Tính đến ngày thứ Bẩy, 9 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến con số kinh hoàng là 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong toàn thế giới: 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, Tử vong đã lên đến 78,557 người, trong số 1,320,683 trường hợp nhiễm coronavirus. Tại New York, nơi được xem là tâm chấn của dịch bệnh hiện nay, đến nay đã có 26,585 người thiệt mạng, trong tổng số 340,442 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Chính vì thế, hai cuộc rước kiệu quan trọng hàng năm của người Công Giáo tại thành phố này đã bị hủy bỏ trong nỗi buồn của mọi người.

Cuộc rước kiệu thứ nhất diễn ra ngày 24 tháng Năm, lễ Đức Mẹ Xà Sơn của cộng đoàn Công Giáo người Hoa tại New York với các xe hoa trên đường phố Brooklyn để cầu nguyện xin Đức Mẹ sớm giải thoát đất nước khỏi ách cộng sản vô thần. Ngày 24 tháng Năm cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thiết định là ngày toàn thế giới cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Hoa Lục.

Cuộc rước kiệu thứ hai diễn ra vào tuần thứ hai của thánh Bẩy để kính Đức Mẹ Núi Cát Minh và Thánh Pauliniô. Theo lịch Phụng Vụ Công Giáo, lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh được cử hành vào ngày 16 tháng Bẩy, và lễ kính Thánh Pauliniô được cử hành vào ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, trong suốt 117 năm qua, cộng đoàn Công Giáo Ý tại New York mừng chung 2 ngày lễ này vào tuần thứ hai của thánh Bẩy, tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh tại Williamsburg, Brooklyn, gọi là lễ Giglio.

Trong 117 năm qua, hàng ngàn người đã mang theo truyền thống của Lễ Giglio trên vai, chứng kiến cha và ông của họ đi qua Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh với nhiệm vụ nâng lên cao tòa tháp bảy tầng, bốn tấn ở Williamsburg, Brooklyn.

Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Pauliniô mà ngài là bạn của các thánh Augutinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Pauliniô thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul, bên Pháp. Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Pauliniô được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

Sau khi cha mất sớm, Pauliniô được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Pauliniô không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Pauliniô đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Pauliniô kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Pauliniô (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị Giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

Vào thời bấy giờ, Pauliniô được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Pauliniô một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustinô, là động lực sau cùng thúc đẩy Pauliniô theo Kitô Giáo.

Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Pauliniô đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

Chính vì thế, trong cuộc rước kiệu thánh Pauliniô luôn có một con thuyền, tượng trưng cho con thuyền đưa thánh Pauliniô và những người nô lệ trở về sau khi ngài chuộc được họ.

Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Pauliniô coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Pauliniô đến trước mặt vị Giám mục và yêu cầu tấn phong Pauliniô làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Pauliniô là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Pauliniô về nhiệm vụ linh mục.

Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Pauliniô và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Pauliniô và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Pauliniô làm Giám mục. Quả thật ngài là vị Giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Pauliniô tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

Ðức Pauliniô là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.


Source:Net New York