ĐỪNG ĐỂ MÙA XUÂN HẾT XUÂN

Sáng Mồng 2 Tết, tôi đi ban Bí tích Xức Dầu cho một bệnh nhân sắp lìa đời. Khởi đầu mùa xuân mà người trai trẻ đã sắp vào mùa đông sự chết. Một thanh niên mới ngoài ba mươi tuổi. Nhậu nhẹt say sưa, chạy ẩu bị tông xe, chấn thương sọ não, gãy xương cỗ, gãy xương chân. Báo hại vợ con, bán hết tài sản để lo thuốc thang mà chẳng ăn thua gì. Ông bà cụ thân sinh đã ngoài 80 phải lo vay mượn khắp nơi để lo cho con, nhưng “đệ tử lưu linh” này sắp bị lưỡi hái thần chết cắt đứt nay mai. Khi tôi Xức Dầu cho anh xong, anh khóc, nước mắt lăn dài trên hai khoé mắt, dòng nước mắt sám hối muộn màng. Tôi phó thác thân xác và linh hồn của anh trong tay Thiên Chúa nhân lành.

Sáng Mồng 3 Tết, tôi đi làm nghi thức tẩm liệm bên bờ sông cho một thanh niên 19 tuổi bị chết đuối khi đi tắm sông. Năm nào Thác Mai của sông La Ngà cũng có người tế “Hà Bá”. Kể cũng lạ lùng, năm nào cũng có người chết đuối mà người ta đi chơi Tết, tắm sông mỗi năm mỗi đông. Ở thôn quê chẳng có điểm du lịch vui chơi nào. Vì thế mà nhậu nhẹt, tắm sông, bài bạc, đua xe… thu hút phần đông giới trẻ…

Những ngày Tết, ra đường cảm thấy sợ hãi. Xe cộ chạy bát nháo đến phát khiếp. Các bãi biển đông nghẹt những đoàn người ăn nhậu.

Tối Mồng 3 Tết, Đài Truyền Hình HTV 9 cho biết tình hình tai nạn giao thông tăng vọt trong 3 ngày Tết. Các Bệnh viện quá tải ở khoa cấp cứu. Hàng trăm vụ tai nạn làm hơn 250 người chết và hàng trăm người mang thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là do uống bia rượu nhiều nên “phóng nhanh vượt ẩu”.

Ông bà ta ngày xưa có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Ngày xưa uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt, người ta uống đúng nơi, đúng chổ, đúng lúc.

Cụ Nguyễn Khuyến viết: “Rượu ngon không có bạn hiền.

Không mua không phải không tiền không mua”

Cụ Nguyễn chỉ nhậu với “bạn hiền”, còn “bạn” dạng khác hay không phải “bạn” thì cụ thà nhịn chớ không nhậu chung.

Con cháu các cụ thời nay thì lại khác. Ăn nhậu trở thành “mốt” trong những mối quan hệ xã hội. Nhậu nhẹt, say sưa, tai nạn, gây biết bao đau khổ cho bản thân gia đình và xã hội.

Theo tác giả Tạ Phong Tần, Sở Thương mại và Du lịch Bạc Liêu thì: Đàn ông miền Tây Nam bộ vốn nổi tiếng thích nhậu, uống rượu đế như uống nước lã.

THỜI NAY

Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu; có chuyện vui: nhậu; gặp chuyện buồn: nhậu; hết giờ làm việc đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu; ra ngoài đi công tác rồi “giao lưu”, “kết nghĩa: nhậu; có khách đến nhà: nhậu.

Gặp người quen: nhậu, gặp người lạ mời: cứ nhậu trước rồi khắc quen sau. Nói chung là bất cứ việc gì cũng nhậu trước nói sau, “uống rồi nói mới tin”, ai không muốn nhậu thì bị coi là “chơi không vô”, “không cùng hội cùng thuyền”, thuộc loại “cần phải đề phòng”, v.v…

Tôi có thời gian công tác ở một đơn vị đặc thù mà ở đó tính trung bình cứ 1 nữ thì có đến…18 người đàn ông.

Nhiều lúc, tôi có cảm giác trong mắt các đồng nghiệp nam, tôi không phải là phụ nữ mà là một “thằng” như họ, vì vậy, họ mặc sức “xả” ra trước mặt tôi những “câu chuyện đàn ông”, đưa vấn đề ra cùng thảo luận hết sức tự nhiên không chút ngượng ngùng, kể cả chuyện “nhậu rồi sanh tệ” cũng không tha.

