1. Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự chỉ trích sáng kiến kinh ngạc Mình Thánh Chúa take-away

Khi các giám mục Công Giáo trên khắp Âu châu và tại Hoa Kỳ thảo luận về việc mở lại các Thánh lễ cho các tín hữu và suy tư về các biện pháp an toàn trong việc phân phát Mình Thánh Chúa, mà nhiều người quan ngại là có thể gây ra một nguy cơ lây nhiễm cao, Đức Hồng Y Robert Sarah của Ghana, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cảnh báo rằng câu trả lời đối với vấn đề này không thể là một sự mạo phạm Thánh Thể.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng các linh mục không thể từ chối ban bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể, ngay cả khi các tín hữu không thể tham dự thánh lễ. Nếu một linh mục được yêu cầu, ngài bắt buộc phải ban các bí tích này cho các tín hữu.

Trong những ngày này, Hội Đồng Giám Mục Ý và chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte đang tiếp tục đàm phán sau khi công bố giai đoạn 2 của lệnh cô lập, theo đó các hạn chế sẽ nới lỏng dần, mặc dù ngày chính thức tái tục các Thánh lễ vẫn chưa được công bố.

Nhật báo La Stampa của Ý cho biết một trong những vấn đề đang được hai bên xem xét là cách thức trao Mình Thánh Chúa. Đề xuất của phía chính phủ Ý là các bánh thánh được đặt trong những túi nhựa sẽ được các linh mục thánh hiến và để trên kệ để mọi người tự lấy.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Nuova Bussola Quotidiana vào hôm thứ Bẩy mùng 2 tháng Năm, Đức Hồng Y Sarah nói: “Không, không, không, không thể được. Tuyệt đối là không thể được, Chúa phải được tôn trọng, bạn không thể đặt Ngài vào một cái túi. Tôi không biết ai nghĩ ra điều phi lý này. Không được rước Mình Thánh Chúa chắc chắn là một điều đau khổ, nhưng không thể vì thế mà người ta có thể thương lượng về cách thế rước lễ. Chúng ta phải đón nhận Mình Thánh Chúa một cách trang nghiêm, xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta.”

“Bí tích Thánh Thể phải được đón nhận với đức tin, chúng ta không thể đón nhận Mình Thánh Chúa như là một vật tầm thường, chúng ta đang ở trong nhà thờ không phải đang ở trong siêu thị. Đề nghị này hoàn toàn là điên rồ.”

Khi phóng viên chỉ ra rằng phương pháp này đã được sử dụng ở một số nhà thờ ở Đức, Đức Hồng Y Sarah nói rằng ngài rất buồn khi biết tin đó và nói thêm rằng “thật không may là nhiều việc được thực hiện ở Đức không theo các chuẩn mực Công Giáo, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể bắt chước họ.”

Đức Hồng Y Sarah nói rằng gần đây ngài đã nghe một giám mục gợi ý rằng trong tương lai, sẽ không còn cộng đoàn Thánh Thể - nghĩa là các Thánh lễ không có Bí tích Thánh Thể, mà chỉ có Phụng vụ Lời Chúa: “Đây là Tin Lành,” ngài trả lời vị giám mục.

Theo Đức Hồng Y người Guinea, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích từ năm 2014, Bí tích Thánh Thể không phải là một quyền hay một nghĩa vụ mà là một ân sủng do Thiên Chúa ban tặng, và phải được đón nhận với sự tôn kính và tình yêu.

Người Công Giáo tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể sau khi các bánh thánh đã được linh mục thánh hiến. Theo Đức Hồng Y Sarah, Chúa hiện diện trong hình bánh, và không ai có thể chào đón Thiên Chúa mà họ yêu thương trong một cái túi hoặc một cách không xứng đáng.

“Phản ứng lại việc không được đón nhận Bí tích Thánh Thể vì đại dịch kinh hoàng này không thể là một sự mạo phạm. Đây thực sự là một vấn đề của đức tin, nếu chúng ta tin thật Chúa hiện diện trong hình bánh, chúng ta không thể hành xử một cách không xứng đáng.”

