Ông Thượng Nghị Sĩ
Nick Xenophon là một con người đặc biệt. Sinh năm 1959 với cái tên Nicholas Xenophou, nhưng không hiểu tên ấy biến thành Xenophon hồi nào. Nội cái biến này cũng đủ nói lên tham vọng của vị thượng nghị sĩ đại diện cho Tiểu Bang Nam Úc. Vì Xenophon vốn là tên của nhà sử học, kiêm hiệp sĩ, lính đánh thuê và triết gia Hy Lạp cuối thế kỷ thứ năm qua đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, người đồng thời và là người ái mộ Socrate. Tốt nghiệp đại học luật khoa Adelaide năm 1981, chỉ 3 năm sau đã có văn phòng luật sư riêng. Mười năm sau đó, ông trở thành chủ tịch Hiệp Hội Luật Sư Tố Tụng của Nam Úc. Thừa thắng xông lên, năm 1997 ông ra tranh cử Hội Đồng Luật Pháp Nam Úc (thượng viện tiểu bang) với tư cách độc lập và đã thắng cử. Mười năm sau, tức năm 2007, ông tranh cử vào thượng viện Liên Bang, với tư cách độc lập, và cũng thắng cử. Không những thế, ông còn giữ cán cân quyền lực tại Thượng Viện Úc cho mãi tới tháng 7 năm nay, khi cán cân ấy rơi vào tay Đảng Xanh. Không có Nick Xenophon, thủ tướng Kevin Rudd đã không thông qua được “gói kích thích kinh tế” trị giá 42 tỷ dollars của ông ta. Nhờ vụ thương lượng này, Nick mang về cho lưu vực sông Murray-Darling 900 triệu dollars. Rồi vụ ông “lột mặt nạ” Giáo Hội Scientology càng làm cho danh tiếng Nick Xenophon nổi như cồn. Phải chăng nay không còn nắm cán cân quyền lực nữa, nên ông phải đi tìm ngả khác để lấy tiếng. Ngả ấy chính là ngả giáo sĩ lạm dụng tình dục, một vấn đề đang hết sức nóng bỏng với phúc trình Cloyne tại Ái Nhĩ Lan đang làm đau đầu không những giáo hội Ái Nhĩ Lan mà cả Vatican nữa.
Ấy thế nhưng, theo Nhật Báo Sydney Morning Herald số ngày 15 tháng 9, ông đã vượt quá giới hạn của đặc quyền nghị viện. Dưới hàng tít: “Tại Canberra, rất ít người ủng hộ quyết định của TNS Nick Xenophon tố cáo trước Thượng Viện một vị cựu trưởng tuyên úy hải quân Công Giáo về tội hiếp dâm”, Báo này cho hay đồng nghiệp Nam Úc của ông là TNS Simon Birmingham, thuộc Đảng Tự Do, đã nói lên điều nhiều người muốn nói: đáng lý ra Xenophon, hoặc người tự nhận là nạn nhân, tức TGM Hepworth, nên phúc trình vụ việc cho cảnh sát mới đúng. “Tôi rất kính trọng Nick nhưng tôi không kính trọng việc ông vừa làm… Tôi nghĩ đặc quyền nghị viện nguyên tuyền là một đặc quyền. Phải sử dụng nó cách cẩn trọng, có phê phán. Các chính khách không có vai trò làm cảnh sát, công tố viên, quan tòa hay bồi thẩm đoàn…”
Tại chính tiểu bang Nam Úc, vừa xẩy ra một tiền lệ đáng lẽ đã làm ông hành động cách khác. Hai tuần trước đây, Tòa Khu Vực Nam Úc vừa phạt một thầy giáo về tội lạm dụng tình dục một học sinh nhỏ tuổi vào năm 1984. Nạn nhân nay đã lớn chỉ mới khiếu hai năm trước đây. Cảnh sát điều tra vụ việc và theo luật tiểu bang, không ai được tiết lộ danh tánh phạm nhân, cho tới khi người này bị đem ra xử.
Xenophon đã không tôn trọng đạo luật của tiểu bang do chính ông làm đại biểu. Trái lại, ông ta đã bỏ qua cả một thủ tục hợp pháp để nêu đích danh Đức Ông Ian Dempsey trước Thượng Viện, như thể không còn một giải pháp nào khác. Ông làm thế, chỉ vì tức giận Giáo Hội không chịu nghe lời ông cảnh giác.
