Chương bốn: Một thông điệp tuyệt vời cho mọi người trẻ

Đối với mọi người trẻ, Đức Giáo Hoàng công bố ba sự thật vĩ đại. Một “vị Thiên Chúa yêu thương”. “Thiên Chúa yêu các các bạn, đừng bao giờ nghi ngờ điều này” (112). Các bạn có thể “tìm thấy sự an toàn trong vòng tay của Cha trên trời” (113). Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định rằng ký ức Chúa Cha không phải là một ‘đĩa cứng’ có thể ‘lưu” và ‘trữ’ mọi dữ liệu của chúng ta. Ký ức của Người là một trái tim chứa đầy lòng trắc ẩn, một trái tim tìm thấy niềm vui trong việc ‘xóa’ khỏi chúng ta mọi dấu vết của tội ác... Vì Người yêu các các bạn. Hãy cố gắng ở yên trong giây lát và để bản thân các các bạn cảm nhận được tình yêu của Người” (115). Tình yêu của Người là một tình yêu “có liên hệ nhiều tới việc nâng cao hơn là hạ gục, tới hòa giải hơn là cấm đoán, tới việc cung hiến các thay đổi mới hơn là lên án, tới tương lai hơn là quá khứ” (116).

Sự thật thứ hai là “Chúa Kitô cứu các bạn”. Đừng bao giờ quên rằng, “Người đã tha thứ cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác, Người cõng chúng ta trên vai Người” (119). Chúa Giêsu yêu thương chúng ta và cứu chúng ta vì “chỉ những gì được yêu thương mới được cứu vớt. Chỉ những gì được ôm ấp mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả các nan đề, yếu đuối và sai sót của chúng ta” (120). Và “sự tha thứ và sự cứu rỗi của Người không phải là một điều chúng ta có thể mua, hoặc chúng ta có được bằng chính các việc làm hoặc nỗ lực của mình. Người tha thứ chúng ta và giải thoát chúng ta nhưng không, không phải trả tốn phí” (121).

Sự thật thứ ba là “Người đang sống!”. “Chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân về điều này... vì chúng ta có thể liều mình thấy Chúa Giêsu Kitô chỉ như một hình mẫu tốt đẹp trong quá khứ xa xôi, như một ký ức, như một người đã cứu chúng ta hai ngàn năm trước. Nhưng điều đó sẽ không có ích gì đối với chúng ta: nó sẽ không thay đổi chúng ta, nó sẽ không giải phóng chúng ta” (124). Nếu Người đang sống, “thì không thể nghi ngờ rằng sự tốt lành sẽ chiếm thế thượng phong trong đời các bạn... lúc đó chúng ta có thể ngưng việc phàn nàn và nhìn về tương lai, vì với Người điều này luôn luôn khả hữu” (127).

Trong các sự thật này, Chúa Cha xuất hiện và Chúa Giêsu xuất hiện. Và các vị ở đâu, Chúa Thánh Thần cũng ở đó. “Mỗi ngày, hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần... Các các bạn không có gì để mất, và Người có thể thay đổi cuộc đời các bạn, lấp đầy nó bằng ánh sáng và dẫn nó đi theo nẻo đường tốt đẹp hơn. Người không lấy mất của các bạn bất cứ điều gì, nhưng, thay vào đó, giúp các bạn tìm thấy mọi điều các bạn cần, và theo cách tốt nhất có thể” (131).

Chương 5: Các nẻo đường của tuổi trẻ

Tình yêu của Thiên Chúa và mối liên hệ của chúng ta với Chúa Kitô hằng sống không ngăn cản chúng ta mơ mộng; chúng không yêu cầu chúng ta thu hẹp các chân trời của chúng ta. Trái lại, tình yêu đó nâng cao chúng ta, khuyến khích chúng ta và gây hứng cho chúng ta tiến vào một cuộc sống tốt hơn và đẹp hơn. Phần lớn sự hoài mong hiện diện trong trái tim người trẻ có thể được tóm tắt trong chữ ‘bồn chồn không ngừng nghỉ’” (138). Nghĩ đến người trẻ, Đức Giáo Hoàng coi họ như một người “muốn bay bằng hai chân của họ, luôn luôn với một chân về phía trước, sẵn sàng lên đường, nhẩy về phía trước. Luôn luôn chạy đua về phía trước” (139). Tuổi trẻ không thể ở mãi thế “dừng chân” (on hold) vì đây là “tuổi chọn lựa” trong các lãnh vực chuyên nghiệp, xã hội, chính trị, và cả trong việc chọn bạn đời hay có đứa con đầu lòng.

