Với đối thoại, bất cứ điều gì cũng có thể



Câu truyện từ Vatican tuần này là của Jean Charles Putzolu nói về Georges Salines và Azdyne Amimour, hai người cha gia đình có những đứa con vào ngày 13 tháng 11 năm 2015, lúc khủng bố tấn công rạp hát Bataclan ở Paris, sống trong những hoàn cảnh kinh hoàng...

Georges Salines là một bác sĩ. Azdyne Amimour là một chủ cửa hàng. Cả hai đều có cuộc sống đầy biến cố. Georges đã hành nghề ở một số quốc gia trước khi định cư ở Paris cùng gia đình. Azdyne là một nhà thám hiểm suốt đời. Ông định cư gần Paris sau khi đi du lịch khắp thế giới. Georges không phải là một tín hữu. Ông tự gọi mình là một người vô thần "có gốc rễ Kitô giáo". Azdyne theo đạo Hồi: thực hành nửa vời, nhưng gắn bó sâu sắc với các giá trị của Hồi giáo.

Theo tiền đề trên, hai người đàn ông này có thể không bao giờ gặp nhau. Tuy nhiên, các biến cố của ngày 13 tháng 11 năm 2015 đã quyết định cách khác.

Con gái của Georges, Lola, đã có mặt tại Bataclan vào tối hôm đó để tham dự buổi hòa nhạc tại phòng hòa nhạc nổi tiếng ở Paris, của ban nhạc rock Mỹ "Eagles of Death Metal". Lola năm nay 28 tuổi và làm việc trong lĩnh vực xuất bản dành cho trẻ em. Cô thậm chí còn thành lập công ty riêng của mình. Cô vui vẻ, dành phần lớn thời gian cho công việc nhưng cũng có thể đi du lịch bất cứ khi nào có thể. Du lịch là một phần trong DNA của gia đình cô. Du lịch thỏa mãn cơn khát trí thức, tạm giải thoát và thiên nhiên của cô. Lola chết đêm đó. Bị trúng hai phát đạn, cô gục ngã và không bao giờ tỉnh dậy.

Lối vào Rạp Bataclan


Azdyne vốn mất dấu con trai mình. Trong mấy năm gần đây, mối liên hệ của họ trở nên căng thẳng và vào tối ngày 13 tháng 11 năm 2015, ông không biết Samy đang ở đâu. Azdyne và vợ Mouna sau đó được thông báo rằng Samy là một trong ba kẻ tấn công rạp Bataclan.

Vào tối ngày 13 tháng 11 năm 2015, Paris đã trải qua 33 phút hỏa ngục. Bảy kẻ khủng bố tự xưng là thành viên của Nhà nước Hồi giáo, đã tiến hành các cuộc tấn công vào ba địa điểm khác nhau ở thủ đô. Một kẻ đánh bom tự sát đã phát nổ lúc 21giờ 20 phút trước sân Stade de France. Vụ nổ có thể nghe thấy ở sân banh nơi Pháp đang đấu với Đức. Một số cầu thủ ngạc nhiên bởi tiếng ồn ào, thậm chí còn nhìn lên một lúc trước khi trận đấu tiếp tục. Tổng thống Pháp, François Hollande, rời sân vận động ngay sau vụ nổ. Ông đã được thông báo về các biến cố và được tháp tùng tới đơn vị xử lý khủng hoảng.

Ngay sau đó, lúc 9 giờ 25 tối, ba tên khủng bố khác đã xả súng Kalashnikov của chúng ở một quận khác của Paris, bắn bừa bãi vào những người đang ngồi trong quán cà phê ngoài trời trên đường Rue de la Fontaine-au-Roy. Chúng đến Rue de Charonne lúc 9.36 tối và cuộc tàn sát tiếp tục. Người qua đường đã bị mắc kẹt.

Ngay sau đó, nhóm tấn công thứ ba đã ra tay tại Bataclan, nơi có 1,500 người đang xem buổi hòa nhạc. Ba người đàn ông có vũ trang bước vào khán đài và bắt đầu nổ súng. Cảnh tượng đẫm máu và đau khổ không thể nào tả nổi.

130 người chết và 350 người bị thương trong ba vụ tấn công cùng một lúc này. Họ đã làm đảo lộn cả một đất nước và thay đổi cuộc đời của Georges và Azdyne. Con trai của ông, Samy, đã bị giết cùng với sáu tên khủng bố khác, bởi cảnh sát vào đêm hôm đó.

Samy đã "được huấn luyện" ở Syria. Anh ta đã tham gia Daesh. Azdyne, người cực lực lên án chủ nghĩa cực đoan, đã thực hiện chuyến đi để cố gắng đưa anh ta trở lại lý trí. Nhưng không có kết quả. Hôm nay ông vẫn cảm thấy có lỗi. Ông tự hỏi, "Tôi đã làm gì để dẫn con trai tôi đi lạc?" Đó là một câu hỏi ám ảnh ông, cùng với nhiều người khác. Ông tham gia các nhóm thảo luận của các gia đình thánh chiến, những người giống như ông, có con ở Syria và không hề hiểu nổi. Nếu một mặt việc tham gia này giúp ích cho ông, thì mặt khác ông thiếu một thứ gì đó để xử lý nỗi đau của mình. Vì Azdyne cũng phải vượt qua nỗi đau của ông.

Khung cảnh xúc động trước rạp Bataclan, ít ngày sau vụ khủng bố


Sau các cuộc tấn công, Georges đã thành lập một hiệp hội các gia đình nạn nhân và những người sống sót. Trong một thời gian, ông đã đảm nhận vị trí chủ tịch của "13onze15, Fraternity and Truth ", tên của hiệp hội. Ông được các nhà báo biết đến và tên ông được loan truyền trong các cuộc phỏng vấn hoặc các vị trí khác nhau có thể được tìm thấy, nhìn thấy và nghe thấy trên các phương tiện truyền thông. Georges cũng đang để tang, hiệp hội và cuốn sách mà ông viết ngay sau các cuộc tấn công "The Unspeakable A to Z", được dùng như một liệu pháp giúp ông vượt qua những điều không thể. Ông không nương náu trong lời cầu nguyện vì ông không phải là một tín hữu. Ông không cảm thấy hận thù, tức giận hay trả thù. Ông nói rằng ông không thể hiểu được “điều vô lý”.

Azdyne cần phải tiến xa hơn nữa để vượt qua những điều không thể "của ông". Các nhóm tập chú mà ông tham gia không cung cấp cho ông trọn vẹn điều ông đang tìm kiếm, ông không thể đi đến tận cùng của nó, và ông cần được xem những gì đang xảy ra ở phía bên kia.

Phía bên kia là các gia đình nạn nhân. Qua trung gian của một bên thứ ba, Azdyne yêu cầu được gặp Georges. Đó là vào đầu năm 2017, chỉ hơn một năm sau các cuộc tấn công.

Georges nhận được một cú điện thoại trình bày lời yêu cầu của Azdyne. Ông ngạc nhiên, kinh ngạc, có chút bất ổn vì điều đó. Ông đã dành thời gian để suy nghĩ về điều đó và tự hỏi một số câu hỏi: Tại sao cha đẻ của một tên khủng bố Bataclan lại muốn gặp tôi? Liệu ông có sẵn lòng gặp cha của cậu bé là kẻ đã giết con gái mình không?

Ông đã không bác bỏ cuộc gặp mặt. Dù sao, người đàn ông xin gặp ông này cũng là một nạn nhân, một người cha mất con. Ông kết luận rằng Samy, con trai của kẻ khủng bố, cũng là một nạn nhân; một nạn nhân của những ý tưởng điên rồ mà anh ta và những người cực đoan khác tuyên truyền, bị những kẻ thao túng nhồi sọ. Tất nhiên, Georges được cho biết rằng Azdyne không chia sẻ bất cứ tư tưởng cực đoan nào của những kẻ thao túng tôn giáo của mình. Vì vậy, ông đã chấp nhận gặp mặt và cùng một người bạn, người cũng là thành viên của hiệp hội nạn nhân, ông đến một quán cà phê ở quận Bastille, trung tâm thủ đô Paris.

