Hai khuôn mặt Ki-tô hữu

Vào lúc các tín hữu Chúa Ki-tô trên khắp cùng thế giới bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm Chúa Ki-tô chịu thương khó, chịu chết rồi phục sinh, thì ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta, hai Ki-tô hữu đang lôi kéo sự chú ý của các cơ quan truyền thông trên thế giới, cho dù ở trong nước, toàn bộ báo đài đều giả điếc làm ngơ, hai khuôn mặt đang ngời sáng đó là một tín hữu Tin Lành, luật sư Lê Thị Công Nhân, và một linh mục Công Giáo, cha Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý. Luật sư Lê Thị Công Nhân bước vào nhà tù khi mới 28 tuổi, vào lúc bạn bè đồng trang lứa của cô nghĩ đến tương lai, đến tình yêu, đến hạnh phúc, đến sự nghiệp. Nhà tù của chế độ cộng sản Việt Nam đã nuốt trọn 3 năm của quãng thời gian đẹp nhất của một đời người. Còn linh mục Nguyễn Văn Lý, năm nay 64 tuổi, thì tổng cộng đã có 14 năm tù. Dưới cái nhìn của người Ki-tô hữu chúng ta, đó là những người đã đi con đường hy sinh, con đường thánh giá mà chính Đức Giê-su đã đi khi thực hiện công trình cứu độ.

Đức Giê-su không phải là một nhà hùng biện nói thật hay để ta nghe cho sướng tai, không phải là một nhà trí thức siêu đẳng với những pho sách dày cộm làm ta lác mắt, không phải một lý thuyết gia đưa ra những tư tưởng lỗi lạc khiến chúng ta sững sờ. Không, Ngài là Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Và để đạt được mục tiêu đó, Ngài đã chấp nhận trả giá: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đây không phải là một công thức khô khan trừu tượng, nhưng là một nguyên tắc Đức Giê-su đã áp dụng cho chính mình qua cuộc thương khó và cái chết nhục nhằn trên thập giá mà Hội Thánh tưởng niệm một cách đặc biệt long trọng mỗi năm một lần, trong suốt cả Tuần Thánh.

Đường tranh đấu là con đường thánh giá

Sở dĩ tôi dám liên kết những năm tù đày của luật sư Lê Thị Công Nhân và Cha Lý với cuộc thương khó của Chúa Ki-tô là vì cả hai, thay vì đi con đường trơn tru suôn sẻ mà bao người vẫn đi, đã chọn con đường gai góc, con đường đấu tranh, con đường thánh giá. Tốt nghiệp cử nhân luật ở tuổi 22, hai năm sau đã là thành viên luật sư đoàn Hà Nội và luật sư đoàn quốc tế, cô Lê Thị Công Nhân đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thành đạt trên đường đời. Nhưng vì lợi ích của Dân Tộc, cô đã chấp nhận quên mình, chấp nhận dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ. Qua điện thoại viễn liên truyền thanh trước đồng bào hải ngoại Nam California ngày 25-02-2007, cô đã tuyên bố: “Tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là: tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất cứ một điều gì dù chỉ là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng về phía tôi. Tôi không thách thức, nhưng Cộng sản Việt Nam nếu đã hạ quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của người dân Việt Nam và muốn tiếp tục dìm đất nước Việt Nam trong một sự tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về mặt văn hóa kéo dài cho tới tận đời con cháu của chúng ta cũng như của chính người Cộng sản, thì tùy họ và họ có quyền hành xử với những cái gì họ có. Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đó là tôi có thể bị khởi tố và có thể đi tù”. Và cô đã đi tù. Đúng 3 năm.

