Theo Hannah Brockhaus của hãng tin CNA, người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican cho biết tại một hội nghị hôm thứ Sáu rằng sự thật về nhân tính và tình dục không thay đổi ngay cả khi ý thức hệ phổ biến đề cao “sự tự do không liên quan đến sự thật”.

Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, SJ, bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, phát biểu khai mạc tại đại hội ngày 19-20 tháng 5 năm 2023 về Humanae Vitae, thông điệp mang tính bước ngoặt năm 1968 của Thánh Phaolô VI. Ảnh: Daniel Ibañez/CNA


Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, SJ, bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã đưa ra các phát biểu khai mạc tại đại hội ngày 19-20 tháng 5 về Thông điệp Humanae Vitae, thông điệp mang tính bước ngoặt năm 1968 của Thánh Phaolô VI.

Đức Hồng Y Ladaria nói, “Sự thật thể hiện trong nhân tính không thay đổi; nói chính xác hơn, ngay dưới ánh sáng của những khám phá khoa học mới, học thuyết của nó trở nên hợp thời hơn”. Nó thúc giục chúng ta suy niệm về tông huấn Amoris Laetitia (“Niềm vui yêu thương”) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để tái khám phá thông điệp của Đức Phaolô VI.

Đức Hồng Y nói tiếp, “Thông điệp Humanae Vitae đề cập đến các vấn đề liên quan đến tính dục, tình yêu và sự sống, vốn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến mọi hữu thể nhân bản ở mọi thời đại. Vì lý do này, thông điệp của ngài vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã diễn tả điều đó bằng những lời này: Điều gì đúng hôm qua vẫn đúng hôm nay.”

Hội nghị quốc tế “Humanae Vitae: Sự táo bạo của một thông điệp về tình dục và sinh sản” được tổ chức bởi Chủ tịch Quốc tế Jérôme Lejeune về Đạo đức Sinh học. Nó được tổ chức tại Học viện giáo phụ Augustinianum, một trung tâm hội nghị nhỏ gần Vatican.

Bài phát biểu khai mạc của Đức Hồng Y Ladaria đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về nhân học như Humanae Vitae đã trình bày, đối chiếu nó với các nhân học phổ biến trong xã hội phương Tây ngày nay.

Ngài nói: “Thông điệp dựa giáo lý của nó trên sự thật về hành vi của tình yêu vợ chồng, mối liên hệ không thể tách rời mà Thiên Chúa đã muốn và con người không thể tự mình phá vỡ, giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng”.

“Nếu con người có khả năng nhận ra và giải thích ý nghĩa kết hợp và sinh sản của hành vi vợ chồng, thì họ sẽ hoàn thành sự hiện hữu của mình một cách chính xác và làm cho nó trở nên viên mãn.”

Ngài nói, như tiếng nói của Giáo hội, “chúng ta cũng vậy, ở giữa thế giới của chúng ta, chúng ta được mời gọi trở thành dấu hiệu của sự mâu thuẫn, công bố một cách thống nhất và vững vàng sự thật về con người, về tình yêu, về tính dục và về sự sống.”

Đức Hồng Y giải thích rằng việc bác bỏ giáo huấn của Humanae Vitae không chỉ là bác bỏ tính vô luân của biện pháp ngừa thai mà còn là sự chấp nhận một “nhân học nhị nguyên coi tự nhiên là mối đe dọa đối với tự do và cho rằng bằng cách thao túng cơ thể, các điều kiện của sự thật là hành vi vợ chồng có thể thay đổi được.”

Ngài nói, “Đối với thông điệp, tự nhiên không mâu thuẫn với tự do, nhưng mang lại cho tự do những ý nghĩa làm cho hành vi của tình yêu vợ chồng trở nên khả hữu và cho phép nó được thực hiện trọn vẹn”.

Ngài nói tiếp, việc tách biệt giới tính khỏi sinh sản đã làm tầm thường tính dục của con người và làm thay đổi cách hiểu của xã hội về bản sắc tính dục và quan hệ tình dục là gì, tạo ra việc không thể nhận ra sự khác biệt về đạo đức giữa sự kết hợp tính dục của một người nam và một người nữ và tình dục giữa hai người đàn ông hoặc hai phụ nữ.

