KHÔNG CÒN BỊ RÀNG BUỘC VÀ HOÀN TOÀN TỰ DO
“Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”. Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo, “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!”.
Trong một bài giảng, Giám mục John Fisher nói, “Có lẽ một số tội nhân sẽ bảo, ‘Tôi không nhận thấy và cũng không cảm thấy bất kỳ một trọng lượng nào trong tôi, tôi đâu có phạm tội nhiều đến thế!’. Và tôi trả lời người ấy rằng, “Nếu một con chó với một hòn đá lớn buộc quanh cổ bị ném từ trên tháp cao xuống, nó không cảm thấy sức nặng của hòn đá đó chừng nào nó đang rơi. Nhưng một khi tới đất, nó vỡ ra từng mảnh bởi chính sức nặng đó. Vì thế, bao lâu còn kịp, bạn hãy chạy xa khỏi tội lỗi, để mình ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bao lâu con kịp, bạn hãy chạy xa khỏi tội lỗi!”. Cái chết của Lazarô trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được coi là một hình ảnh biểu tượng cho một linh hồn đã chết vì tội trọng. Bởi lý do đó, phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu tiết lộ cho chúng ta cách thức phản ứng đối với những tội trọng trong cuộc sống; để cuối cùng, chúng ta ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do!’.
Đối mặt với cái chết của Lazarô, Chúa Giêsu “thổn thức trong lòng và xao xuyến”; “Ngài khóc”; “Ngài lại thổn thức và kêu lớn tiếng”. Dẫu là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chọn mang lấy bản chất nhân loại, Ngài trải nghiệm những cảm xúc và đau khổ một cách ‘rất người’ của con người để dạy chúng ta cách thức phản ứng trước tội lỗi. Trong trường hợp này, Ngài bồi hồi xao xuyến, khóc lóc và kêu lớn tiếng. Bởi lẽ, Chúa Giêsu biết, tội lỗi giết chết tinh thần, giết chết linh hồn! Và kết quả là chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề nếu phạm tội trọng hoặc chứng kiến một tội trọng.
Bài học chúng ta có thể rút ra ở đây là khi bạn hoặc một người thân yêu phạm một tội trọng, thì chúng ta không được bỏ qua điều đó. Việc không ăn năn một tội lỗi, hoặc không có sự hối hận thích hợp về nó; để rồi, phản ứng với nó một cách tuỳ tiện... thì đây không thể là phản ứng của chúng ta. Hãy bắt đầu bằng cách xem xét giá trị to lớn của việc nhìn nhận tội lỗi một cách nghiêm túc, phản ứng với nó bằng tâm tình hối tiếc, u buồn như Chúa Giêsu, và cầu xin Ngài thứ tha.
Với chi tiết “Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải”, thánh Augustinô dạy, “Một phần, điều này tượng trưng cho quá trình ‘xưng tội và tha tội’. Thứ nhất, không ai có thể tự mình xưng tội. Hẳn là họ được đánh động bởi ân điển và mệnh lệnh của Chúa để bước ra ánh sáng; nhưng họ vẫn ở trong tình trạng bị ràng buộc. Việc Lazarô vâng theo lời truyền của Chúa Giêsu tượng trưng cho phản ứng của Kitô hữu khi họ được kêu gọi ăn năn. Ngài nói, “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!”, điều này tượng trưng cho hiệu quả vô song của Bí Tích Giải Tội và sức mạnh của nó. Nó giải thoát một người không chỉ khỏi tội lỗi mà còn khỏi những hậu quả liên tục của tội lỗi đó; từ đó, họ ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do’ thực hành các nhân đức”.
Anh Chị em,
“Hãy ra khỏi mồ!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về tính biểu tượng phong phú được tìm thấy trong câu chuyện về sự sống lại từ cõi chết của Lazarô. Khi bạn làm thế, hãy lắng nghe tiếng nói đầy nhiệt huyết của Chúa Giêsu đang gọi bạn, “Hãy ra khỏi mồ!”. Ngài kêu gọi bạn giải thoát khỏi tội lỗi nào? Hãy gọi tên tội lỗi đó và ăn năn với cùng một sự dằn vặt mà chính Chúa Giêsu đã thể hiện. Từ đó, hãy xem xét bất kỳ cám dỗ nào đang diễn ra mà bạn phải vật lộn, bất kỳ sự gắn bó nào mà bạn vẫn có đối với một tội cụ thể. Chúa Giêsu mong muốn bạn ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do’. Hãy cởi mở với ân sủng Ngài và làm tất cả những gì có thể để chấp nhận nó!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi ràng buộc, để con vững bước trên con đường nhân đức, hầu dẫn đến một niềm vui vĩnh cửu!”, Amen.
(Tgp. Huế)