Liên quan đến các Thánh lễ được phát trực tuyến trên Internet hay trên TV trong thời đại dịch này, Đức Hồng Y Sarah nói rằng người Công Giáo không nên “quen dần với điều này” bởi vì “Thiên Chúa đã nhập thể, Người là máu thịt, chứ không phải là một thực tại ảo. Hơn nữa, nhiều linh mục đã hiểu lầm, các ngài phải nhìn vào Thiên Chúa trong Thánh lễ chứ không phải chăm chăm nhìn ống kính máy quay phim, như thể phụng vụ chỉ là một buổi trình diễn.”



2. Pakistan: Không tin gì hết thì bị bách hại, tin 50% thì bị chặt đầu

Bộ trưởng Pakistan về các vấn đề quốc hội đã kêu gọi chặt đầu những người phạm tội báng bổ.

“Chặt đầu là hình phạt thích đáng duy nhất cho những người nhạo báng Tiên tri Muhammad,” Ali Muhammad Khan đã tweet bằng tiếng Urdu.

Khan đã đưa ra hàng loạt những bình luận gây tranh cãi để đáp lại các báo cáo mâu thuẫn rằng những người Hồi Giáo Ahmadis đã được quyền cử đại diện vào một Hội đồng Các Nhóm Thiểu số mới thành lập.

Những người Hồi Giáo Ahmadis là đối tượng bị bách hại bởi cả người Hồi Giáo Sunni lẫn người Hồi Giáo Shiite vì họ không tin rằng Muhammad là nhà tiên tri cuối cùng.

Rabwah Times, một ấn phẩm truyền thông kỹ thuật số độc lập chuyên đăng các phúc trình về các nhóm thiểu số tại Pakistan, lần đầu tiên báo cáo rằng Thủ tướng Imran Khan đã đồng ý cho những người Hồi Giáo Ahmadis có đại diện trong hội đồng.

Báo cáo này, cũng được phát sóng bởi các kênh truyền hình địa phương, đã gây ra các chiến dịch truyền thông hận thù nhắm vào cộng đồng thiểu số Ahmadi.

Nhiều tweets trên Twitter lên án chính phủ vì đã đưa người Ahmadis vào hội đồng. Nhiều người yêu cầu những người Hồi Giáo Ahmadis phải bị tuyên bố là những kẻ bội giáo.

Trong một tuyên bố trên truyền hình vào ngày 30 tháng Tư, Thủ tướng Imran Khan đã bác bỏ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông rằng người Ahmadis sẽ có đại diện trong Hội đồng Các Nhóm Thiểu số.

“Không có quyết định nào như vậy đã được đưa ra bởi nội các.” Imran Khan bác bỏ tin này và nói thêm rằng đó là một “chủ đề nhạy cảm không nên chạm vào.”

Hôm 28 tháng Tư, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã đưa Pakistan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì các hành vi xâm phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 4, USCIRF cho biết họ quan ngại đặc biệt trước các báo cáo rằng viện trợ lương thực đã không đến tay những người theo Ấn Giáo và Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ở Pakistan. Đa số người dân Pakistan không có công ăn việc làm ổn định. Họ sống theo kiểu tay làm hàm nhai, không có bất cứ một thứ an sinh xã hội nào. Tình trạng cô lập trong suốt tháng Tư đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh đói kém. Các tổ chức phi chính phủ và cả các tổ chức chính phủ đã tận dụng tình hình này để buộc các tín hữu thiểu số phải cải đạo sang Hồi Giáo nếu không muốn chết đói.



Thánh lễ tại Santa Marta 3/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các linh mục và các bác sĩ

