Giáo Hội Đồng nghị là một Giáo hội bí tích của lời hứa này – lời hứa Chúa Thánh Thần sẽ ở với chúng ta - được thể hiện bằng cách nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa Thánh Thần và với thế giới sắp tới. Sẽ luôn có những cuộc thảo luận, tạ ơn Chúa, nhưng phải tìm giải pháp bằng cách dành lời cho Thiên Chúa và cho tiếng nói của Người ở giữa chúng ta; cầu nguyện và mở rộng tầm mắt của chúng ta để nhìn mọi điều xung quanh chúng ta; thực hành một cuộc sống trung thành với Tin Mừng; tìm hiểu Mạc khải theo lối giải thích của người hành hương biết cách bảo vệ cuộc hành trình đã bắt đầu trong Tông đồ Công vụ. Và đây là điều quan trọng: cách hiểu, cách diễn giải. Một lối giải thích của người hành hương, tức là một lối giải thích của người đang trong một cuộc hành trình. Có phải là cuộc hành trình bắt đầu sau Công đồng hay không? Không. Nó bắt đầu với các Tông đồ đầu tiên, và vẫn còn đang tiếp diễn. Khi Giáo hội dừng lại, Giáo hội không còn là Giáo hội nữa, nhưng là một hiệp hội ngoan đạo đẹp mắt vì nó giam Chúa Thánh Thần vào lồng. Người giải thích hành hương là người biết cách bảo vệ con đường đã bắt đầu trong Tông đồ Công vụ. Nếu không thì Chúa Thánh Thần sẽ bị hạ thấp. Gustav Mahler - tôi đã nói về vị này trong những dịp khác - lập luận rằng trung thành với truyền thống không hệ ở việc tôn thờ tro tàn mà là canh giữ lửa hồng. Tôi hỏi anh chị em: “Trước khi bắt đầu cuộc hành trình đồng nghị này, anh chị em có xu hướng về điều gì nhất: bảo vệ tro tàn của Giáo Hội, nghĩa là hiệp hội của anh chị em, nhóm của anh chị em, hay là canh giữ ngọn lửa hồng? Anh chị em có xu hướng tôn thờ những thứ của mình hơn, điều đó gần gũi với anh chị em - Tôi thuộc Phêrô, tôi thuộc Phaolô, tôi thuộc nhóm này, tôi là một linh mục, tôi là một Giám Mục - hay anh chị em cảm thấy được kêu gọi để canh giữ ngọn lửa hồng của Chúa Thánh Thần? Ông là một nhà soạn nhạc vĩ đại, Gustav Mahler này, nhưng, với suy tự này, ông cũng là một bậc thầy về khôn ngoan. Hiến chế Dei Verbum (số 8), khi trích Thư gửi tín hữu Do Thái, khẳng định: ‘Thiên Chúa, Đấng nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau thời xưa đã nói với các tổ phụ "(Dt 1: 1), không bao giờ ngừng nói chuyện với Nàng Dâu của Con trai Người”. Có một công thức rất hay của Thánh Vincent thành Lérins, người, khi so sánh một con người đang lớn lên và Truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã khẳng định rằng không thể bảo tồn "kho tàng đức tin" nếu không làm cho nó tiến bộ: "Củng cố theo năm tháng, phát triển theo thời gian, sâu sắc dần theo tuổi tác" (Commonitorium primum, 23,9) - "ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate". Đây là phong cách của cuộc hành trình của chúng ta: các thực tại, nếu chúng không chịu bước đi, giống như những làn nước. Các thực tại thần học giống như làn nước: nếu nước không chảy và thiu ôi, thì nó là thứ đầu tiên đi vào trạng thái thối rữa. Một Nhà thờ thiu ôi sẽ bắt đầu mục nát.



