3.3 Tin Mừng Gioan

31. Lời mở đầu của Tin mừng Gioan kết thúc bằng lời quả quyết long trọng: "Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết"(Ga 1:18). Lời trình bày này về bản tính của Chúa Giêsu (Con duy nhất, Thiên Chúa kết hợp mật thiết với Chúa Cha) và khả năng độc đáo biết và mặc khải Thiên Chúa không chỉ được chứng thực ở đầu Tin Mừng mà thôi; nhưng, khi cấu thành một luận đề căn bản, nó còn được xác nhận bởi trọn bộ công trình của Thánh Gioan: ai bước vào liên hệ với Chúa Giêsu và cởi mở đón nhận lời Người đều nhận được từ Người sự mặc khải về Thiên Chúa Cha. Cũng một cách như các Tin Mừng khác, Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh đến việc hoàn tất Kinh thánh bằng công trình của Chúa Giêsu, và trình bày nó như một thành phần tạo nên kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng một đặc điểm riêng của Tin Mừng Gioan là việc mô tả một số đặc điểm trong mối liên hệ đặc biệt kết hợp tin mừng gia với Chúa Giêsu:



Chiêm ngưỡng vinh quang của người Con duy nhất

Chứng từ minh nhiên tận mắt

Giáo huấn của Thần Chân lý cho các nhân chứng

Những đặc điểm chuyên biệt trên, các đặc điểm nối kết tin mừng gia với con người của Chúa Giêsu cách thân mật hơn, có tác dụng nhấn mạnh nguồn gốc thần thiêng của Tin Mừng của ngài. Chúng ta hãy khai triển các đặc điểm chuyên biệt này.

a.Chiêm ngưỡng vinh quang của Con duy nhất

Lời mở đầu viết rằng: " Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được chiêm ngưởng vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1:14). Sau khi đã quả quyết việc nhập thể của Ngôi Lời và việc Người bước vào trong nhân loại, trở thành nơi ở dứt khoát của Thiên Chúa giao ước, bản văn bỗng nhiên nói về một cuộc gặp gỡ bản thân và sâu sắc với Ngôi Lời nhập thể. Trong các bản văn Gioan, "chiêm ngưỡng, nhìn thấy" không chỉ một hành động nhất thời, hời hợt, mà là một hành động nhìn mãnh liệt và lâu dài, nối kết với việc suy niệm, cũng như sự hiểu biết sâu sắc và gắn bó với đức tin. Gioan 11:45 đề cập đến đối tượng trực tiếp của chiêm ngưỡng: "những gì Người đã làm", nghĩa là sự phục sinh Ladarô, và nhắc đến hậu quả của việc này: đức tin vào Chúa Giêsu. Ga 1:14b giải thích kết quả của việc "nhìn thấy", chiêm ngưỡng này: sự thấu hiểu đầy đức tin, việc thừa nhận Chúa Con duy nhất phát sinh từ Chúa Cha (1 Ga 1:1; 4:14). Do đó, đối tượng chiêm ngưỡng là Chúa Giêsu, con người và hoạt động của Người, vì, trong thời gian ở dưới thế, Ngôi Lời của Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với con người.

Tác giả tự bao gồm mình trong nhóm các nhân chứng chăm chú ("chúng tôi"), những người, sau khi chiêm ngưỡng công trình của Chúa Giêsu, đã đạt được Đức tin vào Người, như Con duy nhất của Thiên Chúa Cha. Chứng từ tận mắt của tin mừng gia và đức tin của ngài vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là nền tảng trước tác của ngài. Có thể diễn dịch một cách gián tiếp rằng trước tác này phát xuất từ Chúa Giêsu, và do đó xuất phát từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhấn mạnh tới sự kiện này là Thánh Gioan là thành viên của một nhóm các nhân chứng được đức tin cư ngụ. Kết luận đầu tiên của Tin mừng thứ tư (Ga 20: 30-31) cho phép nhận diện nhóm này. Tin mừng gia minh nhiên nói tới công trình của mình ("cuốn sách này") và "những dấu lạ" được kể ở đấy. Ngài khẳng định rằng Chúa Giêsu đã làm những điều đó "trước sự hiện diện của các môn đệ". Như thế, những người này tự tỏ ra mình là nhóm nhân chứng tận mắt mà tác giả của Tin mừng thứ tư vốn thuộc về.

