Học giả Bruce Schilton, một nhà chuyên môn về Kitô giáo và Do-thái giáo, đã dựa theo Phúc Âm thánh Mát-thêu 1,18 để cho rằng Đức Giêsu đã được thụ thai trước khi hôn nhân giữa Maria và Giuse chính thức thành sự và ông Giuse đã qua đời sớm. Bởi vậy, trước mắt những người đồng hương của Người ở Na-da-rét, Đức Giêsu bị coi là con ngoại hôn (tiếng Do-thái: ממזר, mamzer‎) và không được quyền thừa hưởng gia tài (x. Ga 8,41). Hơn nữa, ông Giuse qua đời sớm, nên không một ai có quyền chứng thực quyền làm cha của ông.(15)

Về phía người Do-thái cũng đã từng có những châm biếm chống lại giáo huấn của Giáo Hội về việc Đức Giêsu được sinh ra bởi mẹ đồng trinh. Trong tác phẩm minh giáo „Contra Celsum“ của ông, Origenes gay gắt chống lại triết gia thời cổ đại Aulus Cornelius Celsus, người luôn lên tiếng phê bình và thóa mạ Kitô giáo một cách vô bằng cứ(16) và cho rằng Đức Giêsu là con ngoại hôn của người yêu của Mẹ Người có tên là „Panthera“.(17)

Trong khi đó, nhiều nhà chú giải chân chính về Tân Ước cho rằng cương vị làm cha của ông Giuse là điều tất yếu và ngài vốn xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.(18)

Theo Phúc Âm thánh Mác-cô 6,3, Đức Giêsu có bốn người anh em – Gia-cô-bê, Gio-xết, Giu-đa và Si-mon – và một vài người chị em gái không được nêu tên. Tên của những người anh em của Chúa được gọi theo tên của một vài người trong mười hai người con của ông Gia-cóp và việc Đức Giêsu với tư cách là con trai đầu lòng đã được dâng hiến cho Thiên Chúa trong Đền Thờ đúng theo luật Tora (Lc 2,23) đã nói lên rằng gia đình của Người là một gia đình Do-thái đạo hạnh. Còn cụm từ „anh em“ hay „chị em“ được dùng ở đây không hẳn là anh chị em ruột, nhưng theo cách thức sử dụng ngôn ngữ của Kinh Thánh, thì cụm từ „anh em“ hay „chị em“ cũng được hiểu là anh chị em họ.(xem Google „Geschwister Jesu.“ Lối giải thích này biện minh cho tín điều „Đức Maria trọn đời đồng trinh“ của Giáo Hội Công Giáo Rôma và của Giáo Hội Chính Thống.(19)

Theo tất cả bốn bản Phúc Âm, cuộc sống hoạt động công khai của Đức Giêsu đã gây ra bất bình giữa Người với anh em bà con của Người, vì họ cho rằng Người đã không chu toàn Điều Răn Thứ Bốn của Thập Giới Điều của Thiên Chúa „Ngươi hãy thờ cha kính mẹ“ (Xh 20,12; Đnl 5,16) đối với Mẹ Người và dòng họ Người, vì Người đã bỏ gia đình để đi giảng đạo khắp mọi nơi trong nước. Sự diễn giải và hiểu biết Kinh Thánh thời bấy giờ cho rằng những đứa con trai đầu lòng là phải ở nhà lo cho cha mẹ và dòng tộc của mình, chứ không được tự do đi xa gia đình làng xóm. (20) Vì thế, những người bà con họ hàng của Người đã tìm cách giữ Người ở lại trong gia đình và khi dự định của họ bất thành thì họ cho rằng Người bị điên khùng (Mc 3,21).

Nhưng một trong những điều kiện theo Chúa là phải từ giã gia đình và những người thân thuộc của mình (Mt 10,37; Lc 14,26). Đây là điều kiện mà người ta cho rằng chính những người sống trong cộng đoàn Qumran (tương tự một Dòng Tu) vào thời bấy giờ cũng thực hành. Và cũng như họ, Đức Giêsu đã công khai đòi hỏi những người muốn sống theo lý tưởng của Người cũng phải sống „vô gia đình“, không lập gia đình riêng. Bằng cứ là các Môn đệ đầu tiên của Người bỏ lại cha mình cùng những người làm công cho họ để đi theo Người (Mc 1,20).(21) Điều kiện ấy vẫn tiếp tục được áp dụng trong Giáo Hội Công Giáo cho tới ngày nay: Tất cả những ai muốn sống đời Tu Dòng hay vào hàng Giáo Sĩ đều buộc phải sống độc thân với ba lời khấn. Đức Giêsu muốn các Môn đệ của Người phải từ bỏ gia đình và sự ràng buộc máu mủ tự nhiên để lập nên một gia đình mới, gia đình „siêu nhiên“ hay cũng được gọi là „linh tông“, gồm những kẻ chỉ tìm kiếm Nước Trời và sống theo Phúc Âm, như Người đã giải thích cho họ: „Ai thực thi thánh ý Thiên Chúa là anh, là chị và là mẹ của tôi“ (Mc 3,35), chứ không phải để loại bỏ hay giảm thiểu giá trị thể chế gia đình

