Theo tin Tòa Thánh, ngày 4 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới dự buổi lễ bế mạc "Diễn Đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây cho sự Chung sống của con người", tại Quảng trường Al-Fida thuộc Cung điện Hòang gia Sakhir ở thủ đô Manama. Tại đây ngài đã đọc diễn văn trước Diễn Đàn:



Thưa Quốc vương, thưa các hoàng thân

Thưa hiền đệ, Tiến sĩ Al-Tayyeb, Đại Imam của Al-Azhar,

Thưa hiền đệ, Bartholomew, Thượng phụ Đại kết,

Thưa các nhà chức trách tôn giáo và dân sự đáng kính,

Thưa quý bà và qúy ông,


Tôi xin hết sức thân ái chào tất cả qúy vị và tôi biết ơn về sự nghinh đón của qúy vị đối với việc tôi đến với Diễn đàn đối thoại này được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đức vua, Quốc vương Bahrain. Quốc gia này lấy tên theo vùng biển của mình: tên Bahrain có nghĩa là "hai biển khơi". Nó khiến chúng ta liên tưởng đến vùng nước biển, đưa các vùng đất và quốc gia tiếp xúc và nối kết các dân tộc xa xôi với nhau. Theo cách nói của một câu tục ngữ cổ, “Điều đất phân chia, biển khơi nối liền”. Trái đất, nhìn từ trên cao, xuất hiện như một vùng biển xanh bao la nối liền các bờ biển khác nhau. Từ trên trời, nó dường như nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thực sự là một gia đình: không phải là các hòn đảo, mà là một quần đảo lớn. Đây là cách Đấng Tối Cao muốn chúng ta trở thành, và đất nước này, là một quần đảo gồm hơn ba mươi hòn đảo, có thể tượng trưng cho mong muốn đó.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở thời điểm khi nhân loại, vốn được kết nối như chưa từng có trước đây, nay xuất hiện chia rẽ nhiều hơn đoàn kết. Ở đây, cái tên “Bahrain” có thể giúp chúng ta suy nghĩ: “hai biển khơi” mà nó nói đến chỉ vùng nước ngọt của các suối nước ngầm và vùng nước mằn mặn của Vịnh. Ngày nay, một cách hơi tương tự, chúng ta thấy mình đang nhìn ra hai vùng biển với những vùng nước rất khác nhau: biển nước ngọt êm đềm của một cuộc sống thanh bình bên nhau, và biển mằn đắng của sự thờ ơ, hoen ố bởi những cuộc đụng độ và cuốn trôi bởi những cơn gió chiến tranh, những ngọn sóng cồn ngày càng trở nên hỗn loạn hơn của nó, đe dọa áp đảo tất cả chúng ta. Thảm hại thay, Đông và Tây ngày càng giống như hai vùng biển đối nghịch nhau. Mặt khác, chúng ta ở đây với nhau vì tất cả chúng ta đều có ý định ra khơi trên cùng một vùng biển, chọn con đường gặp gỡ hơn là đối đầu, con đường đối thoại được tiêu đề của Diễn đàn này chỉ ra: “Đông và Tây cho Sự chung sống của con người”.

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng thập niên khiến thế giới ngừng thở, những cuộc xung đột thảm khốc diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, và giữa những lời buộc tội, đe dọa và lên án, chúng ta tiếp tục thấy mình trên bờ một vực thẳm mong manh và chúng ta không muốn rơi xuống. Có một nghịch lý nổi bật là, trong khi phần lớn dân số thế giới đoàn kết để đương đầu với cùng những khó khăn, chịu đựng cuộc khủng hoảng trầm trọng về thực phẩm, sinh thái và đại dịch, cũng như sự bất công ngày càng tai tiếng khắp hoàn cầu, thì một số người có tiềm lực lại để mình bị cuốn vào một cuộc tranh đấu kiên quyết vì lợi ích đảng phái, phục hồi các luận điệu lỗi thời, thiết kế lại các khu vực ảnh hưởng và các khối đối lập. Chúng ta dường như đang chứng kiến một kịch bản đầy kịch tính và trẻ thơ: trong khu vườn của nhân loại, thay vì vun xới cho môi trường xung quanh, chúng ta lại chơi với lửa, tên lửa và bom đạn, những vũ khí mang đến đau thương và chết chóc, bao phủ ngôi nhà chung của chúng ta bằng tro tàn và hận thù.