Thử hỏi nếu Đức Ông Dempsey vô tội hay biến cố bị ông tố cáo không hoàn toàn minh bạch như lời ông nói tại Quốc Hội thì sao? Ông bảo Giáo Hội Công Giáo không chịu hành động chi trước một khiếu nại đệ nạp cả 4 năm nay, trong khi Hepworth cho tờ Herald hay: ngài chỉ mới ký giấy cho phép cuộc điều tra vào tháng 2 năm nay.
Catherine Hockley của Tờ The Advertiser ngày 17 tháng 9 cho rằng việc Xenophon nêu đích danh một linh mục tại Thượng Viện khiến người ta chất vấn quyền tự do ngôn luận. Phản ứng trước hành động này, TNS Tự Do Simon Birmingham cho rằng chính trị gia không có vai trò cảnh sát, công tố viên, quan tòa hay bồi thẩm đoàn; Xenophon đã vượt quá lằn mức ấy. Trong khi đó, chuyên viên về luật hiến pháp là giáo sư Anne Twomey của Đại Học Sydney cho rằng hành động của Xenophon không phù hợp với bổn phận nghị viện; mặt khác việc nêu đích danh có tính kéo chú ý công luận này có nguy cơ phá hoại khả thể một cuộc xử án công bình, có khi còn khiến kẻ phạm tội thực sự khỏi bị trừng phạt nữa. Dù gì, bà cũng cho rằng quả là thiếu khôn ngoan khi các thành viên Quốc Hội sử dụng đặc quyền nghị viện để tố cáo một hành vi hình sự hay nêu đích danh một người làm bậy trong khi các vấn đề ấy nên để cảnh sát hay tòa án xử lý.
Hockley cho rằng đặc quyền nghị viện đem lại cho các thành viên quốc hội quyền tự do phát biểu tuyệt đối, nhưng tự do phát biểu mang theo trách nhiệm nặng nề. Xenophon cho rằng ông hiểu điều đó. Nhưng nhiều người sợ ông đã làm ngơ nhiều tiền lệ tai hại của việc sử dụng quyền này. Gần một thập niên trước, TNS Tự Do Bill Hefferman từng phải xin lỗi Thẩm Phán Tối Cao Michael Kirby vì đã dựa vào chứng cớ ngụy tạo để tố cao ông này sử dụng công xa đi chơi điếm đực, mà thực sự không có. Không ai không nhớ năm 1996, tại Quốc Hội New South Wales, dân biểu Franca Arena đã lạm dụng đặc quyền nghị viện để tố cáo một thẩm phán về hưu và một cựu dân biểu về tội ấu dâm. Ít ngày sau, một trong hai người này đã quyên sinh. Rồi tại Nam Úc, Tiểu Bang nhà của Xenophon, Quốc Hội tiểu bang cũng bị mang tiếng về vụ Chủ Tịch Hạ Viện Peter Lewis dùng đặc quyền nghị viện tố cáo một dân biểu tại chức tội ấu dâm. Lời tố cáo bị cảnh sát cho là thiếu bằng cớ. Khiến Chính Phủ Rann soạn thảo một dự luật bãi bỏ việc sử dụng đặc quyền nghị viện để nêu danh một viên chức công đang tại chức. Dự luật này chỉ bị thâu hồi khi Lewis từ chức chủ tịch Hạ Viện.
Ông Tổng Giám Mục
John Anthony Hepworth sinh năm 1944, hiện là giáo chủ của Hiệp Thông Anh Giáo Cổ Truyền (Traditional Anglican Communion), một cơ cấu quốc tế bao gồm nhiều giáo hội Anh Giáo thuộc hệ “liên tục” (continuing Anglican churches), và là giám mục bản quyền của Giáo Phận Úc trong Giáo Hội Anh Công Giáo Tại Úc (Anglican Catholic Church in Australia).
Những danh hiệu dài dòng khó hiểu trên phần nào nói lên cái phức tạp trong con người mang tên Hepworth này. Năm 1968, ông được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Công Giáo ở Adelaide, nhưng năm 1976, ông gia nhập Giáo Hội Anh Giáo Tại Úc. Thế rồi năm 1992, người ta thấy ông gia nhập Giáo Hội Anh Công Giáo Tại Úc. Chính trong giáo hội này, ngôi sao của ông càng ngày càng rực sáng. Năm 1996, ông được thăng giám mục phụ tá; 2 năm sau được cử làm giám mục giáo phận; và năm 2002, ông được bầu làm giáo chủ Hiệp Thông Anh Giáo Cổ Truyền, một hiệp thông hết sức tích cực hưởng ứng tông hiến Anglicanorum Coetibus của Đức Bênêđíctô XVI về các giáo phận tòng nhân dành cho tín hữu Anh Giáo trở về với Giáo Hội Công Giáo, nhưng trên căn bản của Hepworth, chứ không hẳn trên căn bản giáo luật Công Giáo. Trong căn bản, Hepworth là một linh mục Công Giáo phá giới, hiện đã hai lần cưới vợ, có 3 con.
