Tấm lòng Mục Tử


T rái tim Đức Cha Tạo, có thể nói, đã bắt đầu cùng rung một nhịp với giáo phận Hải Phòng, ngay từ lúc bấn loạn với tin mình được Tòa Thánh bổ nhiệm trông coi giáo phận này.

Ngài không viết nhiều về điều này. Nhưng chỉ một chi tiết thôi cũng đủ nói lên điều ấy: sau khi tỏ ý từ khước việc bổ nhiệm, ngài không đạp xe trở về Sơn Tây ngay, mà nán ở lại Hà Nội thêm 2, 3 ngày, chờ Đức Khâm Sứ Dooley xác nhận giáo phận Hải Phòng đã có Cha Chính (tổng đại diện).

Ngài viết: “Mừng thầm, tôi vội lấy xe đạp thủng thỉnh thuận gió đạp ngược đến nhà ngủ một giấc ngon, không nhớ từ bé đến hôm ấy có giấc ngủ nào ngon như thế chăng”. Mừng vì dù sao giáo phận này cũng có người “đứng mũi chịu sào”, mình có suy nghĩ thêm về việc “trạch cử” cũng không sao.

Ý niệm “đứng mũi chịu sào” quả là nguyên tắc khiến Đức Cha Tạo sau đó đã chấp nhận việc bổ nhiệm: “Cho rằng không làm được gì nữa chăng, it ra cũng đứng hấng lấy mọi cái đỡ các linh mục”.

Các linh mục đây vì đếm trên mười đầu ngón tay, nên càng cần có người “đứng hấng lấy mọi cái”. Thực vậy, lúc Đức Cha về nhận giáo phận, Hải Phòng chỉ còn trên dưới 10 linh mục mà đa số thuộc loại “cha già”. Mỗi lần liệt kê, ngài liệt kê không thiếu một vị nào.

Nhân kỳ cấm phòng năm 1956, Đức Cha liệt kê 9 cha, nhưng có nhắc đến tên Cha Khiết, bán thân bất toại, và Cha Lương ở Nam Am, tuy không thấy được phân công gì. Như thế là 11 linh mục tất cả, hợp với con số của cuốn “Công Giáo Trên Quê Hương Việt Nam” Quyền Hai, của linh mục Nguyễn Thế Thoại. Số giáo dân lúc đó là 55,600 người. Những con số này cũng hợp với các con số của Cha Bùi Đức Sinh trong “Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam I-III” (xuất bản tại Canada), theo đó, đầu năm 1954, dưới sự cai quản của Đức Cha Trương Cao Đại, giáo phận có 90 linh mục triều, 16 linh mục dòng, 16 đại chủng sinh, 61 giáo xứ, 525 nhà thờ lớn nhỏ, 135,000 giáo dân. Biến cố di cư năm đó khiến 65,000 giáo dân, 80 linh mục, toàn bộ chủng sinh và dì phước vào Miền Nam.

Trong số các linh mục trên, vị trẻ nhất chắc chắn là linh mục Đa Minh Phạm Quang Phước, sinh năm 1914, người, theo chỗ chúng tôi biết, đã có khuynh hướng ngả theo Cộng Sản từ những ngày còn phục vụ ở giáo xứ Nam Am, dưới quyền cha chính xứ Đa Minh Lương, trước khi Cộng Sản hoàn toàn chiếm Miền Bắc. Vị tiền nhiệm của linh mục Phước trong tư cách cha phó Nam Am là linh mục Nghĩa, bị Việt Minh sát hại khi đi làm phúc tại giáo họ Dương Am năm 1952. Ngài được chôn cất cạnh nhà thờ Nam Am, và là vị linh mục đầu tiên được chôn cất tại đấy, một ngôi mộ khá cao lớn, linh mục Phước không thể không trông thấy suốt thời gian phục vụ tại Giáo Xứ Nam Am. Việc ngài ngả theo Cộng Sản để gia nhập Ủy ban Liên lạc Công Giáo và sau này, còn ra ứng cử vào Quốc Hội của cái gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, khóa V, vì thế, không hẳn do ngu dốt, mà là một việc có dự tính mưu toan. Mặc dù Đức Cha Tạo cho rằng đa số các cha không biết gì về Ủy ban này.

Không biết linh mục Phước được điều động về giáo xứ Hải Dương từ năm nào. Nhưng trong kỳ cấm phòng năm 1956, Đức Cha Tạo đề cử ông coi giáo xứ Hải Dương và một số giáo xứ lân cận. Phần ghi chú ở cuối trang 39 là trang nói đến việc nghinh đón Đức Cha Tạo về nhận giáo phận ngày 28-4-1956, có ghi “Cha Phạm Quang Phước coi khu Hải Dương vào ủy Ban Liên lạc Công Giáo bị rút tờ các phép”.

Việc “rút tờ các phép” trên chắc chắn chỉ do Đức Cha Tạo quyết định, không thể đã có từ thời Đức Cha Trương Cao Đại vì dưới thời này, chưa có Ủy ban Liên lạc Công Giáo (thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1955, với linh mục Vũ Xuân Kỷ - người sáng lập Ủy ban - được tôn làm Chủ tịch). Khó có thể do Cha Chính Hiệp vì có thể Cha Chính Hiệp cũng không biết chi về bản chất của Ủy ban này.

Suy đoán trên được củng cố với biến cố “Ngày 25-8-1956, tôi đến Hải Dương. Cha Phước đi Hungari mới về Hải Dương trước hôm 24-8-1956. Trước khi đi đến tôi xin tờ Celebret (chứng chỉ được phép làm lễ). Tôi chối. Hôm 2-6-1956 Thủ tướng Phạm Văn Đồng có trách mát tôi một câu: ‘Đức Cha hẹp hòi với linh mục Phước’. Đó là điều tôi đoán chắc cha Phước đã trình bày với Thủ tướng”. Như vập, việc “rút tờ các phép” đối với linh mục Phước diễn ra ngay sau khi Đức Cha Tạo về nhận giáo phận, tháng 4 năm 1956.