Đó sẽ là hậu quả cay đắng nếu chúng ta tiếp tục nhấn mạnh xung đột thay vì hiểu nhau, nếu chúng ta cố chấp áp đặt mô hình và tầm nhìn chuyên quyền, đế quốc, dân tộc chủ nghĩa và dân túy của chính mình, nếu chúng ta không quan tâm đến văn hóa của người khác, nếu chúng ta bịt tai lại trước lời van xin của những người bình thường và tiếng nói của người nghèo, nếu chúng ta tiếp tục đơn giản hóa việc phân chia mọi người thành tốt và xấu, nếu chúng ta không nỗ lực để hiểu nhau và hợp tác vì lợi ích của tất cả mọi người. Đây là những lựa chọn trước mắt chúng ta vì, trong một thế giới hoàn cầu hóa, chúng ta chỉ tiến lên bằng cách cùng nhau chèo thuyền; nếu chúng ta chèo thuyền một mình, chúng ta sẽ trôi dạt.

Trên biển khơi xung đột bão táp, chúng ta hãy để mắt tới Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và Chung sống Với nhau, một văn kiện kêu gọi một cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa phương Tây và phương Đông, để giúp chữa lành các căn bệnh liên hệ của họ [1]. Chúng ta ở đây, với tư cách là những người đàn ông và đàn bà tin vào Thiên Chúa và vào anh chị em của mình, để từ khước lối “tư duy cô lập”, cách tiếp cận thực tại làm ngơ biển lớn nhân loại bằng cách chỉ tập trung vào dòng chảy hạn hẹp của chính mình. Chúng ta muốn các khác biệt giữa Đông và Tây được giải quyết vì lợi ích của tất cả mọi người, mà không làm phân tán sự chú ý về một sự khác biệt khác đang gia tăng không ngừng và một cách đáng kể: hố phân cách giữa Bắc và Nam của thế giới. Sự xuất hiện của các cuộc xung đột không nên làm cho chúng ta mất tầm nhìn đối với các bi kịch ít hiển nhiên hơn trong gia đình nhân loại chúng ta, chẳng hạn như sự bất bình đẳng đầy thảm khốc, theo đó phần lớn người dân trên hành tinh của chúng ta phải trải qua sự bất công chưa từng có, nạn đói đáng xấu hổ và thảm họa của biến đổi khí hậu, dấu hiệu cho thấy chúng ta thiếu quan tâm đến ngôi nhà chung.

Khi nói đến những vấn đề như vậy, những vấn đề được chúng ta thảo luận trong những ngày này, các nhà lãnh đạo tôn giáo chắc chắn phải cam kết và nêu gương tốt. Chúng ta có một vai trò cụ thể để thủ diễn và Diễn đàn này đã mang đến cho chúng ta một cơ hội hơn nữa trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ của chúng ta là khuyến khích và hỗ trợ gia đình nhân loại của chúng ta, liên thuộc lẫn nhau nhưng đồng thời không kết nối với nhau, cùng nhau ra khơi. Do đó, tôi muốn đề xuất ba thách thức phát xuất từ Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại và từ Tuyên bố của Vương quốc Bahrain, chính dựa vào cả hai văn kiện này mà chúng ta đã suy tư trong những ngày này. Những thách thức này liên quan đến cầu nguyện, giáo dục và hành động.

Trước hết, cầu nguyện, một điều đụng đến trái tim con người. Sự thật mà nói, những bi kịch mà chúng ta đang phải chịu đựng, những chia rẽ nguy hiểm mà chúng ta đang phải trải qua, và “những mất cân bằng mà dưới đó, thế giới hiện đại đang lao đao, được liên kết với sự mất cân bằng căn bản hơn bắt nguồn từ trái tim con người” (Gaudium et Spes, 10). Đó là nguyên nhân tối hậu của chúng. Do đó, rủi ro lớn nhất không nằm ở các đối tượng chuyên biệt, các thực tại vật chất hay định chế, mà là ở khuynh hướng con người của chúng ta muốn giam mình trong tính nội tại của chính chúng ta, nhóm của chúng ta, lợi ích vụn vặt của chúng ta. Đây không phải là một thất bại của thời đại chúng ta: nó đã có mặt từ thuở sơ khai của loài người và với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, nó có thể được khắc phục (xem Fratelli Tutti, 166).

