(CWNews 7/5/2005). Tờ America, cơ quan ngôn luận của Dòng Tên tại Hoa Kỳ vừa loan báo quyết định từ chức của cha Tom Reese trong cương vị chủ bút. Một số báo chí tại Hoa Kỳ đã nhanh chóng cho rằng đây là hành động trừng phạt đầu tiên của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đối những người có ý kiến hay thái độ không thuận với Tòa Thánh.

Thực ra, áp lực yêu cầu cha Tom Reese từ chức đến từ Vatican từ Tháng Ba - hàng tháng trước kết quả bầu Giáo Hoàng. Tòa Thánh hiển nhiên là không hài lòng với những bài xã luận của cha Tom Reese đăng trên nguyệt san American - nguyệt san toàn quốc của Dòng Tên tại Hoa Kỳ.

Theo thông tấn xã Công Giáo CWNews, việc cha Tom Reese không từ chức ngay vào tháng Ba mà nấn ná chờ đến tháng Năm mới công bố quyết định này là để theo dõi những diễn biến tại Vatican. Đến nay, với kết quả bầu Tân Giáo Hoàng, cha Tom Reese nhận thức rằng tình hình không thay đổi vì Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong cương vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là một trong những người ủng hộ việc kêu gọi cha Tom Reese từ chức.

Sự ra đi của cha Tom Reese là một yếu tố quan trọng. Cha Tom Reese không chỉ là một chủ bút của tờ American nhưng vai trò của ngài còn quan trọng hơn nhiều. Ngài là một trong những nguồn chính cung cấp những hướng dẫn dư luận cho các cơ quan ngôn luận đời. Chẳng hạn, trong các kỳ họp Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cha Tom Reese là người được trích thuật nhiều nhất, và là người được tham khảo nhiều nhất về những việc nội bộ của Giáo Hội Công Giáo. Ngài cung cấp cho họ những diễn dịch về những sự kiện và biến cố mà kiến thức hạn hẹp về Công Giáo của họ không cho phép họ hiểu sâu xa hơn. Ảnh hưởng của cha Tom Reese như một bình luận gia và người hướng dẫn cho thế giới truyền thông đời vượt xa ảnh hưởng chủ bút tờ America.

Điều đáng tiếc là cũng như một số ký giả Công Giáo khác thường làm, cha Tom Reese không bao giờ lên tiếng phủ nhận giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về những vấn đề thường gây tranh cãi, ngài chỉ nói rằng những vấn đề đó đáng được thảo luận thêm - một kiểu hành xử “thức thời” của chủ thuyết duy tương đối - không nhìn nhận cái gì là chung cuộc, luôn luôn nói nước đôi. Chính cái kiểu nói nước đôi của ngài làm cho dưới mắt giới truyền thông đời, ngài trở thành một người “tiến bộ” và “thức thời” trước một “Giáo Hội bảo thủ và lạc hậu”!