Cùng thời gian với việc hoan nghinh tông hiến của Đức Bênêđíctô XVI, Hepworth tiến hành việc tố cáo 2 đồng nghiệp linh mục và một đồng môn chủng sinh Công Giáo tội hiếp dâm ông từ lúc ông 15 tuổi cho tới khi ông đã thụ phong linh mục và làm cha phó!
Tess Livingston có bài tường thuật khá dài trên tờ The Australian ngày 10 tháng 9 về vụ việc. Theo Livingston, vị tổng giám mục của gần 400,000 tín hữu này cho rằng mình liên tiếp bị hiếp dâm bởi 3 giáo sĩ, 2 người nay đã qua đời, nhưng Giáo Phận Công Giáo Melbourne đã có lời xin lỗi và bồi thường ông 75,000 dollars do tác phong của 2 giáo sĩ này. Hepworth tiếp tục đòi “công đạo” đối với người thứ ba hiện còn sống, và lần này, ông làm lớn chuyện.
Chuyện bắt đầu vào năm 1960, lúc Hepworth 15 tuổi, mới nhập tiểu chủng viện Công Giáo St Francis Xavier ở Adelaide, và đang hoàn tất chương trình lớp 11 và 12. Ông viết cho Toà TGM Công Giáo Adelaide vào ngày 25 tháng 3 năm 2008: một đêm kia, một “trưởng tràng” (prefect) lôi ông vào phòng của John Stockdale, chuốc rượu ông rồi để mặc ông với chủng sinh này. Stockdale đe dọa rằng ông có thể bị đuổi khỏi chủng viện nếu không chịu để hắn sờ soạng. “Việc sờ soạng mau chóng trở thành một cuộc làm tình đau đớn và dữ dội”. Stockdale sau này thụ phong linh mục, phục vụ tại Bendigo và qua đời năm 1995 tại Collingwood, Melbourne.
Tuy nhiên, sau đó, Hepworth vẫn được thụ phong linh mục và tiếp tục ở lại Giáo Hội Công Giáo cho tới năm 1972, lúc ông bỏ trốn qua Anh làm nghề tài xế xe vận tải, gia nhập Anh Giáo, rồi trở thành linh mục của Giáo Hội ấy. Lúc còn là linh mục Công Giáo, ông bị một linh mục khác cưỡng dâm ngay trên bãi biển của một thị trấn duyên hải và tại nhiều trung tâm khác.
Không rõ vị linh mục này có phải là một trong số 3 người bị Hepworth tố cáo là đã cưỡng dâm ông hay không, hay là nhân vật thứ tư. Chỉ biết theo tờ The Age, cả 3 người này đều đã cưỡng dâm ông từ thời còn ở trong chủng viện. Hai trong số ba người này, nay đã qua đời, bắt đầu cưỡng dâm ông từ lúc ông 15 tuổi. Riêng Ian Dempsey cưỡng dâm ông sau khi ông đã 18. Ông kể cho tờ báo này hay: ông bị Dempsey tấn công tình dục ít nhất 6, 7 lần trong thời gian 3 năm.
Về việc bị hiếp trên bãi biển, Hepworth kể rằng lúc còn là một linh mục Công Giáo trẻ, ông được hai linh mục khác mời ra bãi biển lúc ban đêm. Sau một hồi đi dạo, một trong hai linh mục này cởi quần áo và bắt đầu “vật lộn với tôi. Ông ta khỏe hơn tôi hay có lẽ vì tôi quá mệt mỏi chăng… Tôi nhớ làn cát ướt lạnh và cuộc làm tình cưỡng bức”.
Ông cho rằng biến cố trên là “cố gắng có ý thức cuối cùng muốn thuộc về hàng giáo sĩ giáo phận”, một khúc quanh khiến ông dứt khoát thoát ly. Tuy nhiên, tờ The Australian kể tiếp, TGM Hepworth cho rằng vị linh mục này còn tấn công tình dục ông tới 7 lần nữa. Ông khẳng định: không bao giờ đồng tình hết, ông kinh tởm hành vi đồng tính luyến ái. Chỉ là vì ông cảm thấy “quá yếu ớt về thể lý và xúc cảm” đến không thể chống cưỡng được.