b. Chứng từ minh nhiên tận mắt

Hai lần, tin mừng gia minh nhiên nhấn mạnh rằng ngài là nhân chứng tận mắt của những gì ngài viết. Thực vậy, chúng ta đọc trong phần kết luận của Tin mừng: "Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực" (Ga 21: 24). Một nhóm ("chúng tôi") trình bày người môn đệ - được nhận diện như nhân vật chính của câu chuyện cuối cùng - như một nhân chứng đáng tin cậy và là tác giả của toàn bộ tác phẩm. Nó nói tới người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến (xin xem Ga 21:20), người, trong các dịp khác, cũng là nhân chứng cho hành động của Người, cho sự gần gũi đặc biệt của ngài với Chúa Giêsu (x. Ga 13:23; 19:26; 20:2; 21:7). Theo cách này, người ta xác nhận rằng Tin Mừng này phát xuất từ Chúa Giêsu và từ chính Thiên Chúa. Những người tuyên bố "chúng tôi biết" (Ga 21:24) muốn phát biểu ý thức cho rằng mình đủ điều kiện để đánh giá như vậy. Biểu thức này cấu thành một hành động nhận ra, tiếp nhận và đề xuất bản văn này từ phía cộng đồng tín hữu.

Trong một đoạn khác, nhân chứng tận mắt được giải thích về sự trào nước và máu sau cái chết của Chúa Giêsu: "Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Ở đây, các khái niệm "nhìn thấy", "làm chứng", "sự thật" và "tin " có tính quyết định. Nhân chứng tận mắt khẳng định sự thật của chứng từ mình, trong đó, ngài ngỏ với một cộng đồng ("anh em"), khuyến khích họ chia sẻ đức tin của ngài (Ga 20:31; 1 Ga 1:1-3). Chứng từ này liên quan không những các sự kiện đã xảy ra, mà cả ý nghĩa của chúng, do hai trích dẫn từ Cựu Ước cung cấp (Ga 19: 36-37). Nhờ bối cảnh, chúng ta biết rằng nhân chứng tận mắt là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến, người đứng gần thập giá của Chúa Giêsu, và là người mà Chúa Giêsu đã nói với (Ga 19:25-27). Do đó, khi đề cập chuyên biệt đến cái chết của Chúa Giêsu, Ga 19:35 nhấn mạnh điều Ga 21:24 phát biểu cho toàn bộ các tường thuật của Tin Mừng thứ tư: Tin Mừng này được viết bởi một tác giả, nhờ kinh nghiệm trực tiếp và nhờ đức tin, vốn được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa, và truyền đạt chứng từ của ngài cho một cộng đồng các tín hữu có cùng đức tin như mình.

c. Giáo huấn của Thần Chân lý cho các nhân chứng.

Chứng từ của người môn đệ được làm cho khả hữu là nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trong các phát biểu giã biệt (Ga 14-16), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15: 26-27). Các môn đệ là các nhân chứng tận mắt cho mọi hoạt động của Chúa Giêsu "ngay từ đầu". Nhưng chứng từ đức tin, 1 chứng từ khiến chúng ta tin vào Chúa Giêsu như Đấng Kitô và Con Thiên Chúa (Ga 20,31), và được ban cho bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng vốn phát sinh từ Chúa Cha và được Chúa Giêsu sai đến, chứng từ ấy tạo nên nơi các môn đệ một sự kết hợp mãnh liệt với Thiên Chúa. Thế giới không thể tiếp nhận Chúa Thánh Thần (xem Ga 14:17), nhưng các môn đệ tiếp nhận Người vì sứ mệnh của họ trong thế giới (Ga 17:18). Chúa Giêsu giải thích Chúa Thánh Thần đã làm chứng cho Người cách nào: "Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26); "Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn" (Ga 16:13). Công trình của Chúa Thánh Thần hoàn toàn qui chiếu vào hoạt động của Chúa Giêsu và có mục tiêu dẫn đến sự thấu hiểu sự thật luôn luôn sâu sắc hơn, nghĩa là thấu hiểu mặc khải của Thiên Chúa mà Chúa Cha đã làm cho khả hữu bởi Chúa Giêsu (xem Ga 1:17-18). Chứng từ về Chúa Giêsu bởi bất cứ môn đệ nào chỉ trở nên "hữu hiệu" nhờ hành động của Chúa Thánh Thần. Điều nhận xét tương tự cũng có giá trị đối với chính Tin Mừng thứ tư, một tin mừng tự trình bày mình như chứng từ viết của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.



