Theo Cha Matthew P. Schneider, LC, một bài báo trên tờ New York Times khá tiêu cực đối với việc ngừa thai. Dĩ nhiên, họ không thấy nan đề nội tại của nó cho bằng khía cạnh gọi là ưu sinh (eugenic) nghĩa là khi xã hội sử dụng ngừa thai như một thang thuốc ngừa ngèo đói. Thứ não tạng này đang đẩy việc sử dụng IUD (intra uterine device=dụng cụ đặt bên trong tử cung) về phía các phu nữ nghèo.



Việc sử dụng phổ biến IUD

Tờ New York Times bắt đầu bằng các sự kiện.

Trong thập niên qua, ngày càng có nhiều phụ nữ bắt đầu sử dụng các phương pháp ngừa thai có tác dụng lâu dài, những phương pháp có thể đảo ngược được (reversible) như dụng cụ đặt trong tử cung và cấy ghép. Những phương pháp ngừa thai này rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa thai nghén nhưng trước đây không có sẵn một cách rộng rãi vì chi phí cao và thiếu kiến thức nơi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Nhưng đến đoạn thứ hai của bài báo, họ đã đi vào vấn đề:

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, những người ủng hộ và các nhà hoạch định chính sách đã không rao bán việc xuất hiện của chúng chỉ vì đây là một chiến thắng cho sức khỏe của phụ nữ. Họ cho rằng IUD và các cấy ghép có thể là một phương tiện mới và mạnh mẽ để chống lại nghèo đói. Loại ngôn ngữ này nên gióng lên hồi chuông cảnh báo vì ý tưởng hạn chế khả năng sinh sản của phụ nữ có thể chữa các căn bệnh của xã hội có một lịch sử lâu dài, đáng xấu hổ ở Hoa Kỳ.

Mở rộng IUD Tương tự như triệt sản cưỡng bức

Các tác giả bài báo giải thích qua loa về lịch sử của các chương trình triệt sản cưỡng bức, rồi liên hệ các điều này với tình hình hiện nay:
Ngày nay, ý tưởng lâu đời cho rằng sinh sản phải nhận lỗi vì các nan đề xã hội này đã tái xuất hiện trong sự hào hứng hiện nay xung quanh biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài và có thể đảo ngược được.

Chúng ta có thể thấy tiếng vang của quan điểm này trong cách một số chính trị gia tranh luận cho việc mở rộng quyền được kiểm soát sinh đẻ như một phương thế để giải quyết tình trạng nghèo khổ liên thế hệ. Chúng ta có thể thấy điều đó trong các ưu tiên của các nhà tài trợ từ thiện và trên các phương tiện truyền thông đối với lời hứa kiểm soát sinh đẻ có hiệu quả lâu dài trên các tiêu đề như “liệu IUD có thể ngăn ngừa nghèo đói, tiết kiệm hàng tỷ mỹ kim cho người đóng thuế hay không?”

Cổ vũ IUD và cấy ghép chắc chắn ít hấp dẫn hơn so với ưu sinh học do nhà nước tài trợ. Nhưng cổ vũ chúng từ góc độ giảm nghèo vẫn nhắm mục tiêu sinh sản của một số phụ nữ nhất định dựa trên cái hiểu biết đơn giản hóa và có vấn đề về nguyên nhân của các căn bệnh xã hội [...]

Chúng ta cũng có những lo ngại về việc nhấn mạnh đến kiểm soát sinh đẻ như một phương thế giảm nghèo này sẽ diễn ra như thế nào ở các trạm y tế. Chủ trương về lợi ích về xã hội của việc gia tăng sử dụng IUD và cấy ghép có thể góp phần cho các lập luận cho rằng các phương pháp này là phương pháp tốt nhất cho mọi người và thành công của chương trình nên được đánh giá bằng số lượng IUD và cấy ghép mà nhà cung cấp đã thực hiện. Việc này, ngược lại, có thể có lợi cho các nhà cung cấp vốn làm ngơ các sở thích của các phụ nữ cá thể khi nói đến việc kiểm soát sinh đẻ: chẳng hạn như nên áp dụng áp lực tinh tế đối với việc sử dụng biện pháp ngừa thai có hiệu quả lâu dài, hay chống lại yêu cầu loại bỏ IUD và cấy ghép.

Tờ New York Times thậm chí còn lưu ý: thái độ này đã có tác động tiêu cực như thế nào đối với các cộng đồng thiểu số.

Với những thành kiến như trên và lịch sử cưỡng bức lâu đời, không có gì lạ khi nghiên cứu đã thấy rằng hơn 40% phụ nữ da đen và gốc Latinh nghĩ rằng chính phủ khuyến khích kiểm soát sinh đẻ để hạn chế việc sinh con nơi các cộng đồng da màu. Không nên gạt bỏ các niềm tin này như những lý thuyết có âm mưu mà phải công nhận chúng như các phản ứng có thể hiểu được đối với các kinh nghiệm sống.
Bạn đọc có thể đọc phần còn lại trên tờ New York Times: chỉ cần ghi nhận rằng các tác giả rõ ràng vẫn ủng hộ biện pháp tránh thai trong các trường hợp khác.

Quan điểm của một linh mục

Là một linh mục, Cha Schneider không ủng hộ việc dùng IUD. Tuy nhiên, cha từng nghe nhiều câu chuyện về các phụ nữ cảm thấy bị buộc phải sử dụng IUD. Một phụ nữ kể lại với ngài: chị cảm thấy bác sĩ đã thúc đẩy chị đặt một IUD như thế nào lúc chị vẫn còn nằm trong phòng đẻ sau khi sinh con. Hầu hết các cuộc trò chuyện này xẩy ra bằng tiếng Tây Ban Nha, đủ cho thấy một chút ý niệm về vấn đề kinh tế xã hội.

Đức Phaolô VI từng dự đoán việc sử dụng biện pháp tránh thai để kiểm soát dân số như vậy vào năm 1968.

Cần xem xét cẩn thận về sự nguy hiểm của quyền lực này được truyền vào tay của những cơ quan công quyền, rất ít quan tâm đến các giới luật của luật luân lý. Ai sẽ đổ lỗi cho một chính phủ, trong khi cố gắng giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước, phải sử dụng cùng các biện pháp tương tự như các biện pháp được cặp vợ chồng coi là hợp pháp trong viêc giải quyết một khó khăn đặc thù của gia đình? Ai sẽ ngăn cản các cơ quan công quyền khỏi ủng hộ các phương pháp ngừa thai mà họ cho là hữu hiệu hơn? Nếu coi điều này là cần thiết, có lẽ họ còn có thể áp đặt việc sử dụng chúng lên mọi người. Do đó, điều có thể xảy ra là khi người ta, dù là cá nhân hay trong gia đình hay đời sống xã hội, gặp phải những khó khăn vốn có trong lề luật thần thiêng và quyết tâm tránh chúng, họ có thể trao cho cơ quan công quyền quyền can thiệp vào trách nhiệm bản thân và thân mật nhất của vợ chồng.

Về mặt luân lý, chúng ta không nên sử dụng kỹ thuật để áp chế người dân hoặc tái khẳng định giai cấp xã hội hoặc kinh tế. Có một vấn đề sâu sắc hơn là làm thế nào các dụng cụ ngừa thai như thế này can thiệp vào sự thân mật và thường khiến trẻ sơ sinh không thể bám vào thành tử cung. Chúng ta không nên cổ vũ việc ngừa thai để chấm dứt nghèo đói, nhưng chúng ta cũng không nên cổ vũ nó vì những lý do khác.