Trong khi đó, các thầy Kinh sư Do-thái cũng đòi hỏi sự tuân phục đối với luật Tora, tức tuân phục đối với cha mẹ mình, nhưng họ lại không đòi hỏi phải hoàn toàn tách rời khỏi gia đình. (22) Chúng ta cũng đừng vội lầm tưởng rằng Đức Giêsu loại bỏ Điều Răn Thứ Bốn. Không bao giờ. Chẳng những Người không loại bỏ mà còn đòi buộc người ta phải chu toàn luật thảo hiếu đối với cha mẹ mình một cách đúng đắn (Mc 7,8-12), chứ không vì bất cứ lý do gì, kể cả những lời thề hứa này nọ để có thể miễn trừ khỏi phải thảo hiếu với cha mẹ mình được.(23)

Vì các người đồng hương Na-da-rét hoàn toàn chối từ các giáo huấn của Người và tẩy chay Người (Mc 6,1-6), nên Đức Giêsu không còn trở lại đó nữa. Nhưng bù lại, có những phụ nữ đạo đức quen biết lo lắng giúp đỡ Người và các Môn đệ của Người, và họ còn trung thành tin tưởng vào Người ngay cả sau cuộc khổ nạn của Người. (x. Mc 1,31; 15,41). Còn đối với Mẹ Người, Người luôn kính yêu và cả ngay khi còn hấp hối trên thập giá Người vẫn tìm cách lo lắng cho Mẹ Người trong những năm tháng kế tiếp (x. Ga 19,26tt). Riêng các anh em họ hàng của Người, tuy „họ không tin vào Người“ (Ga 7,5), nhưng sau khi Người qua đời, một số trong họ đã cùng với Mẹ Người hợp tác với các Tông đồ để lập nên giáo đoàn tiên khởi. (Cv 1,14; 1 Kor 9,5; Gal 1,19). Và về sau, chính ông Gia-cô-bê, người đã được chứng kiến Đức Giêsu phục sinh (1 Cr 15,7), đã trở thành người điều khiển giáo đoàn tiên khởi Giê-ru-sa-lem này (Gl 2,9).

Trong một trích dẫn của nhà giáo sử Eusebius từ các sử liệu của thánh Hegesippus (100-180), một nhà giáo sử thời danh thuộc thế hệ các Kitô hữu tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem, trong cuộc bắt đạo và tàn sát các Kitô hữu của ông ta vào năm 90 SCN, hoàng đế Domitian đã ra lệnh giam cầm cả những người cháu chắt của Chúa Cứu Thế và tra khảo họ. Và trong cuộc khảo cung này, có lẽ những người bà con của Chúa đã khai ra họ là hậu duệ của dòng tộc vua Đa-vít, nhưng có lẽ vì những tham vọng chính trị của ông cũng như nhìn thấy tình trạng cuộc sống nông dân nghèo nàn của những người này, hoàng đế Domitian đã phủ nhận điều họ khai và ông đã ra lệnh thả tự do cho họ. Sau đó, chính những người bà con cháu chắt này của Chúa đã trở thành những thành phần nòng cốt của giáo đoàn tiên khởi. Điều đó cũng muốn nói rằng sự khẳng định Đức Giêsu là hậu duệ của vương triều Đa-vít là một điều khả tín.(24)