Điều ấy nói lên nỗi lòng của vị tân mục tử: dù giáo phận rất thiếu linh mục, nhất là linh mục trẻ như Cha Phước, ngài vẫn muốn các linh mục của ngài phải là các mục tử thực sự, trung thành với Tòa Thánh, chỉ biết chăm lo phần rỗi của tín hữu.

Dù thế, ngài vẫn trao trọng trách cho Cha Phước coi giáo xứ Hải Dương, nơi có Đền Thánh Tử Đạo nổi danh, và hàng chục giáo xứ lân cận, rõ ràng với hy vọng Cha sẽ “trở về”, ra khỏi Ủy ban Liên lạc Công Giáo để toàn tâm toàn trí cùng ngài chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Cha Phước không đáp ứng thiện chí ấy, vẫn tiếp tục ở lại Ủy ban và theo tài liệu của Quốc Hội Cộng Sản, sau này, Cha còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, và là Đại biểu Quốc hội khoá V (khóa ngắn nhất: 1975-1976). Như đã nói, năm 1975, tại thềm Dinh Độc Lập, Sài Gòn, Cha đứng cạnh Chủ Tịch Tôn Đức Thắng, ngày mừng Sài Gòn giải phóng! Cha qua đời năm 1983, không hiểu có “làm hòa” cùng Giáo Phận hay không.

Tuy nhiên, cả với một linh mục như thế, Đức Cha Tạo vẫn coi là người của ngài. Một điều đáng lưu ý: Đức Cha Tạo không bao giờ viết bất cứ điều gì về Cha Phước, ngoại trừ việc ngài “bị rút tờ các phép” và lý do của việc này.
Ngài vẫn đi lại, chuyện trò, tiếp xúc, với Cha Phước không hề từ khước, hắt hủi, tẩy chay: “Cha Phước đến, Đức Cha cũng hỏi thăm vui vẻ, cũng cho biết qua tình hình địa phận...”. Đây là lúc Cha Phước về Nhà Chung dự cấm phòng năm 1961. Dịp này, cha Phước cho Đức Cha hay: cha không thay đổi lập trường. Và Đức Cha cũng cho cha hay: lập trường của ngài vẫn không thay đổi. Chính vì thế, Cha Phước đã có một “diễn từ” khá dài ngỏ cùng Đức Cha và các cha, sau đó, ngỏ cùng các chủng sinh, lớn tiếng phê phán cung cách “lỗi thời” của Đức Cha, như chúng tôi đã thuật lại ở phần trước. Những lời lẽ này có lẽ là cọng rơm cuối cùng làm tràn ly nước, khiến giữa hai vị, không còn liên hệ thân hữu như trước. Cũng từ đó, ít khi Đức Cha nhắc đến vị linh mục này.

Và có lẽ cũng vì thái độ cứng rắn ấy, Đức Cha bị Cộng Sản hạn chế đi lại. Đến nỗi nghe việc Cha Lương qua đời một cách khốn khổ, ngài cũng phải chờ khá lâu mới được tin chính xác, huống hồ là tới cử hành lễ an táng!

Nhưng khi có thể đi thăm các giáo xứ, Đức Cha không quản ngại chi trong thừa tác vụ này. Tháng 6-1956, ngài đi kinh lý các giáo xứ thuộc giáo phận Bắc Ninh, nơi ngài kiêm giám quản tông tòa. Nhưng qua tháng 7-1956, ngài vẫn chưa thể đi kinh lý các giáo xứ thuộc giáo phận Hải Phòng, vẫn loanh quanh với chuyện đăng ký, xin phép chính quyền.

Mãi “Ngày 23-8-1956, được giấy, tôi bắt đầu đi [kinh lý]” các giáo xứ giáo phận ấy. Đức Cha lần lượt thăm Hải Dương, nơi có Cha Phước; Kẻ Sặt, nơi có Cha Mỹ vốn là dưỡng phụ của Đức Tổng Giám Mục Vũ Văn Thiên hiện nay (Cha Mỹ: “mấy năm trước đã bị bắt đi tù, được thả về, hồi mùa chay 1956 lại đấu tố đem rốt vào một nhà ở làng Kẻ Sặt, không được ở nhà làm lễ, không ai dám đến thăm hỏi chỉ có hai cậu bé, cậu Dương và cậu Tín hằng ngày tiếp tế cơm cho mà ăn”); Đào Xá, Bùi Xá (từng đấu tố cha Chính Hiệp); Đại Điền; Nhân Nghĩa (có họ Phú Lương “bỏ đạo cả”); Mãn Nhuế (có họ Phúc Xuyên, “không có ai đến dự kinh lược, có nhẽ không ai giữ đạo nữa”); Mặc Cầu; Trung Hà; Đáp Khê; Kim Bịch; Xâm Bồ; Đồng Xá; Ngãi Xuyên; Mỹ Động (“hồn xác khá nhưng không thống nhất đoàn kết với nhau”); Xuân Hòa (“Cha Khiết bất toại không được làm lễ, cha Dominicô Nguyễn Đức Trung quê Kẻ Sặt phải coi sóc cả 4 xứ huyện Tiên Lãng, đang đi chữa bệnh tại Hải Dương”; có ba giáo họ “chẳng ai đến chi. Không chắc có giữ đạo nữa”); Đông Côn (“cha Joseph Đỗ Trinh Khiết bất toại, một chân một tay bị khô quắt, không cử động được, chỉ ngồi nằm được, xê dịch phải có người cõng, hoặc ngồi ghế người ta khiêng đưa đi từ chỗ này sang nơi khác”); Đông Xuyên (“cha Trang coi sóc, nhưng người đi Hải Dương chữa bịnh”; “tính khí cương trực cứng cổ”; “Ở đây lúc tôi mới đến, còn có người chưa tin tôi là Giám Mục thật. Họ còn đặt câu hỏi có khi là Giám Mục giả chăng, đến sau nghe giảng họ mới tin”): Thúy Liễu (Súy Nẻo) (“Cha Trang bị bắt trong thời kỳ Cải Cách, bị giam, cùm, thiếu thốn khổ cực, mang tật đau chân mãi”; có “Họ Náng Trình còn một người giữ đạo”; “có họ ra khô khan không đón cha xứ đến làm phúc như Bịch Sa”); Nam Am (Cha xứ Đaminh Lương qua đời vì bị bỏ đói do đấu tố trước đó 3 tháng, Cha Cẩn hiện phụ trách; tại đây có những buổi thú tội công khai của những người trước đây đấu tố Cha Lương; “Đông trẻ chịu phép Thêm Sức, nhiều người xưng tội. Cha già Cẩn, cha Quynh, tôi ngồi toà có khi đến 2 giờ đêm”); Liễu Dinh (“không có cha ở đấy”; “Họ Trại Lan ... bỏ đạo dần, không chắc còn ai giữ đạo hẳn hoi”).