3.4 Công vụ tông đồ

34. Công vụ tông đồ được gán cho cùng một tác giả như Tin mừng Luca (x. Lc 1:14, Cc 1:1). Thánh Luca minh nhiên đề cập như là các nguồn Tin Mừng của ngài những người "đã được chứng kiến tận mắt ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa” (Lc 1:2), do đó gợi ý cho thấy Tin Mừng của ngài phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng mặc khải tối hậu và tối cao của Thiên Chúa Cha. Ngài không trình bày cùng một cách như thế các nguồn của sách Công vụ, cũng không nói tới nguồn gốc thần thiêng của nó. Nhưng người ta có thể nhận thấy, một mặt, tên trong danh sách các Tông đồ giống hệt như trong Công vụ 1:13 và trong Lc 6:14-16 (trừ Giuđa), và, mặt khác, trong sách Công vụ, đặc điểm của họ như các nhân chứng tận mắt được nhấn mạnh (xem Công vụ 1: 21-22; 10: 40-41), cũng như sứ mệnh của họ làm các thừa tác viên của Lời Chúa (Công vụ 6: 2; xem 2:42). Do đó, Thánh Luca mô tả trong Công vụ các hoạt động của những người được ngài nói đến ở Lk 1:2, do đó là những người có thể được coi là nguồn gốc của cả hai tác phẩm của ngài (Tin mừng Luca và Công vụ).

Chúng ta có thể cho rằng Thánh Luca đã được thông tri về các hoạt động của các ngài (vốn là chủ đề của sách Công vụ) với cùng sự quan tâm (x. Lc 1:3) như lúc ngài tìm tòi - qua các trung gian - về công trình của Chúa Giêsu.

Do đó, đối với nguồn phát sinh sách Công vụ Tông đồ, dữ kiện căn bản là mối liên hệ bản thân và trực tiếp với Chúa Giêsu của các nhân chứng tận mắt và các thừa tác viên của Lời Chúa này. Mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu xuất hiện đặc biệt trong các ngôn từ và hành động của họ, trong công trình của Chúa Thánh Thần và trong việc giải thích Kinh thánh. Những yếu tố khác nhau chứng thực nguồn gốc thần thiêng của sách Công vụ giờ đây được bày tỏ rõ ràng.

a. Mối liên hệ bản thân và trực tiếp của các Tông đồ với Chúa Giêsu

Sách Công vụ kể lại việc loan báo Tin Mừng của các Tông đồ, đặc biệt là của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Trong phần đầu của cuốn sách, Thánh Luca trình bày danh sách các vị, với Thánh Phêrô và mười tông đồ khác (xem Công vụ 1:13). Mười một vị này tạo thành hạt nhân của cộng đồng được Chúa Phục sinh hiện ra (x. Lc 24: 9.33) và đại diện cho cây cầu nối thiết yếu giữa Tin Mừng Luca và sách Công vụ (xem Công vụ 1:13.26).

Danh tính của các tên giữa danh sách Luca 6:14-16 và Công vụ 1: 13 tìm cách xác nhận mối liên hệ bản thân lâu bền và thâm hậu vốn nối kết mỗi Tông đồ với Chúa Giêsu. Mối liên hệ này tạo nên một đặc ân được ban cho họ trong lúc sinh thời của Chúa Giêsu và giúp họ trở thành những người chủ đạo của sách Công vụ. Các Tông đồ vẫn là những người đối thoại và ngồi cùng bàn của Chúa Giêsu trước biến cố Thăng thiên (Công vụ 13: 1-4). Người hứa với các vị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, do đó định cho họ trở thành các chứng nhân của Người "cho đến tận cùng trái đất" (Cc 1:8). Toàn bộ các yếu tố này kết hợp để làm cho sách Công vụ được coi là phát xuất từ Chúa Giêsu và từ Thiên Chúa.

