Tạp chí thần học Communio được ba thần học gia Công Giáo nổi tiếng, Joseph Ratzinger, Hans Urs von Balthasar và Henri de Lubac, thành lập năm 1972 nhằm phản bác tạp chí thần học Concilium, mà cả ba vị trước đó đều ở trong Ban Biên Tập, do cao vọng của tạp chí này muốn trở thành một thẩm quyền giáo huấn chính thức song song với thẩm quyền của các Giám Mục.

Mục đích của Communio là “cố gắng vượt qua sự phân cực giữa những người ‘duy hiện đại’ và những người ‘duy truyền thống’ trong Giáo Hội, bằng cách cung cấp diễn đàn trung ương nơi có cả việc hoà giải lẫn óc sáng tạo”.

Hiện nay, tạp chí xuất bản bằng 13 thứ tiếng. Ấn bản tiếng Anh phát hành tam cá nguyệt với các bài vở về triết học, nghệ thuật và mối liên hệ giữa Đạo Công Giáo và nền văn hóa Hoa Kỳ.

Tạp chí không quên bàn đến những vấn đề thời sự như đại dịch chẳng hạn. Sau đây, chúng tôi xin chuyển ngữ bài của José Granados về “Đại Dịch: Viễn kiến Bí tích” đăng trong Communio, Mùa Hè 2020, ấn bản tiếng Anh, do Carmen Ferre Martí dịch sang tiếng Anh

José Granados, DCJM, là bề trên tổng quyền của Các Môn Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria và là giáo sư thần học về bí tích hôn nhân tại Viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và về Khoa học Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Lateran ở Rôma.




“Chính kinh nghiện thân xác như cửa mở con người đi vào thế giới có tính quyết định đối với việc hiểu tại sao các bí tích Kitô giáo không thể lãnh nhận theo lối ảo”.

***

Gần đây, nhiều người tự hỏi làm thế nào để sống đại dịch theo quan điểm Kitô giáo. Kitô giáo cung cấp cho chúng ta ánh sáng nào để giải thích tầm quan trọng của biến cố này trong lịch sử của chúng ta? Và đối đầu với các thách thức của nó? Sau đây, tôi xin bảo vệ luận điểm sau: chìa khóa để hiểu đại dịch là tính bí tích.

Để thấy ra điều đó, chúng ta có thể lấy điểm xuất phát từ đặc điểm đầy tính hiển linh (epiphanic) của đại dịch; nó vốn là một dấu chỉ lớn lao bằng xương bằng thịt. Trong vô số điều, đại dịch và việc cấm cửa (lockdown) đã cho thấy sự khó khăn của cuộc sống khi thể xác chúng ta bị cô lập với những người khác hoặc khi chúng ta sợ hãi các mối liên hệ liên ngã, vốn bắt rễ sâu trong thân xác; chúng cho thấy ta cần phải hiểu sức khỏe như một hồng phúc có trước không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta; chúng cũng cho ta hay tính chất nghèo nàn hàm chứa trong việc tuyệt đối hóa sức khỏe ấy, do đó giản lược cuộc sống thành một việc sống còn đơn thuần.

Tất cả những điều ấy là một dấu chỉ cho thế hệ của chúng ta, cho cách sống mà thân xác vốn chiếm ưu thế trong xã hội chúng ta. Thực thế, xã hội cổ vũ sự cô lập thân xác, một thân xác giữ khoảng cách và bị con người (ít nhất trong suy nghĩ) giản lược thành một biểu thức của cái “tôi” thực sự. Thân xác này không thể dùng làm nền tảng cho bất cứ bí tích nào, nghĩa là, cho bất cứ sự mở cửa thân xác nào giúp đưa con người vượt ra ngoài chính họ. Đại dịch, sau khi đã phơi bày tính nghèo nàn của cách sống thân xác như vậy, có thể khơi dậy nỗi nhớ nhung bí tích hay không?

