Luật-Sư Trần Lê Nguyên trả lời luận điểm pháp lý của chủ nhiệm Luật sư Đoàn Hà Nội về Nghị Quyết số 23 /2003/QH 11 ngày 26/11/2003

Trước hết chúng tôi cám ơn Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà nội, đại diện Đoàn Luật Sư Hà Nội đã đưa ra quan điểm pháp lý (avis juridique) về Nghị Quyết số 23 /2003/QH 11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam.

Trước hết, đế giúp độc giả có một ý niệm chính về nội dung Nghị Quyết số 23 /2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, chúng tôi xin tóm lược ý chính sau đây: Nghị Quyết số 23 /2003/QH11 nói trên nhằm loại bỏ, không xem xét và không bồi thường các đơn khiếu nại, tố cáo hay đòi bồi thường liên quan tới bất động sản thuộc diện cải tạo xã hội trước ngày 1/7/1991.

Trong bài viết ‘’Nhà Nước pháp quyền qua việc hành xử của Chính quyền liên quan tới bất động sản của Giáo Xứ Thái Hà’’, chúng tôi đã minh chứng Nghị Quyết số 23 /2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam là vi hiến, vi luật và không có hiệu lực pháp lý, bất khả thi hành và phải bị hủy bỏ.

Những lý lẽ chính đã dẫn chứng:

- Một Nghị Quyết của Quốc Hội là một bản văn dưới luật (Sub Law) không thể hủy một điều khoản của một Bộ Luật (Law) có uy lực trên Nghị Quyết. Đó là nguyên tắc căn bản của hệ thống luật pháp (Rules of Law ). Trong Luật Học, sự vi phạm trên có tên là ULTRA VIRES, có nghĩa là vô thẩm quyền hay ngoài thẩm quyền.

- Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam vi phạm nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp vì luật pháp chỉ có hiệu lực trong tương lai mà thôi, không thể tước đoạt các quyền lợi đã thủ đắc hợp pháp trong quá khứ: quyền sở hữu bất động sản của Giáo Xứ Thái Hà thủ đắc từ hơn 80 năm nay qua các bằng khoán và họa đồ địa chính.

- Đàng khác Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã tạo ra sự bất công và bất bình đẳng trong việc đối xử giữa các công dân, trái với các qui định trong Hiến Pháp và các Bộ Luật của nước CHXHCN Việt Nam công nhận và bảo vệ quyền công bằng và bình đẳng giữa các công dân, các tổ chức tôn giáo.


Vài ngày sau, trên Báo Hà Nội Mới ngày 7/9/2008, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà nội, đại diện Đoàn Luật Sư Hà Nội đã trả lời phóng viên Hải Hà:

"Vừa qua trên trang Web VietCatholic.net có đăng bài viết của luật sư Trần Lê Nguyên cho rằng UBND TP Hà Nội căn cứ vào Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam để bác bỏ các khiếu nại của Nhà Thờ Thái Hà là sai.

Báo Hà nội mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà nội về vấn đề này’".


PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình về nhận định của Luật sư Trần Lê Nguyên?


Câu trả lời của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: "Luật đất đai năm 1993 quy định rõ Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất mà nhà nước đã thực hiện các chính sách quản lý và giao cho người khác sử dụng…”

Như chúng tôi đã trình bày trên bài viết nêu trên: bất động sản thuộc Giáo Xứ Thái Hà không thuộc diện cải tạo xã hội và không thuộc đất mà nhà nước đã thực hiện các chính sách quản lý.

Nên Luật đất đai năm 1993 không thể áp dụng, và chính vì thế ngày 26/11/2003 Quốc Hội VN đã phải ra Nghị Quyết số 23/2003/QH11 để áp đặt tính cách hồi tố của luật dân sự nhằm tước đoạt tài sản thuộc Giáo Xứ Thái Hà một cách hợp pháp.

Nếu Luật đất đai năm 1993 được áp dụng, thì Quốc Hội VN đã không ra Nghị Quyết số 23/2003/QH11 nêu trên. Nhưng Nghị Quyết này vô hiệu vì vi phạm Hiến Pháp và các Bộ Luật của CHXHCN Việt Nam.

Về việc giáo dân Xứ Thái Hà vi phạm Luật Hình sự: Điều 143 BLHS “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và Điều 254 BLHS “gây rối trật tự công cộng” là hoàn toàn phi lý và sai lầm trong việc thẩm định (qualify-qualifier) các yếu tố (éléments) cấu thành tội phạm cũng như các lãnh vực (domaine) Dân sự (droit civil- Civil Law) và Hình sự (droit criminel- Criminal Law).

Lý do rất đơn giản là việc đòi lại bất động sản bị Chính Quyền chiếm dụng bất hợp pháp là hành vi dân sự.

Việc tụ hội trong khuôn viên đất tranh chấp của Giáo Xứ Thái Hà để đọc kinh và ca hát trong hòa bình các bài ca tôn giáo không vi phạm bất cứ một điều luật nào của luật pháp Việt Nam, đặc biệt Điều 254 BLHS “gây rối trật tự công cộng’’.

Về việc có đập phá vài hàng gạch bức tường siêu vẹo có nguy cơ an toàn cho dân chúng cũng không thể qui ghép họ về tội phá hủy tài sản công dân được vì người chủ đích thực là Giáo Xứ Thái Hà, người quản lý là Công ty May Chiến Thắng đã không hoạt động gần 10 năm nay, không một ai khiếu nại về hành vi trên.