Xúc cảm đây theo ông là tình yêu say mê của ông đối với Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội mà ông quyết tâm hoà giải để được hiệp thông hoàn toàn. Ông muốn được Giáo Hội này chấp nhận, “một Giáo Hội mà tôi không biết phải tiếp cận ra sao. Tôi chạy trốn, nhưng không bao giờ đánh mất tình yêu đối với Giáo Hội ấy”
Livingston đành chỉ biết lắc đầu, không hiểu được câu truyện này ra sao. Bề mặt xem ra là một câu truyện lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ Rôma. Nhưng mặt khác, dường như TGM Hepworth muốn thương lượng gì đó để có được một tư thế với Rôma dù ông từng cưới vợ, ly dị, rồi tái hôn trong tư cách một linh mục Công Giáo.
Cuộc thương lượng này dường như đang bế tắc. Theo Robert Hart, mục sư quản nhiệm Nhà Thờ St Benedict của Giáo Hội Anh Công Giáo tại Chapel Hill, North Carolina, và là chủ bút tờ Touchstone, ai theo dõi tin tức mấy tháng gần đây cũng đủ thấy TGM Hepworth bắt đầu ta thán, cho rằng Giáo Hội Công Giáo Rôma đang đi thụt lùi đối với các hứa hẹn của mình trong tông hiến Anglicanorum Coetibus. Nhưng họ thụt lùi ở chỗ nào? Hart bảo: họ khước từ không chịu thay đổi tông hiến vừa ban hành và Giáo Luật mà tông hiến đó dựa vào, nhất là ở Khoản VI là khoản thường bị trích dẫn sai lạc và bóp méo hơn cả. Điều ấy có nghĩa họ không chấp nhận lối giải thích của Hepworth cho rằng mọi linh mục thuộc Hiệp Thông Anh Giáo Cổ Truyền về hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo đều giữ nguyên phẩm trật của mình và chính ông vẫn là tổng giám mục của họ.
Với ai không biết, nhưng với Hepworth, người đã “hai lần cưới vợ với một cuộc ly dị và tiêu hôn Anh Giáo, cơ may ấy không thể có được”. Theo Hart, Anglicanorum Coetibus chỉ là Giáo Luật và thủ tục “Cung Ứng Mục Vụ” hiện hành được nới rộng ra khắp thế giới.
Về vấn đề bị cưỡng hiếp, Hart dí dỏm nhận định: “Những ông linh mục đồng tính ưa cưỡng dâm này hẳn phải to lớn và mạnh mẽ lắm mới có thể cưỡng bức một ông gân guốc như Hepworth, người cao hơn 6 fít (feet) và trông không khác gì một tài xế xe tải”.
Trở lại việc “khai báo” của Hepworth. Ông và cả Xenophon cho hay: vụ việc đã được tường trình cho Tổng Giáo Phận Công Giáo Adelaide 4 năm nay nhưng Giáo Hội đã không hành động một cách thích đáng. Thất vọng, nên đầu năm nay, ông đã tìm gặp Đức Ông Cappo của TGP/CG Adelaide. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Ông Cappo cho ông hay: TGP Adelaide chưa thể làm gì vì ông chưa nộp khiếu nại chính thức, dù ông có “khai báo”. Lúc ấy, TGM Hepworth mới thoả mãn yêu cầu của thủ tục điều tra chính thức. Do đó, trách nhiệm không hẳn ở TGP Adelaide như Hepworth và Xenophon lớn tiếng tố giác.
Về những người bị ông tố cáo, Stocdale sau này qua đời tại một hộp đêm đồng tính luyến ái dành riêng cho đàn ông ở Collingwood, Melbourne. Ronald Pickering chính thức bị Ủy Viên Lạm Dụng Tình Dục của TGP Melbourne là Peter O’Callagher QC xác nhận lạm dụng tình dục trẻ nam trong suốt 36 năm thi hành thừa tác. Nhưng còn Ian Dempsey? Từng là tổng giám đốc tuyên úy Hải Quân Hoàng Gia Úc, lãnh huy chương Order of Australia, làm tổng đại diện của Adelaide nhiều năm và từ 40 năm nay không hề có tai tiếng gì. Cuộc điều tra hẳn không dễ dàng như người ta tưởng. Không thể hồ đồ cho rằng Giáo Hội Công Giáo cố tình trì hoãn thủ tục điều tra được. Ngược lại, người ta có quyền hoài nghi “ý đồ” của cả Xenophon lẫn Hepworth.