Liễu Dinh dường như là giáo xứ Hải Phòng sau cùng được Đức Cha Tạo đến kinh lý. Vì sau đó, thấy ngài đến Hải Dương ngày 5-11-1956 để cử hành Lễ Kính các chân phúc Tử Đạo Việt Nam tại đó. Rồi trở về Hải Phòng lo cấm phòng cho các thầy già và các cha. Cấm phòng xong, Đức Cha đi kinh lý các giáo xứ Bắc Ninh cho tới cuối năm 1956 mới trở lại Hải Phòng.

Đầu năm 1957, Đức Cha nhắc đến khu Hồng Quảng (Hồng Gai và Quảng Yên) và việc đặt cha Thanh coi khu vực này, nhưng không thấy nói ngài tới đó kinh lý. Cuộc kinh lý của Đức Cha kể như chấm dứt ở Liễu Dinh vì tuy ngày 5-1-1957, ngài tới kinh lý xứ Nam Pháp, nhưng Nam Pháp vốn thuộc nội thành Hải Phòng, nơi, trên nguyên tắc, ngài không phải xin giấy thông hành, có thể đến bất cứ lúc nào.

Cuốn “Hồi Ký” sau đó không còn nói tới cuộc kinh lý nào nữa của Đức Cha Tạo. Ngài không ghi lý do tại sao. Chắc chắn không phải vì ngài không muốn. Đọc kỹ thì thấy ở ghi chú 96 có viết: “đến năm 1957 Đức cha không được đi đâu nữa”. Không biết tháng nào của năm 1957, vì cho đến lúc Đức cha phải ra tòa lần thứ hai, ngày 24-8-1957, có ghi là từ tòa án ra, ngài được Cha Quynh đưa lên xe về tòa Giám Mục và ở ghi chú 92 có ghi: “Năm ấy toà giám mục mua lại được chiếc xe Gíp dùng để đi lại cho tiện, nhất là khi đi kinh lược”.

Điều ấy giải thích lý do tại sao chỉ trong vòng non ba tháng, Đức Cha đã đạp xe đạp đi thăm phần lớn các giáo xứ của giáo phận Hải Phòng: chính quyền có thể rút lại giấy thông hành bất cứ lúc nào! Việc vội vàng hối hả vì con chiên của vị mục tử không mấy mạnh khỏe này trước sức ép của một cường quyền càng được chứng tỏ hơn nữa qua biến cố đạp xe đạp một hơi hơn 60 kilômét để hoàn tất chuyến viếng thăm giáo xứ Đồng Xá. Ngày 5-10-1956, Đức Cha đến đó thì trời đã tối. Vừa tới nơi, “đã có giấy tỉnh Hải Dương gọi tôi về Hải Phòng 8 giờ ngày hôm sau 6-10-1956. Tôi quyết tâm đi, cha Quynh có nói: Đức Cha mới đạp 30 cây số, ngày mai lại đạp 60 cây số vừa đi vừa về, ốm chết mất”.

Cũng có khi vì mục vụ, Đức Cha đã không thèm lưu ý gì tới lệnh lạc của cường quyền. Như trước đó hai ngày, tức ngày 3-10-1956, vì đã có chương trình đi kinh lý Bắc Ninh, nên khi nhận được giấy trễ đòi ra trụ sở Ủy Ban Hành Chính Hải Phòng, Đức Cha vẫn cứ đi Bắc Ninh, nhờ cha Chính Hiệp báo cáo với họ.

Trong phần lớn các lần đi kinh lý, Đức Cha Tạo đề cập đến 2 vấn đề: Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo và tờ báo Chính Nghĩa của họ và nhấn mạnh với tín hữu giáo dân không nên tham gia và đọc vì họ không phải đại diện cho Giáo Hội Công Giáo. Điều này cho thấy đây là bận tâm số một của vị mục tử giáo phận. Không thấy ngài nhắc tới các nội dung khác.

Tuy nhiên, ngoài những lần đi kinh lý, Đức Cha Tạo còn gửi thông cáo và huấn thị cho giáo dân trong giáo phận. Hồi ký ghi “ngày 10-1-1957, thông cáo cho mọi người rõ Uỷ ban Liên lạc Công Giáo vượt thẩm quyền Giáo hội và, Uỷ Ban Hoà Bình Công Giáo là tổ chức người Công Giáo không được gia nhập. Ngày 10-1-1957, huấn thị cho giáo hữu Hải Phòng chớ vu khống, tố cáo các đấng trong Hội Thánh trước chính quyền... Ngày 17-1-1957, thông cáo lần 2, ai gia nhập Uỷ ban Liên lạc Công Giáo không được chịu các phép Bí tích”.

Hồi ký ghi thêm “Ngày 24-2-1957, gửi Thư Chung cho hai địa phận về mùa chay cần ăn năn hãm mình đền tội, cầu nguyện, suy ngắm sự thương khó Chúa Giêsu... Ngày 3-4-1957, gửi Thư Chung về Tuần Thánh... Cần tôn nghiêm sốt sắng, chớ quá chú trọng về hình thức bên ngoài mà sao nhãng nội tâm”...