Ngôn ngữ và nghề nghiệp của Đức Giêsu

Là người Do-thái sống ở xứ Ga-li-lê-a, tất nhiên ngôn ngữ thông dụng hằng ngày của Đức Giêsu vào lúc bấy giờ là tiếng Arménienne hay Aramäisch thuộc phía tây. Điều này được phần Kinh Thánh Tân Ước chứng thực qua một vài trích dẫn những lời phát biểu bằng tiếng Aramäisch của Đức Giêsu. Mặc dầu người ta có thể chuyển ngữ những kiểu nói và phát biểu trong tiếng Hy-lạp sang tiếng Aramäisch, nhưng qua những khám phá của Joachim Jeremias, nhà thần học Tin Lành và là nhà chuyên môn về đông phương học, từng đã sống và làm việc tại Giê-ru-sa-lem, người ta có được tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt được „sự chính xác“ giữa những lời phát biểu của Đức Giêsu và những diễn giải của các Kitô hữu tiên khởi. (25)

Một điều chúng ta cũng không nên quên là ở Palestina vào thời Đức Giêsu người ta hầu như không còn nói thứ tiếng Do-thái như được sử dụng trong Kinh Thánh nữa. Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn có thể đọc và hiểu được tiếng Do-thái cổ ấy, dẫn chứng là Người đã từng đọc Kinh Thánh Tanach (tiếng Do-thái: ‏תנ״ך ‎ TNK) bằng thứ tiếng ấy trong các Hội đường Do-thái ở Ga-li-lê-a và còn diễn giải cho những người có mặt trong Hội đường nghe nữa. Hơn thế nữa, Người còn có thể đọc được những bản văn Kinh Thánh từ những bản dịch từ tiếng Aramäisch (Targumim).(26) Còn câu hỏi là liệu Đức Giêsu có nói được tiếng Koine, một loại tiếng Hy-lạp mà các dân cư xưa kia ở phía Đông đế quốc Rôma sử dụng hằng ngày, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thiết khác nhau, vì thiếu dẫn chứng trong Tân Ước. Vì thế, có người cho là rất có thể, (27) có người lại cho là không thể.(28)

Về thủa thiếu thời của Đức Giêsu thì Kinh Thánh Tân Ước chỉ ghi lại biến cố khi Người mới 12 tuổi đã ngồi diễn giải Kinh Thánh cho các Luật Sĩ trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và đã khiến cho các nhà thông luật này phải kinh ngạc trước sự thông minh phi thường của Người (Lc 2,46tt.). Nhưng nhiều nhà chuyên môn cho rằng biến cố này mang tính cách truyền kỳ, với mục đích là muốn khẳng định sự thông biết Kinh Thánh của Đức Giêsu.(29) Vào thời bấy giờ hầu như tất cả các con cái của những gia đình Do-thái nghèo cũng đều có thể biết đọc và biết viết, hầu chúng có thể đọc được Kinh Thánh. Trường hợp vì nhà nghèo nên không có các cuộn băng Kinh Thánh ở nhà thì chúng học ở các trường Tora hay ở các Hội đường.

Theo Phúc Âm thánh Luca 4,16, Đức Giêsu đọc Sách Thánh Tora trong Hội đường Do-thái ở Na-da-rét trước khi Người cắt nghĩa đoạn Kinh Thánh cho các người hiện diện. Còn theo Phúc Âm thánh Mác-cô 6,2, các người hiện diện trong Hội đường đã quá ngạc nhiên về bài giảng của Người và nhận thấy cách thức diễn giải Kinh Thánh của Người khác với lối diễn giải truyền thống quen thuộc. Trong khi đó theo Phúc Âm thánh Gioan 7,15, những người có mặt trong Hội đường đã tự hỏi nhau: „Ông này không hề học Kinh Thánh, tại sao nay ông ta lại có thể thông thạo được như vậy?“ Còn khi đối thoại hay tranh luận với các người Do-thái, Đức Giêsu thường lặp lại: „Các ông chưa đọc…sao?“ (Mc 2,25; 12,10.26; Mt 12,5; 19,4 ) và lại tiếp tục trích dẫn Kinh Thánh. Còn trước câu hỏi là liệu Đức Giêsu có thể viết được hay không, câu trả lời là không chắc chắn. Phúc Âm thánh Gioan 8,6.8 có trình thuật một lần kia Đức Giêsu đã dùng ngón tay viết hay vẽ trên mặt đất, chỉ có thế thôi.

