1. Phụng vụ đêm Giáng Sinh tại một nhà thờ ở Chicago đã đi quá xa. Cung thánh bị biến thành vũ trường đèn mờ

Cảm thấy bị xúc phạm trong Thánh lễ Đêm Giáng Sinh hoành tráng có sự góp mặt của các nhạc công nhạc jazz, với các vũ điệu được dàn dựng xung quanh bàn thờ và hiệu ứng ánh sáng sân khấu, một số người Công Giáo đang kêu gọi Hồng Y Blase Cupich hãy chú ý đến những hành vi lạm dụng phụng vụ trong các Thánh lễ Novus Ordo ở Tổng giáo phận Chicago, thay vì áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với các Thánh lễ Latinh Truyền thống đáng được tôn kính. Thánh lễ Novus Ordo là hình thức thánh lễ theo Nghi Thức mới, tức là hình thức thánh lễ sau Công Đồng Vatican II như chúng ta vẫn thường tham dự.

Cha Michael L. Pfleger, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Chicago, đã cử hành Thánh lễ tối ngày 24 tháng 12, được truyền trực tiếp từ Nhà thờ Thánh Sabina, một giáo xứ chủ yếu là người Da đen ở phía Nam của thành phố. Cha Pfleger là cha sở ở đó từ năm 1981.

Nhiều người cho rằng Thánh lễ này đã vượt qua ranh giới để chuyển từ việc thờ phượng sang giải trí. Quan điểm đó được thúc đẩy một phần bởi thực tế là khi nào phụng vụ thực sự bắt đầu. Không có lời chào đầu lễ, cac hành động sám hối hoặc lời cầu nguyện mở đầu, là các Nghi thức đầu lễ bắt buộc phải có của phụng vụ Novus Ordo.

Trong video đăng trên YouTube, Cha Pfleger không xuất hiện trên bàn thờ cho đến sau gần một giờ biểu diễn ca múa nhạc. Một ban nhạc biểu diễn sự kết hợp giữa các bài hát mừng tôn giáo và âm nhạc thế tục, bao gồm “Overjoyed” của Stevie Wonder và “Christmas Time is Here” của Bộ ba Vincent Guaraldi trong khi các vũ công mặc trang phục sặc sỡ múa nhảy xung quanh bàn thờ. Cả cung thánh đã được Cha Pfleger biến thành một vũ trường dưới ánh đèn mờ.

Trong một đoạn chói tai nhất của chương trình, ngay trước khi Cha Pfleger xuất hiện, một người phụ nữ đọc những suy tư về phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và các tệ nạn xã hội khác. Thỉnh thoảng, người phụ nữ lại hét lên, trong khi những nhân vật đứng gần bàn thờ, bao gồm một số người mặc áo choàng có mũ trùm đầu giống áo choàng Ku Klux Klan, kịch tính hóa lời nói của cô ấy.

“'Những người đi trong bóng tối đã nhìn thấy một ánh sáng tuyệt vời.' Nhưng chúng ta có thấy không? Chúng ta nhìn xung quanh và tất cả những gì mắt chúng ta có thể thấy là sự hủy diệt và hỗn loạn, chia rẽ, và thậm chí là cái chết. … Sự căm ghét đang bao trùm khắp đất nước theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Sự phân biệt chủng tộc đã trở nên tự nhiên như không khí mà chúng ta hít thở vậy”.

Trong bài giảng của mình, Cha Pfleger, đã cởi bỏ thánh giá mà ngài vẫn đeo, để đeo một dấu hiệu chống chiến tranh thường thấy trong các cuộc biểu tình phản chiến chống chiến tranh Việt Nam, lủng lẳng trên một chiếc vòng cườm, kêu gọi cộng đoàn nhấc điện thoại di động lên bật đèn chiếu sáng nhà thờ vẫn đang chìm trong tối tăm. Đó là cảnh thường thấy trong các buổi hòa nhạc.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Dublin cho rằng 'Thay đổi triệt để đang đến trong Giáo Hội'

Sau một năm đứng đầu Tổng giáo phận Dublin, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell nói, “Giáo Hội đang có sự thay đổi triệt để”, chúng ta sẽ chứng kiến một sự đổi mới về năng lượng và các hình thức mục vụ mới.

“Với sự cam kết mạnh mẽ của các giáo sĩ và giáo dân, trên toàn bộ đời sống và mục vụ của các cộng đồng giáo xứ, chúng ta sẽ trải qua một sự đổi mới năng lượng và áp dụng các hình thức tiếp cận và mục vụ mới,” vị Tổng Giám Mục 67 tuổi nói với Catholic News Service. Ngài tin rằng sự thay đổi đã và đang xảy ra trong các cấu trúc của Giáo Hội trên khắp thế giới phương Tây.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đang cung cấp cho chúng ta một cách trở thành Giáo Hội, đó là con đường đồng nghị, để cùng nhau tiến bước gần nhau hơn và trở thành một Giáo Hội tràn đầy hy vọng, bất chấp nhiều thử thách.”

Lãnh đạo của giáo phận lớn nhất Ái Nhĩ Lan, với hơn 1 triệu người Công Giáo và 207 giáo xứ, đã mời gọi các tín hữu “cùng tôi bước đi cuộc hành trình này - và bước đi với hy vọng: một hy vọng giải phóng chúng ta để có thể thực hiện các thay đổi căn bản, một niềm hy vọng truyền cảm hứng để chúng ta có tham vọng và hy vọng khuyến khích chúng ta dũng cảm”.