“Xao xuyến bồn chồn có thể chống lại chúng ta bằng cách khiến chúng ta bỏ cuộc bất cứ khi nào chúng ta không thấy kết quả ngay lập tức. Ước mơ tốt nhất của chúng ta chỉ đạt được nhờ hy vọng, kiên nhẫn và cam kết, chứ không ở chỗ vội vàng. Đồng thời, chúng ta không nên do dự, sợ nắm bắt cơ hội hay mắc sai lầm” (142). Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời các bạn trẻ đừng quan sát cuộc sống từ ban công, đừng dành cuộc sống của họ cho màn hình, đừng bị giản lược thành các cỗ xe bị vứt bỏ và đừng nhìn thế giới như các du khách: “Hãy tạo om sòm! Hãy loại bỏ những nỗi sợ làm tê liệt các bạn... hãy sống!” (143). Ngài mời họ “sống với hiện tại” tận hưởng niềm vui với lòng biết ơn mọi hồng ân nho nhỏ của cuộc sống mà không “tham lam vô độ” và “tìm kiếm những thú vui mới một cách đầy ám ảnh” (146). Thực thế, sống với hiện tại “không y hệt như “dấn thân vào một cuộc sống phóng đãng vô trách nhiệm, chỉ có thể khiến chúng ta trống rỗng và mãi mãi không thỏa mãn” (147).

“Cho dù các bạn có sống trải nghiệm về những năm tháng tuổi trẻ bao nhiêu đi nữa, các bạn cũng sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ nhất của chúng trừ khi mỗi ngày, các bạn gặp được bạn thân của mình, một người bạn có tên là Giêsu” (150). Tình bạn với Người không thể hủy tiêu bởi vì Người không bỏ rơi chúng ta (154). “Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu xa nhất. Với Chúa Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn có thể có một cuộc trò chuyện”. Khi chúng ta cầu nguyện, “chúng ta mở mọi điều chúng ta làm” cho Người xem, và chúng ta dành cho Người không gian “để Người có thể hành động, đi vào và giành chiến thắng” (155). “Đừng tước mất tình bạn này của tuổi trẻ các bạn. Các bạn sẽ cảm nhận được Người ở bên cạnh các bạn”. Đó là điều các môn đệ Emmau đã trải nghiệm (156). Thánh Oscar Romero cho biết: “Kitô giáo không phải là một tập hợp các sự thật được tin, các quy tắc phải tuân theo hoặc các cấm đoán. Nhìn cách này, nó làm chúng ta mất hứng. Kitô giáo là một con người yêu tôi vô cùng, một con người đòi và hỏi tình yêu của tôi. Kitô giáo là Chúa Kitô”.

Khi nói đến sự tăng trưởng và trưởng thành, Đức Giáo Hoàng cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm “sự phát triển tâm linh”, “tìm kiếm Chúa và giữ Lời Người”, duy trì “mối nối kết” với Chúa Giêsu ... vì các bạn sẽ không phát triển trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ bằng nỗ lực và trí thông minh của riêng các bạn mà thôi” (158).

Người lớn cũng phải trưởng thành mà không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ: “Trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, chúng ta có thể đổi mới và gia tăng tuổi trẻ. Khi tôi bắt đầu thừa tác vụ của mình với tư cách là Giáo hoàng, Chúa đã mở rộng các chân trời của tôi và ban cho tôi một tuổi trẻ đổi mới. Cũng một điều này có thể xảy ra với một cặp vợ chồng trong nhiều năm, hoặc với một đan sĩ trong đan viện của ngài” (160). Già hơn có nghĩa là “giữ gìn và trân trọng những điều quý giá nhất của tuổi trẻ chúng ta, nhưng nó cũng liên hệ đến việc phải thanh lọc những điều không tốt” (161). “Nhưng tôi cũng sẽ nhắc nhở các bạn rằng các bạn sẽ không trở nên thánh thiện và tìm thấy sự thành toàn bằng cách sao chép người khác... Các bạn phải khám phá ra các bạn là ai và phát triển cách trở thành thánh thiện của riêng các bạn” (162). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề xuất “những nẻo đường huynh đệ” để sống đức tin; ngài nhắc nhở rằng “Chúa Thánh Thần muốn làm cho chúng ta thoát ra khỏi chính mình, để ôm lấy người khác... Đó là lý do tại sao sống đức tin với nhau và biểu lộ tình yêu của mình bằng cách sống trong cộng đồng luôn là điều tốt hơn” (164), vượt qua cơn cám dỗ “muốn quanh quẩn với chính chúng ta và các vấn đề của chúng ta, với cảm quan bị tổn thương và các bất bình của chúng ta” (166); “Thiên Chúa yêu thích niềm vui của người trẻ. Người muốn họ đặc biệt chia sẻ niềm vui của sự hiệp thông huynh đệ (167).

