ROME, 24 Tháng 10, 2011 (Zenit.org).- Tòa án Âu Châu đã bác bỏ khả thể cấp môn bài cho các diễn trình nghiên cứu dùng tế bào gốc lấy từ phôi thai người.

Phán quyết ngày 18 tháng 10 là kết quả của một vụ án liên quan tới Oliver Bruestle thuộc Đại Học Bonn. Người này, ngày 19 tháng 12 năm 1997, đã nạp đơn xin môn bài cho các tế bào được sản xuất từ các tế bào gốc của phôi thai người dùng để chữa trị các bệnh về thần kinh.

Greenpeace đã thách thức môn bài này tại các tòa án ở Đức và đã thắng khi Tòa Môn Bài Liên Bang phán quyết rằng môn bài này vô giá trị. Bruestle đã kháng án và sự việc đã được chuyển lên Tòa Âu Châu. Trong quyết định của mình, Tòa Âu Châu đã phán rằng các khía cạnh y khoa và đạo đức học nằm ngoài thẩm quyền của họ và chỉ có yếu tố luật lệ mới được xem sét mà thôi. Tòa cho rằng “Bất cứ trứng nhân bản nào, ngay khi được thụ tinh, cũng phải được coi là ‘phôi thai người’ nếu việc thụ tinh ấy diễn ra cách nào đó khiến diễn trình phát triển của một con người được bắt đầu”. Ngoài ra, cũng phải xếp các trứng do diễn trình sinh sản đơn tính (parthenogenesis) tạo ra là các phôi thai người.

Toà tuyên phán rằng môn bài không thể được cấp khi phôi thai người được sử dụng. Tuy nhiên, tòa không loại bỏ khả thể cấp môn bài đối với các mục đích trị liệu và khám nghiệm, được áp dụng vào phôi thai người và có lợi cho các phôi thai này.

Định nghĩa

Ủy Ban của Các Hội Đồng Giám Mục Cộng Đồng Âu Châu (COMECE) hoan nghinh phán quyết này. Trong một thông cáo báo chí, COMECE nhận định rằng phán quyết trên đã đưa ra “một định nghĩa giá trị có tính rộng rãi, hợp khoa học về phôi thai người”. Thụ tinh đúng là đã đánh dấu việc khởi đầu của sự sống mới nơi con người. “Do đó, phôi thai người, ngay từ lúc đầu mới phát triển, phải được coi là một hữu thể nhân bản có tiềm năng, chứ không phải chỉ là ‘hữu thể nhân bản tiềm tàng’ (a human being with potential, not just a ‘potential human being’).

Do kết quả trên, COMECE tuyên bố rằng các nghiên cứu khoa học sử dụng các nguồn khác sẽ được khuyến khích. Cho đến nay, các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc trưởng thành vẫn chưa được chú ý bằng các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc phôi thai. COMECE cho hay: “Việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành, tức các tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn hay các chất khác, trong nhiều trường hợp, đã đem lại nhiều khả thể đáng kể cho nền y khoa về tái tạo (regenerative medicine)”.

Trung Tâm Âu Châu về Luật Pháp và Công Lý cũng hoan nghinh quyết định trên. Gregor Puppinck, giám đốc trung tâm đưa ra lời tuyên bố cho rằng “Quyết định này che chở sự sống và nhân phẩm ngay ở giai đoạn đầu mới phát triển”. Tuy nhiên, theo ông, Toà Âu Châu để các tòa án quốc gia tự quyết định xem liệu các tế bào gốc lấy từ phôi thai người ở giai đoạn phôi bào đã tạo thành một phôi thai người hay chưa.

Nhân phẩm

Tờ L'Osservatore Romano gọi quyết định trên là một chiến thắng cho nhân phẩm. Tờ báo này nhận định rằng trước khi có phán quyết trên, nhiều người đã cố gắng tạo áp lực để Tòa phán quyết có lợi cho phe nộp đơn xin môn bài. Hồi tháng Tư, tập san Nature có đăng lời kêu gọi của một số khoa học gia ủng hộ việc cấp môn bài cho việc sử dụng phôi thai người. Những người này cho rằng các tế bào gốc phôi thai mới chỉ thuộc tuyến tế bào, chưa phải là phôi thai. Nhưng tờ L'Osservatore Romano nhấn mạnh rằng những người này quên không nói rằng các tuyến này là sản phẩm của việc tiêu diệt các phôi thai người.

Tòa Thánh rất tích cực trong cuộc tranh luận về tế bào gốc. Gần đây, Vatican đã ký một thỏa thuận trị giá 1 triệu dollars với một công ty nghiên cứu Hoa Kỳ tên là NeoStem. Theo tường trình ngày 20 tháng 10 của tờ Los Angeles Times, số tiền này sẽ dùng để tài trợ chương trình giáo dục và nghiên cứu việc sử dụng các tế bào gốc đã trưởng thành.

Cha Tomasz Trafny, thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, cho hay: thỏa thuận trên vô tiền khoáng hậu. Ngài cho tờ Los Angeles Times hay Vatican quyết định tiến hành thoả thuận vì 2 lý do: “Thứ nhất, vì họ lưu ý mạnh mẽ tới việc … tìm tòi tác động văn hóa của việc họ làm, một việc ít có xưa nay… Nhiều công ty chỉ biết lo lợi nhuận và lợi nhuận mà thôi… Thứ hai, dĩ nhiên, vì họ chia sẻ cùng một nhậy cảm về luân lý, đạo đức… Chính do quan điểm đạo đức ấy mà chúng tôi bước vào sự hợp tác độc đáo này”.

Công ty trên cũng tham dự một hội nghị sẽ được tổ chức tại Vatican từ ngày 9 tới ngày 11 tháng 11 sắp tới. Chủ đề của hội nghị sẽ là “Tế Bào Gốc Trưởng Thành: Khoa Học và Tương Lai Con Người và Văn Hóa”.

Trong một nhận định ngắn về buổi họp báo của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh để công bố về hội nghị trên, Robin Smith, CEO của NeoStem, giải thích rằng cuộc hùn hạp với Tòa Thánh này sẽ chú tâm tới 4 điều: “thăng tiến khoa học, loại bỏ đau khổ của con người, giáo dục xã hội ngày nay cũng như các thế hệ tương lai, và khuyến khích sự hợp tác để đẩy mạnh các mục tiêu này”.

Trong khi đó, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống đang chuẩn bị mở Hội Nghị Quốc Tế về Việc Nghiên Cứu Tế Bào Gốc Có Trách Nhiệm. Hội nghị này sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 25 tới ngày 28 tháng Tư, 2012.