Tấm bảng ghi tên các nạn nhân. Ở hàng gần cuối về phía bên trái là tên Lola, con gái của Georges


Azdyne tới. Georges đứng dậy, có vẻ căng thẳng. Azdyne cũng vậy. Cách nào đó, ông ta nghĩ Georges can đảm hơn ông trong việc chấp nhận cuộc gặp gỡ. Azdyne nói: “Tôi đã mất tất cả rồi, tôi ở bên sai lầm của câu truyện. Qua việc đồng ý gặp tôi, Georges có nhiều điều để mất. Ông là người được các phương tiện truyền thông biết tới, là chủ tịch của hiệp hội nạn nhân xuất hiện trên đài phát thanh và truyền hình, vậy mọi người sẽ nghĩ gì về ông ta khi họ biết ông ta gặp cha của một tên khủng bố?" Georges đã tự hỏi mình cùng một câu hỏi. Tất nhiên, ông đã nói về cuộc gặp gỡ này với các thành viên của hiệp hội trước khi nhận lời. Ý tưởng này được khá nhiều người đón nhận, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Georges thường được yêu cầu giải thích cách tiếp cận của mình. Đôi khi ông bỏ cuộc giải thích cho những người không muốn hiểu. Georges không nhấn mạnh quá nhiều trong những hoàn cảnh này, ông cảm thấy những vết thương vẫn chưa lành và đau đớn và mọi người cần phải đi theo con đường của riêng mình hướng tới việc xây dựng lại cuộc sống của họ. Con đường của Georges, giống như con đường của Azdyne, đi qua quán cà phê Bastille này.

Azdyne và Georges đã bắt tay sáng nay trong tháng 2 năm 2017. Họ ngồi xuống và giới thiệu về bản thân. Ban đầu, cuộc trò chuyện diễn ra khá khó khăn, sau đó nhanh chóng chuyển sang giọng điệu thoải mái hơn. George nói: “Azdyne là một người gây cảm xúc, có sức quyến rũ".

Họ nói về cuộc sống của họ, gia đình của họ, và tất nhiên họ nói về Lola và Samy, dù đau đớn đối với cả hai người. Azdyne nói, "Đó là liệu pháp của tôi. Tôi đã không gặp một nhà tâm lý học nào kể từ sau vụ khủng bố. Ông ấy đã được gợi ý cho tôi, nhưng tôi muốn vượt qua bi kịch của mình một mình." Cuộc gặp gỡ với Georges cho phép ông đóng lại một vòng tròn.

Một trong nhiều cuộc gặp gỡ tại quán càphê ở Paris


Hai người đã gặp nhau vài lần. Họ trở nên thân thiện. Mỗi lần đều ở quán cà phê hoặc nhà hàng, không bao giờ ở nhà. Họ thích duy trì một khoảng cách nào đó.

Càng gặp nhau, họ càng bắt đầu nghĩ rằng con đường không chung nhau của họ có thể trở thành một thông điệp. Càng chia sẻ thì giờ với nhau, họ càng trò chuyện với nhau nhiều hơn, họ càng nhận ra sức mạnh to lớn ở đằng sau cuộc đối thoại này, cuộc đối thoại của họ. Nó đã giúp họ vượt qua cảm giác hận thù, khát khao trả thù có thể có, những hiểu lầm và mọi điều cuối cùng dẫn đến sự chia rẽ xã hội. Cùng nhau, họ quyết định gửi một thông điệp hoàn toàn ngược lại với thông điệp của những kẻ khủng bố.

Với đối thoại, bất cứ điều gì cũng có thể.

Để tạo điều kiện cho thông điệp này vượt quá phạm vi cuộc gặp gỡ nhiều lần của họ, Georges và Azdyne quyết định viết một cuốn sách, kể lại câu chuyện của họ, cuộc trò chuyện của họ, những điểm chung của họ, cũng như sự khác biệt của họ. Tất nhiên, có những khác biệt, nhưng chúng không còn là nguồn phân chia nữa. Những khác biệt này vẫn chưa được khắc phục, và có lẽ sẽ không bao giờ được khắc phục, nhưng chúng đã được hiểu và chấp nhận.

Đây là tựa đề mà họ chọn cho cuốn sách của mình: “Chúng Ta Vẫn Còn Có Các Lời Nói – một bài học về lòng bao dung và tính linh động”.

Hình bìa cuốn sách viết bởi Azdyne Amimour và Georges Salines


(Cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, "Il nous reste les mots", Chủ biên Robert Laffont)