Chúa Nhật, ngày 25 tháng Chín này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cùng các giáo lý viên khắp thế giới cử hành Năm Thánh dành cho Các Giáo Lý Viên, một biến cố sẽ được Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa tổ chức.

Thực ra, chương trình bao gồm nhiều ngày, được chi tiết hóa như sau:

Thứ Sáu, 23 tháng Chín, 2016, từ 18 giờ 00 tới 19 giờ 00

Dẫn nhập vào Năm Thánh: “Hãy Chiêm Ngưỡng Lòng Thương Xót”, suy niệm về chủ đề Miserando atque eligendo (Thương Xót và Tuyển Chọn) trong họa phẩm “Kêu Gọi Thánh Mátthêu” của danh họa Caravaggio (Contarell Chapeli, Nhà Thờ San Luigi dei Francesi), dành cho các nhóm ngôn ngữ tại các nhà thờ sau đây:

– Nhà Thờ San Luigi dei Francesi (tiếng Bồ Đào Nha), Piazza di S. Luigi de’Francesi
– Nhà Thờ Santa Maria sopra Minerva (tiếng Pháp), Piazza della Minerva, 42
– Vương Cung Thánh Đường San Giovanni Battista dei Fiorentini (tiếng Tây Ban Nha) Piazza dell’Oro, 1
– Vương Cung Thánh Đường Sant’ Eustachio (tiếng Anh), Piazza S. Eustachio, 82

Buổi suy niệm bằng tiếng Ý sẽ diễn ra hôm Thứ Bẩy, 24 tháng Chín, lúc 16 giờ 00 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

* Vào Thứ Sáu và Thứ Bẩy, Nhà Thờ San Luigi sẽ mở cửa thêm, từ 20 giờ 30 tới 22 giờ 00 để các giáo lý viên hành hương có thể chiêm ngưỡng Bức Danh Họa của Caravaggio.

Thứ Bẩy, 24 Tháng Chín, 2016, từ 9 giờ 00 tới 14 giờ 00

Tại các Nhà Thờ Năm Thánh:

-- S. Salvatore in Lauro, Piazza di San Salvatore in Lauro, 15
-- S. Maria in Vallicella (Chiesa Nuova), Piazza della Chiesa Nuova
-- S. Giovanni Battista dei Fiorentini, Piazza dell’Oro, 1

Chầu Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải:

Từ 9 giờ 00 sáng: Hành hương qua Cửa Thánh. Có thể suy niệm về đề tài: “Theo Chân Các Thánh và Các Chân Phúc dạy Giáo Lý”

18 giờ 00: Kinh chiều và các chứng từ ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Chúa Nhật, 25 tháng Chín, 2016: 10 giờ 30

Thánh Lễ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô.

Hãy Thương Xót Như Chúa Cha

Để mừng ngày trên, trang mạng của Tổng Giáo Phận Kota Kinabalu, Mã Lai, có bài chia sẻ sau đây:

Chủ đề của Chúa Nhật Giáo Lý năm nay, Hãy Thương Xót Như Chúa Cha, vừa là một lý tưởng vừa là một huấn giáo. Bản dịch cũ của lời nguyện Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên cho thấy lý tưởng này đòi phải vượt quá con người của ta.

“Lạy Chúa Cha toàn năng, tình yêu Chúa ban luôn vượt quá biểu thức sâu xa nhất của khát vọng nhân bản chúng con, vì Chúa vĩ đại hơn trái tim con người. Xin Chúa hướng dẫn tư tưởng, mọi cố gắng của đời sống chúng con, để các lỗi lầm và yếu đuối của chúng con không che khuất việc chúng con nhìn thấy vinh quang Chúa hoặc khiến chúng con không được hưởng sự bình an mà Chúa đã hứa ban cho chúng con”.

