Lý lẽ Bênh vực Chúa Kitô



Chương Dẫn nhập



Mở lại cuộc điều tra có tính cách đời người

Theo lối nói của các công tố viên, vụ mưu toan giết người kết cho James Dixon là “một vụ chắc ăn như bắp”. Mở rồi đóng. Ngay một cuộc khảo sát lướt qua các chứng cớ cũng đủ để quả quyết rằng Dixon bắn trung sĩ cảnh sát Richard Scanlon vào bụng dưới trong một cuộc hỗn chiến ở phía nam Chicago.

Từ món này đến món khác, từ mẩu này đến mẩu khác, từ nhân chứng này đến nhân chứng khác, bằng chứng đều xiết chặt thòng lọng quanh cổ Dixon. Có đủ dấu tay và một vũ khí, các nhân chứng và một động cơ, một cảnh sát bị thương và một bị cáo với một lịch sử bạo động. Lúc này, hệ thống công lý hình sự ở tư thế sẵn sàng dựng một chiếc cửa sập khiến Dixon sa vào bởi sức nặng của chính tội ác của anh ta.

Các sự kiện khá đơn giản. Trung sĩ Scanlon vội vàng tới số 108 West Place sau khi một người hàng xóm gọi cho cảnh sát để báo cáo có người mang súng. Scanlon tới thì thấy Dixon đang cãi cọ om xòm với người bạn gái của anh ta bên ngưỡng cửa nhà nàng. Cha nàng xuất hiện khi thấy Scanlon, cho rằng ra ngoài lúc này là điều an toàn.

Bỗng nhiên một cuộc ẩu đả diễn ra giữa Dixon và người cha. Trung sĩ lanh lẹ can thiệp, cố gắng ngăn chặn cuộc ẩu đả. Một phát súng vang lên; Scanlon lảo đảo, bị thương ở phần giữa. Ngay lúc đó, hai xe của đội cảnh sát tới, rít lên dừng lại, và các cảnh sát viên ập tới kiềm chế Dixon.

Khẩu A. 22 là súng của Dixon, có dấu tay của anh ta với một viên đạn đã bắn, được tìm thấy gần đấy, nơi rõ ràng anh ta đã ném nó sau khi đã bắn. Người cha không có vũ trang; súng của Scanlon vẫn ở trong vỏ súng. Thuốc súng cháy trên da Scanlon cho thấy ông bị bắn ở tầm rất gần.

May mắn, vết thương của ông không đe dọa tới tính mạng, mặc dù nó đủ nặng để ông được thưởng một huy chương vì lòng can đảm, hãnh diện được trưởng cảnh sát gắn lên ngực ông. Còn về Dixon, khi cảnh sát lục lọi hồ sơ, họ thấy anh ta từng bị kết án vì đã bắn một ai đó. Rõ ràng anh ta rất quen với bạo lực.

Và gần một năm sau, tôi ngồi ở đó, ghi chép tại một phòng toà án gần như trống trơn tại Chicago trong khi Dixon công khai nhìn nhận rằng, đúng, anh phạm tội đã bắn viên cảnh sát kỳ cựu với 15 năm công vụ. Thêm vào số các chứng cớ khác, lời thú tội này đã xiết chặt tội trạng. Chánh án hình sự Frank Machala truyền giam Dixon, rồi đập búa ra hiệu vụ án kết thúc. Công lý đã được phục vụ.

Tôi nhét tập ghi chép vào túi trong của chiếc áo khoác thể thao rồi thong thả xuống cầu thang đi về phía phòng báo chí. Cùng lắm, tôi nghĩ chủ bút của tôi sẽ cho tôi ba đoạn để kể lại câu truyện trên tờ Chicago Tribune vào ngày hôm sau. Chắc chắn, nó chỉ đáng thế. Chả có gì đáng nói. Hay gần như thế, tôi nghĩ vậy.

Một người chỉ điểm rỉ tai

Tôi trả lời điện thoại tại phòng báo chí và nhận ra giọng nói ngay lập tức, đó là người chỉ điểm tôi từng gầy dựng trong năm tôi tường trình những gì diễn ra tại tòa án hình sự. Tôi đoan chắc ông ta có điều nóng bỏng muốn nói với tôi, vì tin mách nước càng lớn bao nhiêu, thì ông ta càng nói nhanh và nói nhỏ bấy nhiêu, và quả ông ta rỉ tai ngay lập tức.

Ông ta hỏi, “Này Lee, anh có biết vụ Dixon không?”