Sau đó, Đức Giáo Hoàng nói về việc "làm người trẻ và cam kết dấn thân”, ngài nói rằng người trẻ đôi khi có thể bị “cám dỗ rút vào các nhóm nhỏ... Họ có thể cảm thấy họ đang cảm nghiệm được tình huynh đệ và tình yêu, nhưng, trên thực tế, nhóm nhỏ của họ có thể trở thành chỉ là một cái đuôi nối dài chính cái tôi của họ. Điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu họ nghĩ đến ơn gọi làm giáo dân chỉ đơn giản là một hình thức phục vụ bên trong Giáo hội... Họ quên rằng ơn gọi làm giáo dân, trước nhất, được điều hướng tới đức ái bên trong gia đình và đức ái xã hội và chính trị” (168).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị rằng những người trẻ nên “vượt lên trên các nhóm nhỏ của họ và xây dựng tình bạn xã hội, trong đó, mọi người làm việc vì lợi ích chung. Sự thù hằn xã hội, mặt khác, là phá hoại. Các gia đình bị phá hoại bởi lòng thù hằn. Các quốc gia bị phá hoại bởi lòng thù hằn. Thế giới bị hủy diệt bởi lòng thù hằn. Và lòng thù hằn lớn nhất là chiến tranh. Ngày nay, chúng ta thấy rằng thế giới đang tự hủy hoại mình bởi chiến tranh vì chúng ta không thể ngồi xuống và nói chuyện” (169).

“Cam kết xã hội và tiếp xúc trực tiếp với người nghèo vẫn là những cách căn bản để tìm ra hoặc làm sâu sắc thêm đức tin của người ta và việc biện phân ơn gọi của họ” (170). Đức Giáo Hoàng trưng dẫn một gương sáng tích cực của những người trẻ từ các giáo xứ, trường học và các phong trào, những người “thường đi ra ngoài dành thời gian với người già cả và tật bệnh, hoặc đến thăm những khu dân cư nghèo nàn” (171).

Những người trẻ khác tham gia vào các chương trình xã hội nhằm xây dựng nhà ở cho những người vô gia cư, hoặc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại hỗ trợ cho người túng thiếu. Sẽ rất hữu ích nếu năng lực chung này có thể được gom góp và tổ chức một cách ổn định hơn”. Các sinh viên đại học “có thể áp dụng kiến thức của họ một cách liên ngành, cùng với người trẻ của các Giáo hội hoặc tôn giáo khác” (172).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích những người trẻ thực hiện cam kết này: “Tôi đã theo dõi các tường trình tin tức về nhiều người trẻ trên khắp thế giới, xuống đường để bày tỏ mong muốn có một xã hội công bằng và huynh đệ hơn ... Giới trẻ muốn trở thành người chủ động của thay đổi. Xin vui lòng, các bạn đừng để cho người khác trở thành chủ động của thay đổi!” (174)

Những người trẻ được kêu gọi trở thành “các nhà truyền giáo dũng cảm”, làm chứng khắp mọi nơi cho Tin Mừng bằng chính cuộc sống của họ, một điều vốn không có nghĩa là “nói về sự thật, mà là sống sự thật đó” (175). Tuy nhiên, không nên làm câm những chữ này: “Các bạn hãy học cách bơi ngược giòng, học cách để chia sẻ Chúa Giêsu và đức tin mà Người đã ban cho các bạn” (176). Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? “Không có biên giới, không có giới hạn: Người sai chúng ta đi khắp nơi. Tin Mừng dành cho mọi người, không chỉ dành cho một số người. Nó không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi với chúng ta hơn, dễ tiếp thu hơn, dễ chào đón hơn. Nó dành cho mọi người” (177). Và người ta không thể mong chờ một “sứ mệnh êm nhẹ và dễ dàng” (178).

