QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

Để nói về lịch sử quê nhà, để kể lại những chuyện xưa tích cũ, có lẽ cần đến những bậc cao niên đức cao vọng trọng. Thời gian vẫn trôi theo dòng chảy muôn đời của nó. Lớp người xưa cũ cứ theo nhau cưỡi hạc bay đi. Chuyện cũ thật nhiều, nhưng sau bao thịnh suy hưng phế, bao cuộc loạn ly tan hợp, kẻ hậu sinh cũng chỉ còn nghe được lõm bõm vài sự kiện lẻ tẻ, chẳng có đầu mà cũng không có cuối. Vì thế, nói đến chuyện viết lại lịch sử quê nhà có lẽ là chuyện quá lớn và cũng nằm ngoài tầm tay của thế hệ hậu học. Có chăng chỉ là “lời quê chắp nhặt dông dài[1]” với hy vọng nhỏ nhoi là cùng quý vị đồng hương về thăm lại miền quê Hoà Lạc yêu dấu với vài ba nét rêu phong cổ kính để mà thương mà nhớ.

BỂ DÂU CHUYỆN CŨ

Thủa ấu thơ, tôi thường cùng lũ trẻ trong xóm lang thang, chui rúc qua hết bờ này bụi nọ ở chốn quê nhà. Có đứa đã từng trợn mắt doạ tôi rằng cây vối nhà ông Trùm Sửu có ma, rồi nó còn tăng thêm mức độ kinh dị trong lời kể hùng hồn của nó bằng cách kể ra ngày kia tháng nọ khi giở giời, mưa lắc rắc, nó thấy nào bóng tầu, nào bóng bọn thuỷ thủ nhấp nhô lúc ở ao nhà ông Quản Thạnh, khi ở ao nhà ông Quản Tuất. Tôi vốn là đứa trẻ nhát gan, nên cũng bán tín bán nghi điều nó nói, vì nó còn gân cổ khẳng định chỗ ấy chỗ nọ xưa kia là biển, tầu đi lại nhiều nên bị đắm, bọn thuỷ thủ thành cô hồn một cõi, lúc chợt mưa chợt nắng mới hiện hình lên như vậy.

Thế rồi những câu chuyện trẻ con như thế tưởng cũng chìm vào quên lãng, vì lớn lên ai còn dễ tin vào những chuyện nhảm nhí tương tự. Tôi đi học xa quê, ít khi trở về. Mỗi lần trở về chỉ biết âm thầm tiếc nuối vì bóng tre xanh dần dần thiếu vắng, những mái tranh toả khói lam chiều chỉ còn thưa thớt hay đọng lại trong ký ức. Quê hương đổi mới thật nhiều. Có lúc suy nghĩ miên man, tôi lại tự hỏi mình nếu những bậc tiền liệt khi xưa đã từng sống trong ngôi làng Hoà Lạc thân yêu này chợt đội mồ sống dậy, họ có bị lạc lối trong ngôi làng của chính mình. Và tôi hiểu tại sao trong vô vàn lý do khiến bậc danh sĩ La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn không trở về thăm quê nhà lại có lý do rằng hình ảnh quê hương trong ông đẹp lắm, ông sợ rằng nếu về thăm lại quê nhà sau quá nửa đời người loạn ly lưu lạc, thì hình bóng thân thương và diễm lệ thủa nào sẽ tan thành mây khói!!!

Tôi đã từng say sưa đọc những trang chính sử nước nhà. Mỗi lúc thấy thấp thoáng bóng quê mình trong đó, tôi cũng học người xưa cố ghi lại vài hàng. Thiết nghĩ lúc này kể ra vài chỗ cũng không đến nỗi quá mất thì giờ của quý vị đồng hương.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể lại rằng năm Tân Mão, 571, Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương chống không nổi mới cùng con gái chạy về phía nam, đến cửa biển Đại Nha bị nước chắn lại, Việt Vương than rằng: “Ta hết đường rồi!”, bèn nhảy xuống biển[2].

Sách trên kể lại một chuyện khác cũng xảy ra vào năm Mão, năm Kỷ Mão 979, niên hiệu Thái Bình thứ 10 sau khi Đinh Tiên Hoàng vừa bị sát hại: “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước.[3]”

Gần bảy chục năm sau, sách Đại Việt sử ký toàn thư mới lại nhắc đến tên cửa biển trên đây lần nữa. Đó là vào năm Giáp Thân 1044, niên hiệu Minh Đạo thứ 3, vua Lý Thái Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành: “Ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ, đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An.[4]”

Rồi mãi hơn một trăm năm sau, năm Tân Tỵ 1161, niên hiệu Đại Định thứ 22 triều vua Lý Anh Tông, chính sử mới có dịp kể đến tên cửa biển Đại An: “Tháng 11, vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về.[5]”

Sau đó chính sử còn nhắc đến cửa biển Đại An vài ba lần, nhưng đáng kể hơn cả là sự kiện vào năm Bính Thìn 1377, niên hiệu Long Khánh thứ 5 triều Trần Duệ Tông, kể về việc quân Chiêm Thành ra đánh kinh đô Đại Việt: “Đầu tiên thượng hoàng nghe tin giặc đến, sai trấn quốc tướng quân Cung Chính vương Sư Hiền giữ cửa biển Đại An. Giặc biết [ở đó] có phòngbị, mới từ cửa biển Thiên Phù mà vào, rồi tiến thẳng đến kinh sư. Ngày 12, giặc lại dẫn quân về, ra cửa biển Đại An bị bão, chết đuối rất nhiều.[6]”

Người đọc khó tính và thiếu kiên nhẫn sẽ cho tôi là gã dông dài kể những chuyện không đâu. Thực ra cửa biển Đại Nha ngày nào đã lần lượt được đổi tên thành cửa Đại Ác, rồi Đại An và ngày nay là cửa Liêu, tức là cửa con sông Đáy chảy qua quê mình. Còn cửa Thiên Phù sau đổi thành cửa Thần Đầu, rồi Thần Phù và nay đã nằm sâu trong đất liền.

Quê ta đó nằm ở vùng cửa biển, nơi con sông Đáy và sông Càn đổ vào Biển Đông. Quê ta đó xưa kia từng là biển lớn mênh mông, sóng to gió lớn, hiểm nguy trăm bề, tới mức người xưa từng gọi tên là cửa Đại Ác, biết bao lần đã là nơi vùi thây những kẻ manh tâm cướp phá đất Việt.

Tôi lại chợt bâng khuâng nhớ lại những chuyện mà thằng bạn thủa thiếu thời từng mang ra doạ tôi. Ôi, những chuyện tưởng như hoang đường ấy đâu phải vô căn cứ, và lời nói dông dài của đứa trẻ nhà quê ấy không ngờ lại có vài dấu vết trong chính sử. Tôi chợt thấy quê mình đẹp hơn, đẹp hơn vì đó là vùng quê ngồi trên sóng biển, một vùng quê do phù sa tích tụ ngàn năm, ở đó con người có thói quen ăn sóng nói gió, cởi mở và rộng rãi, khảng khái và hào hùng. Tôi lại mơ một ngày giở giời hay giông bão có dịp về quê, giữa cơn giông tố, trong làn mưa nhạt nhoà, biết đâu lại chẳng chợt nhìn thấy bóng vài ba con tầu nhấp nhô giữa trùng khơi giận dữ.

NẶNG NGHĨA PHÙ SA

Đất quê ta lật lên có màu đỏ sậm. Thủa ấu thơ tôi vẫn tin rằng đất ở đâu mà chẳng thế. Mãi tới khi lưu lạc tha hương tôi mới nhận ra rằng cũng là đất nhưng có chỗ màu vàng, có nơi màu nâu, lại có chỗ màu đen hay màu sám. Màu đất nạc đỏ sậm là nét đặc trưng của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đó là màu nặng trĩu muôn triệu hạt phù sa. Thiên nhiên vốn trường cửu và cứ bình thản theo nhịp sống của riêng mình để những dải đất phì nhiêu sậm đỏ cứ lớn dần lớn dần về phía biển.

Thương hải biến vi tang điền[7]

Tôi từng đọc sử hai triều Đinh – Lê. Thời đó ngọn núi mà bây giờ có tên Non Nước được gọi là Trấn Hải Đài. Như vậy thì cửa biển hẳn là cách đó chẳng bao xa. Cứ theo đó mà tính thì trong khoảng ngàn năm, phù sa đã bồi đắp một dải đất chừng 50 cây số. Quê hương yêu dấu vẫn còn lưu giữ lại nhiều vết tích về công việc âm thầm nhưng thật mạnh mẽ của các dòng sông cùng với công sức khai hoang lấn biển của con người.