Có người còn coi tôi như “quân sư quạt mo” để “vấn kế” chinh phục bạn gái, bị bạn gái “cài số de”, bị vợ chửi…cũng kiếm tôi để “nhỏ to tâm sự” cho bớt ấm ức. Nhờ vậy, tôi phát hiện ra một “chân lý” của các ông là: Đàn ông thích vợ, bạn gái của người khác nhậu với mình (vì có nhậu say thì mới dễ có cơ hội lợi dụng) nhưng kịch liệt phản đối vợ, bạn gái của mình nhậu với người khác (sợ bị “thằng khác” lợi dụng). Vì vậy mà tôi luôn luôn có tinh thần “đề cao cảnh giác” không để nhậu “quyến rũ”.

NỮ CŨNG NHẬU

Cứ tưởng đàn ông mới đầu têu trong chuyện nhậu, ai ngờ, có lần tôi đi công tác chung với các đồng nghiệp nam xuống nông thôn thì có dịp “mục tận sở thị” phụ nữ gầy sòng nhậu.

Đang ngồi trong trụ sở UBND xã nhìn ra thấy có mấy chị trung niên đứng lấp ló ngoài cửa nhìn vào.

Tôi nói: “Có khách kiếm kìa”. Ông Xã trưởng nhìn ra rồi nói: “Khách khứa gì đâu, mấy bả kiếm người nhậu đó, tối ngày rủ tụi tui nhậu hoài riết rồi tụi tui cũng ngán muốn chết, hễ nhậu vô thì không làm việc được nên tụi tui từ chối. Mấy bả bèn nghĩ cách hễ thấy có khách thì tự động đem mồi nhậu đến, tiếng là mời khách nhưng cũng có dịp nhậu cho vui. Kinh phí hoạt động của tụi tui cũng hạn hẹp nên có mấy bả thì đỡ tốn nên tụi tui cũng làm thinh luôn”.

Tôi hỏi tiếp: “Sao mấy bả không nhậu với chồng hay mấy ông trong xóm mà ra đây?”. Ông Xã trưởng cười: “Mấy bà này đàn bà giá không hà, nhậu với tụi tui dầu sao cũng “an toàn” hơn nhậu với mấy thằng cha bợm nhậu trong xóm, nhậu xong hay quay ra quậy, đánh lộn”.

Đúng như lời ông Xã trưởng nói, không hiểu mấy bà chị này “canh me” như thế nào mà vừa làm việc xong đã thấy mâm bát bày ra đầy đủ rồi.

Thật tội cho các chị ở nông thôn, sinh hoạt văn hóa văn nghệ giải trí rất nghèo nàn, thiếu thốn, phải mượn tiệc nhậu để có đôi chút vui vẻ ngoài giờ lao động cực nhọc hay lúc nông nhàn.

NHẬU ĐỂ THĂNG TIẾN ?

Còn ở thành thị, điều đáng buồn là “biết nhậu” đang trở thành “lợi thế” cho những ai muốn thăng tiến trên con đường hoạn lộ, nhậu trở thành một biện pháp xã giao không thể thiếu.

Trong một bữa tiệc mà không uống với anh này một ly, anh kia một ít thì bị coi là người… khô khan tình cảm. Ngược lại, nếu bưng ly mời khắp lượt và “uống tất” với “anh em” thì được coi là “giỏi giao tiếp” (?!). Không hiếm trường hợp có người nhờ tửu lượng cao nên được sếp đưa ra để dành tiếp khách, có sếp thì có người đó, riết rồi trở thành “oai” không kém sếp.

Có lần, tôi được dịp dự đám táng chung với một phụ nữ thuộc hàng lãnh đạo cấp trung bình, được dư luận khen là “giỏi xã giao” nên tôi cũng để ý cử chỉ của “đàn chị” nhằm học hỏi.

Xã giao thế này thì tôi xin lạy cả nón, thà mang tiếng giao tiếp dở còn hơn.

Đám táng là dịp để bà con, thân nhân người đã khuất về làm nhiệm vụ “nghĩa tử là nghĩa tận” với người thân nên tập trung cả người chúng tôi quen lẫn những người lạ rất đông.