Nên Điều 143 BLHS “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” không thể áp dụng vào trường hợp nêu trên.

Nếu phải áp dụng 2 điều luật: Điều 143 BLHS “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’’ và Điều 254 BLHS “gây rối trật tự công cộng” thì chính công ty May Chiến Thăng hay người thụ ủy đã ngang ngược xây cất một căn nhà bằng gạch và xi-măng chiếm hết hè đường và chiếm luôn ½ lòng đường để bán bia cam nước ngọt và làm bãi đậu xe thu tiền.

Bởi vì:

- xây cất bằng gạch và xi-măng đã phá hủy hoàn toàn vỉa hè dành cho người đi bộ và làm hư hại lòng đường dành cho xe cộ vận chuyển (Điều 143 BLHS “hủy hoại hoăc cố ý làm hư hỏng tài sản»);

- việc chiếm dụng vỉa hè và xây cất lấn chiếm ½ lòng đường làm cản trở lưu thông gây mất an toàn lưu thông cho xe cộ và mất an ninh công cộng cho người đi bộ như 2 tấm hình chúng tôi chụp ngày 3/9/2008 (Điều 254 BLHS “gây rối trật tự công cộng’’).

Vậy ai là người vi phạm các điều Luật Hình sự 143 BLHS “hủy hoại hoăc cố ý làm hư hỏng tài sản” và Điều 254 BLHS “gây rối trật tự công cộng’’.

Việc vi phạm pháp luật trên có tính cách cố ý (intention criminelle) và công khai thách đố uy quyền của luật pháp về Luật xây dựng, Luật về an ninh trật tự công cộng, về quy hoạch thành phố vv…

Việc chiếm dụng và xây cất trái phép luật trên ngay trước 2 trạm kiểm soát của Công an thành phố!!!


Bởi vậy, chúng tôi mời Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà nội thân hành cùng với Phóng Viên Hải Hà tới quan sát và thẩm định tại hiện trường việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về việc chiếm hết vỉa hè ( trottoire), ½ lòng đường(chaussée) và việc xây cất bất hợp pháp này.

Nhân tiện qúi vị sẽ chứng kiến thấy sự hiền lành và bình an của các giáo dân Xứ Thái Hà cũng như các giáo dân khác đang thinh lặng cầu nguyện sốt sắng hay có lúc cất lên những lời thánh ca yêu thương tha thứ, khác hẳn những điều được đăng trên các báo, đài Nhà nước chúng ta.

PV: Nhưng trên một số báo điện tử nước ngoài, có ý kiến cho rằng Nghị Quyết số 23 (/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam) vi phạm nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp?


Câu trả lời của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: - Khẳng định này là sai... Trong trường hợp cần thiết, người làm luật có thể quy định hiệu lực hồi tố trong một số quy phạm pháp luật cụ thể trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo của pháp luật. Ví dụ trong luật hình sự …

Qua các câu trả lời trên, Chúng tôi nhận thấy Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đã:

- không phân biệt được một trong những nguyên tắc căn bản giữa Luật Dân sự và Luật Hình sự: đó là nguyên tắc tổng quát bất hồi tố áp dụng chung cho tất cả các Luật Lệ không phân biệt lãnh vực.

Lý do thật đơn giản là: nếu áp dụng Luật mới cho các vụ việc quá khứ sẽ đảo lộn xã hội, gây bất công và mất an toàn pháp lý cho mọi sinh hoạt bình thường trong xã hội giữa các công dân với nhau.

_ Đã lầm lẫn giữa tội phạm trong Hình Luật và án phạt đã tuyên phạt: nguyên tắc bất hồi tố trong Hình Luật phải luôn luôn được áp dụng liên quan tới các tội phạm đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Đó là nguyên tắc: không có Luật thì không có tội. Nói khác đi không thể quy trách nhiệm hình sự (truy tố) những hành vi hay việc làm quá khứ mà Luật Hình sự mới qui định tội phạm.

Đây cũng chỉ là logique bình thường của người dân bình thường không có kiến thức gì về Luật học.

Về án phạt đã tuyên phạt thì nếu một điều khoản mới nào đó quy định hình phạt cùng một tội danh trong Hình Luật thay đổi có lợi cho phạm nhân về hình phạt, thì phạm nhân đó được thụ hưởng hình phạt này.

Ví dụ một phạm nhân bị kết án tử hình về tội tham nhũng cách đây 1 năm và án chưa thi hành. Nay một điều khoản trong Bộ Hình Sự quy định mức hình phạt cho tội danh đó là chung thân, thì phạm nhân đó được hưởng án chung thân thay vì bị án tử hình đã tuyên phạt.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà nội đã sai lầm nghiêm trọng trong việc thẩm định khía cạnh hình phạt với tội phạm.

Tệ hại hơn, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ lại dùng luận cứ pháp lý sai lầm này (hình phạt trong Hình sự) để biện minh cho rằng Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam (Luật Dân dự) có hiệu lực hồi tố là đúng pháp luật !!!

Chính vì sự thiếu hiểu biết về các nguyên tắc pháp lý căn bản trên mà Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà nội, đã thẩm định sai lầm về trách nhiệm hình sự với trách nghiệm dân sự để rồi đưa ra những kết luật "chết người” nêu trên.

Chúng tôi hy vọng rằng vì lý do công bằng, Báo Hà Nội Mới cho đăng bài viết phản hồi này để rộng đường dư luận và tương lai là một diễn đàn lạnh mạnh thay vì tố cáo và kết án không có căn bản pháp luật.