Anh chị em thấy Truyền thống của chúng ta là một thứ bột dấy men như thế nào, một thực tại trong quá trình lên men, nơi chúng ta có thể nhận ra sự phát triển, và trong bột là một sự hiệp thông hình thành trong chuyển động: cùng nhau bước đi đã hiện thực hóa sự hiệp thông thực sự. Sách Tông đồ Công vụ một lần nữa giúp chúng ta, cho chúng ta thấy rằng sự hiệp thông không loại bỏ các khác biệt. Quả là sự ngạc nhiên của Lễ Ngũ Tuần, khi các ngôn ngữ khác nhau không phải là trở ngại: bất chấp họ xa lạ đối với nhau, nhưng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần “mỗi người đều nghe được tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2: 8). Cảm thấy như ở nhà, khác biệt nhưng hỗ trợ nhau trên cuộc hành trình. Xin lỗi vì dài dòng, nhưng Thượng Hội đồng là một vấn đề nghiêm trọng, và vì điều này, tôi cho phép mình nói...

Trở lại với diễn trình đồng nghị, giai đoạn của giáo phận rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc lắng nghe toàn bộ những người đã chịu phép rửa, chủ đề cảm thức đức tin không thể sai lầm khi tin. Có nhiều sự chống đối để vượt qua hình ảnh một Giáo hội bị phân biệt một cách cứng ngắc giữa lãnh đạo và cấp dưới, giữa người dạy và người học, mà quên mất rằng Thiên Chúa thích lật ngược địa vị: Đức Maria ca ngợi " Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52). Cùng nhau bước đi khám phá theo chiều ngang hơn là theo chiều dọc của nó. Giáo Hội Đồng nghị phục hồi đường chân trời mà từ đó mặt trời Kitô xuất hiện: dựng các lâu đài phẩm trật có nghĩa là phải che phủ chúng lại. Các chủ chăn bước đi với dân chúng: những chủ chăn chúng tôi bước đi với dân chúng, đôi khi ở phía trước, đôi khi ở giữa, đôi khi ở phía sau. Người chủ chăn tốt phải di chuyển như thế này: phía trước để hướng dẫn, ở giữa để khuyến khích và không quên mùi của đàn chiên, phía sau vì người dân cũng có “lỗ mũi”. Họ có lỗ mũi để tìm ra những con đường mới cho cuộc hành trình, hoặc để tìm ra con đường đã đi lạc. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, và cả với các giám mục và linh mục của giáo phận. Trong cuộc hành trình đồng nghị, họ nên tự hỏi: "Nhưng liệu tôi có khả năng bước đi, di chuyển, ở phía trước, ở giữa và phía sau, hay tôi chỉ ngồi trong ghế, đội mũ tế và cầm gậy Giám Mục?" Các chủ chăn phải tham gia, phải là các chủ chăn, không phải đoàn chiên: đoàn chiên biết chúng ta là các chủ chăn, đoàn chiên biết sự khác biệt. Đi trước để chỉ đường, đi giữa để nghe những gì người dân cảm nhận và đi sau để giúp đỡ những người tụt hậu một chút và để cho người dân nhìn thấy bằng mũi của họ các loại thảo mộc tốt nhất ở chỗ nào.

Cảm thức đức tin (Sensus fidei) giúp mọi người đủ tiêu chuẩn để có được phẩm giá của chức năng tiên tri của Chúa Giêsu Kitô (xem Lumen gentium, 34-35), để có thể biện phân được đâu là những cách thức của Tin Mừng vào lúc này. Đó chính là "mũi" của đoàn chiên, nhưng chúng ta nên thận trọng, vì trong lịch sử cứu độ, tất cả chúng ta đều là những con chiên so với Đấng chăn chiên là chính Chúa. Hình ảnh giúp chúng ta hiểu được hai chiều kích góp phần tạo nên sự "thính mũi" này. Một chiều kích có tính bản thân và một chiều kích có tính cộng đồng: chúng ta là những con chiên và chúng ta là một phần của đoàn chiên, trong trường hợp này đại diện cho Giáo hội. Chúng ta đang đọc tác phẩm "De pastoribus" (về các mục tử) của Thánh Augustinô trong Sách Nguyện, Bài đọc Kinh Thường vụ, và trong đó, ngài nói với chúng ta: "Với anh em, tôi là một con chiên, vì anh em, tôi là một người chăn chiên". Hai khía cạnh này, bản thân và giáo hội, không thể tách rời nhau: không thể có cảm thức đức tin nếu không tham gia vào đời sống của Giáo hội, vốn không chỉ là Công Giáo tiến hành, mà trên hết, phải có "cảm giác" được nuôi dưỡng bằng "tâm tư tình cảm của Chúa Kitô ”(Pl 2:5).