Nick Xenophon là một con người đặc biệt. Sinh năm 1959 với cái tên Nicholas Xenophou, nhưng không hiểu tên ấy biến thành Xenophon hồi nào. Nội cái biến này cũng đủ nói lên tham vọng của vị thượng nghị sĩ đại diện cho Tiểu Bang Nam Úc. Vì Xenophon vốn là tên của nhà sử học, kiêm hiệp sĩ, lính đánh thuê và triết gia Hy Lạp cuối thế kỷ thứ năm qua đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, người đồng thời và là người ái mộ Socrate. Tốt nghiệp đại học luật khoa Adelaide năm 1981, chỉ 3 năm sau đã có văn phòng luật sư riêng. Mười năm sau đó, ông trở thành chủ tịch Hiệp Hội Luật Sư Tố Tụng của Nam Úc. Thừa thắng xông lên, năm 1997 ông ra tranh cử Hội Đồng Luật Pháp Nam Úc (thượng viện tiểu bang) với tư cách độc lập và đã thắng cử. Mười năm sau, tức năm 2007, ông tranh cử vào thượng viện Liên Bang, với tư cách độc lập, và cũng thắng cử. Không những thế, ông còn giữ cán cân quyền lực tại Thượng Viện Úc cho mãi tới tháng 7 năm nay, khi cán cân ấy rơi vào tay Đảng Xanh. Không có Nick Xenophon, thủ tướng Kevin Rudd đã không thông qua được “gói kích thích kinh tế” trị giá 42 tỷ dollars của ông ta. Nhờ vụ thương lượng này, Nick mang về cho lưu vực sông Murray-Darling 900 triệu dollars. Rồi vụ ông “lột mặt nạ” Giáo Hội Scientology càng làm cho danh tiếng Nick Xenophon nổi như cồn. Phải chăng nay không còn nắm cán cân quyền lực nữa, nên ông phải đi tìm ngả khác để lấy tiếng. Ngả ấy chính là ngả giáo sĩ lạm dụng tình dục, một vấn đề đang hết sức nóng bỏng với phúc trình Cloyne tại Ái Nhĩ Lan đang làm đau đầu không những giáo hội Ái Nhĩ Lan mà cả Vatican nữa.
Ấy thế nhưng, theo Nhật Báo Sydney Morning Herald số ngày 15 tháng 9, ông đã vượt quá giới hạn của đặc quyền nghị viện. Dưới hàng tít: “Tại Canberra, rất ít người ủng hộ quyết định của TNS Nick Xenophon tố cáo trước Thượng Viện một vị cựu trưởng tuyên úy hải quân Công Giáo về tội hiếp dâm”, Báo này cho hay đồng nghiệp Nam Úc của ông là TNS Simon Birmingham, thuộc Đảng Tự Do, đã nói lên điều nhiều người muốn nói: đáng lý ra Xenophon, hoặc người tự nhận là nạn nhân, tức TGM Hepworth, nên phúc trình vụ việc cho cảnh sát mới đúng. “Tôi rất kính trọng Nick nhưng tôi không kính trọng việc ông vừa làm… Tôi nghĩ đặc quyền nghị viện nguyên tuyền là một đặc quyền. Phải sử dụng nó cách cẩn trọng, có phê phán. Các chính khách không có vai trò làm cảnh sát, công tố viên, quan tòa hay bồi thẩm đoàn…”
Tại chính tiểu bang Nam Úc, vừa xẩy ra một tiền lệ đáng lẽ đã làm ông hành động cách khác. Hai tuần trước đây, Tòa Khu Vực Nam Úc vừa phạt một thầy giáo về tội lạm dụng tình dục một học sinh nhỏ tuổi vào năm 1984. Nạn nhân nay đã lớn chỉ mới khiếu hai năm trước đây. Cảnh sát điều tra vụ việc và theo luật tiểu bang, không ai được tiết lộ danh tánh phạm nhân, cho tới khi người này bị đem ra xử.
Xenophon đã không tôn trọng đạo luật của tiểu bang do chính ông làm đại biểu. Trái lại, ông ta đã bỏ qua cả một thủ tục hợp pháp để nêu đích danh Đức Ông Ian Dempsey trước Thượng Viện, như thể không còn một giải pháp nào khác. Ông làm thế, chỉ vì tức giận Giáo Hội không chịu nghe lời ông cảnh giác.