Còn Cha Lý, nếu chấp nhận làm một ông cha xứ ngoan ngoãn: hăng hái thì tham gia sinh hoạt trong Uỷ Ban Đoàn Kết để dễ bề thăng quan tiến chức, không nữa thì ít là đừng chọc phá Nhà Nước, chuyện trên trời thì tha hồ nói, chuyện dưới đất, chuyện xã hội thì hoặc là đừng nói, hay có nói thì chỉ nói cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Nếu thế thì giờ này, ít ra cha cũng được một chân Hạt trưởng. Nhưng tội của cha là đã sớm nhận ra khuôn mặt thật của chế độ, rồi công khai bày tỏ ý kiến của mình, lập trường của mình. Với tư cách là thư ký (và nay ta có thể nói là người con tinh thần) của đức cha Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám Mục Huế, ngay từ năm 1977, cha đã phổ biến rộng rãi 2 bài phát biểu thời danh của Đức Tổng Điền: “Chưa có tự do tôn giáo tại Việt Nam” và “Người Công Giáo bị xem như công dân hạng nhì.” Thế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu từ năm 1977 cha đã bị cộng sản Việt Nam bắt bỏ tù. Đến nay tổng cộng 4 đợt là 14 năm.

Cha được công luận đặc biệt chú ý từ năm 2000. Biểu ngữ được căng lên trước mặt tiền nhà thờ Nguyệt Biều ngày 14-11-2000 đã nói lên kinh nghiệm xương máu và xác tín sâu xa của Cha: “Tự do tôn giáo hay là chết”. Là vì tự do xây nhà thờ, xây trung tâm mục vụ hay trung tâm hành hương, tự do truyền chức linh mục, tự do tổ chức các cuộc lễ, tự do đi ra nước ngoài, mà không được tự do phục vụ con người: tự do tham gia vào các công tác giáo dục, y tế, xã hội, mặc cho người dân nghèo không còn ruộng cày, không còn đất sống, mặc cho phụ nữ và thậm chí trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, mặc cho hằng triệu thai nhi bị giết mỗi năm, mặc cho xã hội ngày càng mục nát, băng hoại, mặc cho những ai tranh đấu cho tự do dân chủ nối tiếp nhau vào tù, mặc cho đất đai và biển đảo của tổ quốc cứ từ từ lọt vào tay Trung Quốc để dân tộc thêm một lần làm nô lệ, thế thì cái tự do tý tẹo còn lại mà tôn giáo được hưởng kia chỉ biến tôn giáo thành đồ trang trí cho chế độ, thành cái xác không hồn, và cuối cùng thứ tự do đó dẫn tôn giáo đích thực đến chỗ chết. Chính xác tín này đã dẫn Cha Lý từ chỗ tranh đấu cho tự do tôn giáo đến việc tranh đấu cho tự do dân sự: Là vì cuối cùng, tôn giáo chỉ có thể thực sự tự do khi dân tộc được hoàn toàn tự do.

Thép đã tôi

Sau khi ra khỏi tù, qua những lời phát biểu của Cha Lý, ta thấy Cha chẳng có vẻ gì là bận tâm quá đáng đến sức khoẻ, hay tỏ ra ít là nhẹ nhàng cho khỏi làm mất lòng Nhà Nước. Cha đã nói với đài VOA: “Đã chọn con đường tù đày để làm việc thì càng ở tù, tôi càng tỉnh táo và khôn ngoan hơn thôi. Những người đấu tranh bất bạo động thì càng ở tù càng mạnh hơn. Đối phương càng bắt bớ càng yếu hơn. Chuyện tù đày là cái giá phải trả của những người đấu tranh chân chính”.

Còn cô Lê Thị Công Nhân, khi trả lời đài VOA ngày 9-3-2010, cô đã nói: “Mình đã xác định tranh đấu, phải xác định hy sinh. Đó là hệ quả tất yếu, nếu không đừng tranh đấu nữa. Đã xác định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng”. Khi được hỏi cô hình dung thế nào về con đường trước mắt, về tương lai, về sự nghiệp, Lê Thị Công Nhân trả lời: “Chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng của tôi. Tôi cảm thấy vui, thú vị, bay bổng, mạnh mẽ và có ích khi tôi sống theo con đường đó.” Những lời lẽ như thế cho thấy rằng nếu mục đích nhà cầm quyền cộng sản là tiêu diệt ý chí những người đấu tranh, thì họ đã thất bại.