Tương tự như vậy, Thánh Phaolô, nhân vật chính của phần thứ hai của sách Công vụ, được đặc trưng hóa bằng mối liên hệ bản thân và trực tiếp của ngài với Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa phục sinh được thuật lại và làm nổi bật ba lần (Công vụ 9: 1-22; 22:3-16; 26:12-18). Chính Thánh Phaolô tuyên bố rõ ràng nguồn gốc thần thiêng của Tin Mừng của ngài: "Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải” (Gl 1:12). Các phần của sách sử dụng chữ "chúng ta" (Công vụ 16:10-18; 20:5-15; 21:1-18; 27:1-28,16) gợi lên mối liên hệ của tác giả cuốn sách với Thánh Phaolô và qua Thánh Phaolô, với Chúa Giêsu.

b. Các ngôn từ và hành động của các Tông đồ

35. Hoạt động của các Tông đồ, như cuốn sách kể lại, cho thấy bằng nhiều cách mối liên hệ của các ngài với Chúa Giêsu. Các bài phát biểu của Thánh Phêrô (xem Công vụ 1:15-22; 2:14-36; 3:12-26; 10:34-43) và của Thánh Phaolô (thí dụ: Công vụ 13:16-41) là các bản tóm lược, các bản “tóm tắt" đem lại ý nghĩa cho cuộc đời và thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Chúng trình bày các sự kiện căn bản về cuộc đời và thừa tác vụ ấy: Người thuộc dòng dõi Đavít (xem Công vụ 13:22-23), mối liên kết của Người với Nadarét (xem Công vụ 2:22; 4:10), thừa tác vụ khởi đầu của Người ở Galilê (x. Công vụ 10: 37-39). Cuộc khổ nạn và cái chết của Người, trong đó có sự liên quan của người Do Thái (xem Công vụ 2:23; 3:13; 4:10-11) và của dân ngoại (xem Công vụ 2:23; 4:26-27), Philatô (xem Công vụ 3:13; 4:27; 13:28) và Hêrốt (xem Công vụ 4:27) được đặc biệt nhấn mạnh, cũng như hình phạt thập giá (xem Công vụ 5:30; 10:39; 13:29) và sự phục sinh của Người nhờ Thiên Chúa (xem Công vụ 2:24,32; v.v.).

Việc trình bầy sự phục sinh của Chúa Giêsu làm nổi bật hành động của Chúa Cha, trái ngược với hành động của con người: "anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Công vụ 2:23-24; xem Công vụ 3:15; v.v.). Thiên Chúa đã nâng Chúa Giêsu lên bên hữu của Người (Công vụ 2:33; 5:31) và tôn vinh Người (xem Công vụ 3:13). Mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa được nhấn mạnh như thế, đồng thời cả nguồn phát xuất thần thiêng của những điều được thuật lại. Các tước hiệu Kitô học của Tin Mừng Luca cũng được tìm thấy trong sách Công vụ: Đấng Kitô (Công vụ 2:31; 3:18), Chúa (Công vụ 2:36; 11:20), Con Thiên Chúa (Công vụ 9:20; 13:33), Cứu Chúa (Cv 5: 31; 13:23). Nói chung, theo cách diễn đạt của Công vụ, chính Thiên Chúa là nguồn gốc của những tước hiệu này, trong đó, phẩm tính và sứ mệnh được Người gán cho Chúa Giêsu đã được phát biểu (Công vụ 2:36: 5:31; 13: 33).

Cũng cùng cách đó, các hành động lạ lùng nối kết các Tông đồ với Chúa Giêsu. Các phép lạ của Chúa Giêsu là dấu chỉ triều đại Thiên Chúa (x. Lc 4:18; 11:20, Công vụ 2:22; 10:38). Chính Người ủy thác sứ mệnh này cho nhóm mười hai (Lc 9:1). Sách Công vụ, cách chung, gán cho các tông đồ "nhiều điềm thiêng dấu lạ " (Công vụ 2:43; 5:12; 14:3). Ngài cũng kể lại các phép lạ đặc thù, chẳng hạn như các vụ chữa lành (xem Công vụ 3:1-10; 5:14-16; 14:8-10), trừ quỉ (xem Công vụ 5:16; 8:7; 19:12), phục sinh người chết (Công vụ 9:36-42; 20:9-10). Các tông đồ thực hiện những dấu lạ này nhân danh Chúa Giêsu, với sức mạnh và uy quyền của Người (Công vụ 3: 1-10; 9: 32-35).