Từ thị xã Ninh Bình đi theo đường số 10 chừng 15 cây số, ta gặp một con đường cắt ngang mà những bậc cao niên nay vẫn còn gọi là đê Hồng Đức. Con đường mang tên gọi này vì đây chính là con đê lấn biển được đắp vào năm Tân Mão 1471, thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 2[8].

Rồi tiếp tục xuôi theo quốc lộ 10 chừng 4 cây số nữa, ta lại gặp một con đường cắt ngang nhỏ hơn có tên gọi Đường Quan. Có tài liệu ghi rằng con đê này được quan đại thần thời Trịnh Sâm là Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du, cho đắp vào năm Quý Tỵ 1773, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34[9]. Tên gọi Đường Quan dường như có liên quan gì đó với đại thần Nguyễn Nghiễm. Cũng nên biết thêm rằng chữ Thần viết trên vách núi ở cửa biển Thần Phù khi xưa chính là bút tích của vị đại thần này. Tuy nhiên, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại chép rằng người được Trịnh Sâm cử đi lo việc khai khẩn là Phó đô ngự sử Nguyễn Lệ[10].

Đi tiếp về phía nam, ta gặp con đường huyết mạch của huyện Kim Sơn, nối Bến Đò Mười với huyện Nga Sơn Thanh Hoá nằm ở phía bắc sông Ân[11]. Con đường phía nam sông Ân chính là đê Hồng Ân được đắp vào năm Canh Dần 1830, năm Minh Mạng thứ 11[12]. Ngoài đê Hồng Ân, một con đê khác được đắp nhằm ngăn mặn, cách đê Hồng Ân 50 đạc[13] về phía nam[14]. Cùng với những con đê này, diện mạo căn bản về địa lý huyện Kim Sơn như ta thấy ngày nay cũng đã được hình thành từ thời đó.

Hoạ trung hữu phúc[15]

Để bàn về gốc tích huyện Kim Sơn, thiết tưởng cũng nên lật lại vài trang sử cũ của một thời ly loạn.

Sách Quốc triều chánh biên có chép việc vào năm Bính Tuất 1826, Minh Mạng thứ 7: “Tháng 2, giặc thổ trấn Nam-Định là Võ-đức Cát (nguyên nó làm Thu-ngự ở đồn Ba-Thắt, vì con nó giết người nên phải cách) củ tập bọn Phan-bá-Vành, Nguyễn-Hạnh mưu khởi nguỵ, cướp phá Trà-Lý và Lân-Hải; Thủ-Ngự Đặng-đình-Miễn, Nguyễn-trung-Diễn bị hại; Trấn-thủ Lê-Mậu-Cúc đánh với nó bị chết; quan quân chết đến vài mươi người, còn thời chạy cả; súng, khí giới, thuyền mất hết. Quan Tổng-trấn nghe báo, liền khiến Thống-chế Trương-phúc-Đặng theo đánh, giặc tan. Làng Đông-Hào (về huyện Giao-Thuỷ) bắt được Võ-đức-Cát đem nạp, giết ngay.[16]”

Sau đó Phan Bá Vành vẫn còn tiếp tục hoạt động và vươn tầm ảnh hưởng tới tận Hải Dương. Cũng sách trên còn thuật tiếp rằng năm Đinh Hợi 1827: “Phan-bá-Vành lại tụ chúng ở phủ Thiên-trường và Kiến-xương, quan Bắc-thành xin phái thêm lính Kinh với thuyền và súng cho mạnh thêm thế quân. Ngài khiến quan Hậu-quân phó-tướng Ngô-văn-Vĩnh đem quân Hậu-bảo vệ-nhì qua Bắc-thành hội tiễu, lại phái Trung-dinh Tả-dinh vệ quân Thần-sách ở Nghệ-an mỗi dinh một viên Vệ-uý theo sai phái ngoài Bắc-thành […].

Tên Vành đem quân vây Phạm-đình-Bửu ở chợ Quán. Phạm-văn-Lý, Nguyễn-công-Trứ chia 3 đạo quân tới cứu trong ngoài giáp đánh, giặc tan, Vành chạy vào làng Trà-lũ, đắp thành, đào hào, làm mưu cố giữ.

Giặc Thổ ở Nam-định yên. Vành ở làng Trà-lũ, quan quân vây giữ, thế nó cùng, toan nhơn đêm chạy ra biển, phái Phan-bá-Hùng đón giữ, quan quân thẳng vào đến nơi, bắt được tên Vành và đảng nó hơn 700 người, thuyền và súng lấy được hết, tờ báo tiệp tâu lên, Ngài tuỳ bậc ban thưởng.[17]”

Những biến cố kể trên diễn ra trước khi huyện Kim Sơn được lập chỉ vài năm. Sau khi dẹp xong Phan Bá Vành, triều đình cử hai vị trọng thần là Nguyễn Văn Hiếu và Hoàng Kim Xán đi kinh lược trấn Sơn Nam và Nam Định để xem xét việc “thương yêu dân điêu tàn, chỉnh đốn các quan lại[18].”

Cũng nên biết thêm rằng vào đầu thời Nguyễn, Ninh Bình được gọi là trấn Thanh Hoa ngoại, rồi Thanh Bình. Đến năm Nhâm Ngọ 1822, trấn Thanh Bình được đổi tên thành Ninh Bình. Những địa danh có can qua binh lửa nằm ngay bên Ninh Bình, nên hẳn trấn Ninh Bình ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng.

Sách Quốc triều chánh biên còn chép rằng vào năm Mậu Tý 1828: “Cho Thị-lang Nguyễn-công-Trứ làm chức Dinh-điền-sứ. Khi trước Công-Trứ dâng sớ xin 3 điều: 1. Nghiêm phép cấm để tuyệt bọn trộm cướp; 2. Rõ thưởng phạt để khuyên răn quan lại; 3. Mở ruộng hoang để giúp cho dân nghèo. Ngài cho, vì thế cho làm chức ấy.[19]”

Sách Đại Nam thực lục chính biên còn chép rõ hơn về nội dung bản sớ của Nguyễn Công Trứ. Mục thứ 3 trên đây được ghi lại như sau: “Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo. (Đời làm ăn xưa, chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc, không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định, thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định mênh mông bát ngát, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn nhưng phí tổn nhiều không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công, thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà cái lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác. Xin sai trấn thần khám xét, phàm những đất hoang có thể khai khẩn được, cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng; đều tính đất chia cho. Cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ; lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay. Những làng ấp mới lập gọi là “quân Lực bản” ((1) Bản quân: xưa nay nghề làm ruộng là nghề gốc. Lực bản là ra sức vào nghề gốc. 1). Phàm các hạt xét thấy những dân du đãng không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu).[20]”

Sách Quốc triều chánh biên chép thêm rằng: “Nguyên trước ở gần biển có một giải bãi Tiền-châu bỏ hoang, giặc thường trốn núp tại đó, khi quan Dinh-điền-sứ Nguyễn-công-Trứ đến, chiêu dụ dạy bảo dân, nhắm đo đất hoang ở Tiền-châu và hai bên bờ, chia cấp cho dân cùng, cả thảy được 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, sổ đinh 2.350 người, ruộng hơn 18.970 mẫu, chia làm 7 tổng, tâu xin biệt lập một huyện, đặt tên là huyện Tiền-hải. Lại ở làng Ninh-cường, Hải-cát mở được 4 lý, 4 ấp, 1 trại, xin lập một tổng thuộc về huyện Nam-chân; ở tổng Hoàng-nha mở được 5 ấp, 1 trại, 3 giáp, cũng làm 1 tổng, thuộc về huyện Giao-thuỷ còn bao nhiêu tuỳ gần tổng nào thuộc tổng ấy; đến như nhà cửa và ngưu canh điền-khí lượng lấy tiền công chi cấp cho. Ngài ban khen, mới cho tri-huyện Quỳnh Lưu là Võ-danh-Dương (người trấn Sơn Nam) làm tri-huyện Tiền-hải. Công-Trứ lại tâu: ‘Những người dân nghèo muốn lãnh ruộng hoang mà khẩn còn đến hơn 1.000 người, tôi xét huyện An-khánh, An-mô thuộc về Ninh-bình đối ngang với huyện Nam-chân trấn Nam-định, theo một giải bờ biển, còn nhiều nơi bỏ hoang, cấy được, cũng chẳng kém gì huyện Tiền-hải, tôi xin qua đó nhắm đo, lập thành ấp lý’. Ngài khiến hội với quan đạo Ninh-bình mà làm.[21]”