Để tri nhận ý nghĩa bí tích của đại dịch, có thể có một cách tiếp cận bổ sung, cách tiếp cận bổ túc là điều có thể, tức cách được liên kết trực tiếp với việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô: bắt đầu từ tính ưu việt vốn dành cho các bí tích của Giáo hội.

Tuy nhiên, các bí tích có thực sự ưu việt hay không? Ngược lại, há chúng ta đã không sống mà không có các bí tích, hoặc ít nhất không có các tín hữu tham dự? Thực thế, các bí tích vốn rất ưu việt chính vì lý do này: vì chúng đã vắng mặt khi chúng ta hy vọng chúng có sẵn. Chúng lớn tiếng lúc bị im lặng.

Tuy nhiên, trên thực tế, các bí tích vốn không hoàn toàn vắng mặt. Thay vào đó, chúng đã tiếp nhận đặc tính ảo, chúng ta đã quen với việc cảm nghiệm chúng bằng cách ngắm màn hình và đeo tai nghe. Nhưng chính sự thay thế ảo này giúp chúng ta cụ thể hóa kiểu thiếu vắng phải chịu đựng: điều vốn thiếu là bí tích qua biến cố thể xác, tức là điều diễn ra qua thân xác để làm sống động toàn diện con người, kể cả thân thể của họ.

Như thế, sau khi trải nghiệm nỗi thống khổ trong đời vì không được tiếp cận bí tích ở dạng thân xác của nó, có thể nào chúng ta hiểu rõ hơn bí tích là gì, và nhờ thế, khám phá ra điều chúng ta vốn quên trước khi có đại dịch, trong xã hội của chúng ta và trong Giáo Hội?

1.TRUYỀN THÔNG ẢO NGƯỢC VỚI TRUYỀN THÔNG THÂN XÁC

Chúng ta hãy bắt đầu với những khó khăn trong việc tham gia các bí tích. Điều này một mặt do nguy cơ lây lan thực sự, khiến việc hạn chế các cử hành trở thành một quyết định khôn ngoan. Nhưng nó được nhấn mạnh do nỗi sợ lây lan quá mức, một nỗi sợ cho thấy các ưu tiên không phải bí tích của xã hội và của nhiều tín hữu. Chính sách “tuyệt đối không rủi ro” thường được yêu cầu khi nói đến các bí tích, trong khi những rủi ro hữu lý được phép để mua thức ăn hoặc đồ uống.

Điều này tương ứng với khái niệm coi sức khỏe là điều chủ yếu hoặc chính yếu, mà vì nó mọi thứ khác phải bị hy sinh. Hiểu sức khỏe như một điều tuyệt đối là từ bỏ viễn kiến bí tích về sự sống. Vì viễn kiến bí tích về sự sống cho thấy tính chất siêu phong phú của nó, nghĩa là, ở đấy có nhiều điều cho sự sống hơn là việc chỉ bảo tồn nó. Thực vậy, sống là luôn ở bên ngoài chính mình để, nhờ cách này, sự sống được khuếch đại và nhân thừa. Thật vậy, như bí tích nền tảng là Bí tích Thánh Thể làm chứng, sự sống chỉ có thể có được khi phó dâng nó cho Chúa Cha vì anh chị em chúng ta.

Các bí tích cũng bị tương đối hóa khi chúng chỉ được đo lường theo chức năng của chúng. Lúc đó, người ta coi là đương nhiên việc các bí tích hữu ích vì chúng giúp chống lại đại dịch, vì chúng giúp chúng ta sống có ý nghĩa trong sự cô lập hoặc chịu đựng cái chết của những người thân yêu của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chỉ có như vậy, thì các bí tích có thể được thay thế bằng các hoạt động khác mà vẫn đạt được cùng một mục đích. Nhưng việc này sẽ phá hủy chúng, vì bản chất các bí tích là làm cho hiện tại điều vốn không thể thay thế bằng bất cứ điều gì khác, điều không hữu ích cho bất cứ điều gì trên thế giới, nhưng đúng hơn hiện hữu bên ngoài thế giới và mang lại ý nghĩa tối hậu cho mọi sự vật thế gian.