Thật bất ngờ, “đàn chị” của tôi nhanh nhảu bắt chuyện làm quen với những người đàn ông lạ trong đám táng, sau vài câu hỏi thăm như: quan hệ thế nào với người chết, hiện nay ở đâu, làm gì, bao nhiêu tuổi, thứ mấy, tên gì… thì “đàn chị” chủ động rót rượu đế ra ly mời “đối phương” cùng cụng ly uống làm quen, coi như “hôm nay là đánh dấu ngày mở đầu tình nghĩa quen biết của hai bên”.

Đàn chị uống “làm quen” liên tục, còn đưa ly rượu bảo tôi “uống làm quen” với người này, người kia.

Từ chối thẳng thừng quá thì không tiện, tôi cũng phải ráng “làm quen” được hai người theo lời chị rồi đánh bài “say”.

Xã giao thế này thì tôi xin “Lạy cả nón”, thà mang tiếng “giao tiếp dở” còn hơn. May mắn là tôi có đặc điểm “ngửi hơi rượu mặt cũng đỏ như cà chua” nên không ai phát hiện cái sự “giả vờ say” của tôi, rủi ai phát hiện thì kể như đời tôi “thê thảm” vậy.

Người phương Tây có một phong tục rất hay khi nhập tiệc là: Mỗi người một bộ đồ ăn riêng, một chai rượu riêng, một cái ly riêng, ai thích uống bao nhiêu cứ tự giác rót, không có chuyện ép uống rượu đến mức chịu không nổi ói mữa đầy bàn tiệc như ở ta. Và họ cũng không có cái kiểu ngồi ăn nhậu tì tì hết giờ này sang giờ khác, ngồi lâu đến chai đít như chúng ta.

Tôi ước gì người Việt chúng ta học nét văn hóa “uống rượu tự giác” của mấy ông Tây để tôi đỡ mang tiếng là “khó chơi”, “khô cằn sỏi đá” thì tôi đội ơn vạn bội.

NHỮNG KIỂU ĂN UỐNG QUÁI LẠ.

Trong một cuốn sách xuất bản tại Mỹ dưới nhan đề 'Tour du lịch về ẩm thực', Anthony Bourdain - ký giả tờ New York Times đã mô tả thật ấn tượng về cách thưởng thức món huyết rắn tươi tại một nhà hàng ở trung tâm Sài Gòn: “… Người phục vụ cười toe toét tiến về phía tôi, trên tay đang giữ một chiếc túi nặng. Anh ta mở miệng túi lôi ra một con rắn hổ dài khoảng 1,2 mét trông rất hung hãn. Nó ngóc cao đầu, mang bạnh to ra trong tư thế sẵn sàng tấn công khiến tất cả thực khách đều rú lên kinh hãi… Người huấn luyện rắn được sự giúp đỡ của một người trợ lý với một cái đĩa kim loại, một cái tách trắng nhỏ, một bình rượu đế và một bộ kéo tỉa vườn. Hai người đàn ông chụp con rắn hổ mang, và trong khi người trợ lý dùng tay vuốt dọc theo thân rắn thì người huấn luyện với một tay còn lại kê chiếc lưỡi kéo sắc nhọn chọc vào bên trong ngực nó một cách nhanh nhẹn và thuần thục móc quả tim ra ngoài. Một dòng máu đỏ thẫm chảy vào chiếc đĩa kim loại, sau đó được rót vào chiếc ly hòa với rượu đế.

Trái tim rắn được đặt trong chiếc tách trắng nhỏ và khi được di chuyển đến trước mặt tôi nó vẫn còn đập! Tôi ngửa cổ dốc cạn ly rượu pha tiết rắn như cố nuốt một cảm giác thật khó tả…”.