Vì lý do này, cầu nguyện, việc mở lòng chúng ta với Đấng Tối Cao, là điều cần thiết để thanh tẩy chúng ta khỏi tính ích kỷ, tư duy khép kín, tự quy chiếu vào mình, giả dối và bất công. Những người cầu nguyện nhận được sự bình an của trái tim; họ không thể không làm chứng cho điều này và mời gọi những người khác, trên hết là bằng gương sáng của họ, không trở thành con mồi cho một chủ nghĩa ngoại giáo vốn giản lược con người xuống hàng những gì họ bán, mua hoặc nhờ đó họ được giải trí, mà thay vào đó là khám phá lại phẩm giá vô hạn mà mỗi người đều được ban cho. Tín đồ các tôn giáo là những người đàn ông và đàn bà của hòa bình, những người, khi họ hành trình cùng với những người khác trên trái đất này, mời gọi họ, một cách dịu dàng và tôn trọng, hướng ánh nhìn của họ lên thiên đường. Họ mang vào lời cầu nguyện của họ, như hương thơm dâng lên Đấng Tối Cao (xem Tv 141: 2), những thử thách và khổ não của tất cả mọi người.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, có một tiền đề thiết yếu, và đó là tự do tôn giáo. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain giải thích rằng “Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta thực thi hồng phúc thần linh là tự do lựa chọn” và do đó, “tôn giáo cưỡng bức không thể đưa một con người vào mối liên hệ có ý nghĩa với Thiên Chúa”. Bất cứ hình thức cưỡng bức tôn giáo nào đều không xứng đáng với Đấng toàn năng, vì Người không trao thế giới cho các nô lệ, mà trao cho các tạo vật tự do, những người được Người hoàn toàn kính trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết bảo đảm rằng sự tự do của các tạo vật phản ảnh quyền tự do tối cao của Đấng Tạo Hóa, những nơi thờ phượng được bảo vệ và tôn trọng ở mọi thời và mọi nơi, và việc cầu nguyện đó được ủng hộ và không bao giờ bị cản trở. Việc cấp giấy phép và công nhận quyền tự do thờ phượng vẫn chưa đủ; cần phải đạt đến tự do tôn giáo thực sự. Về phương diện này, không những mọi xã hội, mà mọi tín ngưỡng đều được kêu gọi phải tự vấn lương tâm. Nó được kêu gọi tự vấn xem liệu nó có ép buộc các tạo vật của Thiên Chúa từ bên ngoài, hay giải phóng họ từ bên trong; liệu nó có giúp con người từ chối sự cứng ngắc, hẹp hòi và bạo lực hay không; liệu nó có giúp các tín đồ lớn lên trong sự tự do đích thực, không phải là làm những gì chúng ta muốn, mà là hướng bản thân đến điều tốt lành mà vì nó, chúng ta đã được tạo ra.

