GIÁNG SINH VÀ NĂM THÁNH 2010

DẪN

Giáng Sinh năm nay đã về trong ân sủng của Năm Thánh 2010 tại Việt Nam.

Năm nay, Hội Thánh Việt Nam dạy con cái mình tích cực sống tinh thần sám hối, hòa giải và hy vọng.

Theo chân các người chăn chiên, ta tiến về Bê-lem. Nơi ấy, bài học Thiên Chúa làm người sẽ dạy ta sống tinh thần Năm Thánh.

I. HẠ MÌNH

Theo lời sứ thần loan báo, những người chăn chiên đã hối hả lên đường tìm Đấng Cứu Độ mới vừa được hạ sinh. Họ đã gặp Người nơi hình ảnh “Hài Nhi năm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).

Vậy là, Đấng Cứu Độ đã bỏ địa vị ngàng hàng cùng Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người, thân phận làm nô lệ và chịu thử thách.

Hẳn sự hạ mình thẳm sâu của Thiên Chúa chính là lời mời gọi các tín hữu cũng hãy hạ mình. Thánh Phao-lô kinh nghiệm: “Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1Tm 1, 15).

Theo gương hạ mình của Thiên Chúa làm người và kinh nghiệm hoán cải của thánh Phao-lô, người tín hữu sẽ thấy rõ hơn sự hạ mình sẽ giúp người ta khiêm tốn. Từ đó, họ sẽ sám hối tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, đến mọi người và thành khẩn xin Chúa chữa lành và mọi người tha thứ cho mình.

II. NGHÈO

Lời kể của những người chăn chiên đã làm cho “tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên” (Lc 2, 17).

Rất có thể, người đời nghĩ rằng Đấng Cứu Độ phải được giáng sinh trong một dòng họ quý tộc, trong cảnh huy hoàng lộng lẫy nơi lầu son gác tía… Nhưng đây, Thiên Chúa lại giáng sinh trong một gia đình nhân loại nghèo nàn, trong canh khuya thanh vắng, chốn hang lừa tanh hôi…

Thiên Chúa mặc lấy thân phận người nghèo. Tin vui Giáng Sinh trước tiên đã đến với người nghèo: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin vui cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2, 10). Lòng từ bi và nhân ái của Chúa đến với người nghèo sẽ làm vực dậy những tâm hồn sầu khổ, sẽ an ủi kẻ cơ bần đói rách, sẽ mang lại ơn chữa lành cho người đau yếu…

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa làm người cũng là lời mời gọi các tín hữu hãy đứng về phía người nghèo quan tâm đến họ.

Mong rằng, khi sống “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15), người tín hữu sẽ sống hòa giải và làm mới mọi mới lại những tương quan, hầu giúp cho người nghèo vật chất được nâng đỡ, người nghèo tinh thần được an vui, người chưa biết mà xúc phạn đến Chúa sẽ nhận ra chân lý và sự thật.

III. NGUỒN VUI

“Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin vui cho toàn dân” (Lc 2, 10). Tin vui Thiên Chúa giáng sinh để cứu độ con người được loan đi khắp nơi, tỏa đến muôn người.

Trước hết tin vui đến với “số sót” trong Ít-ra-en. Số là, ngay khi con người phạm tội, Chúa để hứa ban ơn cứu độ (x. St 3, 15). Kể từ ngày ấy, dân Chúa ngày ngày ngóng trông Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, chỉ những ai kiên trì mới gặp được Người. Số người ấy được gọi là “số sót” sẽ được gọi là thánh, có tên trong sổ bộ Giê-ru-sa-lem (x. Is 4, 3), mà tiêu biểu là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thánh Giu-se, ông Gia-ca-ri-a, bà E-li-sa-bét, ông Si-mê-on, ba An-na…

Tin vui tiếp tục đến với những người nghèo, những người chăn chiên, quanh năm du mục này đây mai đó. Đêm Giáng Sinh, tin vui Con Chúa ra đời đã đến với họ và đã thúc dục họ phải lên đường “sang Bê-lem để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho biết” (Lc 2, 15). Những người chăn chiên đã hối hả lên đường và họ đã gặp được Chúa Hài Nhi. Gặp được Chúa rồi, họ tiếp tục lên đường để kể lại cho muôn người biết điều mắt thấy, tai nghe về tin vui Con Chúa Giáng trần.

Vậy là,

- Số sót trong dân Ít-ra-en đã luôn kiên trì chờ đợi Đấng Cứu Độ. Hẳn sự kiên trì hy vọng của họ là bài học để tín hữu Việt Nam hôm nay sống tinh thần hy vọng của năm Thánh 2010, hy vọng được Thiên Chúa cứu độ, hy vọng sự sống đời đời với niềm xác tín: “mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Rm 10, 11).

- Những người chăn chiên thì đã vượt ra khỏi tình trạng sống của mình để gặp gỡ Thiên Chúa và rao giảng về Chúa cho muôn người. Tinh thần của họ như đang thúc dục mọi tín hữu phải bước ra khỏi tình trạng, ra khỏi sự khép kín, lòng ích kỷ phe nhóm để đến với Chúa đặt tất cả niềm hy vọng nơi Thiên Chúa và chia sẻ niềm hy vọng ấy cho muôn người.

KẾT

Chúa đã đi vào trần gian cách khiêm hạ trong hình ảnh Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ nghèo hèn nhưng hồn nhiên trong sáng.

Tin vui ấy đã đến với “số sót” trong dân Ít-ra-en, đã đến với những người khốn khổ nghèo hèn.

Bài học từ hang đá Be-lem đang mời gọi các tín hữu:

- khiêm hạ để biết nhìn nhận tội lỗi,

-an vui khi phận nghèo để tình yêu Chúa ngự trị hầu biết ưu tiên dành cuộc đời cho Chúa và từ Chúa dành cho tha nhân.

- khám phá niềm vui Giáng Sinh hầu khát khao hy vọng sự sống đời đời và chia sẻ niềm hy vọng ấy cho muôn người.