Chương sáu: “Người trẻ có gốc rễ”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài đau lòng khi thấy “những người trẻ đôi khi được khuyến khích xây dựng một tương lai mà không có gốc rễ, như thể thế giới chỉ mới bắt đầu từ bây giờ” (179). “Nếu ai đó nói với những người trẻ bỏ qua lịch sử của họ, bác bỏ các kinh nghiệm của những người lớn tuổi, khinh bỉ quá khứ và chỉ mong chờ một tương lai mà họ hằng mơ ước, thì há không dễ dàng hay sao việc lôi kéo họ để họ chỉ làm những gì người ta nói với họ? Người ta cần những người trẻ nông cạn, mất gốc và không tin tưởng, để họ chỉ có thể tin tưởng vào những lời hứa của người này và hành động theo kế hoạch của anh ta. Đó là cách các ý thức hệ khác nhau hoạt động: chúng phá hủy (hoặc phá tung) mọi khác biệt để chúng có thể trị vì không bị chống đối” (181).

Những kẻ thao túng cũng sử dụng việc sùng bái tuổi trẻ: “Cơ thể trẻ trung trở thành biểu tượng của việc sùng bái mới này; mọi thứ liên quan đến cơ thể đó đều được thần tượng hóa và ham muốn chạy theo, trong khi bất cứ điều gì không trẻ trung đều bị coi thường. Nhưng sự sùng bái tuổi trẻ này chỉ đơn giản là một thủ đoạn mà cuối cùng chứng tỏ chỉ hạ giá người trẻ mà thôi” (182). “Các bạn trẻ thân mến, đừng để họ khai thác tuổi trẻ của các bạn để cổ vũ một cuộc sống nông cạn làm vẩn đục vẻ đẹp bằng những dáng vẻ bề ngoài” (183). Bởi vì có vẻ đẹp trong người lao động trở về nhà đầy bụi bặm và xốc xếch, ở người vợ già chăm sóc người chồng bệnh tật, trong lòng chung thủy của những cặp vợ cHồng Yêu nhau trong cảnh mùa thu của cuộc đời.

Thay vào đó, ngày nay, chúng ta cổ vũ tinh thần “một nền linh đạo không có Thiên Chúa, một cảm giới không có cộng đồng hay không quan tâm tới những người đau khổ, sợ người nghèo, bị coi là nguy hiểm và một loạt các chủ trương nhằm đưa ra một thiên đường tương lai, dù sao cũng mỗi ngày một xa vời hơn” (184). Đức Giáo Hoàng mời gọi người trẻ đừng để mình bị thống trị bởi ý thức hệ này, một ý thức hệ dẫn đến chính sách “thực dân hóa văn hóa” (185) vốn bứng rễ các người trẻ khỏi các thống thuộc văn hóa và tôn giáo của nơi họ phát xuất và có xu hướng thuần nhất hóa họ bằng cách biến họ thành một “đường sản phẩm mới dễ uốn nắn” (186).

Đức Giáo Hoàng nói rằng “điều căn bản là mối liên hệ của các bạn với người già”, giúp giới trẻ khám phá ra sự phong phú sống động của quá khứ. “Lời Chúa khuyến khích chúng ta gần gũi với người già, để chúng ta có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của họ” (188). “Điều này không có nghĩa là phải đồng ý với tất cả những gì người lớn nói hoặc tán thành mọi hành động của họ”. “Đây thực sự là một vấn đề cởi mở đối với việc tiếp nhận sự khôn ngoan được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” (190). “Thế giới chưa bao giờ hưởng lợi, cũng sẽ không bao giờ hưởng lợi, do việc mất nối kết giữa các thế hệ... Quả là một dối trá khi người ta làm các bạn tin rằng chỉ những gì mới mới tốt và đẹp” (191).

Nói tới “các giấc mơ và thị kiến”, Đức Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét: “Từ khi người trẻ cũng như người già đều mở lòng mình ra đón nhận Chúa Thánh Thần, họ tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Người già mơ các giấc mơ, và người trẻ thấy các thị kiến” (192). “Nếu người trẻ cắm rễ trong những giấc mơ đó, họ có thể nhìn sâu vào tương lai” (193). Đó là lý do tại sao chúng ta cần “cùng nhau mạo hiểm”, cùng nhau bước đi, trẻ và già. “ Các rễ cây không phải là mỏ neo cột buộc chúng ta” mà là “một điểm cố định nhờ đó chúng ta có thể lớn lên và gặp gỡ các thách thức mới” (200).

