1. Tình hình tổng quát của Giáo Hội và Thế Giới
Tính cho đến thứ Năm 21 tháng 5, tử vong toàn thế giới đã lên đến 329,724 người, trong số 5,089,615 trường hợp nhiễm coronavirus.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cảnh báo rằng trong một vài ngày qua số trường hợp nhiễm bệnh tại các nước nghèo đã gia tăng một cách phi mã. Do đó, con số tử vong sẽ tăng rất mạnh trong vài ngày tới vì các quốc gia nghèo thường không đủ khả năng chống trả coronavirus.
Nếu chỉ tính trên con số báo cáo chính thức của bọn cầm quyền Bắc Kinh, ít nhất đến nay 12 quốc gia trên thế giới đã có các trường hợp nhiễm bệnh vượt quá Trung Quốc. Theo thứ tự hiện nay là Hoa Kỳ, Nga, Brazil, Tây Ban Nha, Anh quốc, Ý, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ và Peru là các nước có số trường hợp nhiễm bệnh cao hơn con số do Trung Quốc báo cáo.
Tại Hoa Kỳ, số trường hợp tử vong đã lên đến 94,936 người trong tổng số 1,592,723 trường hợp nhiễm bệnh. Trong một diễn biến thật bi đát, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với quận Midland sau khi hai con đập, Edenville và Sanford, bị vỡ do mưa lớn trong vài ngày qua và người dân gần đó đã được yêu cầu sơ tán ngay lập tức vì dự kiến sẽ xảy ra lũ lụt rất lớn.
Hiện nay đã có 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ mở lại các sinh hoạt bình thường. Các nhà thờ đã được mở lại ở nhiều nơi. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ đầu tiên được mở lại tại giáo xứ Thánh Giuse ở Texas.
Trong một diễn biến đáng buồn, 5 trong số 7 linh mục và tu sĩ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ tại giáo xứ Holy Ghost ở Houston đã thử nghiệm dương tính với coronavirus, và giáo xứ đã phải đóng cửa trở lại sau khi đã mở cửa từ đầu tháng này.
Theo một tuyên bố từ Tổng giáo phận Houston-Galveston, 5 trong số 7 tu sĩ thuộc dòng Dòng Chúa Cứu Thế phục vụ tại giáo xứ Holy Ghost đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 vào cuối tuần qua. Hai trong số các nạn nhân là linh mục.
Giáo xứ đã ra thông cáo hủy bỏ tất cả các thánh lễ tại nhà thờ Holy Ghost cho đến khi có thông báo mới. “Chúng tôi xin quí bạn nhớ đến các nạn nhân đang bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này qua lời cầu nguyện của quí bạn”, thông cáo viết.
Các thành viên khác trong cộng đồng cuả nhà dòng, là những người không có triệu chứng bị dịch, cũng đã phải cách ly trong một khu cách xa với những người khác. Tất cả các tu sĩ tại đây đã được thử nghiệm và đang chờ kết quả.
Thánh lễ đã bị hủy bỏ sau khi Cha Donnell Kirchner, Dòng Chúa Cứu Thế, đã chết tại giáo xứ ngày 13 tháng 5. Các chuyên gia y tế nghi ngờ là đã bị lây nhiễm virus.
Nhà dòng cho biết một trong những thành viên thường xuyên cử hành Thánh lễ sau khi giáo xứ mở cửa trở lại vào ngày 2 tháng Năm đã thử nghiệm dương tính với coronavirus. Cho nên nhà dòng khuyến khích tất cả những người đã tham dự thánh lễ nên theo dõi sức khỏe của mình.
Tử vong tại Ý xem ra đã dừng lại ở mức 32,330 người, trong số 227,364 trường hợp nhiễm coronavirus. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh khử trùng bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô để chuẩn bị cho Lễ Thăng Thiên sẽ diễn ra vào Chúa Nhật. Tại Vatican và tại Ý, Lễ Thăng Thiên được cử hành vào ngày Chúa Nhật trong khi nhiều quốc gia Âu Châu Lễ Thăng Thiên được cử hành đúng vào ngày thứ Năm 40 ngày sau khi Chúa Phục sinh.