Việc thực thi cảm thức đức tin không thể chỉ giản lược vào việc thông đạt và so sánh các ý kiến mà chúng ta có thể có liên quan đến vấn đề này hoặc vấn đề nọ, đến một khía cạnh đơn nhất nào đó của tín lý, hoặc đến một quy tắc kỷ luật nào đó. Không, đó là những công cụ, chúng là những phát biểu, chúng là những biểu thức tín điều hoặc kỷ luật. Nhưng ý tưởng phân biệt đa số với thiểu số không ăn nhằm gì ở đây: đó là điều nghị viện họ làm. Biết bao lần cái “vứt đi” đã trở thành “đá tảng” (x. Tv 118:22; Mt 21:42), cái “xa” đã trở thành cái “gần” (Ep 2:13). Những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo khổ, những người vô vọng được lựa làm bí tích của Chúa Kitô (xem Mt 25:31-46). Giáo Hội là như vậy. Và khi một số nhóm muốn nổi bật hơn, những nhóm này luôn kết thúc một cách tồi tệ, phủ nhận cả ơn Cứu rỗi, thành lạc giáo. Chúng ta hãy nghĩ tới những lạc giáo vốn cho là họ đưa Giáo hội tiến lên, chẳng hạn như phái Pêlagiô, sau đó là phái Giănsênô. Mọi lạc giáo đều kết thúc một cách tồi tệ. Thuyết Ngộ đạo và thuyết Pêlagiô là những cơn cám dỗ thường xuyên của Giáo hội. Chúng ta lo lắng, rất đúng, để mọi sự đều có thể tôn vinh các cử hành phụng vụ, và điều này là tốt - ngay cả khi chúng ta thường chỉ tự an ủi mình - nhưng Thánh Gioan Kim Khẩu khuyên nhủ chúng ta: «Bạn có muốn tôn vinh thân thể Chúa Kitô không? Đừng để nó trở thành đối tượng khinh miệt trong tay chân của nó, tức là những người nghèo khổ, không có quần áo che thân. Đừng tôn vinh Người ở đây trong nhà thờ bằng lụa là, trong khi ở bên ngoài bạn bỏ mặc Người chịu lạnh và trần truồng. Đấng từng nói: ‘Đây là thân thể Ta’, xác nhận sự kiện bằng lời nói, cũng nói ‘Các ngươi thấy Ta đói và các ngươi đã không cho Ta ăn’ và: ‘Bất cứ khi nào các ngươi không làm những điều này cho một trong những người nhỏ bé nhất trong số này, là các ngươi đã không làm điều đó cho Ta’" (Bài giảng về Tin Mừng Mátthêu, 50:3). "Nhưng, thưa cha, cha đang nói gì vậy? Có phải người nghèo, người ăn xin, bọn nhãi ghiền ma túy, tất cả những người bị xã hội vứt bỏ, đều là thành phần của Thượng Hội đồng?” Vâng, thưa bạn, vâng, thưa bạn: Không phải tôi nói điều đó, Chúa nói điều đó đấy: Họ là một phần của Giáo hội. Đến mức nếu anh chị em không mời gọi họ, họ sẽ tìm được cách, hoặc nếu anh chị em không đến gặp họ để ở với họ trong một thời gian, để nghe không phải những gì họ nói mà là những gì họ cảm nhận, ngay cả những lời xúc phạm mà họ dành cho anh em chị, thì anh chị em đang làm điều không đúng. Thượng Hội Đồng. Thượng Hội Đồng không có giới hạn, nó bao gồm tất cả mọi người. Thượng Hội Đồng cũng dành chỗ để bàn đến các nỗi khốn khổ của chúng ta, những khốn khổ tôi gây ra trong tư cách Giám Mục, những khốn khổ do các Giám Mục Phụ Tá, những khốn khổ do các linh mục và giáo dân và do các hội viên hiệp hội gây ra; Kể hết khốn khổ này ra đi! Nhưng nếu chúng ta không bao gồm những người khốn khổ - trong ngoặc kép - của xã hội, những người bị loại bỏ, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể giải quyết những nỗi khốn khổ của ta. Và điều quan trọng là: những khốn khổ của chính mình nên xuất hiện trong cuộc đối thoại, không cần phải biện minh chi. Đừng sợ!

