VII. Giáo Hội được cân đo bằng lòng thương xót (tiếp theo)

3. Thống Hối: Bí Tích Thương Xót

Sứ điệp của Tin Mừng thương xót là sứ điệp trung tâm. Tuy nhiên, nơi Chúa Giêsu Kitô, lời đã thành xác thịt (Ga 1:14); do đó, lời của Giáo Hội cũng mang lấy hình thù cụ thể trong các bí tích (15). Mọi bí tích đều là bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa. Bí tích khai tâm, phép rửa, tháp nhập người được rửa tội vào hiệp thông Giáo Hội, vốn là một cộng đồng sự sống và yêu thương. Vì phép rửa tha thứ tội lỗi (Cv 2:38; 1Cr 6:11; Ep 1:7; Cl 1:14), nên nó là bí tích của lòng Chúa thương xót. Điều này cũng đúng đối với bí tích xức dầu bệnh nhân (Gc 5:15). Trong bí tích Thánh Thể, sức mạnh tha thứ tội lỗi của Máu Thánh Chúa, từng đổ ra trên thập giá, lại hiện diện trở lại mỗi lần cử hành (Mt 26:23). Như thế, việc cử hành Thánh Thể có sức mạnh tha thứ các tội lỗi hàng ngày của chúng ta. Theo phát biểu nổi tiếng của Thánh Augustinô, nó là bí tích của hợp nhất và yêu thương (16) nối kết chúng ta vào sự hợp nhất trong và với Chúa Giêsu Kitô và với nhau, và qua sự hợp nhất này, chúng ta được sai vào thế gian để phục vụ tình yêu và lòng thương xót (17).

Từ rất sớm, Giáo Hội vốn biết rằng các Kitô hữu, từng trở thành các tạo vật mới nhờ phép rửa (2Cr 5:17; Gl 6:15), đã sa ngã trở lại với lối sống và các thói hư của thế giới trước đó. Trong Giáo Hội sơ khai, đã có cuộc tranh luận gắt gao về việc liệu các người này có được hưởng hành vi thống hối lần thứ hai không sau khi đã sa ngã như thế. Lời lẽ của Chúa Giêsu rằng Giáo Hội được ban trọn quyền buộc và tha (Mt 16:19; 18:18) cho thấy câu trả lời là tích cực. Trong Tin Mừng Gioan, thẩm quyền này được giải thích là quyền tha hay không tha tội lỗi (Ga 20:22tt). Thẩm quyền này là hồng ân Phục Sinh mà Chúa Sống Lại ban cho các môn đệ của Người. Dựa trên nền tảng này, Giáo Hội sơ khai đã khai triển một thực hành thống hối với bí tích hòa giải. Giáo Hội này hiểu thực hành thống hối này như mảnh ván cứu vớt thứ hai sau cơn đắm tầu tội lỗi (18) và như phép rửa đầy cheo leo lần thứ hai, không phải bằng nước mà bằng nước mắt (19). Do đó, bí tích thống hối đúng là bí tích của lòng Chúa thương xót, Đấng không ngừng tha thứ chúng ta hết lần này tới lần khác và liên tiếp ban cho chúng ta cơ hội mới và một bắt đầu mới (20).

Trong suốt nhiều thế kỷ, bí tích này đã kinh qua nhiều thay đổi, mà chúng ta không thể thảo luận ở đây (21). Như quá trình thay đổi của nó cho thấy, bí tích hòa giải đã được tiến dẫn bằng những lời lẽ ấm áp nhất bởi nhiều vị đại thánh như Catarina thành Sienna, Alphôngsô thành Liguori, Cha Xứ Ars, Cha Piô, Faustina và nhiều vị khác. Giáo huấn và các mục tử của Giáo Hội cũng nhiệt thành tiến dẫn bí tích này (22). Một thực hành lâu đời, lại được Giáo Hội liên tiếp tiến dẫn như thế không thể là một khai triển không được ưa thích, đúng hơn, nó hẳn phải có ích lợi lớn lao đối với việc phát triển đời sống thiêng liêng.