Bí quyết của sức mạnh: niềm tin

Câu hỏi đặt ra là do đâu mà hai nhà tranh đấu chúng ta đang nói tìm được sức mạnh để không chỉ nín thở qua sông, nhưng hiên ngang mạnh mẽ nói lên ý định của mình, xác tín của mình sau khi đã can đảm và kiên trì chịu đựng những năm tháng lao tù. Tôi nghĩ: đó chính là niềm tin.

Trở về Nhà Chung Huế, Cha Lý phải dựa vào xe lăn mới di chuyển được. Khởi hành từ nhà tù lúc 4 giờ sáng, cha cho biết phải thức dậy từ lúc 2 giờ để có thể đọc kinh, dâng lễ. Khi được biết chỉ từ một năm nay thôi, cha mới được phép giữ sách kinh, thì ta hiểu ra: đối với cha, việc đọc kinh dâng lễ quý hoá và quan trọng như thế nào. Và cũng vì thế mà ta dễ dàng hiểu được những điều cha nói khi gặp bà phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 23-03-2010. Cha nói: “Mấy lần bị cán bộ CS bắt giam, tôi đều nói: Các anh sợ mà bắt giam tôi thôi, nhưng đố các anh ghét tôi được ! Tôi có làm chi phương hại, xúc phạm hay nguyền rủa các anh đâu mà các anh ghét. Trái lại tôi chỉ đọc kinh cầu nguyện cho các anh.

Tôi đi tù như vậy là 5 lần, riêng dưới chế độ này là 4 lần. Mỗi lần vừa vào tù, tôi đều quỳ cúi xuống hôn đất mà thầm nói: “Con xin nhận nhiệm sở mới” Nhiệm sở mới này không phải đức Giám mục bổ nhiệm tôi đến mà là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế tôi coi ban giám thị, cán bộ trại và mọi tù nhân trong trại đều là giáo hữu mà tôi có bổn phận cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng cho. Như mọi chiến sĩ dân chủ hòa bình, tôi có tình thương, sự thật và lẽ phải nên không sợ. Nhưng đằng sau lưng tôi là cả Triều thần Thiên quốc, có Thiên Chúa, có Đức Mẹ, có các thánh, rồi có hàng triệu các thai nhi bị trục giết mỗi năm mà tôi luôn bênh vực. Các em ủng hộ tôi, chuyển cầu cho tôi thì đảng CS làm chi tôi được!” (bản tin ngày 24-03-2010 của nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền).

Còn luật sư Lê Thị Công Nhân, nếu ta đặt câu hỏi đâu là lý do khiến cô hy sinh tuổi trẻ, dấn thân vào con đường chông gai, con đường tranh đấu, ta hãy nghe cô trả lời trong cuộc điện thoại viễn liên ngày 25-02-2007: “chính Đấng tạo hóa -Thượng đế đã sinh tôi ra trên cõi đời này nhờ qua một thể xác đó là mẹ tôi và cha tôi, và tôi đã được sinh ra là một con người thì tôi có đầy đủ những nhân quyền cơ bản mà Thượng đế -Đấng tạo hóa đã ban cho tôi, chứ không phải là người mẹ người cha xác thịt đã sinh ra tôi trên đời. Và tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, đối với dân tộc Việt Nam và đối với Đấng tạo hóa đã sinh ra tôi.” Và gần đây, trong cuộc tiếp xúc với anh Nguyễn Hữu Vinh và một nhóm bạn Công Giáo đến thăm nhân ngày 08-03-2010, cô đã cho biết: Trong buồng giam 60 người, chỉ mình cô công khai xưng mình là Ki-tô hữu. Ta hãy nghe cô tâm sự: “Để vượt qua ba năm trong nhà tù, em chỉ có mỗi cuốn Kinh Thánh; trang cuối cùng em đọc xong lần thứ nhất là đêm trước ngày em ra toà Phúc Thẩm. Ba năm trong tù, Chúa vừa là người bạn, là người Cha, là người Thầy của em, nâng đỡ dìu dắt em vượt qua tất cả”.