Thứ nhất, Thánh Kinh cho chúng ta rất nhiều điển hình về lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, nghĩa là các lý tưởng ta cần noi theo. Theo môt số học giả, Dụ Ngôn Người Con Trai Hoang Đàng nên được gọi là Dụ Ngôn Người Cha Hoang Đàng để nhấn mạnh tới phẩm tính lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót luôn vuợt quá các chờ mong của ta. Lời nguyện trên, vừa là một lời mời vừa là một mệnh lệnh, vừa là một lời kêu gọi vừa là một lệnh truyền, linh hứng một đáp ứng vô giới hạn mà Thiên Chúa vốn mời gọi ta hướng tới.
Thứ hai, lý tưởng này, lời mời hay lời kêu gọi này, được định vị ngay trong tính thế trần của sự sống và các mối liên hệ. Nó không nằm ngoài một bối cảnh vì thương xót như Chúa Cha nghĩa là thương xót người khác.

Giờ đây, nếu coi nó như một lệnh truyền hay một lời giáo huấn, là ta đã làm đúng. Mọi Nhà Thờ ta bước vào, ta đều nhìn thấy huy hiệu của Năm Thương Xót trên các biểu ngữ, trên các bức tường hay trên các tấm thẻ cầu nguyện v.v… Hàng đoàn xe buýt chở khách hành hương đổ về các nhà thờ được chỉ định có Cửa Thương Xót. Căn cứ vào những gì chúng ta đang làm, quả tình có dư bằng chứng cho thấy đây đúng là Năm Thương Xót. Là một xã hội bị thúc đẩy bởi chỉ số hiệu xuất chủ yếu (PKPI=key performance indicator) và chứng minh kết quả, ta thường có khuynh hướng ấn định ra các tiêu chuẩn để đo lường việc mình đã thực hiện được lý tưởng này đến đâu.

Thực vậy, câu hỏi đặt ra là ta phải đo lường lòng thương xót của ta bằng cách nào? Khi muốn thương xót như Chúa Cha thương xót chúng ta, có lẽ ta nên thương xót Chúa Cha. Thoạt nhìn, điều này không thể nào có được vì Lời Nguyện Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên cho thấy tình yêu của Thiên Chúa luôn vượt quá biểu thức sâu xa nhất của khát vọng con người. Ta không bao giờ có thể làm hơn Thiên Chúa. Nhưng, lời mời gọi này muốn chúng ta vượt quá những gì chúng ta từng đặt làm thước đo bề ngoài. Tắt một lời, ngôn ngữ thương xót phải từ đầu bước xuống tim. Thước đo lòng thương xót không phải là cái đầu mà là con tim.

Tim nói thứ ngôn ngữ “hoang đàng” trong khi đầu bị giới hạn bởi ngôn ngữ thận trọng. Ta hãy nghĩ tới người đàn bà tội lỗi với bình dầu thơm. Sự “hoang đàng” của nàng đối với Thiên Chúa vừa là lời thừa nhận Thiên Chúa là ai, vừa là lời phát biểu sự đáp ứng của nàng. Giuđa, trái lại, hình như có thiện ý nhưng tình yêu của hắn là tình yêu tính toán.

Tinh thần tính toán đi ngược lại sự “hoang đàng” mà Thiên Chúa muốn mời gọi ta bước vào. Phản chiếu hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, sự “hoang đàng” này là bản đại hòa tấu của một con tim đại lượng. Các Nhà Thờ Chính Tòa vĩ đại của Âu Châu là chứng từ của thứ đại lượng này và cũng là tiêu chí cho thấy ta thừa nhận không những luật Thiên Chúa hay sự tối thượng của Người nhưng còn điều này nữa: ta có thể phản chiếu lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa. Cũng người đàn bà từng đập bể bình dầu thơm đắt tiền để xức đôi chân Chúa Kitô đã tuôn đổ nước mắt của mình trên đôi chân này và lau khô chúng bằng tóc của mình. Nghĩa cử vĩ đại của trái tim nàng nói lên niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Không như Giuđa với một tình yêu giới hạn dành cho Thiên Chúa cho thấy một viễn kiến hẹp hòi chỉ dừng lại ở việc chu toàn bổn phận.