Khi thú ẩm thực đã được nâng lên thành một nghệ thuật với đủ cách sáng tạo không ngừng, thì việc bày ra các kiểu “ăn sống nuốt tươi” càng quái chiêu bao nhiêu lại càng được dân nhậu chuyên nghiệp ưa chuộng bấy nhiêu. Sách chép rằng: ngày xưa, bà Từ Hy thái hậu cho nuôi chuột bạch bằng nhân sâm đến đời thứ ba rồi dùng những con chuột con còn đỏ hỏn thả vào cái chén ngọc đựng đầy mật ong đem chiêu đãi thượng khách. Đến lúc chuột uống no một bụng mật, thực khách đưa lên miệng cắn sẽ nghe phát ra một tiếng “bụp”, đó là một cách khoái khẩu của bậc vương giả! Chỉ nghe kể thôi nhưng người “yếu bụng dạ” đã cảm thấy buồn nôn, song vẫn chưa bằng những kiểu ăn uống còn khủng khiếp hơn vào thời đại văn minh của thế kỷ 21 này: Có một nhóm du khách người nước ngoài đi vào ngôi làng người dân tộc thuộc tỉnh Quảng Nam tìm mua một con bê độ vài tháng tuổi với giá năm trăm ngàn đồng. Bữa tiệc… sống bắt đầu khi một người trong nhóm lôi từ trong chiếc cặp ra một ống xi-lanh khổng lồ. Bằng một động tác cực kỳ nhanh nhẹn và điệu nghệ, ông ta chọc mũi kim vào đúng động mạch cổ con vật rút đầy một ống máu tươi rồi chia đều mỗi cốc cho cả nhóm. Tiêu được rắc lên và mọi người cùng ngửa cổ ực cả cốc máu tươi vẫn còn nóng hôi hổi với một vẻ khoái trá sau những cái chép miệng! Sau đó, người đàn ông này dùng con dao bén ngót rạch một đường dài ở hai bên đùi sau của con vật và khéo léo tách ra hai mảng thịt đỏ ối, cắt chia ra từng phần và mỗi người cầm một tảng thịt đang rỏ máu chấm vào đĩa muối tiêu chanh nhai ngấu nghiến!

Muốn thưởng thức các món thịt hoặc hải sản tươi sống phải liệt kê ra đến hàng trang giấy, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn dân nhậu chuyên nghiệp và họ lại đổ xô đi săn lùng các loại huyết tươi động vật pha rượu. Từ huyết tươi, người ta còn chế ra các món đưa cay rất dễ sợ là tiết canh – từ tiết canh vịt, tiết canh dê, tiết canh heo đến cả tiết canh chó! Dân nhậu thường kháo nhau một cách khá ngây thơ về “công dụng” của các chế phẩm huyết tươi, rằng sẽ giúp quý ông tìm lại phong độ hùng dũng của tuổi xuân, nào là “ông uống bà khen”… Nhưng khoa học đã chứng minh điều này bằng con số zêrô, thậm chí còn rất có hại.

Có một kiểu ăn “không đụng hàng” chỉ dành cho các bậc vua quan Trung Hoa cổ, sau đó được du nhập sang Việt Nam. Bẵng đi một thời gian khá dài nhưng hiện nay nghe nói đã xuất hiện ở một vài nơi của xứ ta, tất nhiên chỉ những người thuộc “hệ máu lạnh” mới dám thưởng thức.

Đó là món óc khỉ sống mà mới nghe kể qua sởn gai ốc bởi kiểu “hành quyết” chỉ có ở thời trung cổ: một con khỉ sống nhăn được đặt ngồi cho một phần đầu nhô lên dưới tấm gỗ khoét lỗ tròn vừa vặn. Lông ở đỉnh đầu kẻ “tử tội” được cạo sạch. Sau khi dùng rượu cồn sát trùng, tay “đao phủ” dùng con dao to bản phạt ngang hộp sọ con khỉ để lộ ra một mảng óc trắng phếu. Kế đến các thực khách dùng muỗng múc óc từ trong sọ khỉ cho vào chén và bắt đầu một bữa tiệc kinh dị!