Như thế, không còn là chuyện suy diễn, nếu ta khẳng định rằng: Không chỉ có lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do dân chủ, nhưng vượt lên trên tất cả là niềm tin vào Thiên Chúa đã cho các nhà đấu tranh của chúng ta sức mạnh vượt thắng mọi gian khổ của những năm tù đày. Điều này đã được dễ dàng chứng minh qua các biến có Toà Khâm Sứ - Thái Hà hay Tam Toà, Đồng Chiêm. Những người giáo dân bình thường, phần đông trình độ văn hoá không cao, đời sống vật chất trung bình hay thậm chí nghèo túng, nhưng lòng dũng cảm, tính kiên trì đã khiến chính quyền phải sợ. Là vì một lòng tin mạnh mẽ đem lại cho người tín hữu một sức mạnh vô song.

Trả giá để sống niềm tin

Nếu nói rằng: trong công cuộc đấu tranh cho công lý, cho sự thật, cho tự do dân chủ, chính nhờ niềm tin mà người Ki-tô hữu tìm được sức mạnh, thì cũng có thể nói: niềm tin thúc đẩy người Ki-tô hữu dấn thân cho các giá trị vừa nói. Nếu chỉ cần đút tay vào túi quần để hô hoán “Đồng hành với dân tộc”, hay “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, liệu chúng ta sẽ thuyết phục được ai ? Ai sẽ nghe chúng ta, sẽ tin chúng ta, nếu chúng ta một mặt thì tuyên bố sẵn sàng chết vì đạo, nhưng khi thánh giá Đồng Chiêm bị triệt phá thì đành im thin thít, không dám hé môi ! Thánh Gia-cô-bê đã từng nói: “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18).

Đối thoại và hợp tác

Sống trong một đất nước tự do như bên Tây bên Mỹ mà nói chuyện đối thoại và hợp tác là chuyện bình thường. Nhưng tại Việt Nam, trong một thể chế độc tài toàn trị, mà nói chuyện đối thoại và hợp tác chỉ là mơ chuyện hão huyền. Ngày nay, nhắc đến tên Nguyễn Văn Lý, cả thế giới đều nghĩ đến tấm hình ngài bị bịt miệng ngay tại phiên toà. Đối thoại phải có kẻ nói người nghe. Nếu chỉ nói chuyện trời nắng trời mưa thì không bõ, còn nếu muốn nói những điều nên nói, những điều cần nói, nhưng điều phải nói bằng bất cứ giá nào, thì chỉ cần nhớ lại cảnh Cha Lý bị bịt miệng là ta hiểu ngay mình có được để cho nói hay không.

Kết luận

Một lần nữa, mầu nhiệm Phục Sinh lại nhắc nhở người Ki-tô hữu chúng ta rằng, thánh giá là con đường tất yếu dẫn tới vinh quang phục sinh. Sở dĩ cô Lê Thị Công Nhân và Cha Nguyễn Văn Lý, hai tín hữu Chúa Ki-tô, đang được người Việt khắp nơi yêu mến, kính nể, vì cả hai đã là những người Việt Nam yêu nước nồng nàn, cả hai đã là những chứng nhân của lòng tin. Đúng như lời đức cố giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: “Con người thời đại ngày nay không cần những thầy giảng, mà cần những chứng nhân đích thực của Tin Mừng”.

Sài-gòn, ngày 03 tháng 04 năm 2010

pascaltinh@gmail.com