Bất chấp điều ấy, tình thế khó cử hành các bí tích trong thời gian đại dịch nhắc nhở ta một điều gì đó của riêng đức tin Kitô giáo, đó là, ơn cứu rỗi đến qua thể xác. Để tương phản, chúng ta hãy nghĩ đến Phật giáo; đối với tôn giáo này, đại dịch không gây ra bất cứ xáo trộn lớn nào, vì mục tiêu của họ là loại bỏ những hình thức hữu hình của thế giới vật chất. Nếu Kitô giáo phải khốn khổ vì sự bùng nổ của một điều có tính vật chất như một loại virus, thì điều này là vì đức tin Kitô giáo là một đức tin bắt rễ sâu vào vật chất.

Mặt khác, đại dịch không tiêu diệt được sự thờ phượng của Kitô giáo. Về điểm này, Kitô giáo khác với Do Thái giáo cổ xưa, vốn tập trung vào Đền thờ Giêrusalem. Sự khác biệt hệ ở chỗ, đối với Kitô giáo, vật chất thiết yếu cho việc thờ phượng không nằm ở bên ngoài con người (trong con vật hiến tế, trên bàn thờ hoặc đền đá) mà là trong chính thể xác của Kitô hữu, được kết nạp vào thân xác thánh thể của Chúa Giêsu. Vì lý do đó, mặc dù có thể không có khả năng tham gia vào phụng vụ, nhưng luôn luôn có thể “dâng thân xác mình như một của lễ sống” (Rm 12: 1–2) (1). Về mặt này, điều đáng chú ý là Tân Ước không dùng từ vựng tế tự (cultic vocabulary) để nói về việc cử hành phụng vụ, nhưng dùng nó để diễn tả đời sống của các tín hữu, bất kể trong việc phục vụ bác ái (xem Dt 13:16) hay trong việc rao giảng và đón nhận Tin Mừng (xem Pl 3:17).

Dựa trên việc nối dài việc phụng tự này vào toàn bộ cuộc sống, người ta có thể coi nhẹ sự khiếm diện của các bí tích: tận sâu trong con người, việc cử hành ảo há không cùng một cử hành hay sao?

Thật vậy, nếu mục tiêu của việc thờ phượng Kitô giáo là thánh hóa cuộc sống bình thường, thì dường như không có vấn đề bao nhiêu với sự thờ phượng được cử hành từ xa. Chúng ta có thể so sánh việc này với việc làm từ xa (teleworking). Đúng là khi làm việc từ xa, một điều gì đó sẽ mất (chẳng hạn, sự tương cảm với đồng nghiệp hoặc khách hàng trở nên khó khăn hơn), nhưng yếu tính của việc làm vẫn được thực hiện (tiếp tục với cùng thí dụ, chúng ta vẫn có thể "đóng ấn cho cuộc giao dịch"). Há yếu tính các bí tích đã không được hoàn thành một cách ảo, để “cuộc giao dịch” (nghĩa là giao ước) với Thiên Chúa được đóng ấn, ngay cả khi một số cảm xúc hoặc tình cảm bị mất đi hay sao?

