Kính thưa quý vị, thưa các bạn,

Năm cũ 2006 đã qua đi, 3 lãnh tụ từng là nguyên thủ của 3 quốc gia đã nằm xuống trong cùng tháng 12, mỗi một người đều mang cá tính, lãnh đạo quốc dân hoàn toàn khác biệt, thế nhưng cả 3 đều mang một mẫu số chung, một cách gián tiếp hay trực tiếp hàng ngàn người vô tội đã chết hay bị giết dưới quyền lãnh đạo của họ.

Cùng với tiếng nói của Giáo Hội, Vietcatholic xin lần lượt điểm qua cuộc đời của nhà độc tài Augusto Pinochet- Tổng Thống nước Chilê, Gerald Ford vị tổng thống bất đắc dĩ thứ 38 của Hoa Kỳ và cuối cùng là nhà độc tài Sađam Hussein của Irad đã bị án tử hình treo cổ.

-----------------

Augusto Pinochet- cựu Tổng Thống Chilê

Đức Hồng Y người Chilê đã cầu nguyện xin Thiên Chúa "quên đi những lỗi lầm" của Augusto Pinochê, nhà độc tài cai trị nước Chilê đã qua đời vào ngày Chúa Nhật 10/12/2006 hưởng thọ 91 tuổi.

Đức Hồng Y Francisco Errazuriz Ossa đã nói trong Thánh Lễ ngày 11/12 tại Trường Võ Bị Santiago, nơi Pinochet sẽ được hỏa táng vào ngày 12/12 "Xin Thiên Chúa nhìn đến những việc tốt lành mà ông đã thực hiện trong cuộc đời và xin để ông được yên nghỉ".

Cái chết của Pinochet, một người Công Giáo đã cai trị nước Chilê từ năm 1973 cho tới năm 1990, một nhân vật từng gây nhiều tranh luận trong những năm qua đã đưa ra nhiều dư luận phản ứng khác nhau. Trong khi nhiều người than khóc cho ông, thế nhưng nhiều người khác thì lại mở tiệc khai rượu ăn mừng.

Các tổ chức nhân quyền của Chilê đã ước lượng dưới quyền thống trị của chính quyền Pinochê, có ít nhất 2,100 người bị xử tử vì lý do chính trị, hơn 1,100 tù nhân bị mất tích và khoảng 10,000 tù nhân bị tra tấn trong những trại tù bí mật ở trong nước. Theo các tường trình chính thức cho biết, 3,197 người bị giết vì lý do chính trị trong suốt 17 năm Pinochet cầm quyền. Hơn 30,000 người bị tra tấn, rất nhiều người bị tù bất hợp pháp và cả ngàn người buộc phải sống lưu vong.

Trong những năm cuối cuộc đời ông, vì lý do sức khoẻ và mất đi những ký ức, Pinochet đã cố tránh những phiên hầu tòa trong các vụ án tố cáo ông về tội vi phạm nhân quyền. Ông đã được đưa vào bệnh viện từ ngày 3/12 vì cơn đau tim và phải giải phẫi tĩnh mạch.

Sau khi Pinochet qua đời, Đức Giám Mục Alejandro Foic Karmelic tại Rancaqua, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Chilê, đã cảnh giác phải tôn trọng đến gia đình Pinochet. Đức Giám Mục đã nói trên đài phát thanh Cooperativa tại Chilê rằng: "Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân từ ngay cả trên một tội nhân độc ác nhất".

Augusto Pinochet đã năm quyền hành trong một cuộc lật đổ chính quyền tổng thống Salvador Allende, một người theo chủ nghĩa Mác vào năm 1973. Nhiều người phò Pinochet đã lý luận rằng xâm phạm nhân quyền dưới chế độ của ông là điều cần thiết để cứu quốc gia khỏi lâm vào chính thể cộng sản.

Tổng Thống Salvador Allende là người tín cẩn Pinochet, vào năm 1973 đã tuyển chọn Pinochet làm Chỉ Huy Trưởng Quân Đội Chilê, nhưng "gậy ông vốn đập lưng ông" chỉ nội trong 19 ngày sau khi được bổ nhiệm, vào ngày 11/9/1973 với sự nâng đỡ của tình báo C.I.A của Mỹ, Pinochet đã điều động quân đội để lật đổ Allende. Máy bay, phóng pháo, hỏa xa và binh sĩ quân đội tấn công vào dinh tổng thống. Tổng thống Allende xin điều đình, thế nhưng Pinochet đã ra lệnh "phải đầu hàng vô điều kiện" và nói rằng ông sẽ cho một chiếc máy bay để chở Allende và gia đình trục xuất ra khỏi nước, nhưng Pinochet lại cười khà khà và thêm rằng chẳng mấy chốc chiếc máy bay sẽ bị lao xuống đất. Allende biết rằng Pinochet đã sống và lớn lên với giòng máu Mácxít, miệng nói một đường nhưng tay làm một nẽo, cuối cùng thì thế nào cũng sẽ bị giết, Allende đã rút ngay khẩu súng lục do chính chủ tịch Fidel Castro của Cuba tặng để kê vào đầu bắn phát súng tự vẫn.