Hoạt động của các Tông đồ hoàn toàn do Chúa Giêsu quyết định, phát xuất từ Người và dẫn đến Người và Thiên Chúa Cha. Công vụ nhấn mạnh đến tính liên tục của kế hoạch thần thiêng, được hoàn thành nơi Chúa Giêsu Kitô, và sau đó được theo đuổi trong Giáo hội. Thánh Luca đặc biệt thấy trong các phép lạ sự xác nhận thần thiêng đối với sứ mệnh tông đồ, một sứ mệnh được định vị trong việc kéo dài sứ mệnh của Môsê (x.Công vụ 7:35-36), sau đó là sứ mệnh của Chúa Giêsu (Công vụ 2:22).

c. Công trình của Chúa Thánh Thần

36. Mối liên hệ của các Tông đồ với Chúa Giêsu cũng được biểu lộ qua việc ban Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa và gửi đến cho họ, Chúa Thánh Thần, trong Người, họ thể hiện công trình của họ.

Chúa phục sinh loan báo cho họ "lời hứa của Chúa Cha" (Công vụ 1:4; Lc 24:49), phép rửa "trong Chúa Thánh Thần" (Công vụ 1:5), "sức mạnh" của Chúa Thánh Thần (Cc 1:8). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ và "tất cả đều được đầy dẫy Chúa Thánh Thần" (Công vụ 2:4), Thần khí được Chúa Cha hứa ban và được Chúa Giêsu phân phát, được nâng lên bên tay phải Thiên Chúa (x. Cc 2:33). Chính trong Chúa Thánh Thần này, Thánh Phêrô và nhóm Mười một (xem Công vụ 2:14) mạnh mẽ đưa ra chứng từ công khai đầu tiên về các công trình và sự phục sinh của Chúa Giêsu (Công vụ 2:14-41).

Trong bản tóm tắt liên quan đến đời sống của Giáo hội Giêrusalem, hoạt động tông đồ được tóm tắt bằng những lời sau đây: "Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại” (Cv 4,33; xem Cv 1:22, v.v.). Chứng từ này diễn ra dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần (xem Công vụ 4:8,31; v.v.). Thừa tác vụ của Thánh Phaolô, công bố sự phục sinh của Chúa Giêsu (Công vụ 13: 30,37), được mô tả theo cùng một cách: Thánh Phaolô được tràn đầy Chúa Thánh Thần (xem Công vụ 9:17; 13:2, 4, 9).

d. Sự hoàn tất của Cựu Ước

37. Tin Mừng Luca cho thấy Chúa phục sinh đã giải thích cho các môn đệ của mình như thế nào về Kinh thánh, khiến họ hiểu rằng trong cuộc khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Ngài, kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa do Môsê, các Tiên tri và Thánh vịnh (x. Lc 24:27,44) loan báo đã được thể hiện . Có 37 trích dẫn Cựu Ước trong sách Công vụ, phần lớn trong các diễn từ mà các Thánh Phêrô, Stêphanô và Phaolô ngỏ với khán giả Do Thái. Cuốn sách đề cập đến các văn bản được linh hứng, khi cho thấy sự hoàn tất của chúng nơi Chúa Giêsu, và nó gán cho lời lẽ của các nhà truyền giảng Kitô giáo cùng một giá trị của những lời được linh hứng.