Vấn đề khả thể cử hành một bí tích cách ảo xác định rõ yếu tính của các bí tích, vì chúng đòi hỏi vật chất và thể xác. Thời hiện đại không hiểu rằng vật chất có thể có ngôn ngữ hoặc làm trung gian cho sự hiện diện có tính bản vị, tức ơn thánh. Theo quan điểm này, thể thần thiêng dường như không tiếp cận với thể xác, mà đúng hơn, tiếp cận với trải nghiệm thân mật và việc phát biểu chân thực tính chân xác bản thân. Dưới ánh sáng này, như Joseph Ratzinger từng nói, các vấn đề sau đây đã nảy sinh: “Thực sự, tại sao tôi phải đi nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa? Phải chăng Thiên Chúa bị ràng buộc vào một nghi thức và một nơi chốn? Có thế nào điều thiêng liêng lại phải qua trung gian hoặc thậm chí bị ràng buộc bởi các phương tiện nghi lễ và vật chất?” (2). Nhà thần học người Đức Karl-Heinz Menke cũng phát biểu cùng vấn đề ấy như sau: “Cho đến nay, không nhà thần học Thệ phản nào có thể cho tôi câu trả lời ít nhiều thỏa đáng hơn đối với câu hỏi điều gì, nói đúng ra, là ưu thế của việc thông hiệp bí tích với Chúa Kitô so với sự thông hiệp không phải là bí tích với Người” (3).

Cũng một khó khăn này đã nảy sinh liên quan đến việc cử hành ảo. Điều gì thu nhận được khi tham gia Tiệc Thánh bằng thể xác, ngược với việc tham dự trực tuyến? Ở đây, điều đáng nói là vấn đề Thiên Chúa tự làm cho Người hiện diện và hành động ra sao. Nói một cách cụ thể hơn, điều đáng nói là mức độ Thiên Chúa sử dụng thể xác và vật chất, bất luận nơi sáng thế hay nơi công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, để thông truyền ơn cứu rỗi của Người cho chúng ta.

2. THỂ XÁC: KHÔNG GIAN NỀN TẢNG CHO VIỆC THÔNG HIỆP BẢN VỊ

Để giải đáp vấn đề, chúng ta hãy bắt đầu với sự khác biệt hiển nhiên giữa thông hiệp ảo và thông hiệp trực tiếp. Trong mối liên hệ ảo chỉ có hai giác quan tham dự: thị giác và thính giác. Các giác quan khác — xúc giác, vị giác và khứu giác — đều thiếu. Chúng ta dám bác bỏ hai giác quan sau như là giác quan thấp hèn nhất và có tính thú tính nhất, nhưng giải đáp này cho thấy, thực tế, chúng là các giác quan có tính thể xác nhất.

Thật vậy, về nguyên tắc, thính giác và thị giác được thực hiện từ xa, không cần phải chia sẻ cùng một không gian. Nhưng xúc giác, khứu giác và vị giác đòi hỏi phải chia sẻ một không gian với thực tại được tri nhận, tức là, chúng đòi hỏi một môi trường chung (4). Theo cách này, những giác quan này nhắc nhở chúng ta rằng con người không thể tách rời khỏi thế giới bao quanh họ và trong đó họ tìm thấy người khác, tức là, chúng nhắc nhở chúng ta rằng con người là một hữu thể nhập thể, vì việc thích đáng đối với xác thịt (nghĩa là vừa tức khắc vừa ở bên ngoài, kết hợp với cái “tôi” bản vị và với vũ trụ vật chất) là đặt con người vào môi trường hoặc thế giới của họ.

Việc những giác quan này là “các giác quan môi trường” [sentidos-ambiente] rất rõ ràng đối với xúc giác, vì xúc giác được trải dài khắp thể xác, vốn là môi trường đầu tiên của con người. Đây là lý do tại sao người xưa coi xúc giác là giác quan có tính thể xác hơn cả, liên kết chặt chẽ nhất với nguyên tố trái đất, trong khi thị giác được coi là thiêng liêng nhất, hợp nhất với lửa (5). Vị giác, ngược lại, cũng là một “giác quan môi trường” vì nó dựa trên khả năng tiêu hóa thức ăn, tức là, tiếp nhận môi trường xung quanh và biến chúng thành của riêng chúng ta. Vì lý do này, không thể ăn “từ xa” hoặc chia sẻ thức ăn với ai không ở chung cùng một chỗ với chúng ta. Cuối cùng, khứu giác, bắt nguồn từ việc hít thở trong một bầu không khí nhất định, cũng được liên kết với môi trường chung với những người khác.

