CHÚA NHẬT XVII MÙA THƯỜNG NIÊN
1 V 3,5-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52
KHO BÁU VÀ VIÊN NGỌC QUÝ

Với việc cử hành phụng vụ Chúa Nhật XVII, Lời Chúa hôm nay tiếp tục giới thiệu chủ đề về Nước Trời như là kho báu, viên ngọc quý, và là mẻ cá mà mỗi người chúng ta cần khôn ngoan ưu tiên tìm kiếm để được hạnh phúc vĩnh cửu.

1. Khôn ngoan biết phân định

Trong bài đọc I, vua Salômon khi còn trẻ, ông đã cầu nguyện với Thiên Chúa để xin cho được một tâm hồn biết lắng nghe, ơn khôn ngoan và biết phân định phải trái để hướng dẫn dân Chúa. Điều ông xin đẹp lòng Thiên Chúa, nên ông không chỉ được khôn ngoan mà còn được mọi thứ khác như giàu sang phú quý và vinh quang trên đời. Điều này muốn nói: có khôn ngoan của Thiên Chúa, sẽ có mọi thứ. Ơn khôn ngoan là một ơn rất cần thiết cho cuộc sống, chúng ta cần có sự khôn ngoan để biết phân định điều lành hay điều dữ, điều tốt hay xấu, giá trị đích thực cuộc sống này. Chúng ta cũng noi gương Salômon cầu xin Chúa cho có ơn khôn ngoan.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dùng ba hình ảnh rất cụ thể và gần gũi để nói về mầu nhiệm Nước Trời. Người nói: “Nước Trời như kho ngọc quý chôn giấu ở thửa ruộng; Nước Trời như viên ngọc quý; và Nước Trời như lưới thả xuống bắt được nhiều cá” (x. Mt 13,44-50).

2. Chúa là kho báu và viên ngọc quý

Hai dụ ngôn đầu muốn nói: Nước Trời ở đây trước hết và trên hết đó chính là Chúa Giêsu. Người là hiện thân của Nước Trời ở giữa trần gian. Chúa Giêsu là kho báu chôn giấu ở thửa ruộng. Bởi lẽ, Người là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân phận phàm hèn, sống và hiện diện một cách ẩn giấu và khiêm tốn ở giữa chúng ta. Nhưng Người thuộc thế giới khác, cấp bậc khác so với thụ tạo. Chúa Giêsu cũng chính là viên ngọc quý mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại.

Trong chúng ta, ai cũng yêu thích ngọc quý cả, nó là đồ trang sức lấp lánh và đẹp mắt, làm cho chúng ta đẹp hơn. Nhưng nếu chúng ta trang sức bằng viên ngọc quý là Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được nên giống Người, chúng ta sẽ trở nên thánh thiện và đẹp lộng lẫy. Đó là điều được thánh Phaolô hôm nay nói trong bài đọc II, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta nơi Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Cũng như người nông dân và người thương gia đi tìm kiếm kho báu và viên ngọc quý, chúng ta được mời gọi ưu tiên tìm kiếm Chúa Giêsu và các giá trị Tin Mừng như là giá trị lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, vì vô tri bất mộ, hay do sự thiếu khôn ngoan, hoặc sai lầm, nhiều lúc chúng ta đã đặt những thứ khác lên trên hết trong bậc thang giá trị cuộc sống, như coi tiền bạc, của cải vật chất, hưởng lạc hay coi địa vị và danh vọng trên hết. Nhiều lúc chúng ta thiếu phân định và đã chọn lựa sai, hay đã lầm.

3. Đừng bỏ cuộc

Câu chuyện sau đây khá thâm thúy đáng cho chúng ta suy nghĩ: Khi có nhiều người theo Chúa và đi vào trong sa mạc để cầu nguyện, nhưng dần dần, nhiều người bỏ cuộc vì không chịu nổi cái nóng và cái rét ở sa mạc. Khi có người đến hỏi tại sao lại như thế, Đức Hồng Y Maria Martini trả lời bằng câu chuyện sau: Có một con chó khi thấy một con nai đằng trước, nó bắt đầu đuổi con nai, vừa đuổi vừa kêu, khi nghe tiếng kêu, nhiều con chó khác cũng chạy theo, nhưng dần dần, những con chó khác bỏ cuộc vì không nhìn thấy con nai, chỉ con chó đầu tiên theo đuổi cho tới khi nào bắt được con nai đó.

Vì không biết khám phá Đức Giêsu là kho báu và là viên ngọc quý nhất trong cuộc sống, nên chúng ta thường bỏ cuộc và tìm kiếm những điều khác thay thế.

Để soi sáng cho chúng ta biết chọn lựa đúng theo bậc thang giá trị cuộc sống, Blaise Pascal, một nhà triết gia Công Giáo, đã đưa ra ba cấp bậc về thang giá trị:

Bậc thứ nhất bao gồm của cải, sức khỏe và sắc đẹp. Nó thuộc phạm vi những gì chúng ta có. Tự thân, chúng thuộc giá trị tự nhiên, nên ai cũng mong muốn có nhiều tiền của, khỏe mạnh và có sắc đẹp, chúng là tốt. Nhưng chưa phải là giá trị cao nhất.

Bậc thứ hai đó là những tài năng và thiên tài. Đó là những khả năng trổi vượt, chúng làm cho người khác kính nể. Ai trong chúng ta cũng muốn rèn tập cho mình một tài năng nào đó: âm nhạc, thơ ca, hội họa, khoa học, kỹ thuật, tư tưởng… Nhưng tài năng vẫn chưa phải là giá trị cao nhất của cuộc sống.

Bậc thứ ba là bậc cao nhất, đó chính là sự thánh thiện và tình yêu. Đó là cấp bậc mà các thánh nhân sở hữu. Họ là những người vĩ đại nhất. Thánh thiện và yêu thương là giá trị cao nhất. Hay nói các khác, họ đã chọn Thiên Chúa là giá trị cao nhất trong bậc thang giá trị cuộc sống. Theo đó, các thánh đã rập khuôn đời mình theo bậc thang giá trị này.

Nếu chúng ta chọn tiền của là chỗ nhất, nếu chúng ta đặt tài năng là chỗ nhất, khi đó bậc thang giá trị cuộc sống bị đảo lộn. Chúng ta sẽ lầm và thất vọng bởi chúng ta đánh mất viên ngọc quý, hay kho báu là chính Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta. Theo cái nhìn đó, hậu quả mà dụ ngôn thứ ba nói tới là đến ngày tận thế, chúng ta không tìm được hạnh phúc, sẽ bị loại ra ngoài, ở đó phải khóc lóc và nghiến răng. Nhưng nếu chúng ta biết ưu tiên và khôn ngoan chọn Chúa Giêsu, chọn giá trị Tin Mừng như là giá trị lớn nhất, thì chúng ta sẽ được vui mừng hoan hỷ mà coi mọi thứ khác chỉ là rơm rác, không còn là quan trọng, và có thể hy sinh mọi thứ mình có để được biết Chúa Kitô và yêu mến Người.

Như thế, noi gương các thánh, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết tìm kiếm, khám phá Chúa Giêsu là viên ngọc và kho báu quý nhất trong cuộc sống và đồng thời biết khôn ngoan phân định và ưu tiên chọn Người. Amen

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/