Nhiều người cho rằng giáo hội miền Bắc bị bưng bít, không theo dõi được các biến chuyển tích cực trong Đạo Công Giáo Hoàn Vũ. Điều này không hẳn đúng, vì các biến cố như sự qua đời của Đức Piô XII, sự lên ngôi và qua đời của Đức Gioan XXIII và sự lên ngôi của Đức Phaolô VI và biến cố Công đồng Vatican II đều được Đức Cha Tạo ghi lại trong Hồi Ký, cử hành các buổi cầu nguyện và xin các tín hữu tham gia. “Ngày 1-5-1963, lễ Thánh Giuse công nhân, ngày Quốc Tế Lao Động, buổi chiều Đức Cha làm lễ, giảng theo Thông điệp ‘Mẫu Sư’ Mater et Magister của Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Một số cán bộ đảng viên đến nghe, về nhà cũng cùng với đồng đảng thừa nhận đời sống thành thị với thôn quê quá chênh lệch nên nhân dân càng xô nhau đến lập cư ở thành thị. Năm 1963, Đức Cha giảng về những thủ đoạn bóc lột lao động của công nhân và những sai trái của công nhân đối với trách nhiệm. Rồi cũng có người cho là nói móc chống đối với chế độ”.

Đáp ứng của con chiên bổn đạo đối với các lần đi kinh lý của Đức Cha khá tích cực. Ngài thuật lại lúc đến thăm giáo xứ Lai Tê, Bắc Ninh, ngày 18-6-1956 “Hôm tôi đi đến Lai Tê gặp buổi mưa dầm, tôi sắn quần cao, tay cầm gậy chống phòng thủ cho khỏi ngã nơi đường này trơn. Đến đất nhà thờ, giáo hữu đang chờ đón rước. Thoạt trông thấy tôi, nhiều người oà lên khóc vì trông thấy đấng Giám Mục phải tất tưởi vất vả đến với họ. Gượng hết sức nén cơn xúc động, tôi nói: thế mới mát!”

Những cảnh sắn quần như thế xẩy ra thường xuyên, kể cả lần đến thăm giáo xứ Hải Dương ngày 25-8-1956, mở đầu cho chuyến kinh lý các giáo xứ của giáo phận Hải Phòng: “Hồi ấy mưa nhiều, đường phố Hải Dương nhiều khu ngập. Chúng tôi phải sắn quần, vén áo, lội vào khu nhà thờ”.

Lòng mộ mến chủ chăn có khi đi quá đáng, như ngày 30-11-1956, đến thăm Đại Từ cách thị xã Thái Nguyên 25 cây số. “Giáo hữu muốn tỏ lòng tôn trọng tôi, họ định để mời tôi ngồi trên song loan khiêng như kiệu vậy, nhưng tôi không đồng ý”. Thực ra, lý do của sự quá đáng này phần nào hiểu được vì “Đến sông, cầu đã bị phá huỷ, mùa nước ấy cạn, lòng sông đã soi nước sàn sàn, chỗ nào sâu chỉ đến trên mắt cá chân. Cùng với người ta, lội qua sang bên kia, bắt đầu tôi mặc phẩm phục rước vào nhà thờ xứ Đại Từ”.

Có những lần “đi đàng đói lả (fatigatus itinere)”, khi đi thăm họ Bến Đông, thuộc giáo phân Bắc Ninh. Tưởng sau đó, về nhà ăn tối. Nào ngờ “Đạp được một quãng trời tối, đến bến đò không còn chuyến phà nào nữa...Phải hỏi tìm đến nhà ông cai phà nói, ông nể lòng liền hô hào anh em, mọi người vui lòng chở qua sông bình an. Lại nhảy lên xe đạp, nhưng tôi thấy mệt lắm rồi. Hai chân mỏi rời ra, đạp mãi đến ngang hàng nước. Nhà hàng đã ngủ yên rồi, gọi mãi mới dậy; hỏi đến quà bánh cũng hết, chỉ còn vài nải chuối. Tôi ăn qua loa sợ cồn ruột... Ăn quả chuối xong, tôi với cha Quảng lại lên xe đạp thủng thỉnh một quãng ước 20 phút mới thấy xích lô đến, đưa tôi về Bắc Ninh. Đến nơi đã quá 9 giờ tối, húp mấy bát cháo, đoạn lên giường ngủ một giấc ngon cho đến chuông hiệu sáng dậy. Từ bé chưa một lần nào đói lả như lần này!”

Nhờ những lần đi kinh lý cũng như các thư và huấn thị mục vụ như thế, lòng đạo của giáo hữu được duy trì, bảo tồn. Nhiều gương hy sinh vì đạo đã được Đức Cha ghi lại. Như vụ anh Chinh ở giáo xứ An Tân, Hải Phòng bị bắt giam ở nhà giam Trần Phú. Công an đến dụ mẹ anh khuyên anh nhận tội. Bà dõng dạc nói với họ: “Thực ra cũng chỉ vì việc đạo mà chính quyền bắt giam nó, tôi rất vui lòng, ngày nay cháu tôi nó lại được chịu khó vì đạo như cha ông tôi đã chịu khó chịu chết vì đạo xưa. Cháu tôi nó được phúc ấy, tôi sung sướng biết chừng nào!”.

Bà mẹ anh Minh, người cùng bị bắt với anh Chinh, cũng cùng một lập trường như thế: “Như vậy tôi chả thấy con tôi có lỗi gì mà bảo nó nhận lỗi. Chú bác tôi đã tử vì đạo, nay vì việc đạo, con tôi bị bắt giam, đó là chịu khó vì đạo, có được chịu chết vì đạo nữa, thì tôi còn sung sướng hơn nhiều”.