Chương bảy: “Thừa tác vụ tuổi trẻ”

Đức Giáo Hoàng giải thích rằng thừa tác vụ giới trẻ đã bị ảnh hưởng bởi các thay đổi về văn hóa và xã hội và “những người trẻ thường không tìm thấy trong các chương trình thông thường của chúng ta một giải đáp nào cho mối quan tâm của họ, nhu cầu của họ, các nan đề và vấn đề của họ” (202). Chính những người trẻ “các tác nhân của thừa tác vụ tuổi trẻ. Chắc chắn họ cần được giúp đỡ và hướng dẫn, nhưng đồng thời được tự do phát triển các phương thức mới, với óc sáng tạo và một sự táo bạo nào đó”. Chúng ta cần giúp những người trẻ “sử dụng sự hiểu biết thông sáng, tài khéo léo và kiến thức của họ để giải quyết các vấn đề và mối quan tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ” (203).

Thừa tác vụ tuổi trẻ cần phải linh hoạt, và cần phải mời “những người trẻ tham dự các biến cố hoặc các dịp có thể mang đến cơ hội không chỉ để học tập mà còn để trò chuyện, cử hành, ca hát, lắng nghe những câu chuyện có thực và trải nghiệm cuộc gặp gỡ chung với Đấng Thiên Chúa sống động” (204).

Thừa tác vụ tuổi trẻ phải có tính đồng nghị (synodal), nghĩa là có khả năng lên khuôn cho “một hành trình với nhau” và điều này bao gồm hai đường hành động rộng lớn: thứ nhất là vươn ra, thứ hai là tăng trưởng. Về đường thứ nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin tưởng vào khả năng của chính người trẻ trong việc “tìm những cách hấp dẫn để đến với nhau”. “Họ chỉ cần được khuyến khích và được tự do để được nhiệt tình”. Dù thế, điều quan trọng nhất “là mỗi người trẻ có thể táo bạo đủ để gieo hạt giống sứ điệp trên mảnh đất màu mỡ là trái tim của một người trẻ khác” (210). Nên dành ưu tiên cho “ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, tương quan và hiện sinh đán động trái tim”. Những người trẻ cần được tiếp cận “bằng ngữ pháp tình yêu, chứ không phải bằng cách giảng thuyết họ” ((211).

Đối với việc tăng trưởng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo chống lại việc đề xuất với những người trẻ từng trải nghiệm Thiên Chúa cách mãnh liệt “các cuộc gặp gỡ ‘đào tạo’ trong đó chỉ có các vấn đề tín lý và đạo đức được bàn luận ... Hậu quả là nhiều người trẻ cảm thấy buồn chán, mất đi ngọn lửa nóng của cuộc gặp gỡ giữa họ với Chúa Kitô và niềm vui được theo chân Người” (212).

Bất cứ dự án giáo dục hay con đường tăng triển nào cho giới trẻ, “chắc chắn cũng phải bao gồm việc đào tạo về tín lý và đạo đức Kitô giáo”, một điều phải xoay quanh tín lý sơ truyền (kerygma), “kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa qua cái chết và sự phục của Chúa Giêsu” và xoay quanh “việc tăng trưởng trong tình yêu huynh đệ, đời sống và việc phục vụ cộng đồng” (213).

Do đó, “thừa tác vụ tuổi trẻ nên luôn luôn bao gồm các dịp để đổi mới và đào sâu kinh nghiệm bản thân của chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa và Chúa Kitô sống động” (214). Nên giúp những người trẻ “sống như anh chị em, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đồng, phục vụ người khác, gần gũi người nghèo” (215).

Do đó, các định chế của Giáo hội nên cung cấp “các môi trường thích hợp”, “những nơi người trẻ có thể biến thành của họ, những nơi họ có thể đến và đi tự do, cảm thấy được chào đón và sẵn sàng gặp gỡ những người trẻ khác, bất kể các lúc khó khăn và thất vọng, hay hân hoan cử hành” (218).