Tác giả Cửu Long cũng đã viết một bài phóng sự về Chợ Côn Trùng mà các “đệ tử lưu linh” từ khắp nơi đổ về tìm mua loại “rượu ông uống bà khen”. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, phần nói về việc mở mang bờ cõi phía Nam cũng có nói đến vùng núi Thất Sơn huyền bí. Thất Sơn hay Bảy Núi (An giang) không chỉ là “bảy ngọn núi”: Phụng Hoàng Sơn, Thiên Cấm Sơn, Ngoạ Long Sơn, Anh Vũ Sơn,Thuỷ Đài Sơn, Liên Hoa Sơn, Ngũ Hồ Sơn mà còn có Núi Trà Sư, Núi Nhạn, Núi Sam… tạo thành một quần thể núi non trùng điệp kéo dài từ Thị Xã Châu Đốc về Huyện Tịnh Biên đến Huyện Tri Tôn. Chơ biên giới “Tịnh Biên” nay đã “chết tên” với những tay bợm nhậu: “chợ ông uống bà khen”. Xung quanh chợ có nhiều người chuyên bán: tắc kè, mối chúa, bữa củi, bò cạp, rắn rít…Những thứ mà theo truyền miệng, chỉ cần thêm một thang thuốc bắc và một lít “rượu gốc” sẽ trở thành loại thuốc..’cường dương”. Bà Ba (Nguyễn thị kim Ba), mấy năm làm “tiểu thương” tại cái chợ đặc biệt này, bà đã “rành” “công hiệu” từng con bò cạp, bữa củi, tắc kè, mối chúa…hơn cả mấy ông Đông Y. Bà đọc làu làu “công hiệu” từng con một. “Nói cho chú em biết, dân địa phương ở đây đau ốm chẳng ai tốn một xu uống thuốc tây. Họ ăn mấy thứ này không à”. Bà Ba vừa nói vừa lấy tay chỉ mấy cái thau đựng côn trùng. Một anh lính biên phòng trờ tới mua, mua một lúc 100 con bữa củi rồi rồ ga lao xe đi mất. Chú em biết không, các sếp ở tỉnh giờ mua mấy cái thứ này ngâm rượu làm quà tặng nhau. Họ sai lính đến đây mua hoài à.

Từ ngày có cái chợ này, Thất Sơn huyền bí gần như bị dân thất nghiệp lật tung lên từng mét núi để kiếm bò cạp, bữa củi, rắn, rít, nhền nhện núi…bán cho “lái”. Lúc đầu mấy thứ này hoàn toàn do dân địa phương lên núi bắt, giờ thì hết sạch rồi, may ra chỉ còn bữa củi mà thôi. Anh Cao Hoàng Lâm, một “tiểu thương” nói. Anh Lâm cho biết, gần đây nguồn côn trùng có được là do “dân Miên” (người Kh-mer) bắt ở Campuchia rồi đem sang Việt nam bán lại. Một con bò cạp (cỡ ngón tay cái) bán 2000đ/con, bữa củi 2000đ/con, nhưng cũng có con rắn hỗ dài hơn cả mét giá hàng trăm ngàn đồng, thậm chí có hũ rượu Lâm bán hơn cả triệu đồng…mỗi tuần Lâm bỏ mối cho 4-5 quán “đặc sản miền núi” Huyện Tri Tôn khoảng 1000 con bò cạp.

Từ miếu Bà Chúa Xứ, ngước nhìn lên lưng chừng Núi Sam, lô xô am, cốc của những đạo sĩ. Tôi thầm nghĩ, bây giờ các đạo sĩ có muốn ”luyện thuốc” chắc cũng phải lắc đầu ngao ngán vì biềt tìm đâu ra côn trùng. Thất sơn huyền bí đã bị xâm phạm thô bạo bởi từ khi có cái chợ “đặc sản miền núi” kia. Tất cả cũng chỉ vì “miệng lưỡi” con người mà thôi!. (x.CGDT số 1551, bài Đi chợ côn trùng ).

Phóng viên Phan Trường Giang kể lại câu chuyện này: Khoa cấp cứu Bệnh viện 115 đã từng tiếp nhận và điều trị khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm giun lươn. Trong số này có một bệnh nhân nam từ tuyến dưới chuyển lên Tp Sàigòn. Người này kể, sau một lần bị ngã bỗng phát hiện có một khối u nổi lên phía sau đầu. Điều kỳ lạ là cục u này lại biết di chuyển. Hôm nay đang ở trên đầu, ngày mai nó đã đi xuống má. Đến hôm sau nữa nó lại đi xuống cổ. Từ cổ nó lại “chạy” lung tung khiến ông này phát hoảng. Qua nhiều lần xét nghiệm ở nhiều nơi, các bác sĩ cũng lắc đầu không biết ông mắc chứng bệnh gì. Sau đó, một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm nghi ngờ ông có thể bị nhiễm ký sinh trùng. Kết quả thử huyết thanh cho biết ông đã bị nhiễm giun lươn giai đoạn ấu trùng di chuyển. Ông này cho biết trước đây mình thường xuyên cùng bạn bè uống rượu huyết rắn.