Khác với trường hợp Cha Già Lương bị bỏ đói, giáo dân An Tân đã đến thăm hai anh “đem đồ ăn tiếp tế, thời thường đem những thứ ngon như giò chả, bánh quà, đến nỗi, người ta phải thốt ra câu: ‘Đi tù mà sướng như thế, sướng hơn ở nhà, ai cũng muốn đi tù’”.

Trong cố gắng khuyến khích, cổ vũ tín hữu duy trì, bảo tồn đức tin chống ảnh hưởng và thúc bách của văn hóa và ý thức hệ Cộng Sản, Đức Cha đã cho in “văn bằng, bằng khen và tờ tuyên xưng đức tin”. Trong văn bằng có câu: “Tôi không dám gia nhập, tán thành, ủng hộ đảng phái nào Toà Thánh Roma đã bài bác”. Chính vì thế, ngài phải ra tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hai lần, lần đầu trong hai ngày liên tiếp 16 và 17 tháng 8 năm 1957 và lần sau 24-8-1957.

Tòa án, trước các lời biện hộ đanh thép của Đức Cha, dường như đã lặng lẽ cho chìm xuồng vụ kiện. Do đó, theo ngài “Quãng 11 giờ, người trong toà án đưa tôi đi lối cửa nách, không ra cửa chính”.

Đức cha không nói rõ chung cuộc của vụ án ra sao, nhưng ngài cho biết “Vừa trông thấy tôi, giáo hữu cùng với mọi người bên lương ở trước sân toà án hoặc những ai ngược xuôi qua gần đấy cùng chạy xô đến. Tôi phải dừng lại cho mấy người hôn nhẫn. Mọi người dân có đạo dù không đều quỳ giữa phố để tôi giơ tay làm phép cho”.

Nhưng lòng đạo của giáo hữu được biểu lộ cảm kích nhất là dịp tang lễ của Cha Phêrô Nguyễn Hữu Độ, một tang lễ được tổ chức ngay trên đường phố và số người tham dự đông hơn cả tang lễ của chính Đức Cha sau này vào năm 1977.

Đức Cha ghi lại: “Ngày 18-4-1961, cử hành an táng cha Độ tại nghĩa địa Thiên thần... Giáo hữu đâu được tin cũng đến, đâu không được tin, họ tiếc lắm. Số giáo hữu đông quá sự ước lượng. Trước đã tính đi lối tắt (3 kilômét), sau thấy đông người mới đổi chương trình mà đi lối đường dài (6 kilômét) kẻo nguyên xếp hàng đã hết lối đi. Chưa từng thấy có vẻ trật tự, sự nghiêm trang của một đám an táng nào ở Hải Phòng được như đám này”.

Ngài kể thêm: “giáo hữu nam nữ già trẻ đi hàng đôi... trên đầu người nào cũng có một đai sô trắng đến nỗi tới nơi ai thiếu điều kiện này, họ liền chạy vào mậu dịch mua một thước sô xé làm 5 làm sáu cho mỗi người một lai đó, đoạn mới gia nhập hàng ngũ...

Đi qua phố, nhân dân hoặc chạy ra vỉa hè, hoặc ngó qua cửa, hoặc ở trên gác trông xuống, hết cả mọi người, chỗ thì đọc kinh lần hạt, chỗ lại hát vãn, chỗ lại âm thầm nguyện gẫm không ai nói chuyện, chẳng ai hút thuốc. Cha già Hoan chủ sự, sức yếu tuổi già đi được độ nửa đường phải lên ngồi trên xích lô. Đức Cha tuy gầy còm yếu đuối cũng cố đi mãi cho đến nghĩa địa. Ở nhà thờ ra vào khoảng 8 giờ 20 mà lúc đến nơi đã quá 13 giờ... Làm phép xong giáo hữu họ xô vào, họ khóc một cách thảm não. Có người khóc thương cha chết một, khóc thương Đức Cha và cha sống hai... Từ hôm đó các nơi trong thành phố đâu đâu cũng nhắc đến đám ma cha Độ, nhân dân khen lòng giáo hữu kính yêu hàng linh mục và tình đoàn kết, trật tự... Có cụ già nói: Từ khi có thành phố Hải Phòng chưa từng thấy đám ma nào đông người tôn nghiêm như vậy!”

Thực ra lòng nhiệt thành mục vụ của Đức Cha tác động sâu xa hơn thế nơi tín hữu giáo dân. Mà chứng cớ rõ ràng hơn cả là những lần xưng tội công khai của họ vì đã “đấu tố” các chủ chăn của mình như ở giáo xứ Nam Am mà chúng tôi đã trưng dẫn trong bài trước, và tại một số nơi thuộc giáo phận Bắc Ninh.

Và tác động mục vụ ấy không hẳn chỉ diễn ra nơi tín hữu giáo dân mà thôi, mà cả nơi người không Công Giáo nữa. Ngài thuật lại, lễ giáng sinh năm 1962, khi ngài cảm thấy “Thực cô đơn, khác nào Chúa ở vườn Giêt-xi-ma-ni, Chúa Giêsu các đầy tớ bỏ trốn ra hết” chỉ “trơ trọi còn một mình Đức Giám Mục” cử hành lễ đại trào. Ngài đâu có hay chính lúc ấy là lúc ngài vươn tay ra thật xa đụng tới những người ngài không hề quen biết. Năm ấy, trong bài giảng, ngài đề cập tới “2 cái tệ hại vô nhân giả dối này là phong trào huỷ thai, nó vô nhân đạo, ác dữ hơn lang sói. Lang sói không giết con nó, cha mẹ giết con còn trong lòng, nó là con của ruột thịt mình, nó là của mình yêu đương lại đem giết đi. Chi ác dữ vô nhân bằng. Thứ đến cái tiếng hô hào hoà bình trống rỗng, ngược lại vẫn tăng cường mọi lực lượng quân sự, đến nỗi quân sự hoá cả giới phụ nữ, là một lớp người phải chứa đựng một khối tình yêu êm dịu, ngày nay đem ra luyện tập cái nghề giết người... Qua xong buổi lễ, nhiều nơi (đa số tuyệt đối) đã nhắc đến 2 điểm này, mà thực tế bài giảng hôm đó không phải chỉ là tiếng vang trong sa mạc, vì sau đó nghe như lệnh tập quân sự cho phụ nữ đã được để vào kho lịch sử nữa thôi, may thay! Chớ chi điểm thứ nhất cũng được như thế, thời phúc cho dòng giống Việt Nam chúng ta vậy!”