Tóm lại, những giác quan này rất quan yếu theo nghĩa chúng đặt con người vào một môi trường hoặc thế giới và gợi ý rằng chúng ta định nghĩa con người trong mối liên hệ liên tục với môi trường hoặc thế giới đó. Nói cách khác, một người hít thở, ăn uống và có xúc giác không thể đơn giản tự trình bày mình như một cá thể biệt lập “trước mặt” thế giới, vì họ là một người thuộc về thế giới và có bản sắc được tạo lập nhờ tương tác với thế giới. Thành thử, đem các giác quan vào câu chuyện sẽ loại bỏ tri nhận của Descartes coi chủ thể như một cá thể đứng tách biệt với thế giới khách quan, biệt lập đối với nó. Không chỉ là "cogito ergo sum" (tôi suy nghĩ vậy thì có tôi), các giác quan mời gọi chúng ta phát biểu, "Tôi chạm, nếm, ngửi, vậy thì: Tôi đang hiện hữu trong tương quan". Do đó, các giác quan cho phép chúng ta khám phá ra thể xác như là việc con người tự mở ra với môi trường của họ, để con người chỉ có thể được định nghĩa như là bén rễ vào môi trường này chứ không ở bên ngoài nó.

Tầm quan trọng của môi trường tương ứng với trải nghiệm triệt để của con người: nhu cầu phải có một ngôi nhà. Ở đây, chúng tôi hiểu ngôi nhà không phải là tòa dinh thự hay ngôi nhà bằng gạch hoặc gỗ mà là không gian liên kết với bản sắc riêng của một con người, nơi người đó tìm thấy chính mình. Đó là lý do tại sao việc người ta mất ngôi nhà ảnh hưởng đến cốt lõi hữu thể của họ, như thể họ đánh mất chính họ vậy.

Theo sách Gióp (4:19), ngôi nhà rất quan trọng đối với con người bởi vì họ có thể xác họ như “ngôi nhà đầu tiên”, một ngôi nhà mỏng manh bằng đất sét. Hay, chính xác hơn, họ có thể xác như “ngôi nhà đầu tiên” của họ vì họ hòa hợp với thế giới và đặc biệt với những người khác mà họ nhận là quen thuộc. Nói cách khác, thể xác là một ngôi nhà, theo nghĩa nó biểu lộ cho chúng ta biết chúng ta là những con trai và anh em, bản sắc chúng ta được cấu thành như có tính con thảo và huynh đệ.

Khả năng trở thành môi trường của thể xác càng trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta xem xét sự kết hợp vợ chồng giữa người đàn ông và người đàn bà. Ở đây thể xác xuất hiện như một môi trường chung khiến sự kết hợp của họ có thể diễn ra. Nói chính xác hơn, sự kết hợp được thực hiện theo một khía cạnh chuyên biệt của thể xác: tính dục. Và điều này có tính quyết định, bởi vì tính dục biểu thị thể xác như nơi nguyên thủy từ đó vợ chồng được sinh ra, và từ đó họ nhớ rằng họ mãi là những con trai và con gái. Đây là lý do tại sao sự kết hợp vợ chồng được đóng ấn trong xác thịt như môi trường đến trước chúng ta và truyền đạt nguồn gốc của chúng ta nơi những người khác.

Điều ấy có nghĩa người đàn ông và người đàn bà được hợp nhất trong một môi trường (môi trường thân xác có giới tính của họ) giúp họ chia sẻ cội nguồn hữu thể họ, nền tảng của mỗi ngôi nhà của họ. Vì lý do này, khi họ hợp nhất, thế giới của họ thay đổi triệt để và một cái “chúng tôi” mới xuất hiện, cái chúng tôi mà sách Sáng thế gọi là “một xương một thịt” (St 2:24). Điều này giải thích: trong hôn nhân, người phối ngẫu không còn là một ai đó ở bên ngoài bản thân tôi, với họ, tôi thiết lập các mối liên hệ và gián đoạn chúng bất cứ khi nào tôi muốn, nhưng là một người giờ đây thuộc về chính bản sắc của tôi. Điều này được phát biểu trong nhiều nền văn hóa với việc thay đổi tên họ diễn ra sau đám cưới.