Karl Rahner, người rất quan tâm tới lịch sử và thần học của bí tích hòa giải, đã viết một tiểu luận gây ấn tượng về thực hành hoà giải và ý nghĩa của việc năng xưng tội (23). Người ta không nên giải thích ý nghĩa của nó chỉ theo hay chủ yếu theo viễn tượng hướng dẫn thiêng liêng hay đào luyện lương tâm, một điều có thể có được ở bên ngoài việc xưng tội và là những điều đáng ca ngợi. Cũng còn nhiều phương thế khác, nhất là Phép Thánh Thể, giúp nhận được sức mạnh để đương đầu với các thách đố hàng ngày. Hơn nữa, bí tích hòa giải là biểu hiện chân chính và chủ yếu của đời sống Giáo Hội. Vì các tội lỗi thế trần vẫn là những vết nhơ và vết nhăn trên gương mặt nàng dâu của Chúa Kitô làm nó giảm lực chiếu sáng của nó, và, nói chung, đè nặng lên đời sống Giáo Hội. Vì thế, mỗi lần xưng tội cũng là một hành vi hữu hình quay hướng về thân thể hữu hình của Chúa Kitô, tức Giáo Hội.

Hiện nay, người ta phải nói đến cuộc khủng hoảng trầm trọng liên quan tới bí tích này. Trong phần lớn các giáo xứ, bí tích này ít còn được lui tới và nhiều Kitô hữu, ngay cả những người tham dự Thánh Thể Chúa Nhật thường xuyên, cũng chỉ tham dự bí tích này mà không thực hành bí tích hòa giải. Sự kiện này là vết thương sâu xa của Giáo Hội hiện nay; đây hẳn phải là một cơ hội để ta nghiêm chỉnh xem xét lương tâm bản thân và lương tâm mục vụ của ta. Vì tương lai Giáo Hội, điều chủ yếu là phải tiến tới một trật tự thống hối có sinh khí và canh tân bí tích hòa giải.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này khá đa dạng. Nhiều người không còn cảm nghiệm bí tích hòa giải như một hồng ân giải thoát của Phục Sinh nữa. Ngược lại, nó thường bị hiểu là dụng cụ kiểm soát cưỡng bức nhằm qui định lương tâm người ta và tước đoạt quyền của họ được đưa ra quyết định riêng. Đối với một số người có tuổi hơn, nhiều cảm nghiệm hoàn toàn có tính chấn thương đã được nối kết với bí tích hòa giải. Nhưng phần lớn người trưởng thành hiện nay biết các cảm nghiệm tiêu cực này qua tin đồn. Trong khi thế hệ có tuổi hơn dè dặt vì họ có các cảm nghiệm xấu, thì ngày nay, thế hệ Kitô hữu trẻ hơn dè dặt vì họ tuyệt đối không có những cảm nghiệm cần phải xưng tội. Thêm nữa, nhiều người hiện nay có ảo tưởng gần như bệnh hoạn về sự trong trắng vô tội (24). Chỉ những người khác hay “hệ thống” là có tội mà thôi. Cả một bộ máy giải tội khổng lồ đang vận hành mà kết cục là nghi vấn chính trách nhiệm bản thân và do đó, nhân phẩm. Trong khi đó, dường như một trang mới hướng tới điều tốt hơn đang từ từ được lật qua. Đặc biệt tại các địa điểm hành hương, các trung tâm linh hướng, và các đại hội giới trẻ thế giới, bí tích hòa giải đang được nhiều người tìm đến và cảm nghiệm trở lại như một hồng phúc ơn thánh.

Bí tích hòa giải là nơi trú ẩn thực sự của những người có tội vốn là tất cả chúng ta. Ở đây, các gánh nặng ta mang theo mình được tháo gỡ. Không nơi nào khác ta gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa một cách tức khắc, trực tiếp và cụ thể như khi ta nghe được những lời này nhân danh Chúa Giêsu “tội lỗi của con đã được tha!”. Chắc chắn không ai thấy việc khiêm nhường xưng thú tội lỗi mình và thường cứ phải xưng đi xưng lại cùng một thứ tội là điều dễ dàng. Nhưng những ai làm việc này và được ngỏ lời rằng “Cha tha tội cho con” không phải một cách chung chung đại khái hay vô danh lạnh lùng, mà rất cụ thể và có tính bản vị, đều nếm được sự tự do nội tâm, bình an trong tâm hồn và niềm vui mà bí tích này vốn đem lại. Khi Chúa Giêsu nói tới niềm vui trên thiên đàng trước sự ăn năn của một người tội lỗi (Lc 15:7, 10), thì bất cứ ai lãnh nhận bí tích này đều cảm nghiệm được điều này: niềm vui này không những chỉ ở trên thiên đàng mà còn vang vọng trong cả trái tim của họ nữa. Do đó, điều cần thiết là phải tái khám phá bí tích này. Điều này đặc biệt đúng đối với các linh mục. Vì việc ủy quyền tha tội là một việc ủy quyền được Chúa sống lại ban cho các tông đồ. Do đó, bổn phận của mọi linh mục là sẵn sàng ban phát bí tích này, nó cũng là một việc thương xót đối với các ngài.