Cần phải cảm nhận mình là một phần của dân tộc vĩ đại đơn nhất gồm những người lãnh nhận những lời Thiên Chúa hứa, cởi mở đối với một tương lai đang chờ đợi mọi người tham dự vào bữa tiệc do Thiên Chúa dọn sẵn cho muôn dân (x. Is 25: 6). Và ở đây, tôi muốn làm sáng tỏ một điều: ngay cả đối với khái niệm "dân Chúa ", vẫn có những lối diễn giải cứng ngắc và đối nghịch, vẫn bị mắc kẹt trong ý nghĩ độc quyền, đặc ân, như đã xảy ra đối với việc giải thích khái niệm "được chọn" mà các nhà tiên tri họ đã chỉnh sửa, chỉ ra cách hiểu đúng. Vấn đề không phải là đặc ân - được làm dân Thiên Chúa - mà là một ơn phúc ta nhận được… cho chính mình? Không: đối với mọi người, ơn phúc đó là để cho đi: đó là ơn gọi. Đó là một ơn phúc mà ta nhận được cho tất cả mọi người, mà chúng ta đã nhận được cho người khác, nó là một ơn phúc mà cũng là một trách nhiệm. Trách nhiệm làm chứng bằng việc làm chứ không chỉ bằng lời nói về những kỳ công của Thiên Chúa, những kỳ công mà nếu được biết đến, sẽ giúp người ta khám phá ra sự hiện hữu của Người và nghinh đón ơn cứu rỗi của Người. Được chọn là một ơn phúc, và câu hỏi đặt ra là: tư cách Kitô hữu của tôi, lời tuyên xưng Kitô hữu của tôi, làm sao cho đi được, làm sao cho đi được? Ý chí cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được ban cho lịch sử, cho toàn thể nhân loại qua việc Chúa Con nhập thể, để tất cả mọi người, qua trung gian của Giáo hội, có thể trở thành con cái và anh chị em của Người với nhau. Chính bằng cách này, sự hòa giải phổ quát giữa Thiên Chúa và nhân loại được hoàn thành, cả sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại mà Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ (x. Lumen Gentium, 1). Ngay trước Công đồng Vaticanô II, suy tư, khai triển dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng các Giáo phụ, đã cho thấy dân Thiên Chúa đang vươn tay ra hiện thực hóa Nước Trời, hướng tới sự hiệp nhất của loài người được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Chúng ta biết và cảm nghiệm rằng, trong sự kế vị tông đồ, Giáo hội này phải tự cảm thấy mình liên hệ với việc tuyển chọn phổ quát này và vì điều này thi hành sứ mệnh của mình. Với tinh thần này tôi đã viết thông điệp Tất cả là Anh em (Fratelli tutti). Như Thánh Phaolô VI đã nói, Giáo hội là thầy dạy nhân tính mà ngày nay có mục đích trở thành trường dạy tình huynh đệ.

Tại sao tôi lại nói với anh chị em những điều này? Bởi vì trong hành trình đồng nghị, việc lắng nghe phải xét đến cảm thức đức tin, nhưng không được bỏ qua tất cả những “dự cảm” [presentiments] hiện thân ở nơi chúng ta không ngờ tới: có thể có một “sự thính tai mà không phải là công dân”, nhưng không kém phần hữu hiệu. Chúa Thánh Thần, trong sự tự do của Người, không biết các ranh giới, và thậm chí không để Người bị giới hạn bởi việc thuộc về. Nếu giáo xứ là nhà của mọi người trong khu phố, chứ không phải là một câu lạc bộ dành riêng cho một số người, thì tôi xin khuyên anh chị em: hãy để các cửa ra vào và các cửa sổ rộng mở, đừng giới hạn bản thân anh chị em chỉ với những người tham dự hoặc có suy nghĩ giống như anh chị em - lúc đó chắc chắn sẽ chỉ là 3, 4 hoặc 5%, là cùng. Anh chị em hãy để mọi người vào… Anh chị em hãy ra ngoài gặp gỡ và được tra vấn, huống hồ các câu hỏi của họ cũng là các câu hỏi của anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau bước đi: Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt anh chị em, hãy tin cậy Chúa Thánh Thần. Đừng sợ bước vào cuộc đối thoại và để chính mình khó chịu bởi đối thoại: đó là cuộc đối thoại cứu rỗi.