Nếu thách thức cầu nguyện liên quan đến trái tim, thì thách thức thứ hai, thách thức giáo dục, xét về yếu tính, liên quan đến tâm trí. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain quả quyết rằng "sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình". Điều này đúng, vì ở những nơi thiếu cơ hội giáo dục, chủ nghĩa cực đoan gia tăng và các hình thức của chủ nghĩa cực đoan bắt đầu mọc rễ. Tuy nhiên, nếu sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình, thì giáo dục là bạn của phát triển, với điều kiện là nền giáo dục thực sự phù hợp với đàn ông và đàn bà như những hữu thể năng động và có liên hệ. Một nền giáo dục không cứng ngắc và độc khối, mà cởi mở trước các thách thức và nhạy cảm với những thay đổi văn hóa; không tự quy chiếu và cô lập, nhưng chú ý đến lịch sử và văn hóa của người khác; không trì trệ, nhưng ham học hỏi và cởi mở đón nhận các khía cạnh khác nhau và thiết yếu của một gia đình nhân loại mà chúng ta thuộc về. Bằng cách đó, nó có thể đi vào trọng tâm của các vấn đề mà không cho là mình có câu trả lời dễ dàng để giải quyết các vấn đề phức tạp, nhưng thay vào đó sẵn sàng đón nhận khủng hoảng mà không hiểu nó dưới góc độ xung đột. Xung đột luôn dẫn đến hủy diệt. Một cuộc khủng hoảng giúp chúng ta suy nghĩ và phát triển. Bởi vì quả không xứng đáng với tâm trí con người khi nghĩ rằng quyền lực nên thắng lý trí, đưa các phương pháp của quá khứ vào các vấn đề hiện nay, áp dụng các mô hình dựa trên kỹ thuật hoặc sự tiện lợi đơn thuần đối với lịch sử và văn hóa của con người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặt câu hỏi, cho phép mình được thách thức, học cách tham gia đối thoại một cách kiên nhẫn, tôn trọng và sẵn lòng lắng nghe, tìm hiểu lịch sử và văn hóa của người khác. Đó là cách giáo dục tâm trí con người: bằng cách khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau. Vì nói rằng chúng ta khoan dung là điều không đủ: chúng ta thực sự phải nhường chỗ cho người khác, cho họ quyền và cơ hội. Đây là một cách tiếp cận bắt đầu với giáo dục và nó là một cách mà các tôn giáo được mời gọi hỗ trợ.

Cụ thể, tôi muốn nhấn mạnh ba ưu tiên giáo dục cấp bách. Thứ nhất, việc công nhận phụ nữ trong khu vực công: tức là quyền “học hành, việc làm, [và] quyền tự do thực thi các quyền xã hội và chính trị của họ” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Về điều này, cũng như trong các lĩnh vực khác, giáo dục là con đường dẫn đến sự giải thoát khỏi những di sản lịch sử và xã hội, trái ngược với tinh thần đoàn kết huynh đệ vốn phải đánh dấu những người thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận.

Thứ hai, “bảo vệ các quyền căn bản của trẻ em” (sđd), để các em được lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và hỗ trợ, để không phải sống trong cảnh kìm kẹp của đói khát và bạo lực. Chúng ta hãy dạy người khác, và tự học cách nhìn những cuộc khủng hoảng, các vấn đề và các cuộc chiến tranh qua con mắt của trẻ em: đây không phải là dấu hiệu của sự ngây thơ, mà là sự khôn ngoan biết nhìn xa trông rộng, bởi vì chỉ khi chúng ta quan tâm đến chúng thì sự tiến bộ sẽ được phản ảnh một cách hồn nhiên, chứ không phải là lợi nhuận, và dẫn đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và nhân bản hơn.

Giáo dục bắt đầu từ trung tâm của gia đình và tiếp tục trong một cộng đồng, làng hoặc thành phố. Thứ ba, tôi nhấn mạnh đến việc giáo dục quyền công dân, cách sống trong cộng đồng, tôn trọng lẫn nhau và luật pháp. Ngoài ra, tầm quan trọng đặc biệt của “khái niệm quyền công dân”, vốn “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”. Ở đây, cần có sự cam kết để chúng ta có thể “thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và bác bỏ việc sử dụng đầy kỳ thị thuật ngữ thiểu số vốn gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Việc sử dụng nó sai mở đường cho sự thù nghịch và bất hòa; nó hủy bỏ bất cứ thành công nào và lấy đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân, những người do đó bị kỳ thị” (sđd).

Và như vậy, chúng ta đi đến thách thức cuối cùng trong ba thách thức của chúng ta, liên quan đến hành động, chúng ta có thể nói các khả năng con người của chúng ta. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain nói rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị phạm thánh. Tất cả những người có tôn giáo đều bác bỏ những điều này như hoàn toàn không thể biện minh được. Họ mạnh mẽ bác bỏ sự phạm thánh của chiến tranh và việc sử dụng bạo lực. Và họ nhất quán đem việc bác bỏ này vào thực hành. Vì tuyên bố rằng một tôn giáo là hòa bình là điều chưa đủ; chúng ta cần phải lên án và cách ly những thủ phạm của bạo lực lạm dụng danh nghĩa của nó. Cũng sẽ không đủ khi chúng ta tự phân cách với việc bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cần phải chống lại chúng. “Đây là lý do tại sao cần phải ngưng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng các nỗ lực biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải được coi là tội ác quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Sự khủng bố đó phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu thức của nó” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Và cả khủng bố ý thức hệ nữa.