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả “thừa tác vụ tuổi trẻ trong các định chế giáo dục”, khẳng định rằng các trường học đang “khẩn cấp cần việc tự phê”. Ngài nhắc nhở rằng “một số trường Công Giáo dường như chỉ được cấu trúc nhằm tự duy trì chính họ... Một trường học trở thành ‘một pháo đài’ (bunker), bảo vệ học sinh của mình khỏi lỗi lầm ‘từ bên ngoài’ là một biếm họa của xu hướng này”. Khi người trẻ rời khỏi nhà trường, họ cảm thấy “một sự mất kết nối không thể nào vượt qua giữa những gì họ được dạy và thế giới nơi họ sống”, trong khi, “một trong những niềm vui lớn nhất mà bất cứ nhà giáo dục nào cũng có thể có là thấy một học sinh trở thành một con người mạnh mẽ, hòa nhập tốt đẹp”. (221).

Chúng ta không thể tách rời việc đào tạo thiêng liêng khỏi việc đào tạo văn hóa... “Như thế, đây là thách thức lớn của các bạn: trả lời điệp khúc kiềm chế của chủ nghĩa tiêu dùng văn hóa bằng những quyết định có suy tư và vững chắc, với nghiên cứu, kiến thức và chia sẻ” (223). Trong số các lĩnh vực “phát triển mục vụ”, Đức Giáo Hoàng cho thấy “tầm quan trọng của nghệ thuật” (226), “tiềm năng của thể thao” (227), và “chăm sóc môi trường” (228).

Chúng ta đang cần một nền “mục vụ giới trẻ bình dân”, “rộng rãi và mềm dẻo hơn, có thể kích thích các hướng dẫn và đặc sủng tự nhiên mà Chúa Thánh Thần đã gieo trong giới trẻ, ở những nơi khác nhau trong đó, người trẻ di động một cách cụ thể. Nó cố gắng tránh áp đặt các trở ngại, các quy tắc, các kiểm soát và các cơ cấu bắt buộc lên những tín hữu trẻ tuổi này, vốn là những người lãnh đạo tự nhiên trong khu phố của họ và trong các môi trường khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khuyến khích họ” (230).

Nhờ tập chú vào một “thừa tác vụ tuổi trẻ thuần khiết và hoàn hảo, được đánh dấu bằng những ý tưởng trừu tượng, được bảo vệ khỏi thế giới và không có sai sót nào, chúng ta có thể biến Tin Mừng thành một đề xuất buồn tẻ, vô nghĩa và không hấp dẫn. Một thừa tác vụ tuổi trẻ như vậy kết cục trở thành xa lạ hoàn toàn với thế giới người trẻ và chỉ còn phù hợp với một tuổi trẻ Kitô giáo ưu tuyển, tự coi mình là khác biệt, trong khi sống trong một sự cô lập trống rỗng và vô dụng” (232).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta trở thành một “Giáo hội mở rộng cửa. Người ta cũng không phải chấp nhận đầy đủ mọi giáo huấn của Giáo hội để được tham gia vào một số hoạt động của chúng ta dành cho giới trẻ" (234). Cũng nên dành chỗ cho “tất cả những người có viễn kiến khác về đời sống, những người thuộc các tôn giáo khác hoặc những người tự tách mình ra khỏi các tôn giáo” (235). Biểu tượng cho cách tiếp cận này đã được tình tiết Tin Mừng về các môn đệ Emmau cung cấp cho chúng ta: Chúa Giêsu hỏi họ, lắng nghe họ một cách kiên nhẫn, giúp họ nhận ra những gì họ đang sống, diễn giải dưới ánh sáng Kinh thánh những gì họ đã sống, chấp nhận ở lại với họ, bước vào đêm tối của họ. Chính họ là những người chọn tiếp tục, không trì hoãn, cuộc hành trình theo hướng ngược lại (237).