Vào tháng 11, tổng giáo phận đã công bố “Báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm Xây dựng Hy vọng”, một kế hoạch chiến lược để đổi mới mục vụ trong bối cảnh những thách thức lớn như sự sụt giảm các khoản đóng góp và số lượng các linh mục.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Với tư cách là một giáo phận, chúng ta cần kiểm tra xem chúng ta đã chuẩn bị tốt như thế nào để phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội. Tất nhiên, chúng ta phải đối mặt với những thách thức to lớn. Một số hình thức của đời sống Giáo Hội có thể đang chết dần. Một khi chúng ta chấp nhận điều này, không có nghĩa là cam chịu hay bất lực, nhưng là chấp nhận những trách nhiệm mới đối với sứ mệnh truyền giáo”.

Ngài nhận xét rằng “không có kế hoạch đóng gói sẵn nào có thể dùng để giải quyết thực tế mà chúng ta đang thấy trước mắt mình”.

Trong số 312 linh mục hiện đang làm mục vụ tại Tổng giáo phận Dublin, 139 vị trên 70 tuổi, và 116 trong số 312 là các linh mục ở nơi khác đang cho tổng giáo phận mượn. Hiện tại chỉ có hai chủng sinh trong quá trình đào tạo linh mục. Theo thống kê năm 2016, là năm cuối cùng có dữ liệu, 1.1 triệu người trong tổng số 1.57 triệu dân Dublin xác định mình là người Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Farrell nói: “Chúng ta không bất lực khi đối mặt với tương lai. Những thay đổi sẽ xảy ra khi chúng ta cùng làm việc với nhau như một giáo phận. Cơ cấu giáo xứ của chúng ta cần phải phù hợp với mục đích trong tương lai. Sự canh tân cần phải bắt nguồn từ việc suy tư, cầu nguyện và hoán cải, nếu nó muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ một đức tin sống động”.

Ngài mô tả năm đầu tiên của mình trên cương vị Tổng giám mục là “khoảng thời gian tràn đầy hy vọng” vì hành trình đổi mới của tổng giáo phận, thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô về đường lối thượng hội đồng, và vì “chúng tôi tin rằng Giáo Hội của chúng tôi đang được thay đổi theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

“Chúng ta cần mở ra một chương mới trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan. Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, và sẽ có những xung đột, bất đồng và căng thẳng. Những vấn đề này sẽ không được giải quyết bằng lập luận hoặc sức nặng của các con số”.

Ngài cho biết hai cộng đồng quan trọng nhất trong việc truyền lại đức tin là gia đình và giáo xứ. “Những năm kinh nghiệm của tôi ở cấp giáo xứ và giáo phận đã củng cố niềm tin vào giá trị của gia đình. Chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò to lớn đối với việc tái truyền bá phúc âm hóa trong các giáo xứ của chúng ta, đặc biệt là trong giới trẻ và các gia đình”.

Về việc nhiều người xa lánh Giáo Hội do các vụ tai tiếng lạm dụng và mất niềm tin vào hàng giáo phẩm, ngài nói: “Chúng ta phải là một Giáo Hội biết thống hối và bảo đảm rằng không có gì chúng ta từng làm cản trở mối quan hệ giữa một cá nhân tín hữu với Thiên Chúa. Với tư cách là Tổng giám mục của Dublin, tôi ở đây để đóng vai trò của mình trong việc chữa lành những tổn thương trong quá khứ và không ngừng tiếp cận và chào đón mọi người”.
Source:Crux

3. Thách thức khắc nghiệt của Mạc Tư Khoa: Thiết lập Tòa Thượng Phụ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Giáo Hội Chính thống Nga dường như quyết tâm tạo ra căng thẳng thậm chí sẽ dẫn đến rạn nứt bằng cách trực tiếp xem thường và thách thức quyền tài phán của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople.

Chỉ vài ngày sau quyết định của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về việc thành lập “Tòa Thượng Phụ ở Phi Châu”, một hành động khiến Đức Thượng Phụ Theodore của Alexandria đau buồn, theo báo cáo của ertnews.gr, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lại tính đến khả năng thành lập “Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ria Novosti, Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, gọi tắt là DECR, cho biết: “Giáo Hội Chính thống Nga không thể từ chối việc nuôi dưỡng Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đề cập đến việc thành lập gần đây của “Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Phi Châu”, Tổng Giám Mục Hilarion đã biện minh cho điều đó bằng cách nói: “Vào năm 2019, Theodore II, Thượng phụ của Alexandria và Toàn Phi Châu, đã công nhận Giáo Hội Chính thống giáo Ukraine”.

Phát biểu về hậu quả của quyết định này, Giáo Hội Chính thống Nga lưu ý rằng “điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc các tín hữu đồng bào của chúng tôi ở Phi Châu, những người sống trong lãnh thổ giáo luật của Tòa Thượng phụ Alexandria.”

Cuối tháng 12 năm 2021, Thượng hội đồng Chính thống giáo Nga đã công bố quyết định thành lập Tòa Thượng phụ tại Phi Châu.

Tổng Giám Mục Hilarion đích thân tấn công Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói rằng: “Trong bối cảnh Tòa Thượng phụ Constantinople cũng như Tòa Thượng Phụ Alexandria đã tham gia vào cuộc ly giáo, chúng tôi không thể nói không với các giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Alexandria, những người đã nhận ra quan điểm sai lầm của Thượng phụ Theodore, vì thế, chúng tôi đón nhận họ vào trong Giáo Hội của chúng tôi”.
Source:Orthodox Times