Cũng sách trên kể lại rằng năm Kỷ Sửu 1829, Minh Mạng thứ 10: “Mới đặt huyện Kim-sơn thuộc về phủ Yên-khánh, đạo Ninh-bình, lựa người đặt làm Tri huyện để khuyên dạy dân, nhà cửa, lương tháng, ngưu canh, điền-khí thời đều cấp cho dân y như lệ huyện Tiền-hải, còn ruộng thiệt-trưng và ruộng đã thành thuộc thời lấy thuế từ năm nay, ruộng lưu hoang thời đến năm Minh-mạng 12 sẽ đánh thuế; đó là theo lời Nguyễn-công-Trứ xin. Công-Trứ lại dâng sớ xin lập ra Qui ước, khiến cho dân biết kiểm thúc, lâu cũng nên thói hay được: 1. Lập nhà học (đặt ruộng học tha thuế, khiến dân cày ruộng để làm học bổng; học trò 8 tuổi phải vào học); 2. Đặt xã thương, chăn dạy bảo dân làm ăn; 3. Cẩn việc phòng giữ; 4. Nghiêm việc khuyên răn.[22]”

Sử cũ chỉ chép lại vài dòng như thế, nhưng đó là một giai đoạn đầy bi thương, loạn ly đói khổ. Sách Đại Nam thực lục và Minh Mệnh chính yếu cho biết từ năm Quý Hợi 1803 đến năm Mậu Tý 1828, các trấn Thanh Hoá, Ninh Bình, Sơn Nam, Nam Định, liên tiếp xảy ra nạn đói[23]. Đó chính là mầm loạn. Dân đói khổ theo Phan Bá Vành cũng chỉ mong tìm đường sống.

Người khó tính sẽ hỏi tôi rằng kể chuyện lập huyện Kim Sơn thì được rồi, nhưng tại sao lại đem Phan Bá Vành mà kể lòng vòng vào đây.

Quý vị đồng hương Hoà Lạc có chút quan tâm đến gốc gác hẳn đều biết đến 80% người Kim Sơn vốn xuất thân từ Trà Lũ và hơn 90% con dân Hoà Lạc cũng vốn là người Trà Lũ. Bản thân người viết những dòng này từng có diễm phúc được đọc vài trang gia phả của dòng họ mình và những dòng đầu tiên trong cuốn gia phả ấy cũng cho biết các cụ tổ ngày xưa vốn từ Trà Lũ qua Hoà Lạc lập ấp.

Người Việt Nam vốn gắn bó với quê cha đất tổ, nhưng vì đói khổ đành tha phương cầu thực. Hơn nữa, nhiều người từng theo đảng loạn Phan Bá Vành, nên đành ngậm ngùi từ giã quê hương để hướng tới chân trời mới, dù chân trời ấy vẫn mịt mù một màu ảm đạm. Khi lớn lên đôi chút, tôi từng theo chúng bạn đi đây đó trong huyện nhà, vài bậc cao niên còn chỉ cho tôi một đám mộ thuộc làng Chỉ Thiện và Xuân Hồi nằm bên con đê chạy ra Đò Mười mà bảo tôi đó là mộ của những tướng lĩnh từng theo Phan Bá Vành. Rồi ngay trong làng Hoà Lạc cũng có người từng nói với tôi chi nọ chi kia của dòng họ Hoàng vốn mang họ Phan, nhưng vì từng làm loạn nên phải thay tên đổi họ, chỉ dám giữ lại chữ Bá trong tên đệm. Chuyện xưa của một thời ly loạn vốn mang nhiều điều ẩn khuất, tài liệu giấy tờ lại chẳng còn bao nhiêu sau từng ấy cơn binh lửa, nhưng tôi tin rằng trong ký ức của những bậc cao niên, những lời đồn đại ấy hẳn cũng mang một phần sự thật.

Ngày nay huyện Kim Sơn là huyện trù phú bậc nhất tỉnh Ninh Bình, nhưng cách đây 200 năm, vùng đất này vẫn còn là bãi hoang. Còn khi các cụ tổ của chúng ta đến khai hoang lập ấp, công việc thật trăm đường gian lao vất vả. Gia phả họ Phạm thôn Chất Thành còn ghi: “Lúc đầu mới đến muỗi như sấm, cỏ lau, cỏ lác mọc đầy đất, sóng cát liền trời.[24]” Rồi ngoài việc thau chua rửa mặn, ngay chuyện kiếm nước ăn nước uống cũng phải đi xin tận những làng thuộc Yên Khánh, bị dân các làng đó kỳ thị, khinh bỉ và hành hạ đủ đường. Bài Kim Sơn sự tích doanh điền ca kể rằng:

“Kẻ thời dẫn vợ bồng con

Đầu đội bị gạo vai mang chiếu nồi

Bữa cơm bữa cháo cầm hơi

Ra công khai phá ở nơi Núi Vàng

Kẻ thời khoai ngứa khoai lang

Áo quần rách nát chỉ đường lập thân

Đương khi đến chốn hải tần

Đồng chua nước mặn trăm phần xót xa

Đường đi như thể chông chà

Ầm ầm ong muỗi ngỡ là thóc xay

Máu thời đẫm ướt chân tay

Rằng ta khó nhọc sau này thảnh thơi.[25]”

Rồi:

“Nước uống gánh trộm cựu dân

Họ mà bắt được nhiều lần về không.[26]”

Nên mỗi nắm đất quê mình đều thấm đậm mồ hôi, nước mắt và cả máu của tiền nhân. Nhưng trong cái họa của một thời loạn ly đói khổ, lại nảy sinh cái phúc của một vùng quê trù phú, yên ả hiền hoà ngày nay.

Thận chung truy viễn[27]

Huyện Kim Sơn do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn, sau khi đã lập huyện Tiền Hải vào năm 1828. Khi lập huyện Tiền Hải, triều đình đã ấn định cụ thể như sau: “Về nhà cửa cùng trâu cày nông cụ của dân thì xin lấy tiền nhà nước chi cấp để dân được yên nghiệp làm ăn. (Tiền nhà cửa mỗi lý cấp 100 quan, mỗi ấp 60 quan, mỗi trại 30 quan, mỗi giáp 20 quan. Tiền trâu cày mỗi lý cấp 300 quan, mỗi ấp 180 quan, mỗi trại 90 quan, mỗi giáp 60 quan. Tiền nông cụ mỗi lý cấp 40 quan, mỗi ấp 24 quan, mỗi trại 12 quan, mỗi giáp 8 quan).[28]” Quy định này cũng được áp dụng cho huyện Kim Sơn: “Nhà ở, lương tháng, trâu cày và điền khí của dân thì do quan cấp cũng như lệ huyện Tiền Hải.[29]”

Để thi hành công việc, Nguyễn Công Trứ được cử đứng ra kêu gọi và tập họp dân nghèo để khai hoang. Như trên đã nói, triều đình có chính sách ưu đãi cho những người tham gia công việc này. Sách Đại Nam thực lục chép: “Xin sai trấn thần khám xét, phàm những đất hoang có thể khai khẩn được, cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng; đều tính đất chia cho.[30]” Những chính sách kể trên được thi hành nghiêm chỉnh một cách rất cụ thể: “Các khoản chi cấp trên đây nhà nước không phát tiền mà trực tiếp phát bằng hiện vật cho người khai hoang: ‘Cứ 5 người thì cấp một con trâu, một cái bừa, một cái cày, một cái móng, một cái cuốc, một cái liềm, sức các ông chiêu mộ lĩnh về cấp phát.[31]’”

Với cách làm như thế, năm 1829, Nguyễn Công Trứ đã lập ra huyện Kim Sơn, với thông tin từ sách Đại Nam thực lục như sau: “Bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ, ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14.620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo hơn 1.260 người. Lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp chia làm 5 tổng, tâu xin đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm Tri huyện để phủ dụ khuyên bảo.[32]” Đồng thời với công việc khai hoang lập huyện, Nguyễn Công Trứ cũng tâu xin định quy ước gồm 5 điểm (đặt trường học, đặt xã thương, siêng dạy bảo, cẩn phòng thư, chăm khuyên răn) để kiến tạo thuần phong mỹ tục[33]. Như vậy, khi thành lập, huyện Kim Sơn gồm 53 làng, ấp, trại, giáp, được chia thành 5 tổng. Theo bộ Đồng Khánh địa dư chí, huyện Kim Sơn gồm 63 làng, ấp, trại, giáp, phường, được chia thành 7 tổng: Chất Thành, Hồi Thuần, Quy Hậu, Hương Đạo[34], Tự Tân, Tuy Lộc, Lai Thành[35]. Có thể số làng ấp và số tổng tăng lên là do công việc khai khẩn đất hoang vẫn còn tiếp tục sau khi thành lập huyện.

Các ngôi làng được lập vào năm 1829 chạy dài chừng 10 cây số theo chiều bắc – nam, chiều ngang của mỗi ngôi làng tuỳ thuộc vào số đinh. Ruộng đất cũng được quy hoạch rất rõ ràng, cứ 100 mẫu thì 70 mẫu làm ruộng, còn 30 mẫu làm thổ cư[36]. Mỗi suất đinh được hưởng một mẫu thổ cư. Người đứng ra chiêu mộ được hưởng phần thổ cư lớn hơn[37].

Huyện Kim Sơn trong Đồng Khánh địa dư chí

Làng Hoà Lạc vươn dài khoảng hơn 10 cây số theo chiều bắc - nam, nhưng khu vực sinh sống chủ yếu của dân làng chỉ trải dài chỉ chừng trên cây số. Đi hết các làng trong huyện và lại về làng mình mà ngắm những đường dong rộng rãi, thẳng tắp suốt chiều ngang ba đạc rưỡi (210 mét) của ngôi làng, mới thấy công sức và tài trí của tiền nhân. Có thể nói trong khắp huyện Kim Sơn, không mấy ngôi làng có quy hoạch khoa học và đẹp đẽ như làng Hoà Lạc. Thêm vào đó, làng Hoà Lạc còn có nhiều thuần phong mỹ tục với tình tương thân tương ái, đoàn kết và quý trọng nhau. Những điều tốt đẹp ấy chắc chắn là công sức và phúc ấm tiền nhân để lại.

Những lời kể và những chi tiết dông dài trên đây có lẽ làm mệt lòng nhọc trí người đọc, nhưng không kể ra e rằng công khó nhọc của tổ tiên, mồ hôi nước mắt của người xưa dễ chìm vào quên lãng mà không để lại chút vết tích gì.

Tôi đã cố công truy tìm chuyện xưa tích cũ và may mắn biết được danh tính của cụ tổ đã từng đứng ra chiêu mộ để lập nên làng Hoà Lạc. Sách cũ chỉ ghi cụ là Vũ Văn Bạo, ngoài ra không có một dòng nói về cội nguồn quê quán[38].

Xét trong làng Hoà Lạc cả lương lẫn giáo cũng có vài chi họ Vũ, nhưng để tìm được đích xác ai là hậu duệ của cụ Vũ Văn Bạo quả là chuyện không dễ dàng sau gần 200 năm thịnh suy tan hợp. Tôi từng đem chuyện này bàn với thân phụ mình thì được người cho biết có lẽ cụ là thuỷ tổ của chi họ Vũ thuộc giáp lương. Kẻ hậu sinh chẳng còn biết nói gì, đành dâng lên cụ một nén hương lòng để tỏ lòng ngưỡng vọng.

***

“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn”. Viết đến những dòng này, câu thơ của Cao Bá Quát xưa chợt vang trong tâm trí tôi như một nét nhạc trầm xin đừng hỏi, cũng đừng băn khoăn về chuyện đời biến đổi. Nhưng dù thế sự mãi thăng trầm, dù dòng đời còn trôi nổi, mảnh đất quê mình lật lên vẫn mang màu đỏ sậm. Vì cùng với muôn triệu hạt phù sa, còn có công khó nhọc và những giọt máu đào của một thời khai hoang lập ấp.

MÁU VÀ NƯỚC MẮT

Sinh ra và lớn lên giữa ngôi làng Hoà Lạc, tôi nhận thấy rằng người Hoà Lạc không mấy khi bạn bè giao thiệp với người thuộc hai làng Tuần Lễ và Như Độ ở liền kề làng mình, chẳng phải vì khác làng, nhưng có lẽ là vì không cùng một đạo. Người Hoà Lạc hầu hết theo Công Giáo, còn người hai làng kia hoàn toàn là lương dân. Người Việt Nam vốn hiền hoà, khác biệt tôn giáo cũng chẳng phải chuyện gì lớn, nhưng lịch sử vài trăm năm trở lại đây cũng có những vết đen khiến mỗi lần đọc lại lịch sử, người có tâm không khỏi bùi ngùi buồn tiếc cho vận mạng nước nhà.

Chuyện đời chuyện đạo

Sử cũ để lại vài dòng sơ sài về khởi thuỷ việc truyền đạo vào Việt Nam. Các sử gia cũng thường dựa vào những tài liệu đây đó để đưa ra những giả thuyết khác nhau về thời phôi thai của công việc truyền đạo. Tuy nhiên, mãi tới năm 1614 ở Đàng Trong và năm 1627 ở Đàng Ngoài với thừa sai Đắc Lộ (Alexandre de Rohdes), công việc truyền đạo mới thực sự thu được những kết quả rõ rệt.

Hơn hai trăm năm sau, năm 1858, người Pháp nổ phát súng đầu tiên vào Cửa Hàn để bắt đầu cuộc chinh phục vùng đất sai này thường được gọi là xứ Đông Dương. Thế nhưng đã một thời, người ta gán cho thừa sai Đắc Lộ cái tội rước quân đội viễn chinh Pháp vào Việt Nam!

Triều đình Huế lúc đó lần lượt để mất Lục Tỉnh, mất thành Tân Bình (Sài Gòn). Đến năm 1882, sau khi người Pháp phá thành Hà Nội lần thứ hai thì kể như xứ An Nam đã được bình định.

Nước mất nhà tan. Người Việt bị người Pháp đàn áp, và chính người Việt cũng lại đàn áp lẫn nhau.

Chuyện nồi da nấu thịt

Kể từ thời Lê – Trịnh, chuyện trục xuất các thừa sai hay cấm giảng đạo đã không còn là chuyện lạ. Đến thời Tây Sơn, không chỉ còn là chuyện ngăn cấm mà đã có án tử hình dành cho những người theo đạo. Tuy nhiên, khủng khiếp và thảm khốc nhất là những cuộc bách hại đạo Công Giáo dưới triều nhà Nguyễn, đặc biệt là triều Tự Đức. Hàng vạn gia đình ly tán, hàng ngàn người bị đưa ra pháp trường.

Đến năm 1862, vua Tự Đức ra chiếu chỉ tha đạo, nhưng phong trào Văn Thân lại bùng nổ. Với khẩu hiệu "Bình Tây sát tả", phong trào Văn Thân đã gây ra những cảnh tàn sát thương tâm, nhiều ngôi nhà thờ Công Giáo bị phá huỷ, nhiều làng Công Giáo bị triệt hạ dã man, và hậu quả là một bầu khí bất hoà trầm trọng giữa đồng bào lương - giáo.

Ông Nguyễn Trường Tộ kể lại: “Hiện nay ở tỉnh Nghệ hai bên lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho hết tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn huống chi là con người? Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng không để bó tay chịu trói. .. Nhà nào ngõ nào cũng xôn xao bàn tán chuyện đó. Tôi rất lấy làm lo ngại mà không có cách nào giải quyết. Bởi vì sĩ phu trong tỉnh hạt có nhiều ý kiến khác nhau. Đã nói ra khó với lại được. Hơn nữa sự thù hằn này đã sâu sắc, việc làm ác độc này đã kéo dài, lòng không sao yên được. Cho nên không ai chịu tự giải thích cho mình, cũng không chịu giải thích cho người khác.

[. .. ]

Dân tình thế đấy hỏi làm sao yên ổn lâu dài được? Xét cho cùng cũng bởi một là do ơn trên chưa được rộng khắp, hai là do sai lầm trước chưa giải thích được, ba là do bọn ăn không ngồi rồi bịa đặt mà gây liên luỵ, bốn là do bọn cường hào tác uy tác phúc ngoài pháp luật, năm là do bọn quyền quý mượn uy thế doạ nạt người, sáu là do dân đạo không yên tâm phải luôn luôn ngó trước nhìn sau. Những điều ẩn khuất như vậy, ở đây mười điều tôi mới chỉ mới nói một mà thôi. Bởi vì chuyện đời thường ở trong thì nhỏ mà ngoài xé ra to. Huống chi những việc bình dân doạ nạt đâu phải mới một ngày một bữa, lâu rồi phải khiến người ta tin mà sợ.[39]”

Còn ông Trần Trọng Kim đưa ra ý kiến: “Nguyên bấy giờ dân trong nước ta chia làm hai phái: bên lương, bên giáo; hai bên vẫn không ưa nhau. Đến khi xảy ra việc đại uý Francis Garnier lấy Hà Nội, bọn sĩ phu ở mạn Nghệ Tĩnh thấy giáo dân có nhiều người theo giúp ông ấy, thì lấy làm tức giận lắm, bèn rủ nhau nổi lên đánh phá.

[… ]

Nước ta mà không chịu khai hoá ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn rỡ, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trọng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru![40]”.

Chuyện làng mình

Làng Hoà Lạc được lập năm 1829. Dân làng đa số theo đạo Công Giáo. Giữa cảnh nồi da nấu thịt như thế, một ngôi làng Công Giáo tránh sao khỏi chuyện ít nhiều bị ảnh hưởng.

Linh mục Bùi Đức Sinh có kể lại những chuyện bắt bớ, giết hại xảy ra ngay gần làng Hoà Lạc: “Hoà ước đã ký và trên nguyên tắc cuộc bách hại chấm dứt, nhưng tại địa phương các quan vẫn còn lập mưu bắt bớ giáo dân; cấm thi cử, cấm làm quan, có kêu quan điều gì cũng chẳng ai nghe. Dân lương biết ý vua quan, thì cũng nạt nộ giáo dân, bới kiện bất công, đòi trái lẽ, cũng phải chịu. Năm 1863, linh mục Phêrô Dũng quê Kẻ Bạng, chính xứ Phát Diệm từ năm 1862, bị bắt và chết rũ tù ở Ninh Bình. Cũng năm ấy cha Alexi Thức, quê Kẻ Sét, bị bắt ở Tôn Đạo bị cấm cốc, chết trong ngục.

Nhóm Văn Thân ở Ninh Bình, Nam Định tổ chức một đạo quân lưu động, đặt dưới quyền chỉ huy của hoàng giáp Tam Đăng, một viên quan hồi hưu rất uy thế, vì các tú tài, cử nhân cùng một số đông quan chức đều là cựu học sinh của ông. Triều đình không bao giờ chấp nhận sự thành lập đạo quân lưu động này. Ngày 14.1.1868, Văn Thân vây đánh Kẻ Trình và nhiều xứ khác thuộc tỉnh Nam Định. Họ tiêu huỷ thánh đường, tu viện và 30 căn nhà của giáo dân. Dân Công Giáo kháng cự và bắt giữ hai tên khủng bố, trong số này có Tú Đường. Tú Đường bị nhà vua lên án xử giảo giam hậu, song cũng phạt cha xứ Kẻ Trình, và mấy bổn đạo, nhưng nhẹ hơn, vì nhà vua muốn xử hoà đôi bên.[41]”

Nam Định, Ninh Bình, rồi Phát Diệm, Tôn Đạo, những cái tên đâu có xa lạ gì với người Hoà Lạc. Khi những sự kiện này diễn ra thì Hoà Lạc còn là một họ đạo thuộc xứ Tôn Đạo. Chuyện bắt bớ, bách hại diễn ra ngay trong xứ mình, làm sao người Hoà Lạc lại không ít nhiều chịu liên luỵ.

Ngày ấy trung tâm của huyện Kim Sơn còn nằm ở Quy Hậu. Chợ Quy Hậu là một chợ lớn và thường bị giặc cướp Tàu Ô từ biển vào quấy nhiễu, cướp bóc. Làng Hoà Lạc có ông Cai Bang, sức khoẻ kỳ lạ. Mỗi lần giặc Tàu Ô cướp chợ, chỉ ông Cai Bang mới trị được chúng. Người già còn kể lại rằng nghe tin có cướp, ông tới chợ, mỗi tay chộp một tên cướp làm vũ khí, rồi hai tay quay tít khiến cho giặc Tàu Ô khiếp đảm tháo chạy. Sau này chỉ cần thấy bóng ông chúng đã kinh hồn táng đởm, chẳng còn thiết gì chuyện cướp bóc nữa.

Câu chuyện của thời cốt nhục phân ly có một kết thúc thật bi tráng. Sau năm 1862, triều đình đã có chiếu chỉ tha đạo, nhưng quan trên ém đi vẫn sai người về Hoà Lạc bắt bớ. Ông Cai Bang biết chuyện ấy nên ra mặt phản đối, rồi ông lỡ tay đánh chết người được quan trên sai đến. Quan trên nổi giận bắt tội cả làng Hoà Lạc. Ông Cai Bang hiên ngang đứng ra nhận tội và chấp nhận chết thay cho cả làng. Ông chịu chém ở cánh đồng phía đầu làng trong nỗi tiếc thương và lòng biết ơn của bao đời người Hoà Lạc[42].

***

Chuyện xưa ít nhiều mang màu sắc ly kỳ vì nó được lưu truyền qua ký ức của nhiều thế hệ. Nếu có ai hỏi chuyện này có thật hay không thì người kể lại chuyện này chỉ dám nói “hình như là thật”.

Người làng Hoà Lạc ngày nay hình như đã giao thiệp nhiều hơn với người hai làng Tuần Lễ và Như Độ. Những hiểu lầm của một thời huynh đệ sát hại nhau chỉ còn đọng lại đôi chút trong lòng người lớn tuổi. Lớp hậu sinh có cơ sở để tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.

NỔI TRÔI LY LOẠN (1885-1975)

Cha tôi là người được học hành đôi chút, nhưng ngặt vì sinh bất phùng thời nên khó lòng thoả chí bình sinh. Cũng như những người cùng lứa tuổi “sinh ra phải thời rối ren, lớn lên gặp buổi khó nhọc[43]”, người có nhiều tâm sự, nhiều ưu tư về chuyện đời, về chuyện thịnh suy hưng phế. Những khi ánh trăng như dát vàng nơi rặng tre, khi hàng cau in bóng trên nền trời ngả màu tím sậm, hoặc những đêm đen mù mịt bên ngọn đèn dầu leo lét chốn quê nhà, người thường đọc thuộc lòng những đoạn văn người tâm đắc, hay kể lại vài ba câu chuyện của một thời xưa cũ. Đôi khi ngồi dưới chân ông bà nội ngoại tôi cũng được nghe bao chuyện quá khứ. Trí óc non nớt của tôi lúc ấy chẳng thể nào lãnh hội tất cả. Thời xa xưa ấy với tôi vẫn được bao phủ bằng một tấm màn mịt mờ huyền ảo với vài ba nét chấm phá của khoảng gần trăm năm ly loạn.

“Làng chúng mày nấu rượu lậu”

Truyền thống nấu rượu nếp ở làng Hoà Lạc chẳng biết bắt đầu tự bao giờ, có lẽ nghề này có tuổi đời chẳng kém gì tuổi đời làng Hoà Lạc. Chỉ biết rằng thủa nhỏ đến trường, đám trẻ Hoà Lạc chúng tôi vẫn thường bị lũ trẻ hai làng bên nhắc đến chuyện làng Hoà Lạc nấu rượu lậu với vẻ chế nhạo, coi thường. Trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác kinh hoàng mỗi lần dân quân xã đi bắt rượu, hoặc những lần chứng kiến cảnh nhân viên phòng thuế đuổi bắt người dân Hoà Lạc đi bán rượu. Tôi cũng không thể nào quên tâm lý sợ sệt, âu lo thường xuyên của cha mẹ và dân làng. Dân quân xã có thể vào khám xét bất cứ nhà nào trong làng với một “chứng cứ” hết sức bâng quơ: nhân dân phát hiện nhà anh nấu rượu. Như thế nghĩa là sản nghiệp tan hoang, thậm chí còn có thể rơi vào cảnh lao lung tù tội.

Người dân Hoà Lạc vẫn còn kể cho nhau câu chuyện cười ra nước mắt. Ông N. đi làm phu ở Tân Thế Giới (Nouvelle-Calédonie), năm 1954, nghe chính phủ kêu gọi, ông về nước mang theo nhiều của cải. Nhưng miệng ăn núi lở, sau một thời gian ông lâm cảnh túng quẫn và buộc lòng phải nấu rượu mưu sinh. Bị phát hiện, chính quyền đem ông ra toà xét xử. Chánh án tuyên bố: “Anh Nguyễn Văn N. nấu rượu lậu, vi phạm pháp luật, nhưng được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Chính Phủ, được hưởng án treo sáu tháng.” Ông N. vừa khóc vừa đáp: “Kính thưa quý toà, xin quý toà cho tôi được về với vợ với con, đừng treo tôi lên, xin cho tôi được tù ngồi.”

Nhưng người Hoà Lạc không chỉ mới chịu khổ về nghề nấu rượu. Lâu lắm rồi, ngay từ thời Pháp thuộc, nghề nấu rượu đã bị bắt bớ cấm cách. Thời đó người Hoà Lạc vẫn có nghề chăn tằm ươm tơ, nhưng chẳng thể nào bỏ được nghề nấu rượu. Ông ngoại tôi có lần kể rằng nếu chẳng may ai đó bỏ một chum rượu vào ruộng nhà mình mà bị nhà hữu trách phát hiện thì mình sẽ bị rắc rối tù tội. Ông nội tôi cũng từng nấu rượu, bị Tây bắt, ông đã đánh nhau với Tây để phi tang.

Đâu phải người Hoà Lạc mang tư tưởng chống đối hay phản động như đã từng mang tiếng. Người xưa từng nói: “cùng tắc biến”, xưa nay đói khổ bần cùng luôn là mầm loạn. Dẫu sao, người Hoà Lạc cũng đã chọn một con đường phản kháng âm thầm và bất bạo động.

Tha phương cầu thực

Kể từ năm 1885, người Pháp đã tạm thời bình định được toàn cõi Đông Dương. Người Hoà Lạc không còn phải chịu cảnh bắt đạo nữa, người dân mất nước có bao giờ được sung sướng.

Thủa ấu thơ tôi vẫn thường thắc mắc tại sao trong làng trước tên thật của một số người lại có thêm một danh hiệu gắn vào: ông Cai Tề, ông Chánh Sinh, ông Chánh Yến, ông Biểu Quy, ông Quản Tuất, ông Cố Khang, ông Binh Độ. .. Ngoài một số danh hiệu do tham gia chức sắc đạo đời, cũng có những danh hiệu phản ánh thực trạng tha phương cầu thực của người dân mất nước. Danh hiệu “Cai” và “Binh” dùng để gọi những người từng đi lính cho Pháp, tức là kiếp làm thuê cho quân đội Pháp tại bản xứ hoặc tại mẫu quốc.

Ngoài ra, vì miếng cơm manh áo, còn không biết bao nhiêu người Hoà Lạc đi làm phu đồn điền ở phương trời xa lạ như Tân Thế Giới. Đa số những người này trở về sống tại quê nhà sau năm 1954. Họ đã từng tự hào là người dân một nước độc lập, nhưng thoát thảm cảnh này họ lại rơi vào một thảm cảnh khác đôi khi còn nhiều lần bi đát hơn.

“Năm bốn nhăm chết đói đầy đường”

Những khi ngồi dưới chân ông ngoại nghe chuyện quá khứ, đôi lúc tôi từng nghe người nói tới câu trên đây kèm theo những câu chuyện ly kỳ khủng khiếp.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương và vào đầu năm 1945, người Nhật đã gây ra một thảm trạng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Lúa đang lên mơn mởn, người Nhật bắt dân phải nhổ đi để trồng đay. Liền sau đó, từ Quảng Trị trở ra Bắc, một nạn đói vô tiền khoáng hậu cướp đi sinh mạng của trên hai triệu người Việt[44]. Nên biết rằng vào thời điểm đó, dân số Việt Nam khoảng xấp xỉ 20 triệu. Quảng Trị nằm ở vị trí trung tâm đất nước, tức là nạn đói ảnh hưởng tởi khoảng 10 triệu dân. Hơn 2 triệu trong số 10 triệu dân tức là khoảng 20 phần trăm dân số lúc đó đã chết vì đói. Cuốn Lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản năm 1988 cho biết thông tin cụ thể như sau: Phủ Nghĩa Hưng, Nam Định mỗi ngày chết 400 người. Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói có 22.908 người chết. Trong 6.161 hộ thì có 1.571 hộ chết không còn người nào. Nam Định chết 212.218 người; Ninh Bình: 37.939 người, Hà Nam: 50.398 người[45].

Những người trong cuộc vẫn còn lưu giữ những ký ức hãi hùng về nạn đói này. Ông Nguyễn Văn Thiết (xã Tây Ninh, Tiền Hải - Thái Bình) nói: “Tôi không nhớ là nhà ai trong xã, chỉ biết rằng đôi vợ chồng trẻ ấy mới sinh được đứa con đầu lòng chưa đầy ba tháng tuổi. Đói quá, chồng chết từ mấy hôm trước. Vợ không còn sữa cho con bú, không có gì để ăn nên để con ở nhà lang thang đi kiếm ăn. Không kiếm được gì, người mẹ biết mình sẽ chết, không thể về vì đường xa, bụng đói, sức tàn. Gặp người làng, chị nhờ trông hộ con. Nhưng khi người đó về tới nhà chị thì thấy đứa bé chỉ còn trơ cái cẳng chân tím đen ruồi, kiến bu kín. Nền nhà đầy vết chân chó và máu. Người ta nói đêm nọ nghe trong nhà có tiếng kêu như mèo con. Chắc chó hoang ở đâu đói quá vào ăn thịt đứa trẻ.[46]”

Giáo sư Vũ Khiêu, năm đó 29 tuổi, đã tả lại cảnh bi thương trong bài văn tế có đoạn như sau:

“Có kẻ tìm bãi cỏ nằm xiêu

Có người đến bên cây ngã vật

Có khi ngõ vắng gieo mình

Có lúc vườn sau thở hắt

Có những quán hàng bao xác lạnh bỏ ruồi bâu bọ khoét chửa ai khiêng

Có nhiều nơi một nắm xương khô từng nắng dãi mưa dầu không kẻ nhặt.

Mỗi người manh chiếu bó bó chôn chôn

Từng đống trên xe chồng chồng chất chất.

Ôi nói ra những toát mồ hôi

Mà nghĩ lại thêm tràn nước mắt![47]”

Ông ngoại tôi kể lại thủa đó có lần đi lo công việc, dọc đường người ghé vào một hàng phở và gọi một tô phở. Ăn gần hết tô phở, người phát hiện dưới đáy tô phở có những đoạn xương như đốt ngón tay con người! Người còn kể lại rằng thủa ấy người chết đói nhiều lắm, nhưng đến khi có thóc lúa để ăn, nhiều người lại chết vì bội thực! Thảm trạng năm ấy dẫn đến kết quả bi thảm là nhiều gia đình chết chẳng còn ai.

“Chúa vào Nam rồi”

Chín năm sau trận đói Ất Dậu, ngày 07-5-1954, người Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ. Sau đó chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và chính phủ Pháp ký kết hiệp định Genève, tạm thời chia đôi nước Việt ở vĩ tuyến 17 đợi tới ngày 20-7-1956 sẽ có cuộc tổng tuyển cử. Người dân được quyền lựa chọn sống ở phía bắc hoặc phía nam vĩ tuyến 17. Vì khiếp sợ chính sách vô thần, người dân ồ ạt kéo vào miền Nam. Người ta bảo nhau “Chúa vào Nam rồi”. Từ năm 1954 đến 1956, khoảng 1 triệu người Việt di cư từ miền Bắc vào miền Nam, trong đó có khoảng 800 ngàn người Công Giáo.

Làng Công Giáo Hoà Lạc cũng bị cuốn vào cơn lốc xoáy của cả dân tộc. Dân làng kẻ gánh, người gồng kéo nhau xuống tàu ở cửa Kim Đài, người có điều kiện thì tìm đường ra Hải Phòng để xuống tàu vào Nam. Theo ước lượng của những người nhiều tuổi, khoảng một nửa dân Hoà Lạc đã bỏ quê hương vào Nam trong cơn quốc biến này. Người ra đi gửi gắm nhà cửa, tài sản cho người thân ở nhà trông giữ với lời hẹn ước sáu tháng sau sẽ trở lại. Ít ai ngờ rằng đó là cuộc ra đi lâu dài vĩnh viễn, những người may mắn cũng phải chờ trên hai mươi năm sau mới có cơ hội gặp lại người thân.

“Dối trời lừa dân đủ trăm nghìn kế”[48]

Sau cuộc di cư, người dân miền Bắc lại rơi vào cơn lốc xoáy khốc liệt khác. Những cuộc đấu tố bắn giết, lúc đầu chỉ ở phạm vi từng vùng, sau lan rộng tràn lan, gây nên những thảm cảnh tang thương.

Làng Hoà Lạc cũng bị cuốn vào cơn lốc hãi hùng đó, song mức độ ảnh hưởng không nhiều, phần vì những gia đình giàu có như Hội Ky, Nhì Lãm, Chánh Huyến đã di cư từ lâu, phần vì dân Hoà Lạc chẳng mặn mà gì với những cuộc đấu tố.

Thời đó gia đình nào sở hữu hai mẫu Bắc Bộ liền bị quy là địa chủ, bị đấu tố. Cụ Trùm Phú ở dong ba cũng bị quy là địa chủ và bị lôi ra đấu tố. Cán bộ mớm trước cho một người đàn bà đấu tố cụ. Cuộc đấu đó diễn ra đại khái như sau:

Thằng Phú, mày có nhận ra bà không?

Dạ thưa bà, bà là người ở trong nhà con.

Mày có nhớ mày đã bóc lột bà thế nào không?

Dạ thưa bà, con không nhớ.

Mày đúng là ngoan cố. Năm ấy nhà bà thiếu ăn, bà đến vay thóc nhà mày, ba mươi thùng, mày nhớ chứ?

Thưa bà, dạ con nhớ ạ.

Mày nói với bà thế nào mày còn nhớ không?

Dạ thưa bà, con không nhớ.

Mày nói với bà cứ đem về mà ăn, nếu không thể trả được cũng không sao. Mày nhớ ra chưa?

Dạ thưa bà, con nhớ rồi ạ.

Thế là cuộc đấu tố tội áp bức bóc lột lại biến thành cuộc kể lại những ân nghĩa của địa chủ cường hào. Cán bộ lập tức kéo người đàn bà xuống, không cho tiếp tục đấu tố.

Cha tôi còn kể lại rằng năm ấy người vừa bước vào lứa tuổi thanh niên. Vì là gia đình nghèo, người được cán bộ trao cho nhiệm vụ giám sát cụ Trương Soạn, người Thái Hoà bị quy là thành phần địa chủ. Cụ Trương Soạn bị cùm chân tay suốt ngày đêm, thỉnh thoảng có cán bộ đi đến kiểm tra xem xét. Cha tôi đã đi tìm chiếc cùm nhẹ và có chốt để người bị cùm có thể tự mở ra hay đóng lại. Cha tôi dặn cụ Trương Soạn rằng: “Hễ Cụ nghe tiếng chó sủa thì Cụ đóng cùm lại giúp con.” Cứ như thế cụ Trương Soạn bị “cùm” trong tư thế tự do tại gia đình ông bà nội tôi cho tới khi hết cuộc đấu tố. Cụ Trương Soạn đã coi chuyện này là món nợ ân tình, nên kể từ đó tết năm nào Cụ cũng cho người tới tết ông bà nội tôi.

Mỗi lần kể lại những chuyện bi thương của thời đấu tố, cha tôi vẫn thường than thở rằng ở Việt Nam chưa có một cuốn sách nào nói hết được tính cách phi nhân tàn bạo, những thảm trạng khốc liệt của biến cố này. Rồi mắt buồn xa xăm, người kể lại chuyện vào một buổi chiều thê lương, ông Hiệu - một người cũng cỡ tuổi cha tôi và làm rể làng Hoà Lạc - cúi đầu ôm chiếc chiếu tả tơi đi trên con đê phía nam sông Ân về phía chợ Quy Hậu, nơi đó diễn ra cuộc xử bắn cha ông. Hay chuyện những người bị chặt đầu, khi gia đình mai táng phải lấy gáo dừa đặt vào thế chỗ!

“Nửa nước này đã cố giết một nửa nước kia”[49]

Những năm sau đó, nước Việt lâm cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn. Bao nhiêu nhân tài vật lực ở cả hai miền bị cuốn vào cuộc chiến tranh liên miên thảm khốc rút cạn kiệt nguyên khí quốc gia. Máu người Việt chảy tràn lan trên mọi dòng sông, mọi mỏm núi, mọi mảnh rừng của đất nước.

Cuộc chiến đã đụng chạm tới mọi con người, mọi gia đình, mọi miền đất. Hầu như không có gia đình Việt Nam nào lại không có người thân ngã xuống trong cuộc chiến. Điều đau xót là bao nhiêu máu đổ xuống chỉ vì mảnh đất Việt Nam thân yêu trót trở thành nơi xâu xé của hai ý thức hệ, là chiến trường xâu xé của hai phe.

Nhiều lúc suy nghĩ băn khoăn về cuộc huynh đệ tương tàn, tôi tự hỏi mình rằng không biết trong những năm đằng đẵng máu lửa tràn lan ấy, có bao nhiêu lần những người Hoà Lạc ở hai bên chiến tuyến đã chĩa súng vào nhau. Và có lẽ mãi mãi đây vẫn là câu hỏi không lời giải đáp!

***

Viết đến những dòng này lòng lại chợt hỏi lòng không hiểu sao trong khoảng không đầy trăm năm, nước Việt nói chung và làng Hoà Lạc nói riêng lại phải trải qua từng ấy biến cố đau thương thảm khốc đến thế. Mỗi người sẽ có cách lý giải của riêng mình, nhưng dưới ánh trăng thanh ở góc trời Hoà Lạc thân thương, rặng tre vẫn rì rào, bóng cau vẫn vươn thẳng và thế hệ trước vẫn thầm thì với thế hệ sau câu chuyện của thời quá vãng.

ĐOÀN TỤ VÀ CHIA LY (1975- NAY)

Ở tuổi mười bốn mười lăm, tôi bắt đầu cảm nhận rằng quê mình thật đẹp. Tôi đã từng say sưa ngắm mặt trời đỏ rực chìm dần sau rặng núi mù xa, từng mải mê nhìn những hàng cau vươn thẳng giữa nền trời xanh biếc, hay thơ thẩn trên con đường làng vằng vặc bóng trăng soi, những rặng tre mượt mà soi bóng bên dòng sông nhỏ, đâu đây trong xóm ngõ văng vẳng tiếng chó sủa đêm và muôn loại côn trùng cùng dạo bản hoà tấu muôn thủa của thiên nhiên trường cửu. Tôi vẫn thầm mong có ngày cầm bút hoạ lại bức tranh muôn màu đó. Nhưng ước mong trở thành hoạ sỹ ngày nào mãi vẫn chỉ là ước mong dang dở.

Dấu chân thơ bé của tôi đã in trên mọi ngõ ngách làng Hoà Lạc thân yêu. Mỗi mảnh vườn, mỗi ngôi nhà đều để lại trong tôi một chút buồn vui kỷ niệm. Những câu chuyện thường ngày của lớp người lớn tuổi cũng giúp tôi hiểu rằng còn có những người Hoà Lạc, những người thân yêu của tôi đang sinh sống ở nơi chân trời góc biển xa xôi lắm. Thế rồi những cái tên vừa quen vừa lạ cứ dần thấm vào cõi xa xăm của miền ký ức. Mỗi lần có người Hoà Lạc tìm về thăm lại cố hương, miền ký ức trong tôi lại được bồi đắp.

Tôi cũng lờ mờ biết thêm rằng biến cố 1975 và những năm đói khổ triền miên sau đó cùng với chính thể khắc nghiệt đã khiến hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương, dấn mình vào những cuộc phiêu lưu, mong tìm cái sống giữa biết bao hiểm nguy chết chóc. Vậy là với một số người Hoà Lạc, đất mẹ lại thêm một phần xa xôi cách biệt.

Thế rồi cũng đến ngày tôi rời xa quê hương ngàn lần yêu dấu, bước chân ra chốn thị thành. Thiên Chúa cũng ban cho tôi ân huệ đi hầu khắp các miền đất nước thân yêu.

Năm 1992, trên tàu thống nhất vào Sài Gòn, tôi đã ngắm nhìn đất Việt trải dài trên gần hai ngàn cây số. Tôi cứ miên man suy nghĩ và thấy mình thật may mắn, vì để vượt qua những chặng đường mà tôi đã đi qua, thế hệ cha anh mình đã phải trả bằng giá máu. Lúc tiếng súng không còn cũng là lúc những bàn tay thân yêu tìm đến nhau cho vợi bao tháng ngày cách biệt. Cuộc chiến dẫu tàn khốc và mất mát thật nhiều, nhưng dù sao ngày thống nhất cũng là ngày đáng mừng vì người Việt không còn bắn nhau, và điều quan trọng hơn, những người thân yêu đã có thể gặp nhau sau gần nửa đời người ly biệt bặt tăm.

Thủa học ở Sài Gòn, tôi có dịp thăm người Hoà Lạc sinh sống ở Lạc Quang, Trung Chánh, Suối Nho, Phương Lâm và Bảo Lộc. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cụ Quản Nghinh tay bắt mặt mừng, xuýt xoa kể lại những kỷ niệm thân thương chốn quê nhà, tự hào nhắc lại những người con Hoà Lạc thành đạt trong cuộc sống. Cụ cũng bùi ngùi khi hay tin cây đa không còn nữa và dòng sông Ô nay đã thành ruộng lúa, thành ao thả sen. Cụ nói với tôi, chả trách nào người Hoà Lạc ngày nay không còn làm quan được nữa, vì cây đa và con sông Ô có mối liên hệ nào đó với chuyện thịnh suy của làng Hoà Lạc.

Tôi thực sự xúc động trước tình cảm của người đồng hương dành cho mình. Tôi sinh ra đúng mười bảy năm sau cuộc di cư lịch sử. Dân làng chốn tha hương chỉ nhận ra tôi nhờ biết tới ông bà cha mẹ tôi, nhưng tình nghĩa vẫn thật đậm đà nồng thắm. Tôi hiểu rằng dẫu ở nơi cuối bể chân mây, trong lòng mỗi con dân Hoà Lạc, quê hương luôn chiếm một góc thật quan trọng, hai tiếng quê hương, hai tiếng Hoà Lạc mỗi khi trào lên môi là gợi nhớ bao niềm nhớ thương da diết, bao nhiêu kỷ niệm thân thương.

