Suy Niệm LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Ngày 14/9

Đau khổ hay Thập giá là một sự thật luôn theo đuổi con người dưới nhiều hình thức khác nhau. Đau khổ do bệnh tật; đau khổ do sự nghèo đói; đau khổ do những thất bại trong cuộc sống ; đau khổ do sự bách hại vì đạo; đau khổ do chiến tranh, mất mùa, lụt bão; đau khổ do sự chia ly; đau khổ do sự hiểu nhầm nhau...Đau khổ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do tội nguyên tổi; do con người gây nên cho mình; do con người gây nên cho nhau; do vũ trụ bất toàn; do Thiên Chúa gửi đến để thử thách và thanh luyện con người.

Khi đối diện với đau khổ, có nhiều thái độ khác nhau:

Thứ nhất, có những người đón nhận đau khổ một cách tự nguyện. Đó là thái độ của Đức Giêsu. Ngài chấp nhận đau khổ để vâng lời Thiên Chúa Cha và để cứu độ nhân loại. Thật thế, Ngài sinh ra trong cảnh thiếu thốn, sống trong một gia đình nghèo đói, đi rao giảng Tin mừng trong sự thiếu thốn, bị nhiều người chống đối, bị bỏ vạ, bị cáo gian, bị coi như là một tội nhân. Cuối cùng, Ngài bị bắt, bị đánh đập, chịu vác thập giá và đóng đinh trên thập giá như một tội nhân. Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Nhờ thế, “Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang” (Pl 2,9-11). Như vậy, Đức Giêsu đã biến đau khổ thành nguồn ơn cứu chuộc, đã biến Thập giá thành Thánh giá. Từ đó tới nay, biết bao nhiêu người cũng đón nhận thập giá như Đức Giêsu. Đó là trường hợp của các Thánh Tử Đạo, đón nhận thập giá một cách tự nguyện vì yêu mến Chúa, chấp nhận thập giá để trung thành với Chúa. Đó là những người cha người mẹ đã chấp nhận thập giá vì yêu thương con cái. Đó là những người chồng, người vợ sẵn sàng chấp nhận thập giá vì yêu thương nhau. Đó là những người tự nguyện chấp nhận thập giá, kể cả cái chết vì yêu thương tha nhân, như trường hợp của Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941), đã chết thay cho một tử tù vì anh ta còn vợ trẻ con thơ. Đó là những người chấp nhận hy sinh cả cuộc đời vì những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi trong xã hội như gương của Mẹ Thánh Têrêxa Calculta.

Thứ hai, có những người đón nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của mình. Đó là thái độ của kẻ trộm lành: theo Phúc Âm, Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá với hai kẻ trộm: một người bên phải và một người bên tả. Người bên phải được gọi là kẻ trộm lành. Bởi vì, ông đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và ông cũng nhận ra tội lỗi của mình. Ông đã vui lòng chấp nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của ông. Trong lịch sử Giáo Hội, biết bao nhiêu người cũng đã chấp nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của mình. Chúng ta cũng có thể hy sinh hãm mình, ăn chay cầu nguyện, làm việc bác ái...để đền bù tội lỗi của chúng ta.

Thứ ba, có những người đứng trước đau khổ thì phàn nàn kêu trách Chúa và tha nhân. Đó là thái độ của kẻ trộm bị đóng đinh bên tả Đức Giêsu. Ông không chấp nhận đau khổ. Ông phàn nàn kêu trách Chúa và oán trách mọi người. Đó cũng là thái độ của rất nhiều người trong chúng ta, nhất là những người không có niềm tin. Họ không chấp nhận đau khổ. Họ oán trách Trời. Họ oán trách người. Họ chán nản, thất vọng. Vì vậy, họ thường tìm đến cái chết như là con đường để giải thoát đau khổ.

Chúng ta thì sao? Chúng ta không thể trốn tránh đau khổ. Vì, đau khổ như là một thành phần của cuộc sống. Chỉ còn cách là chúng ta phải đón nhận đau khổ. Nhưng chúng ta phải đón nhận với thái độ như thế nào? Đón nhận đau khổ vì lòng mến Chúa; đón nhận đau khổ vì yêu mến tha nhân; đón nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Ông Gióp nói: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?”(Gb 2,10). Hơn nữa, chấp nhận đau khổ, vác thập giá là điều kiện để theo Đức Giêsu. Chính Ngài đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9,23).

Nói thì dễ, nhưng để chấp nhận và vượt qua đau khổ không dễ chút nào, nhất là những đau khổ đó lại do chính người thân gây ra, những đau khổ kéo dài trong cuộc sống của chúng ta. Nên chấp nhận và vượt qua đau khổ, chúng ta cần phải cố gắng, cần phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức, cần phải noi gương các Thánh Tử Đạo, cần phải suy ngắm Thánh Giá Chúa mỗi ngày.

Lần kia, tôi đi xức dầu cho một bệnh nhân. Đó là một cụ bà 80 tuổi, bị bệnh bất toại đã gần 9 năm nay. Mặc dầu mang chứng bệnh nan y, nhưng tôi thấy gương mặt cụ rất bình thản. Sau khi lãnh nhận các Bí tích, cụ cầm lấy cây Thánh Giá ở đầu giường và nói với tôi: “Xin Cha cầu nguyện cho con để con tiếp tục có sức chịu đựng và vượt qua đau khổ để trung thành với Chúa cho đến chết. Trong suốt thời gian gần 9 năm qua, bệnh tật làm con đau đớn lắm, nhưng nhờ suy ngắm sự đau khổ của Đức Giêsu trên cây Thánh giá này mà con có sức để vượt qua những đau khổ đó.”

Chúng ta hãy noi gương bà cụ trong câu chuyện trên đây, luôn suy ngắm Thánh Giá Chúa để có động lực giúp chúng ta chấp nhận và vượt qua những đau khổ trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không từ chối thập giá, nhưng đã biến thập giá thành nguồn ơn cứu độ nhân loại. Xin cho mỗi người chúng con biết đón nhận thập giá trong cuộc sống để nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành