Theo bản tin tiếng Pháp của Zenit Ngày 17 tháng 4 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng: "Nhờ nhìn nhận tầm quan trọng của linh đạo trong đời sống các dân tộc, chúng ta tái sinh ra nền chính trị". Đối với ngài, "chính trị bắt nguồn từ người dân".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới những người tham dự Hội nghị Quốc tế về chủ đề: “Một nền chính trị bắt nguồn từ nhân dân”, được tổ chức vào Thứ Năm ngày 15 tháng 4 năm 2021 bởi Trung tâm Thần học và Cộng đồng (Center for Theology & Community).



Đức Giáo Hoàng nói rằng “Nhờ nhìn nhận tầm quan trọng của linh đạo trong đời sống các dân tộc, chúng ta tái sinh ra nền chính trị”. Đó là lý do tại sao điều thiết yếu là các cộng đồng đức tin gặp gỡ, kết tình anh em, làm việc với nhau "cho và với nhân dân". Ngài thường lặp lại câu làm việc" với nhân dân", một liều thuốc giải độc cho "chủ nghĩa cha chú [paternalisme] chính trị".

Ngài cũng trình bầy liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa dân túy: “Nói một cách chính xác, câu trả lời thực sự cho việc xuất hiện của chủ nghĩa dân túy không phải là chủ nghĩa cá nhân mà là điều ngược lại: một nền chính trị huynh đệ, bắt nguồn từ đời sống của nhân dân".

Đức Giáo Hoàng khuyến nghị các giáo phận cộng tác với các phong trào bình dân: như trong cuốn sách “Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước”, ngài bày tỏ ước muốn “tất cả các giáo phận trên thế giới đều có sự cộng tác bền vững với các phong trào bình dân”.

Thuật ngữ “bắt nguồn” được nhắc đến nhiều lần trong thông điệp của Đức Thánh Cha: “Chúng ta phải xây dựng tương lai từ bên dưới, khởi đi từ nền chính trị với nhân dân, bắt nguồn từ nhân dân".

Đó là điều được ngài gọi là "chính trị viết hoa", được ngài định nghĩa như "việc phục vụ" và phục vụ nhân dân nhưng "với" nhân dân: "Chính trị như một dịch vụ, mở ra nhiều con đường mới cho nhân dân tổ chức và tự phát biểu mình. Đó là nền chính trị không những cho nhân dân mà còn với nhân dân, bắt nguồn từ cộng đồng và các giá trị của họ".

Ngược lại, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng "việc khinh thường văn hóa bình dân là khởi đầu của sự lạm quyền" và một nền chính trị "coi thường người nghèo" không bao giờ có thể "cổ vũ ích chung".

Bản dịch sau đây dựa vào bản dịch tạm thời của Hãng in Zenit:

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui được gửi lời chào đến anh chị em lúc bắt đầu hội nghị do Trung tâm Thần học và Cộng đồng, ở Luân Đôn, tổ chức, xoay quanh các chủ đề được đề cập trong cuốn sách Soñemos Juntos [Chúng ta hãy mơ ước – Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước], đặc biệt là về các phong trào bình dân và các tổ chức hỗ trợ họ.

Tôi đặc biệt chào mừng Chiến dịch Công Giáo vì sự phát triển con người, đang kỷ niệm 50 năm thành lập bằng cách giúp các cộng đồng nghèo nhất ở Hoa Kỳ sống có phẩm giá hơn, bằng cách khuyến khích họ tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến họ.

Các tổ chức khác có mặt ở đây, từ Vương quốc Thống nhất, từ Đức và nhiều quốc gia khác, cũng đang hoạt động trong chiều kích trên, với sứ mệnh đồng hành cùng người dân trong cuộc đấu tranh giành một mảnh đất, một mái nhà và một công việc, ba chữ T nổi tiếng [trong tiếng Pháp], và ở lại bên cạnh họ khi họ bị tổn thương bởi các thái độ chống đối và khinh thường. Sự nghèo đói và bị loại trừ khỏi thị trường lao động do đại dịch mà chúng ta đang sống đã khiến việc làm và chứng từ của anh chị em trở nên cấp thiết và cần thiết hơn nhiều.

Nói cho chính xác, một trong những mục tiêu của cuộc hội nghị của anh chị em là chứng tỏ rằng câu trả lời thực sự cho việc xuất hiện của chủ nghĩa dân túy không phải là chủ nghĩa cá nhân mà là điều ngược lại: một nền chính trị huynh đệ, bắt nguồn từ đời sống của nhân dân.

Trong cuốn sách gần đây của ông, Mục sư Angus Ritchie mô tả nền chính trị này mà anh chị em gọi là "chủ nghĩa dân túy bao hàm" [populisme inclusif]; tôi thì tôi thích sử dụng chữ "chủ nghĩa bình dân" [popularisme] để diễn đạt cùng một ý tưởng [1]. Nhưng điều quan trọng không phải là cái tên mà là cái nhìn, một điều cũng giống y nguyên: Nó có ý nói đến việc tìm ra những cơ chế để bảo đảm cho mọi người một cuộc sống xứng đáng được coi là nhân bản, một cuộc sống có khả năng vun xới nhân đức và dệt nên các mối liên kết mới [2 ].

Trong Hãy cùng nhau mơ ước (Dreaming Together), tôi gọi nền chính trị này là "chính trị viết hoa", nền chính trị như một dịch vụ, mở ra những con đường mới cho mọi người tổ chức và tự phát biểu mình. Đó là một nền chính trị không những cho người dân mà còn với người dân, bắt nguồn từ các cộng đồng và giá trị của họ. Ngược lại, các chủ nghĩa dân túy theo và lấy cảm hứng, một cách có ý thức hay không, từ một phương châm khác: "Tất cả cho dân, không gì với dân cả", của chủ nghĩa cha chú chính trị. Do đó, người dân, theo quan điểm dân túy, không chủ đạo chính số phận của họ, nhưng kết cục trở thành con nợ của một ý thức hệ.