Khi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tông du Chilê vào tháng 4/1987, Pinochet đã viện dẫn quyền hành trong quân đội của ông là một nỗ lực nhằm bảo vệ "giá trị Kitô Giáo chân chính của Phương Tây" để chống lại chủ nghĩa Mácxit quốc tế.

Tại Chilê hầu hết 80% dân cư theo đạo Công Giáo, rồi dưới chế độ của Pinochet, văn phòng Đại Kết "Vicariate of Solidarity" của Giáo Hội Công Giáo về nhân quyền Chi Lê trở thành mục tiêu đối với chính quyền vì chất chứa những tài liệu nói đến những hành vi lạm dụng quyền bính nơi chính quyền.

Sau những nỗ lực không thành công nói lên hành vi của Pinochet vào năm 1986, các nhân viên của văn phòng Đại Kết của Giáo Hội phải đương đầu đến những ngăm đe và hăm dọa càng ngày càng gia tăng. Các vị thừa sai Công Giáo bị chính quyền càn quét, 3 linh mục người Pháp và 2 thừa sai giáo dân đã bị trục xuất ngay lập tức, trong khi các vị thừa sai khác bị giam giữ hoặc tình trạng di dân nhập cảnh bị hạn chế hay thay đổi.

Cũng trong thời điểm đó, Giám Mục Carlos Camus Larenas tại Linared bị đe dọa tính mạng. Đức Cố Hồng Y Juan Francisco Fresno Larrain, là người được bổ nhiệm lên làm Tổng Giám Mục tại Santiago vào năm 1983, cũng là một ngưòi mạnh mẽ lên án sự lạm dụng quyền bính của chính quyền. Vào năm 1982, Đức Hồng Y đã triệu tập các nhà lãnh đạo của 11 đảng chính trị để ký vào văn kiện kêu gọi sự hòa giải đất nước, tự do đi bầu, quyền tự trị cho đại học và quyền sở hữu tài sản.

Trong khi sửa soạn cho một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1988 để chấp nhận hay từ chối để Pinochet có thể nắm quyền hành thêm nhiệm kỳ 8 năm nữa, Đức Hồng Y Fresno đã giảng trong Thánh Lễ trước sự hiện diện của Pinochet-- khẩn cầu kêu gọi "một nước Chilê trong tình anh em, không phải là một nước với những địch thù đang gia tăng sự bất hòa, ngạo mạn và càng ngày càng mù quáng vì nóng giận".

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1990 đã kết liễu một chế độ độc tài do Pinochet cầm đầu, thế nhưng ông vẫn còn quyền hành chỉ huy trong quân đội. Vào tháng 9/1991, khi những nhân công đã khám phá ra mồ chôn tập thể gọi là Patio 29 với khoảng 100 hài cốt, 2 người trong một hòm là những nạn nhân dưới chế độ Pinochê, Pinochet đã làm phẫn nộ các gia đình thân nhân khi nói rằng để 2 tử thi trong một hòm nhằm tiết kiệm đất.

Theo hiến pháp được ký dưới chế độ Pinochet, vào năm 1998 ông buộc phải từ chức trong chức vụ nguyên thủ quốc gia nhưng được coi là thượng nghị sĩ trong suốt cuộc đời còn lại.

Vào tháng 10 cùng năm đó tức năm 1998, theo trát lệnh của thẩm phán Tây Ban Nha, Pinochet bị chính quyền Anh Quốc bắt tại bệnh viện tư ở Luân Đôn trong khi điều dưỡng sau cuộc giải phẫu ở lưng, Chính quyền Tây Ban Nha đã yêu cầu Anh Quốc cho dẫn độ Pinochet về Tây Ban Nha để xử tội diệt chủng và tra tấn hơn 90 người bao gồm những người có quốc tịch Anh và Tây Ban Nha.

Mặc dầu ban đầu 3 thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Anh Quốc đã chống lại lệnh giam giữ Pinochet, nhưng quyết định bị kháng cáo. Trong suốt những tháng sau đó, một số cư dân Chilê sống lưu vong tại Anh đã phản đối Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vì họ cho rằng Đức Hồng Y Jorge Medina Estevez người Chi Lê, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã điều đình một cách kín đáo để Pinochet được tự do và trở về Chilê.

Đức Hồng Y Estevez tuyên bố rằng: "Chúng tôi không nói là không có sự vi phạm nhân quyền dưới chế độ quân sự; chúng tôi biết là nó đã xảy ra, nhưng chúng tôi không tin rằng bất kỳ quốc gia ngoại bang có quyền để giải quyết các vấn đề luật pháp của chúng tôi".

Pinochet được phép trở về Chilê vào năm 2000 sau khi quan tòa Anh Quốc phê phán là ông không đủ sức khoẻ để ra hầu tòa. Nhưng dẫu thế nào đi nữa Pinochet đã gây ra một sự chia rẽ, căm thù rất lớn trong xã hội Chilê, nó không bao giờ hàn gắn được hay xóa nhòa đi những đau thương quá khứ do chính ông gây ra.

(còn tiếp)