Tôi trả lời, “Có, chắc chắn như thế, từng tường trình về nó 2 bữa nay. Thường lệ thôi”.

“Đừng chắc mẩm như vậy. Có tin cho hay trước vụ bắn vài tuần, Trung sĩ Scanlon dự một buổi tiệc vui, mang khẩu súng bút ra khoe”.

“Cái gì?”

“Khẩu súng bút. Khẩu súng lục nòng.22 chế tạo trông giống như cây bút máy. Không ai, kể cả cảnh sát, được phép mang loại súng này”.

Khi tôi bảo ông ta tôi không thấy khẩu súng này có liên quan gì tới vụ việc, thì giọng ông ta trở nên kích động hơn, “Đây là đầu mối: Dixon không bắn Scanlon. Scanlon bị thương khi khẩu súng bút của ông ta tình cờ phát nổ trong túi áo sơmi của ông ta. Ông ta đổ lỗi cho Dixon để ông ta khỏi bị tố cáo đã mang vũ khí bất hợp pháp. Anh không thấy sao? Dixon vô tội!”

Tôi la toáng lên “Không thể có chuyện đó”.

Ông ta trả lời: “Thì kiểm tra bằng chứng đi. Xem nó thực sự chỉ vào đâu”.

Tôi gác điện thoại và vội lao xuống cầu thang đi vào phòng công tố, ngừng một lát lấy hơi trước khi đi vào trong. “Ông biết vụ Dixon chứ?” tôi hững hờ hỏi, chưa vội tiết lộ điều mình mới nghe. “Nếu ông không ngại, tôi muốn trở lại các chi tiết một lần nữa”.

Sắc mặt ông ta tái đi. Ông ta lắp bắp, “À, tôi không thể nói về vụ ấy. Không bình luận”.

Hóa ra người chỉ điểm của tôi đã trút hết các hoài nghi của ông ta cho văn phòng công tố viên. Phía hậu trường, bồi thẩm đoàn đã được triệu tập để xem xét lại các chứng cớ. Một cách đáng ngạc nhiên, bất ngờ, vụ xử kín đáo James Dixon đã được mở lại.

Các sự kiện mới cho một lý thuyết mới

Cùng một lúc, tôi bắt đầu cuộc điều tra riêng của tôi, nghiên cứu hiện trường tội phạm, phỏng vấn các nhân chứng, nói chuyện với Dixon, và khảo sát chứng cớ thể lý. Khi xem xét thấu đáo vụ án, điều lạ lùng nhất đã diễn ra: mọi sự kiện mới được tôi khám phá, và thậm chí cả chứng cớ cũ từng được dùng để kết tội Dixon, đã ăn khớp với lý thuyết khẩu súng bút.

• Các nhân chứng nói rằng trước khi Scanlon tới hiện trường, Dixon đã gõ khẩu súng của anh ta vào cửa nhà người bạn gái của anh ta. Khẩu súng phát nổ theo hướng xuống đất; ở khối ximăng của cửa trước, có một chỗ mẻ rất phù hợp với tác động của một đầu đạn. Điều này giải thích cho việc một viên đạn đã mất khỏi cây súng của Dixon.

• Dixon nói anh ta không muốn bị bắt với khẩu súng, nên anh ta đã giấu nó dưới cỏ ở bên kia đường phố trước khi cảnh sát tới. Tôi kiếm được một nhân chứng xác nhận điều đó. Việc này giải thích tại sao khẩu súng đã được tìm thấy ở một chỗ xa cách hiện trường dù không ai thấy Dixon đã ném nó ra xa như thế.

• Có thuốc súng cháy tập trung bên trong, chứ không phải bên trên, túi áo trái chiếc sơmi của Scanlon. Lỗ viên đạn nằm ở cuối túi áo. Kết luận: một vũ khí đã phát nổ bên trong túi áo.

• Trái với lời tuyên bố trong báo cáo của cảnh sát, đường đi của viên đạn theo chiều đi xuống. Dưới túi áo sơmi của Scanlon là một vết xé dài rỉ máu nơi viên đạn thoát ra sau khi xuyên qua một lớp thịt.

• Hồ sơ cảnh sát khi bắt giam [rap sheet] Dixon đã không nói hết câu truyện về anh ta. Mặc dù anh ta từng bị giam 3 năm về một vụ nổ súng trước đây, nhưng tòa phá án đã trả tự do cho anh ta sau khi phán quyết anh ta bị kết án sai. Hóa ra cảnh sát đã giấu một nhân chứng chủ yếu của bên bị cáo và nhân chứng của công tố đã nói láo. Thành thử hồ sơ nói rằng anh ta có xu hướng bạo động là không đúng.