Khi nhân dân bị vứt bỏ, họ không những bị tước đoạt về phúc lợi vật chất mà còn bị tước đoạt phẩm giá hành động, trở thành người chủ đạo của lịch sử mình, của số phận mình, tự phát biểu mình qua các giá trị và nền văn hóa của mình, của tính sáng tạo và sự phong phú của nó. Vì lý do này, đối với Giáo hội, không thể tách biệt việc cổ vũ công bằng xã hội ra khỏi việc thừa nhận các giá trị và văn hóa của nhân dân, bao gồm các giá trị tâm linh, vốn là cội nguồn của cảm thức phẩm giá của họ. Trong các cộng đồng Kitô hữu, các giá trị trên phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng không mệt mỏi tìm kiếm những người nản lòng hoặc lạc lối, những người đi tới các giới hạn của hiện sinh, để trở thành khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa, để trở thành "Thiên Chúa ở với chúng ta".

Nhiều anh chị em họp nhau ở đây từng làm việc từ nhiều năm nay để thực hiện điều trên ở các khu ngoại vi, đồng hành cùng các phong trào bình dân. Đôi khi việc này có thể không thoải mái. Một số người buộc tội anh chị em là quá chính trị, những người khác muốn áp đặt tôn giáo lên anh chị em. Nhưng anh chị em tri nhận rằng tôn trọng nhân dân là tôn trọng các định chế của họ, bao gồm các định chế tôn giáo; và vai trò của các định chế này không phải là áp đặt bất cứ điều gì mà là cùng đi với nhân dân, trong khi nhắc nhở họ về khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng luôn ở phía trước chúng ta.

Đây là lý do tại sao người mục tử đích thực của một dân tộc, một mục tử tôn giáo, là người dám đi ở phía trước, ở phía giữa và ở phía sau lưng dân chúng. Phía trước, để chỉ đường, phía giữa để cảm nhận với dân chứ không tự đanh lừa, phía sau, để giúp đỡ người chậm chạp và để người dân, bằng khiếu tinh tế của họ, cũng tìm được các lối đi.

Đó là lý do tại sao trong Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước, tôi nói đến một điều mong ước: tất cả các giáo phận trên thế giới có sự hợp tác bền vững với các phong trào bình dân [3].

Ra ngoài để gặp gỡ Chúa Kitô bị thương và phục sinh trong những cộng đồng nghèo nhất sẽ giúp chúng ta lấy lại sức mạnh truyền giáo của mình, vì đó cũng là cách Giáo hội được khai sinh, ở ngoại vi của Thập giá. Nếu Giáo hội làm ngơ người nghèo, Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội của Chúa Giêsu nữa và sẽ làm sống lại những cám dỗ cũ để trở thành một tầng lớp ưu tú về trí tuệ hoặc đạo đức, một hình thức mới của chủ nghĩa Pelagiô hay cuộc sống của phái Essene.

Cũng vậy, một nền chính trị làm ngơ người nghèo không bao giờ có thể cổ vũ ích chung. Một nền chính trị làm ngơ các vùng ngoại vi sẽ không bao giờ có thể hiểu được trung tâm và sẽ lầm tưởng tương lai với sự phóng chiếu qua một tấm gương.

Một cách để làm ngơ người nghèo là hạ giá nền văn hóa, các giá trị tinh thần, các giá trị tôn giáo của họ, hoặc bằng cách bác bỏ chúng hoặc bằng cách lợi dụng chúng cho các mục tiêu quyền lực. Khinh thường nền văn hóa bình dân là khởi đầu của việc lạm quyền.

Nhờ nhìn nhận tầm quan trọng của linh đạo trong đời sống các dân tộc, chúng ta tái sinh ra nền chính trị. Đó là lý do tại sao điều thiết yếu là các cộng đồng đức tin gặp gỡ, kết tình anh em, làm việc với nhau "cho và với nhân dân". Với người anh em tôi, Đại Giáo Trưởng Ahmed Al-Tayyeb, chúng tôi “giả định” nền văn hóa đối thoại như một con đường; sự hợp tác hỗ tương như một cách ứng xử; và hiểu biết lẫn nhau như một phương pháp và tiêu chuẩn [5]. Luôn phục vụ người nghèo.

Anh chị em thân mến, bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta phải xây dựng một tương lai từ bên dưới, khởi đi từ một nền chính trị với nhân dân, bắt nguồn từ nhân dân. Và cầu mong hội nghị của anh chị em giúp anh chị em soi sáng đường đi. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Ghi Chú

[1] Xem Populisme inclusif: créer des citoyens à l’ère du monde [Chủ nghĩa dân túy bao gồm: Tạo ra các công dân trong thời đại của thế giới] (Univ. Notre Dame Press, 2019).
[2] Xem Soñemos juntos: El camino a un futuro mejor [Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước: con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đối thoại với Austen Ivereigh] (Simon & Schuster, 2020), tr. 116.
[3] Sđd, tr. 126.
[4] Sđd, tr. 124.
[5] Xem Document sur la fraternité humaine pour la paix mondiale et la coexistence commune [văn kiện tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống], Abu Dhabi (ngày 4 tháng 2 năm 2019), được trích dẫn trong Thông điệp Fratelli tutti, số 285.