Thử hỏi nếu Đức Ông Dempsey vô tội hay biến cố bị ông tố cáo không hoàn toàn minh bạch như lời ông nói tại Quốc Hội thì sao? Ông bảo Giáo Hội Công Giáo không chịu hành động chi trước một khiếu nại đệ nạp cả 4 năm nay, trong khi Hepworth cho tờ Herald hay: ngài chỉ mới ký giấy cho phép cuộc điều tra vào tháng 2 năm nay.
Catherine Hockley của Tờ The Advertiser ngày 17 tháng 9 cho rằng việc Xenophon nêu đích danh một linh mục tại Thượng Viện khiến người ta chất vấn quyền tự do ngôn luận. Phản ứng trước hành động này, TNS Tự Do Simon Birmingham cho rằng chính trị gia không có vai trò cảnh sát, công tố viên, quan tòa hay bồi thẩm đoàn; Xenophon đã vượt quá lằn mức ấy. Trong khi đó, chuyên viên về luật hiến pháp là giáo sư Anne Twomey của Đại Học Sydney cho rằng hành động của Xenophon không phù hợp với bổn phận nghị viện; mặt khác việc nêu đích danh có tính kéo chú ý công luận này có nguy cơ phá hoại khả thể một cuộc xử án công bình, có khi còn khiến kẻ phạm tội thực sự khỏi bị trừng phạt nữa. Dù gì, bà cũng cho rằng quả là thiếu khôn ngoan khi các thành viên Quốc Hội sử dụng đặc quyền nghị viện để tố cáo một hành vi hình sự hay nêu đích danh một người làm bậy trong khi các vấn đề ấy nên để cảnh sát hay tòa án xử lý.
Hockley cho rằng đặc quyền nghị viện đem lại cho các thành viên quốc hội quyền tự do phát biểu tuyệt đối, nhưng tự do phát biểu mang theo trách nhiệm nặng nề. Xenophon cho rằng ông hiểu điều đó. Nhưng nhiều người sợ ông đã làm ngơ nhiều tiền lệ tai hại của việc sử dụng quyền này. Gần một thập niên trước, TNS Tự Do Bill Hefferman từng phải xin lỗi Thẩm Phán Tối Cao Michael Kirby vì đã dựa vào chứng cớ ngụy tạo để tố cao ông này sử dụng công xa đi chơi điếm đực, mà thực sự không có. Không ai không nhớ năm 1996, tại Quốc Hội New South Wales, dân biểu Franca Arena đã lạm dụng đặc quyền nghị viện để tố cáo một thẩm phán về hưu và một cựu dân biểu về tội ấu dâm. Ít ngày sau, một trong hai người này đã quyên sinh. Rồi tại Nam Úc, Tiểu Bang nhà của Xenophon, Quốc Hội tiểu bang cũng bị mang tiếng về vụ Chủ Tịch Hạ Viện Peter Lewis dùng đặc quyền nghị viện tố cáo một dân biểu tại chức tội ấu dâm. Lời tố cáo bị cảnh sát cho là thiếu bằng cớ. Khiến Chính Phủ Rann soạn thảo một dự luật bãi bỏ việc sử dụng đặc quyền nghị viện để nêu danh một viên chức công đang tại chức. Dự luật này chỉ bị thâu hồi khi Lewis từ chức chủ tịch Hạ Viện.
Ông Tổng Giám Mục
John Anthony Hepworth sinh năm 1944, hiện là giáo chủ của Hiệp Thông Anh Giáo Cổ Truyền (Traditional Anglican Communion), một cơ cấu quốc tế bao gồm nhiều giáo hội Anh Giáo thuộc hệ “liên tục” (continuing Anglican churches), và là giám mục bản quyền của Giáo Phận Úc trong Giáo Hội Anh Công Giáo Tại Úc (Anglican Catholic Church in Australia).
Những danh hiệu dài dòng khó hiểu trên phần nào nói lên cái phức tạp trong con người mang tên Hepworth này. Năm 1968, ông được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Công Giáo ở Adelaide, nhưng năm 1976, ông gia nhập Giáo Hội Anh Giáo Tại Úc. Thế rồi năm 1992, người ta thấy ông gia nhập Giáo Hội Anh Công Giáo Tại Úc. Chính trong giáo hội này, ngôi sao của ông càng ngày càng rực sáng. Năm 1996, ông được thăng giám mục phụ tá; 2 năm sau được cử làm giám mục giáo phận; và năm 2002, ông được bầu làm giáo chủ Hiệp Thông Anh Giáo Cổ Truyền, một hiệp thông hết sức tích cực hưởng ứng tông hiến Anglicanorum Coetibus của Đức Bênêđíctô XVI về các giáo phận tòng nhân dành cho tín hữu Anh Giáo trở về với Giáo Hội Công Giáo, nhưng trên căn bản của Hepworth, chứ không hẳn trên căn bản giáo luật Công Giáo. Trong căn bản, Hepworth là một linh mục Công Giáo phá giới, hiện đã hai lần cưới vợ, có 3 con.