Một người vô tội được trả tự do

Sau cùng, tôi đã hỏi thẳng Dixon “nếu anh vô tội, tại sao anh lại thú nhận mình có tội hở trời?”

Dixon thở dài, nói, “chỉ là chuyện mặc cả”. Anh ta có ý nói đến tập tục theo đó, công tố cho hay họ sẽ giảm án nếu bị cáo thú nhận tội lỗi, nhờ thế tiết kiệm thì giờ và tiền bạc cho mọi người.

“Họ nói nếu tôi nhận tội, họ sẽ chỉ kết án tôi một năm tù. Tôi đã nằm xàlim 362 ngày chờ phiên tòa rồi. Tôi chỉ cần nhận tội là sẽ về nhà trong ít ngày nữa thôi. Nhưng nếu tôi cứ khăng khăng ở tòa và bồi thẩm đoàn thấy tôi có tội, thì họ sẽ áp đặt hình phạt tối đa cho tôi. Họ sẽ dành cho tôi 20 năm tù vì đã bắn một cảnh sát viên. Chẳng đáng canh bạc chút nào. Tôi chỉ muốn trở về nhà...”

Tôi bảo, “và thế là anh nhìn nhận đã làm một điều anh không hề làm”.

Dixon gật đầu, “đúng thế”.

Cuối cùng Dixon được trắng án và sau đó, đã thắng một vụ kiện chống sở cảnh sát. Scanlon bị tước huy chương, bị một bồi thẩm đoàn kết tội, nhìn nhận tội có tác phong sai trái và bị sở cảnh sát sa thải (1). Về phần tôi, các câu truyện của tôi được đưa lên trang nhất. Điều quan trọng hơn, tôi đã học được nhiều bài học lớn trong tư cách một phóng viên trẻ.

Một trong các bài học hiển nhiên là chứng cớ có thể được sử dụng theo hơn một chiều. Thí dụ, dễ dàng có đủ chứng cớ để kết tội Dixon đã bắn trung sĩ. Nhưng các câu hỏi chủ chốt là thế này: liệu việc thu thập chứng cớ có thấu đáo không? Và giải thích nào thích đáng nhất với toàn bộ các sự kiện? Một khi lý thuyết súng bút được đưa ra, điều trở nên rõ ràng là viễn ảnh này giải thích được toàn bộ các chứng cớ một cách tối đa nhất.

Và còn một bài học khác nữa. Một lý do khiến chứng cớ thoạt đầu trông có vẻ hết sức thuyết phục đối với tôi vì nó rất phù hợp với các định kiến của tôi. Với tôi, Dixon hiển nhiên là một anh chàng gây rối, một thất bại, sản phẩm thất nghiệp của một gia đình tan vỡ. Cảnh sát là người tốt. Công tố ít khi sai lầm.

Nhìn qua các lăng kính ấy, chứng cớ ban đầu xem ra rất có giá trị. Chỗ nào có bất nhất hay khoảng trống, tôi đều ngây thơ bỏ qua. Khi cảnh sát cho tôi hay đây là một phiên tòa kín, tôi tin lời họ và không lục lọi gì thêm.

Nhưng khi tôi thay đổi lăng kính, đổi các thiên kiến của mình lấy tính khách quan hơn, tôi nhìn vụ án dưới một ánh sáng khác hẳn. Cuối cùng tôi để chứng cớ dẫn tôi tới sự thật, bất kể nó có hợp với các thiên kiến ban đầu của tôi hay không.

Câu truyện ấy cách nay đã hơn 20 năm. Các bài học lớn nhất vẫn chưa đến với tôi.



Từ Dixon tới Chúa Giêsu

Lý do tôi kể lại vụ án bất thường trên là vì một cách nào đó, hành trình tâm linh của tôi khá giống kinh nghiệm của tôi với James Dixon.

Phần lớn đời mình, tôi là kẻ hoài nghi. Thực vậy, tôi coi mình là một người vô thần. Với tôi, có quá nhiều chứng cớ cho thấy Thiên Chúa chỉ là một sản phẩm của một mơ tưởng, của một huyền thoại học cổ xưa, của mê tín bán khai. Làm thế nào có một Thiên Chúa yêu thương cho được khi Người phạt người ta xuống hỏa ngục chỉ vì không tin nơi Người? Làm thế nào các phép lạ lại có thể đi ngược lại luật lệ căn bản của thiên nhiên? Há biến hóa đã không giải thích thỏa đáng khởi thủy của sự sống hay sao? Há lý luận khoa học không đánh tan niềm tin vào siêu nhiên đó sao?