Lúc 7 sáng Chúa Nhật 3 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư mùa Phục sinh tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ này là thánh lễ thứ 50 được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta kể từ ngày 9 tháng Ba như một dấu chỉ cho sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Dân Chúa, ở nhiều nơi trên thế giới không thể đi tham dự các Thánh lễ vì đại dịch coronavirus kinh hoàng. Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và bác sĩ liều mạng sống lo cho người khác.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Ba tuần sau khi Chúa phục sinh, hôm nay Giáo hội cử hành Chúa Nhật Phục sinh thứ tư, cũng là Chúa Nhật kính Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành. Điều này khiến tôi nghĩ đến nhiều mục tử đã hy sinh mạng sống của mình cho các tín hữu trên thế giới, ngay cả trong đại dịch này, rất nhiều, hơn 100 linh mục ở tại Ý này đã qua đời. Tôi cũng nghĩ đến những người khác chăm sóc tốt cho mọi người, là các bác sĩ. Chỉ ở Ý, 154 bác sĩ đã qua đời, trong khi tận tình chăm sóc các bệnh nhân. Cầu xin cho tấm gương của các linh mục và các bác sĩ này là gương sáng cho chúng ta biết chăm sóc cho Dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1 Pt 2: 20b-25), trong đó vị tông đồ nói rằng nhờ vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta đã được chữa lành. Ngài cũng đề cập đến bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10: 1-10) trong đó Chúa Giêsu khẳng định ngài là cửa chuồng chiên.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

“Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

PHÚC ÂM: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô, mà chúng ta vừa nghe, là một lá thư được viết trong thanh thản khi Thánh Phêrô nói về Chúa Giêsu: “Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.”

Chúa Giêsu là mục tử - như Phêrô nhận xét – là Đấng đến cứu những con chiên lạc: là chúng ta. Và trong Thánh Vịnh 22 mà chúng ta vừa lặp đi lặp lại: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” trước sự hiện diện của Chúa như người chăn chiên, như mục tử của đàn chiên. Và Chúa Giêsu, trong chương 10 Phúc Âm theo Thánh Gioan, mà chúng ta vừa nghe, tự giới thiệu mình là người chăn chên. Trên thực tế, không chỉ là người chăn chiên, nhưng còn là “cửa” mà qua đó có thể đi vào bầy chiên. Tất cả những ai đến nhưng không đi qua cánh cửa mà vào đều chỉ là những tên trộm hoặc những tên tội phạm hoặc những kẻ muốn lợi dụng đàn chiên: những kẻ chăn chiên giả. Và trong lịch sử của Giáo hội đã có nhiều người khai thác đàn chiên. Những người ấy không quan tâm đến đàn chiên mà chỉ quan tâm đến sự nghiệp, chính trị hay tiền bạc. Nhưng đàn chiên biết họ, luôn biết họ và đang tìm kiếm Chúa trên đường phố.

Nhưng khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên. Phong cách của Chúa Giêsu phải là phong cách mà người chăn chiên tốt lành phải bắt chước. Phong cách ấy được Thánh Phêrô đề cập đến trong thư thứ nhất của ngài: “Ðức Kitô đã lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh.”

Một trong những dấu chỉ nổi bật của người chăn chiên tốt là sự hiền lành. Người chăn chiên tốt là người ôn hòa. Một mục tử không ôn hòa không phải là một mục tử tốt. Sự hiền lành có một cái gì đó ẩn giấu, nó được thể hiện một cách nhẹ nhàng. Người chăn chiên dịu dàng thì có sự gần gũi, biết rõ từng con chiên và chăm sóc từng con như thể nó là con chiên duy nhất, đến mức khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ấy nhận ra rằng anh nhớ một con chiên, liền ra ngoài đồng một lần nữa để tìm con chiên ấy và mang vác nó trên vai. Đây là vị mục tử tốt lành, đây là Chúa Giêsu, đây là người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc sống, đến với mọi người. Và ý tưởng này về người chăn chiên, về đàn chiên và các con chiên, là một ý tưởng được lặp lại nhiều lần trong lễ Phục Sinh. Trong tuần bát nhật lễ Phục Sinh Giáo Hội hát bài thánh ca đẹp chúc mừng những người mới được rửa tội: “Đây là những con chiên mới”. Đó là một ý tưởng về cộng đồng, về sự dịu dàng, tử tế, hiền lành thể hiện tâm tình Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng bảo vệ Giáo hội.

Chúa Nhật này là một ngày Chúa Nhật đẹp trời, đó là một ngày Chúa Nhật của bình an, một ngày Chúa Nhật của sự dịu dàng, bởi vì mục tử của chúng ta đang chăm sóc chúng ta. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”


Source:Vatican News