Ngài kể tiếp: “Cảm tưởng của một số đồng bào không Công Giáo, dưới chế độ này đang cổ võ hãm sinh. Ông cụ đạo thế nào có ngày bị đưa ra Toà án chẳng khỏi. Người khác nói: Thế mới biết nhà đạo người ta hành động vì nhân dân, ngoài ra chỉ vì danh lợi ích kỷ thôi, chứ chả bảo làm cách mạng vì dân vì nước gì cả đâu; cách mạng thành công là tranh nhau ăn trên ngồi trốc cưỡi đầu cưỡi cổ người khác. Đàng này nhà đạo, ông cụ già đi tu, nói lên điều hữu ích cho dân nước, ông ấy chẳng được gì, nhưng có bị nạn chỉ mình ông ấy chịu thôi, ai biết đấy là đâu, ai ơn nghĩa chi trả cho ông ấy đâu. Đời thuở nào lại ủng hộ, kích thích huỷ diệt con trong bụng. Nào không phải cha mẹ tự giết con mình đấy ư?”

Kết quả cụ thể cũng đã đến sau đó, vì ngài kể lại chuyện Anh Trần Văn Tri trên 30 tuổi đã có 2 con, nghe lời người ta, bắt vợ phá thai đứa con thứ ba. Nhờ một người bạn Công Giáo khuyên bảo, mà đã nhất quyết không phạm sai lầm nữa.

Trở lại với các linh mục, các cộng tác viên gần gũi nhất của Đức Cha. Có lúc, Đức Cha tỏ ra mất kiên nhẫn với một số vị. “Ngày 7-1-1963, Cấm phòng hàng linh mục. Hôm ấy Mặt trận Kiến An họp ở Thiết Tranh... Cha Khiết xin phép cấm phòng ở nhà với cha Trang, nhưng hôm 7 bắt người nhà cõng lên xe ôtô đi họp ở Thiết Tranh (tinh thần linh mục Hải Phòng), cha Cẩn đã được đặt làm Ủy viên Mặt trận huyện Vĩnh Bảo, cha Khiết Uỷ viên huyện Tiên Lãng khoá 1962 Ridiculum [kỳ quặc]!”

Nhưng ngài hằng quan tâm tha thiết đến các vị và nhất là lo cho có người bổ sung vào hàng ngũ của các vị. Ngài rất khổ công trong việc huấn luyện các ứng viên vào đại chủng viện trong chế độ bao cấp lúc đó. Các ứng viên này gặp rất nhiều trở ngại trong đường tu trì của mình: bị xỉ nhục, bắt bớ, giam cầm, đuổi về gia đình, dụ dỗ trở về thế gian bằng cả lời nói lẫn nữ nhi! Nhưng họ vẫn kiên trì. Đức cha không nói nhiều đến cung cách huấn luyện các ứng viên này, nhất là về mặt trí thức, dù đôi khi ngài nhắc đến việc ngài ra bài làm cho họ. Linh mục Bùi Đức Sinh, trong chuyên khảo của ngài về lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, thì chuyên biệt nhắc đến vai trò huấn luyện của Cha Phạm Hân Quynh: vừa là giám đốc vừa là giáo sư duy nhất.

Hồi ký của Đức Cha chỉ nhắc đến “Ngày 21-12-1963 lễ thánh Thoma..., truyền Diaconatus [Chức Phó Tế] cho thày F.X. Nguyễn Văn Triều” và “Ngày 1-3-1964, Chúa Nhật III Mùa Chay, đầu tháng kính Thánh Giuse... Đức Cha ... truyền chức cho thày Triều sinh quán ở địa phận Vinh... vừa cử hành lễ nghi vừa dịch các hành vi cho mọi người thêm am hiểu ý nghĩa nữa”. Cha Bùi Đức Sinh cho biết thêm, sau đó, ngài còn truyền chức linh mục cho 5 vị khác có tên Thiết, Nhật, Kiểm, Uy, Dương.

Về Cha Phạm Hân Quynh, trên liên mạng, chúng ta có thể đọc được rất nhiều tài liệu về Cha. Riêng với Đức Cha Tạo, dường như khi được cử làm giám mục Hải Phòng, việc đầu tiên của ngài là xin Đức Cha Khuê cho cha Quynh gia nhập giáo phận Hải Phòng để giúp đỡ mình. Và khi đã được cả sự cho phép của Đức Cha Khuê lẫn sự đồng ý của Cha Quynh, ngài đích thân vận động với Phạm Văn Đồng để Cha Quynh được “nhập hộ khẩu” giáo phận Hải Phòng: gửi thư ngày 16-5-1956; đến gặp ngày 2-6-1956; gửi thư lần hai ngày 3-8-1956. Nhưng mãi tháng 9-1956, cha Quynh mới được về Hải Phòng.

Đức Cha Tạo không nói đến chức vụ của Cha Quynh, nhưng theo Cha Bùi Đức Sinh, ngoài việc là giám đốc chủng viện “chui” và là giáo sư duy nhất ở đó, Cha Quynh còn là thư ký của Đức Cha Tạo. Đức Cha nhiều lần nhắc đến việc Cha Quynh tháp tùng mình ở các địa điểm khác nhau, kể cả các lần đi kinh lý và ra tòa hoặc tới các cơ quan cường quyền.