Khoa tiêu hóa BV 115 cũng tiếp nhận một ca tương tự sau khi đã mất hai năm điều trị tại một BV khác với chẩn đoán là viêm đa khớp dạng thấp và viêm dạ dày, nhưng càng điều trị bệnh lại càng trở nên nặng hơn. Tại đây, các bác sĩ đã cho bấm nội soi để sinh thiết, và trong khi chờ kết quả, bệnh nhân xin được về nhà. Kết quả trên hình ảnh sinh thiết dạ dày cho thấy ký sinh trùng hiện diện trên cả bề mặt niêm mạc, trong lòng ống tuyến, tấm dưới niêm. Ngay lập tức, BV gửi thư yêu cầu bệnh nhân trở lại BV ngay để điều trị, nhưng bệnh nhân đã chết trước đó một ngày khi lá thư kịp đến!

Một trường hợp khác, có anh thanh niên (ngụ Tp Nha Trang, Khánh Hòa) một hôm phát hiện trên mu bàn tay mình bỗng nổi lên cái mụn nhỏ. Sờ vào không thấy đau, nhưng cái mụn này có hôm biến đi đâu mất, hôm khác lại thấy xuất hiện. Trong một buổi ngồi nhậu với bạn bè, táy máy anh cạy thử cái mụn nhỏ ấy ra thì một con ấu trùng giun từ đấy rơi ra và ngọ ngoạy trên bàn khiến cả bàn nhậu một phen xanh mặt! Anh này thừa nhận mình là một “đồ đệ” trung thành của món tôm sống chấm mù tạt và gỏi cá sống…

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng - chủ nhiệm bộ môn ký sinh Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TpSàigòn thì trong các món đặc sản từ cá, rắn, lươn, ếch… đều tiềm chứa ấu trùng Gnathostoma. Thông thường ấu trùng xâm nhập vào cơ thể con người khi ăn thức ăn chưa nấu chín hoặc các món sống sít, nhất là huyết rắn hổ pha rượu. Tại các nước Đông Nam Á, nhất là Nhật, Thái Lan, Việt Nam, Philippines… tỉ lệ gặp hội chứng ấu trùng di chuyển rất cao, đơn giản là vì những nơi này là “vua” khoái ăn đồ sống! Ấu trùng Gnathostoma có thể đưa bệnh nhân đến tử vong do chúng di chuyển qua hệ thần kinh trung ương làm viêm não - tủy, xuất huyết dưới màng nhện. Bệnh kèm theo là liệt nhiều chi, thông thường liệt hai chân, có khi liệt cả bốn chi. Đáng sợ hơn là loại ấu trùng này như có phép tàng hình - cứ xuất hiện rồi biến mất, rồi bỗng nhiên lại xuất đầu lộ diện ở một nơi khác sau một thời gian nằm im hoặc bí mật chu du khắp bên trong nội tạng cơ thể con người… nên việc định bệnh là không đơn giản.

Theo thông tin mới nhất, trong sáu tháng đầu năm 2006, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định) đã tiếp nhận hơn 1.200 bệnh nhân nhiễm sán lá gan. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp Sàigòn mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca nhiễm sán lá gan. Đây là loại sán thường ký sinh ở gan và đường mật những động vật ăn cỏ. Hiện nay dịch bệnh sán lá gan đã xuất hiện ở hơn 45 tỉnh thành trong cả nước.

Đây quả là một tín hiệu không vui cho những người khoái ăn thịt tươi sống với cái đà “liên tục phát triển” như hiện nay.

Tết là ngày lễ của mùa xuân. Ngày Tết không một người nào có vẻ nghèo cả! Mọi người đều có một chút gì để mà “ăn Tết”. Người ta chấp nhận mang công mắc nợ để rồi sau đó sẽ vất vả làm lụng để trả nợ, nhưng vào ngày Tết người ta cần phải tận hưởng. Mọi người đều có quyền “ăn Tết”, mọi người đều cảm thấy có bổn phận vui hưởng Tết.

Biết bao là những nét đẹp thanh cao, tao nhã của truyền thống ngày Tết cổ truyền Dân tộc. Ước mong mọi người biết “chay tịnh”, biết “hãm mình”, luôn tự chủ bản thân để những ngày vui xuân thật sự hạnh phúc, an lành cho mình và cho gia đình, cho xã hội.

Mồng 4 Tết