Cùng thời gian với việc hoan nghinh tông hiến của Đức Bênêđíctô XVI, Hepworth tiến hành việc tố cáo 2 đồng nghiệp linh mục và một đồng môn chủng sinh Công Giáo tội hiếp dâm ông từ lúc ông 15 tuổi cho tới khi ông đã thụ phong linh mục và làm cha phó!
Tess Livingston có bài tường thuật khá dài trên tờ The Australian ngày 10 tháng 9 về vụ việc. Theo Livingston, vị tổng giám mục của gần 400,000 tín hữu này cho rằng mình liên tiếp bị hiếp dâm bởi 3 giáo sĩ, 2 người nay đã qua đời, nhưng Giáo Phận Công Giáo Melbourne đã có lời xin lỗi và bồi thường ông 75,000 dollars do tác phong của 2 giáo sĩ này. Hepworth tiếp tục đòi “công đạo” đối với người thứ ba hiện còn sống, và lần này, ông làm lớn chuyện.
Chuyện bắt đầu vào năm 1960, lúc Hepworth 15 tuổi, mới nhập tiểu chủng viện Công Giáo St Francis Xavier ở Adelaide, và đang hoàn tất chương trình lớp 11 và 12. Ông viết cho Toà TGM Công Giáo Adelaide vào ngày 25 tháng 3 năm 2008: một đêm kia, một “trưởng tràng” (prefect) lôi ông vào phòng của John Stockdale, chuốc rượu ông rồi để mặc ông với chủng sinh này. Stockdale đe dọa rằng ông có thể bị đuổi khỏi chủng viện nếu không chịu để hắn sờ soạng. “Việc sờ soạng mau chóng trở thành một cuộc làm tình đau đớn và dữ dội”. Stockdale sau này thụ phong linh mục, phục vụ tại Bendigo và qua đời năm 1995 tại Collingwood, Melbourne.
Tuy nhiên, sau đó, Hepworth vẫn được thụ phong linh mục và tiếp tục ở lại Giáo Hội Công Giáo cho tới năm 1972, lúc ông bỏ trốn qua Anh làm nghề tài xế xe vận tải, gia nhập Anh Giáo, rồi trở thành linh mục của Giáo Hội ấy. Lúc còn là linh mục Công Giáo, ông bị một linh mục khác cưỡng dâm ngay trên bãi biển của một thị trấn duyên hải và tại nhiều trung tâm khác.
Không rõ vị linh mục này có phải là một trong số 3 người bị Hepworth tố cáo là đã cưỡng dâm ông hay không, hay là nhân vật thứ tư. Chỉ biết theo tờ The Age, cả 3 người này đều đã cưỡng dâm ông từ thời còn ở trong chủng viện. Hai trong số ba người này, nay đã qua đời, bắt đầu cưỡng dâm ông từ lúc ông 15 tuổi. Riêng Ian Dempsey cưỡng dâm ông sau khi ông đã 18. Ông kể cho tờ báo này hay: ông bị Dempsey tấn công tình dục ít nhất 6, 7 lần trong thời gian 3 năm.
Về việc bị hiếp trên bãi biển, Hepworth kể rằng lúc còn là một linh mục Công Giáo trẻ, ông được hai linh mục khác mời ra bãi biển lúc ban đêm. Sau một hồi đi dạo, một trong hai linh mục này cởi quần áo và bắt đầu “vật lộn với tôi. Ông ta khỏe hơn tôi hay có lẽ vì tôi quá mệt mỏi chăng… Tôi nhớ làn cát ướt lạnh và cuộc làm tình cưỡng bức”.
Ông cho rằng biến cố trên là “cố gắng có ý thức cuối cùng muốn thuộc về hàng giáo sĩ giáo phận”, một khúc quanh khiến ông dứt khoát thoát ly. Tuy nhiên, tờ The Australian kể tiếp, TGM Hepworth cho rằng vị linh mục này còn tấn công tình dục ông tới 7 lần nữa. Ông khẳng định: không bao giờ đồng tình hết, ông kinh tởm hành vi đồng tính luyến ái. Chỉ là vì ông cảm thấy “quá yếu ớt về thể lý và xúc cảm” đến không thể chống cưỡng được.
