KHÁNH THÀNH HỌC VIỆN TRIẾT HỌC (23/4/2015)

Bài giảng:

Khánh thành Học viện Triết học Durando làm tôi nhớ đến một câu chuyện ! Có một ông triết gia kia luôn tự hào về kiến thức triết học của mình, một hôm đi đò qua sông, ông hỏi anh lái đò: “Anh có biết Triết học không ?”. Anh lái đò trả lời: “Thưa ông, không !”. Triết gia nói: “Anh không biết Triết học là mất nửa đời anh rồi !”. Đò qua đến giữa sông thì sóng gió nổi lên, chiếc thuyền lật úp. Hai người vùng vẫy dưới nước. Anh lái đò hỏi nhà triết học: “Ông có biết bơi không ?”. Ông đáp: “Không !”. Anh lái đò nói: “Vậy là ông mất cả đời ông rồi !”

Hình ảnh

Nếu Triết học không cần thiết cho các ứng sinh linh mục thì đã không có Học viện Triết học Durando ! Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, đã viết: “Giáo Hội phải hết lòng trân trọng những nỗ lực của lý trí nhằm đạt tới những mục tiêu làm cho nhân sinh ngày càng nên xứng đáng hơn. Giáo Hội nhận thấy nơi Triết học một phương cách nhận biết những chân lý nền tảng liên quan đến cuộc sống của con người. Đồng thời, Giáo Hội coi Triết học như một trợ lực không thể thiếu để thấu hiểu đức tin và để truyền thông chân lý Tin Mừng cho những ai chưa biết đến” (Thông điệp Đức tin và lý trí, 14/9/1998, số 5).

Như thế, Triết học giúp thấu hiểu đức tin và loan báo Tin Mừng. Ông triết gia có lý khi nói: “Không biết Triết học là mất nửa đời rồi”. Nhưng, nhà triết học đó không biết bơi, nên “mất cả đời”, nghĩa là chết !

Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng (Ga 6,44-51), khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi:ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời”.

Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, là Tình Yêu Nhập thể. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Như thế, con người cần phải biết bơi trong đại dương tình yêu của Thiên Chúa, như cá cần nước, như con người cần cơm bánh. Chính Chúa Giêsu ví mình như bánh cần cho sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của Bánh Hằng sống, là chính Mình và Máu Chúa Giêsu ngự trong hình bánh rượu.

Con người cần ăn để sống, nhưng ăn mà không tiêu cũng chết ! Vì thế, có thể nói tiêu hóa quan trọng hơn ăn ! Chúng ta thường xuyên được “ăn thịt và uống máu” Chúa. Nhưng có khi không “tiêu hóa”, bằng chứng là không biết yêu như Chúa yêu !

Do đó, các thầy Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn chẳng những quan tâm đến việc học Triết mà còn quan tâm đến việc sống bác ái theo gương Thánh Vinh Sơn là Đấng đã noi gương Chúa Giêsu. Thánh Durando, bổn mạng của Học viện Triết học, trong giảng dạy, luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và cổ võ việc giúp đỡ những người nghèo khổ.

Chiều ngày 11 tháng 4 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Trọng sắc ấn định Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa. Năm Thánh bắt đầu từ Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2015 và kết thúc vào Lễ Chúa Kitô Vua 20/11/2016. Trọng sắc dài 28 trang, có nhan đề “Misericordiae Vultus” (Dung mạo Lòng Thương xót) mở đầu với lời tuyên xưng: “Chúa Giêsu là Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Những lời này cũng có thể tóm lược mầu nhiệm đức tin Kitô giáo”. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha nói rằng Năm Thánh nhằm giúp chúng ta “sống lòng thương xót trong cuộc sống hằng ngày”, lòng thương xót mà Thiên Chúa “không ngừng tuôn đổ trên tất cả chúng ta”.

Năm Lòng Chúa Thương Xót được bắt đầu từ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vừa để mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm vừa kỷ niệm 50 năm ngày bế mạc Công đồng Vatican II, một Công đồng đã kêu gọi Giáo Hội loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng những cách thức mới, đem lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha xác tín rằng toàn thể Giáo Hội sẽ tìm được trong Năm Thánh này niềm vui để tái khám phá Lòng Thương Chúa và làm cho Lòng Thương Chúa thêm phong phú. Qua đó, tất cả được kêu gọi mang lại niềm an ủi và tình thương cho mọi người trong thời đại chúng ta. ĐTC đã lưu ý rằng: Kitô hữu là người cảm nghiệm được lòng từ bi, thương xót của Thiên Chúa, để trở nên giống Thiên Chúa. ĐTC giải thích: Thánh Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho ông, nhưng rồi sau này ông mới hiểu rằng: chỉ có người nào để cho Chúa Kitô rửa chân trước thì mới biết rửa chân cho nhau; nghĩa là, chỉ người nào biết để cho Chúa yêu, biết bơi trong tình yêu của Chúa, thì mới biết yêu tha nhân.

Nguyện xin Chân phước Marco Antonio Durando, bổn mạng của Học viện Triết học được khánh thành một phần hôm nay, bầu cử cùng Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn biết cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa để có thể biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, theo gương Đức Giêsu Kitô mà Thánh Vinh Sơn đã thể hiện, một mẫu gương đã thúc đẩy Chân phước Marco Antonio Durando và vẫn đang thúc đẩy mọi người chúng ta, cách riêng những con cái của thánh Vinh Sơn, dấn thân cho người nghèo khổ, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Catherine Labouré, một Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn, xin ầu cho chúng con.