Theo truyền thống, người Ý ăn một số loại chim vào ngày này, để tôn vinh Chúa Kitô bay về trời. Leo lên một ngọn đồi để tưởng nhớ Chúa Giêsu và các Tông đồ leo lên Núi Ôliu trước khi lên trời, là phong tục rất thịnh hành tại Ý.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em một xem thấy đây là các cử hành Phụng Vụ và các buổi lễ đặt hoa được tổ chức tại Ba Lan nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
2. Bác sĩ khuyên Mẹ của Đức Gioan Phaolô II phá thai, bà chấp nhận liều mạng để sinh ra ngài
Một trăm năm trước vào ngày 18 tháng 5, bà Emilia Wojtyla đã hạ sinh đứa con trai thứ hai, Karol, sau một thai kỳ khó khăn và đe dọa đến tính mạng. Đứa trẻ sau này trở thành Thánh Gioan Phaolô II.
Trong một cuốn sách mới được xuất bản ở Ba Lan, tác giả Milena Kindziuk đã mô tả lại cuộc chiến đấu quyết liệt mà thâ mẫu Thánh Gioan Phaolô II phải trải qua sau khi các bác sĩ khuyên bà nên phá thai.
“Bà phải lựa chọn giữa sự sống của chính mình và của em bé bà đang mang trong bụng, nhưng đức tin sâu sắc của Emilia không cho phép bà lựa chọn phá thai, ” Kindziuk nói trong một cuộc phỏng vấn với ACI Stampa.
“Thẳm sâu trong trái tim của mình, bà đã sẵn sàng hy sinh cho em bé bà mang trên bụng, ” Kindziuk nói.
Trong cuốn sách mới có nhan đề “Emilia và Karol Wojtyla. Cha mẹ của Thánh Gioan Phaolô II, ” Kindziuk đã trích dẫn lời khai của một nữ hộ sinh, là bà Tatarowa, và các báo cáo của hai người bạn của bà Emilia, là Helena Szczepańska và Maria Kaczorowa, cũng như những cư dân khác trong vùng Wadowice. Kindziuk cho biết vị bác sĩ đầu tiên mà bà Emilia đến khám thai, là bác sĩ Jan Moskała, khăng khăng bảo bà phải phá thai nếu muốn bảo tồn tính mạng.
Chính vì điều này Emilia Wojtyla bị trầm cảm.
Tác giả Kindziuk cho biết hai ông bà Karol và Emilia Wojtyla đã “đưa ra quyết định táo bạo là, bất kể tất cả mọi thứ, em bé của họ phải được sinh ra. Và thế là họ bắt đầu tìm kiếm một bác sĩ khác. ”
Cuối cùng, họ đã chọn Bác sĩ Samuel Taub, một bác sĩ người Do Thái đến từ Krakow. Ông đã chuyển đến Wadowice sau Thế chiến thứ nhất.
“Bạn bè Emilia đã giữ kỷ niệm của chuyến thăm đó. Bác sĩ xác nhận rằng có nguy cơ biến chứng khi sinh con, bao gồm cả cái chết của Emilia. Tuy nhiên, ông không đề nghị phá thai, ” Kindziuk nói.