Ở các lớp giáo lý, các trẻ em của ta thường được dạy rằng Thánh Thể là Nguồn Suối và là Đỉnh Cao của đời sống Kitô hữu. Nhưng trong thực hành, Chúa Nhật chủ yếu bị rút gọn thành ngày thi hành bổn phận, bất kể nó thánh thiêng ra sao, một hành vi chỉ cho thấy thái độ của Giuđa. Khi Giuđa âm mưu để Chúa Giêsu bị bắt, hắn niêm phong việc này bằng một nụ hôn. Như thể, nụ hôn là chuyện phải làm để hành vi phản bội diễn ra và hoàn tất cho xong. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Nhật (và do đó, lớp giáo lý Chúa Nhật) cũng là một bổn phận cần phải làm và làm cho xong. Thứ “bổn phận” này dễ đi vào các hành động khác xiết bao, như yêu gia đình, yêu người lân cận và yêu quê hương xứ sở!

Thước đo tình yêu của ta dành cho Thiên Chúa phải là thước đo tình yêu của ta dành cho nhau. Chứ không phải tình yêu hay sự tha thứ người khác của ta là thước đo tình yêu của ta dành cho Thiên Chúa. Bởi đó, làm việc tốt không phải là tiêu chí cho thấy ta có lòng thương xót và ở đây, người Biệt Phái bỗng xuất hiện trong tâm trí ta vì mối nguy của lòng đạo “có tổ chức” của họ là: thoải mái ép buộc người khác thực hành các tập tục tôn giáo bề ngoài, như thể, bằng cách ăn chay, bố thí, hay như trường hợp của ta, trưng bầy huy hiệu thương xót khắp nơi, in ấn các tờ rời, tổ chức các cuộc hành hương… là ta đã thương xót như Chúa Cha. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy: mối liên hệ đúng đắn của Người với Chúa Cha là tiêu chuẩn của mối liên hệ của Người với mọi người và từng người. Gương sáng của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu của ta với Thiên Chúa càng sâu sắc, thì tình yêu của ta với thế giới của Người cũng càng sâu sắc như thế. Có một thế tương liên giữa một tình yêu Thiên Chúa sâu sắc và các hành vi thương xót và cũng có một sợi dây liên kết tương ứng giữa một tình yêu vâng phục Thiên Chúa và việc thực hành các bổn phận cần thiết.

Con đường tiến tới sự “hoang đàng” thương xót đòi ta phải giải thoát mối tương quan của ta với Thiên Chúa khỏi sự kềm kẹp của “bổn phận”. Nếu, giống như người con cả, ta trung thành thi hành mệnh lệnh của Đức Giáo Hoàng bằng cách tổ chức Năm Thương Xót, thì ta cũng hãy thừa nhận điều này: ta cần làm nhiều hơn thế. Trong bối cảnh Chúa Nhật Giáo Lý, nền giáo lý ta muốn đem lại cho các trẻ em của chúng ta không nên chỉ giới hạn ở bổn phận phải đào luyện các em trong chân lý đức tin mà thôi, nghĩa vụ của ta còn phải lên khuôn con tim các em nữa. Công trình rao giảng tin mừng của Giáo Hội có thể được gợi hứng bởi những viễn kiến vĩ đại của trí hiểu nhưng sự thành công của công trình này nằm ở một trái tim đam mê và can đảm. Do đó, giáo lý không phải chỉ là schola intellectus (trường dạy trí hiểu) mà còn là schola affectus (trường dạy tâm cảm). Thách đố không nằm ở bình diện “làm việc của mình” mà được khích lệ vượt quá việc chỉ dạy các sự kiện và thừa nhận nhu cầu đào tạo trái tim. Không có một con tim hồi tâm, giáo lý không tiến xa bao nhiêu.

Cuối cùng, Meister Eckhart, nhà huyền học Dòng Đa Minh, vốn nhắc nhở ta rằng “Bạn có thể gọi Thiên Chúa là tình yêu, bạn có thể gọi Thiên Chúa là sự thiện, nhưng tên đẹp nhất của Thiên Chúa là Thương Xót”. Trong Năm Thương Xót này, ta được mời gọi sống lòng thương xót.