Xúc cảm đây theo ông là tình yêu say mê của ông đối với Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội mà ông quyết tâm hoà giải để được hiệp thông hoàn toàn. Ông muốn được Giáo Hội này chấp nhận, “một Giáo Hội mà tôi không biết phải tiếp cận ra sao. Tôi chạy trốn, nhưng không bao giờ đánh mất tình yêu đối với Giáo Hội ấy”
Livingston đành chỉ biết lắc đầu, không hiểu được câu truyện này ra sao. Bề mặt xem ra là một câu truyện lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ Rôma. Nhưng mặt khác, dường như TGM Hepworth muốn thương lượng gì đó để có được một tư thế với Rôma dù ông từng cưới vợ, ly dị, rồi tái hôn trong tư cách một linh mục Công Giáo.
Cuộc thương lượng này dường như đang bế tắc. Theo Robert Hart, mục sư quản nhiệm Nhà Thờ St Benedict của Giáo Hội Anh Công Giáo tại Chapel Hill, North Carolina, và là chủ bút tờ Touchstone, ai theo dõi tin tức mấy tháng gần đây cũng đủ thấy TGM Hepworth bắt đầu ta thán, cho rằng Giáo Hội Công Giáo Rôma đang đi thụt lùi đối với các hứa hẹn của mình trong tông hiến Anglicanorum Coetibus. Nhưng họ thụt lùi ở chỗ nào? Hart bảo: họ khước từ không chịu thay đổi tông hiến vừa ban hành và Giáo Luật mà tông hiến đó dựa vào, nhất là ở Khoản VI là khoản thường bị trích dẫn sai lạc và bóp méo hơn cả. Điều ấy có nghĩa họ không chấp nhận lối giải thích của Hepworth cho rằng mọi linh mục thuộc Hiệp Thông Anh Giáo Cổ Truyền về hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo đều giữ nguyên phẩm trật của mình và chính ông vẫn là tổng giám mục của họ.
Với ai không biết, nhưng với Hepworth, người đã “hai lần cưới vợ với một cuộc ly dị và tiêu hôn Anh Giáo, cơ may ấy không thể có được”. Theo Hart, Anglicanorum Coetibus chỉ là Giáo Luật và thủ tục “Cung Ứng Mục Vụ” hiện hành được nới rộng ra khắp thế giới.
Về vấn đề bị cưỡng hiếp, Hart dí dỏm nhận định: “Những ông linh mục đồng tính ưa cưỡng dâm này hẳn phải to lớn và mạnh mẽ lắm mới có thể cưỡng bức một ông gân guốc như Hepworth, người cao hơn 6 fít (feet) và trông không khác gì một tài xế xe tải”.
Trở lại việc “khai báo” của Hepworth. Ông và cả Xenophon cho hay: vụ việc đã được tường trình cho Tổng Giáo Phận Công Giáo Adelaide 4 năm nay nhưng Giáo Hội đã không hành động một cách thích đáng. Thất vọng, nên đầu năm nay, ông đã tìm gặp Đức Ông Cappo của TGP/CG Adelaide. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Ông Cappo cho ông hay: TGP Adelaide chưa thể làm gì vì ông chưa nộp khiếu nại chính thức, dù ông có “khai báo”. Lúc ấy, TGM Hepworth mới thoả mãn yêu cầu của thủ tục điều tra chính thức. Do đó, trách nhiệm không hẳn ở TGP Adelaide như Hepworth và Xenophon lớn tiếng tố giác.
Về những người bị ông tố cáo, Stocdale sau này qua đời tại một hộp đêm đồng tính luyến ái dành riêng cho đàn ông ở Collingwood, Melbourne. Ronald Pickering chính thức bị Ủy Viên Lạm Dụng Tình Dục của TGP Melbourne là Peter O’Callagher QC xác nhận lạm dụng tình dục trẻ nam trong suốt 36 năm thi hành thừa tác. Nhưng còn Ian Dempsey? Từng là tổng giám đốc tuyên úy Hải Quân Hoàng Gia Úc, lãnh huy chương Order of Australia, làm tổng đại diện của Adelaide nhiều năm và từ 40 năm nay không hề có tai tiếng gì. Cuộc điều tra hẳn không dễ dàng như người ta tưởng. Không thể hồ đồ cho rằng Giáo Hội Công Giáo cố tình trì hoãn thủ tục điều tra được. Ngược lại, người ta có quyền hoài nghi “ý đồ” của cả Xenophon lẫn Hepworth.