“Emilia đã có một thai kỳ khó khăn: cô dành phần lớn thời gian của mình nằm nghỉ nhưng vẫn thấy yếu sức hơn bình thường. Bác sĩ Taub khuyến cáo Emilia nên nằm dưỡng sức, nghỉ ngơi thường xuyên và ăn uống các thực phẩm dinh dưỡng cao. ”
Vào ngày 18 tháng Năm năm 1920, “Emilia hạ sinh cháu bé trong căn nhà của mình ở đường Kościelna, ngay trong phòng khách với sự hiện diện của một nữ hộ sinh”
Cùng lúc đó, ông bố Karol và đứa con trai 13 tuổi của họ, Edmund đã đi ra ngoài khoảng 5 giờ chiều để tham gia buổi cầu nguyện trong nhà thờ giáo xứ bên kia đường nơi họ hát Kinh Cầu Đức Mẹ Loreto, để xin Đức Mẹ phù hộ cho hai mẹ con trong lúc khó khăn này.
“Khi cháu bé chào đời, bà Emilia đã xin người nữ hộ sinh mở cửa sổ: bà muốn âm thanh đầu tiên con trai của bà có thể nghe thấy là một bài hát tôn vinh Đức Maria. Nói cách khác, Emilia Wojtyla đã sinh hạ con trai trong an bình, và muốn con nghe Kinh Cầu Đức Bà Loreto”.
Thánh Gioan Phaolô II cũng nói với thư ký riêng của ngài, bây giờ là Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz rằng ngài được chào đời để để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa.
Sau này, trong một diễn biến thật hi hữu, Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng vào cùng thời điểm ngài được sinh ra.
Án tuyên thánh cho cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II đã chính thức được khai mở tại Ba Lan vào đầu tháng Năm. Ông Karol, là một trung úy quân đội Ba Lan, và bà Emilia, là một giáo viên trường học, đã kết hôn ở Krakow ngày 10 tháng 2 năm 1906. Cặp vợ chồng Công Giáo đã sinh ba đứa con: Edmund năm 1906; Olga, người đã chết ngay sau khi sinh; và Karol năm 1920.
Trước khi qua đời vì một cơn đau tim và suy gan vào năm 1929, Emilia là một nhân tố chính của gia đình. Vào thời điểm bà qua đời, chàng trai trẻ Karol Wojtyla còn một tháng nữa là đến sinh nhật thứ chín của mình.
Source:National Catholic Register
3. Cựu Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên Adolfo Nicolás đã qua đời ở Tokyo
Cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên thứ 30, đã qua đời tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 20 tháng Năm, ở tuổi 84.
“Với nỗi buồn, nhưng đồng thời với đầy lòng biết ơn, tôi muốn thông báo cho các bạn rằng hôm nay Chúa đã gọi về với Ngài Cha Adolfo Nicolás, cựu Bề Trên Tổng Quyền của chúng ta, ” Cha Arturo Sosa, SJ Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên cho biết như trên.
Cha Nicolás phục vụ Dòng Tên trong nhiều chức vụ khác nhau. Ngài là một học giả giảng dạy thần học ở Nhật Bản và cũng là giám đốc của Viện Mục vụ Đông Á tại Ateneo de Manila ở Phi Luật Tân.
Vị bề trên vừa quá vãng được Cha Sosa, người kế nhiệm mình, nhớ đến như “một người có tinh thần phục vụ trong vui tươi với người khác, mỉm cười giữa một công việc được thực hiện dưới áp lực. ”
“Là Bề Trên Tổng quyền, ngài đã mang ơn gọi truyền giáo sâu sắc của mình đến cho nhà Dòng giúp chúng ta nhận ra tính phổ quát của sứ vụ truyền giáo từ quan điểm và lòng nhiệt thành trình bày Tin Mừng đến mọi chân trời góc bể trên thế giới. ”
Theo Cha Sosa, Cha Nicolás “không bao giờ mệt mỏi nhắc nhở chúng ta về chiều sâu của đời sống tinh thần và chiều sâu trí tuệ như đặc tính của ơn gọi Dòng Tên. Ngài dồn nỗ lực cho các ưu tiên tông đồ hoàn vũ và phát huy việc tái cơ cấu Dòng Tên để thích nghi với thực tế mới của thế giới và cấu trúc tông đồ của chúng ta. ”
Source:America Magazine