Đức Cha cũng ít nói đến các “chống đối” của cha Quynh với các nhà chức trách cường quyền. Chỉ biết Cha là cái gai rất lớn đối với nhóm Liên Lạc Công Giáo đến nỗi bọn họ nhiều lần tính phục kích cha. Nhà cầm quyền hẳn được bọn này tường trình và khuyến cáo, nên đến cuối tháng Tư năm 1959, “Đức Cha...cha Quynh không được đi ra ngoài khu vực mình ở”.

Và ngày 12-10-1960, cha Quynh phải ra trước Ủy Ban hành chính Thành Phố Hải Phòng và trước sự hiện diện của Đức Cha Tạo và Cha Chính Hiệp, Phó Chủ Tịch Ủy Ban, “ông Tô Duy, tuyên bố chính quyền đưa cha Quynh đi quản chế 3 năm ở Đồng Giới, xã Đồng Tâm, huyện Hải An ngoại thành Hải Phòng”.

Quyết định quản chế cho biết lý do: “liên tục phản tuyên truyền xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng của chính phủ, mê hoặc và ngăn cản không cho giáo dân tham gia hoạt động yêu nước, đi lại vô nguyên tắc, không trình báo cơ quan chính quyền địa phương, dính líu vào vụ phản động xuất bản tờ báo ‘Sống’ v.v..."

Đức Cha cho rằng “vô bằng chứng hoàn toàn". Phản ứng của giáo dân: “Giáo hữu đâu nghe tin đó mà ai đến được thời họ kéo nhau đến gặp cha Quynh, họ khóc nức nở, không ai thấy mà cầm mình được”.

Nhà cầm quyền đã đoán trước phản ứng này, nên một số những người ủng hộ cha đã bị đòi tới công an “đến nơi chỉ ngồi không chẳng hỏi tra gì, đến lúc cha Quynh đi rồi mới được về nhà mình. Hôm ấy có nơi giáo hữu không được đến Hải Phòng vì có công an v.v... gác các ngả đường không cho đi. Từ hôm sau họ lác đác kéo đến hỏi thăm Nhà Chung”.

Qua Chúa Nhật 16-10, vẫn còn nhiều người “xô nhau đến căn buồng cha Quynh, họ oà lên khóc rất thảm tình... Các nơi giáo hữu đến nhà thờ, họ cũng sụt sùi nức nở nhớ tiếc cha Quynh lâu lâu mới nguôi ít chút”.

Dĩ nhiên việc Cha Quynh bị quản chế là một mất mát rất lớn đối với Đức Cha Tạo. Ngài viết: “Trước 14 giờ 30 phút, cha Quynh lên bái biệt Đức Cha quỳ lĩnh phép lành, trừ Thiên Chúa, ai đo lường được 2 quả tim phút đó khác chi cuộc Chúa Giêsu từ biệt Đức Mẹ mà đi lĩnh sứ mệnh mới ở thủ đô Giêrusalem”. Đức Cha dành hầu hết chương mười một để nói về tình trạng bị quản chế của Cha bằng những ngôn từ hết sức ca ngợi, cảm phục: kiên cường, thân dân, lợi dụng mọi cơ hội để phát huy óc sáng tạo và phục vụ:

“Hàng ngày ngoài việc lễ lạy, nguyện kinh, người đọc sách mới mua hàng tháng, đọc lại sách cũ, báo chí hàng ngày, phiên dịch hoặc soạn sách, chăn nuôi ít gà thỏ, tăng gia làm vườn trồng rau, câu cá. Năm 1961 xin được 8 sào ruộng rưỡi, cấy lúa tốt nhiều người qua ruộng đó tắc lưỡi khen ngợi: 'Đây lúa của ông linh mục Quynh đấy, tốt chưa! Thế mà cứ bảo người ta ăn bám. Các ông ấy đi tu truyền dạy đạo, không tăng gia thôi, chứ có tăng gia hẳn có kế hoạch hơn mình'... Nhiều khi cha Quynh giúp hợp tác [xã] kế toán, phân phối hoa màu, đập lúa rổ mạ giúp nữa... Lúc mới đến Đồng Giới có kẻ tỏ vẻ khinh thị gọi là tên Quynh, anh Quynh, Quynh, sang năm thứ 3 không mấy ai nghe thấy nhời thế nữa, người xưng cha Quynh, kẻ gọi ông Quynh, cụ linh mục thôi”.

Tóm lại: “Cách sống của tông đồ của Chúa đã khiến con người miền đó đã được thưởng thức mùi thơm đầy tớ Chúa mà nhận thức đánh giá đúng mức cha Quynh. Họ tôn phục sự thông minh và nhân đức Cha Quynh”.

Việc Nhóm Thực Hiện, khi cho xuất bản “Chứng Từ Của Một Mục Tử”, đã cho in hình trang Hồi Ký Đức Cha Tạo viết lúc Cha Quynh đến chào biệt ngài trước khi bị quản chế tại Đồng Giới, đủ cho thấy mối thâm tình và ngưỡng phục của Đức Cha đối với vị linh mục này.

Mối thâm tình và ngưỡng phục ấy rất có thể đã ảnh hưởng đến tầm nhìn của vị mục tử tâm đầu ý hiệp với cộng sự viên của mình đến độ muốn biến gương sáng của cộng sự viên này thành một mô hình tuyệt đối, muốn mọi người khác tuân theo: “Họ ước cho Giáo hội Việt Nam các linh mục được như Cha [Quynh]”.

Nêu cao lý tưởng là 1 điều nên làm, nhưng quá nghiêm khắc với những người không đạt được lý tưởng này, thiển nghĩ cũng là điều một mục tử nên tránh.

