DÂN SỐ VÀ SỰ SỐNG CON NGƯỜI (5)

2. Sự sống con người

Sự sống con người là một đề tài đang thu hút sự chú ý của các khoa học gia và nhất là những nhà đạo đức khi con người đang đối diện với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vấn đề tạo sinh. Con người là một thực thể xã hội và tôn giáo. Những người sống trong xã hội, vì một lý do nào đó, muốn khám phá ra những điều kỳ diệu trong thiên nhiên và muốn nổi danh nên đã muốn can thiệp vào lãnh vực sự sống con người một cách phi nhân bản. Sự can thiệp vô luân này đã khiến các nhà luân lý không thể không lên tiếng chống lại những nguy cơ làm phương hại đến nhân vị sự sống.

2.1. Thiên Chúa là chủ sự sống

“Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử” (1Sm 2,6). Sự sống là một điều gì đó rất huyền nhiệm nhưng cũng rất cụ thể có liên quan đến mỗi một con người. Bao lâu con người đang còn sống trên hành tinh này, thì bấy lâu con người đang nỗ lực đi tìm những phương thuốc giúp con người sống khỏe hơn, lâu hơn và hạnh phúc hơn. Cái khát vọng này thật là chính đáng. Nhưng nhiều lúc con người đã dùng những biện pháp để biến khát vọng đó thành hiện thực một cách phi lý, phi lý đến nỗi chống lại phẩm giá cao trọng của chính mình. Người ta dùng những phương pháp để can thiệp vào sự sống con người, nhưng không thiếu những lần những phương pháp đó gây tác hại trên phẩm giá của nhân vị. Người ta có thể nhân danh khoa học hay tiến bộ để can thiệp vào nhân vị sự sống không? Người ta có thể nhân danh lòng từ bi để giết hại những sinh mạng chưa có khả năng tự vệ không? Người ta có thể để bảo vệ mạng sống người này mà hủy diệt sự sống của người khác không? Sự sống là một huyền nhiệm. Không ai có quyền trên sự sống của người khác vì bất cứ lý do gì. Đó không chỉ là một suy tư mang tính triết học, nhưng phải nói đó là một mệnh lệnh Thiên Chúa đã thiết định trong lương tri con người. Câu chuyện trong sách Sáng Thế, Ca-in giết hại em mình là A-ben, Thiên Chúa đã hạch hỏi Ca-in: “A-ben em ngươi đâu rồi?” (St 4,9). Và khi một người nào đó giết hại anh em đồng loại của mình thì Thiên Chúa cũng sẽ hỏi như thế. Điều này cho ta thấy là vì bất cứ lý do gì cũng không được xúc phạm đến mạng sống của người anh em mình, đó là quyền của Thiên Chúa.

Tiên tri Ê-dê-ki-en cho ta biết rõ tư tưởng và mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết.” (Ed 18,4).

Không ai có quyền trên mạng sống người khác và ngay cả trên cả mạng sống của mình. Thiên Chúa là chủ sự sống của con người. Và chỉ Thiên Chúa có quyền trên mạng sống ấy.

2.2. Con người là cộng tác viên của sự sống

Sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã giao lại cho con người. Trong vấn đề sự sống, Thiên Chúa là chủ sự sống và khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ, một phần nào đó là Thiên Chúa muốn kêu mời con người cộng tác vào việc tạo sinh. Thiên Chúa kêu gọi người nam người nữ đến với nhau làm thành đôi vợ chồng, sống yêu thương, bổ túc cho nhau và sinh dưỡng con cái. Con người có địa vị cao trọng vì con người được kêu gọi cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra những hữu thể người mới, một tuyệt tác trên mọi tuyệt tác, hình ảnh Thiên Chúa. “Trọng trách lưu truyền sự sống con người, làm cho đôi bạn trở thành những cộng tác viên tự do và hữu trách của Tạo Hóa, vốn gây cho chính họ những khoái lạc bao la, và nhiều khi đem theo không ít những khó khăn và vất vả.”[1]

2.3. Quà tặng sự sống

Phân tích dưới khía cạnh sinh học, chúng ta thấy những con số về các thành phần có trong con người thật là huyền vi. Sự sống là cả một huyền nhiệm. Từ khi hai người nam nữ có quan hệ với nhau, hàng triệu tinh trùng dành nhau để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua làm tác nhân kết hợp với trứng nơi người phụ nữ tạo thành một sự sống mới.[2] Để có được một con người mới, cái trứng được thụ thai phải phát triển qua các giai đoạn thật là kỳ diệu.[3] Trên thế giới có hàng triệu người, nhưng có thể nói là không ai giống ai. Thiên Chúa quả là một nhà điều khắc tuyệt vời. Và khi một sự sống được hình thành thì đó cũng là lúc Thiên Chúa ban tặng cho đôi vợ chồng một món quà vô giá, độc nhất vô nhị: “Ơn sự sống mà Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo và là Cha, đã trao ban cho con người, đòi hỏi con người phải ý thức về giá trị vô giá của nó và biết lãnh nhận trách nhiệm. Nguyên tắc căn bản đó phải được đặt ngay ở trung tâm của sự suy tư, để soi sáng và giải quyết những vấn đề đạo đức do những can thiệp nhân tạo vào sự sống mới phát sinh và vào những diễn tiến của sự tạo sinh đặt ra.”[4]

2.4. Khởi đầu sự sống

Sự sống khởi sự khi nào? Đó là câu hỏi đã được nhiều nhà khoa học, y học, triết học và luân lý đặt ra. Nhưng khó có câu trả lời dứt khoát. Ai có thể phân tích được linh hồn để xác định sự khởi đầu của sự sống? Dù theo thuyết nào đi nữa thì chúng ta không thể nói một cách chắc chắn hay biết một cách rõ ràng sự khởi đầu của một nhân vị. Để chắc chắn nhất và để tránh nguy cơ lạm dụng, Giáo Hội nói rằng sự sống con người bắt đầu từ giây phút đầu tiên, khi tinh trùng gặp trứng, nghĩa là từ lúc thụ thai. Sẽ không có nhân vị sự sống nếu không có một sự khởi đầu ngay từ giây phút đầu tiên ấy. Ai phủ nhận giây phút đầu tiên thì cũng phủ nhận luôn mọi giây phút của một nhân vị sự sống.

“Ngay từ khi noãn thụ tinh, đã khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy. Điều hiển nhiên muôn thuở đó, đã được khoa di truyền học hiện đại xác nhận. Khoa di truyền cho thấy, ngay từ giây phút đầu tiên, chương trình phát triển trong tương lai của sinh thể đó đã được định đoạt: một con người, một con người cá biệt với những đặc tính xác định rất rõ ràng. Cuộc phiêu lưu của sự sống trong một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ tinh, với thời gian, các khả năng to lớn của sự sống sẽ lần lượt xuất hiện và sẵn sàng hoạt động.”[5]

(còn tiếp)

Chú thích:

[1] Phao-lô VI, Thông điệp Sự sống con người (Humanae Vitae), 25/07/1967, số 1.

[2] Xc. Nhóm Biên soạn, Đạo đức Sinh học Bioethics (Lưu hành nội bộ, 2003), tr. 158-160.

[3] Ibidem, tr. 160-165.

[4] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Hồng ân Sự sống, 22/02/1987, trích lại trong Một số tài liệu Huấn quyền liên quan đến vấn đề Luân lý (Sài Gòn: Đại chủng viện thánh Giuse, 2004), tr. 391.

[5] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18/11/1974), số 12-13.