“Luôn luôn là những nhà truyền giáo”. Để những người trẻ trở nên các nhà truyền giáo, không cần thiết phải thực hiện “một hành trình dài”. “Một người trẻ hành hương để xin Đức Mẹ giúp đỡ, và mời một người bạn hoặc một người đồng hành, do cử chỉ duy nhất này, cũng đã là một nhà truyền giáo tốt rồi” (239). “Thừa tác vụ tuổi trẻ luôn có tính truyền giáo” (240). Người trẻ cần tự do của họ được tôn trọng, “nhưng họ cũng cần được đồng hành”. Gia đình nên là nơi đầu tiên của việc đồng hành (242), và sau đó là cộng đồng. “Mọi người nên quan tâm đến người trẻ một cách có hiểu biết, đánh giá cao và âu yếm, và liên tục tránh phán xử họ hoặc đòi hỏi nơi họ một sự hoàn hảo ngoài tuổi đời của họ” (243). Hiện đang thiếu những người có kinh nghiệm hiến mình cho việc đồng hành (244) và “một số phụ nữ trẻ cảm thấy đang thiếu những mẫu mực về vai trò lãnh đạo phụ nữ trong Giáo hội” (245). Cũng những người trẻ này “mô tả cho chúng ta”các phẩm chất họ hy vọng tìm thấy nơi một nhà dìu dắt: “phải là một Kitô hữu trung thành gắn kết với Giáo hội và thế giới; một người không ngừng tìm kiếm sự thánh thiện; một người bạn tâm tình không phán xét. Tương tự như vậy, một người biết tích cực lắng nghe các nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cũng tích cực; một người yêu thương đậm đà và hiểu chính mình; một người nhìn nhận các giới hạn của mình và biết các vui buồn của cuộc hành trình thiêng liêng. Một phẩm chất đặc biệt quan trọng nơi các nhà dìu dắt là sự nhìn nhận nhân tính của chính họ - sự kiện họ là những con người mắc sai lầm: không phải là người hoàn hảo nhưng là những kẻ tội lỗi được tha thứ” (246). Họ nên biết cách “đi bên cạnh họ”, tôn trọng tự do của họ.

Chương tám: “Ơn gọi”

“Điều đầu tiên chúng ta cần biện phân và khám phá là: Chúa Giêsu muốn làm bạn với mọi người trẻ” (250). Ơn gọi là một lời kêu gọi phục vụ truyền giáo cho những người khác, “vì đời sống của chúng ta trên trái đất đạt đến tầm vóc đầy đủ khi nó trở thành một dâng hiến” (254). “Để đáp ứng ơn gọi của chúng ta, chúng ta cần phải phát huy và phát triển tất cả những gì chúng ta đang có. Điều này không liên quan gì đến việc tự phát minh ra mình hoặc tự tạo ra chúng ta từ hư vô. Nó có liên quan đến việc tìm thấy bản ngã thực sự của chúng ta dưới ánh sáng của Thiên Chúa và để đời sống chúng ta đơm hoa và sinh trái” (257). “Việc ‘ở đó với những người khác’ này thường liên quan với hai vấn đề căn bản: thành lập một gia đình mới và làm việc” (258).

Về “tình yêu và gia đình”, Đức Giáo Hoàng viết rằng: “Những người trẻ mạnh mẽ cảm nhận được tiếng gọi của tình yêu; họ mơ ước được gặp đúng người để họ có thể tạo lập một gia đình” (259). Bí tích Hôn phối “bao bọc tình yêu này bằng ơn thánh của Thiên Chúa; nó bén rễ tình yêu này trong chính Thiên Chúa” (260). Thiên Chúa tạo ra chúng ta như những hữu thể tính dục. Chính Người đã tạo ra tính dục, đó là một hồng phúc tuyệt vời. “Nó không phải là một điều cấm kỵ”. Nó là một hồng phúc Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nó có “hai mục đích: yêu thương và tạo ra sự sống. Đó là niềm đam mê... Tình yêu đích thực là đam mê” (262).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét rằng “sự gia tăng ly thân và ly dị ... có thể gây ra đau khổ lớn lao và khủng hoảng về bản sắc nơi người trẻ. Đôi khi, họ phải đảm nhận những trách nhiệm không tương xứng với tuổi của họ” (262). Bất chấp mọi khó khăn này, “việc các bạn hết sức nỗ lực đầu tư vào gia đình vẫn rất xứng đáng; ở đó các bạn sẽ tìm thấy những khuyến khích tốt nhất để trưởng thành và những niềm vui lớn nhất để trải nghiệm và chia sẻ. Các bạn đừng để bản thân mình bị cướp mất tình yêu vĩ đại ấy”(263).

“Tôi nghĩ rằng không có gì tầm thường bằng lời nói dối lừa đảo, thay vào đó, tôi yêu cầu các bạn trở thành những nhà cách mạng, tôi yêu cầu các bạn bơi ngược giòng” (264).