Chắc chắn, tất cả những điều ấy sẽ không thể tưởng tượng được trong hình thái ảo hoặc vi tính hóa. Hôn nhân có thể được cử hành từ xa (do ủy nhiệm, by proxy), nhưng nó chỉ được hoàn hợp trong sự kết hợp xác thịt, một kết hợp đòi có sự hiện diện. Hơn nữa, sự kết hợp xác thịt là nơi được truyền sinh, một điều cũng không thể diễn ra từ đàng xa.

Do đó, chúng ta thấy chính nhờ môi trường chung được chia sẻ qua các thể xác của họ mà hai người không những chỉ là hai cá thể đứng đối diện nhau, chỉ kết hợp với nhau bởi những ràng buộc bên ngoài. Trái lại, một môi trường chung đã kết hợp những con người trong chính bản thể của họ, đó là lý do tại sao sự thông hiệp hỗ tương của họ có thể sâu sắc hơn nhiều, đụng tới những gì ở tận gốc rễ của họ và làm họ có khả năng không những thông hiệp sự vật mà còn thông hiệp chính bản thân họ.

Chúng ta hãy nói thêm rằng phẩm tính môi trường của thể xác cũng phân biệt việc thông hiệp thể xác với việc thông hiệp ảo nhờ cách thức trong đó cả hai đều cởi mở hướng tới sự siêu việt vốn vượt quá những con người thông hiệp. Trong thông hiệp ảo, chính con người đã thiết kế và tạo ra môi trường thông hiệp. Nếu có bất cứ việc cởi mở hướng tới sự siêu việt nào trong sự thông hiệp này, thì nó sẽ không phát sinh từ bên trong môi trường chung mà từ chính các cá nhân, từ ý chí hoặc kiến thức của họ. Mặt khác, trong thông hiệp mặt đối mặt có môi trường chung của thể xác, môi trường mà cả con người đã không tạo ra mà chỉ nhận được từ lúc ban đầu. Vì vậy, như những người vợ / người chồng chẳng hạn, họ không tạo ra sự khác biệt giới tính cũng như khả năng thông truyền sự sống của họ, điều này giúp cho sự kết hợp của họ diễn ra. Như thế, việc cởi mở đón nhận Đấng Tạo Hóa xuất hiện từ trong chính mối liên hệ vốn kết hợp các con người với nhau. Nghĩa là, những con người thông hiệp tạ ơn Đấng Tạo Hóa, không những vì hồng phúc Người đã ban cho mỗi người, mà còn vì hồng phúc tình yêu vốn kết hợp họ, một tình yêu phát xuất từ Người và hướng về Người. Chính Thiên Chúa xuất hiện trong ánh sáng này như là vị Thiên Chúa, Đấng, vốn làm nền tảng cho tình yêu, là chính Tình yêu.

Từ điều trên, chúng ta có thể kết luận rằng các mối liên hệ ảo chỉ có ý nghĩa như một công cụ phụ thuộc của việc hiện diện thực sự bằng thể xác. Tuy nhiên, nếu luận lý ảo bị tuyệt đối hóa, thì thể xác trong tư cách môi trường cấu thành con người sẽ bị loại bỏ, và con người bị quan niệm như một cá thể cô lập, tách biệt với thế giới và với những người khác. Chính kinh nghiệm thể xác như cửa mở đưa con người vào thế giới là điều có tính quyết định để hiểu tại sao không thể lãnh nhận các bí tích Kitô giáo theo cách ảo được.

Còn 1 kỳ