Hôm thứ Sáu, Tòa thánh đã chính thức thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12.

Chuyến đi kéo dài 4 ngày đến hai quốc gia Địa Trung Hải sẽ bao gồm các điểm dừng chân ở Nicosia, thủ đô của Cyprus, và Athens, thủ đô của Hy Lạp, cũng như đảo Lesbos của Hy Lạp.

Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Síp từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 12 trước khi bay đến Athens vào ngày 4 tháng 12 và Lesbos vào ngày 5 tháng 12.

Đây sẽ là chuyến đi thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Lesbos, còn được gọi là Lesvos, một hòn đảo có trại tị nạn Moria khét tiếng đã bị hư hại trong một trận hỏa hoạn năm ngoái.

Đức Giáo Hoàng đã có chuyến thăm kéo dài một ngày vào năm 2016 cùng với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của Chính Thống Giáo trên thế giới, để thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh của những người di cư trên đảo.

Biểu tượng cho hành trình tông đồ của Đức Thánh Cha tới Hy Lạp là “một con tàu đi qua vùng nước đầy khó khăn của thế giới chúng ta, với thập tự giá của Chúa Kitô làm cột buồm và những cánh buồm của nó được lái bởi gió của Chúa Thánh Thần”, một tuyên bố của Vatican đưa ra hôm 5 tháng 11 cho biết như trên.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ hai đến thăm Síp. Đức Bênêđictô XVI đã tông du đến hòn đảo Địa Trung Hải này vào năm 2010.

Chủ đề chính thức trong chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Síp là “An ủi nhau trong đức tin”. Theo giải thích của Vatican, chủ đề này được lấy cảm hứng từ tên của Tông đồ Barnabas, có thể có nghĩa là con trai của sự an ủi.

Chính thống giáo chiếm đa số ở cả Síp và Hy Lạp. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 72% người dân ở Síp theo Kitô Giáo và 25% dân số theo đạo Hồi.

Các quốc gia Địa Trung Hải cũng được liên kết với nhau vì Thánh Phaolô đã đi đến cả hai nơi. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại rằng Thánh Phaolô đã dừng chân ở Síp và làm phép Rửa Tội cho tổng đốc Sergius Paulus. Thánh Phaolô cũng đã rao giảng trên đường phố Athens.

Theo cơ quan thống kê quốc gia của nước này, ngày nay, Síp có khoảng 11,000 người Công Giáo, và Hy Lạp là nơi sinh sống của khoảng 50,000 người Công Giáo (chiếm 0.5% dân số).

Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa hoan nghênh thông báo về chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Síp, nơi thuộc quyền của ngài với tư cách là Thượng phụ La tinh của Jerusalem.

Đức Thượng Phụ lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ gặp Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo Chrysostomos II, những người Công Giáo địa phương, và một nhóm người di cư và tị nạn khi ngài thăm Síp, ngoài việc dâng thánh lễ tại một sân vận động trên đảo.

“Chúng tôi rất biết ơn và vinh dự bởi chuyến thăm này, nhằm mục đích vừa là một cuộc hành hương vừa là một cơ hội để gặp gỡ,” Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa cho biết hôm 5 tháng 11.

“Đó là cuộc hành hương theo dấu chân của Tông đồ Banaba, vị Tông đồ của các dân tộc, cùng với Phaolô, cha của Giáo hội Síp. Đó là cơ hội để gặp gỡ thực tế Trung Đông tràn vào Địa Trung Hải - và vào Síp – trong thảm kịch về những gia đình tìm kiếm nơi ẩn náu sau chiến tranh, nghèo đói, tranh giành quyền lực và chủ nghĩa bè phái tôn giáo”.

Hành trình tông đồ sẽ là chuyến đi thứ ba của Đức Giáo Hoàng kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Các chuyến đi trước đó của ngài là đến Iraq vào tháng 3; Hung Gia Lợi và Slovakia vào tháng 9.

Đức Giáo Hoàng, năm nay 84 tuổi, đã trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng vào tháng 7, đã bày tỏ mong muốn tông du đến Canada, Congo, Hung Gia Lợi, Papua New Guinea và Đông Timor trong năm tới.
Source:Catholic News Agency