Về việc làm, Đức Giáo Hoàng viết: “Tôi yêu cầu người trẻ đừng mong sống mà không làm việc, phụ thuộc vào người khác để được giúp đỡ. Điều này là không tốt, vì việc làm là một điều cần thiết, một phần của ý nghĩa cuộc sống trên trái đất này, một con đường tăng triển, phát triển con người và thành toàn bản thân. Theo nghĩa này, giúp đỡ người nghèo về tài chính phải luôn là một giải pháp tạm thời khi đương đầu với những nhu cầu cấp bách” (269).

Sau khi nhận định người trẻ trong thế giới làm việc kinh qua như thế nào các hình thức loại trừ và đẩy ra bên lề (270), Đức Giáo Hoàng khẳng định như sau liên quan đến nạn thất nghiệp của người trẻ: “Đây là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm mà chính trị phải lấy làm ưu tiên, nhất là lúc này, khi tốc độ của tiến bộ kỹ thuật và mối quan tâm giảm thiểu chi phí lao động có thể nhanh chóng dẫn đến việc thay thế nhiều việc làm bằng máy móc” (271). Đối với người trẻ, ngài nói: “Đúng là các bạn không thể sống mà không làm việc và đôi khi các bạn phải chấp nhận bất cứ điều gì có sẵn, nhưng tôi yêu cầu các bạn đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, đừng bao giờ hoàn toàn vùi dập ơn gọi và đừng bao giờ chấp nhận thất bại” (272).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc chương này bằng cách nói tới “ơn gọi thánh hiến đặc biệt”. “Khi biện phân ơn gọi của các bạn, đừng bỏ qua khả thể hiến mình cho Thiên Chúa... Tại sao không? Các bạn có thể chắc chắn điều này, nếu các bạn nhìn nhận và bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa, ở đó các bạn sẽ tìm thấy sự thành toàn trọn vẹn” (276).

Chương chín: “Biện phân”

Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ rằng: “Không có sự khôn ngoan của biện phân, chúng ta dễ trở thành con mồi cho mọi xu hướng mau qua” (279). “Một hình thức biện phân đặc thù liên quan đến cố gắng khám phá ra ơn gọi của chính chúng ta. Vì đây là một quyết định rất có tính bản thân mà người khác không thể làm thay cho chúng ta, nên nó đòi hỏi một mức độ cô độc và im lặng nào đó”(283). “Ơn gọi, dù là một ơn ban, nhưng chắc chắn cũng sẽ rất đòi hỏi. Ơn ban của Thiên Chúa có tính tương tác; để hưởng được chúng, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro” (288).

Ba nhạy cảm được đòi hỏi nơi những người giúp đỡ người trẻ trong việc biện phân của họ. “Loại nhạy cảm đầu tiên hướng về cá nhân. Đó là vấn đề lắng nghe một người đang chia sẻ chính bản ngã của họ trong những điều họ nói” (292). “Loại nhạy cảm thứ hai được đánh dấu bằng biện phân. Nó cố gắng nắm bắt chính xác nơi ơn thánh hay cám dỗ hiện diện” (293). “Loại nhạy cảm thứ ba là khả năng tri thức được điều đang thúc đẩy người khác”, biện phân “hướng mà người đó thực sự muốn đi” (294). “Khi chúng ta lắng nghe người khác theo cách này, ở một thời điểm nào đó, chính chúng ta phải biến đi để người khác kia bước theo nẻo đường họ đã phát hiện. Chúng ta phải biến đi như Chúa từng làm trước mắt các môn đệ của Người ở Emmau” (296). Chúng ta cần “khuyến khích và đồng hành với các diễn trình này, mà không áp đặt lộ trình của chúng ta. Vì các diễn trình này liên quan tới những con người luôn luôn độc đáo và tự do. Không hề có những công thức dễ dãi” (297).

Tông huấn kết thúc với “một nguyện ước” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “các bạn trẻ thân mến, niềm hy vọng hân hoan của tôi là thấy các bạn tiếp tục cuộc đua trước mặt các bạn, bỏ xa tất cả những người chậm chạp hoặc sợ hãi. Các bạn hãy tiếp tục chạy đua, được thu hút bởi khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng chúng ta rất yêu mến, Đấng chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể và thừa nhận trong xác thịt anh chị em đau khổ của chúng ta. Giáo hội cần động đà (momentum) của các bạn, trực giác của các bạn, đức tin của các bạn... Và khi các bạn đến nơi chúng tôi chưa đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi”.