Như đã nói, đa số các linh mục Hải Phòng lúc đó đã trọng tuổi, lại vừa thoát ra một ác mộng hãi hùng là đấu tố với một đồng nghiệp của họ là Cha Già Lương chết vì bị bỏ đói, viễn tượng một giáo phận không còn linh mục nữa là một viễn tượng hãi hùng và có thật. Nên hầu hết các ngài phần nào có thái độ thỏa hiệp, tuy có giới hạn. Phần lớn có tham gia trong Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc, có vị vào Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo hay Ủy Ban Hòa Bình. Tất cả đều là các cánh tay vươn dài của Đảng Cộng Sản và bị giáo quyền, trong đó có Đức Cha Tạo, nhìn bằng con mắt ngờ vực, nếu không muốn nói là kết án. So với Cha Phạm Hân Quynh, một linh mục gốc Hà Nội, thì quả các linh mục Hải Phòng lúc đó không ai sánh kịp, khiến Đức Cha ghi ở trang 201 cuốn “Chứng Từ Của Một Mục Tử” một nhận định chua chát: “tinh thần linh mục Hải Phòng”.

Tuy nhiên, chẳng qua nhận định ấy cũng chỉ là hoa trái của một nhiệt tâm mục vụ, một điều không ai chối cãi nơi Đức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo. Các thế hệ sau này một lòng biết ơn nhiệt tâm này, coi nó như chất xúc tác làm nẩy sinh mùa hoa trái xum xuê hiện nay của giáo phận Hải Phòng. Mà hoa thơm trái ngon hơn cả không ai khác ngoài Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, đương kim Tổng Giám Mục Hà Nội.

Hồi Ký dừng lại ở năm 1964. Đức Cha còn tiếp tục cai quản giáo phận thêm 13 năm nữa vì ngài chỉ qua đời vào năm 1977. Năm 1974, trước khi qua đời, ngài để lại một di chúc dài hơn 3 trang khổ A5, mà hơn hai trang nói về hoặc nói với vị giám mục ngài xin làm giám quản chờ Tòa Thánh cử nhiệm tân giám mục cho Hải Phòng là Đức Cha Phạm Đình Tụng, lúc đó là Giám Mục Bắc Ninh, với ưu tư hàng đầu là “hoà hợp trung thành với Hội Thánh Rôma là con thuyền mà Chúa Giêsu đã trao cho Thánh Phêrô cầm lái, ngõ hầu đưa mọi người đã vào thuyền ấy đến cửa cứu rỗi bình an”.

Có lẽ chính vì ưu tư trên, mà Nhóm Thực Hiện đã đặt tựa cho “Hồi Ức về Tang Lễ” của ngài là “Lưu Danh Thiên Cổ”. Theo đó, “Sau khi viết di chúc, sức khỏe Đức Cha Phêrô Maria có phần hồi phục và khá hơn, nhưng kém phần minh mẫn. Các cha các thày phải để ý thường xuyên, bởi nhiều lúc ngài muốn đi ra ngoài bất kỳ lúc nào và không có mục đích gì. Đầu năm 1977, ngài bị tai biến, méo miệng...”

Giáo phận tìm đủ thầy thuốc đông cũng như tây y đến chữa chạy cho Đức Cha, nhưng “vì cơ thể ngài lúc đó quá gầy yếu, lại suy kiệt sau những năm tháng hy sinh vì đoàn chiên, nên khó phục hồi. Nhìn Đức Cha lúc bấy giờ chắc chỉ cân nặng ngoài 40 kg”.

“Tháng 7-1977, Đức Cha Phêrô Maria nhập viện tại bệnh viện Việt – Tiệp... Sau mấy ngày nằm viện, các cha đã họp bàn và đưa ngài về Toà giám mục để chăm sóc. Ngài xuất viện trong tình trạng hôn mê, thở gấp và mạnh bằng miệng, vì hệ thống hô hấp dường như đã liệt. Nằm trên chiếc giường mây đơn sơ mộc mạc, ngài không ăn uống được gì. Các cha chỉ đổ chút nước để làm dịu cổ họng đã liệt và khô cứng. Sau vài ngày nằm bất động thở dồn, ngày 18-8-1977, Đức Cha Phêrô Maria đã trút hơi thở cuối cùng, an nghỉ trong Chúa sau 21 năm coi sóc Giáo phận Hải Phòng”.

Đối với giáo phận Hải Phòng lúc đó, ngài là một mục tử qúy yêu. Người ghi Hồi Ức cho hay: “Nhiều người giáo dân đã đi bộ về Hải Phòng để kính viếng và cầu nguyện cho vị Chủ Chăn đã một đời gian nan hy sinh vất vả vì Giáo phận... Nghi thức viếng và cầu nguyện cho Đức Cha được cử hành trong ba ngày liên tiếp. Thi hài của ngài được quàn ngay trong lòng Nhà thờ Chính toà. Trong ba ngày này, Toà giám mục luôn chật cứng giáo dân từ các xứ đổ về, mang theo vành khăn tang trắng, thể hiện niềm đau buồn thương nhớ và tâm tình yêu mến đối với vị Chủ chăn Giáo phận...”

Nhà cầm quyền Cộng Sản phớt lờ lời dạy của cha ông: nghĩa tử là nghĩa tận, vẫn giữ lòng thù hận với một mục tử không chịu khuất phục trước cường quyền, nên đã không cho phép quan tài của ngài được rước từ Tòa Giám Mục ra nhà thờ chính tòa trên một lộ trình chưa đầy 180 mét. “Vì thế, trong thánh lễ an táng, quan tài Đức Cha được đặt sẵn trên cung thánh, ngay trên vị trí huyệt mộ đã xây, để rồi sau lễ an táng là hạ huyệt ngay”.

Tuy nhiên, không ai lấy mất của ngài danh dự là giám mục đầu tiên được an táng trong lòng Nhà Thờ Chính Tòa Hải Phòng. “Xứng đáng được ‘lưu danh thiên cổ’. Tên tuổi của ngài gắn liền với một giai đoạn khó khăn của lịch sử Giáo phận. Một con người khắc khổ, tâm huyết hy sinh vì đoàn chiên. Giữa những áp lực khốc liệt, ngài không chấp nhận thỏa hiệp, luôn cương quyết để trung thành với sứ mạng chủ chăn, mặc dù phải chấp nhận nhiều hệ lụy”.