Còn về Chúa Giêsu, há các anh không biết rằng Người không bao giờ cho rằng mình là Thiên Chúa đó sao? Người là một nhà cách mạng, một hiền tài, một người Do Thái hình tượng, nhưng là Thiên Chúa? Không, ý niệm này không bao giờ có trong đầu óc Người! Tôi có thể giới thiệu với các anh rất nhiều giáo sự Đại Học nói như thế, và chắc chắn họ là những người đáng tin tưởng, đúng không? Chúng ta hãy đối diện với điều này: thậm chí một cuộc khảo sát qua loa các chứng cớ cũng đủ để chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng Chúa Giêsu chỉ là một người phàm giống như các anh và tôi, mặc dù có những thiên phú ngoại thường của lòng tốt và khôn ngoan.

Nhưng đó là tất cả các chứng cớ tôi thực sự đưa ra từ trước đến nay. Tôi đã đọc đủ triết lý và lịch sử để hỗ trợ cho sự hoài nghi của mình, một sự kiện ở đây, một lý thuyết khoa học ở kia, một trích dẫn súc tích, một lập luận khôn khéo. Chắc chắn, tôi có thể thấy một số lỗ hổng, một số bất nhất, nhưng tôi có động cơ mạnh mẽ để làm ngơ chúng: một lối sống tự phục vụ mình và vô luân mà tôi buộc phải từ bỏ nếu tôi phải thay đổi quan điểm và trở thành một tín hữu của Chúa Giêsu.

Đối với tôi, vụ này đã kết thúc. Có đủ bằng chứng giúp tôi dễ dàng kết luận rằng thiên tính của Chúa Giêsu chỉ là một phát minh tưởng tượng của những người mê tín. Hoặc gần như thế, tôi nghĩ vậy.

Các câu trả lời cho một người vô thần

Không phải cú diện thoại từ người chỉ điểm viên đã thúc đẩy tôi khảo sát lại lý lẽ bênh vực Chúa Kitô. Mà là vợ tôi.

Leslie làm tôi choáng váng vào mùa thu năm 1979 khi tuyên bố nàng đã trở thành một Kitô hữu. Tôi trợn tròn đôi mắt và chờ đợi điều tệ hại nhất, có cảm giác là nạn nhân của một mưu đồ bán hàng rởm.Tôi đã cưới một Leslie vui nhộn, vô tư, liều lĩnh, nhưng nay, tôi sợ nàng sắp biến thành một người đàn bà kiểu cách bị ức chế về tình dục, sẵn sàng đổi chác lối sống đang đi lên của chúng tôi lấy những buổi canh thức cầu nguyện thâu đêm và phục vụ thiện nguyện trong những căn bếp nấu súp ảm đạm.

Nhưng thay vào đó, tôi đã ngạc nhiên một cách thích thú, thậm chí còn phấn khích nữa, bởi các thay đổi từ nền tảng trong tính tình của nàng, tính chính trực, và thái độ tự tin vào bản thân nàng. Cuối cùng, tôi muốn hiểu tận đáy điều đã thúc đẩy các thay đổi nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa trong tác phong của vợ tôi, do đó, tôi đã phát động một cuộc điều tra toàn diện để nắm được các sự kiện quanh việc biện hộ cho Kitô giáo.

Cố gắng hết sức để qua một bên các sở thích bản thân và các thiên kiến, tôi đọc sách vở, phỏng vấn các chuyên gia, hỏi các câu hỏi, phân tích lịch sử, thăm dò khảo cổ học, nghiên cứu văn chương cổ thời, và lần đầu tiên trong đời đọc từng câu chữ Kinh Thánh.

Tôi lao vào vụ án này một cách mạnh mẽ như chưa bao giờ làm thế với bất cứ câu truyện nào. Tôi áp dụng việc đào luyện đã nhận được tại Trường Luật của Đại Học Yale cũng như kinh nghiệm làm chủ bút luật pháp sự vụ của tờ Chicago Tribune. Và với thời gian, chứng cớ của thế giới, của lịch sử, của khoa học, của triết học, của tâm lý học, bắt đầu hướng tôi tới điều không thể nghĩ tưởng.

Giống như vụ James Dixon được phục hồi.