Chắc chắn, có nhiều hình thức thống hối: cầu nguyện, việc thương xót, sửa trị theo tình huynh đệ, tự ý ăn chay, và các hình thức khác. Mọi cử hành Thánh Thể đều bắt đầu bằng một hành vi thống hối và lời kinh xoá tội có tính cầu bầu. Tất cả các hình thức thống hối này đều có giá trị và ý nghĩa của chúng; chúng phải chuẩn bị cho bí tích hòa giải, đồng hành với nó, và thoi dõi nó, nhưng chúng không có ý định thay thế bí tích hòa giải, mà chúng cũng không thể thay thế được bí tích này. Việc linh hướng và huấn đạo tâm lý cũng có giá trị của chúng, nhưng chúng vẫn không thể thay thế được bí tích hòa giải. Các huấn đạo viên cũng như các nhà tâm lý học có thể giúp ta hiểu ta và hiểu các tình huống rối rắm của ta một cách tốt đẹp hơn; họ có thể giúp ta chỉnh đốn lại những gì không ngay ngắn trong cuộc sống ta, biết chấp nhận mình và người khác, và họ có thể cho ta các lời khuyên tốt đối với các tình uống này. Là các mục tử, ta thường phải kêu gọi tới khả năng chuyên nghiệp và kinh nghiệm nhân bản của họ. Nhưng không một nhà tâm lý hay một huấn đạo viên nào có thể nói: “các tội lỗi của con đã được tha” hay “hãy đi bình yên”.

Ngày nay cũng như ngày xưa, bí tích này tương ứng với một nhu cầu sâu xa và nó vẫn còn có tính liên quan của nó. Nó là một việc thương xót cả đối với cá nhân lẫn đối với cộng đồng Giáo Hội. Nó có thể giúp để ta thắng vượt sự gây hấn và tạo phe tạo phái trong Giáo Hội; nó có thể trợ giúp trong việc đem lại cho đức khiêm nhường Kitô Giáo một sức sống mới, thiết lập ra nhiều cách đối xử đầy lòng thương xót với nhau hơn trong Giáo Hội và do đó, giúp Giáo Hội trở nên thương xót hơn.

Kỳ sau: 4. Thực hành của Giáo Hội và nền văn hóa thương xót
______________________________________________________________________________________________________________
(15) Đã dẫn,170-72.
(16) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 26, 6, 13; Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. III, q.73, a.6. Xem Sacrosanctum Concilium, 47; Lumen Gentium, 3,7,11 và 26.
(17) Walter Kasper, Die Liturgie der Kirche (Freiburg i.Br.: Herder, 2010), 70-74.
(18) Hugo Rhaner, “Der Schiibruch und die Planke des Heils”, trong Symbole der Kirche: Die Ekklesiologie der Väter (Salzburg: Müller, 1964), 432-72.
(19) Thánh Grêgôriô thành Nazianzô, Oratio 39, 17. Xem Heinrich Denzinger, Enchiridion Symbolorum: Definitionum et declarationum de rebus fidei et morum (Freiburg i. Br.: Herder, 1963), 1672.
(20) xem các tiểu luận về thống hối trong: Kasper, Die Liturgie der Kirche, 337-422.
(21) Về chủ đề này, xem nghiên cứu của Bernhard Poschmann, Karl Rahner và Herbert Vorgrimler…
(22) Công Đồng Trent, trong Denzinger, Enchiridion, 1680 và 1707; ngược với Thượng Hội Đồng Pistoia, 2639. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliation and Penance (1984).
(23) Karl Rahner, “The Meaning of Frequent Confession of Devotion” trong Theological Investigations vol. 3, bản dịch của Karl-H. và Boniface Kruger (Baltimore: Helicon, 1967), 177-89.
(24) Johann Baptist Metz, trong bản dự thảo quyết định của Thượng Hội Đồng tòan thể các giám mục Đức, chủ yếu do ngài viết: Unsere Hoffnung: Ein Bekenntnis zum Glauben in dieser Zeit: Ein Beschluss der Gemeinsamen Synode der Bistümer in der Bundesrepublik Deutschland (Bonn: Sekretär der Gemeinsamen Synode der Bistümer in der Bundesrepublik Deutschland, 1976), 93-95.