Những người đàn ông và phụ nữ có tôn giáo, với tư cách là những người yêu chuộng hòa bình, cũng phản đối cuộc chạy đua tái vũ trang, chiến tranh thương mại, thị trường của cái chết. Họ không ủng hộ "liên minh chống lại một số", nhưng ủng hộ các phương tiện gặp gỡ mọi người. Không khuất phục trước các hình thức chủ nghĩa tương đối hay chủ nghĩa hòa đồng hổ lốn dưới bất cứ hình thức nào, họ theo đuổi một con đường duy nhất, đó là con đường huynh đệ, đối thoại và hòa bình. Đó là những điều họ ủng hộ. Các bạn thân mến, chúng ta hãy theo đuổi con đường này; chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với anh chị em của chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục hành trình hướng tới việc nhận biết và thâm hiểu nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy củng cố mối liên kết giữa chúng ta, không hề hai lòng hay sợ hãi, nhân danh Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đặt chúng ta ở với nhau trên thế giới này như những người bảo vệ anh chị em của chúng ta. Và nếu các thế lực khác nhau đối xử với nhau trên cơ sở lợi ích, tiền bạc và quyền lực, chúng ta có thể chỉ cho họ thấy rằng một con đường gặp gỡ khác là điều khả hữu. Có thể và cần thiết, vì vũ lực, vũ khí và tiền bạc sẽ không bao giờ vẽ nên một tương lai hòa bình. Vì vậy, chúng ta hãy gặp gỡ nhau vì lợi ích của nhân loại và nhân danh Đấng yêu thương nhân loại, Đấng có tên là hòa bình. Chúng ta hãy cổ vũ các sáng kiến cụ thể để bảo đảm rằng hành trình của các tôn giáo lớn sẽ ngày càng là một ý thức hòa bình hữu hiệu và liên tục cho thế giới của chúng ta! Tôi gửi đến mọi người lời kêu gọi chân thành của tôi về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc vì hòa bình.

Tạo hóa mời gọi chúng ta hành động, đặc biệt thay mặt cho tất cả những tạo vật của Người, những người chưa tìm thấy một chỗ đứng thỏa đáng trong nghị trình của kẻ có quyền thế: người nghèo, người chưa sinh, người già, người ốm yếu, người di cư... Nếu chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa của lòng thương xót, nhưng không lắng nghe người nghèo và không đem tiếng nói cho người không có tiếng nói, thì ai sẽ làm điều này đây? Chúng ta đứng về phía họ; chúng ta hãy cố gắng hết sức để giúp đỡ một nhân loại bị thương và bị thử thách rất nhiều! Làm như vậy, chúng ta sẽ kéo xuống thế giới của chúng ta phước lành của Đấng Tối Cao. Cầu mong Người soi sáng cuộc hành trình của chúng ta và đoàn kết các trái tim, khối óc và sức lực của chúng ta (x. Mc 12:30), để việc tôn thờ Thiên Chúa của chúng ta được song hành với một tình yêu cụ thể và huynh đệ đối với người lân cận. Để cùng nhau, chúng ta có thể là những nhà tiên tri của cộng đồng, những nghệ nhân của sự hiệp nhất và những người xây dựng hòa bình. Cảm ơn các bạn.

_________________________________________________________________

[1] “Phương Tây có thể khám phá ra ở phương Đông những phương thuốc chữa trị cho những căn bệnh tâm linh và tôn giáo do chủ nghĩa duy vật thịnh hành gây ra. Và phương Đông có thể tìm thấy ở phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải phóng mình khỏi sự yếu kém, chia rẽ, xung đột và suy giảm khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Điều quan trọng là phải chú ý đến sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử vốn là một thành phần quan trọng trong việc hình thành tính cách, văn hóa và văn minh của phương Đông. Tương tự như vậy, điều quan trọng là củng cố mối ràng buộc của các quyền căn bản của con người để giúp bảo đảm một cuộc sống xứng đáng cho mọi người đàn ông và đàn bà ở phương Đông và phương Tây” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và Chung sống, ngày 4 tháng 9 năm 2019).