Những năm sau đó, việc đi lại giữa hai miền ngày càng dễ hơn. Nhiều người Hoà Lạc trở lại thăm quê hương sau quá nửa đời xa cách, đã không cầm nổi nước mắt khi đặt chân lên con đường làng yêu dấu. Thật xúc động khi chứng kiến cảnh những cụ già râu tóc bạc phơ, gặp lại nhau không nói nổi một lời. Lúc chia biệt họ còn là những đứa trẻ chăn trâu hay còn mài đũng quần tại ngôi trường nhà xứ. Vậy mà khi gặp lại, họ đã là những cụ già ở đoạn xế chiều của cõi nhân sinh, nắm tay nhau mà tưởng chừng cuộc đời cũng chợt qua như giấc mộng hoàng lương[50].

Mỗi lần có cuộc đoàn viên hội ngộ cũng là mỗi lần người Hoà Lạc nhắc lại cho nhau ai còn ai mất, rồi ngậm ngùi nhớ lại thời xa xưa yêu dấu, bâng khuâng nhắc tới những người thân yêu không còn bao giờ có dịp đặt chân lên đất mẹ thân yêu. Sau chừng ấy năm ly loạn liên miên, biết bao con dân Hoà Lạc đã vĩnh viễn gửi nắm xương tàn nơi viễn xứ, hoặc từ nơi góc biển xa xôi nào đó ôm mối u hoài nhung nhớ quê hương.

***

Những câu chuyện “chắp nhặt dông dài” không có đầu đuôi mạch lạc thật chẳng đủ giúp Quý Vị đồng hương “mua vui” qua “một và trống canh[51]”, nhưng là một chút cảm nhận, một tấm chân tình của một con dân Hoà Lạc đối với đất mẹ thân yêu. Nét rêu phong cổ kính của làng Hoà Lạc có lẽ ngày càng mờ nhạt, thế hệ sau vẫn tiếp nối thế hệ trước như quy luật của muôn đời. Đàng sau mọi chuyện thịnh suy hưng phế, những cuộc phân ly tan hợp phải là một cái nhìn tràn trề niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi mỗi người Hoà Lạc biết quan tâm nhiều hơn đến những phúc lợi chung, đến thế hệ trẻ, những người đang tiếp tục viết lên trang sử của quê nhà.

KIM ÂN

Viết xong tại Paris, ngày 1-11-2006 - sửa lại tại Huế tháng 1-2019

[1] Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 3253.

[2] X. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch của Viện khoa học xã hội Việt Nam). Tập 1. Hà Nội 1998, tr. 184-185.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư …, tr. 216.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư …, tr. 266.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư…, tr. 323.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch của Viện khoa học xã hội Việt Nam). Tập 2. Hà Nội 1998, tr. 162-163.

[7] Chữ dùng trong Thần Tiên Truyện: “tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền”, nghĩa là cứ ba mươi năm một lần vũ trụ lại chuyển hóa, biển cả hóa thành nương dâu, nương dâu hóa thành biển cả.

[8] X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của Viện sử học). Tập 3. Huế 2006, tr. 313-314.

[9] X. Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn – 1829, Kim Sơn 1990, tr. 73.

[10] X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (bản dịch của Viện sử học). Tập 2. Đà Nẵng 2007, tr. 703. Trong phần bản đồ của bộ Đồng Khánh địa dư chí, con đê này có tên Cự Lĩnh đê, tức đê Cự Lĩnh. Bộ Đại Nam nhất thống chí lại nhắc tới con đê có tên Hồng Lĩnh. Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên (bản dịch của Nguyễn Mạnh Duân và Nguyễn Thuỵ Ứng), Hà Nội 2001, tr. 156, lại cho biết Nguyễn Khản là người đắp đê Hồng Lĩnh.

[11] Trong phần bản đồ của bộ Đồng Khánh địa dư chí, con đường này được ghi là đường nhỏ (小路).

[12] X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất…, tr. 313. Trong phần bản đồ của bộ Đồng Khánh địa dư chí, con đê này có tên Ân đê, tức đê Ân.

[13] Mỗi đạc là 60 mét.

[14] Trong phần bản đồ của bộ Đồng Khánh địa dư chí, dường như con đê này được ghi tên Ngự Hàm đê (禦鹹堤), có nghĩa là đê ngăn mặn.

[15] Chữ Hán, có nghĩa trong hoạ có phúc.

[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên (nhóm nghiên-cứu sử-địa Việt-Nam), Saigon 1972, tr. 130-131.

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều…, tr. 134.

[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều…, tr. 134.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều…, tr. 139.

[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện sử học). Tập hai. Hà Nội 2007, 719-720.

[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều…, tr. 141-142.

[22] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều…, tr. 145.

[23] Ví dụ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 633 và 648; Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu (bản dịch của Võ Quang Khanh và Võ Khắc Văn). Tập 2. Saigon 1972, tr. 61.73-74 và 79; x. Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 29-30.

[24] Trích theo Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 41.

[25] Trích theo Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 127.

[26] Trích theo Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 128.

[27] Chữ dùng trong sách Luận Ngữ, có nghĩa là kính cẩn, kỹ càng tưởng nhớ người xưa. Truy tư từ cũng chính là tên người dân Kim Sơn dành cho ngôi sinh từ thờ Nguyễn Công Trứ.

[28] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 779.

[29] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 843.

[30] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 720.

[31] Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 49.

[32] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 843.

[33] X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 843-844.

[34] Tên tổng này thường được gọi là Hướng Đạo, nhưng theo chữ Hán trong bộ Đồng Khánh địa dư chí, tên gọi này là Hương Đạo (鄉道).

[35] X. Đồng Khánh địa dư chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The), Hà Nội 2003, tr. 1033; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất…, tr. 279.

[36] X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực…, tr. 779.

[37] X. Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 93.

[38] X. Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc …, tr. 58.

[39] trích di thảo số 14, Tình hình lương giáo ở Nghệ An theo Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, NXB Tp. Hồ Chí Minh 1988, tr. 181-183.

[40] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, 2003, tr. 513-514.

[41] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Quyển II, Calgary, Canada, 2002, tr. 488, dẫn theo H. Ravier, Sử ký Hội thánh, Hà Nội 1934, Q. III, tr 569-570.

[42] Có lẽ cũng chuyện này, diễn ra năm 1848, được kể lại hơi khác trong Adrien Launay, Le Tonkin catholique et Monseigneur Retord 1831- 1858, Lyon 1893, tr. 293-294: “Vài tháng sau, ở Hoà Lạc, đã có một trận chiến và kết quả thật bất hạnh. Các tín hữu Công Giáo đã đem quà dâng quan tri huyện để xin cho một linh mục đến làm phép làng. Quà tặng được chấp nhận và lời cầu xin được chuẩn y. Nhưng lúc nửa đêm, viên quan đã đến với chừng ba mươi người ngoại và đã xâm nhập ngôi nhà mà vị linh mục ở nhằm bắt ngài. Vị linh mục chạy thoát, còn các tân tòng, vì phẫn nộ đối với sự bất tín của viên quan, đã lên tiếng tri hô có cướp! Quân cướp! rồi đánh đập tên trưởng toán cũng như đám quân, bắt trói tất cả, rồi hôm sau đem giao nộp quan tuần phủ để đòi công lý. Đức cha Retord Liêu kể: ‘Ôi những con người bất hạnh, họ phải trả giá đắt cho thứ công lý này!’ Họ đã phải trả giá bằng cả cái đầu và gia sản của mình. Nhiều người trong số họ bị kết án tử hình, những người khác phải sạt nghiệp để chuộc mạng sống.”

[43] Lời Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo.

[44] Đó là lời trong tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

[45] Dù sao, những thông tin này và những thông tin về nạn đói mà chúng tôi trích dẫn trong các tài liệu ở đây hẳn ít nhiều mang tính tuyên truyền.

[46] Báo Tuổi trẻ ngày 14-3-2005.

[47] Báo Tuổi trẻ ngày 07-5-2005.

[48] Lời trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.

[49] Lời bài hát Tôi cố bám của Nguyễn Đình Toàn.

[50] Lữ Sinh đời Đường vào quán trọ, chủ quán đang nấu nồi kê (hoàng lương). Lữ Sinh nằm ngủ quên, mộng thấy mình thành đạt, giàu sang, phú quý, vợ đẹp, con khôn, rồi bỗng thất thế, bừng tỉnh dậy thì nồi kê vẫn chưa chín. Sau người ta dùng từ này để nói rằng mọi chuyện ở đời này đểu phù du giống như giấc mộng.

[51] Những câu cuối cùng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.