Bạn tự phán đoán lấy

Có lẽ cả bạn nữa cũng đã dựa quan điểm tâm linh của bạn vào bằng chứng bạn quan sát thấy quanh bạn hay lượm lặt đó đây từ sách vở, các giáo sư Đại Học, thành viên giáo dân hoặc bằng hữu. Nhưng liệu kết luận của bạn có thực sự là giải thích tốt nhất cho bằng chứng hay không? Nếu bạn phải đào sâu hơn nữa, để đối chất các thiên kiến của bạn và bằng chứng đã tìm thấy một cách có hệ thống, bạn sẽ tìm được gì?

Đó chính là nội dung cuốn sách này. Thật vậy, tôi sẽ lần giở lại và khai triển thêm cuộc hành trình tâm linh tôi đã thực hiện trong gần hai năm trời. Tôi sẽ đưa bạn theo 13 cuộc phỏng vấn của tôi với các học giả hàng đầu và những người có thẩm quyền với các thế giá học thuật vô song.

Tôi đã đi nhiều vòng khắp đất nước, từ Minnesota tới Georgia, từ Virginia tới California, để lấy được các ý kiến chuyên môn của họ, để thách thứ họ với các luận bác tôi vốn có lúc còn là một kẻ hoài nghi, để buộc họ bảo vệ các lập trường của họ bằng các dữ kiện vững chắc và luận điểm gắn bó, vả để thử nghiệm họ bằng chính những câu hỏi mà bạn có thể nêu lên khi có cơ hội.

Trong việc tìm kiếm sự thật này, tôi đã sử dụng kinh nghiệm của mình như một ký giả viết về các vấn đề luật lệ phải khảo sát nhiều loại chứng cớ khác nhau, bằng chứng tận mắt, bằng chứng tài liệu, bằng chứng khoa học, bằng chứng tâm lý học, bằng chứng hoàn cảnh, và, vâng, cả chứng cớ dấu tay (điều này có vẻ ly kỳ, phải không?)

Đó cũng chính là những bằng chứng bạn gặp thấy ở toà án. Và có lẽ sử dụng viễn ảnh luật pháp là cách hay nhất để hình dung ra diễn trình này, với bạn trong vai trò bồi thẩm viên.

Nếu bạn được chọn tham gia một bồi thẩm đoàn trong một vụ xử thực sự, chắc bạn sẽ được yêu cầu phải xác nhận trước rằng bạn không có một thiên kiến nào về vụ án. Bạn hẳn sẽ được yêu cầu phải tuyên thệ bạn sẽ cởi mở và hợp tình hợp lý, rút kết luận của bạn dựa trên sức nặng của các sự kiện chứ không dựa trên ý thích nhất thời hay thiên kiến của chính bạn. Hẳn bạn sẽ được thúc giục phải thấu đáo xem xét tính đáng tin của các nhân chứng, cẩn thận sàng lọc chứng ngôn, và dùng lương tri và luận lý của bạn nghiêm khắc xem xét chứng cớ.Tôi yêu cầu bạn cũng làm như thế khi đọc cuốn sách này.

Cuối cùng, trách nhiệm của các bồi thẩm viên là đạt tới việc tuyên án. Điều này không có nghĩa là họ đã đạt được một sự chắc chắn trăm phần trăm, vì chúng ta không thể có được chứng cớ tuyệt đối cho bất cứ điều gì ở trong đời. Trong một phiên tòa, các bồi thẩm viên được yêu cầu cân đo chứng cớ và đạt tới một kết luận tốt nhất có thể. Nói cách khác, căn cứ vào vụ James Dixon, khung cảnh nào phù hợp khít khao nhất với các sự kiện?

Đó là trách vụ của bạn. Tôi hy vọng bạn sẽ coi trọng nó, vì đây không chỉ là chuyện tò mò nhàn rỗi mà thôi. Nếu Chúa Giêsu phải được tin tưởng, và tôi nhận ra đây có thể là chữ nếu lớn lao cho bạn vào lúc này, thì không có gì quan trọng hơn việc bạn sẽ trả lời Người ra sao.

Nhưng thực sự Người là ai? Người tự nhận Người là ai? Và liệu có bằng chứng nào đáng tin để hỗ trợ cho việc tự nhận ấy? Đó là điều tôi tìm cách xác định khi lên chuyến máy bay tới Denver để tiến hành cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi.

Ghi chú

(1) Lee Strobel, “Four Years in Jail – an Innocent”, Chicago Tribune (August 22, 1976) và “Did Justice Close Her Eyes?” Chicago Tribune (August 21, 1977).

Kỳ tới: Phần I: Khảo sát Hồ sơ, Chương Một: Bằng chứng Tận mắt