Đức Hồng Y cho biết ý tưởng nghĩ rằng “cơ thể của tôi thuộc về tôi” phản ảnh việc công cụ hóa và vật chất hóa cơ thể, do đó biến nó thành một đối tượng để thao túng.

Ngài gọi đây là “sự vật chất hóa” cơ thể và nói rằng nó đã dẫn đến việc giảm sinh và tăng tỷ lệ phá thai.

Ngài nói, sự sống đã trở thành sản phẩm, khiến nó không còn được xem như một món quà mà là một sản phẩm, được đánh giá cao về mặt tiện ích. “Chất lượng cuộc sống do đó trở thành một khái niệm phân biệt giữa cuộc sống đáng được sống và cuộc sống không đáng được sống.”

Đức Hồng Y Ladaria nói: “Việc thao túng cơ thể cũng xuất hiện trong ý thức hệ phái tính và chủ nghĩa nhân loại biến đổi [transhumanism], “cả hai đều bắt đầu từ tiền đề cho rằng không có sự thật nào có thể hạn chế việc thực hiện các định đề ý thức hệ của chúng”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “nhân học ngừa thai” này hiện diện trong ý thức hệ phái tính một lần nữa đặt tự do đối lập với tự nhiên.

Ngài nói: “Việc đề cao tự do không liên quan đến sự thật khiến cả hai ý thức hệ đều trình bầy thèm muốn và ý chí như những người bảo đảm cuối cùng cho các quyết định của con người. Vì vậy, việc tiếp tục câu ‘cơ thể tôi thuộc về tôi, tôi sẽ làm với nó những gì tôi muốn’ là biểu hiện của thèm muốn mà thôi như là yếu tố bảo đảm cho quyết định đạo đức. Nhưng chính cơ thể con người mới xuất hiện như một chướng ngại vật, như một giới hạn cho việc thực hiện thèm muốn.”

Đức Hồng Y Ladaria nói tiếp: “Bản sắc cá nhân của một con người nay dựa trên định hướng của họ, tức là không có mối liên hệ với cơ thể của chính họ và không có mối liên hệ với cơ thể của người khác, không có mối liên hệ với người khác giới. Đây là một nền nhân học đã tách biệt ơn gọi yêu thương khỏi ơn gọi sinh sản.”

Ngài nói, thay vào đó, Humanae Vitae “đề xuất một nền nhân học về con người toàn diện, một nền nhân học có khả năng kết hợp tự do với thiên nhiên”.

“Con người thực sự là chính mình khi thể xác và linh hồn hợp thành một thể thống nhất mật thiết.”

Các diễn giả tại đại hội Humanae Vitae bao gồm các bác sĩ, nhà thần học, học giả và linh mục từ khắp nơi trên thế giới. Các cặp vợ chồng Công Giáo cũng đưa ra những lời chứng về những niềm vui và thử thách của tình yêu vợ chồng và sự cởi mở với sự sống.

Trong số những người thuyết trình có nhà thần học luân lý Pia de Solenni ở Hoa Kỳ; chủ tịch của Văn hóa Đời sống Châu Phi, nhà sinh vật học Obianuju Ekeocha; và chủ tịch danh dự của Trung tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia, John Haas.

Haas cũng là một thành viên bình thường của Học viện Giáo hoàng về Sự sống (PAL). Các thành viên bình thường và tương ứng khác của PAL đã tham gia cuộc họp là Jean-Marie Le Méné, chủ tịch của Jérôme Lejeune Foundation; Mounir Farag, người sáng lập và chủ tịch của Viện St. Joseph về Gia đình, Đạo đức Sinh học và Pro Vita [phò sinh]; Elena Postigo Solana, giám đốc Viện Đạo đức Sinh học tại Đại học Francisco de Vitoria ở Madrid; và Pilar Vigil Portales, OB-GYN.