Các sự kiện Kitô học cấu thành nội dung của lời truyền giảng, giống như các sự kiện cùng xẩy ra với chúng, được nối kết với Kinh thánh. Trong diễn từ khai mạc ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Phêrô giải thích việc đột xuất các hiện tượng lạ thường có liên quan đến sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần (xem Công vụ 2:4-13,15), dưới ánh sáng lời tiên tri Giôen 3:1-5). Ở cuối cuốn sách, người ta thấy Thánh Phaolô diễn giải ra sao việc người Do Thái Rôma bác bỏ các đề nghị của ngài bằng cách nại đến lời tiên tri Isaia 6:9-10 (xem Công vụ 28:23-27). Do đó, những gì xảy ra ở đầu và ở cuối cuốn sách đều được liên kết với Lời tiên tri của Thiên Chúa. Kiểu bao hàm này có thể gợi lên ý tưởng cho rằng mọi thứ xảy đến và được tường trình trong sách Công vụ đều tương ứng với kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Liên quan đến nội dung của lời truyền giảng tông đồ, ở đây chúng ta trình bầy một vài thí dụ. Thánh Phêrô bênh đỡ việc loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu (Công vụ 2:24) bằng cách trích dẫn Thánh vịnh 16: 8-11, vốn được gán cho Đavít (Công vụ 2:29-32). Ngài đặt cơ sở cho việc tôn vinh Chúa Giêsu bên tay phải Thiên Chúa (xem Công vụ 2:33) dựa vào Thánh vịnh 110:1, cũng được gán cho Đavít. Chúng ta cũng hãy trích dẫn, một cách tổng quát hơn, các tham chiếu mọi tiên tri, mà qua miệng các ngài, Thiên Chúa đã loan báo trước vận mệnh của Chúa Giêsu (xem Công vụ 3:18,24; 24:14; 26:22; 28:23). Thánh Phaolô trình bày sự phục sinh của Chúa Giêsu như là việc hoàn tất lời hứa đã ngỏ cùng các bậc Cha Ông và trích dẫn Thánh vịnh 2:7 (Công vụ 13:32-33).

Sách Công vụ làm chứng một cách đặc biệt cách mà Giáo hội sơ khai không những chỉ nhận Kinh thánh Do Thái như là di sản của riêng mình, mà còn nhận làm của riêng từ vựng và nền thần học linh hứng, như được tỏ lộ do cách các bản văn của Cựu Ước được trích dẫn ở đấy. Do đó, ở đầu (xem Công vụ 1:16), cũng như ở cuối cuốn sách (Công vụ 28:15), có sự khẳng định rằng Chúa Thánh Thần nói qua trung gian các tác giả và các bản văn Kinh thánh. Ở đầu cuốn sách, các Sách thánh- được tuyên bố là được Đức Giêsu hoàn tất – đã được định tính như một điều đã được Chúa Thánh Thần "nói trước" (Cc 1:16, xem thêm Công vụ 4:25) và ở cuối cuốn sách, những lời của Thánh Phaolô – tức những lời kết thúc hai tập của tác phẩm Luca – đã trích dẫn Is 6:9-10 cùng một cách tương tự: "Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ Isaia [Is 6:9-10 bản Hy Lạp] mà phán với cha ông anh em” (Công vụ 28:25). Cách qui chiếu về Chúa Thánh Thần, lên tiếng trong các trước tác Kinh thánh và sử dụng các tác giả phàm nhân làm trung gian, là đặc điểm của các trước tác Kitô giáo, không những trong sự hiểu biết của họ về Kinh thánh Do Thái được linh hứng, mà cả trong sự hiểu biết của họ về việc truyền giảng tông đồ nữa. Sách Công vụ trình bày lời truyền giảng của các nhà truyền giáo Kitô giáo - đặc biệt của Thánh Phêrô (xem Cv 4:8) và của Thánh Phaolô (Cv 13:9) – một cách tương tự như các diễn từ tiên tri của Cựu Ước, và các diễn từ nối kết với thừa tác vụ của Chúa Giêsu: đó là những ngôn từ (bằng lời nói và sau đó được viết ra) phát xuất từ sự viên mãn của Chúa Thánh Thần.

e. Kết luận

Tính chuyên biệt của sách Công vụ hệ ở chỗ tường trình hoạt động của các nhân chứng tận mắt và các thừa tác viên của Lời Chúa từng có mối liên hệ đủ loại khác nhau với Chúa Giêsu. Trước hết, họ là các nhân chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu, và chứng thực điều đó trên cơ sở các cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Họ trình bày câu chuyện về Chúa Giêsu như là sự hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, bằng cách tham chiếu Cựu Ước, và họ diễn giải hoạt động của chính họ dưới ánh sáng của cùng một nguồn này. Tất cả những gì được kể lại đều phát xuất từ Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Lập luận rõ ràng này từ sách Công vụ nêu bật sự kiện này: bản văn bản của ngài phát xuất từ Chúa Giêsu và từ Thiên Chúa.

Kỳ tới: Các lá thư của Thánh Phaolô