Còn hình thức giảng dạy hay lý luận của Đức Giêsu còn chịu ảnh hưởng phương pháp của các giáo sĩ Do-thái giáo (Halacha và Midraschim). Vì thế các Môn đệ đầu tiên của Người thường gọi Người là „Rabbi“ („Thầy“, Giáo sĩ Do-thái) (Mc 9,5; 11,21; 14,45; Ga 1,38.49; 3,2; 4,31) hay „Rabbuni“ („Sư Phụ „): Mk 10,51; Joh 20,16). Cách xưng hô trong tiếng Aramäisch như thế tương đương với tiếng Hy-lạp διδάσκαλος và có nghĩa là „Thầy giáo.“ Các Môn đệ xưng hô với Đức Giêsu như thế là tỏ ý tôn kính Người và coi Người cùng cấp bậc với các Kinh Sư và các Thầy Pha-ri-sêu, những người tự coi mình là người diễn giải và cắt nghĩa Luật Mô-sê. (Mt 13,52; 23,2.7 tt.) Do cách thức cắt nghĩa luật Tora trong Sách Thánh Do-thái Tanach của Đức Giêsu hoàn toàn tương tự như cách thức của các Rabbi xưa kia sử dụng, giáo sư Pinchas Lapide (1922-1997), người Đức gốc Do-thái, đã cho rằng chắc chắn Đức Giêsu đã từng theo học tại trường Tora.(30)

Còn nghề nghiệp thì theo Phúc Âm Mác-cô 6,3 và Mát-thêu 13,55 gọi Người là „bác thợ“, tức nghề thủ công bằng chân tay của thánh Giuse, (tiếng Hy-lạp: τέκτων) và người ta thường nhầm lẫn dịch là „nghề thợ mộc.“(31) Từ τέκτων được cho là một nghề có liên quan đến những chất liệu rất cứng như gỗ hay đá, v.v…và nói chung là nghề thủ công, chứ không hẳn là nghề thợ mộc. Người ta phỏng đoán là Đức Giêsu cũng như đa số các thanh thiếu niên Do-thái đã học nghề của cha mình. Mặc dù nghề thủ công xưa kia đối với một Rabbi là một điều bình thường, Kinh Thánh Tân Ước không hề đề cập tới.(32) Sự hiểu biết về nghề thủ công của Đức Giêsu đã biểu lộ qua các dụ ngôn Người nêu lên, như trong Luca 6,47-49 và Mác-cô 12,10. Theo nhiều nhà chuyên môn khi cắt nghĩa các phát biểu của Người (như Luca 5,1-7; Gioan 21,4-6) đã cho rằng Đức Giêsu rất có thể làm nghề chăn chiên, canh nông hay chài lưới.(33)

Thành Na-da-rét nằm cách thành Sepphoris vào khoảng 7 cây số, là nơi vua Hê-rô-đê An-ti-pát đã cho xây dinh thự của ông ta và là nơi có rất nhiều đại điền chủ ở. Vì thế, Sepphoris có thể đã thu hút nhiều dân cư ở các làng kế cận đến sinh nhai kiếm sống. tuy nhiên Kinh Thánh Tân Ước không nhắc đến thành phố này và cho rằng Đức Giêsu đã không được sai đến với các dân ngoại.(34)

Lm Nguyễn Hữu Thy

(Con tiep)

__________________

Chú thích

1. Werner Foerster, Art. Ἰησοῦς, trong: ThWNT III, Stuttgart/Berlin/Köln 1990, ISBN 3-17-011204-X, trang 290.

2. Martin Karrer: Jesus Christus im Neuen Testament. Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1998, trang 46tt.

3. Eduard Lohse, Anton Vögtle: Geschichte des Urchristentums. In: Thomas Kaufmann, Raymund Kottje, Bernd Moeller, Hubert Wolf (Hrsg.): Ökumenische Kirchengeschichte 01: Von den Anfängen bis zum Mittelalter. Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Darmstadt 2006, ISBN 3-534-15804-0, trang 7.

4. Gerd Theißen, Anette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. 2001, trang 149-151; Eduard Schweizer: Jesus Christus I, ThRE, trang 710.

5. Jürgen Roloff: Jesus. 2011, S. 36; Max Küchler, Rainer Metzner: Die Prominenten im Neuen Testament: Ein prosopographischer Kommentar. 2008, trang 226; Geza Vermes: Anno Domini: Ein Who's Who zu Jesu Zeiten. 2008, trang 314.

6. Michael Wolter: Theologie und Ethos im frühen Christentum: Studien zu Jesus, Paulus und Lukas. 2009, trang 339; John Dominic Crossan: Who was Jesus? 1999, trang 18.

7. Leonard Goppelt: Zur Chronologie Jesu. In: Theologie des Neuen Testaments, Göttingen 1978, trang 71.

8. (Michael Theobald: Das Herrenmahl im Neuen Testament. In: Theologische Quartalsschrift 183/2003, trang 261: verweist u.a. auf Johannes P. Meier, Jürgen Becker, Gerd Theißen/Annette Merz, Wolfgang Schrage, Martin Dibelius.

9. Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 152 tt.

10. Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 150.

11. x. Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 158.

12. Jens Schröter: Jesus von Nazaret. Leipzig 2006, trang 72 tt.

13. Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 158 tt.

14. James F. Strange: Nazareth. ABD 4, trang 1050 tt.; Jens Schröter: Jesus von Nazaret. Leipzig 2006, trang 76; Israel News, 23. Dezember 2009: House from Jesus' time excavated.

15. x. Bruce Chilton: Jesus, le mamzer (MT 1.18). New Testament Studies, Cambridge University Press, 2001, ISSN 0028-6885, trang 222–227.

16. Gegen Celsus, griech. Κατὰ Κέλσου Kata Kelsou, lat. Contra Celsum, là một tác phẩm mang tính cách minh giáo của văn sĩ và thần học gia Kitô giáo Origenes chống lại những sách vở của triết gia ngoại giáo thời cổ đại là Celsus, gồm tám cuốn, được biện soạn vào năm 248.

17. Peter Schäfer: Jesus im Talmud. Mohr/Siebeck, Tübingen 2007, ISBN 978-3-16-149462-8, trang 37-39.

18. Walter Gerwing: Die Gottesherrschaftsbewegung Jesu. Lit Verlag, 2002, ISBN 3-8258-6299-2, trang 22; Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 200, trang 183tt.

19. x. Lorenz Oberlinner: Historische Überlieferung und christologische Aussage. Zur Frage der 'Brüder Jesu' in der Synopse. Stuttgart 1975; zurückgewiesen von Rudolf Pesch: Das Markusevangelium Band 1, HThK NT II/1, Herder, Freiburg u.a. 1976, trang 323; Joachim Gnilka: Das Evangelium nach Markus, Evangelisch-Katholischer Kommentar zum Neuen Testament II/1, Neuenkirchener Verlag, Neukirchen-Vluyn 1978, ISBN 3-7887-0576-0, trang 234.

20. Harry Jungbauer: „Ehre Vater und Mutter“, Der Weg des Elterngebots in der biblischen Tradition. Mohr/Siebeck, Tübingen 2002, trang 80 tt.; Cornelis Houtman: Das Bundesbuch: ein Kommentar, Brill, Leiden 1997, trang 131 tt.

21. Rudolf Pesch: Das Markusevangelium. Bd. 1, HThK NT II/1, Herder, Freiburg 1976, trang 223.

22. Joachim Gnilka: Das Matthäusevangelium. HThK NT I/1, Herder, Freiburg 1986, trang 396.

23. Rudolf Pesch: Das Markusevangelium. Band 1, trang 374 tt.

24. Hans Conzelmann: Geschichte des Urchristentums. Göttingen 1978, trang 150.

25. Guido Baltes: Hebräisches Evangelium und synoptische Überlieferung: Untersuchungen zum hebräischen Hintergrund der Evangelien. Mohr/Siebeck, Tübingen 2011, ISBN 3-16-150953-6, trang 35.

26. Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 318 tt.

27. x. Rainer Riesner: Jesus als Lehrer: eine Untersuchung zum Ursprung der Evangelien-Überlieferung. (1981) Mohr/Siebeck, Tübingen 2005, ISBN 3-16-146119-3, trang 206tt.

28. x. Gerd Theißen/Anette Merz: Der historische Jesus, 4. Auflage 2001, trang 162.

29. Jens Schröter: Jesus von Nazaret. Leipzig 2006, trang 77, Anmerkung 82.

30. Pinchas Lapide: Er predigte in ihren Synagogen. Jüdische Evangelienauslegung. Gütersloher Verlagshaus 1980, ISBN 3-579-01400-5.

31. Menge-Gütling: Griechisch-deutsches Wörterbuch. Langenscheidt, München 2001, ISBN 3-468-02030-9.

32. Michael Schäfers: Prophetische Kraft der kirchlichen Soziallehre? Armut, Arbeit, Eigentum und Wirtschaftskritik. Münster 1998, trang 87 tt.

33. James H. Charlesworth: The historical Jesus. An essential guide. Nashville 2008, trang 69–71.

34. Wolfgang Stegemann: Jesus und seine Zeit. Stuttgart 2010, S. 249; Gerd Theißen, Annette Merz: Der Historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 159.