Đừng nản lòng, hãy chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Có một tình tiết trong sách Dân Số (chương 22) kể về một con lừa trở thành một tiên tri của Thiên Chúa. Người Do Thái đang kết thúc cuộc hành trình dài sẽ dẫn họ đến miền đất hứa. Việc vượt qua của họ khiến vua Balak của Moab sợ hãi; ông ta dựa vào năng lực của pháp sư Balaam để ngăn chặn những con người này, hy vọng tránh được một cuộc chiến tranh. Nhà ảo thuật, theo cách tin của ông ta, hỏi Thiên Chúa phải làm gì. Thiên Chúa bảo ông không được đi cùng với nhà vua, nhưng ông nhất quyết, và sau đó ông nhượng bộ và lên một con lừa để thực hiện mệnh lệnh mà ông đã nhận được. Nhưng con lừa đổi hướng đi vì nó nhìn thấy một thiên thần với thanh gươm không vỏ đang đứng đó để nói lên sự chống đối của Thiên Chúa. Balaam kéo con lừa, đánh đập nó, mà không thể đưa nó trở lại đường. Cho đến khi con lừa bắt đầu nói chuyện, bắt đầu một cuộc đối thoại sẽ mở mắt cho pháp sư, biến sứ mệnh nguyền rủa của ông và cái chết thành sứ mệnh ban phúc lành và sự sống.

Câu chuyện này dạy chúng ta tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần sẽ luôn làm cho tiếng nói của Người được lắng nghe. Ngay cả một con lừa cũng có thể trở thành tiếng nói của Thiên Chúa, mở mắt và chuyển đổi hướng đi sai lầm của chúng ta. Nếu một con lừa có thể làm được điều đó, thì một người đã chịu phép rửa, một linh mục, một Giám mục, một Giáo hoàng còn có thể làm nhiều hơn biết bao nhiêu. Chỉ cần trông cậy vào Chúa Thánh Thần, Đấng dùng muôn tạo vật để nói với chúng ta là đủ: Người chỉ yêu cầu chúng ta rửa tai sạch sẽ để nghe cho rõ.

Tôi đến đây để khuyến khích anh chị em coi trọng diễn trình đồng nghị này và để nói với anh chị em rằng Chúa Thánh Thần cần anh chị em. Và điều này quả đúng: Chúa Thánh Thần cần chúng ta. Hãy lắng nghe Người bằng cách lắng nghe chính anh chị em. Đừng để bất cứ ai ở bên ngoài hoặc bị bỏ lại phía sau. Nó sẽ có ích cho Giáo phận Rôma và cho toàn thể Giáo hội, những định chế không chỉ được củng cố bằng cách cải tổ các cơ cấu – đây là một lừa dối lớn lao! -, tổ chức việc huấn giáo, cung cấp các khóa tĩnh tâm và hội nghị, hoặc bằng các chỉ thị và chương trình - điều này tốt, nhưng là một phần của điều gì khác - nhưng nếu họ tái khám phá rằng họ là những người muốn cùng nhau bước đi, giữa chúng ta và với nhân loại. Một dân tộc, dân tộc Rôma, chứa đựng sự đa dạng gồm mọi dân tộc và mọi điều kiện: thật là một sự phong phú phi thường, trong tính phức tạp của nó! Nhưng cần phải thoát ra khỏi 3-4% đại diện cho những người đóng kín nhất, và đi xa hơn để lắng nghe những người khác, những người có lúc sẽ xỉ nhục anh chị em, sẽ đuổi anh chị em đi, nhưng cần phải nghe những gì họ nghĩ, không muốn áp đặt sự việc của chúng ta: hãy để Chúa Thánh Thần nói với chúng ta.

Trong thời đại dịch này, Chúa thúc đẩy sứ mệnh của một Giáo hội như bí tích chăm sóc. Thế giới đã cất lên tiếng kêu than của nó, đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của nó: thế giới cần được chăm sóc.

Anh chị em hãy dũng cảm và tiến lên! Cảm ơn anh chị em!